Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

23/04/2019

Điểm báo Pháp - Zelensky, tổng thống mỵ dân mới hay nhà cải cách ?

RFI tiếng Việt

Ukraine : "Anh hề" Zelensky, tổng thống mỵ dân mới hay nhà cải cách ?

Về thời sự quốc tế, vụ khủng bố kinh hoàng tại Sri Lanka đúng vào dịp lễ Phục Sinh tiếp tục là chủ đề lớn. Một chủ đề trung tâm khác : Chính trị Ukraine với thắng lợi áp đảo của diễn viên hài Zelensky ngày Chủ Nhật 21/04/2019, với tỉ lệ chưa từng có kể từ khi quốc gia này độc lập với Nga. Lịch sử Ukraine đang sang trang : Hy vọng lớn xen với hoài nghi cao độ.

he1

Ứng cử viên tổng thống Volodymyr Zelensky tại trụ sở tranh cử, Kiev, ngày 21/04/2019. Sergei GAPON / AFP

Thách thức vô cùng lớn với tân tổng thống. Nhiều người đặt hy vọng vào một thay đổi ngoạn mục sẽ đến với Ukraine, quốc gia nằm ở tâm điểm cuộc đối đầu giữa phương Tây và Nga, nhưng không ít người lo ngại nhân vật tân binh trong chính trường này sẽ bị chính quyền Nga thao túng, cũng như bị thao túng bởi chính một số thế lực tài phiệt Ukraine.

Les Echos, trong bài "Ukraine, giữa hy vọng và bất an sau khi Volodymyr Zelensky đắc cử", trước hết nhận xét : thắng lợi lịch sử, với tỉ lệ 73% phiếu bầu của doanh nhân trẻ, anh hài Zelensky, 41 tuổi, là một thất bại đau đớn của tổng thống mãn nhiệm Porochenko. Kết cục nói trên cho thấy đông đảo dân chúng muốn đoạn tuyệt với giới chính trị truyền thống. Tuy nhiên, vấn đề trong hiện tại là tổng thống tân cử, "người hùng của các mạng xã hội", sẽ làm gì với những công trình ngổn ngang người tiền nhiệm để lại.

Đối với nhiều người, trước mặt tổng thống là "một trang giấy trắng tinh", nơi người ta có quyền đặt mọi hy vọng vào các cải cách và thay đổi. Nhưng đối với nhiều người khác, với "anh hề" Zelensky rất có thể Ukraine "sẽ lún thêm vào bất ổn định, nếu tân tổng thống bị láng giềng Nga chi phối".

Vào thời điểm này, với chiến thắng của Zelensky, "tương lai của Ukraine là vô cùng bất trắc", bởi một mặt, tân tổng thống không có đa số trong Quốc hội, mặt khác, các mục tiêu cũng như các phương thức hành động của Zelensky hoàn toàn không rõ ràng. Trong suốt thời gian tranh cử, Zelensky chỉ nêu ra một số hứa hẹn chung chung về "một nền dân chủ trực tiếp, thường xuyên mở cửa cho các cuộc trưng cầu dân ý toàn dân, cải thiện quan hệ với Nga và chống tham nhũng".

Ukraine – Một "hoa tiêu dân chủ" trong khu vực hậu Xô Viết

"Thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống, anh hề Zelensky chuẩn bị lột xác" là một bài phân tích đáng chú ý trên Le Figaro.

Le Figaro đặc biệt chú ý đến mục tiêu đầy tham vọng của tổng thống tân cử. Ngay sau khi kết quả được công bố, ông Volodymyr Zelensky tuyên bố : "Tôi chưa phải là tổng thống, tôi có thể hướng đến mọi công dân tại tất cả các quốc gia thuộc Liên Xô cũ (bao gồm cả nước Nga) : Mọi sự đều có thể !".

Các cuộc tranh luận giữa hai ứng cử viên tranh cử tổng thống Ukraine được theo dõi tại nhiều quán bar ở Minsk, Belarus, cũng như được truyền hình tại Nga. Với phát biểu nói trên, ông Zelensky lần đầu tiên khẳng định quan điểm của ông về ý nghĩa lịch sử của bầu cử Ukraine, ý thức rõ ràng về "tính chất định hướng" của nền dân chủ Ukraine đối với khu vực.

Sau một giai đoạn nghỉ ngơi ngắn, để phục hồi sức lực sau cuộc tranh cử quyết liệt ba tháng, đối với Le Figaro, thách thức đầu tiên với tổng thống tân cử là tìm được một đội ngũ cộng sự vững vàng, đủ sức hóa giải các thách thức phức tạp. Trong hàng ngũ cộng sự này, chắc chắn sẽ có cựu bộ trưởng Kinh Tế của chính quyền tiền nhiệm. Ông Aivaras Abromavacius, một quan chức cao cấp Litva, tham gia chính trường Ukraine từ năm 2014. Nhân vật này đã từ chức bộ trưởng Kinh Tế để phản đối các chính sách của tổng thống Porochenko, tạo thuận lợi cho tham nhũng.

Một cộng sự đắc lực khác của Zelensky là dân biểu Serhiy Leshenko, nổi tiếng với lập trường chống tham nhũng. Chính dân biểu trẻ tuổi này đã tư vấn cho ứng cử viên Zelensky về một số nét lớn trong cương lĩnh tranh cử. Vị cộng sự này dự đoán tân tổng thống ngay lập tức sẽ có các biện pháp mạnh tại Quốc hội, với các đề xuất như thiết lập nhanh chóng thể thức phế truất tổng thống, ra luật để đưa trở về nước các khoản tiền bị chuyển ra ngoài một cách bất hợp pháp, hay bỏ quyền miễn trừ với các nghị sĩ.

Nhiều nhân vật cải cách uy tín

Trong những ngày gần đây, giới thân cận với ứng cử viên tổng thống để lọt ra ngoài ý tưởng, nếu đắc cử, ông Zelensky sẽ xây dựng một chính phủ của các chuyên gia, với nhiều nhân vật độc lập, hay các nhà kỹ trị có quan điểm cải cách, nắm rõ từng lĩnh vực. Một trong những nhân vật nặng ký trong hàng ngũ này là cựu bộ trưởng tài chính Oleksandrs Danylyuk.

Theo Le Figaro, cựu bộ trưởng Oleksandr Danylyuk, vừa có chuyến công du Paris tuần trước, "là người được cộng đồng quốc tế đánh giá như một nhà cải cách có uy tín". Hồi 2016, chính ông là người đã chủ trì chương trình quốc hữu hóa Privat, tập đoàn ngân hàng tư lớn nhất nước (chiếm 20% cổ phiếu của người Ukraine). Tỉ phú Ihor Kolomoisky từng bị cáo buộc biểu thủ 5,5 tỉ đô la của Privat.

Quan hệ gây hoài nghi với tỉ phú Kolomoisky

Quan hệ của tổng thống tân cử với nhà tỉ phú Kolomoisky là điều gây hoài nghi nhất. Le Figaro chú ý đến sự có mặt đồng thời, hôm Chủ Nhật vừa qua, của nhà cải cách Oleksandr Danylyuk và luật sư của nhà tỉ phú Kolomoisky trong số những người thân cận với diễn viên hài/ứng cử viên tổng thống.

Theo tổng biên tập tuần báo Novoe Vremia, Vitaly Sytch, một trong những ẩn số lớn nhất của nhiệm kỳ Zelensky là khả năng tân tổng thống giữ khoảng cách với nhà tỉ phú, hiện đang tạm cư ở Israel, và đang nằm trong tầm ngắm của FBI, do nghi vấn tham nhũng.

Nghị Viện : Thách thức lớn nhất trước mắt

Theo La Croix (trong bài "Cái khó nhất với tân tổng thống"), rào cản lớn đầu tiên mà tổng thống Zelensky phải vượt qua là Nghị Viện. Trả lời báo Pháp, ông Rouslan Stefantchouk – người được xem là nhà tư tưởng của đảng của tổng thống – cho biết có hai kịch bản. Thứ nhất là tổng thống có được một Quốc hội hợp tác và thứ hai là một Quốc hội đối địch. Những bước đi đầu tiên của chính quyền Zelensky phụ thuộc vào việc kịch bản nào sẽ xảy ra.

Trong trường hợp kịch bản thứ hai xảy ra, tổng thống tân cử sẽ lâm vào "tình trạng bất lực", tương tự như tổng thống Viktor Yuchtchenko, người lên nắm quyền sau cuộc Cách mạng màu Da Cam năm 2004. La Croix kết luận với hình ảnh so sánh : "Nếu như nhân vật (người giáo viên) mà diễn viên hài Zelensky thủ vai trong loạt phim truyền hình "Người phục vụ nhân dân" cuối cùng đã vượt qua được sự chống đối của các nghị sĩ tham nhũng, thì nhiệm vụ giờ đây sẽ phức tạp hơn bội phần đối với vị tổng thống thực".

Nga hài lòng, nhưng thận trọng

Về quan điểm đối ngoại của tân tổng thống Ukraine, Le Figaro có bài "Thái độ hài lòng thận trọng của Moskva trước thất bại của Porochenko". Ngay sau thắng lợi của diễn viên hài, chính quyền Nga có một số phản ứng tích cực. Ngoại trưởng Nga tuyên bố Ukraine bước sang một thời kỳ "chấn hưng". Thủ tướng Nga nói đến khả năng cải thiện quan hệ giữa hai nước.

Trên thực tế, quan điểm của ông Zelensky với nước Nga mang khá mâu thuẫn và nước đôi. Ứng cử viên Zelensky không chống Nga quyết liệt như tổng thống tiền nhiệm, nhưng ông cũng sẵn sàng thừa nhận Putin là "kẻ thù". Dù không đòi lấy lại bán đảo Crimée, Zelensky cũng tuyên bố trưng cầu dân ý do Nga tổ chức là "phi pháp".

Nhưng dù sao, nhiều quan điểm của tân tổng thống Ukraine cũng được Moskva cho là khả dĩ. Cụ thể như không đòi hỏi áp đặt tiếng Ukraine, đẩy lùi tiếng Nga. Bản thân anh hề Zelensky vẫn thường sử dụng tiếng Nga. Những lời bông đùa bằng tiếng Ngacủa ông được dân Nga, và dân nói tiếng Nga vùng Donbass nói riêng, thích thú.

Tuy nhiên, trên hết, Le Figaro ghi nhận lập trường thân Châu Âu của tân tổng thống Ukraine, tự coi mình là người thừa kế di sản cuộc Cách mạng Maidan 2014, đã buộc tổng thống thân cận với điện Kremli, Victor Yanukovych, phải tháo chạy.

Sri Lanka : Khủng bố khiến các quan hệ sắc tộc - tôn giáo càng thêm mong manh

Cuộc thảm sát kinh hoàng nhắm vào nhiều nhà thờ Công giáo tại Sri Lanka hôm Chủ Nhật là chủ đề trang nhất của Libération, với hàng tựa "Khủng bố tại Sri Lanka : Địa ngục trần gian". Libération dành nhiều trang cho thảm nạn này, trước hết là bài phóng sự mang hàng tựa "Sri Lanka : Gần nhà thờ, gia đình nào cũng có người thiệt mạng". Ít nhất 290 người chết, trong đó 35 người nước ngoài, cùng khoảng 500 người bị thương.

Theo Libération, các cuộc tấn công khủng bố được tổ chức kỹ lưỡng, chính quyền bị phê phán là đã không ngăn được khủng bố, cho dù đe dọa được báo trước. Theo Alan Keenan, Hiệp hội International Crisis Group, các cuộc tấn công khủng đến từ bên ngoài, chứ chắc chắn không có liên hệ gì với các xung đột nội bộ của Sri Lanka.

Theo xã luận Libération, các vụ khủng bố tại Sri Lanka đã báo động với cộng đồng quốc tế là, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, cho dù bị đánh bại tại Iraq và Syria, nhưng khủng bố và nạn Hồi giáo cuồng tín tiếp tục là mối đe dọa tiềm tàng đáng sợ ở khắp nơi. Libération nhấn mạnh đến tính chất gây chia rẽ, kích động hận thù của những kẻ chủ mưu khủng bố. Cuộc nội chiến đẫm máu tại Sri Lanka vừa khép lại ít năm. Quan hệ giữa các cộng đồng Phật giáo chiếm đa số dân cư với các cộng đồng thiểu số Ấn Độ giáo, Hồi giáo, Thiên Chúa giáo đang vẫn còn rất mong manh.

Les Echos cho biết hiện tại một tổ chức Hồi Giáo địa phương đang nằm trong tầm ngắm của cơ quan điều tra. Hôm qua, bộ ngoại giao Mỹ cảnh báo không loại trừ có thể có thêm các mưu toan khủng bố mới. Cũng hôm qua, cảnh sát Sri Lanka phát hiện được khoảng 90 kíp nổ ở khu vực gần nhà thờ Thánh Antoine, một nơi bị khủng bố.

Về phần mình, báo La Croix, cho biết chính quyền Sri Lanka, hôm qua, khẳng định tổ chức Hồi giáo National Thowheeth Jama’ath (NTJ) là thủ phạm. Nhật báo Công Giáo cũng có bài phân tích nhấn mạnh đến tình trạng cộng đồng Thiên Chúa giáo, tại một số khu vực ở Sri Lanka, là đối tượng truy bức từ nhiều năm nay. Cũng như người Thiên Chúa giáo, người Hồi giáo thiểu số tại Sri Lanka thường duy trì một lối sống ôn hòa, tại một quốc gia nơi xung đột và căng thẳng kéo dài giữa hai cộng đồng sắc tộc Sinhala (chủ yếu theo đạo Phật) và sắc tộc Tamul (chủ yếu theo Ấn Độ giáo). Cũng như Libération, La Croix thừa nhận các tấn công khủng bố khiến khả năng đoàn kết dân tộc tại Sri Lanka vốn đã mong manh, càng trở nên mong manh hơn.

Chính trị Châu Âu : Rất cần một "ngân hàng dân chủ"

Về các chủ đề trang nhất khác hôm nay, đáng chú ý có tựa trang nhất của Le Figaro về việc "Các đảng phái khó tìm được nguồn tài chính" cho cuộc tranh cử Nghị Viện Châu Âu.

Đúng một tháng trước tranh cử Nghị Viện (khai mạc 23/05, kết thúc ngày 26/05), Le Figaro ghi nhận tình trạng nhiều ngân hàng không muốn cho các đảng phái vay tiền, cho dù về nguyên tắc, Nhà nước sẽ bồi hoàn tiền vận động tranh cử cho các đảng có được từ 3% cử tri ủng hộ trở lên. Tình thế này buộc nhiều đảng phải quay sang nhờ cậy đến những người ủng hộ. Theo Le Figaro, hậu thuẫn tài chính cho các đảng phái chính trị nói chung, dù tả hay hữu, cực tả, hay cực hữu, đều là điều hệ trọng đối với nền dân chủ, và hệ thống tài trợ hiện nay của Nhà nước hoàn toàn có thể cải cách được. Cụ thể là với dự án "Ngân hàng dân chủ", từng được lãnh đạo đảng cánh trung Modem, François Bayrou, đề xuất trong thời gian ông tham gia chính phủ Macron, mùa hè năm 2017.

"Văn hóa chung" : Cội rễ sức mạnh của Châu Âu

La Croix cũng dành một phần trang nhất cho chủ đề Châu Âu, với bài xã luận "Châu Âu của chúng ta". Đối với La Croix, trong bối cảnh Châu Âu chia rẽ sâu sắc trong nhiều lĩnh vực, điều quan trọng hiện nay là hướng sự chú ý đến "nền văn hóa chung", mà dân chúng Châu Âu khắp các quốc gia chia sẻ, dù ý thức hay không. Trong nền hóa chung đó, Thiên Chúa giáo đóng góp phần đặc biệt quan trọng, nhưng không phải độc tôn.

Đối với La Croix, nền văn hóa chung của Châu Âu "đặt tự do và phẩm giá con người ở tầm rất cao", nhưng cùng lúc đó, đây cũng là một nền văn hóa "mong manh", trước sự tấn công của các thế lực cuồng tín. Trong những tuần lễ tới trước thềm bầu cử, La Croix sẽ lần lượt giới thiệu về những giá trị tích cực của nền văn hóa chung này với các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu, và không chỉ với Châu Âu.

Loạt bài về Châu Âu của La Croix mở màn hôm nay với bốn bài viết. Luật sư Pháp Daniel Soulez Larivière nổi tiếng trong ngành luật hình sự có bài "Những giá trị của Châu Âu".

Nhà văn người Ý Erri de Luca, giải thưởng Văn học Châu Âu 2013, có bài viết thâm trầm, đầy cảm xúc với tựa đề "Dự án Châu Âu thống nhất, điều không thể bàn lùi". Mở đầu với những kinh nghiệm khủng khiếp của một Châu lục, "nơi xuất khẩu ra toàn bộ phần còn lại của thế giới các vũ khí và các cuộc chiến tranh", mà đỉnh cao của sự hủy diệt là Thế chiến Hai. Bài viết kết luận : "Mỗi lần tôi nói về Châu Âu, là tôi lại nhắc về một lục địa được dựng lên từ đống tro tàn, nhờ những tư tưởng lớn, những tưởng tượng vĩ đại". Đối với nhà văn, dịch giả người Ý, các nước Châu Âu đang trên đường đi đến một Nhà nước Liên bang, dù chưa tới đích.

Tu sĩ Alois Prieur - lãnh đạo cộng đoàn đại kết Thiên Chúa giáo Taizé có bài "Xây dựng một Châu Âu, nơi tứ phương hội ngộ", nhấn mạnh đến giá trị "của đối thoại, của suy tư tập thể" trong dự án xây dựng Châu Âu, một Châu Âu mở rộng cho sự tham gia của cả những quốc gia nằm ngoài biên giới Liên Âu hiện tại. Cộng đoàn đại kết Taizé, do các tu sĩ Tin lành lập ra từ năm 1940 tại Pháp, ngay trong thời gian Thế chiến 2, là một thể nghiệm cho tinh thần đối thoại đó. Taizé mở rộng không chỉ với mọi truyền thống Thiên Chúa giáo, mà với cả các truyền thống tâm linh khác, như Phật giáo hay Hồi giáo. Mỗi năm, cả trăm nghìn người đến nơi đây để tĩnh tâm, tu tập, giao lưu…

Trong bài "Khoa học thuộc về bản sắc Châu Âu", nhà vật lý gốc Séc Lenka Zdeborova – giải thưởng Nghiên cứu của Hội Đồng Châu Âu 2016 – làm việc tại CNRS (Pháp) từ năm 2010, kể lại đường đời của chính mình. Đối với nhà vật lý gốc Czech, lớn lên dưới chế độ cộng sản, Châu Âu về đa văn hóa, đa ngôn ngữ là một cơ may lớn. Ý định làm luận án tại Pháp và cuộc gặp bất ngờ với người chồng tương lai, một nhà vật lý lý thuyết gốc Ý yêu mến nước Pháp, đã thúc đẩy Lenka Zdeborova đến Paris. Giải thưởng của Hội Đồng Châu Âu cho phép nhà vật lý gốc Séc tuyển mộ một ê-kíp 7 người, với bốn quốc tịch Ý, Pháp, Đức và Bỉ. Đối với Lenka Zdeborova, sự đa dạng về nguồn gốc xuất thân địa lý, văn hóa, giáo dục, thậm chí cả gia tài về triết học, tâm linh của mỗi thành viên của cộng đồng khoa học là những điều vô cùng quý giá. Sự hòa hợp và hội tụ này chính là một thế mạnh của Châu Âu, khiến Châu Âu tiếp tục đóng một vai trò trung tâm trong đời sống khoa học quốc tế.

Liên Hiệp Châu Âu : Mô hình nhân loại vô cùng cần đến

Trong đóng góp mở đầu cho loạt bài một tháng trước kỳ tranh cử Nghị Viện Châu Âu, luật sư Daniel Soulez Larivière nhận xét : Liên Hiệp Châu Âu – với nền móng từ Hiệp ước Roma năm 1957 - là một kinh nghiệm hoàn toàn mới không chỉ với Châu Âu. Sự hình thành một liên minh tự nguyện giữa các quốc gia Châu Âu cũng chính là quá trình xây dựng và thử nghiệm lâu dài nhiều thiết chế mang tính liên bang "đầu tiên trên thế giới" giữa nhiều quốc gia (không kể kinh nghiệm quy mô nhỏ của Thụy Sĩ), với các ngôn ngữ khác nhau, với các truyền thống khác nhau. Với một nghị viện, một bộ máy hành pháp, một cơ quan tư pháp, Châu Âu gần như có đủ các thành tố của một Nhà nước Liên bang.

Liên Hiệp Châu Âu có thể là một mô hình cho một tổ chức toàn cầu mà nhân loại chúng ta đang vô cùng cần đến. Không có một định chế như vậy, luật sư Daniel Soulez Larivière dự báo "nhân loại sẽ tiêu vong". Bởi các thách thức toàn cầu hiện nay là vô cùng ghê gớm. Và cho dù, một bộ phận dân cư trên Trái đất có di cư được sang một hành tinh khác, thì họ cũng sẽ gặp phải cùng một loại vấn đề : Sai lầm sẽ lặp lại, nếu các giải pháp không được tìm ra ngay từ bây giờ, ngay trên Trái đất này.

Trọng Thành

Quay lại trang chủ
Read 646 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)