Thương mại Trung Quốc : Đối sách mạnh của Trump được ủng hộ rộng rãi (RFI, 02/04/2019)
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump thẳng thừng sử dụng vũ khí thuế quan nhằm áp đặt quan điểm "Nước Mỹ Trên Hết" của ông trong lãnh vực thương mại đã khiến nhiều người tức giận, từ giới điều hành doanh nghiệp cho đến các chính phủ đồng minh, chưa kể đến các nghị sĩ thuộc cả hai đảng trong Quốc hội lưỡng viện Hoa Kỳ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng, Washington, ngày 01/04/2019. Reuters/Yuri Gripas
Tuy nhiên, ông Trump đã có một nỗ lực thu hút được sự ủng hộ rộng rãi từ những người vốn phản đối ông trên hầu hết lãnh vực khác : Đó là nỗ lực buộc Bắc Kinh phải từ bỏ các hành vi bị mọi người xem là trợ cấp doanh nghiêp Trung Quốc một cách bất chính và lũng đoạn thị trường quốc tế.
Trong bài phân tích ngày 25/03/2019, hãng tin Anh Reuters đã nêu bật thực tế này qua hàng tựa "Việc ông Trump thúc ép Trung Quốc cải cách thương mại được hậu thuẫn rộng rãi trong nước và ngoài nước".
Đối với Reuters, vào lúc đàm phán Mỹ-Trung để chấm dứt chiến tranh thương mại đang đến hồi kết, giới chính khách, lãnh đạo doanh nghiệp và ngoại giao nhiều nước đang thúc giục tổng thống Mỹ Donald Trump và ê kíp duy trì sức ép để buộc Trung Quốc tiến hành các cải cách cơ cấu có ý nghĩa nhằm giải quyết các vấn đề trầm kha trong quan hệ, đã và đang tác hại đến Mỹ cũng như các doanh nghiệp và công nhân nước ngoài khác.
Theo ông Steven Gardon, phó chủ tịch phụ trách vấn đề thuế gián thu và hải quan tại tập đoàn điện máy Mỹ Lear Corp, cuộc chiến thương mại mà ông Trump khởi động đã "mở nút chai giải tỏa những ức chế bị kìm nén từ lâu", làm gia tăng kỳ vọng theo đó cuộc chiến thương mại sẽ buộc Trung Quốc cải cách các chính sách mà các doanh nghiệp và chính phủ nước ngoài coi là không công bằng. Tập đoàn Lear của ông Gardon là doanh nghiệp có nhà máy ở 39 nước, trong đó có Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Phát biểu trên một diễn đàn của Đại học Luật Georgetown tại Mỹ trong tháng Ba này, ông Gardon nhận xét rằng từ khi các vấn đề liên quan đến Trung Quốc được nêu bật, hậu thuẫn chính trị tại Mỹ đòi khắc phục các vấn đề đó càng lúc càng tăng, đến mức mà ngày nay không ai có thể dửng dưng được. Theo nhà quan sát này : "Hiện đang có áp lực về mặt chính trị đòi phải giải quyết vấn đề một cách lâu dài".
Chuyển biến trong cách đánh giá về Trung Quốc
Nhận xét của ông Gardon, theo Reuters, phản ánh một chuyển biến quan trọng trong cách đánh giá của giới kinh doanh Mỹ và quốc tế, về các chính sách kinh tế và thương mại của Trung Quốc. Đây là một cách nhìn nhận phù hợp với mục tiêu, nếu không phải là chiến thuật, đối phó với Bắc Kinh của ông Trump.
Ê kíp thương mại của tổng thống Mỹ cho biết là họ đang trong giai đoạn cuối cùng của cuộc đàm phán với Trung Quốc về một thỏa thuận liên quan đến kinh tế thương mại quan trọng nhất trong nhiều thập kỷ. Tám tháng trong cuộc chiến thương mại vừa qua đã làm gián đoạn dòng chảy của hàng tỷ đô la hàng hóa giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, thế nhưng cho đến giờ vẫn không rõ là liệu hai bên có đạt được một thỏa thuận khả dĩ chấp nhận được cho cả hai hay không.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bị cho là đã phải miễn cưỡng thực hiện một số cải cách kinh tế dưới áp lực từ Hoa Kỳ, trong lúc tổng thống Mỹ vẫn nói rằng ông có thể duy trì thuế quan trên hàng nhập từ Trung Quốc trong "một thời hạn đáng kể" ngay cả khi thỏa thuận được ký kết.
Vấn đề là ông Tập Cận Bình dễ dàng chấp nhận việc bị Donald Trump áp thuế hơn là thay đổi mô hình phát triển kinh tế của Trung Quốc.
Để chiêu dụ Washington, Bắc Kinh từng đề nghị mua một khối lượng lớn hàng Mỹ để giảm bớt phần thâm thủng mậu dịch kỷ lục. Ê kíp của tổng thống Trump cho biết là Trung Quốc sẵn sàng mua thêm hơn một nghìn tỷ đô la trong khoảng sáu năm.
Có điều là ngoài giao dịch lớn đó có thể hấp dẫn chính quyền của ông Trump, Bắc Kinh sẽ không làm gì khác để giải quyết những gì mà các công ty Mỹ đang cạnh tranh ở Trung Quốc hoặc với các công ty Trung Quốc, nói là các vấn đề cơ cấu của một hệ thống chèn ép họ.
Hoa Kỳ đã phàn nàn về việc Trung Quốc bỏ ra số tiền lớn để trợ cấp cho ngành công nghiệp của mình, can dự vào các hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ có hệ thống, buộc các công ty nước ngoài giao nộp bí mật thương mại nếu muốn tiếp cận thị trường Trung Quốc. Việc giải quyết những khiếu nại đó đòi hỏi những cải cách chính sách ở cấp cao nhất từ phía Đảng cộng sản của Tập Cận Bình đang cầm quyền ở Trung Quốc.
Một khảo sát công bố vào cuối tháng 2 của Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Trung Quốc cho thấy phần lớn các doanh nghiệp Mỹ ủng hộ việc tăng hoặc duy trì thuế đối với hàng hóa Trung Quốc, và số doanh nghiệp muốn chính phủ Mỹ ép Bắc Kinh mạnh mẽ hơn trong việc tạo ra sân chơi bình đẳng, cũng tăng gần gấp đôi so với năm ngoái.
Áp lực bằng thuế quan của Hoa Kỳ thậm chí còn khuyến khích một số quan chức và nhà điều hành doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc kêu gọi đẩy nhanh hơn nữa tốc độ cải cách ở Trung Quốc vào lúc nước này kỷ niệm 40 năm bước đầu tiến lên chủ nghĩa tư bản.
Cuối tháng Hai vừa qua, đại diện thương mại Lighthizer nói với các nhà lập pháp Mỹ rằng giới doanh nhân Mỹ gốc Hoa đã thúc giục ông "kiên quyết" trong các cuộc đàm phán và không "bán rẻ mọi sự chỉ vì đậu nành".
Lập pháp đòi tổng thống Mỹ duy trì áp lực
Khi tổng thống Trump dời việc tăng thuế mà ông từng đe dọa nếu Trung Quốc không thỏa thuận trước ngày 01/03, ông đã khiến mọi người lo ngại rằng ông có thể bị đơn đặt hàng khổng lồ của Bắc Kinh lung lạc mà không giải quyết các vấn đề cơ cấu lâu dài.
Thế là từ giới vận động hành lang, giám đốc công ty, cho đến các nhà ngoại giao nước ngoài, các nghị sĩ Mỹ thuộc cả hai đảng, tất cả đều thúc giục ông Trump tiếp tục theo đuổi các yêu cầu về cải tổ cơ cấu.
Dân biểu bang Texas Kevin Brady, một trong những người Cộng hòa ủng hộ thương mại nhất và là người chỉ trích mạnh mẽ quyết định đánh thuế của ông Trump, gần đây đã tham gia vào phong trào kêu gọi đó.
Chỉ vài ngày sau khi việc hoãn áp thuế được công bố, tại một phiên điều trần của Ủy Ban Chuẩn Chi Hạ Viện, ông Brady khẳng định : "Mặc dù chúng ta muốn Trung Quốc mua thêm hàng hóa Mỹ... nhưng điều quan trọng hơn đối với chúng ta là buộc Trung Quốc phải có trách nhiệm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế cao về quyền sở hữu trí tuệ, chống nạn trợ cấp, sản xuất quá tải và bãi bỏ những thủ đoạn mà họ sử dụng để lũng đoạn nền kinh tế toàn cầu".
Lãnh đạo đảng Dân Chủ ở Thượng Viện Mỹ Chuck Schumer, vốn dĩ từ lâu nay là một con diều hâu chống thương mại Trung Quốc, đã lên diễn đàn Thượng Viện để kêu gọi ông Trump đừng "lùi bước" và đừng chấp nhận thỏa thuận chủ yếu bao gồm việc mua đậu nành và các hàng hóa khác của Mỹ.
Hôm thứ Năm 21/03, thượng nghị sĩ Schumer đã gởi một tin nhắn twitter với nội dung : "Bây giờ không phải là lúc để bỏ 200 tỷ đô la thuế quan chỉ vì Trung Quốc sắp ký một thỏa thuận".
Liên Hiệp Châu Âu kín đáo ủng hộ Donald Trump
Các thành viên Liên Hiệp Châu Âu, đồng minh truyền thống của Mỹ, hiện vẫn bực bội về sắc thuế đánh trên thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ mà ông Trump đã áp đặt từ năm ngoái. Liên Hiệp Châu Âu cũng lo lắng trước việc ông sẽ đánh thuế trên ô tô. Thế nhưng khối này lại chia sẻ với tổng thống Mỹ nhiều nỗi thất vọng trên chính sách cưỡng bức chuyển giao công nghệ và các hạn chế tiếp cận thị trường của Trung Quốc.
Tại Bắc Kinh, một quan chức Châu Âu tiết lộ với Reuters rằng ngày nào họ cũng nhận được khiếu nại từ các công ty Châu Âu. Quan chức này lưu ý rằng mặc dù chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần cam kết giúp cuộc sống của các công ty nước ngoài dễ dàng hơn, nhưng thực tế rất ít thay đổi.
Đánh giá của Ủy viên Thương mại Châu Âu, bà Cecilia Malmstrom về hành vi của Trung Quốc nghe có vẻ giống như văn bản của Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, cho rằng Trung Quốc đã lạm dụng các quy tắc thương mại toàn cầu.
Trong một bài phát biểu tại Washington vào tháng Ba, bà Malmstrom cho rằng Trung Quốc đã "xóa nhòa ranh giới giữa khu vực nhà nước và tư nhân, và Nhà nước đã có một ảnh hưởng lẽ ra không nên có… Tài sản trí tuệ của các công ty bị đánh cắp. Trợ cấp của Nhà nước, trực tiếp hoặc gián tiếp, là điều phổ biến. Và những tác động này được cảm nhận trong và ngoài nước".
Theo bà Malmstrom, trong khi "đồng ý về chẩn đoán", Mỹ và Liên Âu lại khác nhau về chiến thuật đối phó với Trung Quốc. Bà chủ trương cách tiếp cận đa phương, nêu bật ví dụ về việc bộ ba Liên Hiệp Châu Âu, Hoa Kỳ và Nhật Bản phối hợp giải quyết các vấn đề, thông qua việc cải cách các quy tắc của Tổ chức Thương Mại Thế giới.
Một số người lo ngại rằng Châu Âu có thể thua cuộc nếu Washington và Bắc Kinh đạt được thỏa thuận mua thêm hàng tỷ đô la sản phẩm để cố gắng thu hẹp thâm hụt thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc.
Một quan chức Châu Âu thứ hai, cũng hoạt động tại Bắc Kinh cho biết : "Nếu Trung Quốc mua nhiều hơn từ Mỹ thì chắc chắn họ sẽ mua ít hơn từ Châu Âu", điều có thể ảnh hưởng đến các công ty đa quốc gia lớn ở Châu Âu.
Tuy nhiên, giới ngoại giao và quan chức Châu Âu thừa nhận rằng họ cũng ủng hộ các mục tiêu của Trump đối với Trung Quốc, cho dù họ không thích chiến thuật thẳng thừng của ông. Nhiều người đang ngấm ngầm mong đợi tổng thống Mỹ thành công.
Một nhà ngoại giao Liên Âu tại Bruxelles xin ẩn danh xác định : "Chúng tôi chống lại các biện pháp đơn phương, nhưng chính xác ra là không ai thấy tội nghiệp cho Trung Quốc. Về nội dung, chúng tôi nghĩ rằng ông Trump có lý… Bắc Kinh phải hiểu rằng nếu không có cải cách, hệ thống chỉ có thể là ngừng hoạt động mà thôi".
Các quan chức trong chính quyền Trump nhấn mạnh rằng tổng thống Mỹ đã nghe thấy thông điệp và đang tiến hành những "thay đổi cấu trúc" trong quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc, cùng với việc hình thành một cơ chế thực thi buộc Trung Quốc phải giữ đúng cam kết.
Tại một diễn đàn của Trường Luật Georgetown, Clete Willems, một cố vấn thương mại của Nhà Trắng, nói rằng tổng thống Trump quyết tâm khắc phục các vấn đề trong quan hệ thương mại với Trung Quốc mà ông từng chống lại trong nhiều năm, trước cả khi ông lên làm tổng thống.
Đối với người đã loan báo hôm 22/03 quyết định rời Nhà Trắng vì lý do gia đình thì : "Ý kiến cho rằng tổng thống Mỹ đột nhiên chấp nhận một thỏa thuận xấu hoàn toàn không chính xác. Tổng thống sẽ tránh xa các thỏa thuận tồi".
Mai Vân
******************
Chiến tranh thương mại : Trung Quốc tăng cường kiểm soát ma túy tổng hợp (RFI, 02/04/2019)
Theo yêu cầu của Washington, chính quyền Trung Quốc thông báo tăng cường các biện pháp kiểm soát Fentanyl, một hợp chất ma túy được chế tạo và xuất khẩu tự do.
Ma túy tổng hợp fentanyl tịch thu ở phi trường Chicago, Hoa Kỳ. Ảnh 29/11/2017. Reuters/Joshua Lott/File Photo - Ảnh minh họa
Phân tử chống đau mạnh gấp 50 lần bạch phiến đã tạo ra một vấn nạn nghiêm trọng về y tế công cộng đến mức trở thành một chiếc gai trong quan hệ thương mại Mỹ-Trung. Quyết định của Trung Quốc được công bố hôm 01/04/2019, đúng vào ngày trưởng đoàn đàm phán Trung Quốc Lưu Hạc lên đường sang Washington.
Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stephane Lagarde tường thuật :
"Đã giải quyết xong, đã giải quyết xong hết". Trợ lý giám đốc Ủy ban quốc gia chống ma túy của Trung Quốc tuyên bố như trên như là đã gỡ được chiếc gai đâm vào gót chân trong quan hệ căng thẳng với Mỹ. Viên chức cao cấp của bộ Y tế dành gần 40 phút để đi vào chi tiết các loại ma túy được thêm vào danh mục 20 hợp chất Fentanyl khác nhau đã được quy định kiểm soát tại Trung Quốc.
Bắc Kinh đáp ứng, thỏa mãn một yêu cầu do đại diện thương mại Hoa Kỳ đưa ra hồi tháng 03, muốn Trung Quốc phải cam kết làm giảm khối lượng ma túy tổng hợp, trừng phạt những kẻ chế tạo và phân phối như chính tổng thống Donald Trump đã đe dọa.
Tuy đáp ứng yêu cầu của Mỹ nhưng chính quyền Trung Quốc không nhìn nhận trách nhiệm gián tiếp gây ra cái chết của hàng chục ngàn người sử dụng quá liều.
"Trung Quốc cho rằng nước Mỹ có trách nhiệm chính trong thảm họa lạm dụng Fentanyl. Người Mỹ có thói quen dùng thuốc chống đau quá mức cần thiết. Nếu Hoa Kỳ muốn thật sự giải quyết vấn nạn này thì phải tăng cường kiểm soát trên lãnh thổ của họ".
Lạm dụng Fentanyl đã giết chết hơn 30.000 người tại Mỹ trong năm 2017. Được ghi toa như là thuốc chống đau nhức, Fentanyl cũng có thể được đặt mua thẳng với các viện bào chế tại Trung Quốc một cách dễ dàng, qua mạng internet, theo một báo cáo của Quốc hội Mỹ năm 2018. Ma túy sẽ được gửi sang Mỹ qua đường bưu điện.
Quyết định tăng cường kiểm soát tại Trung Quốc sẽ có hiệu lực kể từ đầu tháng 05.
Tú Anh