Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

08/03/2019

Điểm báo Pháp - Tỷ phú Mỹ can thiệp vào Châu Âu

RFI tiếng Việt

Khi các tỷ phú Mỹ can thiệp vào Châu Âu

Khắp Liên Hiệp Châu Âu làn sóng cực hữu, dân túy đang trỗi dậy mạnh mẽ trong một vài năm trở lại đây. Góp phần không nhỏ cho sự trỗi dậy đó là sự can thiệp từ bên ngoài, nhưng lần này là từ những người Mỹ giàu có.

typhu0

Một nhóm nhỏ các tỷ phú Mỹ đang đổ tiền của nhằm phổ biến vào Châu Âu những tư tưởng cực hữu Mỹ. Một trong số đó, nổi bật có tỷ phú Robert Mercer.

Trang nhất của Le Monde chạy tựa : "Các tỷ phú Mỹ định làm mất ổn định Châu Âu thế nào ?". Bài phóng sự điều tra của tờ báo, mang tiêu đề "sự can thiệp nham hiểm của cực hữu Mỹ vào Châu Âu", cho thấy một nhóm nhỏ các tỷ phú Mỹ đang đổ tiền của nhằm phổ biến vào Châu Âu những tư tưởng cực hữu Mỹ. Một trong số đó, nổi bật có tỷ phú Robert Mercer.

Le Monde khẳng định, giờ đây "không chỉ có các quốc gia mới tiến hành các chiến dịch bóp méo thông tin. Từ nhiều năm qua, một nhóm nhỏ các tỷ phú Mỹ từng cung cấp tài chính cho phe hữu trong đảng Cộng Hòa đã ủng hộ các chiến dịch phổ biến tin giả trong nhiều nước của Liên Hiệp Châu Âu". Họ bỏ tiền ra cho các nhóm nhà hoạt động và các công ty chuyên về truyền thông chính trị, mua các trang quảng cáo trên mạng xã hội để phổ biến thông điệp của họ.

Trung tâm của hệ thống này đặc biệt có Robert Mercer, từng đầu tư rất nhiều cho trang mạng Breitbart News tuyên truyền cho cực hữu Mỹ và chi rất nhiều tiền cho chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump. Breitbert là trang mạng mà Steve Bannon, cựu cố vấn của tổng thống Trump từng làm tổng biên tập.

Thế nhưng, theo Le Monde, "sự hào phóng của tỷ phú Mercer không chỉ dừng lại trong biên giới nước Mỹ mà đã vươn sang Châu Âu". Các tỷ phú Mỹ này cấp tiền cho các hãng truyền thông có thiên hướng cực hữu, trả lương cho các nhà báo của các hãng này để họ tập trung khai thác những sự kiện thời sự nhạy cảm về Hồi giáo, nhập cư hay những biến động xã hội ở các nước Châu Âu với cái nhìn thù hằn, bóp méo thông tin, bôi nhọ lãnh đạo làm mất ổn định tình hình, tạo điều kiện đẩy các nhóm, phong trào hay đảng phái cực hữu lên.

Các tỷ phú Mỹ sẵn sàng bỏ tiền lập các quỹ này hay quỹ khác để nuôi các tổ chức, các nhóm cực hữu đang nổi lên tại Châu Âu, giúp các nhóm này đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các tư tưởng cực hữu qua mạng xã hội.

Algeria : Thêm một ngày thứ Sáu quyết định

Thời sự quốc tế đang diễn ra ngày càng nóng bỏng tại Algeria là mối quan tâm chính của báo Pháp. Libération ghi nhận "trong khi ngày biểu tình đồng loạt trên cả đất nước Algeria đang được mong đợi hôm nay (8/3), thái độ ngờ vực đối với tổng thống Abdelaziz Bouteflika đang lan sang cả những người ủng hộ ông".

Trên mạng xã hội ở Algeria, những người kêu gọi biểu tình gọi hôm nay là "ngày thứ Sáu ra đi" hay "ngày sụp đổ cuối cùng". "Phong trào dân chúng phản đối tổng thống Bouteflika ra tranh cử nhiệm kỳ thứ 5 cho biết hôm nay họ sẽ làm mạnh. Các thành phố lớn trong tình trạng cảnh giác cao độ. Cả nước Algeria nín thở", theo Libération.

Thứ Sáu tuần trước, tức 2 hôm trước khi tổng thống Bouteflika chính thức nộp đơn ra tranh cử, gần 3 triệu người đã xuống đường trên cả nước để biểu tình. Hôm nay, phong trào dường như tiếp tục với khí thế và quyết tâm mạnh mẽ hơn. Phóng viên của Libération đã ghi nhận nhiều ý kiến của người dân Algeria tham gia biểu tình cho thấy không khí quyết đấu sôi sục thêm từng giờ. Một cuộc chạy đua với thời gian đang diễn ra giữa một bên là chính quyền đã bị dồn vào chân tường và một bên là đường phố đang hừng hực. Mội cuộc đấu tay đôi hứa hẹn những diễn biến bất trắc.

Trong khi đó, nhân vật chính là tổng thống Bouteflika thì vẫn đang trị bệnh tại Genève, Thụy Sĩ. Báo Diễn đàn Genève dẫn nguồn tin từ bệnh viện cho biết : "ông Bouteflika bị các vấn đề về thần kinh và hô hấp. Sức khỏe của ông đang trong tình trạng bị đe dọa sức sống thường trực". Một vài thông tin hiếm hoi như vậy về tình trạng sức khỏe của tổng thống đang gieo hoài nghi trong hàng ngũ những người ủng hộ ông Bouteflika.

Trong khi đó, nhật báo công giáo La Croix nói về "những kịch bản chuyển tiếp dân chủ đã bắt đầu xuất hiện" cũng như là khả năng cuộc bầu cử ngày 18/4 tới sẽ bị hoãn lại. Đó là kịch bản thành lập một chính phủ liên minh quốc gia cho một giai đoạn ngắn chuyển tiếp chính trị để chuẩn bị tổ chức cuộc bầu cử tự do trong ba đến sáu tháng. Một kịch bản được cho là lý tưởng, nhưng không ai biết liệu những người cầm quyền có chấp nhận, hay chờ đến khi Algeria rơi vào hỗn loạn, bạo lực thì quá đã quá muộn.

Anh Quốc : Tâm lý lo xa khi Brexit tới gần

Chỉ còn 3 tuần nữa đến hạn chót để nước Anh rời Liên Hiệp Châu Âu. Một tâm lý hoang mang lo lắng đang phổ biến ngày càng rộng trong dân chúng Anh khi Brexit tới gần.

Libération cho biết, không phải là những người qua hoang tưởng về sự tồn vong như hiện tượng tâm lý ở một số người lo xa phòng khi xảy ra thảm họa hay nổ hạt nhân, tấn công khủng bố hay một cuộc đổ bộ của người Sao Hỏa xuống Trái đất, nhưng giờ đây ở nước Anh, có hàng nghìn người lúc này đang lo sợ chuẩn bị phòng thân cho ngày nước Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu. Họ tích trữ nhu yếu phẩm cho cuộc sống hàng ngày, sẵn sàng chờ đợi một thảm họa lớn. Ở nước Anh, lúc này họ được gọi là những "preppers".

Một số công ty giới thiệu với khách hàng một gói sản phẩm gọi là "Brexit Box" giá khoảng 343 euro. Với Brexit Box, bạn sẽ có 60 bữa ăn khô, có thể giữ được tới 25 năm, một máy bơm nước, bật lửa và rất nhiều vật dụng thiết yếu cho cuộc sống… Nhưng phóng sự của Libération khiến người đọc phì cười vì có một số người còn tích trữ cả hàng trăm cuộn giấy vệ sinh.

Nhưng có điều theo một báo cáo do Kanta World Panel, một tổ chức về người tiêu dùng Anh, công bố thì có khoảng 1/10 người Anh hiện đang tích trữ nhu yếu phẩm để chuẩn bị đối phó với Brexit. Một tâm lý lo lắng bất an trong người dân Anh đang gia tăng khi đến gần ngày ra đi, một phần cũng là do những bế tắc chính trị hiện nay về Brexit.

Pháp : 8/3 ngày đấu tranh cho nữ quyền

Hôm nay 8/3, ngày Quốc tế Phụ nữ, các báo Pháp đều có nhiều trang bài dành cho nữ giới, chủ yếu để nói về cuộc đấu tranh vì nữ quyền. Le Monde chạy tựa lớn bằng câu hỏi : "Sách nhiễu và kỳ thị giới tính, hồi kết của sự im lặng ?" Trong một phóng sự dài, Le Monde ghi nhận giờ đây, trong các bệnh viện, cơ quan truyền thông hay quân đội, hiện tượng đối xử thô bạo và bất công với phụ nữ vẫn còn phổ biến, nhưng có điểm khác biệt là phụ nữ không còn ngần ngại lên tiếng tố cáo.

Tờ báo cho biết ¾ phụ nữ nghĩ rằng họ sẽ có được sự nghiệp tốt nếu là nam giới. Tờ báo ghi nhận, những việc được gọi là thiên chức của phụ nữ như sinh nở, cuộc sống gia đình, vẫn đè nặng lên đôi vai người phụ nữ như một sự kìm hãm cho sự nghiệp xã hội của họ. Trong khi đó, ở môi trường công việc, năng lực của họ thường không được thừa nhận hay đánh giá cao.

Theo một thăm dò trên nhật báo kinh tế Les Echos, 85% người Pháp được hỏi thừa nhận vẫn tồn tại sự bất bình đẳng về tiền lương giữa nam và nữ. Trong khi mong đợi những chính sách và cả biện pháp để cải thiện, không hẳn là tất cả phụ nữ Pháp phải chịu nhiều thua thiệt.

Les Echos ghi nhận sự tiến bộ trong việc nữ hóa đời sống chính trị và xã hội ở Pháp qua một vài con số thống kê : Theo một số liệu của Viện Thống kê Quốc gia Pháp Insee, phụ nữ chiếm 40% trong các hội đồng thành phố, tuy vẫn còn ít thị trưởng nữ, nhất là ở những thành phố lớn. Trong năm 2018, tại Pháp có 39% các doanh nghiệp do phụ nữ thành lập. Trong các hội đồng quản trị doanh nghiệp lớn ở Pháp, nữ chiếm 44%. Với tỷ lệ này nước Pháp dẫn đầu trong số 28 nước thành viên Châu Âu, mà tỷ lệ trung bình chỉ là 27%.

Hồng y nhận án treo vì bao che ấu dâm

Một thời sự khác thu hút sự chú ý đặc biệt của hầu hết các báo hôm nay là vụ hồng y Barbarin, tổng giám mục vùng Lyon bị kết án 6 tháng tù treo. Một bản án nghiêm khắc nói lên nhiều điều. Vị chức sắc hàng đầu Giáo hội Công giáo Pháp bị kết án vì đã che giấu cho các hành vi ấu dâm của một linh mục trong giáo phận do ông quản lý, từ cách đây cả thập kỷ.

Nhật báo công giáo La Croix dành toàn bộ trang nhất cho bức ảnh hồng y Barbarin vẻ mặt trầm tư xa xăm với tựa lớn : "Sốc". Cùng chung nhận định, Le Figaro chạy tựa : "Giáo hội Công giáo Pháp sốc sau bản án của hồng y Barbarin". Libération cũng dành toàn bộ trang nhất và trang hồ sơ sự kiện cho chủ đề này. Mặc dù bất ngờ, nhưng các báo đều có chung nhận định, bản án nghiêm khắc cho thấy các hành vi ấu dâm, lạm dụng tình dục trong Giáo hội Công giáo đã trở nên nghiêm trọng và việc xử lý không chỉ còn giới hạn trong nội bộ Giáo hội.

Anh Vũ

Quay lại trang chủ
Read 400 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)