Đó là kết quả cuộc khảo sát do Military Times (tập đoàn truyền thông chuyên phục vụ độc giả là quân nhân và những người quan tâm đến hoạt động quốc phòng của Mỹ) phối hợp với Viện Nghiên cứu về Cựu chiến binh và Gia đình quân nhân của Đại học Syracus (New York), phối hợp thực hiện cách nay hơn một tháng, vừa công bố ngày mùng 7 (1).
Ngày càng nhiều quân nhân hiện dịch cảm thấy không hài lòng về chính sách đối ngoại hiện nay của Mỹ
Có 1.630 quân nhân hiện dịch (phục vụ toàn thời gian) là độc giả thường xuyên của Military Times tham gia khảo sát, trong đó có 92% là đàn ông, 8% là phụ nữ. Nếu tính theo chủng tộc, 78% là da trắng, 14% là công dân Mỹ gốc Hispanic, 13% là công dân Mỹ gốc Châu Phi, 5% là công dân Mỹ gốc Châu Á, 5% còn lại thuộc các chủng tộc khác.
Mẫu khảo sát bao gồm 28 câu hỏi nhằm tìm hiểu quan điểm của các quân nhân hiện dịch cả về bối cảnh chính trị hiện nay tại Mỹ lẫn chính sách và những vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia của Mỹ. Vào thời điểm cuối tháng 11 năm 2019, chỉ có 28% tham gia khảo sát tán thành chính sách hiện nay đối với Iran. Tỉ lệ không tán thành khoảng 45%.
Theo nhận định của những người tham gia khảo sát, mức độ nguy hiểm đối với an ninh và lợi ích của Mỹ xếp theo thứ tự từ thấp đến cao là Iraq (chỉ 8%), Afghanistan (khoảng 9%), Syria (khoảng 20%), Bắc Hàn (khoảng 35%), kế đó là Iran (50%). Nguy hiểm hơn cả là Nga (khoảng 68%) và nguy hiểm nhất là Trung Quốc (khoảng 76%).
So sánh kết quả các cuộc khảo sát trước đây và hiện nay, Military Times cho biết, ngày càng nhiều quân nhân hiện dịch cảm thấy không hài lòng về chính sách đối ngoại hiện nay của Mỹ. Tỉ lệ ủng hộ về chính sách đối với Bắc Hàn là ngoại lệ - tăng thêm 1% (từ 33% lên 34%), tương hợp với khuynh hướng chung: Mong muốn chính sách của chính phủ Mỹ tập trung nhiều hơn vào Châu Á, hành xử mạnh mẽ hơn tại đây.
Có một điểm đáng chú ý là ở cuộc khảo sát được thực hiện vào đầu năm 2018, khoảng 68% quân nhân hiện dịch tin rằng, nếu xảy ra một cuộc xung đột quân sự lớn, Mỹ đủ khả năng kết thúc trong vòng 12 tháng, tuy nhiên ở cuộc khảo sát vừa thực hiện cách nay hơn một tháng, tỉ lệ này đã giảm xuống còn 51%.
Military Times nhấn mạnh lưu ý, khảo sát được thực hiện trước khi mức độ căng thẳng giữa Mỹ và Iran gia tăng vì cuộc không kích giết Qasem Soleimani, chính phủ Iraq có ý định đầy quân đội Mỹ ra khỏi lãnh thổ Iraq vì cuộc tấn công này và hàng ngàn quân nhân Mỹ được điều động đến Trung Đông để bảo vệ các cơ sở ngoại giao, các căn cứ của Mỹ.
***
Hôm 6 tháng 1, Stars And Strips – cơ quan truyền thông của quân đội Mỹ - cho biết, Bộ Quốc phòng Mỹ đã quyết định điều động Lữ đoàn Dù 193 đến Trung Đông. Lữ đoàn này là một trong những đơn vị thuộc lực lượng phản ứng nhanh, trước nay vẫn trú đóng tại Vicenza (Ý) để ứng phó với các biến cố tại Châu Âu, Châu Phi (2).
Ngày 7 tháng 1, Stars And Strips cho biết, "Defender - Europe 20" (cuộc tập trận được xem là lớn nhất giữa Mỹ và các đồng minh ở Châu Âu trong năm nay) có thể sẽ bị xáo trộn đáng kể vì một số đơn vị mà theo dự kiến sẽ góp mặt cho đủ 20.000 quân nhân Mỹ tham gia tập trận cùng các đồng minh tại Georgia (một quốc gia từng thuộc Liên bang Xô viết trước khi tan rã) đã hoặc sẽ được điều động đến Trung Đông (3).
Cũng theo Stars And Strips, do mức độ căng thẳng giữa Mỹ và Iran gia tăng, quân đôi Mỹ đã hủy kế hoạch có tên Hải sư Châu Phi (African Sea Lion) - tập trận với các đồng minh Châu Phi tại Morocco vào cuối tháng này vì một số đơn vị hải quân và Thủy quân lục chiến mà theo dự kiến sẽ tham gia tập trận đã lên đường sang Trung Đông.
Stars And Strips nhận định, mức độ căng thẳng giữa Mỹ và Iran gia tăng đang tác động đáng kể đến ưu tiên hàng đầu của Bộ Quốc phòng Mỹ : Giảm hoạt động tại Trung Đông, thông qua các cuộc tập trận thắt chặt quan hệ với các quốc gia ở Châu Âu và Thái Bình Dương để kiềm chế, răn đe cả Nga lẫn Trung Quốc.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 08/01/2020
Chú thích :
(2) https://www.stripes.com/news/europe/173rd-airborne-brigade-troops-to-deploy-to-middle-east-1.613712