Hoa Kỳ chính thức thông báo rút khỏi hiệp ước INF (RFI, 02/02/2019)
Hôm 01/02/2019, Hoa Kỳ đã thực hiện lời đe dọa rút khỏi một hiệp ước về vũ khí hạt nhân tầm trung (Intermediate-Range Nuclear Forces Treaty-INF) ký với Nga vào thời chiến tranh lạnh, bất chấp nguy cơ một cuộc chạy đua vũ khí mới với Moskva.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh tại Nhà Trắng, ngày 01/02/2019. Reuters/Jim Young
Trong một thông cáo, tổng thống Donald Trump cho biết : "Ngày mai (02/02), Hoa Kỳ sẽ đình chỉ thực hiện các nghĩa vụ trong khuôn khổ hiệp ước INF và khởi động tiến trình rút khỏi hiệp ước này. Tổng thống Mỹ nói thêm : "Việc rút khỏi hiệp ước sẽ có hiệu lực trong 6 tháng nữa, trừ phi nước Nga thực hiện các nghĩa vụ của họ bằng cách phá hủy toàn bộ các tên lửa và các thiết bị vi phạm hiệp ước"…
Hôm nay, tổng thống Vladimir Putin vừa thông báo là nước Nga cũng ngưng tuân thủ hiệp ước INF, cáo buộc chính Hoa Kỳ đã vi phạm hiệp ước này. Ngay từ hôm qua, Moskva đã bác bỏ các cáo buộc "vô căn cứ" của Washington và lên án chiến lược của Mỹ.
Từ Moskva, thông tín viên Daniel Vallot tường trình :
"Một lần nữa, Moskva khẳng định họ vẫn chủ trương tuân thủ hiệp định được Ronald Reagan và Mikhail Gorbachov ký kết vào thập niên 1980. Đối với Nga, Hoa Kỳ không chỉ đưa ra những cáo buộc vô căn cứ, mà nước này còn vi phạm hiệp ước INF.
Trả lời phỏng vấn trên đài truyền hình Rossiya 24, thứ trưởng ngoại giao Nga Sergai Ryabkov chỉ trích hệ thống chống tên lửa mà khối NATO đã triển khai ở Romania và sắp tới đây ở Ba Lan.
Ông Ryabkov nói : "Trong kịch bản tồi tệ nhất, Hoa Kỳ có thể triển khai 24 tên lửa Tomahawk. Với hệ thống chống tên lửa sẽ được lắp đặt ở Ba Lan, họ sẽ có thể triển khai tới 48 tên lửa với tầm bắn 2.500 km. Nếu quý vị vẽ một vòng tròn trên bản đồ, quý vị sẽ thấy những vùng nào của Nga nằm trong tầm bắn của những tên lửa đó".
Đối ông Ryabkov, Washington muốn lôi kéo nước Nga vào một cuộc chạy đua vũ khí mới, hơn 40 năm sau cuộc chạy đua vũ khí đã làm Liên Xô kiệt quệ. Thứ trưởng ngoại giao Nga nhấn mạnh : "Họ không hiểu là lần này chúng tôi đã học được bài học. Chúng tôi sẽ không ngại đầu tư vào những phương tiện để đáp trả Hoa Kỳ, nhưng chúng tôi sẽ tránh không bị phá sản".
Châu Âu lo ngại
Liên Hiệp Châu Âu tỏ vẻ lo ngại trước việc Hoa Kỳ rút khỏi hiệp ước INF. Hôm qua, lãnh đạo ngành ngoại giao của Liên Hiệp Châu Âu Federica Mogherini tuyên bố : "Điều chúng tôi dứt khoát không muốn nhìn thấy, đó là lục địa của chúng tôi biến thành một trận địa và là nơi đụng độ giữa các siêu cường quốc khác".
Thanh Phương
*********************
Nga đình chỉ hiệp ước vũ khí hạt nhân sau khi Mỹ nói sẽ rút đi (VOA, 02/02/2019)
Nga đã đình chỉ Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) thời Chiến tranh Lạnh, Tổng thống Vladimir Putin cho biết hôm thứ Bảy, sau khi Mỹ tuyên bố sẽ rút khỏi hiệp ước kiểm soát vũ khí này, cáo buộc Moscow vi phạm.
Tổng thống Nga Vladimir Putin họp với Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và Bộ trưởng Ngoại giao Sergei Lavrov tại Điện Kremlin ở Moscow, ngày 2 tháng 2, 2019.
Quan hệ của Moscow với phương Tây đang căng thẳng về các vấn đề bao gồm Nga sáp nhập Crimea từ Ukraine, các cáo buộc nước này can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và đứng sau một vụ tấn công sử dụng chất độc thần kinh ở Anh.
Mỹ hôm thứ Sáu tuyên bố họ sẽ rút khỏi hiệp ước INF trong sáu tháng trừ phi Moscow chấm dứt điều mà họ nói là những vi phạm đối với hiệp ước năm 1987.
Mỹ sẽ xem xét lại việc rút đi nếu Nga tuân hành thỏa thuận, vốn cấm cả hai nước đặt các phi đạn trên bộ tầm ngắn và tầm trung ở Châu Âu. Nga phủ nhận vi phạm hiệp ước.
"Các đối tác Mỹ đã tuyên bố họ đình chỉ tham gia thỏa thuận này, chúng ta cũng đình chỉ", ông Putin nói trong cuộc họp với bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng được chiếu trên truyền hình.
Ông Putin nói Nga sẽ bắt đầu công tác chế tạo các phi đạn mới, bao gồm các phi đạn siêu thanh, và bảo các bộ trưởng đừng đề nghị các cuộc đàm phán giải giáp với Washington, cáo buộc Mỹ chậm phản ứng trước những hành động như vậy.
"Chúng ta đã nhiều lần, trong mấy năm qua, và thường xuyên nêu câu hỏi về các cuộc đàm phán có thực chất về vấn đề giải trừ quân bị", ông Putin nói. "Chúng ta thấy rằng trong mấy năm qua các đối tác đã không ủng hộ các sáng kiến của chúng ta".
Tranh cãi về hiệp ước đã thu hút phản ứng mạnh mẽ từ Châu Âu và Trung Quốc.
Các quốc gia Châu Âu lo ngại sự sụp đổ của hiệp ước có thể dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang mới với một thế hệ phi đạn hạt nhân mới của Mỹ có thể được đặt trên lục địa này.
Trung Quốc hôm thứ Bảy kêu gọi Mỹ giải quyết những khác biệt của họ với Nga thông qua đối thoại.
Trong cuộc họp với ông Putin, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cáo buộc Mỹ vi phạm INF và các thỏa thuận vũ khí khác, bao gồm hiệp ước không phổ biến vũ khí.
Ông Putin nói rằng Nga sẽ không triển khai vũ khí của mình ở Châu Âu và các khu vực khác trừ phi Mỹ làm như vậy.
*********************
Nga theo chân Mỹ đình chỉ Hiệp ước Hạt nhân tầm trung (BBC, 02/02/2019)
Nga vừa đình chỉ tham gia vào Hiệp ước Vũ khí Hạt nhân Tầm trung (INF) thời Chiến tranh lạnh sau khi Mỹ có quyết định tương tự.
Tổng thống Nga Vladimir Putin nói cáo buộc của Nato là bối cảnh cho Mỹ rời hiệp ước
Tổng thống Vladimir Putin nói Nga sẽ bắt đầu phát triển tên lửa mới.
Hôm thứ Sáu 1/2, Mỹ, nước từ lâu đã cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước này, chính thức tuyên bố ngừng thực hiện các nghĩa vụ theo hiệp ước.
Được Mỹ và Nga ký kết năm 1987, hiệp ước cấm cả hai bên sử dụng tên lửa tầm ngắn và tầm trung.
"Các đối tác Mỹ của chúng tôi tuyên bố họ sẽ đình chỉ tham gia vào hiệp ước, và chúng tôi cũng làm như vậy", Ông Putin nói hôm thứ Bảy 2/2.
"Tất cả các đề xuất của chúng tôi trong lĩnh vực này, như trước đây, vẫn để ngỏ. Cánh cửa để đàm phán vẫn mở", ông nói thêm.
Nga phủ nhận đã xây dựng tên lửa vi phạm hiệp ước
Sáng thứ Bảy, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói với BBC : "Tất cả các đồng minh (Châu Âu) đồng thuận với Mỹ vì Nga đã vi phạm hiệp ước trong vài năm qua. Họ đang triển khai ngày càng nhiều tên lửa có khả năng hạt nhân ở Châu Âu".
Nga phủ nhận đã vi phạm hiệp ước INF.
Nga bị cáo buộc những gì ?
Người Mỹ nói họ có bằng chứng rằng một tên lửa mới của Nga nằm trong tầm 500-5,500km bị cấm bởi hiệp ước.
Quan chức Mỹ cho biết Nga đã triển khai một số tên lửa 9M729 - hay được NATO gọi là SSC-8.
Tên lửa 9M729 mới của Nga là Mỹ và đồng minh lo ngại
Những bằng chững này được đưa ra cho các đồng minh ở NATO của Mỹ và họ đều ủng hộ Mỹ.
Hồi tháng 12, chính quyền Trump ra điều kiện cho Nga phải tuân thủ trở lại các điều khoản của hiệp ước trong 60 ngày, nếu không Mỹ cũng sẽ ngừng tuân thủ hiệp ước.
Ngoài chuyện phủ nhận đã vi phạm INF, Moscow nói các thiết bị chống tên lửa đạn đạo của Mỹ đang được triển khai ở Đông Âu cũng có khả năng vi phạm các điều khoản của hiệp ước.
Điều gì có thể xảy ra tiếp theo ?
Tại cuộc họp với bộ trưởng ngoại giao và bộ trưởng quốc phòng Nga hôm thứ Bảy, Tổng thống Putin nói có thể sẽ bắt đầu lên kế hoạch phát triển vũ khí mới.
Những vũ khí này, ông nói, sẽ gồm một dạng của tên lửa hành trình phóng từ biển Kalibr, và các vũ khí siêu ấm mới có khả năng di chuyển nhanh hơn tốc độ âm thanh năm lần.
Nhưng ông Putin nói Moscow sẽ không bị cuốn vào cuộc chạy đua vũ trang tốn kém, và sẽ không triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung trừ khi Mỹ triển khai trước.
Một cuộc chạy đua vũ trang sẽ là điều hết sức đáng lo ngại cho các nước Châu Âu.
"Những tên lửa mới này di động, khó phát hiện, có khả năng hạt nhân và có thể vươn tới các thành phố Châu Âu. Chúng có thời gian cảnh báo rất ngắn nên chúng làm giảm ngưỡng [đề phòng] việc sử dụng vũ khí hạt nhân có thể trong một cuộc xung đột", Tổng Thư ký Nato Jens Stoltenberg nói với BBC.
Hiệp ước Vũ khí Hạt nhân Tầm trung (INF) là gì ?
Được Mỹ và Nga ký kết năm 1987, hiệp ước kiểm soát vũ khí này cấm tất cả các tên lửa hạt nhân và phi hạt nhân tầm ngắn và tầm trung, trừ các loại vũ khí được phóng từ đại dương
Lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev và Tổng thống Mỹ Ronald Reagan ký Hiệp ước năm 1987
Mỹ đã quan ngại về việc Nga triển khai hệ thống tên lửa SS-20 và phản ứng bằng cách đặt tên lửa hành trình và tên lửa Pershing ở Châu Âu - làm dấy lên các cuộc biểu tình rộng rãi
Tới năm 1991, gần 2700 tên lửa đã bị phá hủy
Cả hai quốc gia được phép thanh tra các chương trình lắp đặt tên lửa của nước kia
Năm 2007, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố hiệp ước không còn phục vụ lợi ích của Nga
Động thái này diễn ra sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước chống Tên lửa đạn đạo năm 2002
***************
Mỹ tạm dừng tuân thủ hiệp ước vũ khí với Nga, có thể rút sau 6 tháng (VOA, 01/02/2019)
Hoa Kỳ sẽ đình chỉ việc tuân thủ Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung với Nga vào thứ Bảy, 2/2, và chính thức rút khỏi sau 6 tháng, nếu Moscow không chấm dứt việc vi phạm hiệp ước như đã bị cáo buộc, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thông báo hôm thứ Sáu, 1/2.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo họp báo hôm 1/2/2019
Hoa Kỳ sẽ xem xét lại việc rút khỏi hiệp ước nếu Nga tuân thủ hiệp ước vốn cấm hai bên triển khai các tên lửa tầm ngắn và tầm trung đặt trên mặt đất ở Châu Âu.
Nga đã phủ nhận chuyện vi phạm hiệp ước kiểm soát vũ khí mang tính bước ngoặt đạt được hồi năm 1987.
Ông Pomp Pompeo nói với các phóng viên tại Bộ Ngoại giao Mỹ rằng : "Nga đã từ chối thực hiện các bước để tuân thủ trở lại một cách thực sự và có thể kiểm chứng được. Chúng tôi sẽ gửi cho Nga và các bên tham gia hiệp ước khác lời thông báo chính thức rằng Hoa Kỳ sẽ rút khỏi hiệp ước gọi tắt là INF, có hiệu lực sau 6 tháng".
Nếu Nga không tuân thủ hiệp ước trở lại một cách đầy đủ và có thể kiểm chứng được trong thời hạn 6 tháng bằng cách phá hủy một cách có thể xác minh được các tên lửa, bệ phóng và thiết bị đi kèm là những cái vi phạm INF, hiệp ước sẽ chấm dứt", theo lời ông Pompeo.
Hoa Kỳ cáo buộc một loại tên lửa hành trình mới của Nga vi phạm hiệp ước. Tên lửa đó là Novator 9M729, được Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) gọi là SSC-8.
Nga nói rằng do tầm bắn của tên lửa nên nó nằm ngoài hiệp ước và cáo buộc Hoa Kỳ bịa ra cớ để rút khỏi hiệp ước mà đằng nào Mỹ cũng muốn từ bỏ để có thể phát triển tên lửa mới. Nga cũng đã từ chối yêu cầu của Hoa Kỳ về việc phá hủy loại tên lửa mới.
Phát ngôn viên của điện Kremlin, Dmitry Peskov, nói với các phóng viên hôm 1/2 rằng Hoa Kỳ đã không sẵn lòng thảo luận về vấn đề này.
Một vài giờ trước khi có thông báo của ông Pompeo, một tuyên bố của NATO cho biết khối liên minh này sẽ ủng hộ hoàn toàn thông báo của Mỹ về việc rút khỏi hiệp ước.