Nữ Thủ tướng New Zealand trong ‘ngày đen tối nhất của đất nước’ (VOA, 16/03/2019)
Chỉ vài giờ sau vụ xả súng gây nhiều chết chóc nhất trong lịch sử New Zealand, trong lúc hiện trường còn bị phong tỏa, Nữ Thủ tướng của nước này, Jacinda Ardern, đã mở họp báo để phổ biến cho dân chúng, và thế giới, biết những thông tin mà bà đã đúc kết sau khi lắng nghe báo cáo của các quan chức cảnh sát và tình báo về những gì đang diễn ra tại hai đền thờ Hồi giáo ở Christchurch.
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern tại cuộc họp báo ở Wellington, ngay sau hai vụ xả súng ở Chrischurch, New Zealand, ngày 15/3/2019. (TVNZ via AP)
"Điều đã xảy ra ở Christchurch là một hành động bạo lực chưa từng xảy ra. Hành vi đó không có chỗ đứng ở New Zealand. Rất nhiều nạn nhân sẽ là thành viên của các cộng đồng di dân của chúng ta. New Zealand là quê hương của họ- họ là chúng ta", nữ Thủ tướng đầu tiên của New Zealand và cũng là Thủ tướng trẻ tuổi nhất trong lịch sử nước này, phân tích tình hình với những lời lẽ khúc chiết, và những nhận định rõ ràng về bản chất của tội ác, cho thấy bà hoàn toàn làm chủ tình hình.
Quốc kỳ New Zealand treo rủ tại trụ sở quốc hội ở Wellington ngày 15/3/2019, sau vụ xả súng vào 2 đền thờ Hồi giáo ở Christchurch, giết 49 người ngày 15/3/2019
Trong cuộc họp báo, Jacinda Ardern miêu tả cuộc tấn công nhắm vào hai đền thờ Hồi giáo là một "hành động khủng bố, đã giết chết hơn 40 người và làm bị thương nhiều người khác tại một thị trấn đã trải qua nhiều đau thương" sau trận động đất gần đây nhất.
Ngoài những thông tin về số tử vong, bao nhiêu người bị bắt, những bước hành động mà chính phủ đã xúc tiến để đảm bảo an toàn cho dân…, nhà lãnh đạo trẻ tuổi còn mạnh mẽ lên án hành động bạo lực phi lý của những kẻ "đầy hận thù". Bà nói đây là "một trong những ngày đen tối nhất" của New Zealand.
"Hiện đã rõ là sự cố này chỉ có thể được miêu tả là một cuộc tấn công khủng bố. Dựa trên những gì chúng ta biết được, thì vụ việc có vẻ như đã được lên kế hoạch cẩn thận".
Bà miêu tả những kẻ thực hiện cuộc tấn công là "những kẻ có quan điểm cực đoan, không có chỗ đứng ở New Zealand, và không có chỗ đứng trên thế giới".
Thủ tướng Ardern lên án "bằng những lời lẽ mạnh mẽ nhất ý thức hệ của những kẻ đứng sau hành vi bạo động này", và không quên khen ngợi cảnh sát đã hành động chuyên nghiệp để nhanh chóng khống chế những kẻ tấn công hầu có thể tránh đổ máu hơn nữa.
Bà giành những lời lẽ đầy cảm xúc khi ngỏ lời với các nạn nhân, trong đó có nhiều người đã chọn tới New Zealand định cư trong mấy năm gần đây, một số trong tư cách những người tị nạn đã chọn đất nước New Zealand thanh bình vì muốn tránh xa bạo động và chiến tranh.
Bà nói :
"Chúng ta, New Zealand, không bị nhắm tấn công bởi vì New Zealand là một nơi trú ẩn an toàn cho những kẻ đầy hận thù. Chúng ta không được chọn làm địa điểm cho hành vị bạo lực này bởi vì chúng ta bao che kỳ thị chủng tộc, hay bởi vì chúng ta là một cứ địa của chủ nghĩa cực đoan. Chúng ta bị nhắm tấn công là bởi vì chúng ta không phải là những gì vừa được nêu lên".
Bà kết luận :
. Một quê hương cho những người chia sẻ những giá trị chung của chúng ta. Một nơi trú ẩn cho những người cần nơi ẩn trú. Những giá trị đó sẽ không bao giờ, và không thể, lung lay vì cuộc tấn công này".
Nhà lãnh đạo trẻ nói New Zealand là một quốc gia tự hào là nơi chung sống của hơn 200 sắc tộc khác nhau, nói 160 ngôn ngữ. Bà nói tiếp :
"Trong cái đa dạng đó, chúng ta chia sẻ những giá trị chung. Và một giá trị mà chúng ta đang dựa vào trong giờ phút này là lòng trắc ẩn, và tinh thần tương thân tương trợ cho cộng đồng đã bị tác động trực tiếp trong thảm họa này".
"Điều thứ nhì mà chúng ta chia sẻ, là lên án bằng những lời lẽ mạnh mẽ nhất cái ý thức hệ của những kẻ đã thực hiện cuộc tấn công".
"Các người có thể đã chọn chúng tôi (để tấn công), nhưng chúng tôi tuyệt đối bác bỏ và lên án các người".
Thông điệp của Thủ tướng Jacinda Ardern gửi những kẻ cực đoan xả súng vào các đền thờ Hồi giáo
Nhìn thẳng vào ống kinh như để trực tiếp nói với các hung thủ, Thủ tướng Ardern tuyên bố :
"Các người có thể đã chọn chúng tôi (để tấn công), nhưng chúng tôi tuyệt đối bác bỏ và lên án các người".
Nhiều người dân New Zealand và thế giới đã nhiệt liệt hoan nghênh Thủ tướng New Zealand về những quan điểm nhân bản của bà, cũng như những lời lẽ quyết liệt lên án chủ nghĩa cực đoan và tinh thần bất khoan dung.
Jacinda Ardern là nhà lãnh đạo trẻ tuổi nhất của Đảng Lao động New Zealand, bà trở thành Thủ tướng trẻ tuổi nhất trong lịch sử 150 năm của New Zealand hồi năm ngoái, 2018. Trong gần 200 quốc gia trên thế giới hiện nay, chỉ có 11 quốc gia là do một phụ nữ lãnh đạo.
Hoài Hương
*****************
New Zealand quyết thay đổi luật súng ống sau vụ xả súng Christchurch (VOA, 17/03/2019)
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern hứa sẽ thay đổi luật kiểm soát súng ở nước bà sau khi một tay súng bắn chết 49 người trong hai nhà thờ Hồi giáo ở thành phố Christchurch.
Người dân đến đặt hoa tỏ lòng thương tiếc tại một địa điểm tưởng niệm gần nhà thờ Hồi giáo Masjid Al Noor ở Christchurch, New Zealand, ngày 16 tháng 3, 2019.
New Zealand nổi tiếng là một quốc gia nhàn hạ và thanh bình, nơi mà thậm chí cảnh sát phần lớn không mang vũ khí. Nhưng nơi này có tỉ lệ sở hữu súng tư nhân thuộc hàng cao nhất thế giới và việc tiếp cận vũ khí khá dễ dàng.
Bà Ardern nói kẻ tấn công nhà thờ Hồi giáo là một người sở hữu súng có giấy phép và rằng năm khẩu súng được sử dụng trong vụ thảm sát, bao gồm hai khẩu súng bán tự động và hai khẩu súng bắn đạn ghém (shotgun).
"Tôi có thể nói với bạn một điều ngay bây giờ, luật súng ống của chúng ta sẽ thay đổi", bà nói với các phóng viên hôm thứ Bảy, nói thêm rằng một lệnh cấm súng bán tự động sẽ được cân nhắc.
Những khẩu súng mà nghi phạm sử dụng dường như cũng đã được cải biến, bà cho biết.
"Đó là thách thức mà chúng tôi sẽ giải quyết trong việc thay đổi luật súng ống của chúng ta", bà nói thêm.
New Zealand trong quá khứ đã cố gắng thắt chặt luật súng ống, nhưng giới vận động súng ống đầy quyền lực và văn hóa săn bắn đã cản trở những nỗ lực đó. Ước tính có khoảng 1,5 triệu khẩu súng tại New Zealand, nơi mà dân số chỉ có năm triệu người, nhưng quốc gia này có tỉ lệ bạo lực súng ống thấp.
Luật súng ống của New Zealand không thay đổi nhiều kể từ năm 1992, mặc dù các thẩm định của chính phủ sau đó đã kêu gọi cải cách.
Ở New Zealand, cảnh sát không thường mang theo súng. Đất nước này xưa nay có tỉ lệ giết người thấp.
Cảnh sát New Zealand cho biết vào năm ngoái rằng tỉ lệ giết người đã giảm xuống mức thấp nhất trong 40 năm qua, với 48 vụ trong năm 2017.
*******************
Nghi phạm thượng đẳng da trắng bị khởi tố sau vụ xả súng ở New Zealand (VOA, 16/03/2019)
Brenton Harrison Tarrant, người Úc 28 tuổi, kẻ tình nghi có chủ trương thượng đẳng da trắng, bị buộc tội giết người hôm thứ Bảy sau khi 49 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương trong vụ xả súng hàng loạt tại hai nhà thờ Hồi giáo ở New Zealand.
Brenton Tarrant được dẫn ra trước Tòa án Khu vực Christchurch, New Zealand, ngày 16 tháng 3, 2019. Khuôn mặt của nghi phạm được làm mờ.
Tarrant, bị còng tay và mặc một bộ đồ tù màu trắng, đứng lặng lẽ tại Tòa án Khu vực Christchurch, Reuters cho biết. Anh ta không đưa ra tuyên bố nào. Anh ta sẽ trở lại tòa án vào ngày 5 tháng 4 và cảnh sát nói anh ta có thể phải đối mặt với thêm các cáo buộc nữa.
Vụ tấn công vào ngày thứ Sáu, mà Thủ tướng Jacinda Ardern gọi là khủng bố, là vụ giết người hàng loạt nghiêm trọng nhất thời bình ở New Zealand và nước này đã nâng mức độ đe dọa an ninh lên mức cao nhất.
Tarrant được mô tả là một kẻ tình nghi có chủ trương thượng đẳng da trắng, dựa trên hoạt động trên mạng xã hội của anh ta.
Đoạn phim ghi lại vụ tấn công nhắm vào một trong những nhà thờ Hồi giáo được phát trực tiếp trên Facebook và một "bản tuyên ngôn" bài xích người Hồi giáo là "những kẻ xâm lược" cũng được đăng lên mạng thông qua các đường dẫn đến các tài khoản mạng xã hội liên quan.
Đoạn video cho thấy một người đàn ông lái xe đến nhà thờ Hồi giáo Al Noor, bước vào đó và ngẫu nhiên chĩa súng trường bán tự động công năng cao vào mọi người. Video cho thấy những người thờ phượng, có thể đã chết hoặc bị thương, nằm trên sàn nhà.
Sau đó, tay súng quay trở lại xe hơi của mình, đổi vũ khí, vào lại trong nhà thờ Hồi giáo và lại bắt đầu nổ súng. Camera gắn trên đầu anh ta ghi lại vụ thảm sát theo hướng nòng súng, giống như một số trò chơi điện tử bắn giết.
41 người bị giết chết tại nhà thờ Hồi giáo Al Noor.
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern nói chuyện với một người phụ nữ khi bà đến thăm Trung tâm Người tị nạn Canterbury ở Christchurch, ngày 16 tháng 3, 2019.
Cảnh sát nói tay súng tình nghi mất bảy phút để đi đến nhà thờ Hồi giáo thứ hai ở khu ngoại ô Linwood, nơi bảy người bị sát hại. Chưa có hình ảnh nào từ nhà thờ Hồi giáo thứ hai được công bố.
Tarrant bị bắt trong một chiếc xe hơi 36 phút sau khi cảnh sát được gọi báo lần đầu tiên. Cảnh sát cho hay xe có chứa các thiết bị nổ tự chế.
"Hung thủ di chuyển từ nơi này sang nơi khác, có hai khẩu súng khác trong xe mà hung thủ sử dụng, và anh ta hoàn toàn có ý định tiếp tục cuộc tấn công của mình", Thủ tướng Ardern nói với các phóng viên ở Christchurch hôm thứ Bảy.
Văn phòng của bà Ardern nói nghi phạm đã gửi "bản tuyên ngôn" trong một email hàng loạt bao gồm địa chỉ email chung cho Thủ tướng, lãnh đạo phe đối lập, chủ tịch nghị viện và khoảng 70 cơ quan truyền thông vài phút trước cuộc tấn công.
Một phát ngôn viên cho biết email không mô tả vụ việc cụ thể và "không có gì trong nội dung hoặc thời điểm mà lẽ ra có thể ngăn chặn được vụ tấn công".
Hai người khác đang bị câu lưu và cảnh sát cho biết họ đang tìm hiểu liệu họ có dính líu trong bất kì khía cạnh nào hay không.
Không ai trong số những người bị bắt có tiền án hình sự hoặc nằm trong danh sách theo dõi ở New Zealand hoặc Úc.
Trong khi đó, hàng chục người đã đặt hoa tại các địa điểm gần cả hai nhà thờ Hồi giáo ở thành phố Christchurch, nơi vẫn đang xây cất lại sau trận động đất gây tàn phá vào năm 2011 khiến gần 200 người thiệt mạng.
Đội khăn đen trên đầu, bà Ardern ôm các thành viên của cộng đồng người Hồi giáo tại một trung tâm tị nạn ở thành phố Christchurch, nói rằng bà sẽ đảm bảo tự do cho tôn giáo ở New Zealand.
"Tôi truyền đạt thông điệp về tình yêu và sự ủng hộ của New Zealand tới tất cả các bạn", bà nói.
Phần lớn các nạn nhân là di dân hoặc người tị nạn từ các quốc gia như Pakistan, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Somalia và Afghanistan. Người Hồi giáo chỉ chiếm hơn 1 phần trăm dân số New Zealand.
*******************
Nghi can khủng bố ở New Zealand không phải cư dân thường trực (VOA, 16/03/2019)
Thủ tướng New Zealand, Jacinda Ardern, cho biết nghi can vụ nổ súng vào đền thờ Hồi giáo ở Christchurch đã du hành khắp nơi trên thế giới và không phải là một cư dân lâu dài ở New Zealand.
Các nạn nhân vụ xả súng hôm 15/3 được cấp cứu.
Tại cuộc họp báo ở thủ đô Wellington, bà Ardern nói nghi can nổ súng là một công dân Australia thỉnh thoảng tới New Zealand và lưu lại một thời gian.
Bà nói người này không nằm trong danh sách bị theo dõi ở New Zealand hay Australia.
Hung thủ bắn chết 49 người, làm bị thương hơn 40 người khác tại hai đền thờ ở New Zealand hôm 15/3.
Bà cho hay sau vụ việc này, luật súng ống của New Zealand sẽ phải thay đổi.
Nạn nhân trong vụ tấn công bao gồm các công dân Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, Indonesia và Malaysia.