Bộ trưởng Đức thảo luận về vai trò của Huawei trong mạng 5G (VOA, 06/02/2019)
Hai bộ trưởng Đức hôm 6/2 dự trù sẽ thảo luận về cách bảo vệ an ninh trong các mạng di động 5G tương lai.
Họp báo tại cuộc trưng bày giới thiệu sản phẩm mới 5G của Huawei tại Bắc Kinh, ngày 24/1/2019.
Hãng thông tấn Reuters dẫn hai nguồn tin của chính phủ cho biết như vậy trong lúc tranh luận gay gắt đang nổi lên về việc có nên loại công ty công nghệ Trung Quốc Huawei ra khỏi thị trường hay không.
Thủ tướng Angela Merkel tuyên bố Đức cần đảm bảo rằng Huawei sẽ không cung cấp dữ liệu cho nhà nước Trung Quốc trước khi họ có thể tham gia xây dựng mạng điện toán thế hệ thứ năm có thể liên kết mọi thứ từ phương tiện giao thông đến nhà máy với một tốc độ lớn hơn nhiều.
Ông Dieter Kempf, người đứng đầu Liên đoàn Công nghiệp Đức (BDI), ủng hộ quan điểm của bà Merkel. Ông nói rằng việc đảm bảo các công ty như Huawei đáp ứng các tiêu chuẩn bảo mật cao sẽ khôn ngoan hơn lệnh cấm tổng quát đối với các công ty Trung Quốc.
"Một lệnh cấm chung chung sẽ kKhông có ý nghĩa gì", ông Kem nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn. "Điều đó sẽ thu hẹp sự lựa chọn các nhà cung cấp. Điều đó có thể ảnh hưởng đến chi phí. Quan trọng hơn, sẽ có hậu quả chính trị - Trung Quốc có thể trả đũa các công ty Đức".
Nhật báo Handelsblatt dẫn nguồn tin chính phủ cho biết cuộc họp sẽ tập trung vào việc liệu một danh mục bảo mật, được soạn thảo bởi cơ quan quản lý mạng liên bang (BNetzA) và cơ quan giám sát an ninh mạng (BSI), cùng với các quy tắc chứng nhận và hiệp ước không gián điệp với Trung Quốc, có đủ để làm cho mạng 5G an toàn.
Huawei, công ty cung cấp mạng hàng đầu thế giới với doanh thu hàng năm đạt hơn 100 tỷ đôla, đang bị quốc tế soi rọi về mối quan hệ với chính phủ Trung Quốc và nghi ngờ rằng Bắc Kinh có thể sử dụng công nghệ của công ty này để làm gián điệp, điều mà Huawei phủ nhận.
Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết hôm thứ Ba rằng Washington coi Liên minh châu Âu là ưu tiên hàng đầu trong nỗ lực toàn cầu nhằm thuyết phục các đồng minh không mua thiết bị của Huawei cho các mạng di động thế hệ tiếp theo vì lo ngại gián điệp.
********************
Nhiều nước Châu Âu cảnh giác với thiết bị Hoa Vi (RFI, 05/02/2019)
Cũng như nhiều nước khác trên thế giới, tại Châu Âu, ngày càng có nhiều nước cảnh giác với các thiết bị viễn thông của tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi. Các trang thiết bị Hoa Vi bị nghi ngờ giúp tình báo Trung Quốc theo dõi đánh cắp thông tin ở những nước sử dụng.
Nhãn hiệu Hoa Vi bên ngoài một thương xá ở Bắc Kinh. Ảnh chụp ngày 29/01/2019. Reuters/Jason Lee
Trong bản báo cáo về các nguy cơ đối với an ninh quốc gia trong năm 2019 công bố hôm 04/02/2019, giám đốc tình báo Na Uy khẳng định có nhiều rủi ro khi sử dụng thiết bị viễn thông của Hoa Vi, vì luật của Trung Quốc buộc các tập đoàn có trụ sở tại Trung Quốc phải hỗ trợ kỹ thuật cho cơ quan tình báo nước này.
Trong khi đó, các công ty dịch vụ viễn thông chính của Na Uy đã sử dụng các thiết bị của Hoa Vi để khai thác mạng 4G. Quốc gia này đang tính đến việc ra các quy định nhằm giảm thiểu rủi ro đến an ninh quốc gia.
Cộng Hòa Séc thì đã có hành động cụ thể là loại tập đoàn Trung Quốc ra khỏi danh sách đấu thầu dự án xây dựng một mạng quản lý thuế trị giá 20 triệu euro.
Tại Ba Lan, chính quyền nước này đang đánh giá các nguy cơ sau vụ bắt giữ một lãnh đạo chi nhánh Hoa Vi cách đây hai tuần, vì nhân vật này bị tình nghi làm gián điệp cho Bắc Kinh.
Còn tại Pháp, tuần này, Thượng Viện sẽ thảo luận về việc sửa đổi một điều luật nhằm phòng chống các hoạt động gián điệp hay phá hoại trên mạng thông tin 5G. Đức cũng đang suy tính biện pháp hạn chế tập đoàn Trung Quốc tiếp cận thị trường 5G. Trong một tài liệu nội bộ mà hãng tin Bloomberg có được, tập đoàn viễn thông Đức Deutsche Telekom nhấn mạnh, Châu Âu có thể bị chậm hơn từ một đến hai năm so với Trung Quốc và Hoa Kỳ, nếu cứ để tập đoàn viễn thông Trung Quốc tự do tung hoành.
Anh Vũ
*************************
Trung Quốc đánh cắp bí mật hãng công nghệ Visma của Na Uy (VOA, 06/02/2019)
Theo các nhà điều tra của công ty an ninh mạng Recorded Future, vụ tấn công là một phần trong những gì mà các nước phương Tây cho biết hồi tháng 12 là một chiến dịch tấn công mạng toàn cầu của Bộ An ninh Nhà nước Trung Quốc để đánh cắp tài sản trí tuệ và các bí mật công ty.
Tin tặc của tình báo Trung Quốc đã xâm nhập mạng lưới của công ty phần mềm Visma của Na Uy để đánh cắp bí mật từ các khách hàng của hãng này. Một giám đốc điều hành của Visma mô tả đó là một "cuộc tấn công thảm khốc".
Hãng thông tấn Reuters nói rằng Bộ An ninh Nhà nước Trung Quốc không mở kênh liên lạc công khai, còn Bộ Ngoại giao thì không trả lời yêu cầu bình luận, nhưng Bắc Kinh đã nhiều lần phủ nhận mọi liên quan đến gián điệp trên mạng.
Visma đã quyết định công bố vụ tấn công mạng này để cảnh báo về chiến dịch tấn công mạng mang tên Cloudhopper nhắm mục tiêu vào các nhà cung cấp dịch vụ công nghệ và phần mềm để tiếp cận khách hàng của họ.
Các công ty an ninh mạng và chính phủ phương Tây đã cảnh báo về Cloudhopper nhiều lần kể từ năm 2017 nhưng không tiết lộ danh tính của các công ty bị ảnh hưởng.
Hồi tháng 12, Reuters loan tin rằng Hewlett Packard Enterprise Co và IBM là hai trong số các nạn nhân của chiến dịch Cloudhopper, và các quan chức phương Tây cho biết không chính thức rằng có nhiều nạn nhân hơn nữa.
Vào thời điểm đó, IBM cho biết họ không có bằng chứng các dữ liệu nhạy cảm của doanh nghiệp bị xâm phạm, và Hewlett Packard Enterprise cho biết họ không thể bình luận về chiến dịch Cloudhopper.
Visma báo cáo doanh thu toàn cầu đạt 1,3 tỷ đô la trong năm ngoái. Hãng công nghệ này chuyên cung cấp các sản phẩm phần mềm kinh doanh cho hơn 900.000 công ty trên khắp Scandinavia và một số khu vực khác của châu Âu.
Ông Espen Johansen, giám đốc đặc trách quản lý hoạt động và bảo mật của công ty, cho biết cuộc tấn công đã được phát hiện ngay sau khi tin tặc truy cập vào hệ thống của Visma và ông tin chắc rằng mạng máy khách hàng chưa bị xâm nhập.
****************
Ngôi mộ Karl Marx ở London ‘bị đập bằng búa’ (BBC, 05/02/2019)
Mộ của triết gia Đức Karl Marx ở nghĩa trang Highgate, London, vừa bị đập bằng búa.
Ban quản lý nghĩa trang nói "đây không phải là cách đối xử với di sản".
Trong vụ lần này, tấm biển cẩm thạch trắng bị búa đập
Được biết từ lâu nay, thỉnh thoảng vẫn có những vụ đập phá mộ Karl Marx.
Ví dụ năm 1970, có người định dùng bom ống làm nổ ngôi mộ. Hay có lúc, một người định dùng dây kéo đổ đầu Karl Marx.
Trong vụ lần này, tấm biển cẩm thạch trắng bị búa đập.
Nghĩa trang nói họ không biết vụ việc xảy ra khi nào, tuy có thể là trong mấy ngày vừa rồi.
Tượng Karl Marx được dựng trên ngôi mộ ở nghĩa trang Highgate, London
Karl Marx (1818-1883) được gọi là người cha của chủ nghĩa cộng sản qua các tác phẩm như Tuyên ngôn Đảng Cộng sản, và Tư bản.
Sinh ra ở Trier, Vương quốc Phổ (nay thuộc Đức), ông Karl Marx sống ở nhiều nước trước khi sang London năm 1849.
Tại London, ông đã viết ra Tư bản (Das Kapital, The Capital, Le Capital), ấn hành năm 1867.
Ông qua đời năm 1883 và được chôn ở nghĩa trang Highgate, London.
Tại Việt Nam, hiện nay Đảng Cộng sản vẫn nói trung thành với tư tưởng Karl Marx, đồng thời lấy chủ nghĩa Marx - Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng.