Iran : Dồi dào tên lửa nhưng thiếu tiêm kích hiện đại
Nhật báo Le Monde trên trang nhất "đặt nghi vấn về năng lực quân sự của Iran". Vụ bắn 200 tên lửa vào Nhà nước Do Thái trong đêm 01 rạng sáng 02/10/2024 đã cho thấy những thế mạnh và điểm yếu của kho vũ khí Iran.
Ảnh do quân đội Iran công bố ngày 19/01/2024 : Một tên lửa đạn đạo được phóng đi trong cuộc tập trận ở phía nam Iran. AP
Bất chấp hiệu quả hệ thống phòng không nhiều tầng – từ Vòm Sắt (Iron Dome), Chiếc Đũa Thần (Magic Wand) hay Mũi Tên (Arrow) – cùng với sự hỗ trợ từ hệ thống tên lửa bắn chặn của Mỹ, được phóng đi từ một vùng biển nằm giữa Địa Trung Hải và vịnh Oman, vài tên lửa Iran đã xuyên thủng hàng phòng thủ, đào nhiều miệng hố có thể thấy rõ.
Với cuộc tấn công này, Iran đã có thể chứng tỏ uy lực của kho vũ khí tên lửa, được phát triển từ năm 1983, trong suốt cuộc chiến tranh Iran – Iraq (1980-1988) để chống Iraq và sau này là để đối phó với Mỹ và Israel dưới bóng của lệnh trừng phạt quốc tế ngày càng được siết chặt từ năm 2006 do chương trình phát triển hạt nhân của Tehran.
Theo Le Monde, kho tên lửa hiện nay của Iran ước tính có đến nhiều nghìn đơn vị với hơn một chục loại khác nhau, từ rốc-kết, tên lửa đạn đạo cho đến tên lửa hành trình… Số vũ khí này được chứa trong các hầm dưới lòng đất đôi khi sâu đến gần 500 mét.
Năm 2023, Iran còn tự hào sở hữu loạt tên lửa siêu thanh có tốc độ rất nhanh và cơ động, khó thể bắn chặn, một công nghệ cho đến giờ Hoa Kỳ vẫn chưa hoàn toàn làm chủ. Một trong số những tên lửa này, được đặt tên là Fattah, có tầm bắn từ 1.400 – 1.500 km, dường như đã được dùng trong cuộc oanh kích Israel ngày 01/10 vừa qua.
Tom Karako, chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho rằng kho vũ khí đa dạng, có thể là lớn nhất ở Trung Đông, và được xây dựng với sự "trợ giúp của nước ngoài", thực sự là một mối đe dọa cho Israel cũng như nhiều nước khác trong vùng, như Saudi Arabia.
Kho tên lửa : Chiếc tủ kính che giấu khiếm khuyết
Tuy nhiên, kho vũ khí đạn đạo này vẫn chỉ là một chiếc tủ kính cho bộ máy quân sự, không đủ che giấu những yếu kém to lớn khác. Quân đội Iran vẫn chưa có được một phi đội tiêm kích hiện đại, thiếu hụt nghiêm trọng các hệ thống phòng không và bắn chặn tên lửa. Nhà nghiên cứu Heloise Fayet, Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI), còn ghi nhận, ngoại trừ lực lượng Vệ Binh Cách Mạng tinh nhuệ, quân đội Iran tuy đông đảo nhưng lại ít được huấn luyện, thiếu kinh nghiệm chiến trường.
Hiểu rõ những hạn chế của cỗ máy quân sự, Tehran từ lâu tìm kiếm sự hỗ trợ từ Nga. Vì một phần lý do này mà Iran đã hậu thuẫn quân sự cho cuộc chiến xâm lược Ukraine của Nga, bằng cách chuyển giao công nghệ sản xuất drone Shahed.
Đổi lại, Moskva sẽ giao chiến đấu cơ đời mới nhất Su-35, theo thỏa thuận được ký giữa hai nước vào tháng 11/2023. Tuy nhiên, Nga do dự trong việc nhượng cho Iran hệ thống tên lửa S-400, một hệ thống phòng không và bắn chặn tên lửa rất hiệu quả.
Giới quan sát có chung nhận định : Đối mặt với ưu thế trên không, Iran không có nhiều lựa chọn cho các phương án đáp trả có thể trong tương lai !
Xung đột Iran – Israel : Vị thế của Pháp tại Lebanon bị lung lay ?
Kết thúc phiên họp Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia tối thứ Ba 01/10 tại điện Elysée, tổng thống Pháp trong thông cáo đã lên án mạnh mẽ các cuộc tấn công mới của Iran vào Israel. Ông còn kêu gọi Hezbollah chấm dứt "các hoạt động khủng bố" chống Israel và người dân nước này, đồng thời mong muốn "Israel sớm ngưng các chiến dịch quân sự" tại Lebanon.
Trong thông cáo, phủ tổng thống Pháp còn cho biết đã huy động nhiều phương tiện quân sự ở Trung Đông nhằm ngăn chặn mối đe dọa Iran. Bộ trưởng Quân lực Pháp, trả lời phỏng vấn tuần báo Le Point, cho rằng "an ninh của Israel là không thể đàm phán". Hồi tháng 4/2024, Paris cũng "lững lờ" thừa nhận có một vai trò trong việc bắn chặn tên lửa Iran.
Theo Le Monde, Paris đang tìm cách tách rời các hồ sơ Iran và Lebanon, một chiến lược mà nhiều nhà quan sát đánh giá là khó thể thực hiện và có thể làm phức tạp thêm những nỗ lực đóng vai trò trung gian của Pháp nhằm hòa giải Israel và Hezbollah, đã đưa ra ngay từng những ngày đầu của cuộc xung đột.
Nhà cựu ngoại giao Yves Aubin de La Messuzière giải thích : "Pháp tự cho là nhà trung gian hòa giải, nhưng thực tế không phải vậy. Pháp rất gần gũi với Lebanon dù rằng ảnh hưởng của Pháp ở nước này đã bị giảm đi rất nhiều. Việc đưa ra quan điểm rõ ràng ủng hộ Israel, ngay cả khi Pháp không phải lúc nào cũng đi theo Israel trong suốt cuộc chiến ở dải Gaza, sẽ gây ra những nhầm lẫn và đánh mất uy tín của Pháp trong giới truyền thông Lebanon và Ả rập".
Le Monde đặc biệt nêu lên một chi tiết khá thú vị : Paris thật sự bất ngờ về khả năng của tình báo Israel thâm nhập vào Hezbollah. Pháp lo ngại bị lôi vào một cuộc xung đột không thể kiểm soát được.
Một nguồn tin ngoại giao cho biết : "Pháp đang bị mù quáng, do chất lượng tình báo Israel mới là điều sẽ định hướng các hành động trong tương lai của Israel. Pháp không có chút áp lực nào trong thế cân bằng này, Paris tiến dần theo những gì Mỹ và Israel nói về Iran. Trong một số giới cố vấn, ý tưởng đang lan truyền hiện nay là dường như Israel đang đưa chúng ta đến một thời điểm lịch sử, rằng đó là sự khởi đầu cho hồi kết của chế độ Iran".
Thủ tướng Pháp nỗ lực tìm 60 tỷ euro cho năm 2025
Phủ thủ tướng và bộ Tài chính Pháp hôm thứ Tư 02/10, trong cuộc họp báo chung, đã đề ra mục tiêu tiết kiệm 40 tỷ euro và tăng thêm 20 tỷ thuế thu nhập ngay từ năm 2025. Những con số "ngoạn mục" này cho phép thủ tướng Pháp nhấn mạnh rằng ngân sách mà ông thừa kế đã bị xuống cấp đến dường nào. Ai sẽ trả những khoản thuế đó ?
Đây là câu hỏi trên trang nhất của nhật báo kinh tế Les Echos. Chính phủ kêu gọi một nỗ lực "ngoại lệ" từ khoảng 65 ngàn hộ gia đình, những người giàu nhất, chiếm khoảng 0,3% số người đóng thuế. Trên kênh truyền hình France 2, bộ trưởng Ngân sách, Laurent Saint-Martin cho biết ngưỡng chịu mức tăng thuế mới nằm trong khoảng thu nhập 500 ngàn euro/năm. Để trấn an, lãnh đạo ngành Tài chính Pháp khẳng định biện pháp "ngoại lệ" này chỉ mang tính "tạm thời" và sẽ "không kéo dài trong nhiều năm".
Đương nhiên, thông báo này đã gây căng thẳng cho liên minh cầm quyền, giữa thủ tướng Michel Barnier và phe tổng thống Macron, luôn phản đối việc tăng thuế, theo như ghi nhận từ hầu hết các báo Pháp hôm nay.
Thuế : Tăng tối thiểu, hậu quả lớn ?
Xã luận của Le Figaro cho rằng điều này cũng có nghĩa là chấp nhận rủi ro làm sống lại nỗi ngán ngẫm thuế khóa và mở lại cánh cửa để số người giàu đó đưa tài sản ra nước ngoài. Một đòn giáng mạnh cho chính sách trọng cung, một mối đe dọa cho các nhà đầu tư, những người đến mở nhà xưởng và tài trợ cho các doanh nghiệp.
Đây còn là một giải pháp tồi cho một vấn đề thực sự : Sự trượt đà điên rồ về mức thâm hụt ngân sách của Pháp, tiếp tục trở nên tồi tệ từ nhiều năm qua, với chính sách "bất kể giá nào", các biện pháp trợ cấp không kiểm soát.
Theo Le Figaro, tại một nước vô địch về thuế, con đường duy nhất là giảm chi tiêu công bằng mọi giá và nhanh chóng. Con số 40 tỷ euro tiết kiệm mà ông Barnier cam kết vẫn còn ít so với mức thâm hụt là hơn 150 tỷ euro. Pháp không thiếu các công cụ để có thể giảm chi tiêu công, như đóng băng các khoản tín dụng, hoặc hoãn tăng lương hưu trong vài tháng để cứu vãn lâu dài nền tài chính đất nước.
Xã luận Le Figaro kết luận, chỉ cần có can đảm, quyết tâm và có thể trông cậy vào những "đồng minh" thực sự để có thể áp đặt những biện pháp quan trọng, nhưng phần lớn không được ưa chuộng, cho đất nước !
Lời ca, tiếng cười – tiếng nói cho cộng đồng Pháp thoại
Trong hai ngày 04 và 05/10/2024, Pháp đón tiếp thượng đỉnh lần thứ 19 của Tổ chức Quốc tế Pháp thoại tại Paris và Villers-Cotterêts, tỉnh Aisne, đông bắc nước Pháp. Nhật báo công giáo La Croix dành trang nhất nói về "Những tiếng nói mới" của khối.
Nhà văn Stendhal từng viết : Công cụ đầu tiên cho tinh thần một dân tộc là ngôn ngữ. Hai trăm năm sau, cái thần của ngôn ngữ Pháp vẫn vững mạnh, thậm chí còn được tỏa sáng nhiều hơn trên trường quốc tế nhờ vào thành công của giới nghệ sĩ đại chúng. Thế giới hẳn còn chưa quên Céline Dion và Aya Nakamura đã thể hiện thành công những ca khúc Pháp trong lễ khai mạc Thế Vận Hội Paris 2024.
Và do vậy, thượng đỉnh Pháp ngữ năm nay cũng là dịp để những ca sĩ và nghệ sĩ đại chúng đến từ nhiều nước được thể hiện tài năng. Đặc biệt, nghệ sĩ hài người Bỉ, cô Laetitia Mampaka 29 tuổi, có vinh dự khai mạc lễ hội tại điện Elysée trước sự hiện diện của nhiều nguyên thủ các nước nói tiếng Pháp. Cô được cho là hiện thân của một thế hệ nghệ sĩ đại chúng mới, mang lại sự sống cho tiếng Pháp trên năm châu lục.
Theo bà Valérie Senghor, ủy viên về Lễ hội Cộng đồng Pháp ngữ, tiếng Pháp là ngôn ngữ thứ năm được nói nhiều nhất trên thế giới, và ngôn ngữ thứ hai được giảng dạy nhiều nhất trong học đường. Việc có khoảng 60% trong số 320 triệu người nói tiếng Pháp chưa tới 35 tuổi đã mang lại một sự "năng động cho những nước nói tiếng Pháp".
Nền tảng nghe nhạc trực tuyến Spotify hàng đầu thế giới hôm 01/10 cho biết, "lượng người nghe nhạc tiếng Pháp đã tăng vọt 94% trong vòng 5 năm". Riêng trong giai đoạn 01/08/2023 – 31/07/2024, "hơn 100 triệu người trên khắp thế giới, tức khoảng 1/6 số người sử dụng trên toàn cầu, đã nghe các nội dung tiếng Pháp !"
Ai có thể nói rằng nước Pháp không còn được lắng nghe !
Minh Anh
Iran : Raissi tử nạn, ai sẽ kế nhiệm giáo chủ Khamenei ?
Được cho là người sẽ kế nhiệm giáo chủ Khamenei, sự kiện tổng thống Ebrahim Raissi tử nạn vì trực thăng rơi, khiến cuộc chạy đua giành vị trí này hứa hẹn đầy căng thẳng, giữa phe Vệ binh Cách mạng và giới giáo sĩ – theo Le Figaro ngày 21/05/2024.
Theo dõi tin tức về tai nạn trực thăng của tổng thống Ebrahim Raissi trên truyền hình, tại một cửa tiệm ở Tehran, Iran ngày 19/05/2024. via Reuters - Majid Asgaripour
Sau ngày nghỉ lễ, báo chí Pháp quay lại với nhiều sự kiện đáng chú ý : tổng thống Iran tử nạn máy bay, bạo loạn ở Tân Calédonie, lực lượng Ukraine vẫn chống chọi được ở Kharkiv... Libération đưa tít trang nhất "Cái chết của tổng thống Iran : Trung Đông chấn động hơn chút ít". Đối với La Croix "Chế độ không rung chuyển".
Dân Iran vui mừng vì "đao phủ Tehran" thiệt mạng
Trước hết về thái độ của người dân khi nghe tin tổng thống qua đời. La Croix mô tả "Tại Tehran, sự vui mừng thấy rõ của dân Iran". Libération và Le Figaro đều có các bài phóng sự tả lại cảnh dân chúng ăn mừng cái chết của tổng thống Raissi, "đao phủ Tehran". Nhà báo Hassan Bagherzadeh cho biết ngay từ đầu cách xử lý thông tin của chính quyền đã gây nghi ngờ về kết cuộc thảm khốc. Chiếc trực thăng chở tổng thống trang bị nhiều thiết bị định vị GPS, họ không thể không biết, nhưng chỉ nói về một vụ "hạ cánh thô bạo". Theo ông, cái chết của ông Raissi được cố tình loan báo trễ, để tránh việc dân chúng biết tin trong giờ cao điểm.
Rất nhiều người dân đã thức suốt đêm, dán mắt vào điện thoại, theo dõi từng phút một thông tin một diễn tiến của hoạt động cứu hộ. Họ phải chọn lựa giữa những luồng thông tin trái ngược, tìm cách hiểu những gì phía sau thông báo tuyên truyền. Cho đến 6 giờ rưỡi sáng địa phương khi tin tổng thống Ebrahim Raissi thiệt mạng được chính thức loan báo, sự hân hoan bùng nổ.
Tiếng còi xe vang lên khắp nơi, pháo bông được bắn lên ở một số khu phố Tehran và các tỉnh. Trong khi chính quyền tuyên bố năm ngày quốc tang, làn sóng vô số các video, chuyện tiếu lâm, biếm họa lan tràn trên các mạng xã hội. Nhiều chiếc xe rời thủ đô ra ngoại ô, người ta cùng bạn bè, người thân đi nghỉ để ăn mừng. Tại các cửa tiệm bánh mì, tạp hóa… người bán cười rất tươi, thái độ niềm nở hẳn, khách hàng trao đổi với nhau ánh mắt, nụ cười đồng cảm.
Cuộc đấu gay go giành quyền kế nhiệm giáo chủ
Le Figaro nhận định "Cái chết của tổng thống Raissi làm cuộc đấu tranh giành quyền kế nhiệm giáo chủ tối cao thêm gai góc". Tại Iran, quyền hành của tổng thống chỉ hạn chế, cũng như thủ tướng ở Pháp, có nhiệm vụ thi hành đường hướng được ấn định bởi giáo chủ cùng với những người thân cận và Vệ binh Cách mạng. Tuy việc tổng thống và ngoại trưởng tử nạn không làm thay đổi chương trình nguyên tử cũng như chính sách phá rối khu vực của Iran, nhưng cũng ảnh hưởng nặng nề trong nội bộ.
Lo sợ sau khi ông Donald Trump cấm vận khắc nghiệt Iran, chế độ đã đưa nhân vật cực kỳ bảo thủ Raissi lên làm tổng thống năm 2021. Cái chết của Raissi có thể gia tăng cơ hội kế nhiệm của con trai giáo chủ là Mojtaba Khamenei, 54 tuổi. Vấn đề theo nhà nghiên cứu Vali Nasr là gần đây giáo chủ Ali Khamenei nói rằng muốn có một người nào khác, không muốn mang lại cảm tưởng "cha truyền con nối". Ebrahim Raissi tử nạn, không còn ai thuộc tiêu chí này, nên trong hậu trường sẽ căng thẳng chạy đua giữa phe Vệ binh Cách mạng và giới giáo sĩ.
Một thách thức khác trước mắt là phe bảo thủ phải khẩn cấp tìm ra ứng cử viên thay cho Raissi. Cái chết của ông ta gây khó cho một chế độ không ưa tranh đua bằng lá phiếu. Một chuyên gia về Iran ghi nhận đây là lần đầu tiên bầu cử tổng thống ở Iran diễn ra trước bầu cử tổng thống Hoa Kỳ tháng 11. Thường thì Tehran chờ đợi kết quả ở Mỹ để quyết định, hoặc bầu một nhân vật ôn hòa trước một tổng thống Dân chủ (Hassan Rohani đối mặt Barack Obama), hay một người cứng rắn (Raissi) trước phe Cộng hòa (Trump).
Những cái tên đã được nêu ra như Mohammad Mokhber, 68 tuổi, Mohammad Bagher Ghalibaf, chủ tịch Quốc hội 63 tuổi. Mokhber được giáo chủ tin tưởng, ông ta đã phát triển tập đoàn Setad béo bở của Khamenei và giúp Vệ binh Cách mạng có được nhiều hợp đồng lớn. Mokhber ít bảo thủ hơn Raissi, nhưng không chắc ông ta có đủ sự ủng hộ trong giới giáo sĩ để lên làm tổng thống. Về phần chủ tịch Quốc hội, cựu đô trưởng Tehran Mohammad Bagher Ghalibaf, một vệ binh cách mạng thứ thiệt, sự đụng độ sẽ dữ dội. Trong bối cảnh tranh giành quyền lực, đối lập vẫn khó thể tổ chức những cuộc biểu tình lớn vì an ninh đã được thắt chặt từ hôm Chủ nhật.
Phe nào sẽ thắng thế ?
Ông Bertrand Badie, giáo sư đại học Sciences-Po, khi trả lời Libération cũng cho rằng cái chết của tổng thống Ebrahim Raissi dẫn đến hậu quả trong nội bộ về việc kế nhiệm giáo chủ tối cao. Tuy nhiên ông không loại trừ khả năng nổ ra phong trào phản kháng vì "lửa đang âm ỉ dưới lớp tàn tro".
Thoạt nhìn thì hệ quả không quan trọng lắm, đơn giản là vì quyền hành chủ yếu nằm trong tay giáo chủ Ali Khamenei. Tuy nhiên cái chết của Ebrahim Raissi làm đảo lộn thế thăng bằng, khiến chế độ dễ tổn thương hơn. Ông ta là ứng viên nghiêm túc cho việc kế nhiệm giáo chủ 85 tuổi bị ung thư tuyến tiền liệt. Liệu cái chết của nhân vật vốn được các thế lực đồng thuận có mở ra cánh cửa cho ảnh hưởng lớn hơn của các pasdaran, tức Vệ binh Cách mạng ?
Phe chủ trương tự do thì đã bị đứng ngoài lề sau khi Donald Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận nguyên tử Iran. Trump đã dập tắt viễn cảnh tham gia toàn cầu hóa, nối lại quan hệ với các nước phương Tây, và phe này đang trong tình trạng "ngủ đông". Về phía phe bảo thủ có nhiều sắc thái khác nhau, trong đó phái của cựu tổng thống Mahmoud Ahmadinejad (2005-2013), một nhân vật tân dân túy cánh tả đang yếu đi. Cũng không thể quên trọng lượng của phe quân đội.
Chế độ thần quyền khiến đất nước bị cô lập
Phải chăng Raissi bị khử trong cuộc chạy đua kế nhiệm giáo chủ ? La Croix dẫn lời nhà nghiên cứu Jonathan Piron : "Có quá nhiều yếu tố để thấy rằng đó chỉ đơn giản là một tai nạn, trong khu vực núi non và thời tiết xấu.Đội trực thăng Iran đã quá cũ, không còn được sản xuất kể từ 1998 và thiếu phụ tùng thay thế do cấm vận". Một văn bản nội bộ cho biết ý định mua trực thăng mới của Nga.
Ngược với hầu hết quốc gia trên thế giới, Iran không phân biệt tôn giáo với chính trị. Le Figaro cho rằng bất lợi ở chỗ trong 45 năm qua, chế độ đã xa rời hẳn quần chúng. Xã hội Iran tiến triển theo hướng trái hẳn với thần quyền. Tại Tehran, các đền thờ Hồi giáo vắng phân nửa mỗi buổi cầu nguyện thứ Sáu, nạn tham nhũng nơi nhiều giáo sĩ và chỉ huy Vệ binh Cách mạng càng làm cho càng vắng vẻ hơn.
Iran có giới trí thức đông đảo, phụ nữ nước này có học vấn cao nhất trong thế giới Hồi giáo Ả Rập nhưng lại phải chịu đựng sự trấn áp của cảnh sát phong tục. Giới tinh hoa theo sát tiến triển của thế giới nhờ internet, không hề chia sẻ cái nhìn u ám của giới lãnh đạo. Đất nước này cần hơn bao giờ hết những nhà lãnh đạo giỏi giang để thoát khỏi trừng phạt, dựng dậy nền kinh tế, hội nhập cộng đồng quốc tế, trở thành cường quốc hàng đầu về thương mại và tri thức ở Trung Đông. Tiếc rằng hệ thống thần quyền xơ cứng không thể mang lại cho Iran một tổng thống - thay vì giáo chủ - xứng đáng.
Iran vẫn là mối đe dọa cho Israel
Về phía Israel Les Echos nhận thấy "Mối đe dọa vẫn y nguyên". Nhà nước Do Thái ban đầu im lặng sau tai nạn của Raissi, dù ông này là tổng thống của một quốc gia được Jerusalem coi là "kẻ thù số 1". Phản ứng duy nhất của các viên chức là chính thức cải chính khả năng có sự can thiệp của Mossad. Một cựu cố vấn an ninh quốc gia khẳng định nhắm vào tổng thống Iran chỉ uổng công vì giáo chủ mới nắm quyền.
Một nhà ngoại giao Israel ẩn danh nhận định : "Cơ hội lật đổ chế độ hiện rất thấp. Các cuộc biểu tình của đối lập không thể đủ, cần phải tổng đình công kéo dài, gây ra khủng hoảng kinh tế trầm trọng khiến nguồn tài chánh của Vệ binh Cách mạng bị cạn, mới có thể tạo được thay đổi thực sự". Theo ông, "Khó xảy ra việc quân đội đảo chánh, vì việc bổ nhiệm tất cả sĩ quan cao cấp đều phải được Vệ binh Cách mạng bật đèn xanh, nên hệ thống đã bị khóa chặt".
Tấn công của Nga vào Kharkiv đã chậm lại
Về cuộc chiến tranh ở Ukraine, thông tín viên Les Echos ghi nhận "Cuộc tấn công của Nga ở vùng Kharkiv đã chậm lại nhờ sự kháng cự của quân đội Ukraine". Sau 10 ngày chiến đấu dũng cảm, làng Vovchansk 20.000 dân cách biên giới Nga chỉ có 3 kilomet vẫn đứng vững trước quân Nga, dù hầu như đã bị biến thành bình địa cùng với hai ngôi làng khác. Tuy thiếu đạn, nhưng Ukraine xoay sở với các drone để chận lại xe quân sự và bộ binh Nga.
Hiện nay Ukraine vẫn kiểm soát được 60 % Vovtchansk. Quân Nga đang cố gắng nhắm vào tuyến phòng ngự gần làng này và Starytsya, Lyptsi. Các quân nhân Ukraine than phiền sở dĩ quân Nga tiến được dễ dàng trong thời gian qua là vì thành phố không được bảo vệ bằng các phòng tuyến kiên cố, chẳng có mìn cũng không có bẫy xe tăng.
Về việc tìm kiếm người mất tích của cả hai bên, Hồng thập tự quốc tế cho Le Monde biết đã mở ra trên 115.000 hồ sơ, theo yêu cầu của người Nga và Ukraine sinh sống tại 47 nước, trong khi mỗi năm chỉ xử lý khoảng 2.000 hồ sơ liên quan đến cả hai trận đại chiến thế giới.
Bầu cử Châu Âu : Phe thân Nga gây lo ngại tại Latvia
Cũng liên quan đến Nga, La Croix cho biết "Các ứng cử viên thân Nga gây rối loạn tại Latvia" trong cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu.Một điều tra của trang web thông tin Baltica có sự hỗ trợ của một tổ hợp báo chí quốc tế cuối tháng Giêng 2024 tiết lộ dân biểu Châu Âu sắp mãn nhiệm của Latvia, bà Tatjana Zdanoka làm việc cho tình báo Nga. Dân biểu được bầu từ 2004 thường xuyên liên lạc với các sĩ quan tình báo của Matxcơva. Zdanoka không giấu diếm cảm tình với Nga, đã đến Crimée năm 2014 sau khi bán đảo bị Nga chiếm để ủng hộ cái gọi là trưng cầu dân ý. Bà ta bỏ phiếu chống một nghị quyết của Nghị Viện Châu Âu coi Nga là một Nhà nước ủng hộ khủng bố.
Dù vậy, đảng "Liên minh Nga ở Latvia" của bà vẫn giới thiệu ứng cử viên cho cuộc bỏ phiếu tháng Sáu tới. Nhân vật số 2 trong đảng, Miroslav Mitrofanov đòi hỏi "hợp tác tích cực hơn với Nga" dù chính quyền Latvia hoàn toàn bác bỏ. Về phía Tatjana Zdanoka không thể ra tranh cử vì một đạo luật thông qua ngày 27/10/2022 cấm người từng hoạt động tích cực trong đảng cộng sản trong thời kỳ xô-viết ứng cử. Cuộc xâm lăng Ukraine tháng 2/2022 đã thúc đẩy Latvia đưa ra luật này.
Thụy My
Khủng bố tại Iran : Phải chăng Hoa Kỳ "mừng thầm" ?
Xung đột Israel-Hamas, tình trạng nhập cư trái phép ở Pháp, khủng bố tại Iran là những chủ đề được các tờ báo Pháp quan tâm nhất hôm nay 05/01/2024.
Đám tang các nạn nhân trong hai vụ khủng bố ở Kerman, Iran, ngày 05/01/2024. AFP - -
Cuộc tấn công khủng bố tại Iran được nhiều báo Pháp số ra hôm nay tập trung khai thác. Trong bài viết mang tựa đề "Cuộc tấn công tệ hại nhất tại Iran kể từ sau Cách Mạng", nhật báo Le Monde đã tóm tắt lại tình hình. Cụ thể, vụ khủng bố diễn ra ngày 03/01 tại thành phố Kerman, trong buổi lễ tưởng niệm ngày mất của tướng Qasem Soleimani. Hai túi xách chứa bom đặt tại lối vào của nghĩa trang đã được kích nổ từ xa, cướp đi sinh mạng của 84 người và khiến 284 người khác bị thương.
Tờ báo cũng cho biết vụ khủng bố diễn ra trong bối cảnh xung đột leo thang tại khu vực. Ngay từ đầu cuộc chiến giữa Israel và Hamas, Tehran đã luôn bày tỏ lập trường ủng hộ Hamas, nhưng đồng thời, Iran cũng luôn "thận trọng" để tránh rơi vào cuộc chiến toàn diện với Israel và đồng minh của họ là Hoa Kỳ. Tuy vậy, thế cân bằng này khó có thể bảo toàn, khi hiện giờ tại Lebanon, các cuộc giao tranh giữa Hezbollah và Nhà nước Do Thái ngày một khốc liệt, nhất là sau cái chết của Saleh Al-Arouri, nhân vật số 2 của Hamas. Còn tại Syria và Iraq, quân đội Mỹ đã trở thành mục tiêu tấn công của các lực lượng vũ trang thân Iran không dưới 100 lần. Trên biển, phiến quân Houthi tại Yemen cũng không ngừng tấn công các tàu thương mại được cho là "liên quan đến Israel".
Lý lịch của tướng Qasem Soleimani
Cùng chủ đề, tờ La Croix chú ý đến khía cạnh khác : hồ sơ lý lịch của tướng Soleimani. Theo nhật báo Công Giáo, sinh thời, ông Qasem Soleimani đã chỉ huy lực lượng Al-Qods trực thuộc Quân đoàn Vệ binh Cách mạng và giám sát các hoạt động trên khắp Trung Đông. Ông còn đóng vai trò quyết định trong việc đánh bại nhóm thánh chiến ở Syria và Iraq. Nhưng Soleimani đã bị hạ sát trong một cuộc tấn công bằng drone của quân đội Hoa Kỳ vào ngày 03/01/2020.
La Croix đồng thời khẳng định, trong suốt cuộc đời mình, tướng Soleimani đã gây thù kết oán với rất nhiều người. Tờ báo dẫn lời bà Mahnaz Shirali, chuyên gia về xã hội và chính trị Iran, cho biết ông Soleimani từng bị coi là "nhà tôn giáo sát nhân" và bị ghét bỏ tại chính quê hương mình. "Tôi cho rằng phần lớn người dân Iran cũng không còn niềm tin vào thể chế chính trị của nước mình", bà Shirali nhận định.
Tờ báo cũng phân tích phản ứng của các bên liên quan. Mặc dù tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), trong một thông báo trên mạng Telegram, đã đứng ra nhận trách nhiệm về vụ khủng bố này, nhưng Tehran vẫn cho rằng trách nhiệm thực sự thuộc về phía Israel và Hoa Kỳ, "còn khủng bố chỉ là một công cụ". Ngay sau tuyên bố của Iran, Washington đã bác bỏ lập luận trên. La Croix đặt câu hỏi liệu Joe Biden có muốn "đổ thêm dầu vào lửa" khi mà trước đó, chính người tiền nhiệm, cựu tổng thống Trump đã ra lệnh thủ tiêu Soleimani ?
Xung đột ở Gaza : Cuộc chiến không hồi kết
Vẫn tại Trung Đông, nhật báo thiên tả Libération chạy tựa bài xã luận "Vừa mù vừa điếc". Lời nhận xét này được tờ báo đặc biệt dành cho những nhà lãnh đạo Israel khi đã bỏ qua tất cả các lời cảnh báo từ chính những đồng minh của mình.
Bài xã luận phân tích các lý do khác khiến cuộc chiến tại Gaza không thể kết thúc. Không chỉ muốn tiêu diệt Hamas, các bộ trưởng cực hữu của Israel dường như còn muốn đuổi tất cả người Palestine khỏi lãnh thổ này để rồi biến họ thành một dân tộc thuộc địa. Còn với người dân Israel, những người vẫn chưa hết bàng hoàng về vụ tấn công của Hamas hôm 07/10, thì vẫn "tiếp tục ủng hộ các cuộc oanh kích ở Gaza".
Không chỉ vậy, phần xã luận của cả Le Monde lẫn Libération đều nói về một nhân tố khác khiến cuộc chiến không thể chấm dứt : thủ tướng Benyamin Netanyahou. Theo Le Monde, thủ tướng Israel vướng vào nhiều chỉ trích như "tầm thường hóa những lời nhận xét bài ngoại" trong các cuộc tranh luận hay liên minh với những người theo "chủ nghĩa Do Thái thượng đẳng". Dù phải chịu phần trách nhiệm to lớn trong sự kiện ngày 07/10, vốn được coi là một "thất bại về mặt an ninh" của chính quyền Netanyahou, cùng những cáo buộc tham nhũng, nhưng "sẽ chẳng ai loại bỏ nhà lãnh đạo trong khi đại bác vẫn đang bắn ầm ầm, dù ông ta có mất uy tín đi chăng nữa", theo nhận định của Libération. Và rồi "chiến tranh sẽ là đồng minh tuyệt vời nhất" của vị thủ tướng Israel.
Hoa Kỳ : "Nhà hòa giải" giữa Israel và Hamas
Về vế ngoại giao, nhật báo kinh tế Les Echos có bài viết về việc Hoa Kỳ đang tìm cách ngăn chặn xung đột Israel và tổ chức Palestine Hamas bằng mọi giá. Ngoại trưởng Antony Blinken hôm qua sang Trung Đông đang trong tình trạng "nước sôi lửa bỏng" để tìm kiếm các biện pháp làm xuống thang căng thẳng.
Trong bối cảnh chiến sự giữa Israel và Hamas diễn ra hết sức khốc liệt, Nhà Trắng một lần nữa đang tìm cách vào vai "nhà hòa giải". Nhà khoa học địa chính trị Frédéric Encel nhấn mạnh : "Ngoại trưởng Blinken đến Trung Đông để tái khẳng định tình đoàn kết của Hoa Kỳ với Israel, cam kết tiếp tục chuyển đạn dược cho Nhà nước Do Thái. Mỹ cũng sẽ phải gây áp lực với Israel, nhưng chỉ ở khía cạnh nhân đạo, để đạt được một thỏa thuận hưu chiến ngắn hạn và yêu cầu Israel giảm cường độ các cuộc oanh kích. Tuy nhiên, Washington sẽ không yêu cầu Israel phải chấm dứt xung đột ở dải Gaza - đồng nghĩa với một thảm họa đối với Nhà nước Do Thái".
Vấn đề nan giải này của Mỹ sẽ là trọng tâm chuyến đi của ông Blinken, theo nhà khoa học chính trị Dominique Moïsi : "Làm thế nào có thể hỗ trợ Israel trong khi đồng thời vẫn muốn tìm cách thay đổi chính sách của họ ? Israel đã làm theo lời khuyên của Mỹ với việc thực hiện một cuộc oanh kích có mục tiêu, rất hiệu quả và mang tính biểu tượng nhắm vào nhân vật số 2 của Hamas mà không gây thương vong cho dân thường. Nhưng đấy chẳng phải là ‘giọt nước tràn ly’, điều có thể khiến tổ chức Hezbollah ở Lebanon hay chính Palestine quyết định tham chiến chống lại Israel ?"
Về phần mình, Israel đã huy động lực lượng dự bị với số lượng lớn và chính phủ Netanyahou rất có thể sẽ bị cám dỗ khiến ông quyết định tấn công luôn cả Hezbollah để "diệt trừ hậu họa".
Hoa Kỳ không muốn Israel sa lầy ở Gaza
La Croix thì nhận định rằng Hoa Kỳ và Israel có cùng chung một mục tiêu là đánh bại Hamas, nhưng bất đồng về chiến lược cần phải áp dụng để "giải quyết" xung đột này. Tuy vậy, Hoa Kỳ biết rõ rằng họ không thể bỏ rơi Israel, quốc gia mà Washington hết sức cần vì lợi ích chiến lược lâu dài ở Trung Đông, còn Israel thì biết rõ rằng họ không thể tham gia cuộc chiến này nếu không có sự hậu thuẫn trực tiếp của Hoa Kỳ. Chính bởi hai nước phụ thuộc lẫn nhau mà Washington đang tìm cách định hướng lại chiến lược của Israel, còn Israel thì cố gắng lôi kéo Mỹ vào cuộc, khi đặt Washington trước chuyện đã rồi.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có nhiều kinh nghiệm trong cuộc chiến ở Iraq và không muốn chứng kiến Israel mắc phải sai lầm tương tự khi tìm cách chiếm đóng toàn bộ dải Gaza. Tuy nhiên, La Croix nhận định rằng tiếng nói của Hoa Kỳ sẽ không có nhiều trọng lượng trong việc tìm những biện pháp tiết chế các hành động của Israel ở Gaza, bởi mặc dù Israel coi Mỹ là đồng minh chiến lược quan trọng hàng đầu, song khi phải đối mặt với các mối đe dọa về an ninh, Nhà nước Do Thái sẽ không tin tưởng bất kỳ một ai.
Làm thế nào để kiểm soát tình trạng nhập cư trái phép ở Pháp ?
Trang nhất và bài xã luận của tờ Le Figaro cảm thấy ngao ngán về tình trạng nhập cư trái phép ở Pháp. Các báo cáo của Thẩm kế viện (Cour des Comptes) thường đi vào quên lãng và đó là điều hết sức đáng buồn. Nhật báo thiên hữu nhận định rằng những số liệu do cơ quan này đưa ra trong cuộc chiến chống nhập cư trái phép cũng sẽ đi vào dĩ vãng.
Dựa theo báo cáo của Thẩm kế viện, Le Figaro đánh giá luật nhập cư được Quốc hội Pháp thông qua cách đây hơn 2 tuần sẽ không khiến tình hình thay đổi nhiều. Điều kỳ lạ là báo cáo này được công bố sau khi luật đã được Nhà nước thông qua, bởi các chuyên gia của Thẩm Kế Viện không muốn làm "đảo lộn" các cuộc tranh luận tại Hạ Viện. Tờ báo thiên hữu đặt câu hỏi về tính chính đáng của định chế này và mỉa mai rằng dường như không có sự ngẫu nhiên trong chính trị - bộ trưởng Nội Vụ Gérald Darmanin hôm qua đã tự hào tuyên bố rằng số người nhập cư bị trục xuất vào năm 2023 đã tăng 30%, và trong cùng ngày, Thẩm kế viện công bố con số 4.686 người bị trục xuất, tức nhiều hơn 1.000 trường hợp bị trục xuất so với năm 2022 : một con số quá ít ỏi so với khoảng 500.000 trường hợp được cấp giấy phép cư trú và nộp đơn xin tị nạn vào năm đó.
Le Figaro cho rằng chính phủ không có gì đáng để tự hào, bởi khi nói về tình trạng nhập cư trái phép, Pháp là một điểm đến lý tưởng. Các biện pháp kiểm soát biên giới rất hạn chế, các cửa khẩu không lấy dấu vân tay hay lưu lại danh tính của những người nhập cảnh. Có một sự phối hợp rất lỏng lẻo giữa công an biên phòng và lực lượng hải quan, giống như giữa các cơ quan hành chính. Với một bộ máy hành chính hết sức quan liêu và cồng kềnh, cơ quan chức năng chỉ trục xuất được vỏn vẹn 10% những trường hợp bị buộc rời khỏi lãnh thổ Pháp, trong khi mức trung bình của Liên Âu là 40% !
Đối mặt với tình trạng hỗn loạn này, Thẩm kế viện đề xuất xây dựng một "chiến lược tổng thể", và đó sẽ chỉ là bước đầu. Nhật báo thiên hữu cho rằng chính phủ cũng phải xem xét lại cả chính sách nhập cư hợp pháp, thường xuyên bị di dân lợi dụng những kẽ hở và "đục nước béo cò". Le Figaro cho rằng nếu so sánh với những nước láng giềng, xứ lục lăng tỏ ra quá "hào phóng" với dân nhập cư, và chính sách thị thực dành cho công dân của các nước thuộc địa cũ quá mềm dẻo.
Pháp : Lũ lụt kinh hoàng ở Pas-de-Calais
Vẫn tại Pháp, tờ La Croix dành trang nhất nói về lũ lụt hoành hành ở tỉnh Pas-de-Calais, miền bắc đất nước. Quảng trường Roger-Salengro ở thành phố Arques giờ đây chẳng khác gì một cái ao lớn. Thông thường là nơi nhộn nhịp nhất thành phố với các quán cà phê và nhà hàng tọa lạc, quảng trường này đã biến thành nơi tụ điểm của những người dân bất lực có mặt để đánh giá mức độ thiệt hại. Tất cả mọi người đều tỏ ra buồn thảm, không khí hết sức nặng nề.
Trong số những người này có Charles-André và Anne-Sophie, cặp vợ chồng đến từ Lille, lần lượt là luật sư và công chứng viên, và cả hai đều có văn phòng tại Arques. Anne-Sophie than thở : "Chúng tôi luôn quen sống với nước, nhưng trận lũ lụt này đã vượt xa sức tưởng tượng của mọi người". Chỉ hai tháng sau trận lũ lụt kinh hoàng hồi tháng 11, lũ lụt lần này đã khiến nước sông Aa, chảy qua Arques và nhiều nơi khác, tràn bờ và làm ngập đường phố, nhà cửa và nhiều cơ sở kinh doanh khác nhau.
Kể từ ngày 21/11, một ban tiếp nhận thông tin liên quan đến thiên tai đã được thành lập trong vùng. Tính đến ngày 01/01, đã có 97 người được cơ quan này tiếp nhận và hỗ trợ. Élise Bouncer, nhà tâm lý học của tổ chức France Victimes, thuật lại : "Con số này tương đối nhỏ so với tổng số nạn nhân được ghi nhận, bởi hiện nay, những thiệt hại về vật chất vẫn đang được ưu tiên giải quyết so với trường hợp của những người gặp nạn bị sang chấn tâm lý". Theo bà Bouncer, không kể những thiệt hại về về vật chất và tài chính, tâm lý bị tổn thương - gây ra chứng lo âu hoặc rối loạn trầm cảm là điều những người bị nạn hoàn toàn có thể gặp phải sau những biến cố như vậy.
Tuy nhiên, nhà tâm lý học cũng trấn an rằng mọi thứ còn phụ thuộc vào khả năng thích ứng của mỗi người, từ tình trạng thể chất và tinh thần của họ, cùng với tập thể xung quanh, đi kèm với sự tương hỗ lẫn nhau giữa những người hàng xóm, có thể giúp cho những người gặp nạn không bị ảnh hưởng tâm lý.
Minh Phương – Phan Minh
Iran có thể dùng ‘vũ lực’ hạn chế đi lại giữa dịch corona (VOA, 07/03/2020)
Chính quyền Iran ngày 6/3 cảnh báo có thể dùng "vũ lực" để hạn chế đi lại giữa các thành phố và thông báo virus corona mới đã làm thiệt mạng 124 người trong số 4.747 trường hợp được xác nhận tại nước Cộng hòa Hồi giáo.
Nhân viên cứu hỏa khử trùng một trung tâm mua sắm truyền thống để ngăn chặn virus corona lây lan ở bắc Tehran, Iran, ngày 6 tháng 3, 2020.
Người phát ngôn của Bộ Y tế Kianoush Jahanpour đưa ra các số liệu này tại một cuộc họp báo được truyền hình. Ông không nói rõ về việc đe dọa sử dụng vũ lực, dù ông thừa nhận virus đang hiện hữu ở tất cả 31 tỉnh của Iran.
Lời đe dọa này có thể nhằm ngăn mọi người tận dụng việc trường học đóng cửa để ra biển chơi hoặc đi nghỉ mát. Các hãng thông tấn bán chính thức ở Iran đã đăng hình ảnh những hàng xe dài nối đuôi nhau khi mọi người từ Tehran đổ xô ra biển Caspi hôm 6/3, dù chính quyền trước đó đã yêu cầu mọi người ở lại thành phố.
Iran ngày 5/3 thông báo sẽ đặt các trạm kiểm soát để hạn chế việc đi lại giữa các thành phố lớn, với hi vọng ngăn chặn sự lây lan của virus.
*******************
Tại Iran, xác người ‘chất đống’ khi số ca nhiễm Covid-19 tăng (VOA, 06/03/2020)
Hàng chục thi thể được bọc trong những chiếc túi màu đen nằm trên sàn nhà xác của Iran, trong khi các công nhân mặc đồ bảo hộ và đeo mặt nạ bận rộn đi lại, CNN loan tin hôm 6/3.
Hôm 6/3, Iran đã công bố thêm 17 trường hợp tử vong do Covid-19, nâng tổng số người thiệt mạng lên 124.
Không rõ có thi thể nào trong số đó là của người chết vì nhiễm virus corona (Covid-19) hay không, nhưng một băng ghi hình cho thấy những thi thể này ở bên trong nhà xác Behesht-e Masoumeh của tỉnh Qom, vẫn theo CNN.
Hôm 6/3, Iran đã công bố thêm 17 trường hợp tử vong do Covid-19, nâng tổng số người thiệt mạng lên 124, khi tổng số trường hợp nhiễm tăng vọt, theo AFP.
"Chúng tôi xác nhận 1.234 trường hợp nhiễm mới, đó là mức cao kỷ lục trong vài ngày qua", Kianoush Jahanpour, phát ngôn viên của bộ y tế, nói trong một cuộc họp báo, nâng tổng số ca nhiễm bệnh lên 4.747.
Quan chức này cho biết cho đến nay, riêng thủ đô Tehran đã có 1.413 trường hợp được xác nhận, đây là mức cao nhất trong số tất cả các tỉnh và khiến Tehran trở thành "tâm dịch" Covid-19.
Iran đã đóng cửa các trường học và đại học cho đến đầu tháng 4 để ngăn chặn Covid-19.
Iran chưa chính thức cách ly bất kỳ tỉnh nào, nhưng họ đã cố gắng hạn chế việc đi lại trong nước và thiết lập các trạm kiểm soát trên toàn quốc.
*******************
Covid-19 : Vì sao Iran lại có tỷ lệ tử vong cao nhất thế giới ? (RFI, 26/02/2020)
Chỉ mới đầu tuần trước thôi, chính quyền Iran còn khẳng định rằng đất nước này không có trường hợp nhiễm virus corona nào. Thế nhưng đến ngày 19/02/2020, Tehran đã phải công nhận hai ca lây nhiễm đầu tiên, đồng thời là hai ca tử vong ở thành phố Qom, cách thủ đô Iran khoảng 145 km về phía nam.
Hành khách đeo khẩu trang phòng dịch Covid-19 trên một chiếc xe buýt ở Tehran, thủ đô Iran, ngày 25/02/2020. WANA (West Asia News Agency)/Nazanin Tabatabaee via Reuters
Và kể từ lúc đó, nhiều ca mới lần lượt được loan báo, và đến hết ngày hôm qua 25/02, theo số liệu chính thức, số người bị nhiễm bệnh Covid-19 tại Iran đã lên đến 95, và đáng sợ nhất là số tử vong đã tăng thành 15 người. Tính số người chết, Iran đứng hàng thứ hai, sau Trung Quốc. Nhưng tính theo tỉ lệ (tử vong/nhiễm bệnh) thì Iran đứng đầu thế giới.
Tỷ lệ tử vong cao bất thường của Iran đặt ra nhiều câu hỏi về cách thức chính quyền Iran đối phó với dịch bệnh và phải chăng là chế độ nổi tiếng là bưng bít thông tin đã lại che giấu thông tin. Yếu tố thiếu minh bạch này rất nghiêm trọng vì lẽ Nhà nước Hồi Giáo này đang trở thành nơi phát tán dịch bệnh ra toàn vùng Trung Đông, một khu vực được cho là yếu kém về khả năng phòng chống.
Tỷ lệ tử vong ở Iran đạt 16%, trong lúc Trung Quốc chỉ là 2%
Nếu chỉ căn cứ vào các số liệu được chính quyền công bố, thì tại Iran, tỷ lệ người chết so với người nhiễm dịch covid-19 lên đến khoảng 16%, cao hơn rất nhiều so với những nơi khác có người thiệt mạng vì virus corona.
Tại tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc), tâm điểm của bệnh dịch, tỷ lệ tử vong được báo cáo ước tính khoảng 2%. Còn ở Ý, với 11 người chết trên tổng số 322 ca lây nhiễm tính đến hôm qua 25/02, tỷ lệ tử vong cũng chỉ là hơn 3%, trong lúc tại Hàn Quốc, nơi đã ghi nhận 11 ca tử vong trên tổng số 977 trường hợp lây nhiễm, tỷ lệ thấp hơn, chỉ khoảng 1%.
Tại sao Iran lại có tỷ lệ tử vong cao ngất ngưởng như vậy, thậm chí còn cao hơn cả tỷ lệ gần 10% của dịch SARS năm 2003 ?
Một số chuyên gia y tế ngoại quốc, được kênh truyền hình Mỹ CNBC ngày 25/02 trích dẫn, cho rằng tỷ lệ cao này có thể bắt nguồn từ việc số liệu được loan báo về các trường hợp nhiễm bệnh ở Iran đã thấp hơn rất nhiều so thực tế, vốn cao hơn rất nhiều. Lý do là vì chính quyền Iran đã bỏ qua những ca ít nghiêm trọng do cách thức kiểm tra và chẩn đoán bệnh nhân, do chọn lựa trong cách chia sẻ thông tin hoặc do tình trạng tồi tệ của thiết bị y tế.
Thiếu khả năng và thói quen điều tra thống kê đầy đủ
Theo một giáo sư tại Đại Học Mỹ Seton Hall, chuyên gia cao cấp về y tế toàn cầu tại trung tâm tham vấn Hội Đồng Quan Hệ Đối Ngoại Council on Foreign Relations của Mỹ thì vấn đề có thể đến từ cách thức thống kê: Chính quyền Iran "dường như chú ý nhiều hơn đến việc loan báo các trường hợp tử vong hơn là các ca nhiễm bệnh".
Giáo sư William Schaffner, chuyên về y tế dự phòng và bệnh truyền nhiễm tại Trung Tâm Y tế Đại Học Vanderbilt thì thiên về giả thuyết theo đó chính quyền Iran thiếu khả năng phát hiện đầy đủ số người đã bị nhiễm Covid-19. Theo ông, để làm được điều đó, chính quyền phải cử người đến mọi thị trấn và làng mạc để tiến hành xét nghiệm chứ không chỉ đơn thuần dựa vào số người đến các bệnh viện lớn với các triệu chứng nghiêm trọng.
Trả lời kênh NBC News, chuyên gia Schaffner giải thích : "Điều đó có nghĩa là đi đến từng khu phố, gõ cửa từng căn hộ, và thực sự cố gắng phát hiện mọi trường hợp… Tôi không biết là liệu họ có khả năng đó hay không, vì quả thực là nhiều quốc gia không có khả năng đó".
Đối với chuyên gia này, Iran không có truyền thống điều tra trong hệ thống y tế công cộng của họ, và cách phát hiện người bệnh như kể trên sẽ là một điều rất mới đối với ngành y tế Iran.
Virus corona hoành hành ngay trong một cộng đồng người già
Một giả thuyết thứ ba về tỷ lệ tử vong quá cao vì virus corona tại Iran là khả năng bệnh dịch ngay từ đầu đã bùng phát trong một cộng đồng chủ yếu bao gồm những người lớn tuổi, dễ bị tổn thương.
Theo giáo sư Schaffner : "Nếu virus tấn công vào một nhóm dân số cao tuổi, với đặc điểm là có sẵn một loạt bệnh tiềm tàng, [điều đó] có thể giải thích tỷ lệ tử vong cao".
Một khả năng khác là các bệnh viện của Iran đã thất bại trong cách chữa trị và các bệnh nhân không được chăm sóc y tế đúng cách cần thiết. Nhưng theo chuyên gia Schaffner, giả thuyết này không đứng vững vì Iran là một nước có một hệ thống chăm sóc sức khỏe tương đối tiên tiến.
Giả thuyết về virus đột biến không đứng vững
Bên ngoài các giả thuyết liên quan đến cách vận hành của nền y tế Iran, một câu hỏi khác cũng được nêu lên là phải chăng dịch bệnh gây nhiều tử vong tại nước này là vì con virus đã chuyển hóa ?
Trên vấn đề này, tiến sĩ John Torres, công tác viên về lãnh vực y tế của kênh NBC News, cho rằng hiện không có bằng chứng về sự thay đổi trong hồ sơ di truyền của virus, và chưa hề có thông tin nào về việc virus gây nên dịch Covid-19 đã đột biến.
Theo tiến sĩ Torres, lời giải thích hợp lý nhất cho vấn đề tỷ lệ tử vong cao tại Iran là cách thức chính quyền nước này theo dõi các trường hợp nhiễm bệnh.
Chính quyền lại che giấu sự thật ?
Một thành viên của Quốc hội Iran, Mamoud Sadeghi, và thứ trưởng y tế của nước này, Iraj Harirchi, lãnh đạo lực lượng đặc nhiệm chống virus, đã bị nhiễm virus corona. Điều đáng nói là thông tin về việc thứ trưởng y tế Iran bị nhiễm virus đã được loan báo một ngày sau khi nhân vật này họp báo, không đeo khẩu trang, và cực lực đả kích một chính khách Iran vì đã nói số người chết ở thành phố Qom cao hơn nhiều so với những gì chính phủ loan báo.
Sự cố trên đây đã làm dấy lên những dư luận hoài nghi về cách Iran quản lý khủng hoảng, với câu hỏi là phải chăng chính quyền cố tình che giấu thông tin về dịch bệnh, không cho người dân cũng như thế giới được biết.
Phản ứng này rất dễ hiểu vì chỉ mới đây thôi, vào tháng Giêng vừa qua, chế độ Iran đã phải mất ba ngày mới chính thức công nhận là quân đội của họ đã bắn nhầm vào chiếc Boeing của hãng hàng không Ukraina trên bầu trời Iran.
Dẫu sao thì diễn biến dịch Covid-19 tại Iran rất đáng lo ngại. Từ những trường hợp lây nhiễm đầu tiên tại thành phố tôn giáo Qom vào tuần trước, giờ đây virus corona đã lan sang ít nhất bảy tỉnh khác ở Iran. Các quốc gia trong khu vực từ Irak, Koweit, cho đến Oman và Afghanistan, tất cả đều đã loan báo các ca lây nhiễm đầu tiên. Và các bệnh nhân gần đây đều có ghé Iran.
Giới hữu trách Iran : Quân đội bắn hai phi đạn vào máy bay Ukraine (VOA, 22/01/2020)
Thẩm quyền Hàng không Dân dụng Iran ngày 21/1 loan báo quân đội nước này đã bắn hai phi đạn vào chiếc máy bay Thương mại của Ukraine. Chiếc máy bay này bị rớt ngay sau khi cất cánh từ Tehran trước đây trong tháng, làm tất cả 176 người trên máy bay thiệt mạng.
Người biểu tình tưởng niệm nạn nhân chiếc máy bay Ukraine bị phi đạn Iran bắn rớt, đối đầu cảnh sát trước trường đại học Amir Kabir University ở Tehran, Iran, ngày 11/1/2020
Phúc trình của Tổ chức Hàng không Dân dụng xác định phi đạn là kiểu TOR-M1, loại phi đạn đất đối không do Nga chế tạo.
Phúc trình cũng nói đã yêu cầu trợ giúp từ Ủy ban An toàn Giao thông Mỹ và đối tác Pháp để giúp đọc dữ liệu chuyến bay được ghi âm trong hộp đen thu hồi từ địa điểm máy bay rớt.
Iran nói cho đến nay Hoa Kỳ và Pháp chưa trả lời về yêu cầu cung cấp thiết bị cần thiết để tiến hành công việc.
Lúc đầu Iran nói vấn đề máy móc làm cho máy bay rớt nhưng vài ngày sau đó công nhận là quân đội Iran bắn rớt chiếc máy bay. Tiết lộ này gây nên nhiều ngày biểu tình tại Iran.
Chiếc máy bay bị bắn rớt xảy ra chỉ vài giờ sau khi Iran bắn phi đạn vào lực lượng Mỹ đóng tại Iraq và chuẩn bị cho một cuộc phản công của Mỹ, nhưng việc này không xảy ra.
Các cuộc tấn công bằng phi đạn của Iran là để trả thù cho điều mà Hoa Kỳ gọi là tấn công tự vệ giết chết tướng lãnh hàng đầu của Iran là Qassem Soleimani tại Baghdad vào ngày 3/1 vừa qua.
******************
Tổng thống Trump kể lại khoảnh khắc triệt hạ chỉ huy Iran (VOA, 20/01/2020)
Tổng thống Mỹ Donald Trump lần đầu tiên kể lại khoảnh khắc máy bay không người lái của Mỹ triệt hạ chỉ huy quân sự Iran Qassem Soleimani, Reuters đưa tin, dẫn lại kênh CNN.
Theo hãng tin Anh, ông Trump kể lại sự việc tại một sự kiện gây quỹ của phe Cộng hòa tối ngày 17/1, và cho biết ông theo dõi vụ tấn công từ Phòng Tình huống ở Nhà Trắng.
Theo Reuters, các phóng viên không được cho phép đưa tin tại sự kiện gây quỹ được 10 triệu đôla cho chiến dịch tái tranh cử của ông Trump và cho Ủy ban Quốc gia của Đảng Cộng hòa, diễn ra tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông Trump tại Florida.
Tuy nhiên, CNN đã có được đoạn ghi lại lời kể của ông Trump. Vụ triệt hạ ông Soleimani tại sân bay Baghdad hôm 3/1 đã khiến Iran trả đũa bằng các vụ tấn công bằng tên lửa vào lực lượng Mỹ ở Iraq vài ngày sau đó.
"Thưa ngài, họ đang cùng nhau", ông Trump kể lại chuyện các quan chức quân sự nói với ông, theo Reuters. "Thưa ngài, họ có hai phút và 11 giây. Không cảm xúc. Hai phút và 11 giây để sống, thưa ngài. Họ đang ở trong xe ôtô, họ đang ở trong xe bọc thép. Thưa ngài, họ còn khoảng một phút để sống. 30 giây. Mười, chín, tám…"
"Rồi bất thình lình, bùm", ông Trump nói. "‘Ho đã bị tiêu diệt, thưa ngài. Hết.’"
Đây là lời kể chi tiết nhất của ông Trump về vụ tấn công mà một số nhà lập pháp đã lên tiếng chỉ trích vì cả tổng thống cũng như các cố vấn của ông không công khai các thông tin để củng cố các tuyên bố nói rằng ông Soleimani "sắp" gây ra một mối đe dọa tới người Mỹ ở khu vực.
******************
Eo biển Ormuz : Tám nước Châu Âu ủng hộ thành lập lực lượng tuần tra (RFI, 21/01/2020)
Trong một bản tuyên bố chung công bố hôm thứ Hai, bốn nước Pháp, Đan Mạch, Hy Lạp và Hà Lan, tham gia chiến dịch bảo đảm an ninh eo biển Ormuz, từ nay được sự "ủng hộ chính trị" của Đức, Bỉ, Ý và Bồ Đào Nha. Nhiều thành viên khác tham gia sẽ được loan báo trong những ngày tới.
Tàu dầu đi qua eo biển Ormuz. Ảnh minh họa chụp ngày 21/12/2018. Reuters/Hamad I Mohammed
Chiến dịch bảo vệ an ninh cho thương thuyền và tàu dầu qua lại eo biển chiến lược này được gọi tắt là EMASOH hoàn toàn do Châu Âu đảm nhiệm. Đây là hệ quả của tình hình căng thẳng với Iran tại khu vực cũng như qua nhiều vụ tàu dầu bị tấn công trong eo biển Ormuz và vịnh Ba Tư.
Thông báo của 8 nước Châu Âu còn cho biết thêm Abou Dhabi đã đồng ý cho liên quân 8 nước lập tổng hành dinh trên lãnh thổ Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất.
Hoạt động của hải quân Châu Âu được xem là để "bổ sung" cho liên quân quốc tế do Mỹ đề xuất. Pháp đã đưa chiến hạm Courbet vào vùng. Tháng Hai, Hà Lan sẽ gửi một tàu tuần dương và một trực thăng tăng cường, sau đó sẽ được Đan Mạch thay thế kể từ mùa thu.
Tú Anh
Đó là kết quả cuộc khảo sát do Military Times (tập đoàn truyền thông chuyên phục vụ độc giả là quân nhân và những người quan tâm đến hoạt động quốc phòng của Mỹ) phối hợp với Viện Nghiên cứu về Cựu chiến binh và Gia đình quân nhân của Đại học Syracus (New York), phối hợp thực hiện cách nay hơn một tháng, vừa công bố ngày mùng 7 (1).
Ngày càng nhiều quân nhân hiện dịch cảm thấy không hài lòng về chính sách đối ngoại hiện nay của Mỹ
Có 1.630 quân nhân hiện dịch (phục vụ toàn thời gian) là độc giả thường xuyên của Military Times tham gia khảo sát, trong đó có 92% là đàn ông, 8% là phụ nữ. Nếu tính theo chủng tộc, 78% là da trắng, 14% là công dân Mỹ gốc Hispanic, 13% là công dân Mỹ gốc Châu Phi, 5% là công dân Mỹ gốc Châu Á, 5% còn lại thuộc các chủng tộc khác.
Mẫu khảo sát bao gồm 28 câu hỏi nhằm tìm hiểu quan điểm của các quân nhân hiện dịch cả về bối cảnh chính trị hiện nay tại Mỹ lẫn chính sách và những vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia của Mỹ. Vào thời điểm cuối tháng 11 năm 2019, chỉ có 28% tham gia khảo sát tán thành chính sách hiện nay đối với Iran. Tỉ lệ không tán thành khoảng 45%.
Theo nhận định của những người tham gia khảo sát, mức độ nguy hiểm đối với an ninh và lợi ích của Mỹ xếp theo thứ tự từ thấp đến cao là Iraq (chỉ 8%), Afghanistan (khoảng 9%), Syria (khoảng 20%), Bắc Hàn (khoảng 35%), kế đó là Iran (50%). Nguy hiểm hơn cả là Nga (khoảng 68%) và nguy hiểm nhất là Trung Quốc (khoảng 76%).
So sánh kết quả các cuộc khảo sát trước đây và hiện nay, Military Times cho biết, ngày càng nhiều quân nhân hiện dịch cảm thấy không hài lòng về chính sách đối ngoại hiện nay của Mỹ. Tỉ lệ ủng hộ về chính sách đối với Bắc Hàn là ngoại lệ - tăng thêm 1% (từ 33% lên 34%), tương hợp với khuynh hướng chung: Mong muốn chính sách của chính phủ Mỹ tập trung nhiều hơn vào Châu Á, hành xử mạnh mẽ hơn tại đây.
Có một điểm đáng chú ý là ở cuộc khảo sát được thực hiện vào đầu năm 2018, khoảng 68% quân nhân hiện dịch tin rằng, nếu xảy ra một cuộc xung đột quân sự lớn, Mỹ đủ khả năng kết thúc trong vòng 12 tháng, tuy nhiên ở cuộc khảo sát vừa thực hiện cách nay hơn một tháng, tỉ lệ này đã giảm xuống còn 51%.
Military Times nhấn mạnh lưu ý, khảo sát được thực hiện trước khi mức độ căng thẳng giữa Mỹ và Iran gia tăng vì cuộc không kích giết Qasem Soleimani, chính phủ Iraq có ý định đầy quân đội Mỹ ra khỏi lãnh thổ Iraq vì cuộc tấn công này và hàng ngàn quân nhân Mỹ được điều động đến Trung Đông để bảo vệ các cơ sở ngoại giao, các căn cứ của Mỹ.
***
Hôm 6 tháng 1, Stars And Strips – cơ quan truyền thông của quân đội Mỹ - cho biết, Bộ Quốc phòng Mỹ đã quyết định điều động Lữ đoàn Dù 193 đến Trung Đông. Lữ đoàn này là một trong những đơn vị thuộc lực lượng phản ứng nhanh, trước nay vẫn trú đóng tại Vicenza (Ý) để ứng phó với các biến cố tại Châu Âu, Châu Phi (2).
Ngày 7 tháng 1, Stars And Strips cho biết, "Defender - Europe 20" (cuộc tập trận được xem là lớn nhất giữa Mỹ và các đồng minh ở Châu Âu trong năm nay) có thể sẽ bị xáo trộn đáng kể vì một số đơn vị mà theo dự kiến sẽ góp mặt cho đủ 20.000 quân nhân Mỹ tham gia tập trận cùng các đồng minh tại Georgia (một quốc gia từng thuộc Liên bang Xô viết trước khi tan rã) đã hoặc sẽ được điều động đến Trung Đông (3).
Cũng theo Stars And Strips, do mức độ căng thẳng giữa Mỹ và Iran gia tăng, quân đôi Mỹ đã hủy kế hoạch có tên Hải sư Châu Phi (African Sea Lion) - tập trận với các đồng minh Châu Phi tại Morocco vào cuối tháng này vì một số đơn vị hải quân và Thủy quân lục chiến mà theo dự kiến sẽ tham gia tập trận đã lên đường sang Trung Đông.
Stars And Strips nhận định, mức độ căng thẳng giữa Mỹ và Iran gia tăng đang tác động đáng kể đến ưu tiên hàng đầu của Bộ Quốc phòng Mỹ : Giảm hoạt động tại Trung Đông, thông qua các cuộc tập trận thắt chặt quan hệ với các quốc gia ở Châu Âu và Thái Bình Dương để kiềm chế, răn đe cả Nga lẫn Trung Quốc.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 08/01/2020
Chú thích :
(2) https://www.stripes.com/news/europe/173rd-airborne-brigade-troops-to-deploy-to-middle-east-1.613712
Iran : Chế độ giáo quyền bám trụ, dân trả giá bằng máu
Cứu Iran khỏi bàn tay đẫm máu của chế độ giáo quyền, nhà nước Pháp can thiệp bảo vệ phụ nữ nạn nhân bạo lực gia đình, nước Pháp trước giờ tổng đình công, tương lai bấp bênh của người già ở các nước đang phát triển, thắng lợi chính trị của phong trào dân chủ Hồng Kông là những đề tài lớn trên báo Pháp ngày 25/11/2019.
Trang bìa nhật báo Libération hôm nay 25/11/2019 với tựa đề "Cuộc thảm sát không nhân chứng".DR
Đóng cửa để thảm sát
Các tựa báo Pháp hôm nay sử dụng một từ chung : "Bạo lực". Như một bản cáo trạng nghiêm khắc, Le Monde và Libération đồng lên án "bản chất độc ác" của chế độ giáo quyền Iran qua hành động cắt đứt mọi phương tiện thông tin trong suốt một tuần để thẳng tay tiêu diệt biểu tình. Đã có ít nhất 150 người chết, theo số liệu được Ân Xá Quốc Tế kiểm chứng.
Với các tựa "Chế độ Iran bám trụ bằng biển máu", "Bộ máy đàn áp chống biểu tình", Le Monde thuật lại những gì xảy ra tại Iran trong năm ngày internet và điện thoại di động bị ngăn chặn. Phong trào nổi dậy bắt đầu vào ngày 15/11, lan ra hàng trăm thành phố lớn nhỏ, sau khi chính quyền đột ngột tăng giá xăng 50%.
Thay vì lắng nghe nguyện vọng của dân chúng, chế độ giáo quyền mạnh tay đàn áp bằng đạn thật. Viện lý do phải đánh nhanh đánh mạnh tiêu diệt "âm mưu của thế lực thù địch" trước khi lan rộng, chính quyền Iran không ngần ngại cắt đứt mọi phương tiện liên lạc. Khi thấy quyền lực bị đe dọa và trong bối cảnh từ Iraq cho đến Lebanon, người dân lên án chính sách can thiệp của mạng lưới hệ phái "Shia", giới giáo sĩ Iran đã chọn chiến lược trấn áp hơn là đối thoại chính trị.
Đã vậy, chế độ Hồi giáo Iran còn biết chắc là Tây phương sẽ điềm nhiên tọa thị, không làm gì để bảo vệ nhân quyền tại Iran, cũng không ngăn cản tham vọng bá quyền trong khu vực. Washington không trả đũa vụ tấn công vào hai cơ sở dầu hỏa của Saudi Arabia là một bằng chứng. Theo Le Monde, giải pháp khả thi nhất là không nên tiếp tục cô lập Iran như chủ trương của Donald Trump, chỉ tạo cơ hội cho chế độ đàn áp dân. Trái lại, phải làm thế nào để thế giới hiểu rõ vì sao dân Iran chống chế độ giáo quyền này, hầu tránh xảy ra thêm một biển máu trong tương lai.
Cùng nhận định từ Lebanon cho đến Iraq, nơi nào cũng bất bình trước chính sách can thiệp của Iran, Libération dành trang nhất và 4 trang bên trong để tố cáo "Cuộc thảm sát không nhân chứng quốc tế". Sau khi khóa internet và điện thoại di động, an ninh và dân quân Hồi giáo theo lệnh của chế độ Iran tiêu diệt phong trào nhân dân đe dọa quyền lợi của các giáo sĩ cầm quyền.
Trái với những luận điểm tuyên truyền của chế độ, thực chất của phong trào phản kháng không phải là do ngoại bang xúi giục, mà phát xuất từ lòng căm phẫn của người dân vì tình trạng tham ô và độc tài của chế độ. Sai lầm của Donald Trump là muốn lật đổ một chế độ độc tài, nhưng lại dùng các biện pháp trừng phạt, cô lập với hiệu ứng trái ngược là củng cố chế độ này.
Phong trào dân chủ Hồng Kông thắng lớn ở phòng phiếu
Trang Châu Á, tình hình chính trị Hồng Kông, kinh tế Trung Quốc, bang giao sóng gió Nhật-Hàn, chuyến tông du của Giáo hoàng tại Nhật được phân tích cặn kẽ.
Nhật báo kinh tế Les Echos dành một bài dài cho cuộc bầu cử địa phương tại Hồng Kông, mà kết quả sáng nay cho biết phe dân chủ đại thắng. Dân chúng đi bầu thật đông, tình hình yên tỉnh trở lại, phong trào dân chủ biến bầu cử thành trưng cầu dân ý.
Theo sinh viên Hoàng Chí Phong, đồng chủ tịch đảng Dân chủ Kháng chiến Demosisto, cốt lõi của cuộc bầu cử này là gây sức ép với Tập Cận Bình và chính quyền Hồng Kông, để họ thấy rõ quyết tâm của dân Hồng Kông muốn tổ chức đầu phiếu tự do và điều tra bạo lực cảnh sát. Trước khi bầu cử, giáo sư Willy Lam (Lâm Hòa Lập) nhận định : phe chính quyền có tổ chức, có nhiều phương tiện để huy động phe nhà đi bầu. Nhưng nếu phe dân chủ chiến thắng thì những người chống Trung Quốc sẽ tin rằng phương pháp tranh đấu của họ, kể cả dùng bạo lực, là chiến thuật hiệu quả và được đa số ủng hộ.
Trong lãnh vực kinh tế, Les Echos cho biết thêm, cũng như Singapore, Nhật Bản lợi dụng tình hình Hồng Kông khủng hoảng, bí mật thuyết phục các quỹ rủi ro (hedge funds) ở Hồng Kông về nước mình. Chiến lược này không phải là không nguy hiểm cho Nhật, nhưng về lâu về dài Hồng Kông bị thiệt nặng nhất. Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung làm kinh tế Hồng Kông bị ảnh hưởng lây. Tình hình khủng hoảng chính trị làm mất nguồn lợi du khách, khách sạn, nhà hàng. Phong trào phản kháng chống chính quyền Hồng Kông lan đến giới ngân hàng, tài chính. Nếu các quỹ đầu tư rủi ro bỏ Hồng Kông thì đúng là họa vô đơn chí.
Về mối quan hệ Tokyo-Seoul, nhật báo kinh tế chào mừng Nhật Bản và Hàn Quốc hàn gắn được bất hòa, tiếp tục chia sẻ thông tin tình báo, một phần lớn là nhờ có áp lực của Mỹ. Tuy nhiên, hai bên vẫn chưa tái lập được lòng tin cậy trong quan hệ thương mại trước khi mối bất hòa trong vụ "lao động cưỡng bách" thời Nhật đô hộ nổ bùng hồi tháng 7 năm nay.
Nhật Bản cũng là nơi đón tiếp chuyến tông du của Giáo hoàng trong hai ngày cuối tuần. La Croix phân tích vì sao tại Hiroshima và Nagasaki, giáo chủ Tòa Thánh La Mã liên tiếp lên án vũ khí hạt nhân và chính sách răn đe hạt nhân. Bởi vì "một thế giới không bom nguyên tử là chuyện cần thiết và làm được". Một cách "thuần lý" Giáo hoàng đi theo con đường của Chúa Giêsu, con đường bất bạo động.
Xã hội Pháp : Hiệp cuối trước đình công
Bất đồng sâu xa giữa giới công đoàn và chính phủ Pháp về dự án cải cách hưu bổng có thể đưa nước Pháp vào một cuộc tổng đình công lâu dài kể từ ngày 5 tháng 12. Với tựa "Hiệp cuối cùng trước khi đình công" kèm với ảnh minh họa là cuộc họp của các đối tác xã hội tại Phủ thủ tướng vào hôm nay, La Croix kêu gọi tổng thống Macron phải "làm sáng tỏ" lập trường.
Đối với nhật báo công giáo, điểm gây bất đồng chính là sự mập mờ của chính phủ. Thủ tướng muốn "làm lại từ đầu" cải cách một hệ thống hưu bổng quá phức tạp với 42 chế độ khác nhau. Thế nhưng, phương pháp cải cách có công bình hay không ? Đây là điều lo ngại của giới nghiệp đoàn mà vũ khí áp lực là "đình công".
Đừng để tranh đấu bảo vệ phụ nữ trở thành chiến tranh chống đàn ông ?
Cứu phụ nữ khỏi nạn bạo lực gia đình là thông tin quan trọng thứ ba trên báo Pháp hôm nay. Le Figaro đưa lên trang nhất : kết thúc hội nghị bàn tròn, chính phủ kêu gọi động viên, kèm theo bài xã luận cảnh báo : hành động trước khi quá trễ.
Nhật báo thiên hữu cho biết có chừng 50 đề nghị được giữ lại. Cụ thể là biện pháp pháp lý, hầu bảo vệ hữu hiệu hơn nạn nhân bị chồng bạo hành và trừng phạt nặng nề thủ phạm. Tuy nhiên, từ biện pháp đến hành động cụ thể, con đường còn dài. Phải đào tạo cảnh sát về phương thức đối phó, trợ giúp nạn nhân. Phải huy động giới y tế, bệnh viện, bác sĩ nhanh chóng báo động và phối hợp…
Và còn một điểm nữa không thể lạm dụng : đó là mục đích bảo vệ phụ nữ. Bảo vệ phụ nữ không có nghĩa là đi theo chủ trương của mấy bà "tân nữ quyền", biến cuộc tranh đấu vì bình đẳng vợ chồng thành cuộc chiến "chống đàn ông".
Già trước khi giàu
Cũng nhân các vấn đề xã hội này, Le Monde giúp độc giả tìm hiểu tình trạng của người già ở các nước đang phát triển, từ Ấn Độ, Trung Quốc cho đến Châu Phi : tất cả đều gặp khốn khó sau khi đóng góp công lao động cả cuộc đời.
Theo Le Monde, ở các cuờng quốc kinh tế Tây phương, người già thường là những người giàu vì có thu nhập cao hơn giới trẻ mới ra trường. Nhưng ở Ấn Độ, Trung Quốc dân chúng có nguy cơ "già nua trước khi được giàu". Từ nay đến 2050, 80% người trên 60 tuổi là công dân ở các nước đang phát triển. Tình trạng này sẽ tác hại lên tăng trưởng kinh tế.
Tại Trung Quốc, hệ thống an sinh xã hội phải được xét lại nếu không muốn tránh tình trạng người già bị bỏ rơi. Một nhà ngoại giao nhiều năm hoạt động tại Ấn Độ không khỏi kinh ngạc : "Tại New Delhi, người ta thấy con nít đầy đường, còn tại Bắc Kinh, thì chỉ có người lớn tuổi". Hiện tượng này sẽ còn tăng nhiều hơn trong tương lai. Năm 2010, số công dân Hoa lục hơn 60 tuổi chiếm 12,5% dân số. Tỉ lệ này tăng lên 25% vào năm 2030.
Chính sách một con trong suốt bốn thập niên làm dân số đứng yên, nhưng số người già gia tăng nhờ tuổi thọ kéo dài. Hệ quả là ở Trung Quốc, trung bình một cặp vợ chồng phải nuôi năm người theo công thức 4+2+1 : Cha mẹ chồng, cha mẹ vợ và đứa con.
Hiện tượng dân làng lên thành phố kiếm sống càng làm cho hoàn cảnh người già ở lại quê một mình khốn khổ hơn. Về mặt kinh tế, do thiếu một hệ thống an ninh xã hội hiệu quả, người già và con cái phải tiết kiệm tức là bớt mua sắm và do vậy tác động xấu lên ngành kinh tế sản xuất .
Tại Ấn Độ, nơi thành phần trẻ dưới 27 tuổi chiếm 50% dân số, tình cảnh người già cũng rất hẩm hiu, do xã hội và chính quyền không quan tâm.
Tú Anh
Rouhani : ‘Iran sẽ tinh luyện uranium vô hạn định’ (VOA, 03/07/2019)
Tổng thống Iran hôm 3/7 cảnh báo các đối tác Châu Âu đã ký thỏa thuận hạt nhân đang trên bờ đổ vỡ rằng Tehran sẽ làm giàu "bất kỳ lượng uranium nào mà chúng tôi muốn" bắt đầu từ ngày 7/7, gây áp lực lên EU phải có những biện pháp để bù đắp cho những lệnh trừng phạt gắt gao của Mỹ đối với Iran.
Hình ảnh được văn phòng tổng thống Iran có thấy Tổng thống Iran Hassan Rouhani phát biểu trong một cuộc họp nội các ở Tehran, Iran, ngày 3 tháng 7, 2019.
Tổng thống Hassan Rouhani tung ra những lời cảnh báo này trong bối cảnh căng thẳng vẫn cao giữa Iran và Hoa Kỳ về thỏa thuận hạt nhân mà Hoa Kỳ đã rút ra theo lệnh Tổng thống Donald Trump hơn một năm về trước.
Giới hữu trách hôm 1/7 thừa nhận Iran đã vượt qua mức giới hạn cho phép về lượng dự trữ uranium làm giàu ở mức thấp.
Một kho dự trữ ngày càng tăng và mức tinh luyện ngày càng cao hơn đang giúp Iran tiến gần tới khả năng sản xuất đủ nguyên liệu cho một quả bom hạt nhân. Iran phủ nhận họ muốn sản xuất bom hạt nhân, nhưng thỏa thuận hạt nhân đã tìm cách chặn trước tình huống này.
Trong khi chờ đợi, Hoa Kỳ đã gấp rút điều một tàu sân bay, máy bay ném bom B-52 và máy bay chiến đấu F-22 đến khu vực. Iran gần đây đã bắn hạ một máy bay trinh thám không người lái của quân đội Mỹ. Iran hôm 3/7 kỷ niệm vụ một máy bay chở khách của Iran bị Hải quân Hoa Kỳ bắn hạ vào năm 1988, một sai lầm đã khiến 290 người thiệt mạng và cho thấy nguy cơ tính toán sai lầm trong cuộc khủng hoảng hiện nay.
Phát biểu tại một cuộc họp nội các ở Tehran, các ý kiến của ông Rouhani dường như báo hiệu rằng Châu Âu vẫn chưa cung cấp cho Iran bất cứ đề xuất nào khả dĩ có thể bù đắp cho các lệnh trừng phạt mới của Hoa Kỳ nhắm vào ngành công nghiệp dầu mỏ, và các lệnh trừng phạt đối với các quan chức hàng đầu nước này.
Thỏa thuận hạt nhân Iran hiện hữu nghiêm cấm làm giàu uranium trên 3,67%, đủ cho các nhà máy điện hạt nhân, nhưng thấp hơn mức 90% cần thiết để sản xuất vũ khí hạt nhân.
Tổng thống Rouhani tuyên bố sẽ tinh luyện bất cứ lượng uranium nào mà nước ông muốn, hay cần, và thể nào "chúng tôi sẽ vượt mức 3,67%" ấn định trong thỏa thuận.
"Lời khuyên của chúng tôi đối với Châu Âu và Mỹ là quay trở lại với logic và trở lại bàn đàm phán", ông Rouhani nói thêm.
"Quay lại với sự thông cảm, lòng tôn trọng luật pháp và các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ. Dưới những điều kiện đó, tất cả chúng ta đều có thể tuân thủ thỏa thuận hạt nhân".
Hôm 3/7, các cường quốc Châu Âu đã đưa ra một tuyên bố riêng về việc Iran vượt qua giới hạn dự trữ, và kêu gọi Tehran hãy "đảo ngược động thái này cũng như kiềm chế các biện pháp tiếp theo làm suy yếu thỏa thuận hạt nhân".
Theo thỏa thuận hạt nhân, Iran đồng ý dự trữ ít hơn 300kg (661 pound) uranium làm giàu tới mức tối đa 3,67%. Cả Iran và cơ quan giám sát hạt nhân của LHQ xác nhận hôm 1/7 rằng Tehran đã vượt giới hạn đó.
Mặc dù điều này cho thấy bước đi lớn đầu tiên của Iran tách ra khỏi hiệp định, nhưng phải một năm nữa Iran mới có đủ nguyên liệu để sản xuất vũ khí hạt nhân. Iran khẳng định chương trình của họ chỉ nhắm mục đích hòa bình, nhưng phương Tây lo ngại rằng khả năng đó có thể cho phép Iran chế tạo một quả bom hạt nhân.
*******************
Iran sẽ làm giàu uranium tới ‘bất cứ mức nào’ họ muốn (VOA, 03/07/2019)
Tổng thống Iran hôm 3/7 cảnh báo các đối tác Châu Âu trong thỏa thuận hạt nhân đang sắp đổ vỡ rằng Tehran sẽ tăng cường làm giàu uranium tới "bất kỳ số lượng nào mà chúng tôi muốn" bắt đầu từ ngày 7/7, và gây áp lực lên EU để đưa ra biện pháp tránh cách trừng phạt mạnh mẽ của Mỹ đối với nước này.
Ông Rouhani nói Iran sẽ làm giàu uranium tới bất cứ mức nào họ muốn giữa căng thẳng với Mỹ.
Những bình luận của Tổng thống Hassan Rouhani được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Iran và Hoa Kỳ vẫn còn đang cao về thỏa thuận mà Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ ra khỏi hơn một năm trước.
Các nhà chức trách hôm 1/7 thừa nhận Iran đã vượt qua mức giới hạn cho phép về lượng dự trữ uranium làm giàu ở mức thấp.
Một kho dự trữ ngày càng tăng và mức làm giàu cao hơn đang giúp Iran tiến gần tới khả năng sản xuất đủ nguyên liệu cho một quả bom hạt nhân, điều mà Iran phủ nhận họ muốn có nhưng thỏa thuận hạt nhân đã tìm cách ngăn chặn việc này.
Trong khi đó, Hoa Kỳ đã nhanh chóng gửi một tàu sân bay, máy bay ném bom B-52 và máy bay chiến đấu F-22 đến khu vực và Iran gần đây đã bắn hạ một máy bay không người lái do thám của quân đội Mỹ. Iran hôm 3/7 đã kỷ niệm vụ bắn hạ một máy bay chở khách của Iran của Hải quân Hoa Kỳ vào năm 1988, một sai lầm khiến 290 người thiệt mạng và cho thấy nguy cơ tính toán sai lầm trong cuộc khủng hoảng hiện nay.
Phát biểu tại một cuộc họp nội các ở Tehran, các ý kiến của ông Rouhani, dường như báo hiệu rằng Châu Âu vẫn chưa cung cấp cho Iran bất cứ điều gì để giảm bớt sự ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt mới của Hoa Kỳ nhắm vào ngành công nghiệp dầu mỏ và các quan chức hàng đầu của nước này.
Thỏa thuận hạt nhân Iran hiện ngăn cản việc làm giàu uranium trên 3,67%, đủ cho các nhà máy điện hạt nhân nhưng thấp hơn 90% mức cần thiết để sản xuất vũ khí.
"Trong bất kỳ số lượng nào chúng tôi muốn, bất kỳ số lượng nào cần thiết, chúng tôi sẽ đạt mức (làm giàu) hơn 3,67(%)", ông Rou Rouhani nói.
"Lời khuyên của chúng tôi đối với Châu Âu và Mỹ là quay trở lại với logic và đến bàn đàm phán", ông Cameron Rouhani nói thêm. "Quay trở lại để hiểu, để tôn trọng luật pháp và nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Theo những điều kiện đó, tất cả chúng ta đều có thể tuân thủ thỏa thuận hạt nhân".
Không có phản ứng nào ngay lập tức từ Châu Âu, nơi Liên minh Châu Âu chỉ có một ngày nữa là phải quyết định các đề cử để tiếp quản các chức vụ hàng đầu của khối.
Hôm 3/7, các cường quốc Châu Âu đã đưa ra một tuyên bố riêng về việc Iran vượt qua giới hạn kho dự trữ, và kêu gọi Tehran "đảo ngược động thái này cũng như kiềm chế các biện pháp tiếp theo làm suy yếu thỏa thuận hạt nhân".
Theo thỏa thuận hạt nhân, Iran đồng ý dự trữ ít hơn 300kg (661 pound) uranium làm giàu tới mức tối đa 3,67%. Cả Iran và cơ quan giám sát hạt nhân của LHQ xác nhận hôm 1/7 rằng Tehran đã vi phạm giới hạn đó.
Mặc dù điều này cho thấy bước đi lớn đầu tiên của Iran ra khỏi hiệp định, nhưng Iran vẫn còn cần một năm nữa mới có đủ nguyên liệu cho vũ khí hạt nhân. Iran khẳng định chương trình của họ là vì mục đích hòa bình, nhưng phương Tây lo ngại rằng nó có thể cho phép Iran chế tạo một quả bom.
Theo Reuters
Le Monde (01/08/2018) trên trang nhất chạy tít lớn "Dầu hỏa : căng thẳng giữa Mỹ và Iran làm tăng giá dầu thô". Tổng thống Donald Trump muốn bóp nghẹt nền kinh tế của quốc gia Cộng Hòa Hồi giáo qua việc tìm cách ngăn chặn nguồn thu từ dầu hỏa của nước này. Tuy nhiên, giới chuyên gia lo ngại thị trường dầu hỏa thế giới có nguy cơ rơi vào lốc xoáy Mỹ - Iran.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và bản tuyên bố ý định rút khỏi hiệp định nguyên tử Iran (JCPOA) ký tại Nhà Trắng ngày 08/05/2018. Reuters/Jonathan Ernst/File Photo
Thị trường dầu thô thế giới giờ lệ thuộc vào thái độ của Donald Trump đối với Iran. Bởi vì theo nhật báo, cả Hoa Kỳ lẫn Iran đều dùng "dầu hỏa" như là một vũ khí chiến lược để đối đầu nhau. Trước mắt, các lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào Iran sắp có hiệu lực trong tháng 11 năm nay sau thông báo của Donald Trump rút Hoa Kỳ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hồi tháng 5/2018, sẽ có những tác động đầu tiên đối với nền kinh tế Iran.
Đây cũng chính là một yếu tố chủ chốt trong chiến lược chống Iran của Hoa Kỳ : Tìm cách tước nguồn thu chính từ dầu hỏa của quốc gia Hồi giáo. Đồng thời Nhà Trắng thông báo trừng phạt không chút nương tay đối với những nước nào tiếp tục mua dầu hỏa Iran.
Nhiều đồng minh Hoa Kỳ như Nhật Bản cố gắng thuyết phục Mỹ miễn trừ trừng phạt nhưng bất thành. Phía Iran cũng bắt đầu cho đặt lại tên tầu chở dầu, đổi cờ hiệu với hy vọng có thể qua mắt được Mỹ. Càng gần đến ngày lệnh trừng phạt có hiệu lực, thị trường dầu hỏa càng hoảng loạn.
Nhiều nước lo ngại một sự sụt giảm nguồn cung đột ngột. Hiện tại, Iran cung cấp cho thị trường thế giới mỗi ngày 2,4 triệu thùng. Con số này có thể tụt giảm nhanh chóng từ khoảng 800 ngàn cho đến 1,2 triệu thùng.
Thế nhưng, theo nhật báo, những lời dọa dẫm này của Hoa Kỳ đang đặt ngành xuất khẩu dầu hỏa thế giới trước một thách thức to lớn, bởi vì không chỉ có Iran, mà toàn bộ lĩnh vực xuất khẩu dầu hỏa trong khu vực, một phần lớn được trung chuyển ngoài khơi bờ biển Iran cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Eo biển địa chiến lược Ormuz sẽ là một vũ khí đáp trả lợi hại của chế độ Tehran. Giáo chủ Ali Khamenei cảnh báo "nếu xuất khẩu dầu hỏa của Iran bị ngăn cấm, không một nước nào khác sẽ có thể xuất khẩu dầu hỏa».
Với chiều rộng khoảng 40km, eo biển Ormuz có một vị thế chiến lược quan trọng, là nơi trung chuyển của hơn 30% lượng dầu xuất khẩu thế giới. Nói một cách cụ thể, nếu Iran đóng cửa eo biển, thế giới bị thiếu đến 19 triệu thùng dầu mỗi ngày, theo như báo động của ông Robert McNally trên kênh truyền hình CNBC. Đó là chưa kể Hoa Kỳ duy trì một hoạt động quân sự quan trọng tại đây, với sự hiện diện của hạm đội 5.
Tuy một số ít chuyên gia không tin xảy ra một cuộc xung đột trực tiếp, vì trong quá khứ Tehran đã từng dọa đóng cửa eo biển và việc thực hiện có thể sẽ dẫn đến một sự leo thang nguy hiểm, nhưng lời lẽ cứng rắn của Iran cho thấy rõ quyết tâm đáp trả của Tehran.
Mặt khác, chế độ Hồi giáo này còn có nhiều công cụ khác để phản công như để quân nổi dậy người Huthi tại Yemen tấn công một tầu chở dầu của Ả Rập Xê Út, đồng minh của Mỹ ở eo biển Bab Al-Mandab chẳng hạn. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để Ả Rập Xê Út hoảng sợ thông báo tạm ngưng xuất khẩu dầu hỏa chờ tình hình yên ắng trở lại, đủ gây ra nhiều hậu quả đáng kể cho thị trường cung ứng dầu hỏa thế giới.
D. Trump và giới báo chí : «Cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt"
Ở bên ngoài, nước Mỹ của ông Donald Trump có Nga, Trung Quốc, Liên Hiệp Châu Âu, Iran và nhiều nước khác nữa là "kẻ thù". Ở trong nước, với tổng thống Mỹ, kẻ thù lớn nhất, thậm chí là «kẻ thù của nhân dân" chính là truyền thông. La Croix trích giải thích của ông Thomas Snégaroff cho biết "Vì sao Donald Trump tấn công truyền thông ?"
Nhật báo công giáo đưa ra ba lý do chính. Thứ nhất, ông dựa theo cảm giác bài truyền thông của một bộ phận dân Mỹ chỉ trích các trang thông tin đã cung cấp tin tức không đầy đủ hoặc bị bóp méo. Xu hướng chống đối truyền thông này tại Mỹ ngày càng tăng kể từ năm 2000, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của Internet và các trang mạng xã hội.
Thứ hai, tổng thống Mỹ cần một kẻ thù để tự khẳng định vai trò người bảo vệ nền dân chủ Mỹ. Điều bất hạnh thay và cũng đầy nghịch lý, ông Donald Trump đã thành công trong việc biến các kênh truyền thông độc lập, vốn dĩ là một phần của nền dân chủ thành "kẻ thù của nhân dân", một rào cản cho nền dân chủ.
Cuối cùng, tổng thống Mỹ không chấp nhận bất kỳ lời chỉ trích hay mọi nghi vấn nào về chính sách của ông. Giới truyền thông cũng như các phe đối lập đưa ra một cách diễn giải khác, đều bị xem là những kẻ phá đám và ông muốn tự cho mình là một vị tổng thống cao cả nhất của lịch sử nước Mỹ.
Do vậy, tổng thống Mỹ tìm kiếm một cuộc chiến trực diện với truyền thông, một cuộc chiến mà ông nghĩ là có thể giành phần thắng. Theo một thăm dò mới nhất, 88% số người ủng hộ cho biết rất tin tưởng vào Donald Trump để có được những thông tin đáng tin cậy, so với tỷ lệ 8% dành cho truyền thông. Tóm lại, tổng thống Mỹ đã nắm bắt được cảm giác quan trọng này và ông đã thành công trong việc biến chúng thành một lập luận chính trị.
Pakistan : Bóng ma giới quân sự
Thời sự Châu Á khá hiếm hoi trên các mặt báo. La Croix có bài viết về "vụ tai tiếng vắc-xin gây lo ngại cho các bậc phụ huynh tại Trung Quốc". Le Monde đặc biệt chú ý đến tình hình chính trị ở Pakistan. Nhật báo quan ngại "chiếc bóng của giới quân sự" đè nặng lên chính trường quốc gia Nam Á này.
Tờ báo nhìn nhận việc ông Imran Khan, cựu vô địch môn cricket đắc cử thủ tướng phản ảnh rõ nguyện vọng của người dân Pakistan làm trong sạch hóa các lề thói của chính quyền dân sự bị mất uy tín vì các tai tiếng tham nhũng.
Nhưng cuộc tuyển cử này vẫn chưa giải quyết được một vấn đề cơ cấu chính trị tại Pakistan từ 10 năm qua : Mối tương quan lực lượng giữa quyền lực dân sự và quân sự. Cựu thủ tướng Nawaz Sharif, cựu lãnh đạo đảng Liên Đoàn Hồi giáo Pakistan-Nawaz (PML-N) bị phế truất và đang bị cầm tù vì các cáo buộc tham nhũng, là hiện thân cho sự kháng cự giữa phe dân sự với quân đội Pakistan. Giữa hai nhiệm kỳ (1990-1993 và 1997-1999), căng thẳng kết thúc bằng cú đảo chính của tướng Pervez Musharraf.
Nếu như giới quân sự Pakistan, cũng có quyền hành trong nền kinh tế, dường như từ năm 2008 đã từ bỏ việc dùng vũ lực và ngày nay người ta nghi ngờ ý đồ của quân đội hành động ủy quyền thông qua các đảng chính trị.
Mối nghi ngờ này đè nặng lên ông Imran Khan từ nhiều năm qua. Trong suốt chiến dịch vận động tranh cử, tân thủ tướng tương lai đã đi theo một phần lớn các quan điểm truyền thống của quân đội. Mang nặng tư tưởng chủ nghĩa dân tộc trong các chính sách đối ngoại và khu vực, Imran Khan đã bóng gió cho rằng chính phủ dân sự mà ông lãnh đạo có thể không cần vạch ra những định hướng lớn cho đất nước mà có thể sử dụng các đường lối của quân đội.
Mối quan hệ giữa Imran Khan và quân đội đã có từ lâu. Từng một thời thân cận với tướng Musharraf, rồi xa lánh người này để làm thân với Hamid Gul, cựu lãnh đạo cơ quan tình báo quân đội Pakistan trong những năm 1980. Le Monde hy vọng Imran Khan sẽ không là con rối của ai cả và cuộc bầu cử này không đặt nền dân chủ Pakistan dưới chế độ giám hộ, sao cho một thời đại chính trị mới thật sự được mở ra.
Ngày 01/08 : Ngày nhân loại nợ Trái Đất
Trong lĩnh vực môi trường, Les Echos báo động "Trong vòng 7 tháng, nhân loại dường như đã hút cạn một năm nguồn tài nguyên Trái Đất".
Theo nghiên cứu của tổ chức Global Footprint Network, ngày 01/08 đánh dấu "ngày nợ" của nhân loại đối với toàn bộ các nguồn dự trữ thiên nhiên mà hành tinh có thể tái tạo trong vòng một năm. Con người trong vòng có 7 tháng đã đánh bắt vượt mức số lượng cá, đốn hạ cây rừng, thu lượm, tiêu thụ quá mức và nhất là thải ra quá nhiều khí Carbon mà thiên nhiên có thể hấp thụ.
Vẫn theo tổ chức phi chính phủ trên, "năng lực sinh học" trái đất mỗi năm thêm bị suy giảm. Tổ chức này nhắc lại, vào năm 1990, ngày con người mắc nợ Trái Đất là 13/10, năm 2010 là 14/08 và năm 2017 là 02/08.
Trang nhất các báo Pháp
Đề tài trên trang nhất các nhật báo lớn của Pháp số ra ngày đầu tháng 8/2018 khá đa dạng. Le Figaro và Les Echos quan tâm đến tình hình xã hội và kinh tế đất nước qua các tít "Đào tạo : Cuộc đánh cược của Macron để tạo việc làm" và "Tại sao lạm phát trở lại ở Pháp".
Điện ảnh là chủ đề chính của Libération. Với bộ phim "Nhiệm vụ bất khả thi" do ngôi sao điện ảnh Tom Cruise thủ vai chính, "Paris được lên sàn diễn". Thủ đô nước Pháp có hy vọng thu hút các nhà làm phim quốc tế.
Về thời sự quốc tế, nhật báo công giáo La Croix quan ngại cho số phận người Syria qua hàng tựa "Người tị nạn Syria, nỗi sợ hồi hương".
Minh Anh
Biểu tình tại Iran : Nguyên nhân là chính sách khắc khổ ? (RFI, 02/01/2018)
Sau năm ngày bạo động biểu tình phản đối chính phủ, dẫn đến hệ quả là hàng trăm người bị bắt và hơn một chục người chết, tình hình tại Iran vẫn căng thẳng. Nhiều nhà phân tích cho rằng sự bùng nổ làn sóng phản kháng này là do chính sách khắc khổ.
Một góc thủ đô Tehran, Iran, ngày 02/01/2018.ATTA KENARE / AFP
Theo chuyên gia Esfandyar Batmanghelidj, sáng lập viên Diễn đàn Doanh nghiệp Châu Âu – Iran, được AFP trích dẫn, thì người dân Iran thường hay biểu tình, bày tỏ bất bình, phản đối, trước các vấn đề kinh tế, xã hội thuần túy, như tình trạng thiếu công ăn việc làm, tương lai bất định… . Và chính sách khắc khổ mà tổng thống Hassan Rohani áp dụng từ năm 2013 là nguồn cội của các bất ổn trong những ngày qua : giảm các khoản ngân sách xã hội hay tăng giá nhiên liệu…
Người dân Iran, sau một giai đoạn bị cấm vận khó khăn, giờ còn bị yêu cầu thắt lưng buộc bụng, nên càng thêm mất kiên nhẫn. Do đó, theo giải thích của ông Ahmad Parhizi, một nhà báo tại Téhéran với ban tiếng Pháp đài RFI, viễn cảnh tương lai mịt mù là nguyên nhân nổi loạn của giới trẻ.
"Đa số những người xuống đường phản đối là giới trẻ Iran, tuyệt vọng vì không thấy được chút tương lai sáng sủa nào trong trước mắt. Họ tìm cách tác động lên tất cả các đảng phái chính trị, nhất là những người ủng hộ cải cách bên trong chính phủ. Họ không tin rằng chính phủ hiện nay có khả năng hoặc có thiện chí giải quyết các vấn đề kinh tế, chính trị và nhất là chống tham nhũng. Chính vì vậy mà họ trở nên rất kiên quyết".
Vẫn theo ông Ahmad Parhizi, cũng có nhiều khả năng các đối thủ chính trị của phe chủ trương ôn hòa muốn tìm cách phá hoại các chính sách kinh tế của chính phủ.
"Các vụ bạo động bắt đầu nổ ra từ Machhad, thành phố lớn thứ hai của Iran theo hệ phái Shia, theo một lời kêu gọi "nặc danh" từ phía đối thủ của tổng thống Rohani. Những người này đang tìm cách hạ bệ vị tổng thống có chủ trương ôn hòa hoặc chí ít là làm suy yếu ông. Ban đầu, họ kêu gọi biểu tình chống vật giá leo thang, nhưng sau đó, họ đã mất khả năng kiểm soát các cuộc biểu tình. Và ngọn lửa biểu tình đã nhanh chóng lan sang các thành phố khác, nhất là các thành phố vừa và nhỏ"...
Về phần mình, chính quyền Tehran đã cáo buộc lực lượng thù địch ngoại bang khích động làn sóng phản đối, vào lúc tổng thống Mỹ có những tuyên bố thể hiện rõ lập trường chống Iran. Theo giáo sư Mohammad Ali Kadivar, đại học Brown (Mỹ) thì đó là thái độ "giả dối" :
"Tổng thống Trump đã đứng về phía những người phản kháng nhưng điều đó dường như không mấy thật tâm bởi vì trước khi đắc cử và cho đến lúc này, tổng thống Mỹ luôn có thái độ thù nghịch với Iran. Nếu ông thật sự quan tâm đến số phận của người dân Iran lẽ ra ông nên bắt đầu bằng việc dỡ bỏ các lệnh cấm vận của Mỹ nhắm vào nước này. Dù gì đi nữa, tất cả mọi người dân Iran mong muốn là Hoa Kỳ, và những nước khác đứng ngoài chuyện này. Chúng tôi có quyền tự quyết, độc lập, và chúng tôi muốn tự giải quyết mọi vấn đề".
Dĩ nhiên, yếu tố thiếu "không gian tự do ngôn luận" cũng là một trong những nguyên nhân của phong trào phản kháng. Nhưng có một điều chắc chắn là từ nhiều năm qua nền kinh tế Iran đã có nhiều dấu hiệu hụt hơi. Nhiều cuộc biểu tình nhỏ đã diễn ra vài tuần trước đó do các công đoàn phát động phản đối việc trả lương chậm cho những người làm việc trong ngành khai thác dầu, việc đóng cửa nhà máy sản xuất xe máy kéo, và nhất là bong bóng địa ốc bùng nổ dẫn đến việc sụp đổ các cơ sở tín dụng.
Trong bối cảnh này, dòng biểu ngữ "đả đảo chế độ độc tài" mang tính chính trị chẳng khác nào như phao cứu sinh cho phép chính phủ trấn áp người biểu tình. Bởi vì, khống chế các cuộc biểu tình chính trị dễ hơn là kiểm soát các cuộc biểu tình về kinh tế.
Minh Anh
********************
Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho hay các cuộc biểu tình là một "cơ hội, chứ không phải là mối đe dọa" nhưng tuyên bố sẽ trấn áp những "kẻ phạm pháp".
Trong khi đó, Hoa Kỳ tăng cường ủng hộ "cuộc phản kháng táo bạo" của người biểu tình.
Các cuộc biểu tình bắt đầu hôm 28/12/2017 ở thành phố Mashhad, ban đầu nhằm phản đối giá tăng cao và nạn tham nhũng nhưng bây giờ theo hướng chống chính phủ.
Các thông báo mới nhất cho hay cảnh sát xuất hiện dày đặc ở thủ đô. Cảnh sát dùng súng phun nước và vòi rồng tối hôm trước để dập tắt một cuộc biểu tình tại quảng trường Engheleb của Tehran.
Truyền thông nhà nước cũng trích dẫn một phát ngôn viên cảnh sát nói rằng đã có nổ súng nhắm vào cảnh sát ở Najafabad, gần Isfahan miền trung Iran, giết chết một sĩ quan và làm bị thương ba người.
Reuters đưa tin một đồn cảnh sát ở thị trấn Qahderijan bị đốt cháy một phần trong các vụ đụng độ giữa lực lượng an ninh và người biểu tình đang cố chiếm tòa nhà. Chưa có xác nhận về số lượng thương vong.
Mạng xã hội cập nhật về các cuộc biểu tình mới tại Birjand ở phía đông, Kermanshah ở phía tây và Shadegan ở tây nam.
Ban đầu, đài truyền hình quốc gia cho hay 10 người bị giết đêm trước, sau đó con số được nâng lên 13 người.
Thông cáo trên website tổng thống Iran cho thấy có vẻ ông Rouhani cố gắng giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của tình trạng bạo lực.
Ông nói : "Chẳng có gì đâu. Chỉ trích và phản đối là cơ hội chứ không phải là một mối đe dọa".
Nhưng ông cũng thề sẽ hành động chống lại "những kẻ gây rối và phạm pháp".
Ông nói : "Đất nước này sẽ xử nhóm thiểu số đang hô vang khẩu hiệu chống lại luật pháp và mong muốn của người dân, xúc phạm đến các giá trị thiêng liêng và cuộc cách mạng của dân tộc".
Sau đó xuất hiện một dòng trên Twitter với giọng điệu hòa nhã hơn, nói rằng chính phủ cần chú ý đến nhu cầu của người dân về các vấn đề sinh kế và tham nhũng.
Tư lệnh Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cảnh báo người biểu tình chống chính phủ rằng họ sẽ phải đối mặt với "nắm đấm sắt" nếu tình trạng bất ổn chính trị tiếp tục.
IRGC là lực lượng hùng mạnh có quan hệ mật thiết với lãnh đạo tối cao của Iran. Lực lượng này nhằm bảo vệ nền tảng Hồi giáo.
Thẩm phán Tòa án Tối cao Ayatollah Sadeq Amoli-Larijani hôm 1/1 kêu gọi đàn áp "những kẻ nổi loạn" và "phá hoại".
"Một số cá nhân đang lợi dụng tình hình. Điều này là sai trái", ông nói.
Các báo cáo cho hay có tới 400 người bị bắt trong những ngày gần đây.
Tổng thống Donald Trump bắt đầu cuộc khẩu chiến với các nhà lãnh đạo Iran hôm thứ Hai bằng việc viết lên Twitter rằng "những người dân Iran tuyệt vời đã bị đàn áp trong nhiều năm, họ đang đói ăn và đói tự do".
Ông cũng thêm vào mấy chữ viết hoa "THỜI ĐIỂM ĐỂ THAY ĐỔI !"
Phó Tổng thống Mike Pence còn có giọng điệu mạnh mẽ hơn.
Ông nói : "Sự kháng cự mạnh mẽ và ngày càng tăng của người dân Iran hôm nay mang lại hy vọng và niềm tin cho tất cả những ai đấu tranh cho tự do và chống lại chế độ độc tài. Chúng ta không được và sẽ không để cho họ thất vọng".
Ông nói về "sai lầm đáng xấu hổ" khi không ủng hộ những người biểu tình trước đây của Iran.
Phong trào Xanh năm 2009 chứng kiến hàng triệu người biểu tình phản đối chiến thắng bầu cử của tổng thống đương nhiệm Mahmoud Ahmadinejad.
Các cuộc biểu tình bị đàn áp dã man, với ít nhất 30 người thiệt mạng và hàng ngàn người bị bắt.
Cách tiếp cận mới nhất của Hoa Kỳ làm cho Iran tức giận.
Ông Rouhani mô tả tổng thống Mỹ là "kẻ thù của Iran".
Trong khi đó, EU kêu gọi Iran bảo đảm quyền biểu tình ôn hòa của công dân, nói rằng EU đã liên lạc với giới chức Iran và đang theo dõi tình hình.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson nói "Anh Quốc đang theo dõi chặt chẽ các sự kiện ở Iran".
Bất mãn đang nổi lên ở Iran nơi sự đàn áp gia tăng và tình hình kinh tế trở nên tồi tệ hơn - điều tra của phóng viên BBC Tiếng Ba Tư cho thấy người Iran đã nghèo hơn 15% trong 10 năm qua.
Các cuộc biểu tình ban đầu giới hạn trong nhóm nam thanh niên đòi lật đổ chế độ.
Sau đó phong trào lan đến các thị trấn nhỏ trong cả nước và có khả năng mở rộng về quy mô.
Nhưng các cuộc biểu tình này không thủ lĩnh. Các nhân vật đối lập từ lâu đã bị buộc im lặng hoặc sống lưu vong.
*****************
Đợt biểu tình suốt mấy ngày qua tại thủ đô Teheran, Iran khiến gần hai chục người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị bắt.
Hình ảnh lấy từ một video do hãng tin Mehr của Iran công bố cho thấy một nhóm người kéo hàng rào ở trên phố ở Tehran hôm 30/12/2017 - MEHR NEWS/AFP
Hãng tin Reuters ghi nhận vào thứ Ba 2 tháng giêng có hơn 450 người đã bị bắt giữ. Đây được xem là đợt biểu tình chống chế độ lớn nhất tại Iran trong nhiều năm qua.
Theo đài truyền hình quốc gia Iran thì người dân đã tấn công vào đồn cảnh sát ở thị trấn Qahderijan, thuộc tỉnh Isfahan, làm cho sáu người biểu tình thiệt mạng.
Ngoài ra, bạo động xảy ra vào đêm đầu năm dương lịch tại ba thị trấn khác gần Isfahan làm một vệ binh Cách mạng, một cảnh sát và một người ngoài khác thiệt mạng.
Theo ước tính của AFP, sau 5 ngày xảy ra bất ổn, số người chết đến giờ là 21 người. Đây được cho là thách thức lớn nhất đối với chế độ Hồi giáo kể từ cuộc biểu tình năm 2009.
Một phát ngôn viên của lực lượng Vệ Binh Cách mạng cho biết họ không cần sự can thiệp trực tiếp, nhưng họ yêu cầu công chúng báo cáo các các phần tử nổi loạn.
******************
Iran : 9 người thiệt mạng trong các vụ bạo động ở vùng Ispahan (RFI, 02/01/2018)
Các cuộc biểu tình, bạo động tại Iran kể từ ngày 28/12/2017 đến nay đã làm 21 người thiệt mạng, 450 người bị bắt giữ. Riêng tại vùng Ispahan, ở miền trung, các vụ xung đột giữa người biểu tình và lực lượng an ninh tối ngày 01/01/2018 đã làm 9 người thiệt mạng, theo như nguồn tin từ đài truyền hình Nhà nước Iran.
Ảnh chụp từ video cho thấy cảnh biểu tình bạo động tại thành phố Tuyserkan, Iran, ngày 31/12 : 2017 IRINN/ReutersTV
Chính quyền Tehran tố cáo các tổ chức phản cách mạng, Hoa Kỳ và Saudi Arabia, đã khai thác những khó khăn kinh tế, kích động dân chúng biểu tình. Từ Tehran, thông tín viên RFI, Siavosh Ghazi cho biết thêm thông tin :
Các vụ bạo động trong những ngày qua chủ yếu xẩy ra ở những thành phố nhỏ của các tỉnh. Đó là những nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi nạn thất nghiệp và những khó khăn kinh tế.
Năm 2009, thủ đô Iran là nơi xẩy ra các cuộc biểu tình của hàng trăm ngàn người phản đối tổng thống cực kỳ bảo thủ Mahmoud Ahmandinejad tái đắc cử. Nhưng lần này, quả thực là Tehran bị ảnh hưởng ít hơn. Trong những ngày qua, chỉ có vài trăm người biểu tình ở trung tâm thủ đô Tehran.
Tỷ lệ thất nghiệp tính chung trên toàn quốc là 12%, nhưng ở các thành phố nhỏ của các tỉnh, tỷ lệ này cao hơn.
Chính quyền Iran, đặc biệt là tổng thống Hassan Rohani, tuyên bố hiểu được các yêu sách kinh tế của những người biểu tình nhưng bác bỏ mọi hành vi bạo lực.
Giới lãnh đạo Iran tố cáo các tổ chức phản cách mạng, cũng như Hoa Kỳ hay Saudi Arabia, thông qua các mạng xã hội, kích động bạo lực, bằng cách khai thác những khó khăn kinh tế của Iran.
Sau khi có thái độ kiềm chế, chính quyền đã tỏ thái độ cứng rắn đối với những kẻ sử dụng bạo lực, tấn công các công sở.
Tổng thống Rohani cũng như bộ trưởng Tư Pháp Iran cảnh cáo những kẻ sử dụng bạo lực và theo nguyên thủ Iran, thì đó chỉ là một thiểu số ít ỏi.
Minh Anh
*********************
Tổng thống Mỹ lên án đàn áp biểu tình, dọa xóa bỏ hiệp định hạt nhân Iran (RFI, 02/01/2018)
Hoa Kỳ chú ý theo dõi các cuộc biểu tình tại Iran và tổng thống Donald Trump không đợi có sự kiện này mới chỉ trích chính sách của người tiền nhiệm, Barack Obama trong hồ sơ Iran.
Biểu tình chống chính phủ tại Tehran, Iran, ngày 30/12/2017. Reuters
Một làn sóng trấn áp biểu tình tại Iran có thể tạo cớ cho tổng thống Mỹ tố cáo Tehran là Nhà nước bất hảo và có thể xóa bỏ hiệp định hạt nhân mà Washington, cùng với 5 cường quốc khác, đã ký với Iran.
Từ New York, thông tín viên Gregoire Pourtier tường trình :
Donald Trump vẫn thường dùng các từ ngữ thóa mạ, xúc phạm, có những cách thức xử sự không phải lúc nào cũng ở tầm cỡ một nguyên thủ quốc gia. Nhưng với những sự kiện đang diễn ra tại Iran, ông không cần phải lo ngại gì cả. Bởi vì chính giới Hoa Kỳ nhất loạt chỉ trích các vụ trấn áp phong trào biểu tình của người dân Iran. Ví dụ, bà Hillary Clinton, đối thủ cũ của ông Trump, đã kêu gọi Tehran kiềm chế.
Donald Trump cũng tỏ ra "chơi đẹp" bằng cách nhắc lại rằng bản thân ông chưa bao giờ tin là chế độ Tehran dân chủ thực sự và hoan hỉ đóng vai người bảo vệ nhân quyền, tố cáo sự thụ động của chính quyền Obama cũng như của các cường quốc phương Tây.
Tuy nhiên, vấn đề là từ ngữ và giọng điệu của ông. Cũng giống như ông đã làm từ thứ Sáu, 29/12, hôm qua, 01/01/2018, ông lại kêu gọi phải có sự thay đổi tại Iran. Thái độ này làm cho chính quyền Iran rất khó chịu và chưa chắc là hiệu quả nhất.
Tuy nhiên, khi xảy các cuộc biểu tình ở Iran hồi năm 2009, Barack Obama trong một thời gian dài, đã tỏ ra rất thận trọng để rồi cuối cùng thì kết quả cũng không mấy thuyết phục.
Trong mọi trường hợp, giờ đây, Donald Trump có trong tay một lá bài chủ chốt : Nếu được Thượng Viện ủng hộ, ông có thể quyết định rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định hạt nhân Iran.
Minh Anh