Việt Nam cũng "ngán" Hoa Vi (RFI, 26/08/2019)
Việt Nam đang muốn trở thành quốc gia đầu tiên ở Châu Á triển khai mạng 5G, nhưng không muốn sử dụng công nghệ điện thoại di động của tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi, theo hãng tin Bloomberg ngày 26/08/2019.
Gian hàng Hoa Vi tại Triển lãm điện thoại di động Bangkok, 31/05/2019. Reuters
Viettel, tập đoàn viễn thông của bộ Quốc Phòng Việt Nam sẽ triển khai thiết bị của Ericsson AB ở Hà Nội và công nghệ của Nokia Oyj tại Sài Gòn, theo lời lãnh đạo tập đoàn Lê Đăng Dũng. Viettel cũng sử dụng chip 5G của Qualcomm và một công ty khác của Mỹ.
Trả lời Bloomberg News tại trụ sở của tập đoàn tại Hà Nội, ông Lê Đăng Dũng nói : "Chúng tôi sẽ không làm việc với Hoa Vi ngay bây giờ, vì đây là điều rất nhạy cảm. Có những thông tin rằng sử dụng thiết bị Hoa Vi không an toàn, cho nên lập trường của Viettel là nên sử dụng những thiết bị an toàn hơn. Cho nên chúng tôi đã chọn Nokia và Ericsson từ Châu Âu".
Viettel là công ty viễn thông lớn nhất Việt Nam, hiện có đến 60 triệu khách hàng trên tổng số 96 triệu dân. Nhưng theo Bloomberg, các công ty nhỏ hơn có vẻ cũng ngán ngại Hoa Vi. Mobifone đang sử dụng điện thoại Samsung, còn Vinaphone thì đang cùng với đối tác Nokia triển khai mạng 5G.
Như vậy là Việt Nam đang âm thầm ngã theo chính quyền Trump, hiện đã cấm Hoa Vi mua các công nghệ của Mỹ, do quan ngại về an ninh quốc gia. Quyết định của Việt Nam tẩy chay Hoa Vi khiến nước này trở thành ngoại lệ tại Đông Nam Á, nơi mà các quốc gia khác như Philippines, Thái Lan và Malaysia sẳn sàng triển khai công nghệ của Hoa Vi.
Ông Lê Đăng Dũng nhấn mạnh với Bloomberg rằng quyết định của Viettel không xài điện thoại Hoa Vi là vì lý do công nghệ, chứ không phải là do những yếu tố địa chính trị, không phải là do lệnh cấm của Mỹ đối với Hoa Vi.
Nhưng Bloomberg lưu ý rằng trong quá khứ, chính phủ Việt Nam vẫn nghi ngại các công nghệ từ Trung Quốc. Hà Nội đã bắt đầu xét lại việc sử dụng các công nghệ của Trung Quốc vào năm 2016 sau các vụ tấn công tin học vào hai sân bay Hà Nội và Sài Gòn, mà theo Việt Nam là do một nhóm tin tặc từ Trung Quốc tiến hành.
Tranh chấp chủ quyền biển đảo kéo dài từ nhiều năm qua khiến lòng tin của người Việt Nam đối với Trung Quốc đã suy giảm nhiều. Theo một cuộc thăm dò dư luận của viện Pew thực hiện vào năm 2017, chỉ 10% người dân Việt Nam có cái nhìn thiện cảm về Trung Quốc.
Bloomberg trích lời ông Lê Hồng Hiệp, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore : "Việt Nam không thể tin tưởng Trung Quốc. Họ không thể để những cơ sở hạ tầng thiết yếu của họ gặp nguy cơ lớn chỉ vì công nghệ Hoa Vi rẻ hơn những công ty khác".
Nikhil Batra, một nhà phân tích tại công ty IDC, cho rằng việc loại trừ Hoa Vi khiến cho các phương án về giá và về công nghệ của Viettel bị hạn chế. Theo ông Batra, Hoa Vi đã tiến rất xa trong lĩnh vực 5G so với các đối thủ, nhưng họ đang phải đối đầu với những luồng gió ngược do vấn đề an ninh.
Do các hệ thống điện thoại di động ngày càng có liên hệ chặt chẽ với an ninh quốc gia và an ninh kinh tế của một nước, cho nên chính phủ nào cũng phải xem xét kỹ lưỡng công nghệ được sử dụng. Nhưng theo giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam thuộc Đại học New South Wales, Úc, được Bloomberg trích dẫn, Việt Nam còn có một lý do khác để "né" Hoa Vi : Sử dụng thiết bị của Hoa Vi sẽ khiến Hoa Kỳ ngần ngại chia sẽ một số tin tình báo cho Việt Nam. Giáo sư Thayer nhắc lại rằng Mỹ đang gây áp lực để mọi quốc gia không sử dụng công nghệ của Hoa Vi.
Thanh Phương
*****************
Việt Nam không dùng công nghệ Huawei để phát triển mạng 5G (RFA, 26/08/2018)
Việt Nam dự định trở thành quốc gia ASEAN đầu tiên cung cấp mạng 5G mà không dùng kỹ thuật của Tập đoàn Trung Quốc Huawei. Bloomberg đưa tin hôm 26/8.
Ảnh minh họa. AFP
Bloomberg dẫn lời ông Lê Đăng Dũng, Giám đốc điều hành Viettel cho biết Viettel, nhà cung cấp dịch vụ di động lớn nhất Việt Nam thuộc sở hữu của Bộ Quốc phòng, sẽ triển khai thiết bị Ericsson AB, tại Hà Nội và công nghệ Nokia Oyj, tại Thành phố Hồ Chí Minh. Viettel cũng sẽ sử dụng bộ chip của Qualcomm và một công ty khác của Mỹ.
Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg từ Hà Nội, ông Dũng cho biết thêm, hiện nay Viettel sẽ không làm việc với Huawei vì đã có những thông tin cho rằng công ty này không an toàn về an ninh quốc gia, và Huawei hiện cũng đang gặp khó khăn ở Việt Nam do các công ty mạng khác cũng "tránh xa".
Theo báo chí trong nước, hiện nay các công ty mạng ở Việt Nam cũng không hợp tác với Huawei, chẳng hạn như mạng MobiFone đang sử dụng thiết bị của Samsung Electronics Co. ; Công ty Dịch vụ Viễn thông Việt Nam, hay còn được biết đến với tên Vinaphone, đã hợp tác với Nokia để triển khai mạng 5G.
Bloomberg cho rằng quyết định của Việt Nam tránh xa Huawei có vẻ như là một ngoại lệ ở Đông Nam Á, nơi các quốc gia khác như Philippines, Thái Lan và Malaysia đang mở ngỏ khả năng triển khai công nghệ Huawei.
Bloomberg cũng nhận định rằng dường như Việt Nam đang lặng lẽ đi theo chính quyền của Tổng thống Trump vốn đã cấm Huawei mua thiết bị của Mỹ vì lý do an ninh quốc gia.
Trong khi đó ông Lê Đăng Dũng lại cho rằng Việt Nam quyết định không sử dụng Huawei cho mạng 5G của Viettel là vấn đề kỹ thuật công nghệ chứ không liên quan đến địa chính trị. Mạng báo này trích lời ông Dũng nói rằng : "Chúng tôi quyết định không sử dụng Huawei, không phải vì lệnh cấm của Hoa Kỳ đối với Huawei, mà chúng tôi tự ra quyết định của mình".
Giáo sư Carl Thayer, thuộc Đại học New South Wales ở Úc lên tiếng cho rằng Việt Nam có một lý do khác để tránh công nghệ Huawei do mong muốn tăng cường quan hệ an ninh và kinh tế với Hoa Kỳ, bởi việc triển khai cơ sở hạ tầng Huawei 5G có thể khiến Mỹ miễn cưỡng chia sẻ một số thông tin tình báo với Việt Nam.
Năm 2016, khi các cuộc tấn công mạng xảy ra tại hai sân bay lớn ở Việt Nam là Tân Sơn Nhất và Nội Bài, chính phủ Việt Nam lúc đó đổ lỗi cho một nhóm tin tặc từ Trung Quốc và tuyên bố sẽ xem xét việc sử dụng công nghệ Trung Quốc.
*******************
Việt Nam tăng nhập hàng từ Trung Quốc (RFA, 26/08/2019)
Chỉ trong 7 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập khẩu 42,5 tỷ đô la Mỹ hàng hóa Trung Quốc, tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ảnh minh họa. Lượng hàng hóa nhập từ Trung Quốc trong một bến cảng Việt Nam - RFA
Tổng cục Hải quan thống kê như vừa nêu. Theo đó những mặt hàng được nhập nhiều nhất từ Bắc Kinh sang Hà Nội gồm máy móc, thiết bị, phụ tùng tăng 49% so với cùng kỳ năm 2018 ; sản phẩm máy vi tính, điện tử, linh kiện tăng 66% ; và phụ liệu dệt may, da giày tăng 11%.
Trung Quốc tiếp tục trở thành thị trưởng lớn nhất cung cấp sắt thép các loại vào Việt Nam với gần 3,5 triệu tấn, trị giá 2,2 tỷ đô la, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự với hóa chất và các sản phẩm hóa chất Trung Quốc, Việt Nam nhập trên 1,8 tỷ đô la, tăng 8,1% trong cùng kỳ năm 2018.
Theo báo cáo của Công ty chứng khoán KB đưa ra gần đây, nguyên nhân Việt Nam tăng nhập hàng hóa Trung Quốc là do đồng Nhân dân tệ của Bắc Kinh bị giảm giá so với tiền Việt Nam và do ảnh hưởng của thương chiến Mỹ - Trung.
Vẫn theo số liệu Cục Hải quan, tính đến hết tháng 7, lượng xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ đạt 33 tỷ đô la Mỹ, tăng hơn 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều chuyên gia lo ngại có thể nhiều hàng hóa Trung Quốc được nhập vào Việt Nam để "rửa xuất xứ rồi tái xuất qua Mỹ để né thuế".
Trong khi đó, chính phủ Hà Nội gần đây cho biết sẽ kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm khắc các hành vi gian lận thương mại, hàng nước ngoài lấy mác hàng Việt xuất sang thị trường khác.