Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

15/02/2019

Điểm báo Pháp - Khí hậu : Tuổi trẻ Châu Âu đứng dậy

RFI tiếng Việt

Khí hậu : Tuổi trẻ đứng dậy nắm lấy vận mệnh tương lai

Sinh viên học sinh Châu Âu phát động chiến dịch bảo vệ môi trường. Quyển sách điều tra gây chấn động Tòa thánh Vatican. Airbus A 380 thông báo hồi kết cuộc. Trên đây là những sự kiện lớn trên báo Pháp hôm nay.

khihau0

Ảnh minh họa - Một cuộc tuần hành bảo vệ khí hậu ở Paris, ngày 13/10/2018.® Reuters/Philippe Wojazer

Thứ Sáu 15/02/2019 là ngày học sinh, sinh viên Pháp xuống đường tham gia vào một phong trào bãi khóa khắp thế giới buộc nhà nước hành động đối phó khẩn cấp bảo vệ môi trường.

Chống biến đổi khí hậu, giới trẻ lên tuyến đầu. Từ Châu Âu đến Úc, cuộc phản công của giới trẻ bảo vệ môi trường. Tre già, măng mọc, sinh viên, học sinh dấn thân vào cuộc kháng chiến thế kỷ không cần sự tiếp tay của người lớn và công đoàn. Đó là tựa lớn của báo chí hôm nay.

Le Monde, với tựa "khi tuổi trẻ dấn thân vì khí hậu", cho biết mục tiêu đi tới của phong trào là đòi hỏi chính phủ phải có hành động cụ thể hơn, quy mô hơn chống nhiệt độ trái đất gia tăng. Vào lúc 14 giờ hôm nay, tại Paris và hơn 40 thành phố lớn, sinh viên, học sinh hẹn nhau xuống đường. Le Monde xem đây là một bài học là giới trẻ muốn dạy cho chính phủ. Thế hệ sinh viên ưu tú của các trường danh tiếng nhất của Pháp tham gia với bản kiến nghị-tuyên ngôn : Những ước mơ bằng cấp, địa vị trong một xã hội hài hòa không còn nữa trong một tương lai bất trắc do chiến tranh, nạn đói và làn sóng di dân đe dọa.

Trong cuộc tranh đấu vì tương lai sống còn, học sinh, sinh viên Pháp không đơn độc. Trái lại là đằng khác. Một mạng lưới mang tên "Tập hợp giáo chức vì tương lai hành tinh" huy động hơn một triệu giáo viên từ bậc mẫu giáo đến giáo sư đại học, tiếp tay với thế hệ học sinh, với niềm tin tạo thành một phong trào tranh đấu không còn phân biệt thầy trò, gia thế.

La Croix "đưa" phong trào môi trường tại Pháp vào cuộc tranh đấu chung của Châu Âu mà ngọn đuốc đầu tiên được đốt cháy lên tại Thụy Điển : nữ sinh 15 tuổi Greta Thunberg cứ trưa thứ Sáu lại ra ngồi biểu tình trước Quốc hội. Theo nhật báo công giáo, nếu giới lãnh đạo chính trị Pháp không đáp ứng sau cuộc biểu tình ngày hôm nay, học sinh, sinh viên Pháp sẽ tiến thêm một bước : bất phục tùng công dân, cụ thể là bãi khóa, không đi học. Nói cách khác, "giới trẻ Pháp tham gia kháng chiến", theo nhận định của La Croix. Chính phủ Pháp không dám xem thường phong trào hành động vì môi trường của sinh viên, học sinh và 4 tổ chức phi chính phủ, tác giả bản kiến nghị thu được 2,1 triệu chữ ký.

Trong bài xã luận "Giải pháp cuối cùng", Libération phân tích vì sao nhân loại có quyền hy vọng vào thế hệ trẻ dấn thân : Nơi có hiểm nguy cũng là nơi xuất hiện cứu tinh.

Nhật báo cánh tả dành trang bìa và 6 trang trong giới thiệu cuộc đấu tranh của giới trẻ khắp địa cầu từ Pháp, Anh, Bỉ, đến Thụy Điển, Úc. Bên cạnh cô học sinh Thụy Điển Greta Thunberg, tấm gương Colombia là một bài học cho các chính phủ. Năm 2015, tòa án tối cao Bogota ra phán quyết ủng hộ đơn kiện của 25 học sinh và buộc chính phủ chấm dứt nạn phá rừng.

Theo Libération, giới trẻ đứng trước ba điều bất hạnh : giáo dục nhút nhát không dạy các bộ môn cốt lõi của thế kỷ 21 như khí hậu, môi trường và đa dạng sinh thái. Hệ thống chính trị thiển cận chỉ giải quyết mối đe dọa khí hậu bằng biện pháp tình thế hơn là có một chiến lược khẩn cấp và lâu dài. Hệ thống thông tin báo chí tập trung vào thời sự giật gân và thường hay xếp các dữ kiện đáng báo động cho tương lai nhân loại xuống hàng thứ yếu.

Trong bài diễn văn từ giả khi hết nhiệm kỳ vào năm 2017, tổng thống Mỹ Barack Obama đã cảnh báo : không nhìn nhận Trái đất bị đe dọa diệt vong là phản bội thế hệ mai sau. Thế hệ cầm quyền hiện nay phải ý thức được nguy cơ này và phải hành động tức khắc vì chỉ còn hai năm nữa, nguy cơ diệt vong sẽ không thế đảo ngược.

Phong trào bất phục tùng công dân của giới trẻ Châu Âu, từ 15 đến 25 tuổi, theo Libération, thể hiện rõ thái độ nhút nhát, tê liệt hay mù lòa của giới lãnh đạo chính trị và doanh nhân. Cùng lúc, phong trào tranh đấu này cũng là chiếc phao cứu hộ, phương án cuối cùng, cứu tinh của nhân loại, giống như triết gia, thi sĩ Đức Friedrich Hölderlin (hậu bán thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19) nhận định : Nơi nào xảy ra tai họa thì nơi đó có cứu tinh.

Sodoma, quyển sách tiết lộ "thực trạng đồng tính luyến ái" trong giới tu sĩ ở thượng tầng Giáo hội Công giáo sắp phát hành vào tuần tới (ngày 21/02), đúng vào lúc tại Vatican diễn ra một cuộc họp về hiện tượng "ấu dâm" do Giáo hoàng triệu tập, tất cả chủ tịch Hội đồng Giám mục trên thế giới phải về tham dự. Bị chê trách về thái độ thụ động của hàng giáo phẩm trong tai tiếng lạm dụng tình dục, Vatican rất có thể phải đối phó với những phê phán là "đạo đức giả" trong quan điểm chính thống về tình dục.

Theo Le Monde, tác giả cuộc điều tra là Frédéric Martel, một nhà báo điều tra người Pháp. Trong vòng bốn năm, ông tìm hiểu vấn đề nhạy cảm này qua những cuộc phỏng vấn trong Vatican và các nước Châu Mỹ tổng cộng "1.500 người". Theo tác giả, chuyện tai tiếng ấu dâm bị che giấu vì tố cáo tức là tố cáo chính mình. Im lặng là tự bảo vệ.

Quyển sách "Sodoma" mô tả Giáo hoàng Francis là một nhà lãnh đạo "biết thông cảm với giới đồng tính luyến ái", không đạo đức giả, trái hẳn với hai vị tiền nhiệm vốn cố gắng bao che cho các vị giám mục bê bối hoặc im lặng thụ động trước tội lạm dụng tình dục của một bộ phận linh mục. Theo Le Monde, "kích thước đồng tính" có thể là chìa khóa để tìm hiểu lịch sử Giáo hội vì sao trong những thập niên gần đây có lập trường rất bảo thủ về tình dục, bị tai tiếng về tài chính cũng như bao dung với một số chế độ độc tài.

La Croix, cũng rất nhức nhối về tai tiếng trong Giáo hội, dành nhiều trang cho hội thảo cấp cao về lạm dụng tình dục kéo dài trong bốn ngày kể từ 21/02. Nhật báo công giáo điểm qua tên tuổi 5 vị giám mục được Giáo hoàng Francis tin cậy trong quá trình chống nạn ấu dâm, sẽ là cột trụ điều hành bốn ngày "thượng đỉnh" đầu tiên này.

Về thời sự Đông Nam Á, nhiều nhà hoạt động Thái Lan chống chế độ quân chủ bị truy sát đến tận đường cùng. Hậu duệ của phong trào cộng sản Thái ước mơ chạy qua Châu Âu tị nạn. Đó là nội dung bài phóng sự của Libération : Tội khi quân bị truy đuổi đến tận Lào.

Hai xác chết trôi trên sông Mekong, hai thi thể bị đánh bầm dập không thể nhận diện, ruột gan bị lấy ra để dồn nhét xi-măng. Cho dù sát thủ đã thận trọng phi tang xác nạn nhân, nhưng vào tháng 12/2018, thi hài của họ cũng nổi lên dạt vào một khu làng chài sát biên giới Lào. Xét nghiệm ADN cho thấy đây là hai nhà ly khai, chống chế độ quân chủ Thái Lan, trốn sang Lào sau vụ đảo chính quân sự, trước khi mất tích vào giữa tháng 12 cùng với thủ lĩnh. Thủ lĩnh của họ là nhà ly khai có tiếng tăm hơn : Surachai Danwattanusorn, nguyên là lãnh đạo Đảng Cộng sản Thái Lan trong thập niên 1980.

Theo nhật báo cánh tả Pháp, hiện có vài chục nhà hoạt động muốn thành lập chế độ Cộng hòa, đa số là nhà báo, nhạc sĩ tiếp tục tranh đấu nhưng phải ẩn mình tại Lào. Một số may mắn được quy chế tị nạn chính trị định cư tại Pháp. Đa số sống xa thủ đô, nơi tập trung các cơ quan của Liên Hiệp Quốc và bảo vệ nhân quyền. Các tổ chức quốc tế này lại không dám làm phật lòng nước chủ nhà nên cũng đành nhắm mắt làm ngơ trước tình trạng trấn áp của chế độ quân sự nhân danh bảo vệ hoàng gia.

Airbus A380, khủng long của ngành hàng không quốc tế, viên kim cương của tập đoàn hàng không Airbus, Châu Âu, sẽ ngưng sản xuất kể từ 2021 trong sự thất vọng não nề của công ty, nhân viên và công luận. Vì sao nên nỗi ?

"Thất bại lịch sử" là tựa của Le Figaro. "Đoạn kết của khủng long hàng không sau 12 năm hoạt động" là tựa của Les Echos kèm theo giải thích : việc Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất bỏ đơn đặt hàng, chuyển qua mua A330 và A350 đã ký bản án tử hình cho A380. Trong bài phân tích vì sao A380, có sức chở hơn 800 hành khách lại không hấp dẫn các công ty hàng không dân dụng, Les Echos liệt kê nhiều lý do : tốn xăng và chi phí bảo trì, số phi trường, đường bay hạn chế , máy bay hai động cơ tiện dụng hơn, vừa túi tiền các hãng hàng không giá rẻ hơn máy bay bốn động cơ… Le Monde kết luận chua chát, gọi đó là hồi kết của một đại ảo vọng.

Thể dục, thể thao đều đặn thường xuyên là liều thuốc ngừa bệnh hiệu nghiệm nhất. Đó là kết quả kiểm chứng khoa học vừa được công bố.

Với tựa "thể thao hiệu nghiệm như thuốc", Le Figaro công bố kết quả nghiên cứu của Viện nghiên cứu y tế và khoa học Pháp Inserm. Sau hai năm nghiên cứu, với 1800 chương trình khoa học chuẩn bị cho xu hướng lão hóa tại Pháp, Inserm cho biết nếu tập luyện ba lần mỗi tuần và kiên nhẫn lâu dài, 10 loại bệnh kinh niên như tiểu đường loại 2, suyễn, béo phì, suy tim có thể được cải thiện đến 25%.

Tiếng vọng kinh hoàng của Liên Xô

Trong phần điểm sách cuối tuần, Le Monde giới thiệu một loạt tài liệu về chế độ Liên bang Xô-Viết của các sử gia, nhân chứng : tất cả là những bản cáo trạng đánh tan huyền thoại đại chiến vì tổ quốc của Moskva. Xin đơn cử vài ý chính : Hồng quân hoàn toàn thiếu chuẩn bị, sĩ quan tham ô, bất tài, bộ tư lệnh vô cảm trước thiệt hại nhân mạng, nạn cướp bóc, hãm hiếp lan rộng, nạn nhân đầu tiên là các nữ quân nhân Liên Xô tăng cường cho các đơn vị, tiếp theo là phụ nữ Đức. Thế chiến thứ hai là địa ngục của người tự cho mình là "Xô-Viết" : 27 triệu nạn nhân, trong đó 3,4 triệu chết ở Leningrad vì quân Đức, nhưng cũng vì lạnh và đói.

Các tác giả không ca ngợi chiến tranh một cách mê muội, tuyên truyền, mà thuật lại với ngòi bút của người nghệ sĩ và thức tỉnh. Công trình nghiên cứu mang tên "Tiếng vọng kinh hoàng trong đời sống người xô-viết", tác giả là giám đốc nghiên cứu CNRS, Nicolas Werth.

Tú Anh

Quay lại trang chủ
Read 497 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)