Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

21/03/2019

Điểm báo Pháp - Châu Âu đối đầu với Trung Quốc

RFI tiếng Việt

Bước ngoặt của Châu Âu : Đối đầu với Trung Quốc

Ủy Ban Châu Âu trong tài liệu quan trọng công bố hôm 12/3, đã gọi thẳng Trung Quốc là "địch thủ cạnh tranh chiến lược", đề ra 10 kế hoạch hành động. Sự sáng suốt này là cả một bước ngoặt ! Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng thẳng thừng tuyên bố "Con đường tơ lụa mới không thể là dự án bá quyền, làm cho các quốc gia mà con đường này chạy qua trở thành chư hầu" của Trung Quốc.

chau1

Chiêu bài "đa phương", "đôi bên cùng có lợi" của ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị có còn khuyến dụ được Châu Âu ? Reuters/Yves Herman

Châu Âu trước mối nguy Trung Quốc và Brexit là hai chủ đề được đề cập nhiều nhất trên các báo Pháp ra ngày hôm nay 21/03/2019.

Trong bài viết mang tựa đề "Trung Quốc – Châu Âu, bước ngoặt", Le Monde kêu lên : Thế là ông ấy đến rồi ! Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm Châu Âu từ ngày 21 đến 26/3, nhưng là một người khách không được chờ đợi. Liên Hiệp Châu Âu (EU) rốt cuộc cũng đã lượng định được sức nặng của Bắc Kinh và đang đặt nghi vấn về cường quốc đang lên nhanh nhưng quan tâm đến cả một đất nước tí hon là Monaco (quốc gia đầu tiên hoàn toàn bao phủ bằng công nghệ 5G của Hoa Vi). Một số nhà lãnh đạo Châu Âu đang nghiêm túc xem xét lại mối quan hệ.

Hoa Vi lên mặt "dạy dỗ" Châu Âu về cách mạng công nghệ

Phải nói rằng Trung Quốc khi cố gắng đánh thức huyền thoại Con đường tơ lụa, không hề nhẹ tay. Trang nhất của Politico, tạp chí Mỹ được đọc nhiều nhất tại Bruxelles, hôm thứ Ba 19/3 đăng một bài quảng cáo với tựa đề "Làm thế nào Châu Âu có thể đi đầu trong cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo". Bài viết ký tên… Hoa Vi (Huawei) !

Việc tập đoàn khổng lồ Trung Quốc vung tay mua quảng cáo trên truyền thông để giải thích cho người Châu Âu cách thức thành công trong công nghệ, một hôm trước khi Tập Cận Bình đặt chân lên Châu lục, quả là chua chát.

Cùng ngày, Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (OMPI, hay WIPO theo tiếng Anh) thông báo Hoa Vi đang đứng đầu danh sách xin cấp bằng sáng chế, và một tập đoàn viễn thông khác của Trung Quốc là ZTE đứng thứ năm. Các nước Châu Á và trước hết là Trung Quốc sắp thắng cuộc đua sáng tạo, trong khi hơn bao giờ hết, sáng tạo công nghệ là vũ khí quan trọng nhất trong thế kỷ 21.

"Con đường tơ lụa mới" trên biển và trên đất liền được tung ra từ nhiều năm qua nhằm nối liền Trung Quốc với thế giới vẫn tiếp tục được xúc tiến, với cái tên ít thơ mộng hơn là "Sáng kiến Một vành đai, Một con đường" (Belt and Road Initiative, BRI).

Tại Roma trong tuần này, ông Tập Cận Bình sẽ ký kết với chính phủ của các ông Conte, Salvini và Di Maio - dưới cái nhìn tức tối nhưng hiện giờ là bất lực của Washington và Bruxelles - một thỏa thuận khiến Ý trở thành quốc gia G7 đầu tiên tham gia chiến lược BRI của Trung Quốc. Sự kiện này mang tính biểu tượng rất cao.

Nhưng theo Le Monde, chính "Con đường tơ lụa" ảo, đặc biệt là mạng lưới 5G, mới là mũi nhọn của cuộc tấn công từ Trung Quốc, mà Hoa Vi là cánh tay vũ trang. Hoa Vi vừa khiến người ta khâm phục vì sự tiến bộ nhanh chóng, vừa gây lo ngại vì Hoa Kỳ công khai tố cáo làm gián điệp cho Nhà nước Trung Quốc. Chính quyền Donald Trump đã yêu cầu, và thậm chí đe nẹt các đồng minh Châu Âu là nên theo chân Úc, loại Hoa Vi khỏi các cuộc gọi thầu 5G.

Các nước EU phản ứng theo những cách khác nhau. Pháp vẫn chưa công bố quan điểm, Đức và Anh từ chối nhượng bộ trước áp lực Mỹ, cho rằng có thể tự bảo vệ trước nguy cơ về an ninh, tuy nhiên vẫn ý thức được mối đe dọa. Một quan chức tình báo cao cấp của một nước Châu Âu nhận xét : "Cần phải sáng suốt trước Hoa Vi, một quái thú công nghiệp muốn nuốt sống những người cạnh tranh. Việc Hoa Vi kiểm soát thị trường sẽ là mối đe dọa trầm trọng".

Châu Âu đơn độc trước Trung Quốc

Tuần này tại Bruxelles, các nhà lãnh đạo 28 nước Châu Âu, theo đề nghị của Paris và Berlin, cố gắng tìm ra một chiến lược chung để đối phó với Trung Quốc. Tất nhiên là về công nghệ 5G, nhưng không chỉ có thế.

Thách thức là vô cùng lớn. Ủy Ban Châu Âu trong tài liệu quan trọng công bố hôm 12/3, đã gọi thẳng Trung Quốc là "địch thủ cạnh tranh chiến lược", đề ra 10 kế hoạch hành động. Tất nhiên trong ngôn ngữ ngoại giao, tuy "cần tôn trọng lẫn nhau" nhưng EU đòi hỏi phải đối xử tương xứng trong việc mở cửa thị trường dự án sử dụng tài chính công. Sự sáng suốt này là cả một bước ngoặt !

Châu Âu liệu có đoàn kết được ? Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm thứ Hai 18/3 đã toan phá ngang bằng cách ca ngợi "chủ nghĩa đa phương", "đôi bên cùng có lợi".

Nhưng thời điểm ngắn ngủi mà Châu Âu hy vọng có thể chung lưng với Trung Quốc để cứu vãn hệ thống đa phương trước móng vuốt của ông Donald Trump đã qua rồi. Bắc Kinh nhân đó đã tận dụng thủ lợi cho mình.

Còn thời điểm dài hơn, trong đó Châu Âu kỳ vọng đồng minh Mỹ, đã thấy rõ tham vọng của Bắc Kinh, sẽ hợp tác với mình để đối phó, thì cũng đã qua đi. Với "American First", Washington bỏ mặc các đồng minh truyền thống, để cho Trung Quốc - vốn chẳng có đồng minh - chơi trò chia rẽ EU.

Le Monde bi quan kết luận, để bảo vệ lợi ích của mình, Châu Âu đang quá đơn độc !

Tập Cận Bình "xoay trục", nhưng Châu Âu có muốn?

Cũng về chủ đề này, Les Echos dành hai trang báo để nói về "Bắc Kinh xoay trục sang Châu Âu", với tựa chính "Tập Cận Bình bắt đầu đi thăm một Châu Âu đầy cảnh giác nhưng chia rẽ".

Đang trong chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ, Trung Quốc cố gắng tăng cường quan hệ với Châu Âu. Bốn tháng sau chuyến thăm Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, ông Tập hôm nay lại bắt đầu đi thăm Ý, Monaco và Pháp. Chuyên gia Philippe Le Corre, Havard Kennedy School nhận định : "Tập Cận Bình muốn chứng tỏ cho người Mỹ thấy là Trung Quốc không cô đơn, và có thể xoay trục sang Châu Âu".

Nhưng liệu Châu Âu có muốn hay không ? Tại Bruxelles trong những năm gần đây, quan điểm đã thay đổi nhiều, như việc thành lập cơ chế giám sát đầu tư nước ngoài và một loạt biện pháp mới đây đã chứng tỏ. Lần đầu tiên một đợt thảo luận dài hơi được tiến hành nhằm tìm ra một tiếng nói thống nhất để đối phó với Bắc Kinh, trước khi diễn ra thượng đỉnh EU-Trung Quốc ngày 9/4.

Tuy vậy trong nội bộ Châu Âu vẫn còn bất đồng, một số cho rằng chủ trương của Pháp và Đức quá cứng rắn đối với Trung Quốc. Thế nên Bắc Kinh duy trì chính sách chia để trị, sử dụng công thức "16 +1", tức Trung Quốc cộng với 16 nước Trung Âu và Đông Âu. Nhóm này sẽ họp lại tại Dubronik (Croatia) ngày 16/4.

Trung Quốc bành trướng trên Biển Đông, Châu Âu lo ngại

Trong bài "Liên Hiệp Châu Âu rắn giọng hơn trước Trung Quốc", Le Monde nói thêm, trong tài liệu nêu trên của Ủy Ban Châu Âu, ngay cả sự bành trướng trên Biển Đông và việc Bắc Kinh từ chối nhìn nhận phán quyết về đường lưỡi bò của Tòa án Trọng tài Thường trực năm 2016, cũng đã được nêu ra.

Bởi vì cách hành xử này "ảnh hưởng đến trật tự tư pháp quốc tế", và "làm phức tạp thêm việc giải quyết căng thẳng trên tuyến đường hàng hải thiết yếu cho lợi ích Châu Âu". Tương tự, việc Trung Quốc tăng cường nhanh chóng năng lực quân sự và công nghệ "là nguy cơ trước mắt và trung hạn về an ninh cho Liên Hiệp Châu Âu".

Trước mối nguy này, riêng Pháp đã tổ chức tập trận chung với Hải quân Nhật, bán tàu ngầm cho Úc và phi cơ tiêm kích cho Ấn Độ. La Croix cho biết, khi đến Canberra tháng 5/2018, tổng thống Emmanuel Macron kêu gọi Úc và Ấn Độ cùng hợp tác để đối phó với Trung Quốc để bảo đảm tự do hàng hải, hàng không tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, tránh "bá quyền nước lớn".

Bà Alice Ekman, người phụ trách đề tài nghiên cứu "Nước Pháp đối mặt với Con đường tơ lụa mới của Trung Quốc" cho Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI) cho biết : "Tại các trung tâm nghiên cứu ở Washington, Bruxelles, Paris và Berlin nổi lên nhận định chung về Trung Quốc. Người ta nhận ra Bắc Kinh cứng rắn hơn trong đối nội, không có tiến bộ gì về cải cách các công ty quốc doanh, khó thể vào được thị trường Hoa lục, và mọi người rất quan ngại trước những ứng xử của Trung Quốc với bên ngoài". Tuy có cùng nhận xét, nhưng nếu Washington chọn lựa trừng phạt thì Châu Âu cố tìm ra giải pháp.

Khi Bắc Kinh chính thức được coi là đối thủ

Đối với nhà Trung Quốc học François Godement, kế hoạch hành động của EU hôm 12/3 là "cả một cuộc cách mạng". Lần đầu tiên Ủy ban Châu Âu ra thời hạn để thương lượng với Trung Quốc về thỏa thuận đầu tư vào năm 2020 – Bắc Kinh cứ lần lựa từ bảy năm qua. Mục đích là nhằm giới hạn việc bắt chẹt nhà đầu tư Châu Âu phải chuyển giao công nghệ, đòi hỏi mở cửa thị trường về dự án sử dụng tài chính công ở Trung Quốc và các lãnh vực khác cho đến nay vẫn bị đóng cửa.

Một biện pháp nữa là áp dụng "công cụ kiểm tra các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vì lý do an ninh" được Nghị Viện Châu Âu thông qua hồi tháng Hai, nhắm vào Trung Quốc và đặc biệt là Hoa Vi. Bắc Kinh tìm cách tránh né với đủ kiểu hứa hẹn, và các dự án đóng dấu "Con đường tơ lụa mới". Theo chuyên gia Ekman : "Cái nhãn BRI giúp Trung Quốc liên kết với vô số đối tác – quốc gia, định chế, trung tâm nghiên cứu – vì lợi ích của Trung Quốc, với chiêu bài đa phương".

Ủy ban Châu Âu khi bắt đầu rắn giọng với Bắc Kinh từ 2012 đến 2016 vẫn bị Anh quốc và một số nước Bắc Âu chống đối. Nay với Brexit, Trung Quốc đã mất đi một đồng minh quan trọng. Giờ thì đến lượt nước Ý bập vào miếng mồi Con đường tơ lụa mới của Bắc Kinh.

Macron : Không để Con đường tơ lụa mới biến các nước thành chư hầu của Trung Quốc

Một nhà Trung Quốc học khác là Francesco Sisci giải thích trên Les Echos : "Các công ty Ý quá nhỏ, bị lọt thỏm trong thị trường Hoa lục khổng lồ. Tuy nhiên điều đáng ngại không phải là sức mạnh của Trung Quốc hay sự yếu kém của Ý. Roma lao vào mà không có chuẩn bị, với giới lãnh đạo hiện nay chưa đủ tầm. Ý chẳng có kế hoạch hay chiến lược gì, thậm chí còn không nêu ra chủ đề này với các đối tác EU hay NATO, dù biết rằng quan hệ Mỹ-Trung đang rất căng thẳng".

Nhưng Pháp, một trong những cột trụ của EU thì không ngây thơ. Le Monde trong bài "Macron lo ngại trước mưu đồ bá chủ của Bắc Kinh", nêu ra việc tổng thống Pháp nhân chuyến công du Djibouti đã cảnh báo nước chủ nhà về mối nguy hiểm khi lệ thuộc vào một nhà đầu tư đồng thời là chủ nợ duy nhất. La Croix nhắc lại, tổng thống Emmanuel Macron hồi tháng Giêng 2018 đã thẳng thừng tuyên bố dự án "Con đường tơ lụa mới không thể là dự án bá quyền, làm cho các quốc gia mà con đường này chạy qua trở thành chư hầu" của Trung Quốc.

Qua việc Sri Lanka không trả nổi nợ, phải nhượng cảng nước sâu Hambantota cho Trung Quốc trong 99 năm, ông Sébastien Jean, giám đốc CEPII nhận xét trên La Croix, điều đáng ngại là nếu phương Tây thường giảm hay xóa nợ cho các nước đang phát triển, thì Bắc Kinh lại thích "siết nợ", chiếm lấy những cơ sở hạ tầng chiến lược. Think tank Mỹ Center for Global Development quan sát thấy trong danh sách những nước sắp cùng chung số phận với Sri Lanka có Lào, Pakistan, Djibouti, Mông Cổ, Kirghyzstan, Tadjikistan…

Thụy My

Quay lại trang chủ
Read 481 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)