Brexit : Phản ứng thận trọng của Châu Âu (RFI, 14/03/2019)
Tuy các dân biểu Anh vào hôm qua đã bác bỏ khả năng Brexit không thỏa thuận, nhưng Châu Âu vẫn đề phòng. Các nghị sĩ Châu Âu họp phiên toàn thể tại Strasbourg đã thông qua một số biện pháp khẩn cấp.
Biểu tình phản đối Brexit truớc trụ sở Nghị Viện Anh, Luân Đôn, ngày 14/03/2019 Reuters/Henry Nicholls
Thông tín viên RFI, Domitille Piron, tường thuật từ Strasbourg :
"Không kể việc tái lập kiểm tra ở biên giới, một Brexit không thỏa thuận đặt ra nhiều vấn đề cụ thể.
Một ví dụ mà nghị sĩ Châu Âu Karima Delli, báo cáo viên về một dự án trong lãnh vực chuyên chở hàng không đã nêu lên : Điều gì xẩy ra khi Anh rút khỏi Châu Âu mà không có thỏa thuận ?
Thông thường mà nói, thì Anh không thể tiếp cận với không phận Châu Âu, với thị trường Châu Âu. Máy bay Anh sẽ không bay được, sẽ dẫn đến tê liệt đường bay, tê liệt lưu thông. Không thể được, đó là lý do mà chúng tôi đã lập một loại lưới an toàn để các hãng máy bay Anh Quốc có thể tiếp tục bay cho đến cuối năm 2019. Như thế vẫn có thời gian để thích nghi. Nhưng đến cuối tháng 12 thì Anh Quốc phải nói rõ là họ muốn gì.
Nhiều biện pháp cụ thể đã được thông qua để đối mặt với tình huống mập mờ vào những tháng tới đây. Ví dụ như vào mùa khai trường sắp tới, một sinh viên Bồ Đào Nha đi học ở Scotland theo chương trình Erasmus sẽ không phải lo lắng gì.
Một người Pháp làm việc 10 năm ở Luân Đôn chẳng hạn và muốn trở về Paris, sẽ không mất quyền lợi xã hội, quyền về hưu...
Và những tàu cá Bỉ hay Hà Lan có thói quen đánh bắt trong vùng biển Anh có thể tiếp tục hoạt động như thế cho đến cuối năm 2019.
Châu Âu đảm bảo dịch vụ tối thiểu trong nhiều lãnh vực với điều kiện là Anh Quốc cũng thông qua những biện pháp tương tự".
Mai Vân
******************
Brexit : Thủ tướng Anh ra tối hậu thư cho các nghị sĩ bảo thủ (RFI, 14/03/2019)
Sau khi đã bác thỏa thuận Brexit mà bà May đạt được với Bruxelles, tối 13/03/2019, Nghị Viện Anh loại luôn khả năng "No Deal", tức là rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu mà không có thỏa thuận - với tỉ lệ sát sao 312 phiếu chống, 308 phiếu thuận.
Thủ tướng Anh Theresa tại Quốc hội ngày 12 tháng 3 năm 2019. Quốc hội Vương quốc Anh / Mark Duffy -Reuters
Tối 14/03/2019, Nghị Viện Anh tiến hành cuộc bỏ phiếu lần thứ ba về khả năng dời ngày "ly hôn" đến cuối tháng Sáu, thay vì 29/03.
Tuy nhiên, để trở lại thương lượng với Bruxelles về việc lùi ngày ra khỏi Liên Âu, thủ tướng Theresa May đã đặt điều kiện cho các nghị sĩ Anh : Từ nay đến ngày 20/03/2019, phải thông qua thỏa thuận Brexit mà họ đã bác hai lần.
Thông tín viên RFI Muriel Delcroix tường trình từ Luân Đôn :
"Bà Theresa May tuyệt nhiên từ chối buông tay và sẽ tìm cách thuyết phục thêm lần thứ ba những nghị sĩ ủng hộ Brexit "nổi loạn" trong đảng Bảo Thủ để họ ủng hộ thỏa thuận Brexit vào tuần tới.
Tối thứ Tư (13/03), thủ tướng Anh bị hạ nhục thêm một lần nữa khi 13 thành viên nội các của bà, trong đó có 4 bộ trưởng, đã phá vỡ kỷ luật của đảng. Bất chấp kiến nghị của chính phủ, họ đã bỏ phiếu ủng hộ một sửa đổi loại trừ mọi khả năng rời khỏi Liên Âu trong bất kỳ hoàn cảnh nào mà không có thỏa thuận.
Bà Theresa May tức giận và đã đưa ra tối hậu thư cho các nghị sĩ bảo thủ ủng hộ Brexit : Hoặc các vị ủng hộ thỏa thuận của tôi, hoặc các vị có nguy cơ nói "vĩnh biệt" Brexit.
Kiến nghị được chính phủ đưa ra bỏ phiếu hôm nay (14/03) thực ra là thông báo liệu các nghị sĩ có thông qua thỏa thuận Brexit của thủ tướng Anh từ giờ đến thứ Tư 20/03 hay không, để Luân Đôn yêu cầu Bruxelles lùi thời hạn Brexit đến ngày 30/06. Nhưng nếu thỏa thuận này lại bị bác lần thứ ba, Liên Hiệp Châu Âu có thể sẽ yêu cầu phía Anh Quốc ra thời hạn hoãn lâu hơn, có thể đến hai năm.
Bà Theresa May liều mình thêm một lần nữa và lần này có thể đủ thuyết phục những nghị sĩ nổi loạn trong đảng. Nhiều người trong số họ nói rằng từ giờ không có lựa chọn nào khác ngoài bỏ phiếu cho một thỏa thuận mà họ ghét cay ghét đắng vì hiểu rằng Brexit có khả năng bị hoãn lại mãi mãi".
Thu Hằng
*******************
Anh Quốc : Mọi lối thoát đều bị chặn, khả năng không Brexit hiển hiện (RFI, 13/03/2019)
Lần thứ 2 Nghị Viện Anh, hôm 12/03/2019, bỏ phiếu bác bỏ thỏa thuận về các điều kiện nước Anh rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu. Tương lai nước Anh lại chìm trong sương mù trong khi chỉ còn 16 ngày nữa đến thời điểm ấn định cho Brexit. Các kịch bản "tai họa" cũ lại được khơi dậy, trong đó không loại trừ viễn cảnh "không Brexit".
Nghị Viện Anh Quốc lại bác bỏ lần thứ hai bản thỏa thuận Brexit do thủ tướng Theresa May đệ trình ngày 12/03/2019 Reuters TV via Reuters
Sau hai năm dày công thương lượng với Bruxelles, thỏa thuận để nước Anh rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu một cách nhẹ nhàng tiếp tục rơi vào điểm chết ở Nghị Viện Anh. Cản trở duy nhất vẫn là xung quanh điều khoản được gọi là "backstop", vừa được thủ tướng Theresa May cố gắng thuyết phục Bruxelles điều chỉnh lại trước khi đưa qua Quốc hội bỏ phiếu lần thứ 2 không thành.
Backstop là điều khoản liên quan đến đường biên giới hữu hình kiểm soát lưu thông và chuẩn mực hàng hóa và giữa Cộng Hòa Ireland, thành viên Liên Hiệp, và Bắc Ireland vùng lãnh thổ của Anh. Theo thỏa thuận thì trong thời gian chuyển tiếp trước khi rời hẳn khỏi Liên Hiệp Châu Âu sau năm 2020, đường biên giới hữu hình trên không được thiết lập và như vậy nước Anh vẫn được hưởng một phần quyền lợi trong liên minh thuế quan Châu Âu, có thời gian chuẩn bị cho chia tay êm đẹp, không gây sốc cho kinh tế xã hội cũng như chính trị của Vương Quốc.
Tuy nhiên các dân biểu Anh, gồm những người đòi "Brexit cứng", muốn nước Anh dứt khoát ra khỏi Liên Hiệp không có thỏa thuận backstop, kết hợp với phe chống Brexit đã tạo thành đa số ở Nghị Viện bác bỏ thỏa thuận của chính phủ Theresa May mà không cần biết đến hệ quả thế nào.
Được soạn thảo nhằm giúp Anh Quốc chia tay nhẹ nhàng với Liên Hiệp Châu Âu và được đích thân bà thủ tướng Theresa May vất vả đàm phán với Bruxelles nhiều tháng trời, thỏa thuận Brexit đã bị Nghị viện Anh bác bỏ lần đầu hôm 15 tháng Giêng. Tương tự, lần này sau khi thỏa thuận bị bác bỏ, các kịch bản thảm họa lại được giới quan sát nhắc tới : Brexit không thỏa thuận, Lùi thời hạn Brexit mà hạn chót là ngày 29/3 tới và thậm chí không Brexit.
Liên quan đến khả năng đầu tiên, Brexit không thỏa thuận hay "Brexit cứng" được một bộ phận phe bảo thủ chủ trương, hôm nay, các nghị sĩ bỏ phiếu để thông qua hoặc bác bỏ việc nước Anh ra đi khỏi Liên Hiệp không thỏa thuận vào ngày 29/03 tới. Nếu chấp nhận ra đi không thỏa thuận thì như vậy là sau 46 năm chung sống trong Liên Hiệp, Vương Quốc Anh sẽ dứt khỏi mọi ràng buộc với Liên Hiệp ngay trong hơn hai tuần tới, một kịch bản gây hoang mang trong dân chúng và có nguy cơ làm đảo lộn các hoạt động của Anh Quốc, đặc biệt về mặt kinh tế xã hội khi mà thời gian không còn đủ để chuẩn bị ? Thậm chí, đường biên giới giữa Bắc Ireland (thuộc Anh) và Cộng Hòa Ireland được tái lập.
Trong trường hợp các nghị sĩ từ chối Brexit không thỏa thuận, ngay trong ngày mai, một cuộc bỏ phiếu nữa được dự trù cho giải pháp lùi thời hạn Brexit. Tuy nhiên thời hạn này cũng không thể lâu, kéo dài quá ngày bầu cử Nghị Viện Châu Âu vào 26/5. Mặt khác Liên Hiệp Châu Âu đã cảnh báo, muốn lùi thời hạn, nước Anh phải chứng minh được lý do chính đáng và phải được 27 thành viên của Liên Hiệp chấp thuận. Theo một quan chức cao cấp của Liên Hiệp Châu Âu được AFP trích dẫn, nếu thời hạn lùi Brexit kéo dài vài tuần thì "cần phải có lý do thực sự chẳng hạn như để tổ chức bầu cử, trưng cầu dân ý hay thay đổi lập trường của Anh Quốc".
Cánh cửa bước vào đàm phán lại với Bruxelles để sửa đổi thỏa thuận đã khép lại. Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Jean-Claude Juncker đã quả quyết tối thứ Hai vừa qua : "Không có cơ hội thứ 3" cho thỏa thuận chia tay nữa.
Vậy thì lối thoát nào cho nước Anh những ngày tới ? Tổ chức lại một cuộc trưng cầu dân ý về Brexit ? Hay giải tán bầu lại Quốc hội ? Cả hai giải pháp qua thông qua lá phiếu của cử tri Anh đều ẩn chứa những bất trắc mà thủ tướng Theresa May không hề muốn. Tuy vậy, trước khi Nghị Viện Anh bỏ phiếu bác bỏ thỏa thuận, thủ tướng Anh đã cảnh báo các nghị sĩ : "Các vị cứ bác bỏ thỏa thuận và không một ai biết điều gì sẽ đến. Chúng ta sẽ có thể không rời Liên Hiệp trước nhiều tháng tới, chúng ta sẽ có thể ra đi không có được sự bảo vệ nào của thỏa thuận. Chúng ta sẽ có thể không bao giờ rời khỏi Liên Hiệp". Ba khả năng, nhưng nước Anh đang bị chia rẽ sâu rộng lúc này chỉ có một lựa chọn cho tương lai. Bà Theresa May cho đến lúc này cũng đã nỗ lực hết khả năng để cuộc chia tay của nước Anh với Châu Âu sao cho trong ấm ngoài êm nhưng vẫn không thành.
Anh Vũ
********************
Anh đối mặt với nguy cơ ‘Brexit hỗn loạn’ (VOA, 13/03/2019)
Vương quốc Anh và Liên Hiệp Châu Âu hôm thứ Tư 13/3 chuẩn bị tinh thần để đối mặt với khả năng Anh rút ra khỏi EU (Brexit) trong hỗn loạn, một tình huống đầy rủi ro, sau khi các nhà lập pháp Anh bác bỏ "thỏa thuận chia tay" mà hai bên đã đạt được trước đây. Quốc hội Anh sắp biểu quyết để loại trừ hoặc trì hoãn việc nước Anh rút ra khỏi khối mà không đạt được thỏa thuận, để tránh những xáo trộn mà tình huống này gây ra.
Thủ tướng Anh Theresa May phát biểu tại quốc hội Anh, 13/05/2019
Nhưng các quan chức hàng đầu EU cảnh báo rằng viễn cảnh đó không thể bị loại trừ trừ phi quốc hội Anh phê chuẩn một hình thức thỏa thuận nào đó để rút ra khỏi EU.
"Nguy cơ diễn ra một Brexit không có thỏa thuận hiện đang cao hơn bao giờ hết", trưởng đoàn đàm phán của EU, ông Michel Barnier nói.
"Tôi kêu gọi qúy vị chớ nên đánh giá thấp những rủi ro hay hậu quả của nó", ông nói với các nhà lập pháp Châu Âu ở Strasbourg, Pháp.
Hôm 12/3, các nhà lập pháp Anh đã bác bỏ thỏa thuận Brexit của Thủ tướng Theresa May thêm một lần thứ nhì, với tỉ lệ 391 phiếu chống, 242 phiếu thuận.
Theo lịch trình đã có, Brexit sẽ diễn ra vào ngày 29/3, tức là trong 16 ngày nữa. Trong bối cảnh đó, quốc hội Anh sẽ bỏ phiếu vào chiều hoặc tối hôm 13/3, xem có loại trừ được tình huống nước Anh rời EU theo ngày ấn định mà không đạt được thỏa thuận, hay không.
Cả Anh và EU đều đã ráo riết lên kế hoạch chuẩn bị cho "Brexit không có thỏa thuận". Nếu tình huống đó xảy ra, các quy định vốn có trong hàng chục năm về vấn đề du hành và thương mại giữa Anh và EU sẽ bị xóa bỏ. Các nhà kinh tế cho rằng tình huống này có thể gây ra biến động lớn, với những ách tắc trong tiến trình kiểm tra hải quan tại các cửa khẩu của Anh quốc, những mức thuế mới làm hàng hóa tăng giá đột ngột, và nạn quan liêu giấy tờ ảnh hưởng đến tất cả mọi người, từ tài xế xe tải cho tới khách du lịch.
Nghị viện Châu Âu đã sẵn sàng phê chuẩn các biện pháp nội trong ngày 13/3 hầu đối phó với những khó khăn trước mắt khi Brexit diễn ra mà không đạt thỏa thuận.
Quốc hội Anh cho đến nay đã hai lần bác thỏa thuận rút ra khỏi EU mà Thủ tướng Theresa May đã bỏ phần lớn thời gian trong hai năm qua để đàm phán với EU, trong khi khối EU khẳng định sẽ không đàm phán gì thêm nữa.