Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

21/05/2024

Điểm báo Pháp - Iran : ai sẽ kế nhiệm giáo chủ Khamenei ?

RFI tiếng Việt

Iran : Raissi tử nạn, ai sẽ kế nhiệm giáo chủ Khamenei ?

Được cho là người sẽ kế nhiệm giáo chủ Khamenei, sự kiện tổng thống Ebrahim Raissi tử nạn vì trực thăng rơi, khiến cuộc chạy đua giành vị trí này hứa hẹn đầy căng thẳng, giữa phe Vệ binh Cách mạng và giới giáo sĩ – theo Le Figaro ngày 21/05/2024.

raissy1

Theo dõi tin tức về tai nạn trực thăng của tổng thống Ebrahim Raissi trên truyền hình, tại một cửa tiệm ở Tehran, Iran ngày 19/05/2024. via Reuters - Majid Asgaripour

Sau ngày nghỉ lễ, báo chí Pháp quay lại với nhiều sự kiện đáng chú ý : tổng thống Iran tử nạn máy bay, bạo loạn ở Tân Calédonie, lực lượng Ukraine vẫn chống chọi được ở Kharkiv... Libération đưa tít trang nhất "Cái chết của tổng thống Iran : Trung Đông chấn động hơn chút ít". Đối với La Croix "Chế độ không rung chuyển".

Dân Iran vui mừng vì "đao phủ Tehran" thiệt mạng

Trước hết về thái độ của người dân khi nghe tin tổng thống qua đời. La Croix mô tả "Tại Tehran, sự vui mừng thấy rõ của dân Iran". Libération  Le Figaro đều có các bài phóng sự tả lại cảnh dân chúng ăn mừng cái chết của tổng thống Raissi, "đao phủ Tehran". Nhà báo Hassan ­Bagherzadeh cho biết ngay từ đầu cách xử lý thông tin của chính quyền đã gây nghi ngờ về kết cuộc thảm khốc. Chiếc trực thăng chở tổng thống trang bị nhiều thiết bị định vị GPS, họ không thể không biết, nhưng chỉ nói về một vụ "hạ cánh thô bạo". Theo ông, cái chết của ông Raissi được cố tình loan báo trễ, để tránh việc dân chúng biết tin trong giờ cao điểm.

Rất nhiều người dân đã thức suốt đêm, dán mắt vào điện thoại, theo dõi từng phút một thông tin một diễn tiến của hoạt động cứu hộ. Họ phải chọn lựa giữa những luồng thông tin trái ngược, tìm cách hiểu những gì phía sau thông báo tuyên truyền. Cho đến 6 giờ rưỡi sáng địa phương khi tin tổng thống Ebrahim Raissi thiệt mạng được chính thức loan báo, sự hân hoan bùng nổ.

Tiếng còi xe vang lên khắp nơi, pháo bông được bắn lên ở một số khu phố Tehran và các tỉnh. Trong khi chính quyền tuyên bố năm ngày quốc tang, làn sóng vô số các video, chuyện tiếu lâm, biếm họa lan tràn trên các mạng xã hội. Nhiều chiếc xe rời thủ đô ra ngoại ô, người ta cùng bạn bè, người thân đi nghỉ để ăn mừng. Tại các cửa tiệm bánh mì, tạp hóa… người bán cười rất tươi, thái độ niềm nở hẳn, khách hàng trao đổi với nhau ánh mắt, nụ cười đồng cảm.

Cuộc đấu gay go giành quyền kế nhiệm giáo chủ

Le Figaro nhận định "Cái chết của tổng thống Raissi làm cuộc đấu tranh giành quyền kế nhiệm giáo chủ tối cao thêm gai góc". Tại Iran, quyền hành của tổng thống chỉ hạn chế, cũng như thủ tướng ở Pháp, có nhiệm vụ thi hành đường hướng được ấn định bởi giáo chủ cùng với những người thân cận và Vệ binh Cách mạng. Tuy việc tổng thống và ngoại trưởng tử nạn không làm thay đổi chương trình nguyên tử cũng như chính sách phá rối khu vực của Iran, nhưng cũng ảnh hưởng nặng nề trong nội bộ.

Lo sợ sau khi ông Donald Trump cấm vận khắc nghiệt Iran, chế độ đã đưa nhân vật cực kỳ bảo thủ Raissi lên làm tổng thống năm 2021. Cái chết của Raissi có thể gia tăng cơ hội kế nhiệm của con trai giáo chủ là Mojtaba Khamenei, 54 tuổi. Vấn đề theo nhà nghiên cứu Vali Nasr là gần đây giáo chủ Ali Khamenei nói rằng muốn có một người nào khác, không muốn mang lại cảm tưởng "cha truyền con nối". Ebrahim Raissi tử nạn, không còn ai thuộc tiêu chí này, nên trong hậu trường sẽ căng thẳng chạy đua giữa phe Vệ binh Cách mạng và giới giáo sĩ.

Một thách thức khác trước mắt là phe bảo thủ phải khẩn cấp tìm ra ứng cử viên thay cho Raissi. Cái chết của ông ta gây khó cho một chế độ không ưa tranh đua bằng lá phiếu. Một chuyên gia về Iran ghi nhận đây là lần đầu tiên bầu cử tổng thống ở Iran diễn ra trước bầu cử tổng thống Hoa Kỳ tháng 11. Thường thì Tehran chờ đợi kết quả ở Mỹ để quyết định, hoặc bầu một nhân vật ôn hòa trước một tổng thống Dân chủ (Hassan Rohani đối mặt Barack Obama), hay một người cứng rắn (Raissi) trước phe Cộng hòa (Trump).

Những cái tên đã được nêu ra như Mohammad Mokhber, 68 tuổi, Mohammad Bagher Ghalibaf, chủ tịch Quốc hội 63 tuổi. Mokhber được giáo chủ tin tưởng, ông ta đã phát triển tập đoàn Setad béo bở của Khamenei và giúp Vệ binh Cách mạng có được nhiều hợp đồng lớn. Mokhber ít bảo thủ hơn Raissi, nhưng không chắc ông ta có đủ sự ủng hộ trong giới giáo sĩ để lên làm tổng thống. Về phần chủ tịch Quốc hội, cựu đô trưởng Tehran Mohammad Bagher Ghalibaf, một vệ binh cách mạng thứ thiệt, sự đụng độ sẽ dữ dội. Trong bối cảnh tranh giành quyền lực, đối lập vẫn khó thể tổ chức những cuộc biểu tình lớn vì an ninh đã được thắt chặt từ hôm Chủ nhật.

Phe nào sẽ thắng thế ?

Ông Bertrand Badie, giáo sư đại học Sciences-Po, khi trả lời Libération cũng cho rằng cái chết của tổng thống Ebrahim Raissi dẫn đến hậu quả trong nội bộ về việc kế nhiệm giáo chủ tối cao. Tuy nhiên ông không loại trừ khả năng nổ ra phong trào phản kháng vì "lửa đang âm ỉ dưới lớp tàn tro".

Thoạt nhìn thì hệ quả không quan trọng lắm, đơn giản là vì quyền hành chủ yếu nằm trong tay giáo chủ Ali Khamenei. Tuy nhiên cái chết của Ebrahim Raissi làm đảo lộn thế thăng bằng, khiến chế độ dễ tổn thương hơn. Ông ta là ứng viên nghiêm túc cho việc kế nhiệm giáo chủ 85 tuổi bị ung thư tuyến tiền liệt. Liệu cái chết của nhân vật vốn được các thế lực đồng thuận có mở ra cánh cửa cho ảnh hưởng lớn hơn của các pasdaran, tức Vệ binh Cách mạng ?

Phe chủ trương tự do thì đã bị đứng ngoài lề sau khi Donald Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận nguyên tử Iran. Trump đã dập tắt viễn cảnh tham gia toàn cầu hóa, nối lại quan hệ với các nước phương Tây, và phe này đang trong tình trạng "ngủ đông". Về phía phe bảo thủ có nhiều sắc thái khác nhau, trong đó phái của cựu tổng thống Mahmoud Ahmadinejad (2005-2013), một nhân vật tân dân túy cánh tả đang yếu đi. Cũng không thể quên trọng lượng của phe quân đội.

Chế độ thần quyền khiến đất nước bị cô lập

Phải chăng Raissi bị khử trong cuộc chạy đua kế nhiệm giáo chủ ? La Croix dẫn lời nhà nghiên cứu Jonathan Piron : "Có quá nhiều yếu tố để thấy rằng đó chỉ đơn giản là một tai nạn, trong khu vực núi non và thời tiết xấu.Đội trực thăng Iran đã quá cũ, không còn được sản xuất kể từ 1998 và thiếu phụ tùng thay thế do cấm vận". Một văn bản nội bộ cho biết ý định mua trực thăng mới của Nga.

Ngược với hầu hết quốc gia trên thế giới, Iran không phân biệt tôn giáo với chính trị. Le Figaro cho rằng bất lợi ở chỗ trong 45 năm qua, chế độ đã xa rời hẳn quần chúng. Xã hội Iran tiến triển theo hướng trái hẳn với thần quyền. Tại Tehran, các đền thờ Hồi giáo vắng phân nửa mỗi buổi cầu nguyện thứ Sáu, nạn tham nhũng nơi nhiều giáo sĩ và chỉ huy Vệ binh Cách mạng càng làm cho càng vắng vẻ hơn.

Iran có giới trí thức đông đảo, phụ nữ nước này có học vấn cao nhất trong thế giới Hồi giáo Ả Rập nhưng lại phải chịu đựng sự trấn áp của cảnh sát phong tục. Giới tinh hoa theo sát tiến triển của thế giới nhờ internet, không hề chia sẻ cái nhìn u ám của giới lãnh đạo. Đất nước này cần hơn bao giờ hết những nhà lãnh đạo giỏi giang để thoát khỏi trừng phạt, dựng dậy nền kinh tế, hội nhập cộng đồng quốc tế, trở thành cường quốc hàng đầu về thương mại và tri thức ở Trung Đông. Tiếc rằng hệ thống thần quyền xơ cứng không thể mang lại cho Iran một tổng thống - thay vì giáo chủ - xứng đáng.

Iran vẫn là mối đe dọa cho Israel

Về phía Israel Les Echos nhận thấy "Mối đe dọa vẫn y nguyên". Nhà nước Do Thái ban đầu im lặng sau tai nạn của Raissi, dù ông này là tổng thống của một quốc gia được Jerusalem coi là "kẻ thù số 1". Phản ứng duy nhất của các viên chức là chính thức cải chính khả năng có sự can thiệp của Mossad. Một cựu cố vấn an ninh quốc gia khẳng định nhắm vào tổng thống Iran chỉ uổng công vì giáo chủ mới nắm quyền.

Một nhà ngoại giao Israel ẩn danh nhận định : "Cơ hội lật đổ chế độ hiện rất thấp. Các cuộc biểu tình của đối lập không thể đủ, cần phải tổng đình công kéo dài, gây ra khủng hoảng kinh tế trầm trọng khiến nguồn tài chánh của Vệ binh Cách mạng bị cạn, mới có thể tạo được thay đổi thực sự". Theo ông, "Khó xảy ra việc quân đội đảo chánh, vì việc bổ nhiệm tất cả sĩ quan cao cấp đều phải được Vệ binh Cách mạng bật đèn xanh, nên hệ thống đã bị khóa chặt".

Tấn công của Nga vào Kharkiv đã chậm lại

Về cuộc chiến tranh ở Ukraine, thông tín viên Les Echos ghi nhận "Cuộc tấn công của Nga ở vùng Kharkiv đã chậm lại nhờ sự kháng cự của quân đội Ukraine". Sau 10 ngày chiến đấu dũng cảm, làng Vovchansk 20.000 dân cách biên giới Nga chỉ có 3 kilomet vẫn đứng vững trước quân Nga, dù hầu như đã bị biến thành bình địa cùng với hai ngôi làng khác. Tuy thiếu đạn, nhưng Ukraine xoay sở với các drone để chận lại xe quân sự và bộ binh Nga.

Hiện nay Ukraine vẫn kiểm soát được 60 % Vovtchansk. Quân Nga đang cố gắng nhắm vào tuyến phòng ngự gần làng này và Starytsya, Lyptsi. Các quân nhân Ukraine than phiền sở dĩ quân Nga tiến được dễ dàng trong thời gian qua là vì thành phố không được bảo vệ bằng các phòng tuyến kiên cố, chẳng có mìn cũng không có bẫy xe tăng.

Về việc tìm kiếm người mất tích của cả hai bên, Hồng thập tự quốc tế cho Le Monde biết đã mở ra trên 115.000 hồ sơ, theo yêu cầu của người Nga và Ukraine sinh sống tại 47 nước, trong khi mỗi năm chỉ xử lý khoảng 2.000 hồ sơ liên quan đến cả hai trận đại chiến thế giới.

Bầu cử Châu Âu : Phe thân Nga gây lo ngại tại Latvia

Cũng liên quan đến Nga, La Croix cho biết "Các ứng cử viên thân Nga gây rối loạn tại Latvia" trong cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu.Một điều tra của trang web thông tin Baltica có sự hỗ trợ của một tổ hợp báo chí quốc tế cuối tháng Giêng 2024 tiết lộ dân biểu Châu Âu sắp mãn nhiệm của Latvia, bà Tatjana Zdanoka làm việc cho tình báo Nga. Dân biểu được bầu từ 2004 thường xuyên liên lạc với các sĩ quan tình báo của Matxcơva. Zdanoka không giấu diếm cảm tình với Nga, đã đến Crimée năm 2014 sau khi bán đảo bị Nga chiếm để ủng hộ cái gọi là trưng cầu dân ý. Bà ta bỏ phiếu chống một nghị quyết của Nghị Viện Châu Âu coi Nga là một Nhà nước ủng hộ khủng bố.

Dù vậy, đảng "Liên minh Nga ở Latvia" của bà vẫn giới thiệu ứng cử viên cho cuộc bỏ phiếu tháng Sáu tới. Nhân vật số 2 trong đảng, Miroslav Mitrofanov đòi hỏi "hợp tác tích cực hơn với Nga" dù chính quyền Latvia hoàn toàn bác bỏ. Về phía Tatjana Zdanoka không thể ra tranh cử vì một đạo luật thông qua ngày 27/10/2022 cấm người từng hoạt động tích cực trong đảng cộng sản trong thời kỳ xô-viết ứng cử. Cuộc xâm lăng Ukraine tháng 2/2022 đã thúc đẩy Latvia đưa ra luật này.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 207 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)