Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

03/04/2019

Thương mại và tín dụng : Châu Âu nghi ngờ thiện chí của Tập Cận Bình

Tổng hợp

Trung Quốc thổi phồng số lượng 300 chiếc Airbus đặt mua ở Pháp (RFI, 03/04/2019)

Theo hãng tin Reuters 02/04/2019, số lượng 300 chiếc Airbus mà Trung Quốc đặt mua nhân chuyến thăm Pháp của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào trung tuần tháng 3, thực ra là một con số đã được thổi phồng, nhằm mục tiêu chính trị hơn là kinh tế.

eu1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Khải Hoàn Môn sau khi đặt vòng hoa trên mộ Người lính vô danh, Paris, ngày 25/03/2019.Mori/Pool via Reuters

Trích dẫn hai nguồn tin thông thạo hồ sơ này, hãng tin Anh cho biết số máy bay được cho là mới đặt mua nói trên, thực ra đã được thổi phồng lên vì bao gồm cả những hợp đồng hiện hữu, lẫn những thỏa thuận đã được phía Trung Quốc phê chuẩn nhưng chưa đúc kết.

Trị giá đơn đặt mua các chiếc Airbus như nói trên được ước lượng khoảng 35 tỷ đô la, theo giá chỉ định, nhưng trị giá thực của những hợp đồng thật sự mới thì thấp hơn.

Một ví dụ được nêu bật, trong thông báo về 300 chiếc Airbus gọi là "mới đặt mua", có 10 chiếc A350 bán cho một khách hàng không xác định rõ danh tánh. Thực ra, đó là 10 chiếc Airbus do hãng hàng không Sichuan Airlines đặt mua từ năm 2018, nhân hội chơ triển lãm hàng không Farnborough ở Anh Quốc, một thương vụ đã được chính thức loan báo.

Trả lời hãng Reuters, một phát ngôn viên Airbus đã từ chối đi vào chi tiết của thương vụ 300 chiếc máy bay đó, nhưng không loại trừ khả năng có những sai sót.

Hai nguồn tin mà Reuters trích dẫn còn nhắc lại vụ Bắc Kinh cũng từng loan báo đặt mua 300 chiếc Boeing nhân chuyến viếng thăm Bắc Kinh của tổng thống Mỹ Donald Trump vào năm 2017. Con số 300 chiếc Airbus lần này đã được chọn một phần vì lý do chính trị, cho thấy là Bắc Kinh không thiên vị Mỹ hay Châu Âu.

Về thương vụ 300 chiếc Boeing năm 2017, giới phân tích thời đó cũng đã gợi lên vấn đề thổi phồng số liệu.

Trọng Nghĩa

*********************

Matebook của Huawei gây quan ngại về mức độ an toàn bảo mật (BBC, 03/04/2019)

Một phần lỗi trong máy tính xách tay Matebook của hãng công nghệ Trung Quốc có thể bị sử dụng để chiếm quyền kiểm soát máy, báo Times tường thuật.

eu2

Một cửa hàng Hoa Vi bán máy tính xách tay Matebook- Ảnh minh họa

Đây là lỗi do các nhà nghiên cứu của Microsoft phát hiện ra.

"Lỗ hổng phức tạp" này có lẽ có từ giai đoạn sản xuất, một chuyên gia nói với BBC News.

Huawei hiện đang bị xem xét ngày càng chặt chẽ trên thế giới quanh việc hãng có quan hệ với chính phủ Trung Quốc chặt chẽ tới mức nào.

Huawei vốn luôn bác bỏ việc có bất kỳ thông đồng nào với Bắc Kinh, đã chỉnh sửa lỗi này sau khi được thông báo trong tháng Giêng.

Giáo sư Alan Woodward, một chuyên gia an ninh máy tính ở Đại học Surrey, Anh Quốc nói với BBC News rằng lỗ hổng này có những dấu hiệu điển hình của "backdoor" (cổng hậu) mà Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NSA) tạo ra nhằm do thám các máy tính cần nhắm tới.

Công cụ phạm tội

Công cụ này bị rò rỉ online và đã được nhiều loại hacker sử dụng, trong đó gồm cả những đối tượng được nhà nước bảo trợ và các băng đảng tội phạm.

"Nó được đưa vào trong giai đoạn sản xuất, nhưng không rõ bằng con đường nào mà nó lại xâm nhập được ở giai đoạn đó, và việc nó trông giống với cách khai thác lỗ hổng của NSA thì không mang ý nghĩa gì", Giáo sư Woodward nói.

eu3

Huawei có thể đột phá vào lâu đài công nghệ 5G ?

"Họ có thể là băng đảng tội phạm có tổ chức đang can thiệp ngày một nhiều hơn vào dây chuyền cung ứng, hoặc cũng có thể là có ai đó chơi trò địa chính trị để làm mất uy tín của Huawei".

"Không có bằng chứng nào cho thấy công ty này đã làm bất kỳ điều gì độc hại, cũng không có bằng chứng cho thấy họ bị áp lực từ phía nhà nước".

Tuy nhiên, câu hỏi cần giải đáp theo Giáo sư Woodward là : "Làm thế nào mà quá trình cài đặt phần mềm lại cho phép điều này xảy ra ?"

Hồi tuần trước, cộng đồng tình báo Anh nói rằng việc Huawei chỉ có thể cung cấp "bảo đảm hạn chế" đối với các rủi ro an ninh dài hạn liên quan tới việc sử dụng các thiết bị Huawei trong các hệ thống viễn thông Anh.

Giáo sư Woodward nói : "Huawei rất quan trọng cho các mạng 5G, mà các mạng này sẽ rất quan trọng cho nhiều thứ, trong đó có cả các thành phố trong tương lai và xe hơi tự hành".

"Gây gián đoạn cho mạng này sẽ có nghĩa là gây gián đoạn nghiêm trọng cho xã hội, và tôi có thể thấy được lý do vì sao mọi người lo lắng về việc Huawei cung ứng thiết bị cho việc xây dựng các mạng 5G mới".

"Họ đặt trụ sở chính tại một quốc gia có luật lệ mang tính cưỡng bức, và là nước đã nói rõ rằng các công ty phải hợp tác với chính phủ, mà lại phải giữ kín chuyện hợp tác".

Jane Wakefield, Technology reporter

*******************

Mỹ tẩy chay thượng đỉnh về Con đường tơ lụa mới ở Bắc Kinh (RFI, 03/04/2019)

Hoa Kỳ sẽ không cử một phái đoàn cao cấp nào đến dự thượng đỉnh lần thứ hai về Sáng Kiến Một Vành Đai Một Con Đường của Trung Quốc dự trù trong tháng Tư tại Bắc Kinh.

eu4

Thượng đỉnh Con Đường Tơ Lụa' tại Bắc Kinh. Chủ tịch Tập Cận Bình (giữa), tổng thống Nga Putin (trái), Argentina Mauricio Macri (phải). Ảnh ngày 15/05/2017. Reuters

Bộ Ngoại Giao Mỹ đã cho biết như trên vào hôm qua, 02/04/2019, nêu bật quan ngại của Washington về cách vận hành tài chánh của dự án.

Trả lời hãng tin Anh Reuters, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ Robert Palladino xác nhận rằng Washington sẽ không gửi các quan chức cấp cao từ Hoa Kỳ qua Trung Quốc dự hội nghị.

Theo ông Palladino, Mỹ "sẽ tiếp tục nêu lên quan ngại về các hoạt động tài chính không rõ ràng, cách quản trị kém cỏi và coi thường các tiêu chí và chuẩn mực được quốc tế chấp nhận, làm suy yếu nhiều tiêu chuẩn và nguyên tắc thường được dựa vào để phát triển toàn diện, bền vững và duy trì sự ổn định".

Hôm 30/03 vừa qua, lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì đã cho biết là gần 40 nhà lãnh đạo nước ngoài sẽ tham gia hội nghị thượng đỉnh tổ chức tại Bắc Kinh vào cuối tháng Tư, đồng thời bác bỏ những chỉ trích nhắm vào Con Đường Tơ Lụa Mới của Trung Quốc, gọi đấy là những lời chỉ trích đầy "định kiến".

Ông Dương Khiết Trì không cho biết là những lãnh đạo nào đã nhận lời đến Bắc Kinh, nhưng giới quan sát cho rằng đó vẫn sẽ là những gương mặt cũ như tổng thống Nga Vladimir Putin, thủ tướng Pakistan Imran Khan, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và thủ tướng Cam Bốt Hun Sen.

Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của Sáng Kiến mà Trung Quốc gọi là Nhất Đới Nhất Lộ đã diễn ra vào năm 2017. Khi ấy, Mỹ đã cử ông Matt Pottinger, quan chức cấp cao phụ trách Châu Á tại Nhà Trắng đến dự. Năm nay sẽ không có kế hoạch như vậy.

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ
Read 406 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)