Chinh phục "Hằng Nga" : Vì sao Liên Xô bị Mỹ qua mặt ?
Ngày 21/07/1969, Neil Arsmtrong đã đặt bước chân đầu tiên lên Mặt Trăng. Với sự kiện này, Hoa Kỳ đã ghi một bàn thắng lớn trong cuộc đua không gian với Liên Xô. Năm mươi năm sau, báo chí Pháp ngày 18/07/2019 nhìn lại sự kiện lịch sử này và tự hỏi : Đang dẫn đầu cuộc đua không gian, vì sao Liên Xô lại để cho Mỹ qua mặt ?
Phi hành đoàn Apollo 11 : Neil A. Armstrong, Michael Collins và Edwin Aldrin, tháng 07/1969. NASA/Handout via Reuters
Với hai bài viết, "Cuộc đua thất bại của Liên Xô" và "Thất bại bí mật của chương trình Mặt Trăng Liên Xô", Le Monde và Le Figaro không hẹn mà gặp, cùng điểm lại chương trình thám hiểm Mặt Trăng của Liên Xô cách nay hơn nửa thế kỷ.
Đầu tiên hết Le Monde khẳng định : rõ ràng ban đầu Liên Xô đã bỏ xa Hoa Kỳ trong cuộc đua không gian. Liên Xô là quốc gia đầu tiên đưa một vệ tinh lên quỹ đạo (04/10/1957). Hai năm sau, chỉ trong vòng vài tháng, Liên Xô lần lượt thực hiện thành công các chương trình thăm dò Mặt Trăng qua các chuyến bay Luna-1 (tháng Giêng năm 1959), Luna-2 (13/09/1959) và Luna-3 (07/10/1959). Nhất là với chuyến bay sau cùng, Liên Xô là quốc gia đầu tiên chụp được ảnh phần khuất của Mặt Trăng.
Tháng 8/1960, Sputnik-5 đưa thành công các sinh vật sống trở về Trái Đất an toàn. Một bước chuẩn bị quan trọng cho chuyến du hành không gian đầu tiên của con người một năm sau đó với sự tham gia của phi hành gia Yuri Gagarin ngày 12/04/1961. Tháng 8/1962, hai phi thuyền có người lái Vostok-3 và Vostok-4 được phóng lên không gian cùng một lúc.
Ngày 16/06/1963, Liên Xô cũng là quốc gia đầu tiên đưa phụ nữ lên không gian. Ấn tượng nhất là sự kiện 18/03/1965. Alexei Leonov là người đầu tiên có một bước đi ngoài vũ trụ. Với ngần ấy chiến công, tại sao Liên Xô lại để cho Hoa Kỳ qua mặt trong cuộc đua chinh phục "chị Hằng" ?
Theo Le Monde, câu trả lời đơn giản nằm ở bộ máy tuyên truyền, "chỉ nói về những thành công". Nhưng nếu nhìn vào con số thống kê, "người ta hoảng sợ trước những con số thất bại về những lần phóng phi thuyền", theo như khẳng định của ông Alain Cirou, đồng tác giả tập sách Những con người của Mặt Trăng (Seuil). Không ai biết rằng còn có những cuộc phóng bị hỏng, động cơ bị trục trặc, phi thuyền bị nổ tan tành hay phi hành gia tử nạn… Người dân Nga bị bưng bít mọi thông tin về những thất bại.
Mặt khác, theo ghi nhận của Le Figaro, Liên Xô vào thời kỳ đó không có một chương trình không gian hợp nhất. Nhiều cơ quan nghiên cứu cạnh tranh và đấu đá nhau để giành ngân sách. Chính sự thiếu đoàn kết là nguyên nhân hàng đầu giải thích thất bại của Liên Xô trong cuộc đua. Ngược lại, ở phía bên kia trời Tây, Apollo của Mỹ lại được chỉ đạo nhất quán. Mọi việc đều do NASA quyết định, kể cả trong việc chọn nhà thầu cung cấp trang thiết bị.
Nhưng có lẽ vố đau nhất cho Liên Xô là sự ra đi của ông Sergei Korolev, cha đẻ của chương trình không gian Liên Xô, ở tuổi 59. Hai năm trong các trại cải tạo đã làm cho sức khỏe của ông suy yếu. Người kế nhiệm tuy có tài năng nhưng không thể bắt kịp sự chậm trễ vì thiếu ngân sách.
Apollo : Những thành quả chưa được biết đến
Nhật báo kinh tế Les Echos cũng nhân sự kiện này nói đến "Những thành quả chưa được biết đến từ chương trình Apollo của Mỹ".
Đầu tiên hết, nhật báo kinh tế khẳng định Apollo 11 là một thắng lợi chính trị to lớn của Hoa Kỳ đối với Liên Xô trong cuộc đua khó khăn nhất của lịch sử. Nhưng không chỉ có yếu tố chính trị, đứng trên góc độ khoa học, Apollo 11 còn là một bước vọt công nghệ không gian. Với chương trình này, NASA có thể hiệu chỉnh những kỹ thuật cho các chiếc phi thuyền, mở đường cho thời đại phi thuyền con thoi Mỹ và các trạm không gian quốc tế, cũng như là mang lại hy vọng thám hiểm nhiều hành tinh khác của Thái Dương hệ, bắt đầu từ sao Hỏa.
Những mẫu đất đá mang về còn giúp giải mã về sự ra đời của Mặt Trăng. Theo đó, chính sự va chạm dữ dội giữa Trái Đất và một vật thể lạ có kích cỡ bằng hành tinh Sao Hỏa, ước tính xảy ra cách nay 4,5 tỷ năm, đã khai sinh ra "chị Hằng" ngày nay.
Các phi thuyền của nhiệm vụ Apollo 11 còn là những phi thuyền đầu tiên được gắn máy vi tính có trang bị những con chip điện tử và các lập trình tin học do viện Công nghệ Massachusetts thiết kế. Apollo 11 đã tạo một sức bật mạnh mẽ cho ngành tin học sau này.
Cuộc chinh phục "Hằng Nga" cũng đem lại nhiều lợi thế cho ngành y, từ cải thiện kỹ thuật chụp ảnh y khoa, kỹ thuật lọc thận hay các thiết bị đo nhịp tim, cho đến cả việc cải tiến tã lót cho trẻ nhỏ sau này…
"Bông hồng đen" thầm lặng của Apollo 11
Nhưng theo La Croix, nói đến thành công của Apollo 11, người ta cũng nên nhắc đến vai trò quan trọng của một nhà toán học người Mỹ gốc Phi : bà Katherine Johnson.
Trong bài viết có tựa đề "Trong bóng tối, một thiên tài số học", La Croix phác họa lại chân dung bà Katherine Johnson, sắp mừng sinh nhật thứ 101 vào cuối tháng 8/2019. Mười tám tuổi bà đã có bằng đại học về toán và tiếng Pháp, trường đại học West Virginia, chủ yếu dành cho người da mầu.
Sau một thời gian dạy toán, bà được mời tham gia chương trình không gian của NASA trong những năm 1958 trở đi, vào thời điểm NASA bắt đầu cấm phân biệt chủng tộc. Tài năng tính toán các quỹ đạo bất biến của bà chính xác đến mức John Glenn, phi hành gia người Mỹ đầu tiên bay vòng quanh Trái Đất, trước khi cất cánh đã yêu cầu bà kiểm chứng lại bằng tay quỹ đạo bay do máy tính IBM đưa ra.
Nhà toán học này chỉ mất có hai ngày để xác nhận các con số. Bà tiếp tục cộng tác với NASA cho đến khi về hưu vào năm 1986. Cuộc đời của bà đã mang lại nhiều cảm hứng cho cả một thế hệ người da mầu, chứng tỏ vị thế của những phụ nữ gốc Phi trong lòng một xã hội Mỹ kỳ thị chủng tộc trong những năm 1950.
Hoa Kỳ - Thổ Nhĩ Kỳ : F-35, "báu vật" gây chia rẽ
Về thời sự quốc tế, Le Figaro quan tâm đến quyết định của "Tổng thống Mỹ Donald Trump gạt Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình chế tạo F-35".
Thông báo được đưa ra ngay sau khi Ankara nhận lô hàng tên lửa S-400 đầu tiên từ Nga hôm thứ Hai 15/07/2019. Không những chỉ trích Ankara mua tên lửa Nga có nguy cơ phương hại đến an ninh khối NATO, Donald Trump còn lên án người tiền nhiệm Barack Obama đã gây ra sự đoạn tuyệt này, khi nhắc lại lập luận của Ankara, theo đó, chính quyền Obama không muốn bán tên lửa Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Lời cáo buộc này đã bị cựu thứ trưởng quốc phòng thời Obama phản bác, đồng thời ông khẳng định rằng năm 2009, bộ ngoại giao Mỹ đã chấp nhận bán 13 giàn tên lửa Patriot tổng trị giá 7,8 tỷ đô la. Tuy nhiên, Ankara đòi hỏi phải được tham gia vào dự án chế tạo tên lửa cực kỳ tinh vi này và muốn được chuyển giao công nghệ. Một yêu cầu mà Lầu Năm Góc đánh giá là không thể chấp nhận được.
Hậu quả của thông báo hủy bán này là quy trình sản xuất sẽ bị đảo lộn. Thổ Nhĩ Kỳ là một đối tác toàn phần, chịu trách nhiệm cung cấp 400 linh kiện. Nếu Thổ Nhĩ Kỳ không còn tham gia dự án, việc tái cân bằng ngành công nghiệp chỉ sẽ được thực hiện vào mùa xuân 2020. Tất cả các sĩ quan và kỹ thuật viên Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải "khăn gói" về nước vào cuối tháng 7 này.
Vẫn theo Le Figaro, sự việc cho thấy rõ "Erdogan đang tách xa dần phương Tây và NATO để xích lại gần với Nga". "Cuộc khủng hoảng tên lửa Nga" này còn làm lộ rõ yếu kém chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ : có số quân đóng góp đứng thứ hai trong khối NATO, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ không có một hệ thống phòng không trước hiện tượng phổ biến tên lửa đạn đạo trong vùng phụ cận. Và cú đảo chính hụt ngày 15/07/2016 càng khẳng định nhu cầu khẩn cấp trang bị tên lửa của ông Erdogan.
Trong vụ việc này, Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích tình liên đới của các nước đồng minh, đã có phản ứng chậm chạp, đồng thời nghi ngờ Washington đứng sau vụ đảo chính.
Minh Anh
Hai nạn nhân của chính sách đàn áp tôn giáo ở Việt Nam gặp Tổng Thống Hoa Kỳ (Mạch Sống, 18/07/2019)
Hai nạn nhân người Việt ở trong số 27 nạn nhân bị đàn áp tôn giáo trên toàn thế giới được Tổng Thống Donald Trump đón tiếp tại Phòng Bầu Dục của Tòa Bạch Ốc ngày 17 tháng 7, 2019. Sự kiện này, một phần của Hội nghị cấp bộ trưởng Thăng tiến Tự do Tôn giáo, cho thấy mối quan tâm của chính quyền Hoa Kỳ trước tình trạng đán áp tôn giáo ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
"Điều này cho thấy tình trạng đàn áp tự do tôn giáo ở Việt Nam đang nhận được sự quan tâm đáng kể của cả Bộ Ngoại Giao và Tòa Bạch Ốc", Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám đốc kiêm Chủ tch BPSOS, nhận định.
Một trong số 2 người Việt Nam này là ông Dương Xuân Lương, tín đồ Đạo Cao Đài, đã từng bị giam 30 tháng năm 1996 do phản đối chính sách của Đảng Cộng Sản Việt Nam nhằm diệt Đạo Cao Đài qua sự hình thành Chi Phái 1997, một công cụ để diệt Đạo Cao Đài. Năm 2008, chính quyền Việt Nam phát lệnh truy nã vì kêu gọi tổ chức Đại Hội Nhơn Sanh ngay tại Tòa Thánh Tây Ninh, lúc ấy đã bị chiếm đóng bởi Chi Phái 1997, để giành lại quyền tự do tôn giáo cho các tín đồ Đạo Cao Đài nguyên thuỷ. Tháng 3 năm 2016, Ông Lương đã trốn sang Thái Lan và cuối năm 2017 đã đến định cư ở Hoa Kỳ và đoàn tụ với vợ con ở Dallas, Texas.