Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

02/01/2018

Điểm báo Pháp - 2018 : Sáu thách thức với Châu Âu

RFI tiếng Việt

2018 : Sáu thách thức với Châu Âu

Dịp đầu năm mới 2018, mỗi báo đưa ra các nhận định và dự báo riêng cho năm tới. Le Figaro điểm mặt hàng loạt các thách thức lớn. Về hồ sơ quốc tế, đáng chú ý có bài "Đối mặt với các biến động quốc tế lớn, liệu Châu Âu có thể chấn hưng ?". Le Figaro điểm mặt 6 biến động quốc tế quan trọng hàng đầu với Liên Âu.

eu1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại Hội Đồng Châu Âu, Strasbourg ngày 31/10/2017. Reuters/Christian Hartmann

Biến động lớn thứ nhất đến từ nội tình chính trị Mỹ. Sau một năm đầy sóng gió ở Nhà Trắng, tổng thống dân túy Donald Trump sẽ phải đối mặt với cuộc bầu cử lập pháp vào tháng 11. Để duy trì quyền lực, ông Donald Trump phải tiếp tục có được đa số tại Quốc Hội. Với tỉ lệ được lòng dân dưới 40%, đây là một nhiệm vụ nan giải với đương kim tổng thống. Bầu cử lập pháp chắc chắn sẽ là trọng tâm hoạt động của Donald Trump trong năm 2018 này. Vấn đề lớn khác với ông Trump cuộc điều tra về nghi án Nga can dự vào cuộc bầu cử tổng thống 2016. Trong trường hợp mất đa số tại Quốc Hội, và điều tra mang lại các bằng chứng, tổng thống Mỹ có thể phải đối mặt với đe dọa "phế truất".

Biến động quốc tế lớn thứ hai với Liên Âu là viễn cảnh "một chiến tranh Triều Tiên thứ hai", mà theo Le Figaro, các lãnh đạo Châu Âu sẽ theo rất sát tình hình chẳng khác nào "canh nồi sữa đang đunto lửa". Xung đột bất cứ lúc nào cũng có nguy cơ bùng phát, giữa một bên là lãnh đạo Bắc Triều Tiên khăng khăng chủ trương phát triển vũ khí hạt nhân, có khả năng tấn công Hoa Kỳ, bên kia là tổng thống Mỹ sẵn sàng "hủy diệt hoàn toàn" Bắc Triều Tiên, trong một cuộc tấn công phủ đầu. Và nếu chiến tranh không xảy ra, các diễn biến của hồ sơ Bắc Triều Tiên cũng "sẽ ảnh hưởng" nhiều đến quan hệ Mỹ-Trung, với viễn cảnh là một chiến thương mại giữa hai nền kinh tế số một thế giới, và căng thẳng trỗi dậy tại Biển Đông, hoặc khu vực Đài Loan.

Bất định chính trị Đức và "các rạn nứt nội bộ" của Liên Âu

Hai thách thức lớn tiếp theo đối với Liên Âu, theo Le Figaro, là vấn đề nội bộ của Liên Hiệp. Trước hết là tình hình lập chính phủ liên hiệp tại Đức, quốc gia trụ cột của khối cùng với Pháp.

Đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo CDU và đồng minh kỳ vọng đến tháng 3 tới có thể đạt được một thỏa thuận với đảng đối lập Xã Hội Dân Chủ SPD. Hiện tại không có gì chắc chắn. Ngày 13/01, các lãnh đạo đảng SPD sẽ phải phê chuẩn các chủ đề thương lượng, toàn đảng sẽ bỏ phiếu sau đó. Việc bà Merkel tiếp tục làm thủ tướng hay không phụ thuộc vào việc lãnh đạo SPD Martin Schulz có thuyết phục được đa số trong đảng ủng hộ một liên minh cầm quyền rộng rãi hay không. Nếu không đạt thỏa hiệp, cử tri Đức sẽ lại bầu lại Quốc Hội, bất định chính trị tại Đức sẽ kéo dài.

Thách thức nội bộ thứ hai của Châu Âu là "các rạn nứt chính trị" trong khối. Sau khi đồng euro hồi phục, tăng trưởng trở lại, theo Le Figaro, ba rạn nứt tiếp tục đe dọa Liên Âu trong năm 2018 là "cuộc nổi dậy của các nước Trung Âu" chống lại Bruxelles (đặc biệt trong vấn đề chia sẻ gánh nặng người tị nạn, các nguyên tắc Nhà nước pháp quyền), và làn sóng đòi độc lập tại xứ Catalunya, Tây Ban Nha. Năm 2018 cũng là năm mà khối 28 nước phải hoàn tất thủ tục ly dị với Anh Quốc, cuộc đàm phán còn nhiều chông gai, cho dù các đường nét chung đã rõ ràng.

Nguy cơ Daesh hồi sinh

Hai thách thức lớn cuối cùng với Liên Âu, theo Le Figaro, là viễn cảnh tàn quân Daesh có khả năng hồi sinh thành một đe dọa mới, nếu các thành phố - với đa số dân cư theo hệ phái Sunni – bị tàn phá trong chiến tranh, chậm được tái thiết, và nếu như các chính quyền (Irak và Syria) – do hệ phái Shia kiểm soát – không hội nhập được thiểu số người theo hệ phái Sunni vào cuộc chơi chính trị dân chủ.

Một cuộc nổi dậy mới của người Palestine chống lại lực lượng chiếm đóng Israel cũng rất có nguy cơ bùng phát, đặc biệt sau khi tổng thống Mỹ tuyên bố coi toàn bộ thành phố Jerusalem là thủ đô của Israel.

Trung Quốc : Vừa nói hòa bình, vừa lấn lướt

Trung Quốc cũng có thể là một thách thức lớn khác với Châu Âu. Bài xã luận của Libération, mang tựa đề "Ông Tập, kẻ chinh phục", ghi nhận thế đang lên của chủ tịch Trung Quốc, lãnh đạo cường quốc kinh tế thứ hai thế giới.

Libération nhấn mạnh thái độ hai mặt của lãnh đạo Trung Quốc. Một mặt thì khẳng định là một tác nhân "hòa bình", tham gia xây dựng "sự thịnh vượng chung", "nền an ninh chung" của toàn thế giới, mặt khác, Bắc Kinh không ngừng giương oai giễu võ tại eo biển Đài Loan, tăng cường xây dựng các căn cứ quân sự tại các vùng chiếm đóng "bất hợp pháp" ở Biển Đông, "nhằm gia tăng kiểm soát toàn bộ khu vực", bất chấp phản đối quốc tế.

Về mặt đối nội, chính quyền Trung Quốc tăng cường đàn áp bóp nghẹt hơn nữa các tiếng nói chỉ trích, cụ thể là để cho giải Nobel Hòa bình Lưu Hiểu Ba chết bệnh trong tù. Libération lưu ý, chính chế độ Trung Quốc đó mà tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ có chuyến công du ngày 07/01 tới, và buộc phải tìm cách duy trì quan hệ trong năm 2018 này.

Kinh tế Trung Quốc trong tầm ngắm của Bruxelles

Bài "Hệ thống kinh tế Trung Quốc trong tầm ngắm của Bruxelles" trên Les Echos chú ý đến cuộc phản công của Châu Âu chống lại "các hoạt động thương mại bất chính" của Trung Quốc, cụ thể với các quy định chống hàng phá giá từ Trung Quốc, chính thức có hiệu lực từ ngày 20/12/2017.

Đây là "lần đầu tiên" Ủy Ban Châu Âu điều tra kỹ càng về "một nền kinh tế nước ngoài", nhằm chỉ ra các hoạt động phi pháp. Báo cáo 400 trang của Bruxelles phơi bày chi tiết "các phương thức vận hành của nền kinh tế Trung Quốc", với trọng tâm là các hoạt động "trợ giá bất hợp pháp", "bán hàng phá giá". Trong số 144 sắc thuế mới của Liên Âu chống trợ giá - phá giá, có đến 94 sắc thuế nhắm vào hàng Trung Quốc.

Vẫn trong lĩnh vực kinh tế quốc tế, theo Les Echos, trong những tháng tới, Liên Hiệp Châu Âu dự kiến ký kết các thỏa thuận kinh tế quan trọng, đặc biệt là thỏa thuận với Nhật Bản, nền kinh tế thứ ba thế giới. Hiệp định được coi là chưa từng có trong lịch sử Châu Âu. Bên cạnh đó là thỏa thuận tự do thương mại sửa đổi với Mexico. Các thỏa thuận với Úc, New Zealand, và các nước ASEAN, Ấn Độ cũng đang được xúc tiến.

2018 : Những bài học 1918

Năm 2018 không chỉ là một viễn cảnh tương lai. 2018 cũng là dịp để ôn lại quá khứ, như đề nghị của La Croix với bài xã luận "Résolution 2018".

La Croix giải thích 2018 là một dịp đặc biệt bởi đây là năm mà Pháp và toàn thể Châu Âu liên tục có các cuộc kỷ niệm đúng 100 năm chấm dứt Thế chiến Thứ Nhất.

Vấn đề lịch sử để lại là cuộc đại chiến thứ nhất dù chấm dứt, nhưng hòa bình đã không được hoàn toàn phục hồi, "các hiệp ước" chấm dứt chiến tranh đã nuôi dưỡng các tư tưởng thù hận, nguyên nhân sâu xa của cuộc Đại chiến Thứ hai xảy ra hai thập niên sau.

Theo La Croix, cần rút ra các sai lầm lịch sử của năm 1918, để có một quyết định đúng đắn cho năm 2018. Cụ thể là cho việc xây dựng Châu Âu, "một dự án với đầy khiếm khuyết, nhưng là con đường cần phải đi". Châu Âu cần phải tỏ rõ "cái giá trị hòa bình của việc chia sẻ chủ quyền quốc gia, của một nền quản trị liên chính phủ, của tình hữu nghị giữa các dân tộc".

Sứ mạng của Châu Âu là "tạo điều kiện hợp tác giữa các quốc gia, tăng cường hiểu biết giữa các lợi ích khác biệt, dập tắt ngọn lửa dân tộc chủ nghĩa và đẩy mạnh cuộc chiến giúp các tầng lớp nghèo khó hội nhập". Cần phải ủng hộ và cải thiện các định chế quốc tế như Liên Hiệp Quốc, Tổ Chức Thương Mại Thế Giới và Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), thay vì làm suy yếu chúng như tổng thống Mỹ Donald Trump.

Bảo tàng người Mỹ gốc Phi : Cơ hội hòa giải

Cũng liên quan đến hồi ức, theo La Croix, bảo tàng người Mỹ da đen gốc Phi Châu tại Washington năm nay tròn một tuổi trong bối cảnh căng thẳng sắc tộc vẫn không dịu bớt tại quốc gia này. Theo một nhà sử học, từng tham gia dự án xây dựng bảo tàng quốc gia lịch sử và văn hóa của người Mỹ gốc Phi, thì dự án này chính là một cơ hội cho hòa giải và đối thoại.

Bảo tàng dựng lại lịch sử hơn 5 thế kỷ của người da đen tại Mỹ, từ những người da đen Châu Phi đầu tiên bị bắt làm nô lệ đến năm 2008, khi Obama trở thành tổng thống Mỹ gốc Phi đầu tiên. Chỉ trong năm đầu tiên, gần 3 triệu khách thăm bảo tàng. Để vào xem phải đặt vé trước nhiều tháng.

Iran : tiếng thét Ba Tư !

Về chính trị quốc tế, biến động xã hội chính trị tại Iran là tâm điểm chú ý của Libération, với tựa lớn trang nhất "Tiếng thét Ba Tư".

Hàng tựa được đưa trên nền hình ảnh một phụ nữ trẻ đang giơ cao nắm tay, với bốn bề là khói mù. "Bốn ngày biểu tình, hơn 10 người thiệt mạng : cuộc phản kháng của người dân Iran là chưa từng có kể từ năm 2009, làm chao đảo quyền lực của Tehran".

Vẫn về Iran, Libération có bài phỏng vấn nhà nghiên cứu Thierri Coville. Chuyên gia Viện quan hệ quốc tế và chiến lược IRIS nói đến khía cạnh nghịch lý của cuộc phản kháng hiện nay, đó là "do nền kinh tế Iran được cải thiện, mà nỗi giận dữ của người dân mới có dịp được biểu lộ".

Xã luận tờ Libération thì gắn liền tình trạng Iran hiện nay với sáu năm nội chiến Syria. Đầu tư mạnh ra bên ngoài, tham chiến để hậu thuẫn cho chế độ Damascus, nỗ lực khẳng định vị thế trên trường quốc tế, chính quyền Tehran đã "bỏ quên" dân chúng trong nước. Theo Libération, hiện còn quá sớm để khẳng định các cuộc biểu tình nói trên có đại diện cho đông đảo dân chúng Iran hay không, còn quá sớm để đồn đoán về việc phong trào có lan rộng, đe dọa lật đổ chế độ hay không.

Trước hết bởi vì báo chí và các mạng xã hội tại Iran bị kiểm soát chặt, và cũng không loại trừ việc có các thế lực bảo thủ bên trong chế độ âm mưu sử dụng biểu tình để làm lung lay uy tín của tổng thống cải cách Rohani. Dù sao tình hình tại Iran, không khác xa với nước láng giềng Saudi Arabia, nơi dân chúng đang ngày càng "khát khao tự do".

Biển : Liên Hiệp Quốc mở đàm phán hiệp ước đầu tiên

Trong lĩnh vực môi trường, đáng chú ý là việc Liên Hiệp Quốc vừa thông qua một nghị quyết, mở đường cho một hiệp ước quốc tế đầu tiên về "sử dụng bền vững" và bảo vệ đa dạng sinh học trên các đại dương.

Theo High Seas Alliance, hiệp hội vận động cho Hiệp ước này, cách đây 5 năm người ta không thể nào tưởng tượng được là cộng đồng quốc tế lại chấp nhận một dự án như vậy.

Tại một phiên họp ngay trước Noel, Đại hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua nghị quyết chính thức mở đàm phán, với 140 phiếu thuận. Mục tiêu của hiệp định bảo vệ thiên nhiên chưa từng có này liên quan đến nhiều vùng biển, chiếm tổng cộng 45% diện tích địa cầu.

Hiện tại, biển khơi gần như là một vùng vô chủ, nơi tất cả hoặc gần như tất cả đều được phép. Một trong các hậu quả lớn được biết đến rộng rãi là nạn rác thải các loại tràn ngập mặt biển và trong lòng đại dương.

Đàm phán về đại dương dự kiến khởi sự từ tháng 9/2018 và có thể kéo dài đến 2020. Thương thuyết sẽ rất gay go, bởi các nguồn lợi ẩn tàng trong lòng biển là vô cùng lớn.

Trọng Thành

Quay lại trang chủ
Read 611 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)