Tổng thống Trump muốn đưa hồ sơ Hoa Vi vào thỏa thuận thương mại với Trung Quốc (RFI, 24/05/2019)
Tại Washington, thổng thống Mỹ Donald Trump hôm 23/05/2019, lần đầu tiên nhắc tới công ty Hoa Vi trong bối cảnh các cuộc đàm phán về thương mại với Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng, Washington. Ảnh ngày 22/05/2019. Reuters/Carlos Barria
Hãng tin AFP trích lời nguyên thủ Mỹ : "Hoa Vi là một tập đoàn rất nguy hiểm", đặc biệt từ "góc độ an ninh và quân sự".
Tuy vậy, nguyên thủ Mỹ cho biết "có khả năng" Washington sẽ đạt được thỏa thuận với Bắc Kinh nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh thương mại, và "có khả năng Hoa Vi sẽ nằm trong thỏa thuận đó".
Chính quyền Donald Trump đã liệt Hoa Vi vào danh sách đen do lo ngại tập đoàn này làm gián điệp cho chính quyền Bắc Kinh.
Ngược lại, Trung Quốc cáo buộc Washington có hành động "bắt chẹt" tập đoàn viễn thông này.
Gia Hưng
**************
Trung Quốc lên án quan chức Mỹ 'tung tin đồn' về quan hệ Huawei-Bắc Kinh (VOA, 24/05/2019)
Trung Quốc hôm thứ Sáu, 24/5, lên án việc Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo "bịa ra tin đồn" sau khi ông nói giám đốc điều hành của công ty Trung Quốc Huawei Technologies đã nói dối về mối quan hệ giữa công ty và chính quyền Bắc Kinh.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc họp báo tháng 7/2016 (ảnh tư liệu)
Huawei đã nhiều lần phủ nhận chuyện công ty này nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ, quân đội hoặc các cơ quan tình báo của Trung Quốc.
Khi phát biểu hôm 23/5, ông Pompeo cũng bác bỏ lời tuyên bố của Giám đốc điều hành Huawei Nhậm Chính Phi rằng công ty của ông ta sẽ không bao giờ chia sẻ thông tin bí mật của người sử dụng. Ông Pompeo nói thêm ông tin rằng nhiều công ty Mỹ sẽ cắt đứt quan hệ với hãng công nghệ khổng lồ của Trung Quốc.
"Gần đây, một số chính trị gia Hoa Kỳ đã liên tục bịa đặt tin đồn về Huawei nhưng chưa bao giờ đưa ra bằng chứng rõ ràng khi các nước yêu cầu", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói, khi được hỏi về phát biểu của ông Pompeo.
Hoa Kỳ đã và đang vận động các đồng minh, thuyết phục họ không sử dụng hàng của Huawei để làm mạng 5G của họ, với lý do có những lo ngại về an ninh.
Ông Lục nói chính phủ Hoa Kỳ đang gây ngờ vực trong công chúng Mỹ để làm rối trí và xúi giục sự phản đối Trung Quốc.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm 23/5 nói rằng các khiếu nại của Hoa Kỳ đối với Huawei có thể được giải quyết trong khuôn khổ một thỏa thuận thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, đồng thời ông Trump cũng mô tả hãng viễn thông khổng lồ của Trung Quốc là "rất nguy hiểm".
Ông Lục nói ông không biết ý ông Trump là gì.
******************
Bị Mỹ cấm cửa, Huawei có trụ nổi ? (VOA, 24/05/2019)
Việc các hãng cung ứng của Mỹ, trong đó có Google, quyết định ngừng hợp tác với Huawei sẽ đặt ra vấn đề lớn cho Huawei trên thị trường quốc tế, nơi Huawei tiêu thụ gần phân nửa các sản phẩm điện thoại thông minh của họ, và giáng một cú nặng nề lên tham vọng của Huawei trở thành hãng điện thoại thông minh hàng đầu thế giới, các phân tích gia cho biết.
Mẫu điện thoại mới nhất của Huawei P30
Google quyết định đình chỉ hoạt động làm ăn với hãng viễn thông khổng lồ Trung Quốc Huawei bao gồm chuyển giao phần cứng, phần mềm và các dịch vụ kỹ thuật chủ chốt.
Điều này có nghĩa là Huawei sẽ không còn được cấp phép sử dụng hệ điều hành Android của Google cùng các dịch vụ của Google cho các sản phẩm điện thoại của họ nữa. Thay vào đó, họ phải sử dụng phiên bản nguồn mở. Do đó, các dòng điện thoại sau này của Huawei sẽ không có các dịch vụ của Google mà người dùng mong đợi từ các thiết bị dùng hệ điều hành Android.
Quyết định của Google tuân thủ lệnh của chính phủ khi Mỹ đưa Huawei vào một danh sách đenmà các hãng công nghệ Mỹ cần phải có giấy phép mới được bán sản phẩm.
‘Rất nghiêm trọng’
Trao đổi với VOA, Giáo sư-Tiến sĩ Đỗ Văn Thành, một chuyên gia về viễn thông tại Đại học Thành thị Oslo, Na Uy, nhận định quyết định của Google ngừng cộng tác là ‘rất nghiêm trọng’ đối với Huawei.
"Hành động này không đến mức kết liễu Huawei", ông Thành nói. "Trước giờ Huawei đã có nỗ lực phát triển bộ não (tức hệ điều hành) cho riêng họ, nhưng họ làm tới đâu thì chưa biết. Dù có làm được đi nữa thì cũng không thể một lúc làm được hết các ứng dụng".
"Có thể tạm thời họ vẫn bán được những sản phẩm điện thoại thông minh mà họ đã sản xuất, nhưng những sản phẩm mới sau này sẽ rất khó bán", ông nói thêm và nhắc đến việc hãng ARM vốn cung cấp linh kiện chủ chốt cho Huawei cũng đã ngưng hợp tác với họ.
Đối với mẫu điện thoại tối tân nhất của Huawei là P30, ông Thành cho biết hãng này vẫn sẽ bán được hàng bất chấp việc dừng hợp tác của Google vì họ đã mua trước rất nhiều giấy phép (license) để sử dụng hệ điều hành Android.
"Không thể một sớm một chiều mà một hãng khổng lồ như Huawei có thể sụp được", ông giải thích. "Họ còn rất nhiều tiền. Họ cũng đã mua trước và tích lũy một số lượng chip rất nhiều và do đó họ có thể sản xuất được hàng mới và bán được trong thời gian cả năm trời".
Nhưng về lâu dài nếu không có hệ điều hành của Google thì Huawei ‘sẽ bị kẹt’, ông Thành nói và cho biết dù Huawei có tự phát triển được hệ điều hành đi nữa thì người dùng cũng sẽ không thể dùng được những ứng dụng rất phổ biến của Google mà chỉ có thể dùng được những ứng dụng riêng ở Trung Quốc như Baidu, WeChat hay Weibo mà thôi.
Tuy nhiên, Huawei ‘không có cách nào làm kịp’ nếu họ quyết định tự phát triển độc lập để giảm bớt sự lệ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài, nhất là Mỹ.
Ông cho rằng trong thế giới công nghệ ngày nay, không riêng gì Huawei, không có hãng nào có thể tự mình sản xuất hết tất cả các linh kiện mà phụ thuộc vào các nhà cung ứng, do đó Huawei đã không gặp may khi bị cắt đứt nguồn cung ứng này từ phía Mỹ.
Do đó, theo ông Thành, hy vọng bây giờ của Huawei là chính phủ Trung Quốc điều đình được với Hoa Kỳ và giải tỏa được các quan ngại của Washington thì sẽ được dỡ bỏ các lệnh cấm.
Ông nói rằng ở Trung Quốc có điều luật buộc tất cả các hãng cung cấp thông tin, tài liệu cho chính quyền khi có yêu cầu và trong tất cả hãng xưởng của Trung Quốc đều có chi bộ của Đảng cộng sản của Trung Quốc. Chính vì vậy Mỹ và các nước phương Tây mới lo ngại Huawei về mặt an ninh.
"Chỉ cần Trung Quốc thay đổi những điều luật này thì Mỹ sẽ thay đổi cách làm (và dỡ lệnh cấm với Huawei)", ông nói thêm và cho biết ở các nước Bắc Âu, vốn trước giờ rất ủng hộ Trung Quốc, giờ cũng không nói gì về việc cấm Huawei vì ‘rõ ràng Trung Quốc có âm mưu làm điều không tốt’.
Về phía các hãng của Mỹ, mặc dù quyết định dừng cung ứng cho Huawei có thể khiến họ bị mất khách hàng lớn tạm thời nhưng về lâu dài sẽ nhanh chóng có hãng sản xuất khác lấp đầy chỗ trống của Huawei, ông Thành nói.
Đã chuẩn bị trước ?
Những nhà cung cấp khác cho Huawei, bao gồm Qualcomm và Intel, được cho là đã thông báo cho các nhân viên của họ rằng họ sẽ không tiếp tục cung cấp linh kiện cho hãng Trung Quốc này cho đến khi có thông báo mới.
Phát ngôn nhân Huawei nói với kênh CNBC rằng hãng này ‘đang đánh giá tác động khả dĩ của động thái này của chính phủ Mỹ đối với người tiêu dùng’.
"Huawei đã có những đóng góp to lớn đối với sự phát triển và tăng trưởng của Android trên toàn thế giới. Là một trong những đối tác toàn cầu chủ chốt của Android, chúng tôi đã làm việc chặt chẽ với nền tảng nguồn mở của họ để xây dựng một hệ sinh thái có lợi cho cả người dùng và ngành kỹ nghệ này", phát ngôn nhân của hãng nói.
"Huawei sẽ vẫn tiếp tục cập nhật an ninh và cung cấp các dịch vụ hậu mãi cho tất cả các điện thoại thông minh và máy tính bảng Huawei cũng như Honor hiện đang lưu hành, bao gồm các sản phẩm đã được bán ra hay các sản phẩm vẫn còn trong kho trên toàn cầu".
Huawei dựa rất nhiều vào hệ điều hành Android cho những điện thoại thông minh họ bán bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Còn tại Trung Quốc, họ sử dụng một phiên bản Android đã được điều chỉnh vốn không được cài sẵn các ứng dụng Google do các dịch vụ của Google bị chặn ở Trung Quốc. Nhưng tại thị trường các nước ngoài Trung Quốc thì sản phẩm của Huawei chạy hệ điều hành Android hoàn chỉnh với các ứng dụng của Google.
Gần một nửa điện thoại thông minh của Huawei trong quý đầu tiên của năm 2019 được bán trên các thị trường bên ngoài Trung Quốc. Hiện tại, Huawei là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới xét theo thị phần, chỉ sau Samsung nhưng lại trước Apple.
Trước đó, hãng này đã đặt ra tham vọng vươn lên dẫn đầu thị trường điện thoại thông minh vào năm 2020. Tuy nhiên, động thái mới nhất của Google có thể chôn vùi tham vọng này của họ.
"Nó giống như kết liễu ngay lập tức tham vọng của Huawei muốn qua mặt Samsung trên thị trường toàn cầu", Nicole Peng, phó chủ tịch mảng di động của Canalys, hãng phân tích thị trường công nghệ hàng đầu thế giới, nói với CNBC.
Huawei dựa vào các nhà cung cấp Mỹ để có các cấu phần chủ chốt cho tất cả các sản phẩm của họ từ điện thoại thông minh cho đến thiết bị mạng. Có hơn 30 hãng công nghệ Mỹ được Huawei xem là ‘nhà cung cấp cốt lõi’ của họ.
Tuy nhiên, hãng viễn thông Trung Quốc này nói rằng họ đã chuẩn bị trước cho những tình huống như thế này mà họ đã dự trù. Hồi tháng 3, Huawei cho biết họ đã xây dựng hệ điều hành của riêng họ cho các sản phẩm của họ nếu đến lúc nào đó họ không thể sử dụng hệ điều hành của Google hay Microsoft được nữa.
Và chỉ mới tuần trước, tờ Nikkei Asian Review đưa tin rằng cách đây sáu tháng, Huawei đã thông báo với các nhà cung cấp của họ rằng họ muốn trữ số lượng linh kiện chủ yếu đủ dùng cho đến một năm để chuẩn bị cho kịch bản chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Huawei cũng đang phát triển công nghệ chip của riêng họ.
Mặc dù Huawei có thể giảm sự lệ thuộc vào các nhà cung cấp Mỹ đối với một số linh kiện, các chuyên gia cho rằng điều này vẫn chưa đủ bởi vì họ vẫn cần các linh kiện khác từ các công ty Mỹ. Họ cũng bày tỏ nghi ngờ về tính khả thi của hệ thống điều hành riêng của Huawei.
Neil Shah, giám đốc nghiên cứu của Counterpoint Research, nhận định với CNBC rằng Huawei vẫn sẽ cần dựa vào các cửa hàng ứng dụng Android của bên thứ ba bởi vì Google Play không mặc nhiên được cài trên các thiết bị của họ.
"Điều này tạo ra một bất lợi rõ ràng cho hệ điều hành riêng của Huawei so với hệ điều hành Android cài đặt trên Samsung hay các mẫu điện thoại khác trước hết do sự thiếu vắng tất cả các ứng dụng có trong cửa hàng Google Play, chất lượng ứng dụng (một số có thể bị lỗi thời), có nguy cơ kém an ninh do chúng không được Google kiểm tra hay được Google vá những chỗ hổng an ninh cũng như trải nghiệm tổng thể của người dùng đối với cửa hàng ứng dụng", Shah giải thích.
Bán tháo điện thoại Huawei
Trong lúc này, các cửa tiệm bán lẻ điện thoại ở một số nước Châu Á đã từ chối nhận đổi thiết bị của Huawei trong lúc ngày càng có nhiều người tiêu dùng tìm cách thải đi điện thoại Huawei của họ do lo lắng việc Google tạm dừng hợp tác với Huawei sẽ làm một số ứng dụng của Google không sử dụng được nữa.
Ở Singapore và Philippines, Reuters cho biết nhiều người đã chạy đến các cửa tiệm để bán lại điện thoại Huawei nhưng có rất ít nơi chịu thu lại.
"Nếu chúng tôi mua một mặt hàng vô dụng thì làm sao chúng tôi bán lại được", ông Dylan On, một chủ tiệm sửa chữa và bán điện thoại thông minh ở Singapore, nói.
"Không phải vì sản phẩm của Huawei tệ. Đó là sản phẩm rất tốt. Đó chỉ là vì không ai muốn mua nó vào lúc này vì chính sách của Mỹ", ông nói và nói thêm rằng ông đang tìm cách bán lượng hàng Huawei trong kho trên mạng đến người tiêu dùng ở nước ngoài với hy vọng rằng họ sẽ không lưu ý đến các sự kiện hiện nay.
Trước đây, có khoảng 5 khách hàng muốn đổi điện thoại Huawei mỗi ngày, nhưng con số đó giờ đây đã tăng lên 20 người trong vòng hai ngày vừa qua", Zack, một nhân viên bán hàng tại Mobile Square ở Singapore nói với Reuters nhưng không chịu nói rõ họ.
"Thường thì bạn sẽ thấy người ta muốn đổi điện thoại cũ lấy điện thoại mới", anh nói thêm. "Bây giờ anh lại thấy người ta muốn đổi những chiếc điện thoại mới nhất".
Carousell, chợ trực tuyến đông đảo nhất ở Singapore, cho biết số lượng điện thoại Huawei được bán đi đã tăng lên hơn gấp đôi vào ngày Mỹ công bố sắc lệnh cấm Huawei.
Năm ngoái, Huawei chiếm 14% thị phần điện thoại thông minh ở Singapore, theo Canalys.
Còn ở Philippines, các cửa hàng bán lẻ điện thoại cũng quyết định tránh xa các sản phẩm của Huawei.
"Chúng tôi không còn chấp nhận điện thoại Huawei nữa. Khách hàng của chúng tôi không chịu mua nữa", Hamida Norhamida, chủ cửa hàng điện thoại mới và thâu điện thoại cũ tại trung tâm mua sắm Greenhills ở Manila nói với Reuters. Bà nói thêm rằng bà cảm thấy nhẹ nhõm khi bán hết kho hàng Huawei P30 Pro trước khi Google loan báo quyết định hôm 20/5.
Một chủ tiệm điện thoại khác ở Greenhills nói rằng bà chỉ mua điện thoại Huawei với mức giá giảm 50%.
"Bán được nó là cả một sự may rủi", bà nói với Reuters và chỉ cho biết tên là Thelma.
Tuy nhiên, một số người lại xem đây là cơ hội để họ mua được chiếc điện thoại chất lượng với giá rẻ.
"Phản ứng tức thì của tôi là lo lắng rằng chiếc điện thoại Huawei hiện tại của tôi sẽ trở nên vô giá trị", cô Xin Yi, sinh viên 24 tuổi ở Singapore, nói với Reuters. "Nhưng Google nói rằng những người dùng Huawei hiện nay sẽ không bị ảnh hưởng… tôi thở phào nhẹ nhõm".
Cô cho biết rằng giờ đây cô đang tìm mua mẫu điện thoại Huawei mới trên thị trường với giá giảm.
*******************
Trump : Huawei 'có thể là một phần của thỏa thuận thương mại' (BBC, 24/05/2019)
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung leo thang trong những tuần gần đây với việc tăng thuế và các đe dọa hành động nhiều hơn.
Tổng thống Donald Trump tuyên bố Huawei có thể là một phần của thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, mặc dù công ty viễn thông này vẫn 'rất nguy hiểm'.
Washington cũng đưa Huawei vào danh sách đen về thương mại.
Mỹ cho rằng Huawei gây ra rủi ro an ninh quốc gia, trong khi Bắc Kinh cáo buộc Mỹ 'bắt nạt' công ty này.
"Huawei là một thứ gì đó rất nguy hiểm", ông Trump nói với các phóng viên tại Nhà Trắng hôm thứ Năm.
"Bạn nhìn vào những gì họ đã làm, từ khía cạnh an ninh đến quân sự. Rất nguy hiểm".
Tuần trước, chính quyền Trump đã cho Huawei - nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới - vào "danh sách đen" - bao gồm các công ty bị cấm mua lại công nghệ từ các công ty Mỹ mà không có sự chấp thuận của chính phủ.
Nhưng ông Trump đã nói rằng Huawei 'có thể' là một phần của bất kỳ thỏa thuận thương mại nào với Bắc Kinh.
"Nếu chúng tôi đạt được một thỏa thuận, tôi có thể tưởng tượng nó bao gồm cả Huawei ở một số hình thức nào đó", ông nói.
Những quan ngại về Huawei
Huawei phải đối mặt với phản ứng dữ dội ngày càng tăng từ các nước phương Tây, dẫn đầu là Mỹ, về những rủi ro có thể xảy ra khi sử dụng sản phẩm của công ty này trong các mạng di động 5G thế hệ tiếp theo.
Một số quốc gia đã nêu quan ngại rằng thiết bị Huawei có thể được Trung Quốc sử dụng để giám sát, điều mà Huawei kịch liệt phản bác.
Huawei nói công việc của họ không gây ra bất kỳ mối đe dọa nào và họ độc lập với chính phủ Trung Quốc.
Lệnh cấm thương mại của Mỹ đối với Huawei đã có tác động lớn lên ngành công nghiệp công nghệ toàn cầu, với một số công ty đã ngưng hợp tác với Huawei.
Hiện tại, những nỗ lực giải quyết tranh chấp thương mại dường như bị đình trệ. Không có cuộc thảo luận chính thức nào được lên kế hoạch kể từ khi cuộc đàm phán cuối cùng kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào hôm 10/5.
"Phản ứng tốt nhất trước sự bắt nạt của Mỹ là các công ty Trung Quốc tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa", người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc, ông Gao Feng nói tại cuộc họp giao ban tại Bắc Kinh hôm thứ Năm.
Chích sách tăng thuế
Những bình luận mới nhất của ông Trump về Huawei được đưa ra sau khi ông tuyên bố chương trình viện trợ trị giá 16 tỷ đôla để giúp nông dân Mỹ bị tổn thương do xung đột thương mại với Trung Quốc.
Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tham gia vào một cuộc tranh chấp gay gắt về thương mại kể từ những ngày đầu của nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump.
Đầu tháng này, Mỹ đã tăng thuế đối với hàng nhập khẩu trị giá 200 tỷ đôla của Trung Quốc từ 10% lên 25% sau khi hai bên không đạt được thỏa thuận về thương mại.
Trung Quốc đáp trả bằng cách tuyên bố kế hoạch tăng thuế đối với 60 tỷ đôla hàng nhập khẩu của Mỹ từ ngày 1/6.
Chính quyền Trump đã đe dọa sẽ áp thuế đối với hàng hóa khác của Trung Quốc trị giá 300 tỷ đôla, khiến các ngành công nghiệp phải thúc giục chấm dứt chiến tranh thương mại do cảnh báo về tác động "thảm khốc" đối với người tiêu dùng.
Mỹ không chỉ cáo buộc Trung Quốc ăn cắp tài sản trí tuệ, mà họ còn muốn Bắc Kinh thay đổi chính sách kinh tế mà Mỹ nói là không công bằng, khi Trung Quốc ủng hộ các công ty trong nước thông qua trợ cấp.
Ông Trump cũng muốn cắt giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc, mà ông nói đang làm tổn thương nền sản xuất của Mỹ.
*****************
Trump : Huawei ‘cực kỳ nguy hiểm’ (VOA, 24/05/2019)
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 23/5 tố cáo đại công ty công nghệ viễn thông Huawei của Trung Quốc là ‘cực kỳ nguy hiểm’, đồng thời tuyên bố vụ việc của Huawei có thể sẽ được giải quyết trong khuôn khổ một thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tố cáo đại công ty công nghệ viễn thông Huawei của Trung Quốc là ‘cực kỳ nguy hiểm’. Ảnh minh họa
Tuần rồi, Washington ra lệnh cấm các công ty Mỹ làm ăn với Huawei, viện dẫn lý do an ninh quốc gia.
"Nhìn vào những gì họ đã làm từ khía cạnh an ninh, quân sự, thật sự rất nguy hiểm", ông Trump phát biểu tại Tòa Bạch Ốc. "Nếu chúng ta có một thỏa thuận, tôi mường tượng có thể bao gồm vấn đề Huawei, trong một hình thức nào đó hoặc một phần nào đó".
Ông Trump dự đoán sẽ có một kết thúc nhanh chóng cho cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung dù chưa có cuộc đàm phán cấp cao nào được lên lịch kể từ vòng đàm phán cuối cùng tại Washington cách đây 2 tuần.
Trước đó trong ngày 23/5, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tố cáo giám đốc điều hành Huawei, Ren Zhengfei, nói dối về chuyện công ty này không có liên hệ với chính phủ Bắc Kinh.
"Công ty này gắn liền chặt chẽ không chỉ với Trung Quốc mà với đảng cộng sản Trung Quốc. Sự liên kết này, sự hiện hữu mối liên kết đó, khiến những thông tin của Mỹ truyền qua các mạng lưới đó vào tình thế rủi ro", ông Pompeo nhấn mạnh.
Huawei một mực khẳng định không bị kiểm soát bởi chính phủ Trung Quốc, bởi quân đội hay tình báo Trung Quốc.
*******************
Huawei tố cáo Mỹ ỷ mạnh hiếp yếu (VOA, 22/05/2019)
Nhà sản xuất thiết bị viễn thông Huawei của Trung Quốc ngày 21/5 nói họ là nạn nhân bị Mỹ ‘hiếp đáp’ và cho hay đang làm việc với Google để đáp ứng các hạn chế thương mại mà Washington áp đặt tuần trước, một giám đốc điều hành cao cấp của Huawei được Reuters dẫn lời cho biết.
Chính phủ Mỹ loan báo ban hành chế tài vì Huawei dính líu tới các hoạt động trái với an ninh quốc gia và lợi ích của Mỹ.
Đầu tuần này, Mỹ tạm nới lỏng các hạn chế để giảm thiểu tác động cho khách hàng nhưng Huawei nói họ đã chuẩn bị sẵn sàng cho hành động của Mỹ.
Công ty Google đình chỉ các hoạt động làm ăn với Huawei mà đòi hỏi cần phải chuyển giao phần mềm, phần cứng và các dịch vụ kỹ thuật.
"Google không có động lực nào để ngăn chặn chúng tôi. Chúng tôi đang làm việc chặt chẽ với họ để tìm cách xử lý tình hình và ứng phó với tác động từ quyết định từ Bộ Thương mại Mỹ", đại diện Huawei Abraham Liu cho Reuters biết.
"Huawei trở thành nạn nhân của sự hiếp đáp từ chính quyền Mỹ. Đây không chỉ là đòn tấn công Huawei mà tấn công lên trật tự dựa trên luật lệ và tự do" ông Liu tố cáo.
****************
Mỹ gây sức ép, nhiều tập đoàn viễn thông lớn ngừng hợp tác với Hoa Vi (RFI, 23/05/2019)
Trong hai ngày 22 và 23/05/2019, nhiều tập đoàn công nghệ của Anh, Nhật Bản, hai nước đồng minh của Mỹ, đã thông báo ngừng hợp tác với Hoa Vi (Huawei). Hàn Quốc đang bị Mỹ gây sức ép.
(Ảnh minh họa) - Một người đàn ông nói chuyện trên điện thoại di động, bên cạnh biển quảng cáo công nghệ 5G của Hoa Vi, tại triển lãm PT Expo ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 26 tháng 09 năm 2018. Reuters/Stringer/File Photo
Theo AFP, ngày 23/05, tập đoàn Panasonic của Nhật Bản ngừng giao dịch với Hoa Vi, trong khi Toshiba thông báo sẽ tạm ngừng mọi hoạt động giao hàng cho Hoa Vi để rà soát lại sản phẩm. Một phát ngôn viên của Toshiba cho biết sẽ chỉ giao hàng cho "từng trường hợp khi biết chắc sản phẩm của công ty không sử dụng linh kiện được sản xuất trên lãnh thổ Mỹ".
Trong khi đó, Hoa Kỳ tiếp tục gây sức ép với chính quyền Seoul để Hàn Quốc ngừng sử dụng sản phẩm của Hoa Vi. Nhật báo Chosun Ilbo ngày 23/05, được Reuters trích dẫn, tiết lộ rằng trong một cuộc họp giữa quan chức ngoại giao hai nước, Mỹ đã khuyến cáo Hàn Quốc không nên sử dụng tập đoàn viễn thông LG Uplus của nước này trong các lĩnh vực nhạy cảm vì LG sử dụng linh kiện của Hoa Vi. Trong tương lai, Hàn Quốc nên loại Hoa Vi khỏi thị trường.
Trước đó, ngày 22/05, bốn nhà cung cấp viễn thông lớn của Nhật Bản (KDDI, SoftBank Corp) và Anh Quốc (EE, Vodafone) đã tạm hoãn chiến dịch tung sản phẩm mới của Hoa Vi ra thị trường. Những mẫu mã mới của Hoa Vi có thể sẽ bị mất phần lớn tính năng nếu không có công nghệ của Mỹ.
Hoa Vi trở thành tâm điểm của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Có mặt ở 170 nước, Hoa Vi bị Washington liệt vào danh sách đen đe dọa an ninh quốc gia vì bị cho là có liên hệ với chính phủ Trung Quốc.
Ngày 23/05, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã lên án "hành động quấy rối kinh tế"của Mỹ nhằm "cản trở tiến trình phát triển" của Trung Quốc, đồng thời khẳng định Bắc Kinh "sẽ chiến đấu tới cùng".
Thương mại Mỹ- Trung : Washington tạm ngưng tấn công trước thượng đỉnh G20 ?
Mỹ tạm ngừng áp dụng mức thuế 25 % đối với 300 tỷ đô la hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Theo hãng tin Reuters, ngày 22/05/2019, bộ trường Tài Chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin trấn an quốc tế khi cho biết "trong vòng từ 30 đến 45 ngày", Washington tạm thời không quyết định tăng thêm thuế nhập khẩu nhắm vào hàng Trung Quốc như tổng thống Donald Trump từng đe dọa. Một số nhà quan sát cho rằng thông báo này được đưa ra trong bối cảnh nguyên thủ Mỹ và Trung Quốc cùng tham dự thượng đỉnh G20 tổ chức tại Nhật Bản trong hai ngày 28 và 29/06/2019. Bắc Kinh và Washington cùng để ngỏ khả năng Tập Cận Bình và Donald Trump có một buổi làm việc riêng bên lề G20 tại Osaka.
Thu Hằng, Thanh Hà
*******************
Sau Hoa Vi, Mỹ có thể trừng phạt thêm 5 công ty công nghệ Trung Quốc (RFI, 22/05/2019)
Sau khi cho Hoa Vi (Huawei) vào danh sách đen, các mục tiêu sắp tới của chính quyền Donald Trump có thể là năm công ty Trung Quốc sản xuất camera giám sát, đặc biệt là Hikvision chuyên về công nghệ nhận diện, được sử dụng rộng rãi ở Tân Cương. Các hãng tin Bloomberg và Reuters hôm nay 22/05/2019 cho biết như trên.
Một gian triển lãm của Hikvision tại hội chợ trí thông minh nhân tạo thế giới tại Thiên Tân, 16/05/2019. Reuters/Jason Lee
Cũng như Hoa Vi vào tuần trước, nay đến lượt Hikvision (Hải Khang Uy Thị) có nguy cơ bị liệt vào danh sách đen, tức là các nhà cung cấp Mỹ phải được chính phủ cho phép mới có thể buôn bán với công ty này. Nhà Trắng từ chối bình luận về thông tin của New York Times.
Những nguồn thạo tin khác cho Bloomberg hay, chính quyền Mỹ lo ngại Hikvision lẫn Dahua Technology (Đại Hoa), với các camera có công nghệ nhận diện được sử dụng để đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, có thể phục vụ cho gián điệp.
Trên thị trường chứng khoán Thâm Quyến, cổ phiếu của Hikvision và Dahua đã giảm mạnh ngay sau khi New York Times đưa tin. Đồng nhân dân tệ cũng bị mất giá sau bản tin Bloomberg.
Reuters cho biết thêm, Hikvision và Dahua Technology đã bị 40 dân biểu Mỹ nêu tên trong một lá thư gởi đến các cố vấn chính của tổng thống Donald Trump vào tuần trước. Lá thư tố cáo nạn đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, đòi hỏi kiểm tra chặt chẽ hơn để các công ty Mỹ không bị gián tiếp dính líu.
Theo Bloomberg, bên cạnh hai nhà sản xuất thiết bị giám sát lớn nhất thế giới là Hikvision và Dahua Technology, danh sách đen của Mỹ có thể gồm cả Yitu Technology (Y Đồ), cùng với SenseTime Group Ltd. (Thương Thang) và Megvii (Khoáng Thị), công ty mẹ của Face++ chuyên về phần mềm xử lý hình ảnh.
Hikvision trong một thông cáo bày tỏ "hy vọng sẽ được đối xử công bằng". Bốn công ty công nghệ Trung Quốc còn lại không trả lời hãng tin Mỹ.
Thụy My
*******************
Bị Mỹ tấn công, Hoa Vi kêu gọi Bruxelles phản ứng (RFI, 22/05/2019)
Than phiền là "nạn nhân" trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, tập đoàn viễn thông Hoa Vi của Trung Quốc kêu gọi Châu Âu phản ứng lại những đòn tấn công của Washington.
Trụ sở chi nhánh Hoa Vi (Huawei) tại Reading, Anh Quốc. Ảnh chụp ngày 02/05/2019 Reuters/Toby Melville
Sau khi Hoa Vi bị xếp vào danh sách công ty "đe dọa an ninh Hoa Kỳ", đại diện của tập đoàn viễn thông Trung Quốc tại Châu Âu kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu không nên thụ động.
Tiếp xúc với báo chí tại Bruxelles, Abraham Liu, đại diện của Hoa Vi bên cạnh các định chế Châu Âu, lên án chính phủ Mỹ tấn công vào quyền tự do kinh doanh, rằng "hôm nay là Hoa Vi, ngày mai sẽ đến công ty nào ?" trước khi khuyến cáo Châu Âu "không nên nhắm mắt làm ngơ"trước thái độ "nguy hiểm" của Hoa Kỳ.
Song song với lời kêu gọi này, đại diện của Hoa Vi cũng tìm cách trấn an Châu Âu, cam kết sẽ nỗ lực hơn nữa để đánh tan những mối lo ngại Hoa Vi làm gián điệp cho chế độ Bắc Kinh.
"Do tầm quan trọng của mạng viễn thông thế hệ 5, Hoa Vi sẵn sàng ký kết hiệp ước không làm gián điệp với bất cứ chính phủ và khách hàng nào ở tất cả các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu", ông Abraham Liu khẳng định.
Trong khuôn khổ chiến tranh thương mại và công nghệ cao với Trung Quốc, tổng thống Mỹ quyết định cấm bán một số công nghệ cho Hoa Vi vì công ty viễn thông Trung Quốc bị xem có khả năng đe dọa an ninh Hoa Kỳ.
Theo truyền thông Mỹ, sau Hoa Vi, nhiều công ty khác của Trung Quốc sắp bị trừng phạt, trong đó có hãng Hikvision chế tạo camera nhận diện.
Trong khi đó tại Washington, đại sứ Trung Quốc Thôi Thiên Khải cho biết Bắc Kinh sẵn sàng mở lại đàm phán với Mỹ. Trả lời câu hỏi của đài Fox News, hôm thứ Ba : Vì sao Trung Quốc đột ngột thay đổi thái độ phủ nhận thỏa hiệp đạt được ?
Đại sứ Trung Quốc đưa ra lời giải thích khác hoàn toàn trái ngược với lập luận của chính quyền Donald Trump rằng chính các nhà thương thuyết Mỹ đã bất ngờ thay đổi ý kiến, hủy bỏ những cam kết đạt được ở các vòng đàm phán trước.
Tú Anh
******************
Mỹ đưa Huawei vào danh sách đen (RFA, 16/05/2019)
Bộ Thương mại Mỹ hôm 15/5 ra thông báo cho biết quyết định đưa công ty Huawei và các chi nhánh của tập đoàn Trung Quốc này vào danh sách đen các công ty mà việc mua bán chuyển giao công nghệ từ phía Mỹ phải được Bộ này cấp phép đặc biệt.
Logo của tập đoàn Huawei tại một hội chợ ở Paris, Pháp hôm 16/5/2019 AFP
Bộ Thương mại Mỹ cho biết quyết định này được đưa ra dựa vào các thông tin mà chính phủ Mỹ có được cho thấy Huawei đã tham gia vào các hoạt động đi ngược lại an ninh và lợi ích trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Thông báo cũng cho biết Huawei đã vi phạm Đạo luật về Quyền hạn Kinh tế trong tình trạng khẩn cấp Quốc tế (IEEPA) của Mỹ vì đã cung cấp các dịch vụ tài chính bị cấm cho Iran, ngăn cản công lý trong các điều tra liên quan đến những vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ.
Tờ New York Times hôm 16/5 nhận định với quyết định mới này, Huawei sẽ gặp nhiều khó khăn vì một loạt các thiết bị bao gồm cả các con chip dùng trong các điện thoại di động của Huawei đều được mua từ công ty của Mỹ như Qualcomm, Intel, và Broadcom. Phần mềm android của Google cũng được Huawei sử dụng.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết bất cứ việc mua bán, chuyển giao công nghệ nào của các công ty Mỹ cho các công ty trong danh sách đen bị coi là làm nguy hại đến an ninh và chính sách đối ngoại của Mỹ đều sẽ bị từ chối.
Theo nhận định của New York Times, nếu Huawei không thể mua các sản phẩm của Mỹ, thì hàng triệu người trên thế giới đang dùng điện thoại di động của Huawei sẽ bị ảnh hưởng.
Động thái mới từ chính quyền Mỹ diễn ra vào khi chính phủ Mỹ đang vận động các nước khác không sử dụng thiết bị của Huawei trong các mạng di động 5G.
Chính phủ Australia hồi năm ngoái cũng đã ra quyết định cấm Huawei được cung cấp thiết bị xây dựng mạng 5G tại nước này