Việt Nam lên tiếng việc tàu khu trục Mỹ áp sát Hoàng Sa (VOA, 09/01/2019)
Chiều 9/1, Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng về việc hải quân Hoa Kỳ đưa tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường USS McCampbell đi qua khu vực quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Người phát ngôn BNG Việt Nam Lê Thị Thu Hằng (Twitter MoFAVietNam Spokesperson)
Truyền thông Việt Nam trích lời Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.
Phát biểu trước báo giới hôm 9/1, bà Hằng nói : "Việt Nam đề nghị các nước tiếp tục có đóng góp tích cực, thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, tôn trọng và thực hiện các nghĩa vụ pháp lý quốc tế liên quan, thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương".
Bà Hằng nhắc lại rằng những yêu sách biển và hành động liên quan của các quốc gia ven biển "cần phù hợp với luật pháp quốc tế như được phản ánh trong UNCLOS năm 1982".
VnExpress dẫn lời bà Hằng cho biết Việt Nam tôn trọng quyền tự do hàng hải, và kêu gọi các nước đóng góp cho hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
Trước đó, hôm 7/1, nữ phát ngôn viên của Hạm đội Thái Bình Dương Rachel McMarr cho biết tàu USS McCampbell đã thực hiện hoạt động "tự do hàng hải" trong phạm vi 12 hải lý thuộc Quần đảo Hoàng Sa "để thách thức các tuyên bố chủ quyền hàng hải quá mức".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói rằng hành vi của tàu Hoa Kỳ đã vi phạm luật Trung Quốc và luật pháp quốc tế, và Trung Quốc đã lên tiếng "nghiêm khắc phản đối".
Ông Lục Khảng nói : "Chúng tôi kêu gọi Hoa Kỳ chấm dứt ngay hành động khiêu khích này".
*****************
Người Việt Nam ‘tin’ Mỹ, nhìn ‘tiêu cực’ về Trung Quốc (VOA, 09/01/2019)
Việt Nam là một trong ba nước Đông Nam Á có quan điểm tiêu cực nhất về Trung Quốc, nhưng vẫn tin Mỹ, dù người dân trong khu vực cảm thấy bi quan đối với vai trò của Washington.
Tổng thống Donald Trump chụp ảnh chung với lãnh đạo các nước Đông Nam Á, trong đó có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hồi cuối năm 2017.
Đây là kết quả thăm dò ý kiến hơn 1 nghìn người từ tất cả 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) của Viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, công bố hôm 7/1.
Những người tham gia cuộc điều tra được hỏi ý kiến về sự đóng góp của các cường quốc trên thế giới đối với hòa bình, an ninh và sự thịnh vượng trên toàn cầu, phần lớn (51,5%) trả lời rằng họ có ít hoặc hoàn toàn không có niềm tin vào Trung Quốc.
Với 73,4%, Việt Nam là nơi mà người dân có quan điểm tiêu cực nhất về Trung Quốc và tiếp đó là Philippines, quốc gia hiện cũng có tranh chấp với Bắc Kinh ở Biển Đông.
Trong số các nước ở Đông Nam Á, chỉ có Lào, nước hiện có nhiều đầu tư của Trung Quốc, là tin tưởng vào quốc gia đông dân nhất thế giới.
Nhiều người Việt cũng bày tỏ lo ngại rằng "Sáng kiến Vành đai và Con đường" do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng sẽ đẩy Việt Nam gần hơn vào quỹ đạo của Bắc Kinh. Với 58,7%, đây là con số cao thứ hai ở Đông Nam Á, sau Singapore.
Viện Nghiên cứu Đông Nam Á cho biết rằng các học giả và nghiên cứu là nhóm đông nhất trong cuộc điều tra và tiếp đến là nhóm thuộc chính phủ và các tổ chức quốc tế.
Trả lời VOA tiếng Việt, tiến sĩ Tang Siew Mun từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, nói rằng chính phủ ở đây không có nghĩa là chính phủ Việt Nam hay các nhà nước khác mà là "các quan chức làm việc cho một chính phủ ở Đông Nam Á, nhưng họ không đại diện cho chính quyền khi tham gia cuộc thăm dò".
Liên quan tới Hoa Kỳ, trừ Việt Nam và Philippines, người dân các quốc gia Đông Nam Á khác có cái nhìn bi quan trước câu hỏi Mỹ sẽ "hành động đúng đắn" đối với các vấn đề toàn cầu.
45,2% người Việt vẫn đặt niềm tin vào Mỹ, trong khi có tới 50,6% tổng số người được hỏi ít tin tưởng hoặc hoàn toàn không tin vào Hoa Kỳ.
Con số người dân ở Việt Nam tin vào Mỹ dưới thời kỳ nắm quyền của Tổng thống Donald Trump trong vai trò đối tác chiến lược và nước hỗ trợ an ninh khu vực thuộc mức cao nhất ở Đông Nam Á với tỷ lệ 54.9%.
Tổng thống Mỹ Donald Trump chụp ảnh chung với lãnh đạo Đông Nam Á cuối năm 2017.
Viện Nghiên cứu Đông Nam Á cho rằng việc chính quyền của ông Trump rút khỏi Hiệp định Paris về Biến đổi Khí hậu cũng như liên tiếp chỉ trích cơ chế đa phương "có lẽ đã dẫn tới cái nhìn bi quan về Hoa Kỳ".
Theo kết quả thăm dò, lòng tin vào Mỹ khá thấp ở ba nước ASEAN thường có quan hệ gần gũi với Washington, đó là Thái Lan, Philippines và Singapore.
Trong số các cường quốc, Nhật Bản là nước gây được nhiều thiện cảm nhất đối với người dân Đông Nam Á, với gần 70% số người được hỏi tin vào xứ sở mặt trời mọc.
Cuộc điều tra cũng cho thấy rằng phần lớn người dân ở Đông Nam Á nghĩ rằng Trung Quốc và Mỹ có thể rơi vào thế đối đầu.
Một cuộc thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu Pew ở thủ đô Washington DC của Mỹ năm 2017 từng cho thấy rằng công dân Việt Nam đặt lòng tin vào Tổng thống Donald Trump nhiều nhất thế giới, dù nghiên cứu cho thấy hình ảnh của Mỹ đã bị ảnh hưởng xấu vì các chính sách đưa ra dưới thời kỳ nắm quyền của cựu ngôi sao truyền hình.
Viễn Đông
********************
Trump đòi ngân sách xây tường để chấm dứt 'khủng hoảng' (BBC, 09/01/2019)
Tổng thống Mỹ Donald Trump đòi cấp ngân sách xây tường biên giới để ngăn "một cuộc khủng hoảng an ninh và nhân đạo đang gia tăng".
Tổng thống Trump muốn có 5,7 tỷ đô la để xây một hàng rào thép
Nhưng trong bài phát biểu trên truyền hình được thực hiện từ Phòng Bầu dục, ông Trump không tuyên bố tình trạng khẩn cấp để qua mặt Quốc hội trong vụ xây tường.
Trước đó, các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ cáo buộc tổng thống "giữ người dân Mỹ làm con tin".
Cả hai bên đang cố gắng giành lợi thế trong bối cảnh chính phủ Mỹ đã đóng cửa 18 ngày.
Trong bài phát biểu dài tám phút vào đêm 8/1 được truyền hình trực tiếp, ông Trump nói rằng tình hình ở biên giới là "một cuộc khủng hoảng nhân đạo của trái tim và khủng hoảng tâm hồn".
Tổng thống muốn có 5,7 tỷ đô la để xây một hàng rào thép, thực hiện cam kết từ chiến dịch tranh cử, nhưng đảng Dân chủ kiên quyết phản đối.
Việc chính phủ Mỹ hiện đóng cửa một phần được ghi nhận là đợt đóng cửa dài thứ hai trong lịch sử, khiến hàng trăm ngàn nhân viên liên bang không được trả lương.
Nhằm giữ áp lực, Tổng thống Trump tìm cách tập hợp các thượng nghị sĩ Cộng hòa tại Capitol Hill hôm 9/1, trước khi đi thị sát biên giới hôm 10/1.
Đảng Dân chủ phản ứng thế nào ?
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và Lãnh đạo thiểu số tại Thượng viện Chuck Schumer yêu cầu ông Trump chấm dứt việc đóng cửa.
Ông Schumer cáo buộc ông Trump định "điều hành bằng cơn giận dữ" và đang tạo ra một cuộc khủng hoảng.
"Tổng thống Trump đang gây chia rẽ chứ không phải sự đoàn kết", thượng nghị sĩ New York nói thêm.
Ông kết luận : "Biểu tượng của nước Mỹ nên là tượng Nữ thần Tự do chứ không phải bức tường cao hơn 9 mét".
Câu giờ
Phân tích của Anthony Zurcher, BBC News :
Bài phát biểu của Donald Trump nhắm đến hai đối tượng chính. Đầu tiên là công chúng Mỹ, mà các cuộc thăm dò cho thấy họ không quan tâm đến đề xuất xây bức tường biên giới và xem tổng thống là người chịu trách nhiệm cho việc chính phủ bị đóng cửa.
Nhóm còn lại là phe đảng Cộng hòa tại Quốc hội, những người mà ông Trump cần phải giữ họ chung "chiến tuyến" trong cuộc đối đầu chính trị kéo dài.
Có vẻ như tổng thống không nói bất cứ điều gì để thay đổi tình thế. Ông lặp lại các lập luận quen thuộc - và một số đã bị lật tẩy. Tổng thống nói rằng có một "cuộc khủng hoảng" ở biên giới, điều mà ông đã nói từ khi bắt đầu vận động tranh cử tổng thống.
Đối với các nghị sĩ Cộng hòa, bài phát biểu là minh chứng rằng ông Trump sẽ dùng mọi cách để xây được bức tường. Ngày mai, tổng thống sẽ gặp những người đồng tại Quốc hội.
Tuy nhiên, đã có dấu hiệu của sự rạn nứt trong sự ủng hộ tổng thống tại Quốc hội. Tổng thống, với những nỗ lực gần đây, có thể đang câu giờ cho các cuộc đàm phán. Nhưng không rõ việc này có hiệu quả không.
Một số nhà phân tích tin rằng, sau khi thăm biên giới vào ngày thứ măm, Trump sẽ tuyên bố "tinh trạng khẩn cấp" nhưng sau đó Hạ Viện sẽ làm một đảo luật để ngăn chận, còn nhiều tồ chứa sẽ đưa Sác lệnh này ra trước các tòa liên bang yêu cầu hủy bỏ. Chưa biết câu chuyện sẽ kéo dài dến bao giờ.