Venezuela : Nhờ đâu Maduro vẫn tại vị sau 45 ngày sóng gió ?
Báo Les Echos ngày 15/03/2019 nhận định "Venezuela : Khả năng hồi phục đáng kinh ngạc của Nicolas Maduro". Được cho là chắc chắn sẽ bị lật đổ cách đây 45 ngày khi thủ lãnh đối lập Juan Guaido tự phong tổng thống lâm thời, Maduro đến nay vẫn chống chọi được và thời gian đang đứng về phía ông ta.
Những người bị lực lượng an ninh bắt giữ ngày 10/03/2019 trong đợt cúp điện tại Caracas. Reuters Ivan Alvarado
Sau nhiều năm khủng hoảng kinh tế trầm trọng khiến dân chúng kiệt lực và bị cô lập trên trường quốc tế, hồi kết của tổng thống Nicolas Maduro xem chừng đã rõ. Chủ tịch Quốc hội Juan Guaido, 35 tuổi, người mà Maduro gọi là "cậu bé", có được sự công nhận của 50 quốc gia, với tỉ lệ tín nhiệm trong dân chúng là 60% trong khi tổng thống đương nhiệm chỉ có 14%. Vì sao một tháng rưỡi qua, chàng thanh niên Guaido vẫn chưa lật đổ được đối thủ ?
Trong cuộc song đấu, phần thắng lần lượt nghiêng về bên này hoặc bên kia. Chẳng hạn hôm 23/1, Juan Guaido hứa hẹn sẽ đưa vào Venezuela 250 tấn viện trợ nhân đạo, nhưng rốt cuộc số hàng này vẫn bị kẹt lại bên kia biên giới. Rõ ràng đây là chiến thắng của Nicolas Maduro. Vài ngày sau đó, sau khi đi thăm một số nước Châu Mỹ La-tinh bất chấp lệnh cấm xuất cảnh và lời đe dọa tống giam của Maduro, Juan Guaido không hề e ngại khi quay về Venezuela. Lần này đến lượt tổng thống bị mất mặt, phải lờ đi như không hề biết.
Tuy nhiên, Nicolas Maduro vẫn trụ lại được, chủ yếu nhờ sự ủng hộ của quân đội. Ông Gaspard Estrada, giám đốc điều hành OPALC chuyên nghiên cứu về Châu Mỹ La-tinh của Sciences Po nhắc nhở, đó chính là hòn đá tảng của hệ thống. Ngay khi vừa nhậm chức, Maduro đã tăng gấp đôi số tướng lãnh và bổ nhiệm họ vào các chức vụ quan trọng trong nền kinh tế, như quản lý việc nhập khẩu thực phẩm, kiểm soát xuất khẩu dầu lửa. Những chiếc ghế mang tính chiến lược trong một đất nước đang khủng hoảng nặng nề cũng hết sức béo bở.
Thế nên không có gì đáng ngạc nhiên khi các sĩ quan cao cấp vẫn trung thành với Maduro, làm ngơ trước lời kêu gọi của Guaido. Một số sĩ quan, như tùy viên quân sự Venezuela ở Washington đã bỏ sang hàng ngũ đối lập, nhưng vẫn chưa đủ để tạo nên một phong trào. Còn đối với lính thì đã có đến 10.000 người bỏ ngũ từ năm 2016. Juan Guaido hiểu hơn ai hết là phải tác động vào quân đội mới lật được Nicolas Maduro, tuy nhiên đề nghị ân xá của ông vẫn không gây được hiệu quả.
Trong khi chờ đợi, thời gian đang đứng về phía Maduro. Không chỉ có quân đội, ông ta còn nắm trong tay lực lượng bán quân sự cánh tả "colectivo" gồm mấy chục ngàn thành viên đang hoành hành tại những khu phố bình dân, bên cạnh đó là lực lượng đặc biệt. Đe dọa can thiệp quân sự của tổng thống Mỹ Donald Trump không được các nước Châu Mỹ La-tinh và Châu Âu hoan nghênh.
Như vậy trừ phi có một sự kiện đặc biệt nào đó xảy ra, không có sự can thiệp quân sự của Mỹ và sự quay đầu của các tướng lãnh, Maduro vẫn có thể điềm nhiên tại vị. Cũng giống như Bachar Al Assad, tám năm sau khi xảy ra cuộc xung đột, vẫn đang là tổng thống Syria, nhờ có sự giúp sức của Nga và Iran. Tương tự, Maduro đang được Moskva nhiệt tình ủng hộ, và "con lật đật" này vẫn ngóc đầu dậy được sau mỗi đợt sóng gió.
Pakistan, đồng minh quân sự hàng đầu của Bắc Kinh
Về Châu Á, Le Figaro chú ý đến việc "Bắc Kinh bảo vệ Islamabad ở Liên Hiệp Quốc", vì "Pakistan là đồng minh quân sự hàng đầu của Bắc Kinh".
Hôm thứ Tư 13/3 tại Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc đã phủ quyết việc ghi tên Masood Azhar, thủ lãnh của tổ chức thánh chiến Jaish-e-Mohammed (JeM) ở Pakistan vào danh sách trừng phạt của Hội đồng Bảo an, trong khi người này bị Ấn Độ tố cáo là thủ phạm vụ tấn công làm 40 dân quân Ấn thiệt mạng ở Kashmir ngày 14/2. Hai cường quốc nguyên tử Châu Á có nguy cơ lao vào chiến tranh vì vụ này. Đề nghị trừng phạt được Pháp đưa ra được sự ủng hộ của hầu hết các thành viên thường trực và không thường trực của Hội đồng Bảo an.
Việc Bắc Kinh phủ quyết không gây ngạc nhiên, chứng tỏ Pakistan được coi là đồng minh quân sự lớn nhất của Trung Quốc. Bước ngoặt trong quan hệ đôi bên diễn ra vào năm 2015, khi Tập Cận Bình công bố kế hoạch đầu tư hành lang kinh tế CPEC (China-Pakistan Economic Corridor) trị giá 46 tỉ đô la để xây dựng cơ sở hạ tầng ở Pakistan. Các doanh nhân, nhà kinh tế và nhà báo nhanh chóng chỉ trích sự thiếu minh bạch của dự án làm nợ công tăng vọt mà Pakistan phải trả trong vòng từ 35 đến 40 năm, tính ra mỗi năm từ 2022 đến 2028 phải trả lãi từ 4 đến 4,5 tỉ đô la. Tuy nhiên, đương kim thủ tướng Imran Khan từ chối hủy bỏ CPEC. Quân đội Pakistan có cùng mục tiêu với Trung Quốc là chận đứng ảnh hưởng của Ấn Độ tại Nam Á và Ấn Độ Dương.
Trong 10 năm qua, Pakistan trở nên lệ thuộc hầu như hoàn toàn vào vũ khí Trung Quốc. Theo Viện nghiên cứu hòa bình ở Stockholm (SIPRI), năm 2018, vũ khí mua từ Trung Quốc chiếm đến 70%, và tỉ lệ nhập khẩu vũ khí Mỹ từ 27% sụt xuống chỉ còn 8,9%. Trong giai đoạn từ 2001 đến 2007, Islamabad nhận được từ Bắc Kinh 325 chiến xa, thiết bị để lắp ráp 100 chiến đấu cơ JF-17, bốn chiến hạm ; các ngư lôi, hỏa tiễn, trực thăng, phi cơ thám sát biển, radar, thiết bị bay không người lái… Năm 2015 Pakistan còn thỏa thuận mua 8 tàu ngầm S20 mà Trung Quốc xưa nay chưa hề bán cho ai. Hai bên gần đây còn hợp tác chặt chẽ về hàng không không gian.
Thái Lan : Bí mật bao trùm lên xác chết ba nhà ly khai trên dòng Mêkông
Tại Đông Nam Á, thông tín viên của Le Monde ở Thái Lan cho biết "Bí mật bao trùm lên xác chết của các nhà ly khai trên dòng sông Mêkông".
Ba cái xác được bó chiếu lần lượt nổi lên bên phía Thái trong ba ngày cuối năm ngoái, với cùng những đặc điểm : khuôn mặt biến dạng, bụng bị bơm đầy xi măng. Thi thể thứ hai và thứ ba được nhận diện là hai nhà ly khai Thái Lan Puchana và Kasalong đã tị nạn ở Lào sau vụ đảo chính quân sự tháng 5/2014, nhưng cái xác thứ nhất thì đã biến mất. Người vợ của Surachai Danwattannusorn cho rằng đó chính là chồng bà và đã nộp đơn kiện. Quân đội chối bỏ mọi cáo buộc.
Vụ nhà ly khai Surachai gợi nhớ một thời kỳ đã bị giới trẻ Thái Lan quên lãng. Trong thập niên 60 và 70, hàng ngàn du kích cộng sản Thái Lan được Bắc Kinh yểm trợ chiến đấu với quân đội trong rừng rậm, nhưng đến cuối thập niên 80 họ đã ngưng chiến khi chính phủ ban bố lệnh ân xá. Ông Surachai là một trong những thủ lãnh du kích huyền thoại, sau đó bị tù vì vụ tấn công một đoàn xe chở tiền nhằm mục đích tuyên truyền và tội khi quân, và khi được thả đã sang Lào tị nạn.
Thảo luận toàn quốc, trải nghiệm dân chủ độc đáo ở Pháp
Cuộc thảo luận toàn quốc do chính quyền đề xướng nhằm thoát khỏi khủng hoảng "Áo Vàng" chính thức kết thúc vào hôm nay 15/03/2019, chiếm trang nhất của hầu hết các nhật báo Pháp.
Libérationnhận xét "Từ thảo luận toàn quốc đến một sự lúng túng lớn lao", trong việc diễn dịch cụ thể ý muốn của người dân. Le Figaro chạy tựa "Thảo luận toàn quốc : Người Pháp thực sự muốn gì ?". Một cuộc điều tra cho thấy sức mua vẫn là ưu tư lớn nhất của công dân. "Thảo luận toàn quốc : Độc giả bày tỏ ý kiến", tựa chính của La Croix.
Les Echos chạy tựa lớn "Thảo luận toàn quốc : Tổng kết" và dành đến 8 trang báo để nói về những hướng của tổng thống Emmanuel Macron sau hai tháng qua, tổng hợp các ý kiến về thuế khóa, dân chủ, môi trường. Riêng Le Monde dành tựa trang nhất cho chủ đề "Tư nhân hóa công ty quản lý sân bay ADP : Chính phủ bối rối".
La Croixtrong bài xã luận cho rằng có thể rút ra những bài học tích cực từ sự kiện này. Người dân tham gia đông đảo để nói lên tiếng nói của mình, và đưa ra những đề nghị với chính quyền : 10.335 cuộc hội thảo đã diễn ra trên toàn quốc, và trên mạng có 1.750.108 góp ý.
Tuy không thể coi là đại diện cho 47 triệu cử tri Pháp, và chủ yếu là các công dân đứng tuổi thay vì giới trẻ, nhưng vào tháng 11 năm ngoái, ai có thể tưởng tượng được là nước Pháp sẽ trở thành một diễn đàn khổng lồ như thế ? Tờ báo cho rằng phải cảm ơn phong trào Áo Vàng (Gillets Jaunes) và tổng thống Emmanuel Macron, đã nhận ra những mong đợi này và tạo điều kiện để biểu lộ. Theo La Croix, những cuộc tranh luận dân chủ như thế là một thành tựu trong giai đoạn đầy sóng gió hiện nay, và cần được tiếp tục triển khai.
Show độc diễn của tổng thống trẻ và khát vọng bình đẳng
Libérationđặt câu hỏi "Tranh luận xong rồi, bây giờ phải làm gì ?". Bức màn chưa thể hạ ngay mà phải chờ một tháng nữa, sau các "hội nghị công dân" để tổng kết ở từng vùng và tranh luận tại Quốc hội, trước khi tổng thống Macron phát biểu và có những quyết định quan trọng vào giữa tháng Tư.
Chính quyền không vội vã đặt dấu chấm hết cho trải nghiệm dân chủ độc đáo này. Trước hết là do đã thành công trong chiến thuật đổi hướng sự chú ý khỏi phong trào Áo Vàng, tạo ra một làn gió mới. Tiếp đến, đợt thảo luận đã mang lại hào quang cho vị tổng thống trẻ tuổi, chứng tỏ được kiến thức rộng rãi và tài hùng biện trong các "one president show", những sô độc diễn dài hơi có thể so sánh với Fidel Castro. Cuối cùng, những mong đợi có thể trở thành thất vọng, trong tình trạng ngân sách eo hẹp. Lãnh đạo là phải chọn lựa, mà chọn lựa thì luôn có nguy cơ gây bất bình.
Xã luận của Le Figaro nhắc lại câu nói của nhà lý luận Tocqueville từ thế kỷ trước : các định chế và phương thức dân chủ "đánh thức và ve vãn đam mê được bình đẳng, nhưng chưa bao giờ có thể hoàn toàn thỏa mãn ước vọng này".
Thụy My