Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

15/02/2019

Huawei tiếp tục gây tranh cãi trên thương trường quốc tế

Tổng hợp

Tại sao Châu Á vẫn chưa thôi Huawei ? (BBC, 15/02/2019)

Công ty viễn thông khổng lồ Trung Quốc Huawei đang phải đối mặt với các phản ứng dữ dội trên toàn cầu nhưng có vẻ nó vẫn đang được ưa chuộng ở các nước Châu Á.

huawei1

Công ty viễn thông khổng lồ Trung Quốc Huawei có vẻ được ưa chuộng ở các nước Châu Á. GETTY IMAGES

Dù Mỹ đang gây áp lực buộc các đồng minh ở Châu Âu phải đóng cửa với Huawei, lo ngại rằng công ty này đang hoạt động do thám cho chính phủ Trung Quốc.

Một số công ty viễn thông Châu Á đã nói với tôi rằng "công việc làm ăn vẫn bình thường" đối với Huawei ở nước họ.

Huawei luôn phủ nhận rằng họ là một mối đe dọa bảo mật và nói rằng họ sẽ không bao giờ làm tổn thương khách hàng của mình.

Công ty cũng đã bị Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cáo buộc ăn cắp bí mật thương mại và phá vỡ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.

Nhưng điều đó đã không làm giảm sức hấp dẫn của nó đối với khách hàng Châu Á.

Huawei là một trong những nhà cung cấp thiết bị viễn thông chính cho các nhà khai thác tiến hành thử nghiệm 5G tại Philippines, Singapore, Malaysia và Thái Lan.

Và mới đây, trong cuộc phỏng vấn với tờ Nikkei Asia Review, đại diện công ty này tuyên bố "tự tin sẽ tăng trưởng tại Việt Nam".

Các nguồn tin trong ngành cho biết các đối thủ cạnh tranh không thể sánh với Huawei về chi phí và khả năng công nghệ.

5G là gì ?

Internet tốc độ cao đã được mô tả là cột sống của nền kinh tế hiện đại và 5G là một phần quan trọng trong đó. Vì nó có đầy đủ các chức năng, và dự kiến sẽ biến đổi cách chúng ta sử dụng internet.

Huawei cũng là nhà cung cấp chính cho các nhà khai thác viễn thông tại các thị trường mới nổi, như Campuchia, nơi mạng 4G hiện tại của Huawei được xem như một phần không thể thiếu.

huawei2

Huawei cũng là nhà cung cấp mạng 5G - GETTY IMAGES

Ở mức cơ bản, 5G có nghĩa là có thể tải xuống một video dài trong chỉ vài giây. Theo một cách tinh vi hơn thì hãy nghĩ đến những chiếc xe tự động, ngôi nhà thông minh hay những thành phố được phủ sóng internet toàn bộ.

Một mạng 5G an toàn và bảo mật sẽ rất quan trọng đối với một nền kinh tế hiện đại trong tương lai, Tom Uren từ Viện Chính sách chiến lược Úc (ASPI) nói.

Và đó là lý do tại sao Huawei đang bị dò xét đến như vậy.

"Mặc dù không có công ty nào tạo ra các sản phẩm hoàn toàn an toàn, Huawei có những rủi ro bên lề còn lớn hơn rủi ro 'thông thường' khi mua một thiết bị phức tạp," ông Uren viết trong một bài đăng trên trang web của ASPI.

Ông Uren chỉ ra mối liên hệ chặt chẽ giữa chính phủ Trung Quốc và các công ty địa phương, và nói rằng các công ty Trung Quốc bắt buộc phải tuân thủ việc hợp tác, hỗ trợ và giúp đỡ công tác tình báo".

"Thiết bị sẽ bao gồm mạng 5G không chỉ là một thiết bị thụ động," ông viết.

"Nó có toàn bộ khả năng hiển thị và kiểm soát tất cả các kết nối trong mạng. Nó sẽ xem ai gọi cho ai, khi nào, từ đâu và kiểm soát tuyến dữ liệu nào được gửi xuống".

Huawei - rẻ hơn và tốt hơn ?

Huawei được cho là đi trước một năm so với các đối thủ về công nghệ về những gì họ có thể cung cấp cho khách hàng, theo các nguồn tin trong ngành.

huawei3

Không chỉ có công nghệ tốt, dịch vụ chăm sóc khách hàng của Huawei cũng tốt hơn hẳn một số hãng phương Tây ?

Globe Telecoms tại Philippines đã hợp tác với Huawei từ năm 2011 để giúp hiện đại hóa mạng lưới cơ sở hạ tầng viễn thông.

Cuối năm nay, Globe có kế hoạch đưa khách hàng lần đầu tiên được kết nối internet hoàn toàn khi sử dụng thiết bị Huawei để cung cấp kết nối 5G ở các khu vực của Manila, nơi không có internet.

"5G là một khối xây dựng quan trọng cho khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Philippines. Đây là lý do chúng tôi đang tăng tốc nỗ lực triển khai 5G, vì vậy chúng tôi có thể cung cấp cho càng nhiều người Philippines tiếp cận công nghệ này càng tốt," giám đốc công nghệ và thông tin của Globe, Gil Genio, nói trong một tuyên bố với BBC.

Đối với nhiều quốc gia ở Châu Á, việc cấm Huawei theo cách mà Mỹ và Úc là không thực tế.

Tuy có vài lựa chọn khác nhưng để tìm ra một nhà cung cấp khác có thể đánh bại mức giá mà Huawei đưa ra là khó khăn.

Mặc dù các hãng viễn thông hoặc Huawei sẽ không tiết lộ chi phí đối với khách hàng, nhưng nhiều người cho rằng công ty Trung Quốc sẽ giảm giá thậm chí đến 10% so với các công ty khác trên thị trường.

Và sau cùng là dịch vụ chăm sóc khách hàng của Huawei - các nhà phân tích nói rằng Huawei đã đi xa hơn bằng cách thiết lập một mạng lưới hỗ trợ khách hàng ở các quốc gia mà các công ty phương Tây thường bỏ qua vì cho rằng không đủ quan trọng.

Nhưng mối lo ngại cũng gia tăng

Nhưng trong khi có nhiều quốc gia ở Châu Á cam kết với Huawei, mối lo ngại vẫn đang tăng lên. Theo các nhà phân tích bảo mật, sự quan tâm của quốc tế về công ty Trung Quốc này đang khiến một số chính phủ Châu Á suy nghĩ lại về việc sử dụng các sản phẩm của Huawei.

Một công ty bảo mật nói với tôi rằng ngày càng có nhiều câu hỏi từ các khách hàng chính phủ về việc các sản phẩm của Huawei có vấn đề như thế nào và những bước họ có thể thực hiện để giảm thiểu những rủi ro đó.

Châu Âu thiết lập hệ thống giám sát đầu tư ngoại quốc (RFI, 15/02/2019)

Nghị Viện Châu Âu vào hôm qua, 14/02/2019, đã bật đèn xanh cho việc thiết lập một hệ thống giám sát đầu tư nước ngoài vào Châu Âu, đặc biệt trong các lãnh vực chiến lược. Văn kiện được thông qua với 500 phiếu thuận và 49 phiếu chống, thể hiện nỗi lo ngại ngày càng cao trước hiện tượng các tập đoàn ngoại quốc, nhất là của Trung Quốc, ra sức thâu tóm các công ty của Châu Âu trong những lãnh vực chiến lược.

huawei4

Tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi đặc biệt khiến Châu Âu lo ngại. Reuters/Dado Ruvic/Illustration

Thông tín viên Quentin Dickinson, tại Bruxelles giải thích :

Song song với hoạt động gián điệp kinh tế truyền thống, còn có một phương thức hợp pháp hơn và khó đối phó trong việc chiếm hữu bí mật công nghiệp của nước khác : đó là mua lại công ty của đối thủ.

Nhưng ở cấp cao hơn, tức chính sách kinh tế của các Nhà nước, các khoản đầu tư trực tiếp hay gián tiếp vào một lãnh vực đầy lợi nhuận nào đó của nước khác, có thể đi xa hơn và làm mất quyền tự chủ kinh tế của quốc gia đó.

Do đó, để tránh bị "nội ứng" thông qua các con ngựa thành Troie do Trung Quốc, Ấn Độ, Nga hay Mỹ cài vào, Châu Âu vừa thiết lập một hệ thống giám sát và thông tin chung, để hỗ trợ thêm cho các cơ chế thanh lọc có sẵn ở 14 trên 28 thành viên Liên Hiệp Châu Âu.

Được thông qua với đa số áp đảo, 500 phiếu thuận và chỉ có vỏn vẹn 49 phiếu chống, văn kiện đề nghị các quốc gia cung cấp thông tin về đầu tư nước ngoài sắp đến, nếu có liên quan đến trật tự hay an ninh công cộng. Có điều ảnh hưởng của văn kiện này cũng sẽ chỉ giới hạn vì quyền quyết định tối hậu cho đầu tư hay không vẫn thuộc về mỗi quốc gia.

Tuy nhiên, đối với nghị sĩ cánh hữu Franck Proust, báo cáo viên của văn kiện này, thì việc các quy định được thông qua là một tiến bộ lớn : Vấn đề rất đơn giản là nâng cao cảnh giác, chú ý đến những khoản đầu tư kỳ quặc, tức là không theo một lôgíc kinh tế mà là một lô gíc chính trị.

Theo các quy định mới, những lãnh vực cần giám sát đi từ ngành thông minh nhân tạo, robot, viễn thông, cho đến năng lượng, truyền thông, nước, y tế, hay an ninh lương thực…

Mai Vân

Quay lại trang chủ
Read 462 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)