Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

09/03/2019

Điểm báo Pháp - Châu Âu tự hại mình

RFI tiếng Việt

Công nghiệp : Châu Âu tự hại mình

L’Express tuần này (06-12/03/2019) là tạp chí hiếm hoi không dành trang bìa cho tình hình Algeria, để nhấn mạnh đến một kịch bản tai họa cho Châu Âu, với hàng tựa lớn "Công nghiệp : Châu Âu tự hại mình", kèm theo hàng tít nhỏ "Trước hai kẻ khổng lồ Trung Quốc và Mỹ".

chau1

Trang bìa tuần báo L'Express, số đầu tháng 3/2019.Copy d'ecran

Ảnh minh họa trang bìa của L’Express rất hình tượng : Một người Châu Âu bé nhỏ, rụt rè, kẹp giữa hai người khổng lồ đầu rồng (tức Trung Quốc) và đầu chim ưng (tức Hoa Kỳ), với ánh mắt sắc bén, vẻ dữ tợn.

L'Express đã có một cái nhìn nghiêm khắc về những gì đang diễn ra tại Châu Âu ngày nay. Tạp chí nhắc lại rằng vào năm 2000 "trong không khí hồ hởi của đồng tiền duy nhất trở thành hiện thực, Châu Âu đã mơ tưởng đến một tương lai huy hoàng. Một mục tiêu chiến lược mới cho thập niên sắp tới đã được đề ra : Trở thành nền kinh tế của tri thức năng động nhất hành tinh…".

Trong gần 20 năm qua, từ các thượng đỉnh này qua thượng đỉnh khác, Châu Âu, luôn mơ tưởng đến việc mình sẽ trở thành một nhà vô địch về công nghệ. Thế nhưng, thực tế lại là một sự giả dối kinh khủng như nhận định bi quan của nghị sĩ Châu Âu Alain Lamassoure : Sau mỗi thượng đỉnh Châu Âu thì ai về nhà nấy và quên ngay tất cả các cam kết.

Ngày nay, sự thức tỉnh quả là phũ phàng : Châu Âu chưa hề tạo ra cho mình phương tiện để thực hiện các mục tiêu đề ra, và ngày nay người ta đang gánh chịu hậu quả. Điểm lại hiện chỉ có 6 tập đoàn Châu Âu – tính cả Thụy Sĩ – nằm trong số 25 tập đoàn lớn nhất thế giới - một con số chỉ bằng một nửa so với năm 2005, khi còn có 13 tập đoàn trong diện này, theo tạp chí Fortune của Mỹ.

Châu Âu kẹt giữa American First và Made in China 2025

Đối với L’Express : "Bị kẹt giữa Nước Mỹ Trên Hết của Donald Trump và kế hoạch Trung Quốc 2025 của Tập Cận Bình, Châu Âu và nền công nghệ của mình ngày nay bị đe dọa tuột hạng, tụt hậu. Tệ hại hơn nữa là có nguy cơ một số lãnh vực chiến lược bị triệt tiêu vào thời buổi chuyển đổi năng lượng : Trong lãnh vực pin mặt trời chẳng hạn, các công ty Châu Âu đã bị tan nát trước các sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc".

Nguyên do của tình trạng này là gì ? Trong bài phỏng vấn dành cho L’Express, bộ trưởng kinh tế Pháp Bruno Le Maire đã gióng lên hồi chuông báo động : Thiếu can đảm chính trị ; thiếu sự lãnh đạo và tầm nhìn ; nặng tính ích kỷ quốc gia ; công cụ kém cỏi ; thị trường bị phân mảnh với những tiêu chuẩn và quy định không thống nhất, tôn trọng những quy củ lỗi thời…

Nhà kinh tế Élie Cohen thẩm định : "Chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội Internet, trí thông minh nhân tạo, công nghệ robot, bỏ lỡ tất cả những gì sẽ chi phối nền công nghiệp tương lai".

Trong số 5 công ty sản xuất robot lớn nhất thế giới, thì có đến 3 hãng là của Trung Quốc. Trong ngành thông minh nhân tạo, những khoản tiền mà riêng Facebook đặt trên bàn trong năm 2018 đã lên đến 22,6 tỷ đô la, cao hơn con số 20 tỷ euro tiền của cả nhà nước lẫn tư nhân mà Ủy Ban Châu Âu hy vọng thu được trong giai đoạn 2018-2020.

Ở cấp độ quốc gia, theo đánh giá của Air Liquide, vào lúc Pháp và Đức chi ra 350 triệu euro để hỗ trợ cho lãnh vực hydrogène, thì một mình Trung Quốc đã chi ra 10 tỷ. Ngay trong các lãnh vực vốn là thế mạnh của Châu Âu như hạt nhân, tên lửa phóng vệ tinh hay y tế, lợi thế của Châu Âu ngày càng cùn đi.

Một lời tố cáo được L’Express nêu rõ là thái độ mù quáng của Ủy Ban Châu Âu mới đây, đã cấm không cho hai tập đoàn chế tạo xe lửa Alstom (Pháp) và Siemens (Đức) sáp nhập, qua đó mở rộng đường cho tập đoàn Trung Quốc CRRC.

Algeria : Bước ngoặt lịch sử ?

Tình hình Algeria với hàng loạt cuộc biểu tình từ ngày 22/02 đến nay để phản đối chế độ Bouteflika và đòi hỏi một sự đổi mới trên bình diện chính trị là đề tài được hầu hết các tuần báo Pháp quan tâm, với ba trang bìa của Le Point, L’Obs Courrier International, kèm theo là cả chục trang hồ sơ đặc biệt, phân tích điều được coi là một "bước ngoặt lịch sử" của cựu thuộc địa Pháp.

Tuần báo Le Point dành trang bìa cho hồ sơ : "Đặc biệt Algeria", chú ý đến "Hậu trường của một bước ngoặt lịch sử". Phóng viên của tờ báo đã lần theo "những cuộc họp hội ý" để dàn xếp với nhau cũng như "cuộc chiến" giữa các phe phái đương quyền, vào thời điểm mà "chế độ Bouteflika đang lung lay".

Nhà văn Kamel Daoud, cộng tác viên thường trực của tạp chí Pháp đã tỏ ý lạc quan, hy vọng về cuộc nổi dậy được ông cho là hết sức ôn hòa này.

Trang bìa Courrier International nổi bật với lá cờ Algeria màu xanh, trắng trên nền đen ngay dưới hàng tựa chẳng khác gì một lời kêu gọi : "Algeria – Hãy nhường chỗ cho giới trẻ". Ở trang trong, tuần báo Pháp trích dẫn báo giới Algeria, cho rằng những cuộc biểu tình rầm rộ chống chế độ Bouteflika trong những ngày qua bộc lộ nỗi khát khao về một sự đổi mới dân chủ.

Tạp chí L’Obs cũng hết sức quan tâm đến tình hình Algeria. Trên trang bìa, trên nền bức ảnh một cô gái trẻ che mặt và người quấn bằng một lá cờ Algeria ở giữa đám đông biểu tình, tuần báo Pháp chạy tựa : "Algeria : Ở tâm điểm của cuộc nổi dậy".

Tờ báo đăng bài phóng sự của đặc phái viên tại Algeria, kể lại cuộc nổi dậy, và trích dẫn ý kiến của nhiều người ủng hộ phong trào đấu tranh chống Bouteflika.

Đáng chú ý là nhận định của Boualem Sansal, một nhà văn, nhà biên khảo, cựu công chức cao cấp người Algeria từng bị chế độ Bouteflika bãi nhiệm. Năm 2015, Boualem Sansal đã được Viện Hàn Lâm Pháp trao tặng giải thưởng lớn cho tác phẩm "2084, năm tận thế". Đối với nhà văn này, "Nếu Bouteflika tái đắc cử, Algeria sẽ bùng nổ".

Sansal giải thích : "Nhiệm kỳ thứ năm này là một hành vi sỉ nhục làm tràn ly. Năm 1999, họ (tức là giới nắm quyền) đã áp đặt cho người Algeria một đầu sỏ thuộc loại tham nhũng nhất thế giới ; vào hai năm 2004 và 2009, đó là một vị tổng thống đã bị quyền lực làm cho điên dại ; vào năm 2014, đó là một người ốm liệt giường với ánh mắt đầy ảo giác. Và năm 2019 này, đó là vật thể vô tri".

Chính vì vậy mà người dân Algeria đã tức giận. Nhà văn phân tích tiếp : "Nền tảng của nỗi tức giận này, là một nỗi sợ hãi vô cùng lớn, đặc biệt ở giới trẻ, lo sợ trước cảnh đất nước chìm vào cảnh cùng khổ, một kịch bản thực tế khi chúng ta biết rằng Algeria chỉ sống bằng tiền bán dầu hỏa, và phải nhập khẩu ngay cả bánh mì để ăn. Trong lúc đó thì dự trữ ngoại hối của đất nước đã bị băng đảng Bouteflika phung phí. Phần còn lại chỉ đảm bảo chi tiêu nhiều nhất là hai năm".

Cuối cùng, ông lo ngại : "Đất nước Algeria giàu có rốt cuộc có nguy cơ bị nạn đói và tình trạng di tản ồ ạt. Phong trào phản kháng hiện nay là điều không thể tránh khỏi. Vì chính quyền đã giáng xuống đầu người dân biết bao đau khổ, sỉ nhục, bất công…".

Châu Phi một lần nữa trở thành đối tượng tranh giành

Trong khi các tạp chí Pháp chú ý đến Algeria, một quốc gia Bắc Phi, tuần báo Anh The Economist cũng quan tâm đến Châu Phi, nhưng dưới lăng kính địa chính trị, qua hàng tít lớn trên trang bìa : "Cuộc tranh giành mới ở Châu Phi" kèm theo tựa nhỏ "Và người Châu Phi có thể làm thế nào để thắng lợi".

Tuần báo Anh trước hết nhắc lại rằng lần tăng vọt đầu tư nước ngoài vào Châu Phi đầu tiên, được mệnh danh là "scramble - tranh giành", là vào thế kỷ 19, khi với thực dân Châu Âu tiến vào chiếm đất của người Châu Phi. Lần thứ hai là thời Chiến Tranh Lạnh, khi Đông và Tây tranh giành ảnh hưởng trên các quốc gia Châu Phi mới độc lập ; Liên Xô ủng hộ các bạo chúa theo chủ nghĩa Mác, trong khi Mỹ ủng hộ những nhà độc tài tuyên bố đi theo chủ nghĩa tư bản.

Cuộc tranh giành thứ ba hiện đang diễn ra, được ghi nhận là hiền hòa hơn, với việc các nước bên ngoài nhận thức ra rằng lục địa này rất quan trọng và ngày càng trở nên quan trọng. Một ví dụ là về mặt dân số, đến năm 2025, Liên Hiệp Quốc dự đoán là dân số Châu Phi nói chung sẽ đông hơn dân số Trung Quốc. Chính phủ và doanh nghiệp từ khắp nơi trên thế giới đang gấp rút tăng cường quan hệ ngoại giao, chiến lược và thương mại với Châu lục, tạo ra những cơ hội rộng lớn.

Theo The Economist, nếu Châu Phi biết xử lý cuộc tranh giành mới này một cách khôn ngoan, người chiến thắng chủ chốt sẽ là chính người dân Châu lục.

Mức độ các nước ngoài vùng quan hệ với Châu Phi hiện lên đến mức chưa từng có. Về quan hệ ngoại giao chẳng hạn, từ năm 2010 đến 2016, hơn 320 đại sứ quán đã được mở tại Châu Phi, một hiện tượng nở rộ đại sứ quán lớn nhất trên thế giới, từ trước đến nay.

Quan hệ quân sự cũng ngày càng sâu sắc. Mỹ và Pháp đang cho Châu Phi mượn nhân lực và công nghệ để đấu tranh chống thánh chiến ở vùng Sahel. Trung Quốc hiện là nhà bán vũ khí lớn nhất cho khu vực hạ Sahara, và có quan hệ công nghệ quốc phòng với 45 quốc gia. Nga đã ký 19 thỏa thuận quân sự với các nước Châu Phi kể từ năm 2014. Các quốc gia Ả Rập giàu dầu mỏ đang xây dựng căn cứ ở vùng Sừng và tuyển mộ lính đánh thuê Châu Phi.

Quan hệ thương mại cũng đang được tăng cường. Vào năm 2006, ba đối tác thương mại lớn nhất của Châu Phi lần lượt là Mỹ, Trung Quốc và Pháp. Năm 2018 thì Trung Quốc đi đầu, theo sau là Ấn Độ, còn Mỹ đứng thứ ba (Pháp bị tụt xuống hạng 7).

Trong cùng thời gian, thương mại của Châu Phi với Thổ Nhĩ Kỳ và Indonesia đã tăng lên gấp ba lần, và nhiều hơn gấp bốn lần với Nga. Trong khi đó thì thương mại với Liên Hiệp Châu Âu tăng trưởng khiêm tốn với 41%.

Nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất vẫn đến từ các công ty Mỹ, Anh và Pháp, nhưng các công ty Trung Quốc, bao gồm cả các doanh nghiệp do nhà nước hậu thuẫn, đang đuổi kịp, trong lúc các nhà đầu tư từ Ấn Độ và Singapore cũng rất muốn nhập cuộc.

Báo Hàn Quốc : Thượng đỉnh Hà Nội thất bại vì Trump

Về tình hình Châu Á, Thượng Đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội thất bại tiếp tục được Courrier International chú ý, qua bài viết "Nhìn từ Hàn Quốc, Trump phải chịu trách nhiệm về thất bại của hội nghị thượng đỉnh với Kim".

Trích dẫn trang web Pressian của Hàn Quốc, Courrier International cho rằng khi nâng cao mức đòi hỏi của Mỹ, ông Donald Trump đã đóng băng tiến trình hòa bình với Bắc Triều Tiên, một tiến trình vốn dĩ đang có những bước tích cực. Seoul đã thấy tiêu tan hy vọng tiến dần đến hòa bình trên bán đảo.

Theo trang web Hàn Quốc, mọi sự rốt cuộc đã diễn biến xấu đi, tiến trình hòa bình trên bán đảo, một lần nữa đã va vào một bức tường lớn. Cảm nhận xấu trước hội nghị Hà Nội, do thái độ rất khác biệt nhau của ông Trump và Kim trước thượng đỉnh hai ngày 27 và 28/02, đã trở thành hiện thực.

Tổng thống Trump đã nhắc lại ý tưởng là không có gì phải vội vã ngay trước khi thảo luận với Kim Jong-un. Ông dường như không thật sự muốn đàm phán để đạt kết quả. Lời lẽ của ông không cho thấy một sự tin tưởng thật sự vào kết quả hội nghị.

Thất bại của thượng đỉnh là do phía Mỹ chứ không phải Bắc Triều Tiên. Trước các nhà báo, tổng thống Mỹ đã nêu lên nguyên nhân là đòi hỏi của Bình Nhưỡng, muốn Washington hoàn toàn bãi bỏ trừng phạt Bắc Triều Tiên.

Tuy nhiên, chỉ cần tập hợp các yếu tố khác trong phát biểu của ông Trump thì sẽ hiểu đó không phải vấn đề thực thụ. Mỹ đã yêu cầu một cái gì khác nữa chứ không chỉ việc tháo gỡ trung tâm Yongbyon mà Bình Nhưỡng đã hứa, và đó là đòi hỏi Bắc Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn.

Việt Nam không chỉ có Vịnh Hạ Long

Kết thúc phần điểm tuần báo hôm nay, không thể không nói đến bài ở trang du lịch tuần báo Le Point, giới thiệu "Vịnh Hạ Long trên cạn" tại Việt Nam.

Đối với Le Point, những ai không thích quang cảnh tấp nập ở Vịnh Hạ Long, hoàn toàn có thể đi du lịch ở Vịnh Lan Hạ, "người em gái" của Vịnh Hạ Long, nằm ở phía đông đảo Cát Bà, một khu vực chưa bị những đạo quân du khách xâm lấn.

Tại khu vực này, người ta cũng có những phong cảnh tương tự, chẳng khác gì thoát ra từ tranh vẽ của danh họa Nhật Bản Hokusai.

Ngoài Vịnh Lan Hạ, du khách cũng có thể đi sâu hơn vào bên trong đất liền, đến thăm đồng ruộng ở Tam Cốc, hay lấy thuyền từ sông Bến Đang đến khám phá vùng được gọi là "Hạ Long trên cạn".

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ
Read 522 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)