Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Nhà Trắng đã đổi chủ, Hoa Vi vẫn chưa hết vận hạn. Là tủ kính công nghệ của Trung Quốc, tập đoàn viễn thông này là biểu tượng của cuộc đọ sức Mỹ-Trung về công nghệ cao. Trên mặt trận công nghệ viễn thông, Washington không chấp nhận để cho một đối thủ chiến lược là Bắc Kinh vươn lên ngang hàng.

hoavi1

Trước một cửa hàng Hoa Vi, Bắc Kinh, ngày 12/04/2021. AP - Ng Han Guan

Sau bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11/2021, Donald Trump thất cử, sáng lập viên Hoa Vi, ông Nhậm Chính Phi, kỳ vọng mở lại "đối thoại mang tính xây dựng" với các đối tác Hoa Kỳ. Nhưng lập tức bà Gina Raimondo, người được tổng thống Joe Biden đề cử làm bộ trưởng Thương Mại, tháng 2/2021, đã dội một gáo nước lạnh khi tuyên bố bà "hiểu rằng một số công ty Trung Quốc bị đưa vào danh sách những thực thể có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia của Hoa Kỳ, đe dọa quyền lợi của nước Mỹ". Đồng thời, trước mắt bà Raimondo "không có lý do gì" để chứng minh cho điều ngược lại.

Thống lĩnh thế giới trong thời gian ngắn kỷ lục

Câu hỏi đầu tiên là phải chăng hai đời tổng thống Hoa Kỳ liên tiếp cùng chĩa mũi dùi vào Hoa Vi do tập đoàn Trung Quốc này đang dẫn đầu công nghệ mạng di động ? Trong chưa đầy 30 năm từ khi được thành lập, Hoa Vi đã qua mặt các đối thủ truyền thống như Nokia và Ericsson của Châu Âu. Trước đây, với công nghệ 4G, Hoa Vi đã khẳng định vị trí của mình. Thế rồi hãng này trở thành tập đoàn số 1 trên thế giới trong lĩnh vực trang thiết bị viễn thông. Cần chú ý là Trung Quốc đã làm chủ được công nghệ và thậm chí đang dẫn đầu thế giới trong một thời gian rất ngắn.

Điều ngạc nhiên là phải đợi đến gần đây, từ khoảng năm 2018-2019 thì Hoa Vi mới được thế giới nhắc đến nhiều, cho dù từ đầu những năm 2000 giới trong ngành đã trông thấy những tiến bộ vượt trội của tập đoàn Trung Quốc và mọi người đã thấy trước là Hoa Vi sẽ dẫn đầu trong công nghệ 5G.

Mỹ tăng thêm hỏa lực

Mỹ cũng như Châu Âu hoàn toàn không ngờ rằng mạng 5G chiếm một vị trí quan trọng tới mức độ nào đối với ngành viễn thông và mạng di động. Cũng không ai dự báo trước là Hoa Vi đã len lỏi vào các thị trường của phương Tây sâu như vậy. Tuy nhiên, tại Mỹ, Hoa Vi thường gặp nhiều trở ngại, bởi vì Washington luôn viện cớ luật an ninh quốc gia ra để cản đường tập đoàn Trung Quốc này.

Trong một bài tham luận trên báo Le Monde, Jean- François Dufour, giám đốc cơ quan tư vấn DCA Chine Analyse, giải thích Hoa Vi tiếp tục là mục tiêu chính quyền Biden nhắm tới, do chủ đích của Hoa Kỳ là chiến lược "kềm tỏa Trung Quốc về mặt công nghệ mới". Chiến lược này đã được hình thành từ trước khi Donald Trump bước chân vào Nhà Trắng. Vẫn theo ông Dufour, "hồi thứ nhất" trong cuộc đọ sức với Trung Quốc về công nghệ đã nhen nhúm từ năm 2008 khi chính quyền Washington ngăn cản Hoa Vi mua lại một công ty của Mỹ. Đến năm 2015 khi Bắc Kinh không còn che giấu tham vọng và công bố kế hoạch tự chủ về công nghệ "Made in China 2025", thì Washington đã tăng thêm hỏa lực.

Nắm bắt được nhược điểm của Hoa Vi nói riêng, của Trung Quốc nói chung là sự lệ thuộc vào chip điện tử và linh kiện bán dẫn của nước ngoài, Washington đã hạn chế rồi cấm hẳn các hãng Mỹ, như Qualcomm, Intel… cung cấp hàng cho các đối tác Trung Quốc, cấm luôn Hoa Vi sử dụng một số những dịch vụ phần mềm hay ứng dụng của Mỹ.

Bên cạnh các biện pháp thuần túy về kinh tế đó, Hoa Kỳ còn sử dụng một vũ khí lợi hại khác khi xếp Hoa Vi vào danh sách "các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia". Trả lời đài truyền hình France 24, nhà báo Sébastien Dumoulin, phụ trách phần tin về công nghệ trên báo Les Echos, nhắc lại Hoa Vi tuy có nhiều hợp đồng giao dịch với các đối tác Mỹ, nhưng mỗi lần đại tập đoàn Trung Quốc này muốn mở rộng hoạt động tại Hoa Kỳ thì lại thất bại. Trên thực tế, Hoa Vi đã bị cấm cửa tại thị trường Mỹ từ năm 2012 : Hoa Kỳ không muốn sử dụng công nghệ của Trung Quốc.

Hình ảnh của tập đoàn trang thiết bị viễn thông này luôn bị gắn liền với một mối quan hệ mật thiết với Đảng cộng sản Trung Quốc, với quân đội Trung Quốc. Sébastien Dumoulin cho biết :

"Hoa Vi chưa bao giờ thuyết phục được các đối tác phương Tây là họ không có liên hệ gì với các giới chức chính trị Trung Quốc. Mỹ từ lâu nay vẫn ngăn cản Trung Quốc thâm nhập vào thị trường Hoa Kỳ. Giờ đây đến lượt Châu Âu, trong đó có cả Pháp. Lo lại càng lúc càng lớn về mối liên hệ giữa tập đoàn viễn thông Trung Quốc với Đảng cộng sản Trung Quốc".

Mỹ không cần có bằng chứng

Còn theo Jean-François Dufour, cơ quan tư vấn DCA Chine Analyse, chính quyền Mỹ tấn công Hoa Vi một cách có bài bản và trên nhiều mặt, kể cả mặt trận ngoại giao. Cho đến những ngày cuối nhiệm kỳ, ngoại trưởng Mike Pompeo vẫn thuyết phục Châu Âu loại Hoa Vi ra khỏi thị trường mạng di động 5G. Sébastien Dumoulin ghi nhận một điểm thú vị ở đây là Washington tấn công Hoa Vi, nhưng không cần đưa ra bằng chứng về liên hệ của tập đoàn viễn thông Trung Quốc này với guồng máy chính trị tại Bắc Kinh : 

"Tập đoàn Trung Quốc này bị tấn công tứ phía và với mức độ nghiêm trọng hơn bất kỳ một hãng nào với tầm cỡ tương đương như Hoa Vi. Rõ ràng là có một sự cố ý muốn tiêu diệt tập đoàn này. Nhưng bên cạnh đó thì ngay cả phía Mỹ đến giờ phút này cũng chỉ đưa ra những lời cáo buộc về mối liên hệ giữa Hoa Vi với quân đội và Đảng cộng sản Trung Quốc, nhưng Washington không công bố bất kỳ một bằng chứng vững chắc nào về cáo buộc đó. Với tư cách là phóng viên đặc trách về mảng công nghệ mới của báo Les Echos, tôi thường xuyên có dịp dự các cuộc họp báo do chính phủ Mỹ tổ chức. Chính quyền Washington luôn giải thích vì sao cần giữ khoảng cách với Hoa Vi, hay vì sao phải loại tập đoàn Trung Quốc này khỏi các nhà thầu xây dựng mạng 5G… Nhưng bản thân các quan chức Mỹ cũng nhìn nhận rằng họ không có bằng chứng về nghi ngờ Hoa Vi bị guồng máy chính trị và quân đội Trung Quốc thao túng. Phía Mỹ chỉ nói một cách chung chung rằng việc nêu lên nghi vấn về mối liên hệ đó cũng đủ để loại Hoa Vi ra khỏi các dự án của phương Tây". 

Đương nhiên, công ty do ông Nhậm Chính Phi lập ra năm 1987 đã không thụ động trước những đòn trừng phạt tới tấp của Mỹ. Với một đội ngũ hơn 100.000 nhân viên về nghiên cứu và phát triển R&D, Hoa Vi tự thiết kế và sản xuất chip điện tử, thí dụ như nhờ vào chi nhánh Hisilicon. Giám đốc DCA Chine Analyse, Jean-François Dufour, cho rằng, "chiến lược ngăn chận ảnh hưởng của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ cao không đánh gục được gã khổng lồ Châu Á, nhưng đã gây khó khăn không ít cho Hoa Vi nói riêng, và cho công nghệ cao của Trung Quốc nói chung".

Một số nhà phân tích khác trong ngành còn đi xa hơn khi cho rằng Mỹ không muốn bị Trung Quốc bắt kịp về công nghệ cao và bằng mọi giá phải ngăn cản quốc gia Châu Á này tiếp cận được những công nghệ mới. Trong trường hợp chiến lược này thành công, tức là Trung Quốc thực sự bị cô lập để phải tự tìm ra những giải pháp kỹ thuật cho riêng mình, thì "một thế giới lưỡng cực khác sẽ được hình thành".

Về điểm này, nhà báo Dumoulin của tờ Les Echos cho rằng chiến tranh công nghệ hiện nay giữa hai siêu cường kinh tế của thế giới còn là một cuộc chiến về mặt ý thức hệ :

"Câu hỏi thực sự đặt ra ở đây là liệu rằng Âu - Mỹ có muốn để cho một tập đoàn nước ngoài can thiệp vào hệ thống viễn thông mang tính sống còn trong tương lai của chính mình hay không. Bản thân tập đoàn đó lại gắn liền với một quốc gia và một hệ thống chính trị hoàn toàn khác biệt với mô hình của Âu, Mỹ. Trong trường hợp này, đằng sau Hoa Vi là Trung Quốc, mà Bắc Kinh lại hoàn toàn tin tưởng rằng hệ thống của Trung Quốc tốt hơn, hiệu quả hơn so với của phương Tây. Bản thân Trung Quốc đã lao vào một cuộc đọ sức về mặt ý thức hệ với các nền dân chủ phương Tây".

Còn quá sớm để biết Mỹ có thành công hay không trong việc lôi kéo các đồng minh dân chủ về phía mình để cô lập Bắc Kinh qua một biểu tượng lớn là tập đoàn viễn thông Hoa Vi, nhưng vẫn theo Sébastien Dumoulin, trước mắt Washington đã ghi được một số bàn thắng :

"Mỹ đã thành công trên hai điểm. Một là thuyết phục được một số đồng minh loại trừ hoặc giới hạn khả năng can thiệp của Hoa Vi vào mạng 5G. Số quốc gia ngả về phía Hoa Kỳ càng lúc càng đông. Anh, Úc hay Nhật Bản đã loại hẳn Hoa Vi ra khỏi kế hoạch xây dựng mạng 5G. Pháp thì đã hạn chế đáng kể khả năng để tập đoàn Trung Quốc tham gia vào tiến trình xây dựng mạng di động thế hệ mới. Thành công thứ hai của Hoa Kỳ là đã làm suy yếu đáng kể con chim đầu đàn trong ngành viễn thông của Trung Quốc : Mỹ đánh thẳng vào hai tử huyệt của Hoa Vi, đó là chip và linh kiện điện tử. Không có hai thứ này, Hoa Vi gần như không thể cung cấp trang thiết bị viễn thông cho khách hàng".

Trong bảng tổng kết hoạt động của quý 2/2021, các sản phẩm của Hoa Vi kém sức hấp dẫn ngay cả trên thị trường điện thoại di động Trung Quốc. Trước đó, doanh thu của tập đoàn này trong quý 1/2021 giảm 16,5 % so với cùng kỳ năm 2020. Hai lý do giải thích cho sự tuột dốc này, một là sự tụt lùi của điện thoại cầm tay của Hoa Vi trên thị trường nội địa và hai là dư âm từ các biện pháp trừng phạt dưới thời Donald Trump.

Thanh Hà

Nguồn : RFI, 17/08/2021

Published in Diễn đàn

Tư pháp Canada mở lại vụ xét thủ tục dẫn độ giám đốc tài chính Hoa Vi sang Mỹ

RFI, 28/09/2020

Ngày 28/09/2020, Tư Pháp Canada mở lại phiên xét xử thủ tục dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu (Meng Wanzhou), giám đốc tài chính tập đoàn Hoa Vi (Huawei), sang Hoa Kỳ theo yêu cầu của Tư Pháp Mỹ.

tuphap1

Bà Mạnh Vãn Châu (Meng Wanzhou), giám đốc tài chính Hoa Vi, rời khỏi trụ sở Tòa Án Tối Cao, Vancouver, Canada, ngày 27/05/2020.  AP - JONATHAN HAYWARD

Theo AFP, trong phiên xử dự kiến kéo dài một tuần này, các luật sư của bà Mạnh Vãn Châu sẽ phải chứng minh là tư pháp Mỹ đã nói dối Canada về các tội mà giám đốc tài chính của tập đoàn Hoa Vi bị cáo buộc, cụ thể là những cáo buộc của Mỹ là "sai" và "thiếu yếu tố bối cảnh". Vì vậy, họ sẽ yêu cầu dừng ngay tiến trình xét xử về thủ tục dẫn độ.

Ngoài ra, đội ngũ luật sư của bà Mạnh Vãn Châu có thể sẽ chứng minh rằng chính quyền Canada và Mỹ đã câu kết với nhau để tập hợp bằng chứng và thẩm vấn thân chủ của họ trong vòng nhiều giờ khi trung chuyển ở sân bay Vancoucer mà không có luật sư. Bà Mạnh Vãn Châu bị bắt giam từ ngày 01/12/2018 tại Vancouver (Canada), theo yêu cầu của tư pháp Mỹ với cáo buộc lách trừng phạt của Mỹ nhắm vào Iran.

TikTok vẫn được hoạt động tại Mỹ

Tương tự, TikTok, một hồ sơ căng thẳng Mỹ-Trung khác, vẫn chưa được định đoạt. Ngày 27/09, thẩm phán Carl Nicholas đã chặn lệnh của chính quyền tổng thống Mỹ loại ứng dụng này khỏi các kho ứng dụng, chỉ vài giờ trước khi quyết định có hiệu lực sau khi TikTok nộp đơn kháng cáo ngày 18/09. Như vậy, người sử dụng Mỹ vẫn có thể tải được ứng dụng, cũng như những cập nhật của TikTok.

Tuy nhiên, theo AFP, vị thẩm phán do tổng thống Mỹ Donald Trump bổ nhiệm, từ chối đình chỉ lệnh cấm hoàn toàn ứng dụng TikTok, dự kiến có hiệu lực từ ngày 12/11, vì lý do an ninh quốc gia.

Thu Hằng

***********************

Mỹ hạn chế bán công nghệ cho nhà sản xuất vi mạch lớn nhất Trung Quốc

RFI, 27/09/2020

Cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung lại sang một chặng mới. Nhật báo Mỹ The Wall Street Journal hôm qua 26/09/2020 cho biết Washington đã yêu cầu các doanh nghiệp Mỹ phải có giấy phép thì mới được cung cấp công nghệ bán dẫn cho Semiconductor Manufacturing International Corp. (Smic), tập đoàn sản xuất vi mạch lớn nhất của Trung Quốc.

congnghecao1

Một vi mạch điện tử.  Ảnh : Wikipedia

Bộ Thương mại Mỹ hôm qua thông báo cho các nhà sản xuất chip điện tử của Mỹ là họ phải xin giấy phép trước khi bán một số công nghệ cho nhà sản xuất thiết bị bán dẫn chính của Trung Quốc. Theo thông báo của bộ Thương Mại, các công nghệ bán dẫn mà các doanh nghiệp Mỹ xuất khẩu cho Smic hoặc các công ty con của tập đoàn này có thể được sử dụng cho các hoạt động quân sự của Trung Quốc.

The Wall Street Journal trích dẫn các nguồn thạo tin theo đó Washington đặc biệt nghi ngờ tập đoàn Smic hỗ trợ cho bộ Quốc Phòng Trung Quốc và chính quyền Donald Trump ngày càng lo ngại về việc Bắc Kinh dựa vào giới doanh nghiệp tư nhân để đạt được các mục tiêu quân sự. 

Smic không chỉ là tập đoàn sản xuất thiết bị bán dẫn lớn nhất của Trung Quốc, mà còn là một trong những doanh nghiệp trọng yếu mà Bắc Kinh dựa vào để thực hiện tham vọng tự chủ về công nghệ bán dẫn. Bắc Kinh đang tìm cách đưa Trung Quốc thoát khỏi sự lệ thuộc vào các nhà sản xuất chip điện tử của nước ngoài, nhất là các doanh nghiệp Mỹ, nhà cung cấp lớn nhất cho Trung Quốc trong lĩnh vực này. Bộ Thương mại Mỹ từ hồi tháng 05/2020 đã có ý định ngăn cản các doanh nghiệp sản xuất thiết bị bán dẫn nước ngoài mua công nghệ của Mỹ.

Thông báo của bộ Thương mại Mỹ liên quan đến Smic được đưa ra trong bối cảnh việc tải ứng dụng chia xẻ video TikTok của tập đoàn Trung Quốc ByteDance, vốn bị cáo buộc làm gián điệp cho Bắc Kinh, trên nguyên tắc sẽ bị cấm sử dụng kể từ tối nay 27/09.

Thùy Dương

Published in Quốc tế

Trung Quốc dọa trả đũa Đức nếu Berlin loại Hoa Vi khỏi mạng 5G (RFI, 15/12/2019)

Hàng triệu xe hơi của Đức bán tại Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng. Đại sứ Trung Quốc tại Berlin, ngày 14/12/2019 có lời dọa dẫm như trên nếu như chính quyền Berlin gạt tập đoàn Hoa Vi ra khỏi chương trình phát triển mạng 5G tại Đức.

chet1

Tập đoàn khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei đã công bố số liệu rất tốt trong chín tháng đầu năm 2019. Reuters / Aly Song

Trả lời tờ báo Đức Handelsblatt, ông Ngô Khẩn (Wu Ken) cảnh báo : "Nếu Đức quyết định gạt Hoa Vi ra khỏi thị trường Đức, thì sẽ có những hậu quả. Chính phủ Trung Quốc sẽ không khoanh tay đứng nhìn".

Đại sứ Trung Quốc khẳng định Hoa Vi không có nghĩa vụ pháp lý cung cấp dữ liệu cho chính phủ Trung Quốc. Nhưng đại sứ Trung Quốc cũng không quên nhắc nhở là xe ô tô của Đức hiện đang chiếm đến ¼ thị trường xe hơi tại Trung Quốc với số xe bán ra trong năm 2018 là 28 triệu chiếc.

Ông nói : "Liệu chúng tôi có được nói là xe ô tô Đức không an toàn bởi vì chúng tôi đã có thể tự sản xuất xe cho chính mình hay không ? Không. Đó chẳng qua chỉ là một sự bảo hộ mậu dịch thuần túy !"

Theo Bloomberg, Trung Quốc có lời dọa dẫm như trên trong bối cảnh chính phủ liên minh cầm quyền của thủ tướng Angela Merkel đang tranh luận về dự luật, áp đặt lệnh cấm đối với các nhà cung cấp mạng 5G "không đáng tin cậy".

Bản thân thủ tướng Đức đang chịu nhiều sức ép, một mặt, từ phía các nghị sĩ trong chính phủ liên minh, vốn dĩ ngày càng lo ngại Hoa Vi và mặt khác là từ phía Hoa Kỳ. Tổng thống Donald Trump thời gian gần đây thúc ép các nước đồng minh gạt tập đoàn viễn thông lớn nhất của Trung Quốc ra khỏi các dự án phát triển mạng 5G.

Các linh kiện viễn thông của Hoa Vi bị nhiều nước nghi ngờ là những trang thiết bị dọ thám cho chính quyền Bắc Kinh, những cáo buộc mà Hoa Vi liên tục bác bỏ trong thời gian qua.

Minh Anh

********************

Trung Quốc đe dọa trả đũa nếu Đức cấm sử dụng thiết bị 5G của Hoa Vi (RFA, 15/12/2019)

Đại sứ Trung Quốc tại Đức hôm 14/12 lên tiếng đe dọa Bắc Kinh sẽ có biện pháp trả đũa nếu Đức cấm các thiết bị 5G của công ty Hoa vi.

chet2

Hình minh hoạ. Hình chụp hôm 11/6/2019 : Gian hàng của Hoa Vi tại một hội chợ ở Thượng Hải - AFP

Bloomberg trích lời Đại sứ Trung Quốc Wu Ken tại một sự kiện ở Handelsblatt nói rằng : "Nếu Đức quyết định loại bỏ thiết bị của Hoa Vi khỏi thị trường Đức thì sẽ có những hậu quả… Chính phủ Trung Quốc sẽ không đứng yên mà nhìn".

Lời phát biểu của Đại sứ Trung Quốc đưa ra vào khi đang có những phản đối Hoa Vi gia tăng ngay trong các dân biểu thuộc liên minh cầm quyền của Thủ tướng Angela Merkel. Những dân biểu Đức đã đưa ra một dự luật nhằm cấm các nhà cung cấp thiết bị 5G không đáng tin cậy.

Dự luật không nói trực tiếp tên Hoa Vi nhưng được cho là nhắm vào công ty này.

Công ty Hoa Vi trong thời gian qua bị nhiều cáo buộc trên thế giới, đặc biệt là từ phía Mỹ, liên quan đến các hoạt động gián điệp.

Hồi đầu năm nay, Hoa Kỳ đã nêu quan ngại về việc các công ty Trung Quốc được sử dụng như gián điệp cho chính phủ Trung Quốc.

Chính phủ Mỹ thậm chí đã tìm cách thuyết phục các đồng minh loại Hoa Vi ra khỏi danh sách cung cấp thiết bị 5G.

Published in Quốc tế

Việt Nam cũng "ngán" Hoa Vi (RFI, 26/08/2019)

Việt Nam đang muốn trở thành quốc gia đầu tiên ở Châu Á triển khai mạng 5G, nhưng không muốn sử dụng công nghệ điện thoại di động của tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi, theo hãng tin Bloomberg ngày 26/08/2019.

viettel1

Gian hàng Hoa Vi tại Triển lãm điện thoại di động Bangkok, 31/05/2019. Reuters

Viettel, tập đoàn viễn thông của bộ Quốc Phòng Việt Nam sẽ triển khai thiết bị của Ericsson AB ở Hà Nội và công nghệ của Nokia Oyj tại Sài Gòn, theo lời lãnh đạo tập đoàn Lê Đăng Dũng. Viettel cũng sử dụng chip 5G của Qualcomm và một công ty khác của Mỹ.

Trả lời Bloomberg News tại trụ sở của tập đoàn tại Hà Nội, ông Lê Đăng Dũng nói : "Chúng tôi sẽ không làm việc với Hoa Vi ngay bây giờ, vì đây là điều rất nhạy cảm. Có những thông tin rằng sử dụng thiết bị Hoa Vi không an toàn, cho nên lập trường của Viettel là nên sử dụng những thiết bị an toàn hơn. Cho nên chúng tôi đã chọn Nokia và Ericsson từ Châu Âu".

Viettel là công ty viễn thông lớn nhất Việt Nam, hiện có đến 60 triệu khách hàng trên tổng số 96 triệu dân. Nhưng theo Bloomberg, các công ty nhỏ hơn có vẻ cũng ngán ngại Hoa Vi. Mobifone đang sử dụng điện thoại Samsung, còn Vinaphone thì đang cùng với đối tác Nokia triển khai mạng 5G.

Như vậy là Việt Nam đang âm thầm ngã theo chính quyền Trump, hiện đã cấm Hoa Vi mua các công nghệ của Mỹ, do quan ngại về an ninh quốc gia. Quyết định của Việt Nam tẩy chay Hoa Vi khiến nước này trở thành ngoại lệ tại Đông Nam Á, nơi mà các quốc gia khác như Philippines, Thái Lan và Malaysia sẳn sàng triển khai công nghệ của Hoa Vi.

Ông Lê Đăng Dũng nhấn mạnh với Bloomberg rằng quyết định của Viettel không xài điện thoại Hoa Vi là vì lý do công nghệ, chứ không phải là do những yếu tố địa chính trị, không phải là do lệnh cấm của Mỹ đối với Hoa Vi.

Nhưng Bloomberg lưu ý rằng trong quá khứ, chính phủ Việt Nam vẫn nghi ngại các công nghệ từ Trung Quốc. Hà Nội đã bắt đầu xét lại việc sử dụng các công nghệ của Trung Quốc vào năm 2016 sau các vụ tấn công tin học vào hai sân bay Hà Nội và Sài Gòn, mà theo Việt Nam là do một nhóm tin tặc từ Trung Quốc tiến hành.

Tranh chấp chủ quyền biển đảo kéo dài từ nhiều năm qua khiến lòng tin của người Việt Nam đối với Trung Quốc đã suy giảm nhiều. Theo một cuộc thăm dò dư luận của viện Pew thực hiện vào năm 2017, chỉ 10% người dân Việt Nam có cái nhìn thiện cảm về Trung Quốc.

Bloomberg trích lời ông Lê Hồng Hiệp, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore : "Việt Nam không thể tin tưởng Trung Quốc. Họ không thể để những cơ sở hạ tầng thiết yếu của họ gặp nguy cơ lớn chỉ vì công nghệ Hoa Vi rẻ hơn những công ty khác".

Nikhil Batra, một nhà phân tích tại công ty IDC, cho rằng việc loại trừ Hoa Vi khiến cho các phương án về giá và về công nghệ của Viettel bị hạn chế. Theo ông Batra, Hoa Vi đã tiến rất xa trong lĩnh vực 5G so với các đối thủ, nhưng họ đang phải đối đầu với những luồng gió ngược do vấn đề an ninh.

Do các hệ thống điện thoại di động ngày càng có liên hệ chặt chẽ với an ninh quốc gia và an ninh kinh tế của một nước, cho nên chính phủ nào cũng phải xem xét kỹ lưỡng công nghệ được sử dụng. Nhưng theo giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam thuộc Đại học New South Wales, Úc, được Bloomberg trích dẫn, Việt Nam còn có một lý do khác để "né" Hoa Vi : Sử dụng thiết bị của Hoa Vi sẽ khiến Hoa Kỳ ngần ngại chia sẽ một số tin tình báo cho Việt Nam. Giáo sư Thayer nhắc lại rằng Mỹ đang gây áp lực để mọi quốc gia không sử dụng công nghệ của Hoa Vi.

Thanh Phương

*****************

Việt Nam không dùng công nghệ Huawei để phát triển mạng 5G (RFA, 26/08/2018)

Việt Nam dự định trở thành quốc gia ASEAN đầu tiên cung cấp mạng 5G mà không dùng kỹ thuật của Tập đoàn Trung Quốc Huawei. Bloomberg đưa tin hôm 26/8.

viettel2

Ảnh minh họa. AFP

Bloomberg dẫn lời ông Lê Đăng Dũng, Giám đốc điều hành Viettel cho biết Viettel, nhà cung cấp dịch vụ di động lớn nhất Việt Nam thuộc sở hữu của Bộ Quốc phòng, sẽ triển khai thiết bị Ericsson AB, tại Hà Nội và công nghệ Nokia Oyj, tại Thành phố Hồ Chí Minh. Viettel cũng sẽ sử dụng bộ chip của Qualcomm và một công ty khác của Mỹ.

Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg từ Hà Nội, ông Dũng cho biết thêm, hiện nay Viettel sẽ không làm việc với Huawei vì đã có những thông tin cho rằng công ty này không an toàn về an ninh quốc gia, và Huawei hiện cũng đang gặp khó khăn ở Việt Nam do các công ty mạng khác cũng "tránh xa".

Theo báo chí trong nước, hiện nay các công ty mạng ở Việt Nam cũng không hợp tác với Huawei, chẳng hạn như mạng MobiFone đang sử dụng thiết bị của Samsung Electronics Co. ; Công ty Dịch vụ Viễn thông Việt Nam, hay còn được biết đến với tên Vinaphone, đã hợp tác với Nokia để triển khai mạng 5G.

Bloomberg cho rằng quyết định của Việt Nam tránh xa Huawei có vẻ như là một ngoại lệ ở Đông Nam Á, nơi các quốc gia khác như Philippines, Thái Lan và Malaysia đang mở ngỏ khả năng triển khai công nghệ Huawei.

Bloomberg cũng nhận định rằng dường như Việt Nam đang lặng lẽ đi theo chính quyền của Tổng thống Trump vốn đã cấm Huawei mua thiết bị của Mỹ vì lý do an ninh quốc gia.

Trong khi đó ông Lê Đăng Dũng lại cho rằng Việt Nam quyết định không sử dụng Huawei cho mạng 5G của Viettel là vấn đề kỹ thuật công nghệ chứ không liên quan đến địa chính trị. Mạng báo này trích lời ông Dũng nói rằng : "Chúng tôi quyết định không sử dụng Huawei, không phải vì lệnh cấm của Hoa Kỳ đối với Huawei, mà chúng tôi tự ra quyết định của mình".

Giáo sư Carl Thayer, thuộc Đại học New South Wales ở Úc lên tiếng cho rằng Việt Nam có một lý do khác để tránh công nghệ Huawei do mong muốn tăng cường quan hệ an ninh và kinh tế với Hoa Kỳ, bởi việc triển khai cơ sở hạ tầng Huawei 5G có thể khiến Mỹ miễn cưỡng chia sẻ một số thông tin tình báo với Việt Nam.

Năm 2016, khi các cuộc tấn công mạng xảy ra tại hai sân bay lớn ở Việt Nam là Tân Sơn Nhất và Nội Bài, chính phủ Việt Nam lúc đó đổ lỗi cho một nhóm tin tặc từ Trung Quốc và tuyên bố sẽ xem xét việc sử dụng công nghệ Trung Quốc.

*******************

Việt Nam tăng nhập hàng từ Trung Quốc (RFA, 26/08/2019)

Chỉ trong 7 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập khẩu 42,5 tỷ đô la Mỹ hàng hóa Trung Quốc, tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm ngoái.

viettel3

Ảnh minh họa. Lượng hàng hóa nhập từ Trung Quốc trong một bến cảng Việt Nam - RFA

Tổng cục Hải quan thống kê như vừa nêu. Theo đó những mặt hàng được nhập nhiều nhất từ Bắc Kinh sang Hà Nội gồm máy móc, thiết bị, phụ tùng tăng 49% so với cùng kỳ năm 2018 ; sản phẩm máy vi tính, điện tử, linh kiện tăng 66% ; và phụ liệu dệt may, da giày tăng 11%.

Trung Quốc tiếp tục trở thành thị trưởng lớn nhất cung cấp sắt thép các loại vào Việt Nam với gần 3,5 triệu tấn, trị giá 2,2 tỷ đô la, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự với hóa chất và các sản phẩm hóa chất Trung Quốc, Việt Nam nhập trên 1,8 tỷ đô la, tăng 8,1% trong cùng kỳ năm 2018.

Theo báo cáo của Công ty chứng khoán KB đưa ra gần đây, nguyên nhân Việt Nam tăng nhập hàng hóa Trung Quốc là do đồng Nhân dân tệ của Bắc Kinh bị giảm giá so với tiền Việt Nam và do ảnh hưởng của thương chiến Mỹ - Trung.

Vẫn theo số liệu Cục Hải quan, tính đến hết tháng 7, lượng xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ đạt 33 tỷ đô la Mỹ, tăng hơn 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều chuyên gia lo ngại có thể nhiều hàng hóa Trung Quốc được nhập vào Việt Nam để "rửa xuất xứ rồi tái xuất qua Mỹ để né thuế".

Trong khi đó, chính phủ Hà Nội gần đây cho biết sẽ kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm khắc các hành vi gian lận thương mại, hàng nước ngoài lấy mác hàng Việt xuất sang thị trường khác.

Published in Việt Nam

Huawei : thử nhìn ngược lại Luật an ninh mạng Việt Nam

An Viên, VNTB, 26/05/2019

Chiếc bánh Trung Quốc từng bị xâu xé bởi các cường quốc vào thế kỷ XIX, nay lại tái lặp vào thế kỷ XXI qua cuộc chiến tranh thương mại. Và Việt Nam sẽ sớm cũng phải trả giá trong tương lai, nếu tiếp tục nương theo hoặc theo đuổi cách ứng xử giống như Trung Quốc đã làm trong thời gian qua, trong đó có cả thi hành Luật an ninh mạng.

anninh1

Huawei tiếp tục hứng chịu những tác dụng phụ của lệnh cấm từ Mỹ, khi mới đây nhất, doanh nghiệp này tiếp tục bị gạch tên ra khỏi Android Enterprise (danh sách thiết bị bảo mật cho doanh nghiệp).

Huawei - một tập đoàn tư nhân, nhưng là sân sau của đế chế công nghiệp quốc phòng Trung Quốc. Sự kết hợp giữa "quân sự - dân sự" được coi là chiến lược cấp quốc gia của Tập Cận Bình nhằm hiện đại hóa quân đội theo hướng tinh gọn, tiến tới hoàn thành "cơ bản việc hiện đại hóa quân đội vào năm 2035" như tuyên bố của Tập Cận Bình tại Đại hội XIX của Đảng cộng sản Trung Quốc.

Huawei bị "đánh" toàn diện trên các mặt trận, gián tiếp tác động đến chiến lược của nhà lãnh đạo họ Tập.

Trong cuộc chiến lần này, theo một báo cáo mới nhất từ Reuters, 3/4 trong tổng số 250 doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc dự định sẽ rời nước này để chuyển hướng hoạt động sang Mexico và các nước Đông Nam Á, trong số đó có không ít doanh nghiệp công nghệ.

Mặc dù, trong một tweeter trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng Trung Quốc đang chết dần vì bị đánh thuế và các doanh nghiệp sẽ rời sản xuất sang Việt Nam và các quốc gia Châu Á khác. Nhưng Việt Nam vẫn là một trong số nhiều lựa chọn được đặt ra, không phải là duy nhất.

Việt Nam có thể hưởng lợi từ cuộc chiến, tuy nhiên, nếu cơ chế của Việt Nam đủ để hấp dẫn các doanh nghiệp Mỹ.

Một trong những đối tác lắp ráp sản phẩm lớn của Apple, Pegatron sẽ dời dây chuyền sản xuất sang Indonesia, thay vì Việt Nam. Câu chuyện nhân công, hạ tầng cơ sở được cho là trở ngại lớn trong việc lựa chọn Việt Nam của các doanh nghiệp sản xuất - công nghệ. Tuy nhiên, nếu thuần về công nghệ, thì trở ngại lớn nhất lại đến từ… Luật an ninh mạng.

Không phải ngẫu nhiên, các doanh nghiệp công nghệ lớn bao gồm Google, Facebook và Twitter đã bày tỏ mối quan ngại lớn sau khi chính phủ Việt Nam thông qua một đạo luật hứa hẹn sẽ đưa ra những hạn chế chặt chẽ hơn đối với quyền tự do ngôn luận.

Các quy định về nội địa hóa dữ liệu, kiểm soát nội dung ảnh hưởng đến tự do ngôn luận và các yêu cầu đặt văn phòng nội địa đã được cho là cản trở tham vọng Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của quốc gia nhằm đạt được tăng trưởng GDP và công việc. Nói đúng hơn, những điều khoản mà nhiều chuyên gia đã chỉ ra trong thời điểm còn là dự luật an ninh mạng được cho là sẽ đưa đến những hạn chế nghiêm trọng đối với nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam, làm giảm môi trường đầu tư nước ngoài và làm tổn thương cơ hội cho các doanh nghiệp địa phương và các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển trong và ngoài Việt Nam.

Giới "tinh hoa Việt Nam" đã bỏ ngoài tai những lời cảnh báo, kể cả cảnh báo của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, khi bày tỏ luật này sẽ gây tổn hại kinh tế vì không phù hợp với các cam kết thương mại quốc tế của Việt Nam và kìm hãm quyền con người.

Giới "tinh hoa Việt Nam" cũng bỏ qua cả lời cảnh báo của Hiệp hội truyền thông kỹ thuật số Việt Nam (VCDA) khi tổ chức này nhấn mạnh, Luật an ninh mạng sẽ làm giảm 1,7% tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam và xóa sạch 3,1% đầu tư nước ngoài nếu nó có hiệu lực.

Giới "tinh hoa Việt Nam" nhấn mạnh : bảo vệ chế độ, và chính giới tinh hoa Việt Nam dường như sai lầm khi nghĩ rằng, Mỹ sẽ giống như thời kỳ Obama, thời kỳ mà Trung Quốc đã loại bỏ Cisco, Apple, IBM ra khỏi doanh sách mua sắm chính phủ, cấm các phần mềm của Mỹ như Symantec, Windows XP, McAfee, Micron,…

"Trà Trung Quốc ngon hơn Trà Việt Nam", và Việt Nam đã tìm cách học hỏi cách pha trà của Trung Quốc, bằng cách bắt chước ra Luật an ninh mạng trong đó tìm cách ngăn chặn tiếng nói bất đồng chính kiến trên internet và "quản lý chặt" doanh nghiệp công nghệ.

Việt Nam đang phải trả giá vì điều này. Khi những doanh nghiệp công nghệ Mỹ đã không tìm đến Việt Nam trong cuộc di tản khỏi Trung Quốc vì cuộc chiến thương mại.

Tại Ấn Độ, các doanh nghiệp công nghệ Mỹ (Facebook, Paypal, Microsoft, Google) cũng đang tìm cách rời bỏ quốc gia này khi mà một dự luật tương tự như Việt Nam và Trung Quốc có khả năng tác động tiêu cực đến dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Việt Nam, Trung Quốc, hay Ấn Độ ảo tưởng rằng, một thị trường nội địa đủ lớn sẽ đủ hấp dẫn các công ty công nghệ, buộc họ phải tuân thủ thay vì bỏ đi. Nhưng câu chuyện Huawei và sự thiết lập trật tự Mỹ trong thương mại của Tổng thống Donald Trump đã chứng minh ngược lại, bất kỳ một quốc gia gây thiệt hại cho doanh nghiệp Mỹ đều phải trả giá.

Huawei đang cho thấy điều đó, và bản thân Trung Quốc cũng cho thấy, đang trở thành nạn nhân của chính những gì mà quốc gia này (dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình) ảo tưởng có thể khống chế, đe dọa, và chèn ép doanh nghiệp Mỹ.

Chiếc bánh Trung Quốc từng bị xâu xé bởi các cường quốc vào thế kỷ XIX, nay lại tái lặp vào thế kỷ XXI qua cuộc chiến tranh thương mại. Và Việt Nam sẽ sớm cũng phải trả giá trong tương lai, nếu tiếp tục nương theo hoặc theo đuổi cách ứng xử giống như Trung Quốc đã làm trong thời gian qua, trong đó có cả thi hành Luật an ninh mạng.

An Viên

Nguồn : VNTB, 26/05/2019

*****************

Lệnh cấm từ Google : Chuyện tình Huawei- Viettel sẽ đi về đâu ?

Kiều Phong, VNTB, 26/05/2019

Viettel-tập đoàn viễn thông quân đội được biết là đối tác lớn nhất của Huawei ở Việt Nam. Huawei sập tiệm ở toàn thế giới, chỉ còn hai đất sống là ở Trung Quốc và Việt Nam, cho nên tập đoàn "búa, liềm" của người Hoa bằng mọi cách sẽ ve vãn cho được đối tác Việt đừng từ bỏ mình.

anninh2

Viettel không lộ liễu nhập các thiết bị di động Huawei. Hình ảnh điện thoại Huawei bị tẩy chay khắp thế giới, Thế giới di động tê liệt với Huawei còn Viettel thì chưa. Viettel không chú trọng kinh doanh điện thoại smartphone, nhưng Viettel đã ưu ái Huawei với các đơn đặt hàng thiết bị 5G của hãng này. Một nước như Mỹ có bảo Huawei xấu thì không sao, khi mọi nước đều nghe theo nước Mỹ bảo Huawei xấu thì vấn đề đã là rất khác. Do tính liên đới giữa các sản phẩm của cùng một hãng, Viettel không thể tránh được tiếng xấu là đi chơi với kẻ xấu. 

Vietnamnet vừa có bài, Mỹ sẽ trừng phạt thêm 5 công ty Trung Quốc. Trung Quốc đã cấm hàng tá công ty công nghệ Mỹ lâu nay. Trong một thời gian dài, các nhà chính trị Mỹ không lên tiếng thì Trung Quốc tưởng Mỹ không để ý, cứ tiếp tục làm tới. Trung cộng tự thể hiện bản chất dã man nhất thế giới, đòi làm đại ca của thế giới, hàng thì hàng dỏm, các thứ điều dỏm cái gì cũng nhái. Đại ca hàng giả là Trung Quốc, bất kỳ hãng liu-riu nào chơi với đại ca ấy thì cũng lây các chứng bệnh của đại ca, trong đó có Viettel của Việt Nam. 

Biết nó xấu rồi mà sao vẫn chơi với nó, vẫn hợp đồng với nó ? Vì thấy cái lời trước mắt. Những người như Võ Kim Cự hay các quan cấp cao thừa biết Formosa là Trung Quốc đội lốt Đài Loan, họ cũng thừa biết Formosa cố tình xả thải để giết hại môi sinh con người và biển cả, tại sao vẫn rước vào Hà Tĩnh ? Do được cái lời trước mắt. Hoàn toàn tương tự, Viettel thừa biết Huawei là đồ gián điệp, nhưng vì lợi nhuận cao quá, nên đành nhắm mắt rước Huawei về nhà mình. Nói đúng hơn là rước nó vào nước mình, bởi nước của toàn dân chứ không phải của riêng gì nhà Viettel. 

Nối gót Google, cả Qualcomm, Intel cũng nghỉ chơi với Huawei, nghỉ chơi với hầu hết các hãng Trung Quốc. Amazon cũng có App store, Microsoft, Blackberry cũng có hệ điều hành OS riêng nhưng đều rớt đài với IOS của Apple , Android của Google... Tàu vẫn rất mạnh công nghệ, nhưng đột ngột thay đổi như vậy chỉ có từ ngáp tới ngủm. Thị trường Việt Nam quá bé không đủ sức để cứu Trung Quốc, Viettel cũng không thể giúp được Huawei. Bản thân Viettel cũng không vá nổi những ổ gà do mình gây ra trên đường Bắc tiến công nghệ. Chạy đua công nghệ, tiền bạc thuộc về chỉ một tỉ lệ nhỏ trùm công nghệ, danh tiếng thuộc về chỉ một số ít quan chức, còn nghèo đói và bất công xã hội thì dành cho phần lớn những người dân không theo được cuộc đua. Sao lại lấy ngân khố để bù lỗ cho Viettel mà không lấy ngân khố để trợ giá nông sản ? Tại vì những người nông dân học ít hơn các kỹ sư Viettel nên phải ưu tiên tiền vét tiền người học ít để nuôi người học nhiều ? Bất công xã hội do chạy đua kỹ thuật càng ngày càng lớn, dù biện minh kiểu gì thì cũng lòi ra đó. 

Trong cuộc đi đêm với Huawei, tập đoàn Viettel không tránh khỏi đánh mất bản sắc người lính. Để chạy đua kinh tế, chạy đua công nghệ, Viettel đã mắc tai tiếng không gì gột rửa được. Việc cơ quan công quyền Hà Nội đánh gẫy xương đùi của cụ Lê Đình Kình để dâng đất cho Viettel chỉ là một ví dụ. Công nghệ máy móc đánh gãy cây lúa, và do đó là công nghệ đã đánh gẫy nguồn sống của người nông dân. Đến đây, đã có những gia đình người miền Bắc sống khá giả phải thốt lên rằng : "Việt Nam chỉ nên làm nông nghiệp, thiếu ti-vi thì bán lúa để mua ti-vi chứ đừng học đòi sản xuất ti-vi". 

Các quan lớn hô hào phát triển kinh tế, phát triển kỹ thuật, thử hỏi thực tế có ngành nào làm mũi nhọn và làm nên bản sắc của Việt Nam để không lẫn lộn với các nước ? Thưa rằng không hề. Sân chơi nào Việt Nam cũng ghi danh tham gia nhưng không làm ông lớn được ở bất cứ một sân chơi cụ thể nào. Tốt nhất, theo lời những người già, đó là trở về với truyền thống lúa nước và nông nghiệp, chăm chút cho thế mạnh duy nhất đó cho đến khi nào đủ tiền đề để nhảy sang các lĩnh vực khác. 

Tin cho biết, các ký giả quốc tế, Châu Âu và Hoa Kỳ đang điều tra các vi phạm lao động của Huawei. Bằng chứng về cưỡng bức lao động của tù nhân để tạo ra sản phẩm giá rẻ như điện thoại Huawei, thiết bị Huawei đang được thu thập càng ngày càng dày. Các nước mua thiết bị Huawei rồi cũng bị điều tra, các quan chức ký giấy tờ nhập khẩu đồ Huawei sớm muộn sẽ ra ánh sáng công luận. Viettel mua hàng của Huawei mà không thúc đẩy cải tiến quyền lợi cho người lao động Tàu là tiếp tay cho Huawei bóc lột người dân Tàu. 

Nếu nghỉ giao thương với Huawei, liệu Viettel có thể tự lực về công nghệ được không ? Có lẽ là không, trong bối cảnh chương trình đào tạo sinh viên ngành công nghệ thông tin tại Việt Nam vẫn chú trọng lượng hơn phẩm. Viettel hay tìm người đã tốt nghiệp sẵn từ các trường công nghệ thông tin bên ngoài rồi mua vào làm trong doanh trại. Nói cách khác là Viettel chưa đào tạo từ gốc được nhân viên kỹ thuật, họ chỉ có kinh doanh phần ngọn. Về triết lý kinh doanh, Viettel chưa có triết lý kinh doanh nội khởi của mình, còn cái hiện tại của hai ông rậm râu bên Nga hay bên Đức nào đó thì không phải triết lý kinh doanh.

Kiều Phong

Nguồn : 26/05/2019

********************

Huawei đe dọa an ninh nước Anh

John Hemmings, VNTB, 26/05/2019

Huawei trong vùng nguy hiểm : Công ty viễn thông Trung Quốc đe dọa an ninh quốc gia của Anh

Huawei bị ràng buộc, chịu ảnh hưởng và sự chỉ đạo của Đảng cộng sản và nhà nước Trung Quốc theo nhiều những cách thức khác nhau.

anninh3

Tin tức về việc Hoa Kỳ đưa Huawei vào Danh sách đen được đưa ra khi Hiệp hội Henry Jackson công bố báo cáo về triển vọng đưa Huawei vào công cuộc xây dựng hệ thống mạng 5G của Vương quốc Anh. Tôi là đồng tác giả báo cáo này cùng với Thành viên Nghị viện Bob Seely và Giáo sư Peter Varnish. Công việc của tôi là xem xét các khiếu nại xung quanh vị thế của Huawei trong chiến lược chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Tất cả chúng ta đều đã được thấy những tuyên bố xung quanh nó là quá gần gũi với PLA (Quân giải phóng nhân dân Trung quốc) và các cơ quan an ninh của nhà nước Trung Quốc, nhưng chúng có thực sự đúng như thế không ? Có phải những tuyên bố này chỉ là việc một nước Mỹ theo chủ nghĩa bảo hộ quá mức đang tìm cách để làm mất uy tín của một đối thủ công nghệ Trung Quốc thành công trong công cuộc cạnh tranh với Apple và Thung lũng Silicon ? Toàn bộ cuộc thảo luận này diễn ra sau cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia Anh vào cuối tháng 4, trong thời gian Hội đồng đã quyết định rằng Huawei có thể tham gia vào một phần hạn chế trong mạng 5G của Vương quốc Anh.

Những phát hiện của chúng tôi hoàn toàn rõ ràng : Huawei bị ràng buộc, chịu ảnh hưởng và sự chỉ đạo của Đảng cộng sản và nhà nước Trung Quốc theo nhiều những cách thức khác nhau.

Sự chỉ đạo về kinh tế

Cũng giống như tất cả các công ty công nghệ của Trung Quốc, Huawei chịu áp lực phải tuân thủ chặt chẽ Kế hoạch 5 năm và các văn kiện chiến lược kinh tế khác như "Chế tạo tại Trung Quốc : 2025" và một văn kiện khác kế thừa của nó, đó là "Sách xanh về đổi mới và công nghệ trong các lĩnh vực chính của (văn kiện) Chế tạo tại Trung Quốc : 2025". Nhờ tuân thủ chặt chẽ các mục tiêu đổi mới do nhà nước Trung Quốc đặt ra như trí thông minh nhân tạo, điện toán lượng tử và viễn thông, Huawei đã có thể hưởng lợi từ các khoản tài trợ lớn từ các cơ quan tài trợ nghiên cứu của nhà nước Trung Quốc.

Sự hỗ trợ về kinh tế

Huawei cũng đã đi đầu trong chính sách "tiến ra biển lớn" (ý nói là chinh phục toàn cầu – người dịch) của Trung Quốc đối với các công ty quốc gia của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ cao. Từ năm 2010, nhịp độ tăng trưởng thị trường tuyệt vời của nó ở Châu Á đã tăng từ 3% lên đến tới 46%, và ở Châu Âu đã tăng từ 17% lên đến 30% là sản phẩm kết hợp của chiến lược thương mại kết hợp với sự hỗ trợ và tài trợ của nhà nước mà Trung Quốc sử dụng như một mũi nhọn trong chiến lược Con đường tơ lụa kỹ thuật số. Hoa Kỳ đã tuyên bố rằng hạn mức tín dụng (được tài trợ) của Huawei là 77 tỷ bảng Anh.

Sự chỉ đạo về quân sự

Cũng giống như tất cả mọi công ty công nghệ khác của Trung Quốc, Huawei sẽ ngày càng chịu áp lực phải hợp tác chặt chẽ với tổ hợp công nghiệp quân sự Trung Quốc vì chính sách Hợp nhất Dân sự-Quân sự, do Tổng - Chủ tịch Tập Cận Bình đứng đầu. Chính sách này thúc đẩy các công ty công nghệ hợp tác với với Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc trong việc phát triển các công nghệ quân sự và các công nghệ lưỡng dụng.

Sự hỗ trợ từ giới quân sự

Vì người sáng lập Huawei, Nhậm Chính Phi từng là một kỹ sư của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc không có gì ngạc nhiên khi Huawei là công cụ xây dựng mạng lưới quân sự ở Trung Quốc trong những năm 1990. Điều này đã tạo cho công ty này có mối liên kết trực tiếp với giới lãnh đạo quân đội trong việc cho phép công ty này duy trì vị thế đặc biệt trong hoạt động mua sắm, một điều vốn rất bất thường đối với một công ty tư nhân ở Trung Quốc.

Sự chỉ đạo của Đảng cộng sản Trung Quốc

Có hai con đường để Đảng cộng sản Trung Quốc áp đặt ảnh hưởng đến ban lãnh đạo của Huawei. Con đường rõ ràng nhất là việc ông Nhậm và nhiều lãnh đạo khác của công ty tất cả đều là các thành viên của Đảng cộng sản Trung Quốc, nhưng mặt khác, con đường thứ hai chính là vì các chi bộ đảng được thành lập trong công ty. Theo ASPI, là những tác giả đã có những đóng góp cho báo cáo của HJS, thì, tính đến năm 2007, có đến mười hai ngàn đảng viên Đảng cộng sản Trung Quốc với ba trăm chi bộ đảng đã được thành lập trong công ty Huawei.

Sự hỗ trợ của Đảng cộng sản Trung Quốc

Trong khi Huawei tuyên bố rằng nó là một công ty tư nhân, nó có một danh sách các cổ đông, điều mà một số người nói rằng chính điều đó khiến cho nó thuộc sở hữu của các nhân viên của công ty. Tuy nhiên, quyền sở hữu thực tế dường như được nắm giữ bởi một công ty nhỏ hơn có tên là Công ty cổ phần tập trung và đầu tư Hoa Vi (Huawei Investment and Holding). Điều này, đến lượt nó, lại thuộc sở hữu của Ủy ban Công đoàn của Công ty cổ phần tập trung và đầu tư Hoa Vi (Huawei Investment and Holding Company Trade Union Committee). Cũng giống như tất cả các loại hình công đoàn khác ở Trung Quốc, ủy ban này tuân thủ các nguyên tắc kỷ luật của Đảng cộng sản Trung Quốc, với việc các quan chức công đoàn được nhà nước bổ nhiệm vào các chức vụ của họ, được hưởng các mức lương bổng theo các ngạch bậc của chính quyền (Đảng cộng sản Trung Quốc) từ kho bạc Nhà nước Trung Quốc.

Với tất cả các điểm dữ liệu này, điều rõ ràng đối với chúng tôi là rằng quyết định của chính quyền cho phép Cty Huawei tiếp cận cơ sở hạ tầng kỹ thuật số cực kỳ quan yếu của Vương quốc Anh được thực hiện trong một biên độ hẹp, trên một hệ thống đánh giá rủi ro kỹ thuật hạn hẹp, nói một cách đơn giản là đã không suy xét kỹ về những rủi ro trên một tầm mức rộng lớn hơn. Ngay cả khi gã khổng lồ công nghệ Huawei muốn độc lập khỏi Nhà nước Trung Quốc hoặc muốn bỏ qua Luật về tình báo của nhà nước Trung Quốc, một đạo luật đòi hỏi Công ty này phải hợp tác, hoặc là ngay cả khi họ không muốn hợp tác chặt chẽ với tổ hợp công nghiệp quân sự của Trung Quốc, thì cũng không thể nào tránh né được một số phận như vậy.

Do đó, câu hỏi phải được đặt ra cho Thủ tướng Theresa May một lần nữa là : Liệu chúng ta có mong muốn một thực thể mà vốn gần gũi với một đối thủ chiến lược tiềm năng (ý nói nhà nước cộng sản Trung Quốc) trong hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật số nhạy cảm của chúng ta hay không ?

Câu trả lời của chúng tôi là không. Chúng tôi không mong muốn điều đó.

John Hemmings

Nguyên tác : Huawei to the Danger Zone : Chinese Telecommunications Company Threatens Britain's National Security, The National Interest, 20/05/2019

Mai Hưng dịch

Nguồn : VNTB, 26/05/2019

Tiến sĩ John Hemmings là giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu Châu Á thuộc Hiệp hội Henry Jackson và là thành viên phụ tá tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế. Ông hiện sinh sống tại London.

Published in Diễn đàn

Tuần báo Trẻ - phát hành từ Dallas, Texas - vừa cho đăng một bài phỏng vấn do nhà văn Phạm Thị Hoài thực hiện, với lời mở đầu rất giản dị và ngắn gọn :

"Cuộc trò chuyện này được thực hiện qua thư điện tử, với nhà bất đồng chính kiến Phạm Hồng Sơn, người từng bị chính quyền Việt Nam kết án 13 năm tù, sau giảm thành 5 năm tù và 3 năm quản thúc, nay sống tại Paris, Pháp".

spy1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, người đứng đầu "Chính Phủ 4.0" không hay biết gì ráo về những lo ngại của cả thế giới hiện nay về những hoạt động tình báo của công ty Hoa Vi

Chỉ đôi dòng giới thiệu thế thôi thì tôi e hơi bị thiếu. Tưởng cũng nên viết thêm năm bẩy chữ nữa, cho nó rõ ràng, theo như nguyên văn bản tin của TTXVN : "Phạm Hồng Sơn bị kết án 13 năm tù về tội gián điệp".

Sau năm năm bị giam giữ, nhà nước cộng sản Việt Nam vẫn chưa biết tù nhân chính trị này hoạt động tình báo ra sao nên ông được phóng thích, và chỉ bị quản thúc tại gia thôi. Thiệt là phúc đức và may mắn. Ít ra thì cũng may mắn hơn một người tù khác : Nguyễn Hữu Đang.

Ngày 21 tháng 1 năm 1960, nhân vật này bị kết án 15 năm tù vì tội "phá hoại chính trị" và "làm gián điệp" bởi Tòa án nhân dân Hà Nội. Đây là một "phiên tòa kín" nên không ai biết ông Thứ trưởng Bộ Thanh Niên / Thứ trưởng Bộ Tuyên truyền (trong nội các đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa) đã "làm gián điệp" cho quốc gia hay thế lực thù địch nào, và "phá hoại chính trị" ra sao ?

Mười lăm năm sau, sau khi mãn hạn tù, Nguyễn Hữu Đang lủi thủi trở về làng quê ở Thái Bình. Nơi đây - trong thời gian 15 năm quản chế - ông sống sót nhờ thịt của… côn trùng và ếch nhái. Mười lăm năm sau nữa, khi đương sự đã bước vào tuổi bát tuần thì… "thánh đế (bỗng) hồi tâm. Thế là ông được cấp thẻ cử tri, và cho lĩnh lương hưu, cứ y như thể là chưa bao giờ có chuyện gì đáng tiếc xẩy ra hết trơn hết trọi.

Lại thêm một trường hợp may mắn nữa, nếu so sánh với trường hợp ít may mắn hơn (chút nữa) của một tù nhân gián điệp khác nữa : Nguyễn Văn Phổ.

Tuy chỉ được công luận biết đến qua tác phẩm Chuyện Kể Năm 2000  nhưng đây không phải là một nhân vật hư cấu. Ông bị tù với tội danh "gián điệp" và "đốt bệnh viện," dù cái bệnh viện này không hề bị cháy.

Sau gần 20 mươi năm bị giam giữ, Nguyễn Văn Phổ được tha. Khi ra khỏi tù thì mắt bị mù, nhà cửa bị tịch thu, và vợ đã đi tu - theo lời của một người bạn đồng tù :

"Tôi nhớ ngày tôi đến Thanh Xuân Bắc thăm anh khi cả hai chúng tôi đã được ra tù. Chúng tôi ôm lấy nhau. Câu đầu tiên tôi hỏi anh là hỏi về chị Phổ, người phụ nữ "chờ chồng từ năm 33 tuổi đến năm 51 tuổi vẫn chờ đợi và không chịu tuyệt vọng".

- Chị đâu rồi anh ?

- Nhà tôi vào Sài Gòn đi tu rồi.

Quá bất ngờ. Tôi chỉ muốn kêu trời. Hoặc thét lên một tiếng. Nhưng họng tắc nghẹn.

- Chị tu ở đâu. Anh cho tôi địa chỉ. Tôi sắp vào trong ấy. Để tôi đến thăm chị.

Phổ lấy giấy bút. Tôi nhìn theo tay anh :

Sư cô Trí Tuệ

Tĩnh xá Tòng Lâm

260 Nguyễn Thị Minh Khai (Xô Viết Nghệ Tĩnh

cũ), Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.

Đưa tờ giấy cho tôi, anh hỏi :

- Anh có đọc được không ?

Tôi ngơ ngác, không biết anh hỏi gì.

- Mắt tôi không nhìn thấy gì nữa. Tôi viết theo quán tính. Tôi nhận ra anh vì nghe giọng nói của anh.

Tôi khóc. Hôm ấy tôi đã không giữ được nước mắt. Những giọt nước mắt nóng bỏng. Những giọt nước mắt lặn vào trong. Suốt thời gian ở tù, cùng một toán, cùng là tổ trưởng, chưa một lần Phổ nói với tôi vì sao anh phải vào tù, vì sao anh tù lâu đến thế. Trong tù không ai nói với ai điều vì sao ấy. Chỉ đến khi chiếc máy bay không người lái của Mỹ bay qua khu vực trại, tiếng rầm rầm trên trời ập đến rất nhanh và tắt đi cũng rất nhanh để lại dấu vết là một vệt khói mảnh vắt ngang bầu trời rất lâu mới tan, Nguyễn Văn Phổ ngước mắt nhìn vệt khói nói một mình :

- Tiên sư cái thằng Mỹ. Mình bị nghi là gián điệp Mỹ mà nó còn mạnh thế này thì đến bao giờ được ra hở giời ?

Anh chỉ nói vậy. Qua đó chúng tôi biết anh bị nghi làm gián điệp cho Mỹ. Theo nhiều người kể lại, Nguyễn Văn Phổ tham gia quân đội ngay trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp năm 1946. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người ký giấy cho anh trở vào Hà Nội hoạt động tình báo. Tổ tình báo của anh có ba người. Anh, nhà văn Vũ Bằng, và một đảng viên ít tuổi nhất làm tổ trưởng. Năm 1954, khi hiệp nghị Genève được ký kết, cả tổ được lệnh chuyển vào Nam, nhưng Phổ đã xin được ở lại Hà Nội. Ít ngày sau anh bị bắt vì tội đã đốt - hay định đốt ? - nhà in Ideo.

Anh bị xử tù 15 năm. Sau đó xử lại, mức án rút xuống còn 8 năm rưỡi, và thực tù hơn 17 năm. Anh cười :

- Cái tổ tình báo của tôi chỉ có mỗi Vũ Bằng là không bị bắt. Cái anh tổ trưởng đảng viên ít tuổi kia khi vào Nam cũng bị ta bắt như tôi. Vũ Bằng thật là may…

Rồi anh rủ rỉ :

- Tôi về được ít ngày thì một cô sĩ quan công an đến nói năng rất lễ phép, tế nhị. Bác làm cho chúng cháu cái thu hoạch. Cháu biết bác cũng chẳng muốn nghĩ đến những chuyện ấy nữa nhưng đây là ý kiến cấp trên của cháu.

Tôi bảo : Cô nói tôi cũng làm nữa là cấp trên của cô. Tôi viết. Cuối cùng nó lại như một bản thanh minh anh ạ. Mới nghĩ nộp ngay cũng phí. Tôi đem thuê đánh máy. Gửi Viện Kiểm sát một bản. Tháng sau đến Viện Kiểm Sát. Anh cán bộ phụ trách việc của tôi rất phấn khởi nói : Việc của bác thế nào cũng được xử lại. Cháu đang trình viện trưởng. Nửa tháng nữa mời bác quay lại.

Y hẹn, tôi tới. Anh cán bộ kiểm sát ỉu xìu : Không xong rồi bác ơi. Đồng chí viện trưởng không duyệt. Tôi cũng chẳng nghĩ ngợi gì. Tù thì tù rồi. Cũng sắp về với tổ tiên rồi. Bẵng đi lâu lâu, đã quên hẳn chuyện khiếu nại, thì anh cán bộ viện kiểm sát tới nhà : Bác ơi ! Bác làm sổ hưu đi. Vụ của bác xử lại rồi. Trắng án". (Bùi Ngọc Tấn, Hậu Chuyện Kể Năm Hai Ngàn, Tiếng Quê Hương, Fall Church, VA, 2015).

Nghĩ cho cùng thì đây cũng cứ là một trường hợp… may mắn : trắng án ! Chả hiểu đã bao nhiêu mảnh đời, bao nhiêu gia đình đã tan nát vì những cái án "trắng tinh" như thế. Tuy thế, vì an ninh quốc gia nên chiến thuật "thà bắt lầm hơn bỏ sót" vẫn là một chính sách xuyên suốt từ thời cụ Nguyễn Hữu Đang cho đến đám cháu chắt về sau - như lứa Phạm Đoan Trang :

"… có một tội rất nặng luôn lơ lửng trên đầu những người làm việc với các cá nhân, tổ chức nước ngoài : gián điệp. Làm cộng tác viên cho báo đài nước ngoài : gián điệp. Gặp gỡ các cơ quan ngoại giao để thảo luận về tình hình nhân quyền và dân chủ trong nước và quốc tế : gián điệp. Gửi báo cáo - nghiên cứu cho các tổ chức nước ngoài : gián điệp. Vận động nhân quyền cho Việt Nam trên trường quốc tế, phản ánh tình hình nhân quyền trong nước ra nước ngoài : gián điệp. Vân vân".

Cẩn tắc vô áy náy ! Tôi hoàn toàn tán đồng sự cẩn trọng cùng mức độ nghi ngại (quá cao) của Đảng và Nhà nước Việt Nam, và chỉ hơi băn khoăn khi biết tin Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc  tuyên bố muốn Huawei hợp tác với các doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực an toàn thông tin - vào ngày 13 tháng 1 vừa qua.

spy2

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Tập đoàn Huawei Ảnh : TTXVN

Hóa ra người đứng đầu "Chính Phủ 4.0" không hay biết gì ráo về những lo ngại của cả thế giới hiện nay về những hoạt động tình báo của công ty Hoa Vi. Ngài cũng phớt lơ luôn sự kiện một quan chức Huawei đã bị bắt tại Ba Lan với cáo buộc làm gián điệp, chỉ vài hôm trước đó, cùng lời tố cáo về hoạt động tình báo của tổ chức này.

Nhà nước ta vốn rất cẩn trọng và nhậy cảm về những hoạt động tình báo, sao bỗng dưng lại khinh xuất và mù mờ thế ? Thế mới biết chủ trương cẩn trọng (thà bắt lầm còn hơn bỏ sót) của nhà nước ta chỉ áp dụng với đám dân mình thôi, chứ còn với bọn tình báo nước lạ thì chính sách lại hoàn toàn khác. Rất "vô tư" và hoàn toàn "thoải mái," hay nói quá ra (chút xíu) là sẵn sàng "nhận giặc làm cha !" Tội danh này, xét ra, còn nặng hơn tội làm gián điệp cho nước ngoài nhiều.

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 06/03/2019 (tuongnangtien"s blog)

Published in Diễn đàn

Tại sao Châu Á vẫn chưa thôi Huawei ? (BBC, 15/02/2019)

Công ty viễn thông khổng lồ Trung Quốc Huawei đang phải đối mặt với các phản ứng dữ dội trên toàn cầu nhưng có vẻ nó vẫn đang được ưa chuộng ở các nước Châu Á.

huawei1

Công ty viễn thông khổng lồ Trung Quốc Huawei có vẻ được ưa chuộng ở các nước Châu Á. GETTY IMAGES

Dù Mỹ đang gây áp lực buộc các đồng minh ở Châu Âu phải đóng cửa với Huawei, lo ngại rằng công ty này đang hoạt động do thám cho chính phủ Trung Quốc.

Một số công ty viễn thông Châu Á đã nói với tôi rằng "công việc làm ăn vẫn bình thường" đối với Huawei ở nước họ.

Huawei luôn phủ nhận rằng họ là một mối đe dọa bảo mật và nói rằng họ sẽ không bao giờ làm tổn thương khách hàng của mình.

Công ty cũng đã bị Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cáo buộc ăn cắp bí mật thương mại và phá vỡ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.

Nhưng điều đó đã không làm giảm sức hấp dẫn của nó đối với khách hàng Châu Á.

Huawei là một trong những nhà cung cấp thiết bị viễn thông chính cho các nhà khai thác tiến hành thử nghiệm 5G tại Philippines, Singapore, Malaysia và Thái Lan.

Và mới đây, trong cuộc phỏng vấn với tờ Nikkei Asia Review, đại diện công ty này tuyên bố "tự tin sẽ tăng trưởng tại Việt Nam".

Các nguồn tin trong ngành cho biết các đối thủ cạnh tranh không thể sánh với Huawei về chi phí và khả năng công nghệ.

5G là gì ?

Internet tốc độ cao đã được mô tả là cột sống của nền kinh tế hiện đại và 5G là một phần quan trọng trong đó. Vì nó có đầy đủ các chức năng, và dự kiến sẽ biến đổi cách chúng ta sử dụng internet.

Huawei cũng là nhà cung cấp chính cho các nhà khai thác viễn thông tại các thị trường mới nổi, như Campuchia, nơi mạng 4G hiện tại của Huawei được xem như một phần không thể thiếu.

huawei2

Huawei cũng là nhà cung cấp mạng 5G - GETTY IMAGES

Ở mức cơ bản, 5G có nghĩa là có thể tải xuống một video dài trong chỉ vài giây. Theo một cách tinh vi hơn thì hãy nghĩ đến những chiếc xe tự động, ngôi nhà thông minh hay những thành phố được phủ sóng internet toàn bộ.

Một mạng 5G an toàn và bảo mật sẽ rất quan trọng đối với một nền kinh tế hiện đại trong tương lai, Tom Uren từ Viện Chính sách chiến lược Úc (ASPI) nói.

Và đó là lý do tại sao Huawei đang bị dò xét đến như vậy.

"Mặc dù không có công ty nào tạo ra các sản phẩm hoàn toàn an toàn, Huawei có những rủi ro bên lề còn lớn hơn rủi ro 'thông thường' khi mua một thiết bị phức tạp," ông Uren viết trong một bài đăng trên trang web của ASPI.

Ông Uren chỉ ra mối liên hệ chặt chẽ giữa chính phủ Trung Quốc và các công ty địa phương, và nói rằng các công ty Trung Quốc bắt buộc phải tuân thủ việc hợp tác, hỗ trợ và giúp đỡ công tác tình báo".

"Thiết bị sẽ bao gồm mạng 5G không chỉ là một thiết bị thụ động," ông viết.

"Nó có toàn bộ khả năng hiển thị và kiểm soát tất cả các kết nối trong mạng. Nó sẽ xem ai gọi cho ai, khi nào, từ đâu và kiểm soát tuyến dữ liệu nào được gửi xuống".

Huawei - rẻ hơn và tốt hơn ?

Huawei được cho là đi trước một năm so với các đối thủ về công nghệ về những gì họ có thể cung cấp cho khách hàng, theo các nguồn tin trong ngành.

huawei3

Không chỉ có công nghệ tốt, dịch vụ chăm sóc khách hàng của Huawei cũng tốt hơn hẳn một số hãng phương Tây ?

Globe Telecoms tại Philippines đã hợp tác với Huawei từ năm 2011 để giúp hiện đại hóa mạng lưới cơ sở hạ tầng viễn thông.

Cuối năm nay, Globe có kế hoạch đưa khách hàng lần đầu tiên được kết nối internet hoàn toàn khi sử dụng thiết bị Huawei để cung cấp kết nối 5G ở các khu vực của Manila, nơi không có internet.

"5G là một khối xây dựng quan trọng cho khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Philippines. Đây là lý do chúng tôi đang tăng tốc nỗ lực triển khai 5G, vì vậy chúng tôi có thể cung cấp cho càng nhiều người Philippines tiếp cận công nghệ này càng tốt," giám đốc công nghệ và thông tin của Globe, Gil Genio, nói trong một tuyên bố với BBC.

Đối với nhiều quốc gia ở Châu Á, việc cấm Huawei theo cách mà Mỹ và Úc là không thực tế.

Tuy có vài lựa chọn khác nhưng để tìm ra một nhà cung cấp khác có thể đánh bại mức giá mà Huawei đưa ra là khó khăn.

Mặc dù các hãng viễn thông hoặc Huawei sẽ không tiết lộ chi phí đối với khách hàng, nhưng nhiều người cho rằng công ty Trung Quốc sẽ giảm giá thậm chí đến 10% so với các công ty khác trên thị trường.

Và sau cùng là dịch vụ chăm sóc khách hàng của Huawei - các nhà phân tích nói rằng Huawei đã đi xa hơn bằng cách thiết lập một mạng lưới hỗ trợ khách hàng ở các quốc gia mà các công ty phương Tây thường bỏ qua vì cho rằng không đủ quan trọng.

Nhưng mối lo ngại cũng gia tăng

Nhưng trong khi có nhiều quốc gia ở Châu Á cam kết với Huawei, mối lo ngại vẫn đang tăng lên. Theo các nhà phân tích bảo mật, sự quan tâm của quốc tế về công ty Trung Quốc này đang khiến một số chính phủ Châu Á suy nghĩ lại về việc sử dụng các sản phẩm của Huawei.

Một công ty bảo mật nói với tôi rằng ngày càng có nhiều câu hỏi từ các khách hàng chính phủ về việc các sản phẩm của Huawei có vấn đề như thế nào và những bước họ có thể thực hiện để giảm thiểu những rủi ro đó.

Châu Âu thiết lập hệ thống giám sát đầu tư ngoại quốc (RFI, 15/02/2019)

Nghị Viện Châu Âu vào hôm qua, 14/02/2019, đã bật đèn xanh cho việc thiết lập một hệ thống giám sát đầu tư nước ngoài vào Châu Âu, đặc biệt trong các lãnh vực chiến lược. Văn kiện được thông qua với 500 phiếu thuận và 49 phiếu chống, thể hiện nỗi lo ngại ngày càng cao trước hiện tượng các tập đoàn ngoại quốc, nhất là của Trung Quốc, ra sức thâu tóm các công ty của Châu Âu trong những lãnh vực chiến lược.

huawei4

Tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi đặc biệt khiến Châu Âu lo ngại. Reuters/Dado Ruvic/Illustration

Thông tín viên Quentin Dickinson, tại Bruxelles giải thích :

Song song với hoạt động gián điệp kinh tế truyền thống, còn có một phương thức hợp pháp hơn và khó đối phó trong việc chiếm hữu bí mật công nghiệp của nước khác : đó là mua lại công ty của đối thủ.

Nhưng ở cấp cao hơn, tức chính sách kinh tế của các Nhà nước, các khoản đầu tư trực tiếp hay gián tiếp vào một lãnh vực đầy lợi nhuận nào đó của nước khác, có thể đi xa hơn và làm mất quyền tự chủ kinh tế của quốc gia đó.

Do đó, để tránh bị "nội ứng" thông qua các con ngựa thành Troie do Trung Quốc, Ấn Độ, Nga hay Mỹ cài vào, Châu Âu vừa thiết lập một hệ thống giám sát và thông tin chung, để hỗ trợ thêm cho các cơ chế thanh lọc có sẵn ở 14 trên 28 thành viên Liên Hiệp Châu Âu.

Được thông qua với đa số áp đảo, 500 phiếu thuận và chỉ có vỏn vẹn 49 phiếu chống, văn kiện đề nghị các quốc gia cung cấp thông tin về đầu tư nước ngoài sắp đến, nếu có liên quan đến trật tự hay an ninh công cộng. Có điều ảnh hưởng của văn kiện này cũng sẽ chỉ giới hạn vì quyền quyết định tối hậu cho đầu tư hay không vẫn thuộc về mỗi quốc gia.

Tuy nhiên, đối với nghị sĩ cánh hữu Franck Proust, báo cáo viên của văn kiện này, thì việc các quy định được thông qua là một tiến bộ lớn : Vấn đề rất đơn giản là nâng cao cảnh giác, chú ý đến những khoản đầu tư kỳ quặc, tức là không theo một lôgíc kinh tế mà là một lô gíc chính trị.

Theo các quy định mới, những lãnh vực cần giám sát đi từ ngành thông minh nhân tạo, robot, viễn thông, cho đến năng lượng, truyền thông, nước, y tế, hay an ninh lương thực…

Mai Vân

Published in Quốc tế

Hoa Vi kẹt giữa cuộc đọ sức chính trị-công nghệ Trung Quốc-Phương Tây

Cuộc chiến tranh thương mại giữa Bắc Kinh và Washington còn chưa ngã ngũ, tập đoàn viễn thông Hoa Vi, biểu tượng cho sự bành trướng kinh tế của Trung Quốc, nổi lên như là tâm điểm của một cuộc chiến quốc tế.

huawei0

Tập đoàn viễn thông Trung Quốc là Hoa Vi (Huawei) bị Quốc hội Mỹ nghi ngờ có thể làm gián điệp. Reuters

Le Figaro chạy tựa lớn trang nhất : "Người khổng lồ Hoa Vi tâm điểm sốc giữa Trung Quốc và phương Tây".

Nhật báo Pháp ghi nhận "sau vụ Canada bắt giữ và có thể cho dẫn độ sang Mỹ tổng giám đốc tài chính của tập đoàn Hoa Vi để xét xử, thế giới viễn thông bị cuốn vào một cuộc chiến nóng bỏng vượt ra ngoài khuôn khổ cạnh tranh công nghệ".

Không còn chỉ giới hạn ở một cuộc chạy đua công nghệ ở tầm công ty, vụ Hoa Vi phản ánh cuộc đọ sức giữa phương tây và Trung Quốc xem ai kiểm soát được thế giới tương lai mà nhật báo Le Figaro ví như là "Cuộc chiến tranh lạnh công nghệ", tựa của bài xã luận.

Le Figaro viết : "Đã có một thời các cường quốc đối đầu nhau trong chuyện triển khai tên lửa hạt nhân hay căn cứ quân sự. Giờ đây, cuộc đọ sức giữa Trung Quốc và các nước phương Tây xoay quanh một vật thể không rõ ràng lắm. Đó là mạng thông tin liên lạc, lĩnh vực mà nhà khổng lồ viễn thông Trung Quốc dẫn đầu thế giới. Và thế là giữa Washington và Bắc Kinh, một cuộc "chiến tranh lạnh công nghệ" được tuyên chiến".

Hoa Vi đang chiếm thế thượng phong với thế hệ mạng di động 5G trên thế giới khiến phương Tây ngày càng lo ngại. Theo Hoa Kỳ sẽ là một đe dọa cho an ninh, nếu Hoa Vi kiểm soát hạ tầng cơ sở thông tin thế hệ thứ 5. Khi đó, người Trung Quốc sẽ có được khả năng đáng sợ để do thám cả thế giới. Bắc Kinh thì la toáng lên đó chỉ là "âm mưu nhằm ngăn chặn họ phát triển".

Theo Le Figaro, "vụ Hoa Vi nói lên rất nhiều điều về thế giới của chúng ta hiện nay, về những thách thức và mối tương quan lực lượng trong tương lai. Đó là trận chiến thương mại, công nghệ và cả địa chính trị. Cuộc đấu đó nằm trong cuộc cạnh tranh lớn để thống trị thế giới mà Mỹ và Trung Quốc đang lao vào".

Châu Âu bắt đầu thức tỉnh

Le Figaro nhận định : "Đối với các nước Châu Âu, cú sốc Hoa Vi phải làm cho họ thức tỉnh. Trong một thời gian dài, các nước Châu Âu vẫn còn mê mẩn với sự phát triển ấn tượng Trung Quốc. Đã đến lúc Châu Âu phải tỏ cho thấy bớt ngây thơ trước một đối tượng luôn tự thoát ra ngoài luật chơi. Nếu Châu Âu không đầu tư cải tiến cho những lĩnh vực chiến lược, sự lệ thuộc công nghệ sẽ gia tăng một cách nguy hiểm. Châu Âu sẽ còn bị bất ngờ về cuộc chơi lớn giữa Mỹ và Trung Quốc".

Trong bối cảnh đó, Le Figaro ghi nhận Châu Âu bắt đầu hoảng loạn không biết hành động thế nào khi sực tỉnh ra mối nguy hiểm mới trong khi mà Hoa Vi đã cắm rễ khá sâu trên lục địa này và nhất là các nước Châu Âu có thể bị tụt hậu nếu tiếp tục làm ngơ cho Hoa Vi. Cuộc chiến của Châu Âu với sự bành trướng công nghệ của Trung Quốc mới chỉ bắt đầu.

5G made in China đe dọa thế giới ?

Trong bài viết dài về vụ Hoa Vi, Le Figaro cho biết : "Hồi tháng 7 vừa qua, tại Nova Scotia, một tỉnh của Canada, lãnh đạo tình báo của nhóm "5 Eyes" gồm Mỹ, Anh, Úc , New Zealand và Canada đã bí mật gặp nhau để báo động. Đã đến lúc nghiêm trọng. Mạng G5 ra mắt 2019 có nguy cơ giúp Trung Quốc có được khả năng thao túng cuộc cách mạng công nghệ sắp tới. Hoa Vi đã đi đầu trong công nghệ mới này. Đó là công nghệ làm cột sống kinh tế tương lai. Xe hơi không người lái, đồ dùng kết nối, trí thông minh nhân tạo : Trong tương lai tất cả đều phải dựa vào mạng truyền tải dữ liệu tin tốc độ cao đó". Le Figaro dẫn nhận định của chuyên gia nhân khẳng định cái được mất trong cuộc cạnh tranh Mỹ -Trung đó chính là kiểm soát tương lai.

Để bổ sung thêm cho chủ đề chính là mối đe dọa của Hoa Vi. Le Figaro có một bài viết khác mang tiêu đề : "Mạng 5G, vũ khí quyết định để thắng trận chiến tương lai".

Tác giả bài viết khẳng định mạng 5G là một trong những chìa khóa của cuộc chiến trong tương lai. Rất nhiều ứng dụng công nghệ hiện đại phải cần đến mạng 5G. Đó sẽ là một cuộc cách mạng thực sự trong lĩnh vực dân sự cũng như quân sự. Với tốc độ đường truyền nhanh gấp 20 lần 4G (tới 10 gigabits /giây), 5G cho phép truyền tải một lượng khổng lồ dữ liệu, một yếu tố chủ chốt trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo.

Pháp chuẩn bị ứng phó với Brexit không thỏa thuận

Chuyển qua nhật báo Libération. Chiếm trang nhất của tờ báo là chủ đề Brexit. Libération phác họa một cách chắc chắn viễn ảnh nước Anh rời Châu Âu không thỏa thuận vào ngày 29/03 tới đây.

Mối quan tâm của tờ báo là "Nước Pháp chuẩn bị thế nào" cho kịch bản xấu này ? Tờ báo nhắc lại : "ngày 17 tháng Giêng, thủ tướng Edouard Philippe đã ấn nút đỏ. 48 giờ sau khi Quốc hội Anh bác bỏ thỏa thuận của chính phủ Anh với Bruxelles về Brexit, chính phủ Pháp đã khởi động kế hoạch đối phó với kịch bản nước Anh ra đi không thỏa thuận".

Libération cho biết, Paris đã chuẩn bị 200 biện pháp ưu tiên từ mùa xuân 2018. Đó là các biện pháp liên quan đến các điểm kiểm tra biên giới, quyền của kiều dân Anh tại Pháp, giao thông vận tải, các hoạt động tài chính cho đến việc làm sao tiếp tục chuyển giao thiết bị quốc phòng giữa hai nước. Mục tiêu là bảo đảm trong từng lĩnh vực vẫn duy trì được tính liên tục tối thiểu bất chấp Brexit.

Libération ghi nhận "Nhiều nhà bình luận, các giới chức có tranh nhiệm ở 2 bên bờ biển Manche đồng thanh nói tới một tai họa. Người ta có thể dự đoán 1000 tình huống rắc rối ở biên giới, vô số các rầy rà trong thủ tục hành chính, sự xáo trộn trong một số lĩnh vực như nghề đánh bắt cá, giá cả một số sản phẩm tiêu dùng liên quan đến tái lập thuế quan đảo lộn, kinh tế bị chậm lại do các doanh nghiệp từ một tháng nay trong tình trạng bất ổn…" Cuối cùng Xã luận Libération nhận xét : Tất cả những chuyện đó thật phi lý, nhưng về lâu dài Vương Quốc Anh cũng như những nước khác bên ngoài vẫn phải làm ăn buôn bán với Châu Âu.

Libération cho biết thêm có 3 lĩnh vực quan trọng sẽ bị tác động nhiều bởi Brexit. Đó là lĩnh vực chế biến nông phẩm. Các nhà xuất khẩu Pháp lo sợ họ sẽ phải đón bão. So với các lĩnh vực kinh tế khác thì đây là ngành sẽ bị mất mát nhiều nhất trong viễn cảnh Brexit không thỏa thuận. Pháp đứng sau Hà Lan, là nhà cung cấp đứng thứ 2 cho Anh Quốc các mặt hàng nông phẩm với trị giá 5 ,9 tỷ euro/năm.

Ngành thứ 2 phải hứng chịu nhiều tổn thất bởi Brexit là hàng không. Airbus đã phải chuẩn bị rút bỏ bớt các dự án hoạt động tại Anh từ đầu năm nay. Ngành thứ 3 là du lịch. Đây là ngành kinh tế mà từ vài năm gần đây Pháp chiếm đầu bảng. Nhưng Brexit không thỏa thuận có thể hãm lại tốc độ phát triển nhưng chắc chắn chính phủ Pháp sẽ phải có các quyết định về visa để tạo điều kiện cho khách Anh vẫn qua Pháp du lịch dễ dàng.

Mỹ : Tư pháp soi lại lễ nhậm chức của tổng thống Donald Trump

Trở lại với nhật báo Le Figaro, tờ báo có bài đáng chú ý "Lễ nhậm chức tổng thống của Donald Trump bị tư pháp liên bang soi".

Tờ báo cho hay, thứ Hai đầu tuần này, Ủy ban tổ chức lễ nhậm chức tổng thống Mỹ ngày 20 tháng Giêng năm 2017 đã nhận được trát của chưởng lý Manhattan yêu cầu nộp lại tất cả các tài liệu về những khoản tiền tài trợ, chi tiêu và các hợp đồng và cả các giấy mời liên quan đến sự kiện trên. Các nhà điều tra liên bang dường như trước đó đã cố gắng làm sáng tỏ về nguồn gốc một số nguồn tiền, tính hợp pháp về một số khoản chi tiêu và sự có mặt khá bất thường trong buổi lễ của khoảng một chục nhà tài phiệt người Ukraina, thân cận với Nga.

Theo Le Figaro, do ông Trump giành chiến thắng khá bất ngờ trong cuộc bầu cử tổng thống hôm 8/11/2016, ủy ban tổ chức lễ nhậm chức được thành lập vội vàng. Nhưng chỉ trong 72 ngày bộ phận này quyên góp được 107 triệu đô la, một khoản tiền kỷ lục cho buổi lễ nhậm chức của tổng thống Trump. Trong số các nhà hảo tâm có nhiều tỷ phú chi ra tới cả triệu đô la. Điều các nhà điều tra quan tâm là những đối tượng sẵn sàng bỏ khoản tiền lớn chi cho lễ nhậm chức tổng thống của ông Trump, những người có những mối quan hệ làm ăn với người thân cận của ông Donald Trump cần phải làm rõ.

Theo Le Figaro, cuộc điều tra về ban tổ chức lễ nhậm chức tổng thống của ông Trump được bắt đầu từ mùa xuân năm trước, khi FBI phát hiện trong số các đoạn ghi âm nói chuyện điện thoại có một cuộc hội thoại giữa Michael Cohen, luật sư riêng của ông Trump, với Stephanie Winston Wolkoff về chi tiêu cho buổi lễ nhậm chức 20 tháng Giêng 2018.

Bà Winston, bạn thân của đệ nhất phu nhân Melania Trump có công ty WIS Media Partner và trở thành nhà cung cấp dịch vụ số 1 cho lễ nhậm chức. Bà đã thu về 25,8 triệu đô la cho các dịch vụ khác nhau, trong đó đút túi 1,6 triệu, phần còn lại chia cho các tầu phụ. Bà này đã bị cách chức cố vấn của đệ nhất phu nhân sau khi thông tin trên bị phát giác.

Vẫn theo Le Figaro, ban tổ chức đã chi 77 triệu đô la cho các cuộc hội họp, nghi lễ hội hè và trong đó có cả 10 nghìn đô la tiền "trang điểm". Các khoản chi tiêu đó không có gì đáng trách cả nhưng nhận tiền của người nước ngoài cho các công việc quốc gia là bị cấm ở Mỹ. Các nhà điều tra đang tìm hiểu tại sao lại có khá đông người Ukraina có mặt trong lễ nhậm chức và các bữa tiệc sau đó. Báo New York Times phát giác là những nhân vật đó đều có quan hệ và được cho là thân Moskva.

Anh Vũ

Published in Quốc tế
jeudi, 03 janvier 2019 15:16

Huawei và an ninh quốc gia

Huawei là một công ty viễn thông và thiết bị điện tử tiêu dùng khổng lồ đa quốc gia của Trung Quốc. Một số sự kiện cơ bản về công ty :

- Có hơn 170.000 nhân viên,

- Hiện là nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới,

- Do một kĩ sư từng phục vụ trong Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) thành lập năm 1987,

- Đầu tư rất nhiều vào nghiên cứu và phát triển (R & D), và

- Tên công ty có nghĩa là "Trung Quốc có thể" (Hoa Vi).

Gần đây Huawei xuất hiện nhiều trên các bản tin vì Mạnh Vãn Chu (Meng Wanzhou), giám đốc tài chính và là con gái của người sáng lập công ty, đã bị bắt ngày 1 tháng 12 ở sân bay Vancouver. Canada thực hiện lệnh bắt theo yêu cầu của Mĩ, quốc gia đang tìm cách dẫn độ Mạnh Vãn Chu vì cáo buộc bà này là đã vi phạm các biện pháp trừng phạt Iran về kinh tế và tài chính…

hoavi1

Mỹ đã vận động các đồng minh ngăn chặn Huawei tham gia kế hoạch mạng không dây 5G. © Reuters

Nhưng vi phạm những biện pháp trừng phạt Iran mà người ta cáo buộc chỉ là chuyện nhỏ so với rủi ro thực sự mà Huawei đặt ra cho an ninh quốc gia. Đấy chủ yếu là công nghệ 5G.

5G là thế hệ thứ năm trong công nghệ truyền thông không dây. Nó được thiết kế để hoạt động ở tần số cao hơn công nghệ 4G hiện nay ; với tốc độ truyền dữ liệu nhanh hơn hẳn.

5G sẽ nhanh như chớp. Công ty viễn thông Verizon nói rằng mạng 5G của họ có thể sẽ nhanh hơn 200 lần so với tốc độ 5Mbps mà nhiều người hiện đang sử dụng trên 4G LTE (4G LTE là một chuẩn cho truyền thông không dây tốc độ dữ liệu cao dành cho điện thoại di động và các thiết bị đầu cuối – ND). Điều đó có nghĩa là tốc độ 5G sẽ đạt 1Gbps, hiện là tốc độ nhanh nhất do Google Fiber cung cấp. Với tốc độ đó, bạn sẽ có thể tải một bộ phim HD chỉ trong bảy giây. Tốc độ dự kiến sẽ tăng thậm chí còn hơn 1 Gbps.

Hi vọng rằng 5G sẽ được triển khai vào năm 2020. Sau đó, nó sẽ nhanh chóng được tích hợp hoàn toàn vào hệ thống truyền thông không dây ở tất cả các nước trên toàn thế giới. Và, Huawei sẽ có vai trò là nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới. Huawei đã vượt qua Ericsson để trở thành nhà cung cấp viễn thông lớn nhất ở Châu Âu. Với vai trò như thế, các sản phẩm của công ty này sẽ ăn sâu bén rễ vào mạng 5G ở Châu Âu.

Nhưng lo ngại về an ninh quốc gia không liên quan gì đến tốc độ tải phim. Mà là sợ hãi hoàn toàn có lý rằng các thiết bị do Huawei sản xuất có thể được thiết kế với các cửa hậu, tạo điều kiện cho chính phủ cộng sản Trung Quốc truy cập nhằm thu thập thông tin tình báo và cho các mục đích bất chính khác.

Huawei kịch liệt phủ nhận mọi cáo buộc cho rằng họ có thể liên quan đến việc thu thập thông tin tình báo cho chính phủ Trung Quốc. Thực tế là không có công ty nào ở Trung Quốc không bị chính phủ Trung Quốc kiểm soát, nhất là những công ty trong lĩnh vực công nghệ cao. Ngoài ra, các tiêu chuẩn về đạo đức và pháp lý của Trung Quốc không phải là các tiêu chuẩn của phương Tây. Trung Quốc là một quốc gia tham lam và sẽ làm tất cả nhằm giành được lợi thế. Trường hợp điển hình : Quá trình vươn lên của Trung Quốc về kinh tế là do họ đã đánh cắp nhiều sở hữu trí tuệ và lừa dối, không thực hiện các quy định trong các hiệp định thương mại.

May là, chính quyền Trump không ngây thơ như các chính quyền trước đó. Họ không nhắm mắt làm ngơ trước những vụ lạm dụng về thương mại. Mùa hè vừa qua, Tổng thống Trump đã cấm chính phủ Mĩ và các nhà thầu của chính phủ sử dụng công nghệ Huawei – đây là một phần của Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng Quốc gia cho năm tài chính 2019 (Defense Authorization Act for fiscal year 2019).

Đe dọa an ninh quốc gia có thật đến mức ngay cả các đảng viên Dân chủ cũng lo lắng. Thượng nghị sĩ Mark Warner, phó chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện, kêu gọi áp dụng các biện pháp chế tài đối với các thiết bị của Huawei và thúc giục Canada cũng ban hành lệnh cấm tương tự đối với sản phẩm của hãng này. Và trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ 2018, Ủy ban Quốc gia Dân chủ (Democratic National Committee - DNC) đã cảnh báo các chiến dịch tranh cử là không sử dụng điện thoại hoặc các thiết bị khác của các nhà sản xuất Trung Quốc ZTE và Huawei – "ngay cả khi giá thấp hoặc miễn phí".

Chính quyền Trump đã gây sức ép buộc Châu Âu cấm thiết bị Huawei vì lý do an ninh. Kết quả là, các quốc gia như Vương quốc Anh, Pháp, Đức và Cộng hòa Séc đang xem xét kỹ lưỡng thiết bị Huawei khi họ chuẩn bị nhận báo giá cho việc xây dựng mạng 5G ở nước mình ngay đầu vào năm tới.

Dường như sức ép có hiệu lực. Tập đoàn viễn thông BT (BT) của Anh khẳng định : "Họ sẽ không mua thiết bị của công ty công nghệ Trung Quốc cho phần lõi của mạng không dây thế hệ tiếp theo. Công ty cũng cho biết họ sẽ loại bỏ công nghệ Huawei hiện đang dùng ra khỏi phần quan trọng nhất của mạng 4G trong vòng hai năm tới". Và, đầu tháng 12, Nhật Bản tuyên bố rằng họ cũng loại thiết bị Huawei và ZTE ra khỏi các hợp đồng của chính phủ vì những lo ngại về các cuộc tấn công mạng và rò rỉ thông tin tình báo.

Ngoài an ninh, Châu Âu còn có những lí do khác để xem xét những nghi ngờ về việc Huawei xâm nhập vào các mạng không dây. 5G là tương lai. Châu Âu có thể đã từng bị Mỹ cho ngửi khói trong lĩnh vực công nghệ, nhưng bị Trung Quốc bỏ lại phía sau sẽ là một viên thuốc đắng, rất khó nuốt. Và chuyện đó sẽ xảy ra nếu cơ sở hạ tầng không dây quan trọng của lục địa phải dựa vào nhà sản xuất Trung Quốc.

Khó mà nghĩ là các nước phương Tây thậm chí nghĩ rằng sẽ chấp nhận những thiết bị phần quan trọng trong cơ sở hạ tầng truyền thông của họ lại phụ thuộc vào công ty ở Trung Quốc cộng sản. Và tại sao họ chấp nhận ? Bởi vì thiết bị của Huawei rẻ hơn một chút so với các công ty phương Tây ? Hay là nhằm cung cấp cho quỷ dữ cái mà nó cần, như đồng chí Lenin thể hiện khi ông nói : "Các nhà tư bản sẽ bán cho chúng ta sợi dây thừng mà chúng ta sẽ dùng để treo cổ chúng".

Mà trước hết, Huawei tìm được bí quyết công nghệ ở đâu để có thể tiến xa, tiến nhanh như vậy ? Nó không phải là cây nhà lá vườn ở Trung Quốc. Họ đã tìm mọi cách để ăn cắp của phương Tây, chủ yếu là Mỹ. Chuyển giao công nghệ cũng là lĩnh vực mà chính quyền Trump đang xử lí.

Sợi dây thòng lọng đang siết chặt quanh cổ Huawei (và ZTE). So với đầu năm, cổ phiếu của công ty này đã giảm 55% và việc phương Tây loại bỏ công ty khỏi mạng 5G của mình chỉ làm cho triển vọng của nó mờ mịt hơn mà thôi. Và có lẽ quan trọng hơn, các nhà lãnh đạo cộng sản ở Trung Quốc đã nhận được thông tin chưa từng có từ trước tới nay : Nền kinh tế của họ phụ thuộc vào thiện chí của phương Tây đến mức nào.

Peter Skurkiss

Nguyên tác : Huawei and National Security, AmericanThinker, December 31, 2018

Phạm Nguyên Trường dịch

Nguồn : VNTB, 03/01/2018

Published in Diễn đàn

Phương Tây đề phòng với Hoa Vi của Trung Quốc

Ngày càng có nhiều quốc gia đề phòng tập đoàn cung cấp trang thiết bị viễn thông Trung Quốc Hoa Vi (Huawei). 

hoavi1

Quảng cáo công nghệ 5G của Hoa Vi (Huawei) tại triển lãm PT, Bắc Kinh, ngày 26/09/2018. Reuters/Stringer

"Hoa Vi chịu sức ép ngoại giao gia tăng từ mọi phía", theo nhật báo kinh tế Les Echos, vì chính quyền Mỹ tích cực vận động hành lang để loại tập đoàn của Trung Quốc khỏi các mạng truyền thông trong tương lai.

Hoa Kỳ và Úc cấm Hoa Vi tham gia thị trường mạng 5G tại hai nước này do lo ngại rủi ro về an ninh mạng. Chưa dừng ở đó, theo thông tin của Washington Post vào tuần trước, chính quyền Washington đang thuyết phục các đồng minh (Đức, Ý, Nhật Bản) ngừng hợp tác với Hoa Vi. Ngoài ra, chính quyền Mỹ còn hứa trợ giúp thêm tài chính để phát triển cơ sở hạ tầng cho các dự án ngừng sử dụng trang thiết bị của tập đoàn Hoa Vi. Lý do là cả Mỹ và Úc sợ rằng các sản phẩm của Hoa Vi bị chính quyền Bắc Kinh lợi dụng vào mục đích gián điệp, nghe lén...

Tại Châu Âu, Đức cũng đang xem xét để loại Hoa Vi khỏi dịch vụ cung cấp mạng 5G. Tương tự, Paris từ giờ cũng tỏ ra dè chừng với Hoa Vi dù tập đoàn Trung Quốc hoạt động tại Pháp từ hơn 15 năm nay. Trước đó, vào tháng 07/2018, Anh Quốc đã tiến hành quá trình kiểm tra độ tin cậy của các hệ thống, trong khi Hoa Vi cũng hoạt động rất mạnh ở thị trường Anh Quốc. Riêng tại Mỹ, chính quyền Washington, từ vài tháng nay, đi theo chiến lược loại Hoa Vi khỏi thị trường, thông qua một đạo luật cấm chính quyền mua trang thiết bị của tập đoàn Trung Quốc, tuy nhiên, Hoa Vi chỉ chiếm một thị phần nhỏ tại Mỹ.

Dù Hoa Vi trấn an rằng hoạt động hoàn toàn độc lập với Nhà nước Trung Quốc, nhưng dường như lời trấn an chưa đủ thuyết phục. Washington lo ngại cho tình hình tại các nước mà Mỹ đặt căn cứ quân sự. Dù Mỹ có vệ tinh riêng đảm bảo việc truyền tin nhạy cảm, nhưng một phần lớn khối lượng thông tin vẫn được trung chuyển qua các mạng thương mại. Mối lo ngại này là có cơ sở và trở nên nghiêm trọng hơn vì Hoa Vi đã trở thành nhà cung cấp trang thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, chiếm 22% thị phần toàn cầu, và là nhà cung cấp điện thoại thông minh thứ 2, chỉ sau Samsung.

Phát triển mạng 5G mở ra một cuộc chiến thương mại mới vì các nước sẽ phải mua trang thiết bị. Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc cũng đang tranh giành thị trường này. Một quan chức Mỹ giải thích với nhật báo Washington Post rằng những biện pháp đề phòng này trước hết là vì mục đích an ninh, trong bối cảnh Trung Quốc bị cáo buộc ngày càng gia tăng tấn công tin tặc trên thế giới. Ông nói : "Chúng tôi chia sẻ quan ngại của mình với một số nước bị đe dọa an ninh mạng trong cơ sở hạ tầng viễn thông. Khi các nước này hướng đến phát triển mạng 5G, chúng tôi nhắc lại mối lo ngại này".

Giờ thì phải chờ xem khuyến cáo của Washington có thật sự được lắng nghe, vì trên thực tế, hiện chỉ có một nhà cung cấp trang thiết bị cho mạng 5G, đó lại là Hoa Vi, theo ông Neil McRae, phụ trách thiết kế mạng của nhà cung cấp viễn thông Anh BT.

Quyền lợi của Trung Quốc ở Pakistan bị tấn công

"Lợi ích của Trung Quốc tại Pakistan bị tấn công". Lần đầu tiên, phong trào ly khai Quân Đội Giải Phóng Balochistan tiến hành một cuộc tấn công ngoài tỉnh Balochistan và nhắm vào các nhà ngoại giao Trung Quốc ở Karachi.

Theo thông tín viên của báo Le Monde, đây là cái giá mà Trung Quốc phải trả cho sự hiện diện ngày càng mạnh mẽ tại Pakistan, nơi Bắc Kinh đầu ti 62 tỉ đô la vào vành đai kinh tế. Nằm ở phía tây nam Pakistan, tỉnh Balochistan có nguồn dầu khí và khoáng sản dồi dào nhất Pakistan nhưng lại nghèo nhất nước. Bạo lực liên tục hoành hành trong vùng từ phía phe ly khai, tấn công thánh chiến và bị quân đội Pakistan trấn áp.

Dự án xây dựng vành đai kinh tế Trung Quốc càng khiến người dân phẫn nộ, một mặt do không tạo đủ việc làm cho dân địa phương vì Trung Quốc đưa nhân công sang, mặt khác do "Trung Quốc là đồng minh của một chính phủ và một quân đội chuyên áp bức họ", theo phân tích của chuyên gia Malik Siraj Akbar.

Đường sá, cảng biển được xây dựng trong khi người dân quanh khu cảng Gwadar không có nước sạch và bị đuổi khỏi những vùng đất của họ. Đây là lý do mà phe ly khai Balochistan coi "sự hiện diện của Trung Quốc trong vùng như một cuộc xâm lược thứ hai (người dân Pakistan ở các vùng khác được coi là những kẻ thực dân thứ nhất). Người dân Balochistan yêu tự do, Balochistan không giống như Tân Cương".

Trung Quốc cũng phải đối mặt với nguy cơ khủng bố ở Pakistan. Nhưng theo trấn an của thủ tướng Imran Khan, "những biến cố như vậy sẽ không thể phá hoại quan hệ Pakistan-Trung Quốc. Mối bang giao này còn mạnh hơn cả dãy núi Himalaya và sâu hơn cả biển Ả Rập".

Đài Loan : Đảng Dân Tiến cầm quyền thất bại trong bầu cử địa phương

Cuộc bầu cử địa phương tại Đài Loan, với thất bại của đảng Dân Tiến cầm quyền, thậm chí ngay cả tại thành phố Cao Hùng, cứ địa của đảng từ vài thập niên, được hai nhật báo Les Echos Le Figaro đưa tin.

"Tại Đài Loan, tổng thống cấp tiến bị trừng phạt", theo Le Figaro. Trong bài viết "Tại Đài Loan, đảng cầm quyền bị thất bại nghiêm trong trọng cuộc bầu cử", nhật báo kinh tế Les Echos cho rằng đảng Dân Tiến phải trả giá vì những khó khăn mà tầng lớp trung lưu Đài loan đang phải đối mặt, sức mua bị chững lại trong khi giá cả tăng, đặc biệt là bất động sản.

Một bài học khác đối với đảng Dân Tiến là vai trò của Bắc Kinh trong đợt vận động tranh cử. Rất nhiều người dân Đài Loan bị thuyết phục rằng nền kinh tế địa phương xấu đi là vì quan hệ với Hoa lục căng thẳng hơn dưới thời tổng thống Thái Anh Văn.

Theo Les Echos, để có thể giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, bà Thái Anh Văn nên lắng nghe tiếng nói của dân : san bằng xung đột với Trung Quốc để thổi luồng sinh khí mới cho nền kinh tế, nhưng cũng không được quá hòa hoãn với người láng giềng khổng lồ. Ngoài ra, bà Thái Anh Văn còn có nhiệm vụ rất tế nhị là xoa dịu ý đồ độc lập của một bộ phận dân chúng.

Anh và Liên Hiệp Châu Âu ký giấy ly hôn

Tất cả các nhật báo Pháp, trừ Le Monde do ra từ hôm trước, đều đưa tin về cuộc chia tay trong êm ấm (soft Brexit), được ký ngày 25/11/2018, giữa Liên Hiệp Châu Âu và Anh Quốc.

"Brexit : thỏa thuận ly hôn giữa Luân Đôn và Bruxelles" là hàng tựa trên trang nhất của Les Echos. Đây là thỏa thuận tốt nhất có thể cho cả hai bên, nhưng thủ tướng Theresa May sẽ còn phải đối mặt với sóng gió tại Nghị Viện Anh vào tháng 12 để được bật đèn xanh đi đến phê chuẩn thỏa thuận Brexit.

Ngoài thông tin về việc "Khối 27 đóng dấu ly hôn với Luân Đôn" trên trang nhất, Le Figaro đề cập đến quá trình đàm phán "không sai lầm của nhà thương thuyết bền bỉ Michel Barnier" từ tháng 10/2016. Uy tín của ông Barnier có thể được tóm tắt trong nhận định của một nhà ngoại giao : "Trong một cuộc đàm phán khó khăn như vậy, mà trong vòng hai năm, ông ấy có được niềm tin từ Liên Hiệp Châu Âu và phía đối tác Anh chưa bao giờ thật sự tìm cách lay chuyển ông".

Bên cạnh hình ảnh thủ tướng Anh Theresa May vẫy tay tạm tiệt, trang nhất của Libération đưa tít lớn "Brexit : Hẹn sớm gặp lại" với "những giọt nước mắt" theo tiêu đề bài xã luận. Hơn một thế kỷ gắn bó, cùng trải qua những thời điểm khó khăn, tăm tối trong lịch sử qua hai cuộc chiến, vụ ly hôn kỳ lạ khiến mỗi bên đều muốn rơi nước mắt. Điều có thể an ủi là hiện mọi mối quan hệ vẫn chưa bị cắt đứt hết vì thủ tướng Anh muốn ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu nhưng không từ giã hẳn.

La Croix đề cập đến "những cuộc đàm phán về Brexit bước vào một giai đoạn mới" để xây dựng mối quan hệ tương lai giữa hai bên. Những hồ sơ được ưu tiên là đánh bắt hải sản, cạnh tranh công bằng.

Về mặt ngư nghiệp, Bruxelles và Luân Đôn cam kết ký một thỏa thuận chậm nhất là vào ngày 01/07/2020 liên quan đến hoạt động trong các vùng biển và phân bổ quota đánh bắt. Về thương mại, Anh Quốc sẽ phải duy trì các quy định gần với quy định của Liên Hiệp Châu Âu về các mặt xã hội, môi trường, thuế khóa nhằm đảm bảo công bằng cho các doanh nghiệp hai bên.

Paris thất thủ trước phong trào "Áo vàng" chống tăng thuế xăng dầu

Hồi hai của phong trào "Áo vàng" (Gilets jaunes) chống tăng thuế xăng dầu diễn ra trên khắp nước Pháp ngày 24/11 là một chủ đề khác được các nhật báo chú ý.

Đại lộ Champs-Elysées ở Paris, bị cấm biểu tình, vẫn tràn ngập mầu áo vàng. Rào chắn bị lôi ra làm chướng ngại vật, bàn ghế của nhiều tiệm cà phê bị đốt phá, một vài cửa hàng thương hiệu nổi tiếng bị hôi của… Theo trang nhất của Les Echos, "Thiệt hại kinh tế do phe "Áo vàng" rất nặng nề". Một cuộc họp diễn ra trong hôm nay (26/11) tại Bộ Kinh tế trong bối cảnh giai đoạn mua sắm dịp lễ cuối năm đang cận kề. Libération thì cho rằng bộ trưởng Nội vụ Castaner lại cố giảm bớt quy mô của các vụ bạo lực và phá hoại trên đại lộ Champs-Elysées.

Nhật báo Le Figaro nhận định "Giữa Macron và "Áo vàng", cuộc đọ sức càng rõ nét" cùng với bài nhận định "Bạo lực trên đại lộ Champs-Elysées : Phân tích tình trạng hỗn loạn", vì ngoài khoảng 3.000 người biểu tình, còn có hơn 100 kẻ chuyên đập phá trà trộn trong đám đông.

Với La Croix, cần phải nối lại đối thoại, phải "tái cân bằng các chính sách để giảm bớt sứt mẻ xã hội". Xã luận của nhật báo công giáo cho rằng "từ hơn một năm rưỡi nay, Emmanuel Macron đã dũng cảm tiến hành cải cách. Hiện nay, tổng thống Pháp cũng cần dũng cảm như thế để hướng tới công bằng".

Bài phát biểu của tổng thống Pháp vào ngày mai (27/11) về Kế hoạch Năng lượng đang được chờ đón. Xã luận của Le Monde cho rằng phải "làm sáng tỏ chính sách năng lượng của chúng ta". Luật chuyển đổi năng lượng được thông qua năm 2015 nhắm đến hai mục tiêu : đối đầu với thách thức biến đổi khí hậu bằng cách giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính ; đa dạng hóa hỗn hợp điện bằng cách giảm bớt phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân.

Để đạt được hai mục tiêu trên, chính phủ Pháp hành động trên nhiều mặt trận. Thứ nhất, giảm mức tiêu thụ năng lượng của các tòa nhà (chiếm 45% và phát thải 19% khí gây hiệu ứng nhà kính), bằng cách cải thiện và phát triển quỹ nhà "sạch" sử dụng ít năng lượng. Tiếp theo là giảm lượng khí thải do phương tiện giao thông, phát thải đến 29% khí CO2, nhờ một số biện pháp như phát triển phương tiện sử dụng điện, đi chung xe, sử dụng xe đạp, giao thông công cộng. Cuối cùng, là sản xuất điện. Tại Pháp, điện hạt nhân chiếm đến 75% thị phần và gần như không thải khí CO2. Từ giờ đến trước năm 2022, bốn nhà máy nhiệt điện cuối cùng ở Pháp sẽ bị đóng cửa. Việc cần làm là lập được dự án hỗn hợp điện cho 10 năm tới.

Bài xã luận cho rằng cần phải dấn thân vào con đường đầy tham vọng này để cho phép Pháp bù đắp thời gian đã mất trong lĩnh vực này.

Thu Hằng

Published in Quốc tế