Biểu tình tại Iran : Nguyên nhân là chính sách khắc khổ ? (RFI, 02/01/2018)
Sau năm ngày bạo động biểu tình phản đối chính phủ, dẫn đến hệ quả là hàng trăm người bị bắt và hơn một chục người chết, tình hình tại Iran vẫn căng thẳng. Nhiều nhà phân tích cho rằng sự bùng nổ làn sóng phản kháng này là do chính sách khắc khổ.
Một góc thủ đô Tehran, Iran, ngày 02/01/2018.ATTA KENARE / AFP
Theo chuyên gia Esfandyar Batmanghelidj, sáng lập viên Diễn đàn Doanh nghiệp Châu Âu – Iran, được AFP trích dẫn, thì người dân Iran thường hay biểu tình, bày tỏ bất bình, phản đối, trước các vấn đề kinh tế, xã hội thuần túy, như tình trạng thiếu công ăn việc làm, tương lai bất định… . Và chính sách khắc khổ mà tổng thống Hassan Rohani áp dụng từ năm 2013 là nguồn cội của các bất ổn trong những ngày qua : giảm các khoản ngân sách xã hội hay tăng giá nhiên liệu…
Người dân Iran, sau một giai đoạn bị cấm vận khó khăn, giờ còn bị yêu cầu thắt lưng buộc bụng, nên càng thêm mất kiên nhẫn. Do đó, theo giải thích của ông Ahmad Parhizi, một nhà báo tại Téhéran với ban tiếng Pháp đài RFI, viễn cảnh tương lai mịt mù là nguyên nhân nổi loạn của giới trẻ.
"Đa số những người xuống đường phản đối là giới trẻ Iran, tuyệt vọng vì không thấy được chút tương lai sáng sủa nào trong trước mắt. Họ tìm cách tác động lên tất cả các đảng phái chính trị, nhất là những người ủng hộ cải cách bên trong chính phủ. Họ không tin rằng chính phủ hiện nay có khả năng hoặc có thiện chí giải quyết các vấn đề kinh tế, chính trị và nhất là chống tham nhũng. Chính vì vậy mà họ trở nên rất kiên quyết".
Vẫn theo ông Ahmad Parhizi, cũng có nhiều khả năng các đối thủ chính trị của phe chủ trương ôn hòa muốn tìm cách phá hoại các chính sách kinh tế của chính phủ.
"Các vụ bạo động bắt đầu nổ ra từ Machhad, thành phố lớn thứ hai của Iran theo hệ phái Shia, theo một lời kêu gọi "nặc danh" từ phía đối thủ của tổng thống Rohani. Những người này đang tìm cách hạ bệ vị tổng thống có chủ trương ôn hòa hoặc chí ít là làm suy yếu ông. Ban đầu, họ kêu gọi biểu tình chống vật giá leo thang, nhưng sau đó, họ đã mất khả năng kiểm soát các cuộc biểu tình. Và ngọn lửa biểu tình đã nhanh chóng lan sang các thành phố khác, nhất là các thành phố vừa và nhỏ"...
Về phần mình, chính quyền Tehran đã cáo buộc lực lượng thù địch ngoại bang khích động làn sóng phản đối, vào lúc tổng thống Mỹ có những tuyên bố thể hiện rõ lập trường chống Iran. Theo giáo sư Mohammad Ali Kadivar, đại học Brown (Mỹ) thì đó là thái độ "giả dối" :
"Tổng thống Trump đã đứng về phía những người phản kháng nhưng điều đó dường như không mấy thật tâm bởi vì trước khi đắc cử và cho đến lúc này, tổng thống Mỹ luôn có thái độ thù nghịch với Iran. Nếu ông thật sự quan tâm đến số phận của người dân Iran lẽ ra ông nên bắt đầu bằng việc dỡ bỏ các lệnh cấm vận của Mỹ nhắm vào nước này. Dù gì đi nữa, tất cả mọi người dân Iran mong muốn là Hoa Kỳ, và những nước khác đứng ngoài chuyện này. Chúng tôi có quyền tự quyết, độc lập, và chúng tôi muốn tự giải quyết mọi vấn đề".
Dĩ nhiên, yếu tố thiếu "không gian tự do ngôn luận" cũng là một trong những nguyên nhân của phong trào phản kháng. Nhưng có một điều chắc chắn là từ nhiều năm qua nền kinh tế Iran đã có nhiều dấu hiệu hụt hơi. Nhiều cuộc biểu tình nhỏ đã diễn ra vài tuần trước đó do các công đoàn phát động phản đối việc trả lương chậm cho những người làm việc trong ngành khai thác dầu, việc đóng cửa nhà máy sản xuất xe máy kéo, và nhất là bong bóng địa ốc bùng nổ dẫn đến việc sụp đổ các cơ sở tín dụng.
Trong bối cảnh này, dòng biểu ngữ "đả đảo chế độ độc tài" mang tính chính trị chẳng khác nào như phao cứu sinh cho phép chính phủ trấn áp người biểu tình. Bởi vì, khống chế các cuộc biểu tình chính trị dễ hơn là kiểm soát các cuộc biểu tình về kinh tế.
Minh Anh
********************
Iran : Biểu tình sang ngày thứ 5 (BBC, 02/01/2018)
Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho hay các cuộc biểu tình là một "cơ hội, chứ không phải là mối đe dọa" nhưng tuyên bố sẽ trấn áp những "kẻ phạm pháp".
Trong khi đó, Hoa Kỳ tăng cường ủng hộ "cuộc phản kháng táo bạo" của người biểu tình.
Các cuộc biểu tình bắt đầu hôm 28/12/2017 ở thành phố Mashhad, ban đầu nhằm phản đối giá tăng cao và nạn tham nhũng nhưng bây giờ theo hướng chống chính phủ.
Bạo lực xảy ra ở đâu ?
Các thông báo mới nhất cho hay cảnh sát xuất hiện dày đặc ở thủ đô. Cảnh sát dùng súng phun nước và vòi rồng tối hôm trước để dập tắt một cuộc biểu tình tại quảng trường Engheleb của Tehran.
Truyền thông nhà nước cũng trích dẫn một phát ngôn viên cảnh sát nói rằng đã có nổ súng nhắm vào cảnh sát ở Najafabad, gần Isfahan miền trung Iran, giết chết một sĩ quan và làm bị thương ba người.
Reuters đưa tin một đồn cảnh sát ở thị trấn Qahderijan bị đốt cháy một phần trong các vụ đụng độ giữa lực lượng an ninh và người biểu tình đang cố chiếm tòa nhà. Chưa có xác nhận về số lượng thương vong.
Mạng xã hội cập nhật về các cuộc biểu tình mới tại Birjand ở phía đông, Kermanshah ở phía tây và Shadegan ở tây nam.
Ban đầu, đài truyền hình quốc gia cho hay 10 người bị giết đêm trước, sau đó con số được nâng lên 13 người.
Tổng thống Rouhani nói gì ?
Thông cáo trên website tổng thống Iran cho thấy có vẻ ông Rouhani cố gắng giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của tình trạng bạo lực.
Ông nói : "Chẳng có gì đâu. Chỉ trích và phản đối là cơ hội chứ không phải là một mối đe dọa".
Nhưng ông cũng thề sẽ hành động chống lại "những kẻ gây rối và phạm pháp".
Ông nói : "Đất nước này sẽ xử nhóm thiểu số đang hô vang khẩu hiệu chống lại luật pháp và mong muốn của người dân, xúc phạm đến các giá trị thiêng liêng và cuộc cách mạng của dân tộc".
Sau đó xuất hiện một dòng trên Twitter với giọng điệu hòa nhã hơn, nói rằng chính phủ cần chú ý đến nhu cầu của người dân về các vấn đề sinh kế và tham nhũng.
Tư lệnh Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cảnh báo người biểu tình chống chính phủ rằng họ sẽ phải đối mặt với "nắm đấm sắt" nếu tình trạng bất ổn chính trị tiếp tục.
IRGC là lực lượng hùng mạnh có quan hệ mật thiết với lãnh đạo tối cao của Iran. Lực lượng này nhằm bảo vệ nền tảng Hồi giáo.
Thẩm phán Tòa án Tối cao Ayatollah Sadeq Amoli-Larijani hôm 1/1 kêu gọi đàn áp "những kẻ nổi loạn" và "phá hoại".
"Một số cá nhân đang lợi dụng tình hình. Điều này là sai trái", ông nói.
Các báo cáo cho hay có tới 400 người bị bắt trong những ngày gần đây.
Hoa Kỳ nói gì ?
Tổng thống Donald Trump bắt đầu cuộc khẩu chiến với các nhà lãnh đạo Iran hôm thứ Hai bằng việc viết lên Twitter rằng "những người dân Iran tuyệt vời đã bị đàn áp trong nhiều năm, họ đang đói ăn và đói tự do".
Ông cũng thêm vào mấy chữ viết hoa "THỜI ĐIỂM ĐỂ THAY ĐỔI !"
Phó Tổng thống Mike Pence còn có giọng điệu mạnh mẽ hơn.
Ông nói : "Sự kháng cự mạnh mẽ và ngày càng tăng của người dân Iran hôm nay mang lại hy vọng và niềm tin cho tất cả những ai đấu tranh cho tự do và chống lại chế độ độc tài. Chúng ta không được và sẽ không để cho họ thất vọng".
Ông nói về "sai lầm đáng xấu hổ" khi không ủng hộ những người biểu tình trước đây của Iran.
Phong trào Xanh năm 2009 chứng kiến hàng triệu người biểu tình phản đối chiến thắng bầu cử của tổng thống đương nhiệm Mahmoud Ahmadinejad.
Các cuộc biểu tình bị đàn áp dã man, với ít nhất 30 người thiệt mạng và hàng ngàn người bị bắt.
Cách tiếp cận mới nhất của Hoa Kỳ làm cho Iran tức giận.
Ông Rouhani mô tả tổng thống Mỹ là "kẻ thù của Iran".
Trong khi đó, EU kêu gọi Iran bảo đảm quyền biểu tình ôn hòa của công dân, nói rằng EU đã liên lạc với giới chức Iran và đang theo dõi tình hình.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson nói "Anh Quốc đang theo dõi chặt chẽ các sự kiện ở Iran".
Các cuộc biểu tình sẽ đi về đâu ?
Bất mãn đang nổi lên ở Iran nơi sự đàn áp gia tăng và tình hình kinh tế trở nên tồi tệ hơn - điều tra của phóng viên BBC Tiếng Ba Tư cho thấy người Iran đã nghèo hơn 15% trong 10 năm qua.
Các cuộc biểu tình ban đầu giới hạn trong nhóm nam thanh niên đòi lật đổ chế độ.
Sau đó phong trào lan đến các thị trấn nhỏ trong cả nước và có khả năng mở rộng về quy mô.
Nhưng các cuộc biểu tình này không thủ lĩnh. Các nhân vật đối lập từ lâu đã bị buộc im lặng hoặc sống lưu vong.
*****************
Hàng trăm người bị bắt trong cuộc biểu tình ở Iran (RFA, 02/1/2018)
Đợt biểu tình suốt mấy ngày qua tại thủ đô Teheran, Iran khiến gần hai chục người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị bắt.
Hình ảnh lấy từ một video do hãng tin Mehr của Iran công bố cho thấy một nhóm người kéo hàng rào ở trên phố ở Tehran hôm 30/12/2017 - MEHR NEWS/AFP
Hãng tin Reuters ghi nhận vào thứ Ba 2 tháng giêng có hơn 450 người đã bị bắt giữ. Đây được xem là đợt biểu tình chống chế độ lớn nhất tại Iran trong nhiều năm qua.
Theo đài truyền hình quốc gia Iran thì người dân đã tấn công vào đồn cảnh sát ở thị trấn Qahderijan, thuộc tỉnh Isfahan, làm cho sáu người biểu tình thiệt mạng.
Ngoài ra, bạo động xảy ra vào đêm đầu năm dương lịch tại ba thị trấn khác gần Isfahan làm một vệ binh Cách mạng, một cảnh sát và một người ngoài khác thiệt mạng.
Theo ước tính của AFP, sau 5 ngày xảy ra bất ổn, số người chết đến giờ là 21 người. Đây được cho là thách thức lớn nhất đối với chế độ Hồi giáo kể từ cuộc biểu tình năm 2009.
Một phát ngôn viên của lực lượng Vệ Binh Cách mạng cho biết họ không cần sự can thiệp trực tiếp, nhưng họ yêu cầu công chúng báo cáo các các phần tử nổi loạn.
******************
Iran : 9 người thiệt mạng trong các vụ bạo động ở vùng Ispahan (RFI, 02/01/2018)
Các cuộc biểu tình, bạo động tại Iran kể từ ngày 28/12/2017 đến nay đã làm 21 người thiệt mạng, 450 người bị bắt giữ. Riêng tại vùng Ispahan, ở miền trung, các vụ xung đột giữa người biểu tình và lực lượng an ninh tối ngày 01/01/2018 đã làm 9 người thiệt mạng, theo như nguồn tin từ đài truyền hình Nhà nước Iran.
Ảnh chụp từ video cho thấy cảnh biểu tình bạo động tại thành phố Tuyserkan, Iran, ngày 31/12 : 2017 IRINN/ReutersTV
Chính quyền Tehran tố cáo các tổ chức phản cách mạng, Hoa Kỳ và Saudi Arabia, đã khai thác những khó khăn kinh tế, kích động dân chúng biểu tình. Từ Tehran, thông tín viên RFI, Siavosh Ghazi cho biết thêm thông tin :
Các vụ bạo động trong những ngày qua chủ yếu xẩy ra ở những thành phố nhỏ của các tỉnh. Đó là những nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi nạn thất nghiệp và những khó khăn kinh tế.
Năm 2009, thủ đô Iran là nơi xẩy ra các cuộc biểu tình của hàng trăm ngàn người phản đối tổng thống cực kỳ bảo thủ Mahmoud Ahmandinejad tái đắc cử. Nhưng lần này, quả thực là Tehran bị ảnh hưởng ít hơn. Trong những ngày qua, chỉ có vài trăm người biểu tình ở trung tâm thủ đô Tehran.
Tỷ lệ thất nghiệp tính chung trên toàn quốc là 12%, nhưng ở các thành phố nhỏ của các tỉnh, tỷ lệ này cao hơn.
Chính quyền Iran, đặc biệt là tổng thống Hassan Rohani, tuyên bố hiểu được các yêu sách kinh tế của những người biểu tình nhưng bác bỏ mọi hành vi bạo lực.
Giới lãnh đạo Iran tố cáo các tổ chức phản cách mạng, cũng như Hoa Kỳ hay Saudi Arabia, thông qua các mạng xã hội, kích động bạo lực, bằng cách khai thác những khó khăn kinh tế của Iran.
Sau khi có thái độ kiềm chế, chính quyền đã tỏ thái độ cứng rắn đối với những kẻ sử dụng bạo lực, tấn công các công sở.
Tổng thống Rohani cũng như bộ trưởng Tư Pháp Iran cảnh cáo những kẻ sử dụng bạo lực và theo nguyên thủ Iran, thì đó chỉ là một thiểu số ít ỏi.
Minh Anh
*********************
Tổng thống Mỹ lên án đàn áp biểu tình, dọa xóa bỏ hiệp định hạt nhân Iran (RFI, 02/01/2018)
Hoa Kỳ chú ý theo dõi các cuộc biểu tình tại Iran và tổng thống Donald Trump không đợi có sự kiện này mới chỉ trích chính sách của người tiền nhiệm, Barack Obama trong hồ sơ Iran.
Biểu tình chống chính phủ tại Tehran, Iran, ngày 30/12/2017. Reuters
Một làn sóng trấn áp biểu tình tại Iran có thể tạo cớ cho tổng thống Mỹ tố cáo Tehran là Nhà nước bất hảo và có thể xóa bỏ hiệp định hạt nhân mà Washington, cùng với 5 cường quốc khác, đã ký với Iran.
Từ New York, thông tín viên Gregoire Pourtier tường trình :
Donald Trump vẫn thường dùng các từ ngữ thóa mạ, xúc phạm, có những cách thức xử sự không phải lúc nào cũng ở tầm cỡ một nguyên thủ quốc gia. Nhưng với những sự kiện đang diễn ra tại Iran, ông không cần phải lo ngại gì cả. Bởi vì chính giới Hoa Kỳ nhất loạt chỉ trích các vụ trấn áp phong trào biểu tình của người dân Iran. Ví dụ, bà Hillary Clinton, đối thủ cũ của ông Trump, đã kêu gọi Tehran kiềm chế.
Donald Trump cũng tỏ ra "chơi đẹp" bằng cách nhắc lại rằng bản thân ông chưa bao giờ tin là chế độ Tehran dân chủ thực sự và hoan hỉ đóng vai người bảo vệ nhân quyền, tố cáo sự thụ động của chính quyền Obama cũng như của các cường quốc phương Tây.
Tuy nhiên, vấn đề là từ ngữ và giọng điệu của ông. Cũng giống như ông đã làm từ thứ Sáu, 29/12, hôm qua, 01/01/2018, ông lại kêu gọi phải có sự thay đổi tại Iran. Thái độ này làm cho chính quyền Iran rất khó chịu và chưa chắc là hiệu quả nhất.
Tuy nhiên, khi xảy các cuộc biểu tình ở Iran hồi năm 2009, Barack Obama trong một thời gian dài, đã tỏ ra rất thận trọng để rồi cuối cùng thì kết quả cũng không mấy thuyết phục.
Trong mọi trường hợp, giờ đây, Donald Trump có trong tay một lá bài chủ chốt : Nếu được Thượng Viện ủng hộ, ông có thể quyết định rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định hạt nhân Iran.
Minh Anh