Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

29/03/2019

Bác bỏ thỏa thuận Brexit, nước Anh rơi vào bất định

BBC tiếng Việt

Thỏa thuận Brexit của chính phủ Anh bị bác bỏ với 344 phiếu chống (BBC, 29/03/2019)

Chiều 29/3, các dân biểu Hạ viện Anh biểu quyết lần ba về thỏa thuận rời EU, nhưng chỉ là biểu quyết từng phần đối với thỏa thuận đã được đàm phán với Liên hiệp Châu Âu.

brexit1

Chiều 29/3, bà Theresa May kêu gọi các dân biểu Hạ viện Anh biểu quyết lần ba về thỏa thuận rời EU

Cuộc bỏ phiếu chớp nhoáng đem lại kết quả là 344 phiếu chống thỏa thuận Brexit của chính phủ Anh, và chỉ có 286 phiếu ủng hộ.

Đây là thỏa thuận chỉ gồm phần luật rời EU, các quyền dành cho công dân EU ở Anh, và quy định đảm bảo cuối cùng (backstop) về thông thương biên giới Bắc Ireland thuộc Anh và CH Ireland thuộc EU.

Nhưng phần tuyên bố chính trị liên quan tới tương lai mối quan hệ giữa Anh với EU không được đưa ra biểu quyết.

Sau khi thỏa thuận bị bác bỏ, Thủ tướng Theresa May đã nói trước Hạ viện Anh rằng cuộc bỏ phiếu "có hậu quả nghiêm trọng" và nếu không có gì thay đổi, Anh sẽ phải ra khỏi EU ngày 12 tháng 4 năm nay.

Điều đó có nghĩa là sẽ không có đủ thời gian để thông qua luật cần thiết để tránh Brexit không có thỏa thuận, bà nói.

brexit2

Thỏa thuận Brexit của chính phủ Theresa May lại bị bác với 344 phiếu chống và 286 phiếu thuận, chênh lênh 58 phiếu

Lãnh đạo đảng Lao động Jeremy Corbyn kêu gọi bà từ chức và tiến hành một cuộc bầu cử.

Đáp lại kết quả biểu quyết lần ba của Hạ viện Anh, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk đã nhắn trên Twitter :

"Vì Hạ viện Anh không thông qua Thỏa thuận Rút khỏi EU, tôi quyết định triệu tập Hội đồng Châu Âu họp vào ngày 10 tháng 4".

Đây là thỏa thuận chính phủ Anh và EU đã đồng ý với nhau vào tháng 11/2018.

brexit3

Bà Theresa May bị lãnh đạo Đảng Lao động kêu gọi từ chức

Lãnh đạo khối nghị sĩ Đảng Quốc gia Scotland (SNP) ở Quốc hội Anh, ông Ian Blackford nay nói rằng "ba lần thỏa thuận của thủ tướng bị đánh bại" và bà ta "cần tôn trọng sự thực đó".

"Nay chúng ta cần xem xét nghiêm túc khả năng hủy Brexit và cần hãm phanh quá trình này lại".

brexit4

Những người ủng hộ Brexit cho rằng nền dân chủ Anh 'đã chết', qua hình quan tài dán ảnh thủ tướng May

Hàng nghìn người đã kéo đến trước trụ sở Quốc hội ở Westminster, London để biểu tìn chiều thứ Sáu 29/03.

Một số người ủng hộ Brexit cho rằng Nghị viện Anh đã "phản bội" ý nguyện của cử tri và coi nền dân chủ 'đã chết' qua hình quan tài dán ảnh thủ tướng May

*******************

Thỏa thuận Brexit bị phủ quyết gồm những nội dung gì ? (BBC, 29/03/2019)

Các dân biểu Anh biểu quyết lần ba chống lại thỏa thuận Brexit của Thủ tướng Theresa May với 344 phiếu chống và 286 phiếu thuận, chênh lênh 58 phiếu.

brexit5

Thỏa thuận ra khỏi EU dài 585 trang, trong khi tuyên bố chính trị chỉ vỏn vẹn 26 trang

Nhưng lần này có một điểm khác biệt chính : các nghị sĩ chỉ biểu quyết về thỏa thuận ra khỏi EU, chứ không bỏ phiếu đối với phần tuyên bố chính trị. Trước đó, cả hai nội dung này đều được đưa ra Hạ viện và đều bị bác bỏ.

Vậy các nội dung được đưa ra biểu quyết hôm 29/3 gồm những gì ?

Thỏa thuận rời EU

Đây là thỏa thuận mà chính phủ Anh đã đàm phán với Liên Hiệp Châu Âu trong suốt hơn 18 tháng qua, trong đó có các điều khoản về việc Anh rời khỏi EU.

Lần đầu tiên được công bố vào tháng Mười Một, thỏa thuận dài gần 600 trang và gồm một số lĩnh vực chính như sau :

Quá trình chuyển tiếp

Theo thỏa thuận ra khỏi EU, Vương quốc Anh sẽ bước vào gia đoạn chuyển tiếp kéo dài 21 tháng với EU sau Brexit.

Trong thời gian này, Vương quốc Anh sẽ tiếp tục tuân theo các quy tắc của EU và tiếp tục ở trong thị trường đơn nhất và liên minh thuế quan theo đó cho phép tiếp tục tiến hành thương mại không ma sát . Vương quốc Anh cũng sẽ mất tư cách thành viên trong các cơ quan điều hành, lãnh đạo EU.

Thời gian chuyển tiếp có thể được gia hạn, nhưng chỉ trong một hoặc hai năm.

Tiền

Được gọi là "hóa đơn ly hôn", đây là số tiền mà Vương quốc Anh cần phải trả cho EU để giải quyết các nghĩa vụ của mình.

Mặc dù không có số liệu nào được nêu trong thỏa thuận giữa EU và Anh, nhưng dự kiến Anh sẽ phải trả ít nhất 39 tỷ bảng trong vài năm.

'Chốt chặn' Ireland

Phần gây tranh cãi nhất của thỏa thuận là vấn đề 'chốt chặn' với Ireland, là lý do chính khiến thỏa thuận không đạt được đa số ủng hộ tại Quốc hội.

'Chốt chặn' được đưa ra nhằm bảo đảm ngăn chặn được việc phải có đường biên giới cứng với Ireland hậu Brexit.

Nó sẽ có hiệu lực khi kết thúc giai đoạn chuyển tiếp, nếu như tới lúc đó EU và Anh không đạt được một thỏa thuận thương mại toàn diện, là thỏa thuận sẽ không làm phát sinh nhu cầu phải có hoạt động kiểm tra tại biên giới giữa Vương quốc Anh với Ireland.

Các điều khoản về 'chốt chặn' về mặt hiệu lực pháp lý sẽ khiến nước Anh ở vị thế có liên minh thuế quan tạm thời với EU.

Giới chỉ trích lo ngại rằng Anh có thể mắc kẹt giữa thỏa thuận này trong nhiều năm, khiến Anh không thể theo đuổi chính sách thương mại độc lập của riêng mình (chẳng hạn như ký thỏa thuận thương mại với các nước khác như Hoa Kỳ).

Quyền công dân

Trong giai đoạn chuyển tiếp, công dân Vương quốc Anh tại EU và công dân EU tại Anh sẽ tiếp tục được quyền cư trú và hưởng các chế độ phúc lợi sau Brexit.

Thỏa thuận cũng cho phép các công dân cư trú tại một quốc gia EU khác trong thời kỳ chuyển tiếp (tất nhiên gồm cả nước Anh) được cho phép ở lại quốc gia đó sau khi thời kỳ chuyển tiếp kết thúc.

Tuyên bố chính trị

Tuyên bố chính trị - cũng được công bố vào tháng Mười Một - nói về mối quan hệ trong tương lai giữa Vương quốc Anh và Liên Hiệp Châu Âu sau Brexit.

Tài liệu này ngắn hơn nhiều (chỉ gồm 26 trang) và, không như thỏa thuận ra khỏi EU, nó không ràng buộc về mặt pháp lý.

Một số lĩnh vực chính bao trong tài liệu này gồm :

Thương mại

Tài liệu yêu cầu quan hệ thương mại phải "càng gần gũi càng tốt" và tuyên bố rằng sẽ có một mối quan hệ hợp tác kinh tế "đầy tham vọng trên diện rộng và cân bằng".

Tuy nhiên, nó không đưa ra kết quả cuối cùng là thương mại Anh-EU sẽ như thế nào.

Hải quan

Tuyên bố chính trị đề cập đến một "thỏa thuận hải quan đầy tham vọng". Một số người quan ngại rằng điều này có thể biến thành một thỏa thuận vĩnh viễn mà có thể ngăn cản Vương quốc Anh theo đuổi chính sách thương mại độc lập của riêng mình.

Chính phủ bác bỏ quan ngại này, và lập luận rằng không có gì sai khi muốn thỏa thuận hải quan đầy tham vọng trong tương lai.

Biên giới với Ireland

Công nghệ và các thỏa thuận thay thế khác sẽ được xem xét để giữ cho biên giới Ireland mở ngỏ thay vì có các rào cản vật lý trên thực tế (ví dụ như việc đặt các chốt biên phòng).

Tuy nhiên, hiện tại thì không có đường biên giới nào EU có chung với một quốc gia ngoài EU là hoàn toàn mở. Liệu công nghệ có giúp xử lý được vấn đề đường biên giới với Ireland không ?

Tự do đi lại

Vương quốc Anh, theo giấy tờ, sẽ lấy lại quyền kiểm soát biên giới, và quyền tự do đi lại của công dân EU sang Anh (và công dân Anh sang EU) sẽ chấm dứt.

Tài liệu nói rằng cả hai bên đều muốn duy trì du lịch miễn thị thực cho các chuyến thăm ngắn hạn (đừng lo lắng về kỳ nghỉ của bạn) nhưng nó tỏ ý rằng việc cấp visa sẽ được áp dụng với các trường hợp muốn ở lưu trú dài ngày.

Tom Edgington, BBC Reality Check

Quay lại trang chủ
Read 479 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)