Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

03/01/2018

Điểm báo Pháp - 2018 : những chuyển động mạnh ở Châu Mỹ Latinh

RFI tiếng Việt

2018 : Báo hiệu những chuyển động mạnh ở Châu Mỹ Latinh

Thời sự chính được hầu hết các báo Pháp ra hôm nay đăng tải là làn sóng biểu tình phản kháng chế độ ở Iran và những dấu hiệu hòa hoãn giữa hai miền Nam-Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên trong số báo đầu năm, Le Figaro dành sự chú ý tới khu vực Châu Mỹ Latinh, khu vực sẽ có những biến chuyển chính trị quan trọng trong năm nay với bài : "2018, năm quyết định cho Mỹ Latinh".

latinh1

Brazil đón mừng 2018 tại Rio de Janeiro, 01/01/2018. Reuters/Lucas Landau

Le Figaro nhận thấy, với một loạt cuộc bầu cử quan trọng, năm 2018 báo hiệu nhiều chuyển biến ở Châu Mỹ Latinh. Ở các nước như Brazil, Colombia, Mêhico, Paraguay và Venezuela, cử tri sẽ được lựa chọn vị tổng thống của mình. Còn tại Cuba, ông Raul Castro cũng chuẩn bị rút khỏi quyền lực. Những thay đổi ở mỗi nước trên đều rất hệ trọng bởi đó là những quốc gia sau một thập kỷ ghi dấu ấn bằng những chế độ tự xưng là tiến bộ thì trong năm qua đều suy yếu rõ rệt, mất ổn định mọi mặt.

Trước tiên đến với Brazil quốc gia rộng lớn nhất khu vực Nam Mỹ, Le Figaro cho hay : Tháng 10 tới, dân Brazil sẽ đi bầu tổng thống trong bối cảnh chính trị xã hội đất nước nhiều xáo trộn, nạn tham nhũng tràn lan, chính khách nào cũng dính. Ông Michel Temer thuộc Đảng Phong trào Dân chủ Brazil lên thay thế bà tổng thống Dilma Rousseff (Đảng Lao Động cánh tả) sau khi Quốc Hội phế truất bà vì các cáo buộc tham nhũng. Chẳng được bao lâu, tổng thống Michel Temer cũng bị tố cáo dính líu tới tham nhũng, khiến ông suýt nữa cũng bị thủ tục phế truất nhắm tới. Người có nhiều triển vọng cho cuộc bầu cử tổng thống sắp tới là cựu tổng thống Lula thì lại cũng đang trong vòng kiện tụng vì tham nhũng.

Tại Colombia, cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra vào tháng 5/2018. Theo Le Figaro đây là cuộc bầu cử mà người dân sẽ quan tâm đến tương lai của tiến trình hòa bình với lực lượng du kích Farc nhiều hơn là tên của vị tổng thống tương lai của họ. Tổng thống Juan Manuel Santos đã thành công trong việc ký được thỏa thuận hòa bình với lực lượng du kích kháng chiến lâu đời nhất Châu lục này, nhưng thỏa thuận này vẫn còn nhiều bất trắc vì không thuyết phục được các phe đối lập. Cuộc bầu cử tổng thống tới tại Colombia sẽ có sự tham gia của ứng cử viên Rodrigo Londono, lãnh đạo lực lượng Farc. Tuy khả năng thắng cử của ông này hầu như không có, nhưng hứa hẹn đây sẽ là cuộc bầu cử nhiều cảm xúc.

Tại Venezuela, đất nước này đang trải qua một cuộc khủng hoảng lớn thời kỳ hậu Chavez. Tổng thống Nicolas Maduro từ năm 2013 lên nắm quyền, đã phải đứng mũi chịu sào với những khó khăn kinh tế và làn sóng phản kháng liên tục và đỉnh điểm là năm 2017. Le Figaro nhận thấy, đã cả nghìn lần có dấu hiệu ông bị lật đổ. Thế nhưng tổng thống Venezuela không chỉ giữ được chiếc ghế tổng thống, mà còn củng cố thêm vị thế. Các cuộc biểu tình bạo lực làm hơn một trăm người chết, chỉ trong trong quý đầu 2017.

Venezuela lún sâu vào khủng hoảng toàn diện, cuộc sống người dân khốn đốn vì đói nghèo. Vậy nhưng, điều ngạc nhiên là tất cả vẫn không làm lung lay quyền lực của tổng thống Nicolas Maduro. Đối lập không vượt qua được sự phân hóa chia rẽ, để đương đầu với vị tổng thống đang cố giữ gìn di sản chẳng còn bao nhiêu của Hugo Chavez.

Việc ông Maduro ban hành lệnh cấm các đảng đối lập chính dường như đã cho thấy con đường tiếp tục nhiệm kỳ mới đang mở ra cho ông trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới. Chính quyền Maduro muốn tiếp tục tìm cách làm suy yếu đối lập trước khi ấn định ngày bầu cử.

Cuối cùng chuyển sang hòn đảo Cuba. Le Figaro nhận định : "một cuộc cách mạng đang được chuẩn bị. Hơn một năm sau khi người anh Fidel Castro qua đời, ông Raul Castro thông báo chính thức sẽ nhường vị trí lãnh đạo đất nước. Các cuộc mặc cả ở thượng tầng lãnh đạo đảng cộng sản Cuba đang diễn ra sôi động, đến mức mà ông Raul đã phải thông báo lùi thời điểm rời chính trường lại thêm 2 tháng".

Lần đầu tiên kể từ năm 1959, hòn đảo Cuba sẽ không còn do gia đình nhà Castro lãnh đạo nữa. Đó cũng là sự kiện quan trọng với người Cuba đang mong đợi từng ngày một bước ngoặt mới cho đất nước.

Iran : Chớm nở một cuộc cách mạng mùa xuân ?

Chuyển sang thời sự đang thu hút nhiều sự chú ý của dư luận trong nhứng ngày đầu năm mới : Làn sóng biểu tình phản kháng chế độ tại Iran đang lan rộng.

Các báo chính tại Pháp đều dành dung lượng khá lớn cho biến động chính trị xã hội ở Iran và cùng chung một nhận định là chính quyền Tehran đang chuẩn bị mạnh tay đối phó với làn sóng nổi dậy của dân chúng đang có cơ lan rộng.

Libération chạy hàng tựa ghi nhận : "Tại Iran, chế độ rắn giọng và chuẩn bị trấn áp". Tờ báo cho hay : "Sáng qua, 5 ngày sau các cuộc biểu tình phản kháng khắp cả nước, nhân vật quyền lực nhất của chế độ, giáo chủ Ali Khamenei đã phát biểu trên truyền hình Nhà nước bằng những lời lẽ cứng rắn rằng các kẻ thù (của Iran) đang tập hợp với nhau, sử dụng phương tiện, tiền bạc, vũ khí và các cơ quan an ninh của chúng để gây chuyện với chế độ Hồi giáo".

"Khẳng định rằng các cuộc biểu tình đã được chỉ đạo từ nước ngoài và gọi những người biểu tình chống chế độ là những kẻ phản bội, lãnh đạo tinh thần tối cao Iran đang mở đường cho trấn áp", Libération trích dẫn nhận định của ông Azadeh Kian, giáo sư khoa học chính trị Đại học Paris-Diderot.

Libération nhận xét, như thường lệ lãnh tụ tình thần Iran không nêu tên "các kẻ thù" của Iran là ai, nhưng nhiều quan chức chế độ Tehran không ngần ngại chỉ đích danh. Thư ký Hội đồng An ninh tối cao Iran, Ali Shamkhani tố cáo Hoa Kỳ, Anh, Saudi Arabia đang muốn là mất ổn định Iran.

Nhiều câu hỏi được các báo Pháp đặt ra lúc này chẳng hạn như : "Cuộc nổi dậy của tầng lớp bình dân có thực sự đe dọa chế độ Iran ? Từ "cách mạng" liệu lần này có thích hợp để đặt cho làn sóng phản kháng hay không ?

Vẫn còn quá sớm để kết luận. Tuy vậy những biến động ở Iran dường như không dấu hiệu dịu xuống.

Iran đục nước, Mỹ thả câu ?

Một chi tiết khác liên quan đến sự kiện ở Iran cũng được nhiều tờ báo nhận thấy đó là sự quan tâm đặc biệt của chính quyền Donald Trump.

Les Echos trong bài viết : "Washington định áp đặt một tương quan lực lượng mới với Tehran". Tờ báo viết : "Lợi dụng các cuộc biểu tình diễn ra ở nhiều thành phố Iran, Washington đã liên tục công kích chế độ Tehran, trong những giờ qua".

Tổng thống Donald Trump tỏ ra hoan hỉ với những gì đang diễn ra ở Iran và ông không chậm trễ tung ra các dòng twitter lên án chế độ dùng vũ lực chống lại người biểu tình. Từ hôm 30/12, ông Donald trump đã 5 lần tung ra các dòng twitter bình luận về tình hình Iran.

Trong những dòng bình luận đầu tiên về các cuộc biểu tình ở Iran tổng thống Trump viết : "Nhân dân Iran cuối cùng đang hành động chống lại chế độ bạo ngược và tham nhũng. Toàn bộ tiền mà tổng thống Obama đã ngu xuẩn đem lại cho chế độ này đều đổ vào túi họ và để nuôi khủng bố. Nhân dân thiếu lương ăn, lạm phát lên cao và không có nhân quyền…" và ông kêu gọi "đã đến lúc thay đổi chế độ" ở Iran.

Nam Bắc Triều Tiên : Cánh én nhỏ đầu năm có báo hiệu mùa xuân ?

Liên quan đến Châu Á, thời sự nổi bật nhất trong hai ngày qua là những động thái hòa dịu trên bán đảo Triều Tiên được chủ động phát ra từ phía miền Bắc.

Le Figaro trở lại diễn văn nhân dịp đầu năm mới 2018 trước toàn dân Bắc Triều Tiên của Kim Jong-un, trong đó lãnh đạo chế độ Bình Nhưỡng khẳng định "cần phải cải thiện quan hệ Nam-Bắc đang bị đóng băng" và ông thông báo Bình Nhưỡng sẽ cử đoàn thể thao dự Thế vận hội mùa đông Pyeongchang đầu năm nay.

Le Figaro đánh giá đây là động tác ngoại giao hiếm có ở lãnh đạo Bắc Triều Tiên. Lần đầu tiên từ khi lên nắm quyền, Kim Jong-un đã chìa tay ra với miền Nam của tổng thống Moon Jae-in, một người cũng chủ trương đối thoại với miền Bắc. Tờ báo đánh giá, đây là bước mở đầu bất ngờ sau một năm leo thang căng thẳng bởi các vụ bắn tên lửa, trong đó đặc biệt vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa có tầm bắn tới lãnh thổ Mỹ.

Trái bóng được đá sang sân của Hàn Quốc. Ngay lập tức Seoul đã đón nhận, đề xuất ngay đàm phán cấp cao tại Bàn Môn Điếm trong tuần tới.

Theo Le Figaro, dấu hiệu hòa hoãn hai miền Triều Tiên là đáng mừng nhưng có thể ảnh hưởng đến quan hệ đồng minh Mỹ - Hàn đang trở nên mờ nhạt do quan hệ giữa ông Trump xốc nổi và ông Moon mềm mỏng ưa thương lượng. Tờ báo đánh giá đây là động thái khôn khéo của Kim Jong-un để phá vỡ thế cô lập của Bắc Triều Tiên sau các lệnh trừng phạt của quốc tế.

Về phần Hàn Quốc, Le Figaro nhận xét : "Bị kẹp giữa tham vọng của Kim và tính nôn nóng của Trump, lãnh đạo Hàn Quốc sẽ phải cố gắng giữ ngọn lửa đối thoại còn đang leo lét, ít ra là trong thời gian "đình chiến cho Thế vận hội" lúc này".

Máy bay vẫn là phương tiện giao thông an toàn nhất

Phần cuối mục điểm báo hôm nay xin được dành cho một tin vui đầu năm, nhất là với những người đi lại bằng máy bay nhiều. Thông tin được nhiều tờ báo trong đó có Le Figaro đăng tải cho hay :

Các chuyên gia của cơ quan an toàn hàng không quốc tế Aviation Safety Network (ASN) thống kê các tai nạn hàng không và nhận thấy 2017 là năm an toàn nhất của giao thông hàng không kể từ năm 1946.

ANS cho biết : Năm 2017, tổng số có 10 tai nạn hàng không dân dụng làm 44 người chết. Ít hơn rất nhiều so với con số năm 2016 là 306 người thiệt mạng trong 6 vụ tai nạn. Tuy nhiên thống kê của ASN không tính các tai nạn máy bay chở hàng hay máy bay hạng nhỏ dưới 20 chỗ hoặc máy bay quân sự như vụ chiếc máy bay của quân đội Miến Điện bị rớt xuống biển hồi tháng 6 vừa qua làm 120 người tử nạn. Vẫn theo cơ quan an toàn hàng không, năm qua gần 4 tỷ lượt hành khách sử dụng 36,8 triệu chuyến bay thương mại. Hàng không vẫn là phương tiện giao thông an toàn nhất với tỷ lệ tai nạn 1/16 triệu.

Anh Vũ

Quay lại trang chủ
Read 628 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)