Iran có thể dùng ‘vũ lực’ hạn chế đi lại giữa dịch corona (VOA, 07/03/2020)
Chính quyền Iran ngày 6/3 cảnh báo có thể dùng "vũ lực" để hạn chế đi lại giữa các thành phố và thông báo virus corona mới đã làm thiệt mạng 124 người trong số 4.747 trường hợp được xác nhận tại nước Cộng hòa Hồi giáo.
Nhân viên cứu hỏa khử trùng một trung tâm mua sắm truyền thống để ngăn chặn virus corona lây lan ở bắc Tehran, Iran, ngày 6 tháng 3, 2020.
Người phát ngôn của Bộ Y tế Kianoush Jahanpour đưa ra các số liệu này tại một cuộc họp báo được truyền hình. Ông không nói rõ về việc đe dọa sử dụng vũ lực, dù ông thừa nhận virus đang hiện hữu ở tất cả 31 tỉnh của Iran.
Lời đe dọa này có thể nhằm ngăn mọi người tận dụng việc trường học đóng cửa để ra biển chơi hoặc đi nghỉ mát. Các hãng thông tấn bán chính thức ở Iran đã đăng hình ảnh những hàng xe dài nối đuôi nhau khi mọi người từ Tehran đổ xô ra biển Caspi hôm 6/3, dù chính quyền trước đó đã yêu cầu mọi người ở lại thành phố.
Iran ngày 5/3 thông báo sẽ đặt các trạm kiểm soát để hạn chế việc đi lại giữa các thành phố lớn, với hi vọng ngăn chặn sự lây lan của virus.
*******************
Tại Iran, xác người ‘chất đống’ khi số ca nhiễm Covid-19 tăng (VOA, 06/03/2020)
Hàng chục thi thể được bọc trong những chiếc túi màu đen nằm trên sàn nhà xác của Iran, trong khi các công nhân mặc đồ bảo hộ và đeo mặt nạ bận rộn đi lại, CNN loan tin hôm 6/3.
Hôm 6/3, Iran đã công bố thêm 17 trường hợp tử vong do Covid-19, nâng tổng số người thiệt mạng lên 124.
Không rõ có thi thể nào trong số đó là của người chết vì nhiễm virus corona (Covid-19) hay không, nhưng một băng ghi hình cho thấy những thi thể này ở bên trong nhà xác Behesht-e Masoumeh của tỉnh Qom, vẫn theo CNN.
Hôm 6/3, Iran đã công bố thêm 17 trường hợp tử vong do Covid-19, nâng tổng số người thiệt mạng lên 124, khi tổng số trường hợp nhiễm tăng vọt, theo AFP.
"Chúng tôi xác nhận 1.234 trường hợp nhiễm mới, đó là mức cao kỷ lục trong vài ngày qua", Kianoush Jahanpour, phát ngôn viên của bộ y tế, nói trong một cuộc họp báo, nâng tổng số ca nhiễm bệnh lên 4.747.
Quan chức này cho biết cho đến nay, riêng thủ đô Tehran đã có 1.413 trường hợp được xác nhận, đây là mức cao nhất trong số tất cả các tỉnh và khiến Tehran trở thành "tâm dịch" Covid-19.
Iran đã đóng cửa các trường học và đại học cho đến đầu tháng 4 để ngăn chặn Covid-19.
Iran chưa chính thức cách ly bất kỳ tỉnh nào, nhưng họ đã cố gắng hạn chế việc đi lại trong nước và thiết lập các trạm kiểm soát trên toàn quốc.
*******************
Covid-19 : Vì sao Iran lại có tỷ lệ tử vong cao nhất thế giới ? (RFI, 26/02/2020)
Chỉ mới đầu tuần trước thôi, chính quyền Iran còn khẳng định rằng đất nước này không có trường hợp nhiễm virus corona nào. Thế nhưng đến ngày 19/02/2020, Tehran đã phải công nhận hai ca lây nhiễm đầu tiên, đồng thời là hai ca tử vong ở thành phố Qom, cách thủ đô Iran khoảng 145 km về phía nam.
Hành khách đeo khẩu trang phòng dịch Covid-19 trên một chiếc xe buýt ở Tehran, thủ đô Iran, ngày 25/02/2020. WANA (West Asia News Agency)/Nazanin Tabatabaee via Reuters
Và kể từ lúc đó, nhiều ca mới lần lượt được loan báo, và đến hết ngày hôm qua 25/02, theo số liệu chính thức, số người bị nhiễm bệnh Covid-19 tại Iran đã lên đến 95, và đáng sợ nhất là số tử vong đã tăng thành 15 người. Tính số người chết, Iran đứng hàng thứ hai, sau Trung Quốc. Nhưng tính theo tỉ lệ (tử vong/nhiễm bệnh) thì Iran đứng đầu thế giới.
Tỷ lệ tử vong cao bất thường của Iran đặt ra nhiều câu hỏi về cách thức chính quyền Iran đối phó với dịch bệnh và phải chăng là chế độ nổi tiếng là bưng bít thông tin đã lại che giấu thông tin. Yếu tố thiếu minh bạch này rất nghiêm trọng vì lẽ Nhà nước Hồi Giáo này đang trở thành nơi phát tán dịch bệnh ra toàn vùng Trung Đông, một khu vực được cho là yếu kém về khả năng phòng chống.
Tỷ lệ tử vong ở Iran đạt 16%, trong lúc Trung Quốc chỉ là 2%
Nếu chỉ căn cứ vào các số liệu được chính quyền công bố, thì tại Iran, tỷ lệ người chết so với người nhiễm dịch covid-19 lên đến khoảng 16%, cao hơn rất nhiều so với những nơi khác có người thiệt mạng vì virus corona.
Tại tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc), tâm điểm của bệnh dịch, tỷ lệ tử vong được báo cáo ước tính khoảng 2%. Còn ở Ý, với 11 người chết trên tổng số 322 ca lây nhiễm tính đến hôm qua 25/02, tỷ lệ tử vong cũng chỉ là hơn 3%, trong lúc tại Hàn Quốc, nơi đã ghi nhận 11 ca tử vong trên tổng số 977 trường hợp lây nhiễm, tỷ lệ thấp hơn, chỉ khoảng 1%.
Tại sao Iran lại có tỷ lệ tử vong cao ngất ngưởng như vậy, thậm chí còn cao hơn cả tỷ lệ gần 10% của dịch SARS năm 2003 ?
Một số chuyên gia y tế ngoại quốc, được kênh truyền hình Mỹ CNBC ngày 25/02 trích dẫn, cho rằng tỷ lệ cao này có thể bắt nguồn từ việc số liệu được loan báo về các trường hợp nhiễm bệnh ở Iran đã thấp hơn rất nhiều so thực tế, vốn cao hơn rất nhiều. Lý do là vì chính quyền Iran đã bỏ qua những ca ít nghiêm trọng do cách thức kiểm tra và chẩn đoán bệnh nhân, do chọn lựa trong cách chia sẻ thông tin hoặc do tình trạng tồi tệ của thiết bị y tế.
Thiếu khả năng và thói quen điều tra thống kê đầy đủ
Theo một giáo sư tại Đại Học Mỹ Seton Hall, chuyên gia cao cấp về y tế toàn cầu tại trung tâm tham vấn Hội Đồng Quan Hệ Đối Ngoại Council on Foreign Relations của Mỹ thì vấn đề có thể đến từ cách thức thống kê: Chính quyền Iran "dường như chú ý nhiều hơn đến việc loan báo các trường hợp tử vong hơn là các ca nhiễm bệnh".
Giáo sư William Schaffner, chuyên về y tế dự phòng và bệnh truyền nhiễm tại Trung Tâm Y tế Đại Học Vanderbilt thì thiên về giả thuyết theo đó chính quyền Iran thiếu khả năng phát hiện đầy đủ số người đã bị nhiễm Covid-19. Theo ông, để làm được điều đó, chính quyền phải cử người đến mọi thị trấn và làng mạc để tiến hành xét nghiệm chứ không chỉ đơn thuần dựa vào số người đến các bệnh viện lớn với các triệu chứng nghiêm trọng.
Trả lời kênh NBC News, chuyên gia Schaffner giải thích : "Điều đó có nghĩa là đi đến từng khu phố, gõ cửa từng căn hộ, và thực sự cố gắng phát hiện mọi trường hợp… Tôi không biết là liệu họ có khả năng đó hay không, vì quả thực là nhiều quốc gia không có khả năng đó".
Đối với chuyên gia này, Iran không có truyền thống điều tra trong hệ thống y tế công cộng của họ, và cách phát hiện người bệnh như kể trên sẽ là một điều rất mới đối với ngành y tế Iran.
Virus corona hoành hành ngay trong một cộng đồng người già
Một giả thuyết thứ ba về tỷ lệ tử vong quá cao vì virus corona tại Iran là khả năng bệnh dịch ngay từ đầu đã bùng phát trong một cộng đồng chủ yếu bao gồm những người lớn tuổi, dễ bị tổn thương.
Theo giáo sư Schaffner : "Nếu virus tấn công vào một nhóm dân số cao tuổi, với đặc điểm là có sẵn một loạt bệnh tiềm tàng, [điều đó] có thể giải thích tỷ lệ tử vong cao".
Một khả năng khác là các bệnh viện của Iran đã thất bại trong cách chữa trị và các bệnh nhân không được chăm sóc y tế đúng cách cần thiết. Nhưng theo chuyên gia Schaffner, giả thuyết này không đứng vững vì Iran là một nước có một hệ thống chăm sóc sức khỏe tương đối tiên tiến.
Giả thuyết về virus đột biến không đứng vững
Bên ngoài các giả thuyết liên quan đến cách vận hành của nền y tế Iran, một câu hỏi khác cũng được nêu lên là phải chăng dịch bệnh gây nhiều tử vong tại nước này là vì con virus đã chuyển hóa ?
Trên vấn đề này, tiến sĩ John Torres, công tác viên về lãnh vực y tế của kênh NBC News, cho rằng hiện không có bằng chứng về sự thay đổi trong hồ sơ di truyền của virus, và chưa hề có thông tin nào về việc virus gây nên dịch Covid-19 đã đột biến.
Theo tiến sĩ Torres, lời giải thích hợp lý nhất cho vấn đề tỷ lệ tử vong cao tại Iran là cách thức chính quyền nước này theo dõi các trường hợp nhiễm bệnh.
Chính quyền lại che giấu sự thật ?
Một thành viên của Quốc hội Iran, Mamoud Sadeghi, và thứ trưởng y tế của nước này, Iraj Harirchi, lãnh đạo lực lượng đặc nhiệm chống virus, đã bị nhiễm virus corona. Điều đáng nói là thông tin về việc thứ trưởng y tế Iran bị nhiễm virus đã được loan báo một ngày sau khi nhân vật này họp báo, không đeo khẩu trang, và cực lực đả kích một chính khách Iran vì đã nói số người chết ở thành phố Qom cao hơn nhiều so với những gì chính phủ loan báo.
Sự cố trên đây đã làm dấy lên những dư luận hoài nghi về cách Iran quản lý khủng hoảng, với câu hỏi là phải chăng chính quyền cố tình che giấu thông tin về dịch bệnh, không cho người dân cũng như thế giới được biết.
Phản ứng này rất dễ hiểu vì chỉ mới đây thôi, vào tháng Giêng vừa qua, chế độ Iran đã phải mất ba ngày mới chính thức công nhận là quân đội của họ đã bắn nhầm vào chiếc Boeing của hãng hàng không Ukraina trên bầu trời Iran.
Dẫu sao thì diễn biến dịch Covid-19 tại Iran rất đáng lo ngại. Từ những trường hợp lây nhiễm đầu tiên tại thành phố tôn giáo Qom vào tuần trước, giờ đây virus corona đã lan sang ít nhất bảy tỉnh khác ở Iran. Các quốc gia trong khu vực từ Irak, Koweit, cho đến Oman và Afghanistan, tất cả đều đã loan báo các ca lây nhiễm đầu tiên. Và các bệnh nhân gần đây đều có ghé Iran.