Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

06/02/2019

Điểm báo Pháp - Hoa Vi kẹt giữa cuộc đọ sức

RFI tiếng Việt

Hoa Vi kẹt giữa cuộc đọ sức chính trị-công nghệ Trung Quốc-Phương Tây

Cuộc chiến tranh thương mại giữa Bắc Kinh và Washington còn chưa ngã ngũ, tập đoàn viễn thông Hoa Vi, biểu tượng cho sự bành trướng kinh tế của Trung Quốc, nổi lên như là tâm điểm của một cuộc chiến quốc tế.

huawei0

Tập đoàn viễn thông Trung Quốc là Hoa Vi (Huawei) bị Quốc hội Mỹ nghi ngờ có thể làm gián điệp. Reuters

Le Figaro chạy tựa lớn trang nhất : "Người khổng lồ Hoa Vi tâm điểm sốc giữa Trung Quốc và phương Tây".

Nhật báo Pháp ghi nhận "sau vụ Canada bắt giữ và có thể cho dẫn độ sang Mỹ tổng giám đốc tài chính của tập đoàn Hoa Vi để xét xử, thế giới viễn thông bị cuốn vào một cuộc chiến nóng bỏng vượt ra ngoài khuôn khổ cạnh tranh công nghệ".

Không còn chỉ giới hạn ở một cuộc chạy đua công nghệ ở tầm công ty, vụ Hoa Vi phản ánh cuộc đọ sức giữa phương tây và Trung Quốc xem ai kiểm soát được thế giới tương lai mà nhật báo Le Figaro ví như là "Cuộc chiến tranh lạnh công nghệ", tựa của bài xã luận.

Le Figaro viết : "Đã có một thời các cường quốc đối đầu nhau trong chuyện triển khai tên lửa hạt nhân hay căn cứ quân sự. Giờ đây, cuộc đọ sức giữa Trung Quốc và các nước phương Tây xoay quanh một vật thể không rõ ràng lắm. Đó là mạng thông tin liên lạc, lĩnh vực mà nhà khổng lồ viễn thông Trung Quốc dẫn đầu thế giới. Và thế là giữa Washington và Bắc Kinh, một cuộc "chiến tranh lạnh công nghệ" được tuyên chiến".

Hoa Vi đang chiếm thế thượng phong với thế hệ mạng di động 5G trên thế giới khiến phương Tây ngày càng lo ngại. Theo Hoa Kỳ sẽ là một đe dọa cho an ninh, nếu Hoa Vi kiểm soát hạ tầng cơ sở thông tin thế hệ thứ 5. Khi đó, người Trung Quốc sẽ có được khả năng đáng sợ để do thám cả thế giới. Bắc Kinh thì la toáng lên đó chỉ là "âm mưu nhằm ngăn chặn họ phát triển".

Theo Le Figaro, "vụ Hoa Vi nói lên rất nhiều điều về thế giới của chúng ta hiện nay, về những thách thức và mối tương quan lực lượng trong tương lai. Đó là trận chiến thương mại, công nghệ và cả địa chính trị. Cuộc đấu đó nằm trong cuộc cạnh tranh lớn để thống trị thế giới mà Mỹ và Trung Quốc đang lao vào".

Châu Âu bắt đầu thức tỉnh

Le Figaro nhận định : "Đối với các nước Châu Âu, cú sốc Hoa Vi phải làm cho họ thức tỉnh. Trong một thời gian dài, các nước Châu Âu vẫn còn mê mẩn với sự phát triển ấn tượng Trung Quốc. Đã đến lúc Châu Âu phải tỏ cho thấy bớt ngây thơ trước một đối tượng luôn tự thoát ra ngoài luật chơi. Nếu Châu Âu không đầu tư cải tiến cho những lĩnh vực chiến lược, sự lệ thuộc công nghệ sẽ gia tăng một cách nguy hiểm. Châu Âu sẽ còn bị bất ngờ về cuộc chơi lớn giữa Mỹ và Trung Quốc".

Trong bối cảnh đó, Le Figaro ghi nhận Châu Âu bắt đầu hoảng loạn không biết hành động thế nào khi sực tỉnh ra mối nguy hiểm mới trong khi mà Hoa Vi đã cắm rễ khá sâu trên lục địa này và nhất là các nước Châu Âu có thể bị tụt hậu nếu tiếp tục làm ngơ cho Hoa Vi. Cuộc chiến của Châu Âu với sự bành trướng công nghệ của Trung Quốc mới chỉ bắt đầu.

5G made in China đe dọa thế giới ?

Trong bài viết dài về vụ Hoa Vi, Le Figaro cho biết : "Hồi tháng 7 vừa qua, tại Nova Scotia, một tỉnh của Canada, lãnh đạo tình báo của nhóm "5 Eyes" gồm Mỹ, Anh, Úc , New Zealand và Canada đã bí mật gặp nhau để báo động. Đã đến lúc nghiêm trọng. Mạng G5 ra mắt 2019 có nguy cơ giúp Trung Quốc có được khả năng thao túng cuộc cách mạng công nghệ sắp tới. Hoa Vi đã đi đầu trong công nghệ mới này. Đó là công nghệ làm cột sống kinh tế tương lai. Xe hơi không người lái, đồ dùng kết nối, trí thông minh nhân tạo : Trong tương lai tất cả đều phải dựa vào mạng truyền tải dữ liệu tin tốc độ cao đó". Le Figaro dẫn nhận định của chuyên gia nhân khẳng định cái được mất trong cuộc cạnh tranh Mỹ -Trung đó chính là kiểm soát tương lai.

Để bổ sung thêm cho chủ đề chính là mối đe dọa của Hoa Vi. Le Figaro có một bài viết khác mang tiêu đề : "Mạng 5G, vũ khí quyết định để thắng trận chiến tương lai".

Tác giả bài viết khẳng định mạng 5G là một trong những chìa khóa của cuộc chiến trong tương lai. Rất nhiều ứng dụng công nghệ hiện đại phải cần đến mạng 5G. Đó sẽ là một cuộc cách mạng thực sự trong lĩnh vực dân sự cũng như quân sự. Với tốc độ đường truyền nhanh gấp 20 lần 4G (tới 10 gigabits /giây), 5G cho phép truyền tải một lượng khổng lồ dữ liệu, một yếu tố chủ chốt trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo.

Pháp chuẩn bị ứng phó với Brexit không thỏa thuận

Chuyển qua nhật báo Libération. Chiếm trang nhất của tờ báo là chủ đề Brexit. Libération phác họa một cách chắc chắn viễn ảnh nước Anh rời Châu Âu không thỏa thuận vào ngày 29/03 tới đây.

Mối quan tâm của tờ báo là "Nước Pháp chuẩn bị thế nào" cho kịch bản xấu này ? Tờ báo nhắc lại : "ngày 17 tháng Giêng, thủ tướng Edouard Philippe đã ấn nút đỏ. 48 giờ sau khi Quốc hội Anh bác bỏ thỏa thuận của chính phủ Anh với Bruxelles về Brexit, chính phủ Pháp đã khởi động kế hoạch đối phó với kịch bản nước Anh ra đi không thỏa thuận".

Libération cho biết, Paris đã chuẩn bị 200 biện pháp ưu tiên từ mùa xuân 2018. Đó là các biện pháp liên quan đến các điểm kiểm tra biên giới, quyền của kiều dân Anh tại Pháp, giao thông vận tải, các hoạt động tài chính cho đến việc làm sao tiếp tục chuyển giao thiết bị quốc phòng giữa hai nước. Mục tiêu là bảo đảm trong từng lĩnh vực vẫn duy trì được tính liên tục tối thiểu bất chấp Brexit.

Libération ghi nhận "Nhiều nhà bình luận, các giới chức có tranh nhiệm ở 2 bên bờ biển Manche đồng thanh nói tới một tai họa. Người ta có thể dự đoán 1000 tình huống rắc rối ở biên giới, vô số các rầy rà trong thủ tục hành chính, sự xáo trộn trong một số lĩnh vực như nghề đánh bắt cá, giá cả một số sản phẩm tiêu dùng liên quan đến tái lập thuế quan đảo lộn, kinh tế bị chậm lại do các doanh nghiệp từ một tháng nay trong tình trạng bất ổn…" Cuối cùng Xã luận Libération nhận xét : Tất cả những chuyện đó thật phi lý, nhưng về lâu dài Vương Quốc Anh cũng như những nước khác bên ngoài vẫn phải làm ăn buôn bán với Châu Âu.

Libération cho biết thêm có 3 lĩnh vực quan trọng sẽ bị tác động nhiều bởi Brexit. Đó là lĩnh vực chế biến nông phẩm. Các nhà xuất khẩu Pháp lo sợ họ sẽ phải đón bão. So với các lĩnh vực kinh tế khác thì đây là ngành sẽ bị mất mát nhiều nhất trong viễn cảnh Brexit không thỏa thuận. Pháp đứng sau Hà Lan, là nhà cung cấp đứng thứ 2 cho Anh Quốc các mặt hàng nông phẩm với trị giá 5 ,9 tỷ euro/năm.

Ngành thứ 2 phải hứng chịu nhiều tổn thất bởi Brexit là hàng không. Airbus đã phải chuẩn bị rút bỏ bớt các dự án hoạt động tại Anh từ đầu năm nay. Ngành thứ 3 là du lịch. Đây là ngành kinh tế mà từ vài năm gần đây Pháp chiếm đầu bảng. Nhưng Brexit không thỏa thuận có thể hãm lại tốc độ phát triển nhưng chắc chắn chính phủ Pháp sẽ phải có các quyết định về visa để tạo điều kiện cho khách Anh vẫn qua Pháp du lịch dễ dàng.

Mỹ : Tư pháp soi lại lễ nhậm chức của tổng thống Donald Trump

Trở lại với nhật báo Le Figaro, tờ báo có bài đáng chú ý "Lễ nhậm chức tổng thống của Donald Trump bị tư pháp liên bang soi".

Tờ báo cho hay, thứ Hai đầu tuần này, Ủy ban tổ chức lễ nhậm chức tổng thống Mỹ ngày 20 tháng Giêng năm 2017 đã nhận được trát của chưởng lý Manhattan yêu cầu nộp lại tất cả các tài liệu về những khoản tiền tài trợ, chi tiêu và các hợp đồng và cả các giấy mời liên quan đến sự kiện trên. Các nhà điều tra liên bang dường như trước đó đã cố gắng làm sáng tỏ về nguồn gốc một số nguồn tiền, tính hợp pháp về một số khoản chi tiêu và sự có mặt khá bất thường trong buổi lễ của khoảng một chục nhà tài phiệt người Ukraina, thân cận với Nga.

Theo Le Figaro, do ông Trump giành chiến thắng khá bất ngờ trong cuộc bầu cử tổng thống hôm 8/11/2016, ủy ban tổ chức lễ nhậm chức được thành lập vội vàng. Nhưng chỉ trong 72 ngày bộ phận này quyên góp được 107 triệu đô la, một khoản tiền kỷ lục cho buổi lễ nhậm chức của tổng thống Trump. Trong số các nhà hảo tâm có nhiều tỷ phú chi ra tới cả triệu đô la. Điều các nhà điều tra quan tâm là những đối tượng sẵn sàng bỏ khoản tiền lớn chi cho lễ nhậm chức tổng thống của ông Trump, những người có những mối quan hệ làm ăn với người thân cận của ông Donald Trump cần phải làm rõ.

Theo Le Figaro, cuộc điều tra về ban tổ chức lễ nhậm chức tổng thống của ông Trump được bắt đầu từ mùa xuân năm trước, khi FBI phát hiện trong số các đoạn ghi âm nói chuyện điện thoại có một cuộc hội thoại giữa Michael Cohen, luật sư riêng của ông Trump, với Stephanie Winston Wolkoff về chi tiêu cho buổi lễ nhậm chức 20 tháng Giêng 2018.

Bà Winston, bạn thân của đệ nhất phu nhân Melania Trump có công ty WIS Media Partner và trở thành nhà cung cấp dịch vụ số 1 cho lễ nhậm chức. Bà đã thu về 25,8 triệu đô la cho các dịch vụ khác nhau, trong đó đút túi 1,6 triệu, phần còn lại chia cho các tầu phụ. Bà này đã bị cách chức cố vấn của đệ nhất phu nhân sau khi thông tin trên bị phát giác.

Vẫn theo Le Figaro, ban tổ chức đã chi 77 triệu đô la cho các cuộc hội họp, nghi lễ hội hè và trong đó có cả 10 nghìn đô la tiền "trang điểm". Các khoản chi tiêu đó không có gì đáng trách cả nhưng nhận tiền của người nước ngoài cho các công việc quốc gia là bị cấm ở Mỹ. Các nhà điều tra đang tìm hiểu tại sao lại có khá đông người Ukraina có mặt trong lễ nhậm chức và các bữa tiệc sau đó. Báo New York Times phát giác là những nhân vật đó đều có quan hệ và được cho là thân Moskva.

Anh Vũ

Quay lại trang chủ
Read 505 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)