Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

04/04/2019

Điểm báo Pháp - Putin : Bố già của cực hữu Châu Âu

RFI tiếng Việt

Putin : Bố già của cực hữu Châu Âu

Một bức biếm họa của Plantu trên trang nhất báo Le Monde ngày 04/04/2019 đã tóm gọn hai đề tài thời sự chính được hầu hết các nhật báo Pháp bàn luận. Người ta thấy thủ tướng Anh dưới một mũi tên chỉ BREXIT, co ro trong một cái chăn quấn quanh người, vẻ ngán ngẩm đứng nhìn tổng thống Algeria Bouteflika ngồi trên chiếc xe lăn, người cũng quấn chăn, phía dưới mũi tên ghi BOUTEXIT, hiểu là Bouteflika ra đi.

bogia1

Tổng thống Nga Vladimir Putin chuẩn bị lễ ký kết sau khi gặp đồng nhiệm Sooronbay Jeenbekov ở Bishkek, Kyrgyzstan ngày 28/03/2019. Reuters/Maxim Shemetov

Ngoài hai chủ đề trên, hồ sơ độc đáo đáng chú ý nhất là phóng sự điều tra được tờ báo nêu bật trong một khung lớn nền màu xanh lơ, ngay giữa trang nhất với hàng tựa : "Putin (tổng thống Nga) đã trở thành bố già của phe cực hữu (Châu Âu) như thế nào". Le Monde đã giới thiệu ngay trang nhất rằng bài viết này là phần đầu tiên của loạt phóng sự điều tra về cách thức mà nước Nga của ông Putin mở rộng tầm ảnh hưởng ra ngoài nước.

Về nội dung của phần nói về Putin và các phong trào cực hữu, tờ báo Pháp ghi nhận : "Từ năm 2014 với việc sáp nhập Crimea vào nước Nga, Moskva không còn một chút ngại ngùng nào khi công khai hậu thuẫn cho các thành phần cực hữu Châu Âu". Chủ nhân điện Kremlin, theo Le Monde đã lần lượt xuất hiện bên cạnh bà Marine Le Pen, lãnh đạo đảng Tập Hợp Quốc gia cực hữu Pháp, ông Matteo Salvini, đứng đầu đảng cực hữu Liên Đoàn tại Ý, và một nữ bộ trưởng thuộc đảng cực hữu Áo FPÖ.

Trả thù Phương Tây vì bị cô lập trên vấn đề Crimea

Đối với Le Monde, mọi sự bắt nguồn từ quan hệ trắc trở giữa tổng thống Nga Putin với các nước Phương Tây kể từ năm 2014, sau khi Nga bị trừng phạt vì đã thôn tính vùng Crimea và ủng hộ phong trào ly khai võ trang ở miền Đông Ukraine.

Chính trong bối cảnh bị tẩy chay mà ông chủ điện Kremlin đã công khai chiêu dụ các lực lượng cực hữu Châu Âu. Le Monde ghi nhận rằng việc chiêu mộ các phần tử cực hữu đã có từ trước năm 2014, nhưng từ sau khi bị Phương Tây trừng phạt, tổng thống Nga không còn ngại ngùng che giấu các hoạt động của mình.

Ngay từ tháng 10 năm 2014, nhân chuyến đến Ý tham dự thượng đỉnh Á-Âu, tổng thống Nga đã có một cuộc tiếp xúc với ông Matteo Salvini - lúc đó chỉ là nghị sĩ Châu Âu, lãnh đạo đảng Liên Đoàn Phương Bắc, một đảng cực hữu, kỳ thị chủng tộc, chứ chưa phải là một nhân vật quyền uy tại Ý như hiện nay.

Hành động gây chấn động nhất là vào tháng Ba năm 2017, khi ông Putin tiếp đón lãnh đạo cực hữu Pháp Marine Le Pen, ngay vào thời điểm nước Pháp đang tranh cử tổng thống. Hành động này của ông Putin chẳng khác gì một đòn can thiệp vào tiến trình bầu cử Pháp.

Gần đây hơn, vào tháng 8 năm 2018, tổng thống Nga lại công khai khiêu vũ với nữ ngoại trưởng Áo Karin Kneissl, thuộc đảng cực hữu FPÖ, nhân dịp đám cưới của nhân vật này tại Vienna.

Đối với Le Monde, hình ảnh tổng thống Nga, nụ cười trên môi, khiêu vũ cùng nữ ngoại trưởng Áo, nổi tiếng với những lời đả kích Liên Hiệp Châu Âu, cũng như những luận điệu chống nhập cư, đã cho thấy rõ dụng tâm của Moskva trong việc xen vào công việc của Liên Hiệp Châu Âu.

Bên cạnh đó, các cáo buộc liên quan đến việc tin tặc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016, sau đó là các dấu hiệu cho thấy là các phần tử này đã thâm nhập vào hộp thư điện tử của ứng cử viên Macron và ê-kíp tranh cử của ông vào năm 2017, đang khiến mọi người lo ngại cho cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu tháng Năm sắp tới, nhất là khi có nhiều đảng cực hữu quan trọng tham gia tranh cử.

Theo Le Monde, nước Nga của Putin đã có quan hệ với hầu như tất cả các đảng cực hữu ở Châu Âu, từ đảng AfD ở Đức, Jobbik ở Hung, cho đến phong trào NMR ở Thụy Điển, UKIP ở Anh…

Về tình trạng này Anton Shekhovtsov, một nhà nghiên cứu tại Viện Hợp Tác Euro-Atlantic, trụ sở tại Kiev, ghi nhận : "Nước Nga của Putin đã dần dần liên kết với các thành phần cực hữu để chống lại nền dân chủ tự do. Họ củng cố lẫn nhau và liên minh của họ có thể làm suy yếu, gây bất ổn cho phương Tây, đặc biệt là Liên Hiệp Châu Âu".

Algeria : Không khí cuối trào

Hồ sơ được khai thác nhiều nhất trong các báo hôm nay dĩ nhiên là tình hình Algeria, nơi mà hầu như tất cả các báo đều cảm nhận được một bầu không khí thời cuối trào.

Le Monde trong bài xã luận nhận thấy : "Thời cuối trào đã rõ. Nhưng tương lai thì còn phải được sáng chế ra, và đó là một trong những vấn đề bí hiểm nhất. Bị đàn áp, phân tán hay mua chuộc, phe đối lập có vẻ như không thể nào đặt nền tảng cho một tiến trình chuyển tiếp dân chủ và minh bạch."

Đối với Le Monde, việc quân đội Algeria thay đổi thái độ và hậu thuẫn cho đòi hỏi của người dân, trước mắt đã không lừa được ai : Họ muốn duy trì một chế độ mà họ là trụ cột chính, bằng cách đảm bảo sự ổn định của tiến trình chuyển tiếp, hoặc bằng cách điều khiển tiến trình này.

Nhật báo Le Figaro, qua ngòi bút của Arnaud de La Grange, cũng ghi nhận : "Các "cơ quan" hùng mạnh khác nhau của chế độ Bouteflika dĩ nhiên là muốn tiếng nói của họ được nghe thấy… Chính vì thế mà những người biểu tình kêu gọi tẩy sạch cả "chế độ". Nhưng vấn đề thay thế chế độ hiện hữu bằng cái gì thì chưa ai biết."

Le Figaro thừa nhận rằng "Hàng thập niên chuyên chế, với cách hành động chẳng khác mafia, không tạo điều kiện cho sự thay đổi. Đối lập Algeria thì yếu kém và chia rẽ".

Trong tình hình đó, tờ báo Pháp cho rằng hy vọng là ở nơi sức mạnh của người dân Algeria, đã biết phản đối một cách kiên trì và có lý. Và họ cương quyết chờ đợi một sự thay đổi cơ bản chứ không phải vá víu.

Algeria: Vai trò trung tâm của quân đội

Cũng phân tích về Algeria, trong một bài "giải mã" dài, nhật báo Pháp Libération đã phân tích vai trò trung tâm của quân đội trong các diễn biến đã qua cũng như sắp tới.

Đối với Libération với sự "sụp đổ của phe tổng thống" quân đội Algeria đã trở lại vị trí trung tâm bàn cờ. Ép buộc tổng thống từ chức, và không để cho phe cánh của ông có thời gian chuẩn bị vấn đề kế nhiệm, quân đội trong thế nhất cử lưỡng tiện : Cho người dân thấy là họ đứng về phía quần chúng mà đòi hỏi đầu tiên là ông Bouteflika phải ra đi. Kế đến, do không có một tác nhân đáng kể nào trong một chế độ đã hết hơi sức, thì quân đội đương nhiên sẽ đứng ra lo liệu việc chuyển tiếp.

Nhưng Libération cũng lưu ý : Quân đội như thế là ở tuyến đầu. Cột thu lôi thu hút sự tức giận của người dân là tổng thống Bouteflika đã biến mất, chỉ trích của dân chúng giờ đây sẽ tập trung vào quân đội. Đối với phần đông thanh niên Algeria, cuộc cách mạng chỉ chấm dứt khi mà quân đội ngưng can thiệp vào chính trị.

Đừng nên kỳ thị những người chuyển giới

Nói nhiều về Algeria, nhưng Libération lại nêu bật trên trang nhất một vấn đề xã hội nhức nhối : Nạn bạo hành nhắm vào những người chuyển giới. Trên ảnh một phụ nữ chuyển giới, tờ báo chạy tựa lớn : "Tôi là người chuyển giới thì sao ?".

Tờ báo đã tỏ thái độ phẫn nộ trước sự kiện một phụ nữ chuyển giới, hôm Chủ nhật 31/03 đã bị nhục mạ và đánh đập ngay quảng trường Cộng Hòa, trung tâm Paris, giữa đám đông người. Lý do chỉ vì cô là một người chuyển giới.

Theo Libération, thường khi số phận của những cộng đồng thiểu số là thước đo của mực độ văn minh của một cộng đồng. Khi sự khác biệt không dẫn đến bất bình đẳng, thì mới có thể nói đến tiến bộ chung.

Cho nên số phận những người chuyển giới cũng là chỉ số đánh giá số phận chung, đánh giá vị trí dành cho những con người, nói chung, không nằm trong những chuẩn mực còn sót lại của xã hội xưa.

Các hiệp hội đại diện cho những người này đã lập một danh sách rất dài về những điều bất công mà họ phải gánh chịu… Theo Libération những hiệp hội này đấu tranh rất đúng. Và theo sau vài nước tiến bộ hơn trên vấn đề này, thì Pháp nên lắng nghe họ.

La Croix : Cải cách chế độ hưu trí tại Pháp

Nhật báo công giáo Pháp La Croix cũng chú ý đến thời sự nóng bỏng ở Algeria, nhưng đã dành trang nhất cho một vấn đề thiết thân của người Pháp là chế độ hưu bổng. Tờ báo chạy tựa : "Cải tổ hưu bổng, cái bẫy của tuổi về hưu".

Theo La Croix, từ hơn một năm nay, ông Jean-Paul Delevoye, đặc trách cải cách hưu bổng, đã kiên nhẫn chuẩn bị một chế độ về hưu mới mang tính chất phổ quát, để chấm dứt tình trạng hiện nay là có quá nhiều chế độ với quy định khác nhau. Một chế độ áp dụng cho mọi người như vậy có thể dẫn đến cách điều hành công bằng và minh bạch hơn, hai ưu điểm rất quý báu.

Tuy nhiên, vào lúc này, trong chính phủ Pháp vẫn còn tranh cãi về tuổi về hưu. Đối với La Croix, chuyển từ một chế độ này sang một chế độ khác là điều luôn khó khăn, cho nên không nên "gây ô nhiễm" cho tiến trình - chưa hoàn tất - với những tranh cãi về tuổi về hưu. Đấy không phải là những ưu tiên trước mắt.

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ
Read 420 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)