Iran : Chế độ giáo quyền bám trụ, dân trả giá bằng máu
Cứu Iran khỏi bàn tay đẫm máu của chế độ giáo quyền, nhà nước Pháp can thiệp bảo vệ phụ nữ nạn nhân bạo lực gia đình, nước Pháp trước giờ tổng đình công, tương lai bấp bênh của người già ở các nước đang phát triển, thắng lợi chính trị của phong trào dân chủ Hồng Kông là những đề tài lớn trên báo Pháp ngày 25/11/2019.
Trang bìa nhật báo Libération hôm nay 25/11/2019 với tựa đề "Cuộc thảm sát không nhân chứng".DR
Đóng cửa để thảm sát
Các tựa báo Pháp hôm nay sử dụng một từ chung : "Bạo lực". Như một bản cáo trạng nghiêm khắc, Le Monde và Libération đồng lên án "bản chất độc ác" của chế độ giáo quyền Iran qua hành động cắt đứt mọi phương tiện thông tin trong suốt một tuần để thẳng tay tiêu diệt biểu tình. Đã có ít nhất 150 người chết, theo số liệu được Ân Xá Quốc Tế kiểm chứng.
Với các tựa "Chế độ Iran bám trụ bằng biển máu", "Bộ máy đàn áp chống biểu tình", Le Monde thuật lại những gì xảy ra tại Iran trong năm ngày internet và điện thoại di động bị ngăn chặn. Phong trào nổi dậy bắt đầu vào ngày 15/11, lan ra hàng trăm thành phố lớn nhỏ, sau khi chính quyền đột ngột tăng giá xăng 50%.
Thay vì lắng nghe nguyện vọng của dân chúng, chế độ giáo quyền mạnh tay đàn áp bằng đạn thật. Viện lý do phải đánh nhanh đánh mạnh tiêu diệt "âm mưu của thế lực thù địch" trước khi lan rộng, chính quyền Iran không ngần ngại cắt đứt mọi phương tiện liên lạc. Khi thấy quyền lực bị đe dọa và trong bối cảnh từ Iraq cho đến Lebanon, người dân lên án chính sách can thiệp của mạng lưới hệ phái "Shia", giới giáo sĩ Iran đã chọn chiến lược trấn áp hơn là đối thoại chính trị.
Đã vậy, chế độ Hồi giáo Iran còn biết chắc là Tây phương sẽ điềm nhiên tọa thị, không làm gì để bảo vệ nhân quyền tại Iran, cũng không ngăn cản tham vọng bá quyền trong khu vực. Washington không trả đũa vụ tấn công vào hai cơ sở dầu hỏa của Saudi Arabia là một bằng chứng. Theo Le Monde, giải pháp khả thi nhất là không nên tiếp tục cô lập Iran như chủ trương của Donald Trump, chỉ tạo cơ hội cho chế độ đàn áp dân. Trái lại, phải làm thế nào để thế giới hiểu rõ vì sao dân Iran chống chế độ giáo quyền này, hầu tránh xảy ra thêm một biển máu trong tương lai.
Cùng nhận định từ Lebanon cho đến Iraq, nơi nào cũng bất bình trước chính sách can thiệp của Iran, Libération dành trang nhất và 4 trang bên trong để tố cáo "Cuộc thảm sát không nhân chứng quốc tế". Sau khi khóa internet và điện thoại di động, an ninh và dân quân Hồi giáo theo lệnh của chế độ Iran tiêu diệt phong trào nhân dân đe dọa quyền lợi của các giáo sĩ cầm quyền.
Trái với những luận điểm tuyên truyền của chế độ, thực chất của phong trào phản kháng không phải là do ngoại bang xúi giục, mà phát xuất từ lòng căm phẫn của người dân vì tình trạng tham ô và độc tài của chế độ. Sai lầm của Donald Trump là muốn lật đổ một chế độ độc tài, nhưng lại dùng các biện pháp trừng phạt, cô lập với hiệu ứng trái ngược là củng cố chế độ này.
Phong trào dân chủ Hồng Kông thắng lớn ở phòng phiếu
Trang Châu Á, tình hình chính trị Hồng Kông, kinh tế Trung Quốc, bang giao sóng gió Nhật-Hàn, chuyến tông du của Giáo hoàng tại Nhật được phân tích cặn kẽ.
Nhật báo kinh tế Les Echos dành một bài dài cho cuộc bầu cử địa phương tại Hồng Kông, mà kết quả sáng nay cho biết phe dân chủ đại thắng. Dân chúng đi bầu thật đông, tình hình yên tỉnh trở lại, phong trào dân chủ biến bầu cử thành trưng cầu dân ý.
Theo sinh viên Hoàng Chí Phong, đồng chủ tịch đảng Dân chủ Kháng chiến Demosisto, cốt lõi của cuộc bầu cử này là gây sức ép với Tập Cận Bình và chính quyền Hồng Kông, để họ thấy rõ quyết tâm của dân Hồng Kông muốn tổ chức đầu phiếu tự do và điều tra bạo lực cảnh sát. Trước khi bầu cử, giáo sư Willy Lam (Lâm Hòa Lập) nhận định : phe chính quyền có tổ chức, có nhiều phương tiện để huy động phe nhà đi bầu. Nhưng nếu phe dân chủ chiến thắng thì những người chống Trung Quốc sẽ tin rằng phương pháp tranh đấu của họ, kể cả dùng bạo lực, là chiến thuật hiệu quả và được đa số ủng hộ.
Trong lãnh vực kinh tế, Les Echos cho biết thêm, cũng như Singapore, Nhật Bản lợi dụng tình hình Hồng Kông khủng hoảng, bí mật thuyết phục các quỹ rủi ro (hedge funds) ở Hồng Kông về nước mình. Chiến lược này không phải là không nguy hiểm cho Nhật, nhưng về lâu về dài Hồng Kông bị thiệt nặng nhất. Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung làm kinh tế Hồng Kông bị ảnh hưởng lây. Tình hình khủng hoảng chính trị làm mất nguồn lợi du khách, khách sạn, nhà hàng. Phong trào phản kháng chống chính quyền Hồng Kông lan đến giới ngân hàng, tài chính. Nếu các quỹ đầu tư rủi ro bỏ Hồng Kông thì đúng là họa vô đơn chí.
Về mối quan hệ Tokyo-Seoul, nhật báo kinh tế chào mừng Nhật Bản và Hàn Quốc hàn gắn được bất hòa, tiếp tục chia sẻ thông tin tình báo, một phần lớn là nhờ có áp lực của Mỹ. Tuy nhiên, hai bên vẫn chưa tái lập được lòng tin cậy trong quan hệ thương mại trước khi mối bất hòa trong vụ "lao động cưỡng bách" thời Nhật đô hộ nổ bùng hồi tháng 7 năm nay.
Nhật Bản cũng là nơi đón tiếp chuyến tông du của Giáo hoàng trong hai ngày cuối tuần. La Croix phân tích vì sao tại Hiroshima và Nagasaki, giáo chủ Tòa Thánh La Mã liên tiếp lên án vũ khí hạt nhân và chính sách răn đe hạt nhân. Bởi vì "một thế giới không bom nguyên tử là chuyện cần thiết và làm được". Một cách "thuần lý" Giáo hoàng đi theo con đường của Chúa Giêsu, con đường bất bạo động.
Xã hội Pháp : Hiệp cuối trước đình công
Bất đồng sâu xa giữa giới công đoàn và chính phủ Pháp về dự án cải cách hưu bổng có thể đưa nước Pháp vào một cuộc tổng đình công lâu dài kể từ ngày 5 tháng 12. Với tựa "Hiệp cuối cùng trước khi đình công" kèm với ảnh minh họa là cuộc họp của các đối tác xã hội tại Phủ thủ tướng vào hôm nay, La Croix kêu gọi tổng thống Macron phải "làm sáng tỏ" lập trường.
Đối với nhật báo công giáo, điểm gây bất đồng chính là sự mập mờ của chính phủ. Thủ tướng muốn "làm lại từ đầu" cải cách một hệ thống hưu bổng quá phức tạp với 42 chế độ khác nhau. Thế nhưng, phương pháp cải cách có công bình hay không ? Đây là điều lo ngại của giới nghiệp đoàn mà vũ khí áp lực là "đình công".
Đừng để tranh đấu bảo vệ phụ nữ trở thành chiến tranh chống đàn ông ?
Cứu phụ nữ khỏi nạn bạo lực gia đình là thông tin quan trọng thứ ba trên báo Pháp hôm nay. Le Figaro đưa lên trang nhất : kết thúc hội nghị bàn tròn, chính phủ kêu gọi động viên, kèm theo bài xã luận cảnh báo : hành động trước khi quá trễ.
Nhật báo thiên hữu cho biết có chừng 50 đề nghị được giữ lại. Cụ thể là biện pháp pháp lý, hầu bảo vệ hữu hiệu hơn nạn nhân bị chồng bạo hành và trừng phạt nặng nề thủ phạm. Tuy nhiên, từ biện pháp đến hành động cụ thể, con đường còn dài. Phải đào tạo cảnh sát về phương thức đối phó, trợ giúp nạn nhân. Phải huy động giới y tế, bệnh viện, bác sĩ nhanh chóng báo động và phối hợp…
Và còn một điểm nữa không thể lạm dụng : đó là mục đích bảo vệ phụ nữ. Bảo vệ phụ nữ không có nghĩa là đi theo chủ trương của mấy bà "tân nữ quyền", biến cuộc tranh đấu vì bình đẳng vợ chồng thành cuộc chiến "chống đàn ông".
Già trước khi giàu
Cũng nhân các vấn đề xã hội này, Le Monde giúp độc giả tìm hiểu tình trạng của người già ở các nước đang phát triển, từ Ấn Độ, Trung Quốc cho đến Châu Phi : tất cả đều gặp khốn khó sau khi đóng góp công lao động cả cuộc đời.
Theo Le Monde, ở các cuờng quốc kinh tế Tây phương, người già thường là những người giàu vì có thu nhập cao hơn giới trẻ mới ra trường. Nhưng ở Ấn Độ, Trung Quốc dân chúng có nguy cơ "già nua trước khi được giàu". Từ nay đến 2050, 80% người trên 60 tuổi là công dân ở các nước đang phát triển. Tình trạng này sẽ tác hại lên tăng trưởng kinh tế.
Tại Trung Quốc, hệ thống an sinh xã hội phải được xét lại nếu không muốn tránh tình trạng người già bị bỏ rơi. Một nhà ngoại giao nhiều năm hoạt động tại Ấn Độ không khỏi kinh ngạc : "Tại New Delhi, người ta thấy con nít đầy đường, còn tại Bắc Kinh, thì chỉ có người lớn tuổi". Hiện tượng này sẽ còn tăng nhiều hơn trong tương lai. Năm 2010, số công dân Hoa lục hơn 60 tuổi chiếm 12,5% dân số. Tỉ lệ này tăng lên 25% vào năm 2030.
Chính sách một con trong suốt bốn thập niên làm dân số đứng yên, nhưng số người già gia tăng nhờ tuổi thọ kéo dài. Hệ quả là ở Trung Quốc, trung bình một cặp vợ chồng phải nuôi năm người theo công thức 4+2+1 : Cha mẹ chồng, cha mẹ vợ và đứa con.
Hiện tượng dân làng lên thành phố kiếm sống càng làm cho hoàn cảnh người già ở lại quê một mình khốn khổ hơn. Về mặt kinh tế, do thiếu một hệ thống an ninh xã hội hiệu quả, người già và con cái phải tiết kiệm tức là bớt mua sắm và do vậy tác động xấu lên ngành kinh tế sản xuất .
Tại Ấn Độ, nơi thành phần trẻ dưới 27 tuổi chiếm 50% dân số, tình cảnh người già cũng rất hẩm hiu, do xã hội và chính quyền không quan tâm.
Tú Anh