Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

02/02/2019

Điểm báo Pháp - Venezuela khủng hoảng

RFI tiếng Việt

Venezuela khủng hoảng vì "đế quốc Mỹ" hay vì chế độ Maduro mù quáng

Thời sự nóng bỏng tại quốc gia Nam Mỹ Venezuela với cuộc đọ sức ngày càng gay gắt giữa tổng thống "lâm thời" Juan Guaido và tổng thống "hợp pháp" Nicolas Maduro dĩ nhiên đã chiếm lĩnh nhiều trang, bài trên các tạp chí ra vào đầu tháng Hai 2019 này, từ bài phỏng vấn ông Juan Guaido trên tuần báo Pháp L’Obs, cho đến hồ sơ đặc biệt trang bìa của tạp chí Anh The Economist.

maduro1

Hai tổng thống Venezuela : Juan Guaidó (t) và Nicolás Maduro. Ảnh ghép. Reuters/Carlos Garcia Rawlins/ Miraflores Palace

Trước hết, phải nói là tuần báo L’Obs, dù đã dành hồ sơ chính và tựa lớn trang bìa cho một đề tài thời sự Pháp, cũng đã giới thiệu ngay trong hàng tít đầu tiên ở trang nhất bài "phỏng vấn chân thực đối thủ cạnh tranh của Maduro" ở Venezuela, tức là lãnh đạo đối lập Juan Guaido.

Juan Guaido : "Tôi không hề tự phong mình làm tổng thống"

Trả lời câu hỏi của L’Obs, người được gọi là "tổng thống lâm thời" của Venezuela đã mô tả thảm cảnh mà đất nước ông đang phải trải qua, đồng thời giải thích thêm về hy vọng của ông là lôi kéo được giới tướng lãnh chỉ huy quân đội Venezuela về phía mình, cũng như thuyết phục được Nga bỏ rơi tổng thống Maduro.

Một trong những điểm quan trọng trong bài phỏng vấn là ông Juan Guaido đã cực lực bác bỏ lập luận cho rằng ông đã tiến hành một cuộc đảo chánh để giành lấy quyền hành. Theo ông, kẻ tiếm quyền chính là tổng thống Maduro. Juan Guaido giải thích nguyên văn như sau :

"Trái hẳn với những gì người ta đã nói, tôi không hề tự phong mình làm tổng thống, tôi chỉ đảm nhận các quyền lực mà Hiến pháp trao cho tôi. Nicolas Maduro không được bầu lên trong một cuộc bỏ phiếu tự do và minh bạch. Ông đã hủy hoại luật pháp và Hiến pháp, vì vậy ông ấy không phải là nguyên thủ quốc gia chính đáng. Điều 133 trong Hiến pháp của chúng tôi quy định rằng, trong trường hợp đó, bản thân tôi trong tư cách chủ tịch Quốc hội phải đứng ra điều hành đất nước để tổ chức các cuộc bầu cử tự do".

Đối với ông Guaido, chỉ có thể nói đến đảo chánh khi tác giả là binh lính, trong lúc phong trào của ông thuần túy là dân sự, những gì đang diễn ra ở Venezuela không phải là một tiến trình làm đảo chánh, mà là khôi phục lại Nhà Nước pháp quyền.

Tình hình tuy căng thẳng, nhưng ông Guaido không nghĩ là đất nước ông sẽ rơi vào một cuộc nội chiến tương tàn. Lý do là vì ngày nay, đại đa số người dân Venezuela, 85%, mong muốn thay đổi, và chỉ còn một nhóm rất nhỏ chung quanh ông Maduro đang dùng vũ khí để bám quyền và tiếp tục thâu tóm tài nguyên của đất nước.

Ngày tàn của một chế độ cách mạng đã biến chất

Trong bài xã luận mang tựa đề : "Venezuela, kết cục của một chế độ bị mất uy tín và không còn hơi sức", L’Obs cho rằng ngày nay, phải thật là mù quáng mới cho rằng Nicolas Maduro là hiện thân của những lý tưởng tiến bộ của cuộc cách mạng bolivar.

Đối với tác giả bài viết, câu hỏi nóng bỏng đang được đặt ra là vì sao đất nước Venezuela lại bị lâm nguy như lúc này, vì bị "đế quốc Mỹ" phá hoại hay là vì chế độ Maduro mù quáng về ý thức hệ và bất tài.

Theo L’Obs, không nên nhìn nhận vấn đề Venezuela dưới lăng kính địa chính trị, ý thức hệ, mà phải xem xét vấn đề dưới góc độ con người, để thấy rằng đất nước này đang trải qua một trong những thảm kịch khó hiểu nhất của thời đại chúng ta.

Nhìn dưới khía cạnh đó thì bức tranh quả là tệ hại : Venezuela hiện đang có tất cả những dấu hiệu của một quốc gia bị chiến tranh tàn phá dù không hề có chiến tranh.

Venezuela như bị chiến tranh "tàn phá" dù không hề bị chiến tranh

 Đất nước có trữ lượng dầu hỏa thuộc loại quan trọng nhất thế giới, từ năm 2014 đến nay đã mất đi một nửa GDP, một tình trạng chỉ thấy tại các nước bị chiến tranh tàn phá. Và tương tự như một nước đang bị chiến tranh, Venezuela có đến 3 triệu dân phải tản cư sang các quốc gia láng giềng. Tỷ lệ tử vong do tình trạng tội phạm tại Caracas, thủ đô Venezuela, đã vượt qua mức của Baghdad, thủ đô Irak thời loạn lạc năm 2004… Và có lẽ đáng sợ nhất là tình trạng người dân còi cọc hẳn vì lương thực cung ứng khó khăn.

Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng đối đầu giữa hai tổng thống và hai Quốc hội Venezuela hiện nay, nhiều người đã tố cáo bàn tay của "đế quốc Mỹ". Đối với L’Obs, quả là các chính quyền liên tiếp Washington đều không thích chế độ Hugo Chavez và người kế nhiệm là Nicolas Maduro, và đúng là cũng từng có những âm mưu khuynh đảo thật sự. Thế nhưng điều đó không thể giải thích được thảm họa kinh tế và xã hội, cũng như sự lùi bước về mặt dân chủ đang diễn ra tại Venezuela.

Theo tạp chí Pháp, một trong những nguyên do là cách quản lý kém cỏi dầu hỏa, vốn là nguồn lợi chính của Venezuela. Ông Hugo Chavez đã dựa trên tiền thu được từ dầu hỏa để tài trợ cho những chương trình xã hội cần thiết được lòng dân. Có điều ông đã không chuẩn bị cho tương lai, và không tính trước việc giá dầu tất yếu sụt giảm.

Ông cũng không làm gì để chấm dứt tình trạng quản lý tồi tệ tại tập đoàn dầu hỏa quốc gia PDVSA, bị biến thành công cụ chính trị, làm cho sản lượng hiện giờ chỉ bằng 1/3 mức của những năm 2000.

Chế độ cách mạng bolivar do ông Chavez khởi xướng cũng biến thái. Giữa chính quyền được lòng dân thực thụ ban đầu của Chavez, liên tiếp được bầu "một cách hợp lệ", và chế độ độc đoán hiện nay của Maduro, đất nước Venezuela đã càng lúc càng suy sụp và bị cô lập trong một khu vực Nam Mỹ đã chuyển sang cánh hữu.

Đối với L’Obs, phải thật mù quáng mới nhìn thấy nơi Maduro một hiện thân của những lý tưởng cách mạng tiến bộ. Một phần những người "chân chính" theo Chavez trước đây đã xa lánh Maduro. Bây giờ vị tổng thống bị phản đối chỉ còn một lập luận để bám quyền, đó là tố cáo "chủ nghĩa đế quốc Yankee" mà hiện thân là Donald Trump – một vai trò mà tổng thống Mỹ đã thể hiện một cách hoàn hảo.

Tuy nhiên, dù có bàn tay của Washington hay không, thì ván cờ sắp kết thúc đối với một chế độ đã bị mất uy tín và đến lúc tàn hơi.

Câu hỏi không còn là nên giúp Guaido hay không, mà là giúp ra sao

Trong hồ sơ trang bìa mang tựa đề "Cuộc chiến vì tương lai của Venezuela", tuần báo The Economist cũng trở lại với điều được tờ báo gọi là "tấn phong tổng thống Juan Guaido", và cho rằng các nền dân chủ trên thế giới có lý khi tìm kiếm thay đổi tại quốc gia châu Mỹ La Tinh được cai trị một cách tồi tệ nhất.

Theo tuần báo Anh, câu hỏi đặt ra lúc này không phải là liệu có nên giúp ông Guaido hay không, mà là giúp bằng cách nào.

The Economist ghi nhận là trong tuần này, Hoa Kỳ, vẫn là đối tác thương mại chính của Venezuela, đã đánh vào ngành xuất khẩu dầu khí Venezuela, ra lệnh chuyển tiền thu được vào tài khoản ngân hàng của chính phủ của ông Guaido. Mục tiêu là nhằm bóp nghẹt chế độ Maduro, với hy vọng rằng quân đội nước này sẽ quay sang ủng hộ ông Guaido.

Đối với The Economist, biện pháp mạnh như kể trên rất nguy hiểm, có thể khiến cho ông Maduro tăng cường đàn áp, khủng bố, trong lúc các biện pháp trừng phạt kinh tế có thể có hại cho người dân nhiều hơn là cho chế độ… Tuần này, cố vấn an ninh quốc gia diều hâu của ông Trump là John Bolton đã nói bóng gió về việc sử dụng quân đội Mỹ để can thiệp... một ý tưởng mà tuần báo Anh cho là một sai lầm.

Theo The Economist, những ai ủng hộ ông Guaido, có cách giúp đỡ mà không cần dùng đến vũ lực hay thủ đoạn bẩn thỉu.

Trước hết là những biện pháp khuyến khích người Venezuela yêu cầu thay đổi, thúc giục quân đội từ bỏ chế độ và mở đường cho ông Maduro ra đi.

Ngoài ra, cần phải cho người Venezuela biết rõ rằng thế giới đã sẵn sàng hỗ trợ Venezuela nếu ông Guaido lên nắm quyền. Bài học từ mùa xuân Ả Rập cho thấy là ngay cả khi triệt hạ được một bạo chúa, một nhà lãnh đạo cũng phải cải thiện nhanh chóng tình trạng đất nước nếu không muốn bị phủ nhận.

Các ưu tiên trước mắt cho Venezuela sẽ là thực phẩm và y tế. Chính phủ mới sẽ phải chặn đứng ngay tình trạng siêu lạm phát, nhưng cũng cần có ngay tiền thật đến từ nước ngoài. Các định chế tài chánh quốc tế, trong đó có FMI, nên hào phóng.

Đối với The Economist, danh sách việc cần làm còn rất dài, nhưng đất nước Venezuela có đủ khả năng vươn lên trở lại, với ông Guaido có dấu hiệu là một người có năng lực đoàn kết được những phe phái đối lập đang rất chia rẽ. Vấn đề là phải gạt bỏ được ông Maduro.

Thông qua vụ Hoa Vi, Mỹ tuyên chiến với Trung Quốc

Hồ sơ quan trọng thứ hai được các tuần báo chú ý là thái độ kiên quyết của Mỹ trong việc tấn công vào tập đoàn công nghệ Hoa Vi của Trung Quốc, với một bài lược ghi quan điểm Mỹ-Trung liên quan đến Hoa Vi trên Courrier International, và hai bài nhận định của tờ The Economist.

Dưới tựa đề chung "Mỹ phấn đấu để đẩy Hoa Vi vào tình trạng việt vị", hiểu theo nghĩa "gạt tập đoàn Trung Quốc ra khỏi cuộc chơi", Courrier International cho rằng "khi truy tố gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc với lý do vi phạm lệnh trừng phạt Iran và đánh cắp công nghệ của Mỹ, Washington đã tuyên chiến với Bắc Kinh".

Tạp chí Pháp trước hết trích dịch nhận xét của nhật báo Anh Financial Times theo đó : "Đợt pháo mới nhất của chính quyền Donald Trump có thể xáo trộn hoạt động của nhà vô địch Trung Quốc trên bình diện thế giới và đưa vị giám đốc tài chính của Hoa Vi vào tù". Tờ báo Anh còn nhắc lại là hồ sơ có thể đè nặng lên cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung đang diễn ra, và nếu không có thỏa thuận vào ngày 01/03, ông Trump đã hứa là sẽ tăng gấp đôi thuế trên hàng nhập Trung Quốc.

Phán ứng trước những lời cáo buộc của bộ Tư Pháp Mỹ, Hoa Vi đã phủ nhận rằng bản thân tập đoàn cũng như các chi nhánh không hề phạm vào bất kỳ tội danh nào mà Mỹ đưa ra để cáo buộc. Tờ báo Hồng Kông South China Morning Post đã trích dẫn phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng bênh vực các công ty, tập đoàn Trung Quốc, và tố cáo "mục tiêu chính trị rất lớn và hành vi thao túng" trong quyết định của Mỹ.

Tờ Hoàn Cầu Thời Báo tố cáo trong bài xã luận một hành vi "truy bức" Hoa Vi, bị cho là "khắc nghiệt nhất từ hàng thập niên toàn cầu hóa", với việc Hoa Kỳ "hoàn toàn bỏ qua một bên các quy tắc thương mại". Tờ báo còn viết thêm là "Washington không hề có bằng chứng về việc Hoa Vi làm gián điệp mà chỉ đưa ra những cáo buộc tưởng tượng".

Về phía Mỹ, cựu dân biểu đảng Cộng hòa Mike Rogers đã đưa ra một lời bình luận đanh thép : "Bản chất hành vi của Hoa Vi rốt cuộc đã bị vạch trần". Trên nhật báo Mỹ Wall Street Journal, người từng là chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Hoa Kỳ còn cáo buộc "Trung Quốc sử dụng các tập đoàn như Hoa Vi, ZTE làm cánh tay đắc lực cho hệ thống tình báo".

Ông Rogers còn nhận định là "Trung Quốc lộ rõ ý muốn thống trị công nghệ học 5G và kiểm soát việc triển khai công nghệ này. Thông qua Hoa Vi và những sản phẩm mà tập đoàn này làm ra, Bắc Kinh không chỉ kiểm soát việc triển khai hệ thống 5G, mà cả những tiêu chuẩn quốc tế của 5G để làm lợi cho mình".

Cựu dân biểu Mỹ đồng thời cảnh báo : "Big Brother – tức là gián điệp - đang vào nhà của quý vị thông qua những sản phẩm giá hạ của Trung Quốc".

Facebook đã phản bội chúng ta ra sao

Xuất bản vào thời điểm Facebook chuẩn bị kỷ niệm thứ 15 hôm 04/2/2019 sắp tới, tuần báo Courrier International số đầu tháng Hai năm 2019 này đã dành hồ sơ trang bìa cho mạng xã hội số một hành tinh hiện nay, với tựa lớn "Facebook đã phản bội chúng ta ra sao".

Bên trên một biếm họa vẽ hình một ác quỷ rực lửa với đôi mắt là ký hiệu chữ f trắng trên nền xanh của mang xã hội này, Courrier International nêu bật nội dung hồ sơ trong hàng chú thích bên dưới tít lớn : "Mạng xã hội của Mark Zuckerberg (ông chủ Facebook) trong tầm nhắm của báo giới ngoại quốc".

Ở trang trong, Courrier International giải thích rõ ràng : Mạng xã hội Facebook, cùng với người sáng lập Mark Zuckerberg đang bị chỉ trích dữ dội vì vướng vào một loạt vấn đề : Thông tin sai lệch, dữ liệu cá nhân bị thất thoát hàng loạt, hệ thống an ninh bảo mật bị lỗ hổng, thiếu khả năng tự điều chỉnh...

Tạp chí Pháp đã trích dịch một bài phân tích trên nhật báo Anh The Financial Times tố cáo ông chủ Facebook : "Zuckerberg đã không giữ lời hứa". Theo Financial Times, cách nay một năm, chủ tịch tổng giám đốc của Facebook đã cam kết bảo vệ tốt hơn dữ liệu cá nhân của những người sử dụng Facebook. Thế nhưng, từ lúc đó đến nay, các tai tiếng nối đuôi nhau, trong lúc cách vận hành của tập đoàn Facebook có vẻ chẳng thay đổi chút nào.

Courrier International cũng dịch lại bài chỉ trích Facebook trên nhật báo Mỹ The New York Times : "Tệ sùng bái bí mật quá đáng". Theo tờ báo Mỹ, ngay từ thời mới thành lập, các mạng xã hội như Facebook, Twitter, Youtube, và những mạng tương tự, đều bảo vệ chặt chẽ bí mật về cách thức họ vận hành. Hậu quả là làm cho những người sử dụng trở thành đa nghi, hoang tưởng.

Đe dọa đến từ thông minh nhân tạo

"Phải chăng máy sắp chiến thắng" là câu hỏi đáng sợ được tuần báo Pháp L’Express nêu trên trang bìa, bên trên hình vẽ một người máy to lớn đáng nắm một con người nhỏ bé trên tay, mô phỏng cảnh truyền thống của bức poster giới thiệu phim King Kong. Chủ đề chính của hồ sơ tuần này, dài 12 trang của L’Express là thông minh nhân tạo, với lời tiên đoán : "Giống như Internet, thông minh nhân tạo sắp sửa làm đảo lộn cuộc sống của chúng ta".

Theo tạp chí Pháp, trong mọi lãnh vực, từ công việc làm, truyền thông, cho đến tài chánh, tư pháp, kể cả dân chủ, thông minh nhân tạo sắp sửa làm đảo lộn cuộc sống thường nhật của con người, gạt bỏ các thói quen hàng ngày của chúng ta.

Sự vươn lên của thông minh nhân tạo đặt ra những thách thức chóng mặt trên ba phương diện : Kinh tế, đạo đức, và khoa học.

Cớ sao Tổng thống Macron không lắng nghe công đoàn CFDT

L’Obs tuần này dành hồ sơ chính dài khoảng một chục trang cho một gương mặt nặng ký của giới công đoàn Pháp hiện nay là ông Laurent Berger, chủ tịch công đoàn CFDT, đặc biệt là quan hệ "lạnh nhạt" giữa đương kim tổng thống Pháp Emmanuel Macron với một nhân vật vốn rất được tổng thống tiền nhiệm François Hollande tham vấn.

Trên nền một chân dung của lãnh đạo công đoàn CFDT chiếm trọn trang bìa, L’Obs chạy tựa "Laurent Berger : Vì sao Macron nên lắng nghe người này", kèm theo chú thích "chân dung toàn diện của lãnh đạo CFDT". L’Obs đã dành khoảng một chục trang để tìm hiểu xem : "Vào lúc khủng hoảng Áo Vàng đang gay gắt, Laurent Berger là người có tiếng nói ổn định nhất, cớ sao người đứng đầu nhà nước lại coi thường lãnh đạo CFDT, một nhân vật ôn hòa vẫn ôm ấp các giá trị dân chủ xã hội".

Theo tuần báo Pháp, hai bên đã không nói chuyện kể từ khi các đối tác xã hội được tiếp đón tại điện Elysée vào ngày 10 tháng 12 năm ngoái, một điều đã gây ngạc nhiên nơi Philippe Grangeon, thành viên kỳ cựu của công đoàn CFDT kể từ năm 1994, một trong những sang lập viên phong trào Tiến Bước của tổng thống Macron, và đang là cố vấn đặc biệt tại phủ tổng thống Pháp.

Trả lời L’Obs, Philippe Grangeon nêu bật điểm khác nhau giữa chủ nhân điện Elysée hiện thời với người tiền nhiệm : "François Hollande dựa trên công đoàn CFDT, trên những lãnh đạo, trên sức sang tạo của tổ chức này hơn là chính đảng Xã Hội của ông". Việc tổng thống Macron lơ là CFDT quả là điều chưa từng thấy. Vị tổng thống này quả là khác biệt".

Raymond Aron, nhà tư tưởng phản kháng của thế kỷ 20

Tạp chí Pháp Le Point tuần này đã dành trang bìa cho một gương mặt trí thức Pháp tiêu biểu trong thế kỷ 20 : Triết gia Pháp Raymond Aron. Nhân dịp con gái của triết gia là Dominique Schnapper (cùng với tác giả Fabrice Gardel) cho ra mắt quyển sách "Vỡ lòng về Raymond Aron - L’abécédaire de Raymond Aron", Le Point đã phác họa chân dung của người được tờ báo mệnh danh là "giáo sư về vệ sinh tinh thần".

Theo Le Point, cuộc đời và tác phẩm của Raymond Aron đã hòa quyện với lịch sử thế kỷ XX, một người đã hiểu được và phân tích được một cách tường tận lịch sử của thế kỷ vừa qua. Cái hay của Raymond Aron, theo tạp chí Pháp, là tư tưởng của ông cũng rất hiện đại, có thể giúp hiểu được thế kỷ XXI này.

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ
Read 393 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)