Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

08/04/2019

Điểm báo Pháp - Anh và Châu Âu sẽ trả giá đắt cho một Brexit "cứng"

RFI tiếng Việt

Anh và Châu Âu sẽ trả giá đắt cho một Brexit "cứng"

Vào lúc khả năng Anh Quốc rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu mà không có thỏa thuận ngày càng rõ nét, theo Le Figaro (08/04/2019), các tập đoàn cũng như các công ty vừa và nhỏ của Pháp đang thi hành các biện pháp nhằm tránh tình trạng bị tê liệt.

brexit1

Người dân Anh ủng hộ Brexit cắm quốc kỳ trước Nghị Viện ở Luân Đôn. Reuters/Hannah McKay

Theo tờ Le Figaro, dân Anh, mà người ta đã hứa hẹn một tương lai tươi sáng bên ngoài Châu Âu, sẽ là những người đầu tiên vỡ mộng. Ngân hàng Trung ương Anh Quốc lo ngại một cú sốc tương tự như cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Brexit sẽ gây thiệt hại rất nặng nề, trong một thời gian rất dài : tăng trưởng sụt giảm, vật giá leo thang, thất nghiệp gia tăng, khan hiếm hàng hóa.

Nhưng tờ Le Figaro lưu ý, toàn bộ Châu Âu cũng sẽ trả một cái giá rất đắt cho một Brexit "cứng". Theo tính toán của Viện Thống kê và Nghiên cứu Kinh tế INSEE, tăng trưởng kinh tế của Pháp sẽ mất 1,7%. Mặc dù đang được các cơ quan công quyền trợ giúp, nhiều công ty Pháp, mà trước hết là các công ty nhỏ và vừa, các nông gia, ngư dân sẽ bị tác động lây.

Nhật báo kinh tế Les Echos thì phân tích thế khó xử của các lãnh đạo Châu Âu trước đề nghị dời ngày Brexit thêm một thời gian dài. Vào ngày 10/04, Liên Hiệp Châu Âu sẽ họp thượng đỉnh đặc biệt tại Bruxelles để quyết định một trong hai kịch bản : tiếp tục cho Luân Đôn gia hạn Brexit thêm một thời gian, điều chẳng làm ai hào hứng, hoặc chấp nhận một Brexit không thỏa thuận, điều mà chẳng ai muốn.

Les Echos nhắc lại là hôm thứ Sáu 05/04, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk đã cho biết ông sẽ đề nghị với các lãnh đạo Châu Âu một sự gia hạn "linh động", với thời hạn có thể lên tới một năm. Thời hạn này có thể được rút ngắn nếu các nghị sĩ Anh Quốc thông qua được một thỏa thuận cho cuộc chia tay với Liên Hiệp Châu Âu.

Pháp : Bước kế tiếp của "thảo luận toàn quốc" ?

Về mặt chính trị nội bộ của nước Pháp, các nhật báo dĩ nhiên dành nhiều trang cho sự kiện thủ tướng Pháp Edouard Philippe, ngày 08/04, công bố bản tổng kết đầu tiên về đợt thảo luận toàn quốc do tổng thống Emmanuel Macron phát động và đã kéo dài gần 3 tháng qua, nhằm thu thập ý kiến của nhân dân về các kế sách cho đất nước, và qua đó xoa dịu những người Áo Vàng, vẫn xuống đường vào mỗi thứ Bảy.

Theo Le Figaro, tổng thống Pháp đang đối diện với một nhiệm vụ "bất khả thi". Ông Macron đã nêu lên tiêu chí của ông "không chối bỏ, không cố chấp". Không chối bỏ, có nghĩa là ông sẽ không rút lại những quyết định đã được đưa ra, trong đó có việc xóa bỏ thuế đánh vào người giàu ISF, cho dù theo kết quả một cuộc thăm dò, có đến 77% dân Pháp đòi tái lập thuế này. Không cố chấp, có nghĩa là ông phải đề ra những biện pháp đủ mạnh để không ai có thể nói rằng chẳng có gì thay đổi sau đợt thảo luận vừa qua.

Còn theo tờ Les Echos, đợt thảo luận toàn quốc đã giúp chính phủ thoát khỏi cuộc đối đầu trực diện với những người Áo Vàng. Phong trào biểu tình đã giảm cường độ, nhưng ngược lại những giải pháp được đề ra sau đợt thảo luận phải tương xúng với sự chờ đợi của dân Pháp, nếu không, bất mãn xã hội sẽ lại bùng nổ. Tờ báo cho rằng, tổng thống Macron đang trong tình thế hết sức tế nhị : phải tỏ dấu hiệu cho thấy đoạn tuyệt với cách thức cầm quyền từ 2 năm nay, nhưng không chối bỏ điều gì về căn bản.

Mối đe dọa cực hữu ở vùng Baltic

Nhìn sang vùng Baltic, tờ Libération lo ngại trước sự lớn mạnh của đảng cực hữu tại Estonia, vì cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu ngày 26/05 có thể sẽ khẳng định vị thế vững chắc của đảng dân túy EKRE tại quốc gia này.

Tờ Libération nhắc lại là trong cuộc bầu cử Quốc hội tháng 03/2019, đảng cực hữu này đã giành được 18% số phiếu. Sự lớn mạnh của đảng này có thể gây bất ngờ cho những người ở ngoài quốc gia Baltic nhỏ bé chỉ có 3,1 triệu dân, nổi tiếng là quốc gia khởi nghiệp (startup nation) trong Liên Hiệp Châu Âu, nhưng các nhà quan sát tình hình chính trị Estonia không lấy làm ngạc nhiên. Họ cho biết là rất nhiều người dân không hài lòng về cách vận hành của chính phủ mãn nhiệm.

Tuy tỷ lệ thất nghiệp ở Estonia không cao (chưa tới 5%), nhưng mức lương ở nước này cũng rất thấp. Cách biệt giữa thành thị và nông thôn thì ngày càng tăng. Đảng cực hữu EKRE đã biết khai thác tâm lý bất mãn này, với những tuyên bố chống thiểu số nói tiếng Nga (chiếm 1/4 dân số Estonia), chống người nhập cư, người đồng tính, đồng thời hoạt động rất mạnh trên mạng xã hội.

NATO bước vào thời kỳ thứ tư

Trong mục Địa-Chính trị, tờ Le Monde có một bài báo dài về Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương - NATO, vừa mừng sinh nhật 70 tuổi hôm 04/04, vào lúc khối này vừa bị tổng thống Mỹ Donald Trump thúc ép, vừa lo ngại về nước Nga, vừa bị chỉ trích về thành quả quân sự của mình.

Lẽ ra đây phải là một buổi lễ long trọng, thể hiện sự đoàn kết của đại gia đình hai bên bờ Đại Tây Dương trước những mối đe dọa mới. Rốt cuộc đó chỉ là một buổi lễ mang tính tượng trưng, quy tụ các ngoại trưởng ở Washington, nơi mà vào năm 1948, 12 quốc gia đã ký hiệp ước thành lập khối NATO để chống Liên Xô.

Theo Le Monde, khối NATO đang bước vào thời kỳ thứ tư, sau thời kỳ chiến tranh lạnh, thời kỳ can thiệp vào các nước Balkan, Afghanistan, Libya, thời kỳ đối phó với việc nước Nga xâm lược Ukraine. Các nước Châu Âu đang chịu áp lực của Mỹ, muốn NATO phải đề ra một chiến lược đối phó với Trung Quốc. Đối với Washington, quan hệ đặc biệt giữa Bắc Kinh với Roma và Budapest là những mối đe dọa đến sự gắn kết của khối phương Tây, ấy là chưa kể nguy cơ gián điệp công nghiệp quy mô lớn, như vụ Hoa Vi.

Theo một chuyên gia quân sự của NATO, khối này cũng nên để ý đến sự phát triển của quan hệ quân sự Nga-Trung. Hai nước này đã tiến hành các cuộc tập trận chung ở vùng Hắc Hải, Địa Trung Hải và vùng Baltic.

Theo Le Monde, các nước Châu Âu hiện đang chịu áp lực từ phía tổng thống Mỹ, đòi các nước này phải đảm nhận thêm các chiến dịch và khối NATO phải mở rộng phạm vi hoạt động. Áp lực này buộc các nước Châu Âu phải tham gia nhiều hơn vào việc phòng thủ, dựa trên tiềm lực quân sự của Pháp và Anh, và trên vai trò lãnh đạo của Đức.

Nhật Bản : Những thách đố trong thời kỳ Lệnh Hòa

Về thời sự Châu Á, tờ Le Figaro quan tâm đến tình hình nước Nhật trong bài viết dưới tựa đề : "Nhật Bản trước những thách đố của thời kỳ Lệnh Hòa".

Một trăm năm mươi mốt năm kể từ khởi đầu thời kỳ Minh Trị đánh dấu sự mở cửa ra thế giới bên ngoài, vào ngày 01/05/2019, Nhật Bản sẽ bước vào thời kỳ Lệnh Hòa, với việc hoàng thái tử Naruhito lên ngôi sau khi Nhật hoàng Akihito thoái vị.

Theo Le Figaro, tuy Nhật Bản vẫn là cường quốc kinh tế hàng thứ ba thế giới và dường như vẫn là một ốc đảo bình yên, nhưng trên thực tế quốc gia này đang đối đầu với nhiều thách đố.

Về mặt dân số, dân số Nhật sẽ sụt giảm mạnh từ 126 triệu người xuống còn 90 triệu người năm 2060 và còn 60 triệu người năm 2100. Hiện giờ nước Nhật đã gặp tình trạng lão hóa dân số ngày càng nhanh và khan hiếm nhân công.

Về mặt kinh tế, vẫn tồn tại áp lực giảm phát với mức tăng trưởng rất thấp (chỉ đạt 0,8% năm 2019), trong khi xuất khẩu đang sụt giảm do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Về mặt tài chính, nợ công của Nhật nay đã lên tới 250% GDP. Về mặt kinh tế, đảng Dân chủ Tự do vẫn gần như nắm độc quyền lãnh đạo, khiến chính giới Nhật vẫn chưa thoát khỏi nạn tham nhũng triền miên và sự ù lì.

Theo Le Figaro, Nhật Bản không có sự chọn lựa nào khác là phải tự canh tân. Tuy đã huy động thêm phụ nữ và người già vào lực lượng lao động, nhưng Nhật Bản buộc phải mở cửa đón người lao động nhập cư. Xuất khẩu của Nhật phải chuyển hướng một phần vào thị trường nội địa, nhưng không phải dễ dàng, bởi vì dân số nước này đang sụt giảm và già đi.

Tờ Le Figaro cũng cho rằng, trên bàn cờ quốc tế của thế kỷ 21, Nhật Bản sẽ buộc phải tìm một vị trí mới, vừa giành quyền tự chủ đối với Hoa Kỳ, vừa tìm thêm những đồng minh mới để đối phó với sự bành trướng của Trung Quốc.

Tác động của biến đổi khí hậu lên sức khỏe tâm thần

Về y tế, tờ Les Echos nói những tác động của biến đổi khi hậu lên sức khỏe tâm thần, vấn đề mà các nhà nghiên cứu tâm thần học quan tâm ngày càng nhiều.

Mọi chuyện coi như khởi đầu từ cơn cuồng phong Katrina đã tàn phá bang New Orleans và các bờ biển bang Louisiana tháng 08/2005. Theo lời bác sĩ Guillaume Fond, một nhà tâm thần học làm việc cho một bệnh viện ở Marseille, thiên tai này đã thúc đẩy trở lại nghiên cứu tâm lý ở Hoa Kỳ, tương tự như vào thời kỳ lính Mỹ tham chiến ở Việt Nam trở về. Nghiên cứu về sức khỏe tâm thần của các cựu chiến binh Việt Nam vào đầu thập niên 1980 đã góp vào từ điển y khoa một hội chứng mới, có tên là post-traumatic stress disorder (hậu rối loạn tâm thần).

Một năm sau cơn bão Katrina, một bác sĩ Mỹ đã gióng lên tiếng chuông báo động khi thấy tỷ lệ tự tử ở bang New Orleans đã tăng từ 9/100.000 dân lên 26/100.000 dân trong bốn tháng cuối năm 2005. Trong một nghiên cứu đăng trên tạp chí nổi tiếng PNAS, vào tháng 10/2018, bác sĩ Nick Obradovich, thuộc Viện Công nghệ Massachusetts cho biết số ca rối loạn tâm thần, đủ các loại, đã tăng 4% tại những vùng bị Katrina tàn phá.

Trang nhất các báo

Các công ty Pháp chuẩn bị cho một Brexit "cứng". Đó là hàng tựa trên trang nhất của tờ Le Figaro. Tờ Les Echos thì quan tâm đến chính trị nội bộ của nước Pháp với hàng tựa : "Chính phủ mở cuộc tấn công để ra khỏi thảo luận toàn quốc". Le Monde thì dành tựa lớn trên trang nhất cho cuộc tranh luận về tuổi về hưu, một vấn đề đang gây chia rẽ đảng cầm quyền tại Pháp.

Libération đặc biệt chú ý đến tình hình nước Ý, nhất là lãnh đạo cực hữu Matteo Salvini, phó thủ tướng, nhân dịp ông họp với các lãnh đạo dân túy khác ở Châu Âu tại Milano hôm 08/04.

Nhật báo công giáo La Croix dành trang nhất cho các cặp đã ly dị nay tái hôn và thái độ của Giáo hội Công giáo đối với các cặp này đã thay đổi như thế nào.

Thanh Phương

Quay lại trang chủ
Read 499 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)