Châu Âu : Con thuyền sắp đắm hay đang chuyển động ?
Những thách thức, những lo ngại trong mùa bầu cử Nghị Viện Châu Âu, Châu lục có đời sống "hạnh phúc nhất thế giới" ; chiến lược của Mỹ đối phó với Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Iran, Cuba là những chủ đề chính trên các tạp chí cuối tuần.
Ảnh minh họa : Người dân Áo tuần hành vì "Một Châu Âu cho mọi người", ngày 19/05/2019. Reuters/Lisi Niesner
Trên trang bìa, bên cạnh bức hí họa bốn nhà lãnh đạo Pháp, Đức, Ý, Hungary và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, L’Express đặt câu hỏi : Liệu còn cơ may tránh cho Châu Âu lâm vào cảnh chìm tàu ? Trong khi đó, L’Obs nêu lên "10 vấn đề tiêu cực" của Liên Hiệp Châu Âu, nhưng trên thực tế là bị hiểu lầm.
Theo L’Express, Châu Âu chỉ có tương lai nếu khắc phục được bốn thách thức, gồm khủng hoảng dân chủ, bảo vệ môi trường, quyền tự do đi lại và khả năng cạnh tranh kinh tế. Thường xuyên, những cản lực nằm trong tương quan luật quốc gia-luật Liên Hiệp, nhất là khi Châu Âu muốn nhưng một thành viên không làm. Cụ thể về môi trường và năng lượng tái tạo : Ba Lan vẫn sử dụng than đá còn Pháp vẫn chưa dứt khoát bỏ hạt nhân.
Trên thương trường, trong thế kẹt giữa "Nước Mỹ trước hết" và "Made in China 2025", giới doanh nghiệp Châu Âu tìm thế độc lập. Tuy vẫn đứng đầu trong các lãnh vực xe hơi, hàng không, nông phẩm, thời trang nhưng Châu Âu chậm chân trong các ngành kỹ thuật số, thông minh nhân tạo. Thế mà, Ủy Ban Châu Âu lấy một quyết định mà theo giới chuyên gia là "sai lầm lịch sử" khi cấm hai tập đoàn Alstom (Pháp) và Siemens (Đức) nhập một.
Cùng nhận định này, tuần báo thiên tả L’Obs trình bày một cách tích cực và mô phạm qua hai bài "5 lý do phải đi bầu" và "10 chuyện bị hiểu lầm". Đi bầu để ngăn chận phe dân túy, để đối đầu với các siêu cường, để chủ động trong trào lưu bảo vệ môi trường, để có chỗ đứng trong công nghệ số và để đương đầu với những cuộc chiến trong tương lai.
Để thuyết phục công luận, L’Obs liệt kê 10 "tội" của Ủy Ban Châu Âu thường nghe phe mị dân cáo buộc : nào là Ủy Ban Châu Âu độc tài, Châu Âu đe dọa bản sắc dân tộc, Châu Âu bị Đức thao túng… Bằng lối phân tích mô phạm, tuần báo thiên tả chỉ ra đâu là sự thật và đâu là giả trá.
Xin đơn cử hai thí dụ : Bruxelles bị lên án thi hành chính sách kinh tế cực tự do nhưng thực tế chính Ủy Ban Châu Âu, nhân danh chống độc quyền thương mại, đã trừng phạt Google một cách nặng nề. Thứ hai, Châu Âu có "tiêu diệt" bản sắc dân tộc như những chủ trương Brexit hay Frexit hay không ? L’Obs chất vấn những ngòi bút, những chính trị gia dân túy ước mơ trở lại thời "đại đế Nã Phá Luân" bằng cách nào, một mình nước Pháp có thể chống lại Tập Cận Bình trong các cuộc đàm phán thương mại ? Nước Pháp xây dựng tương lai một mình với 67 triệu dân hay cùng 500 triệu công dân Châu Âu cùng tiến bước ?
"Thời Châu Âu thống trị thế giới"
Le Point bi thảm hóa tình hình nhưng kèm theo tiểu tựa hy vọng : Vì sao Châu Âu chưa nói tiếng cuối cùng ?
Trái với tựa đượm vẻ bi quan, 8 trang hồ sơ của Le Point chứng minh lịch sử là một vòng luân hồi, không một ai hưng thịnh đời đời hay suy yếu vĩnh viễn : Trong 2000 năm qua, lần lượt Ấn Độ ở thế kỷ thứ nhất tới thứ 10, rồi Trung Hoa vươn lên đến thế kỷ 17 và sau đó mới đến Châu Âu thống trị cho đến hậu bán thế kỷ 20 thì phần còn lại của thế giới bật lên với những tiểu long và tiểu hổ.
Khi Liên Xô sụp đổ, lẽ ra Châu Âu được mở đường phục hồi thế lực, nhưng vì thiếu một chương trình hành động đáp ứng với trào lưu mới trong một thế giới đa cực, tư bản không biên giới, châu lục nhỏ bé này lại bị chia rẽ trước các "đế chế mới". Theo Le Point, Châu Âu đang đứng trước khúc quanh lịch sử, còn từ 5 đến 10 năm nữa để cải cách cho phù hợp với tình hình thế kỷ 21, nếu không sẽ bị tan rã.
Nhưng cải cách theo hướng nào ? Le Point đặt câu hỏi. Pascal Lamy, cựu tổng giám đốc Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) hiến kế : Khi chúng ta sụt kílô thì phải tập cho nở bắp thịt. Cụ thể, Châu Âu phải tăng cường sức mạnh quân sự, phải sử dụng đồng euro như Mỹ sử dụng đôla làm vũ khí chính trị, phải sử dụng viện trợ như vũ khí trói buộc đối tác "bánh ích đi, bánh qui lại". Theo ông Pascal Lamy, Washington và Bắc Kinh sử dụng viện trợ một cách thâm hiểm trong khi Châu Âu không biết đòi hỏi nhiều.
Trên thế giới có nơi nào hơn Châu Âu ?
Khác với các đồng nghiệp, tuần báo Courrier International, tuyển chọn các nhân chứng và bài bình luận quốc tế khẳng định : Châu Âu chuyển động, trên thế giới có nơi nào hơn Châu Âu ?
Nơi nào hơn Châu Âu ? Bài xã luận mở đầu với tuyên bố của thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel : "Ông nội, ông ngoại của tôi, một người là Nga, theo Chính Thống giáo, người kia là Do Thái quốc tịch Ba Lan, cha mẹ tôi theo Công giáo, "chồng" của tôi là người Bỉ, tôi là người Luxembourg, đồng tính có máu Do Thái… Nếu không có Liên Hiệp Châu Âu và (sức mạnh) bảo đảm hòa bình thì có lẽ một người như tôi khó sống".
Courrier International nhắn nhủ độc giả : Vì cứ bị đập vào mắt hình ảnh rạn nứt của Châu Âu mà người ta mải mê công kích châu lục này mà quên đi cốt lõi, không nhớ một lời tuyên bố của cựu tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 06/04/2019 : "Châu Âu 2019 đã đạt đến đỉnh cao nhất của hạnh phúc nhân loại. Nhìn chung, người dân ở Châu Âu hưởng được cuộc sống cao nhất trong lịch sử nhân loại. Người dân có trong tầm tay lượng thông tin không đâu có, người ta qua lại biên giới một cách tự do".
Thế mà, Châu Âu đó của chúng ta, theo Courrier International, bị những kẻ theo chủ nghĩa cực đoan công kích hàng ngày. Barack Obama không khen bừa, ông chỉ đúng vào những ưu điểm của Châu Âu : từ y tế đến giáo dục và tự do đi lại. Tuy nền dân chủ bị thách thức nhưng Châu Âu đề kháng. Thế giới bất bình đẳng và Châu Âu không toàn hảo. Nhưng có ai nói ở đâu hơn ?
Sóng gió trong chính trường Áo
Kết thúc phần thời sự Châu Âu với cuộc động đất chính trị tại Áo. Vụ lãnh đạo đảng cực hữu trúng mỹ nhân kế, tuyên bố "bán nước" cho Nga. Báo chí Áo nói gì ?
Liên minh với cực hữu là "một sai lầm chí tử", Der Standar khẳng định trong bài tường thuật toàn bộ vụ việc phó thủ tướng Áo Heinz-Christian Strach, để lộ "bản chất không xứng đáng là một nhà lãnh đạo quốc gia". Trong cuộn băng dài 7 tiếng đồng hồ, quay lén vào tháng 07/2017, tại một khu nghỉ hè ở Tây Ban Nha, lãnh đạo đảng FPO bị một cô gái người Nga, tự xưng là cháu một tỷ phú gài bẫy.
Tai tiếng đổ bể, Heinz-Christian Strach thú nhận phùng cánh như "con gà trống" trước người phụ nữ xinh đẹp, khoe khoang ý đồ khống chế nước Áo, kiểm soát báo chí, truyền thông, thanh trừng kẻ thù trong giới phóng viên, tư nhân hóa hệ thống nước lọc và thành lập bộ máy kinh tài bí mật cho đảng. Trong tình trạng say khướt rượu Vodka, Heinz-Christian Strach còn cam kết với nhà tỷ phú Nga sẽ bán rẻ "chế độ Cộng hHòa Áo" đổi lấy trợ cấp tài chính để tranh cử Quốc hội. Der Standar đặt câu hỏi : Liệu có thể trao quyền chỉ huy quân đội, cảnh sát, tình báo cho đảng cực hữu hay không ?
Trong diễn văn loan báo giải tán Quốc hội để bầu lại, thủ tướng Sebastian Kurz, lãnh đạo phe hữu truyền thống vẫn giữ được thái độ trầm tĩnh cho dù tai tiếng chấn động chính trường. Der Standar đặt câu hỏi thứ hai : Liệu kẻ chọn cực hữu làm liên minh có còn xứng đáng là lãnh đạo quốc gia hay không ?
Mỹ-Trung : Chiến tranh lạnh về công nghệ
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung bước vào một giai đoạn mới : chiến tranh lạnh công nghệ học. Đặt Hoa Vi vào danh sách đen, tổng thống Donald Trump hy vọng đánh bại Bắc Kinh. Giới tài chính bình luận ra sao ? Mỹ và Châu Âu phải đối phó với Trung Quốc như thế nào thay vì xung đột ?
Theo quan điểm của Financial Times, tổng thống Mỹ suy tính lầm. Kế hoạch này bắt nguồn từ quan điểm đã bắt rễ trong giới an ninh Hoa Kỳ : Trung Quốc của Tập Cận Bình, trong bản chất, đã có gian ý và sắp vượt qua nước Mỹ về công nghệ tối tân. Chiến lược của Mỹ là ngăn chặn tiến độ phát huy sức mạnh Trung Quốc như đã thành công trong cuộc đọ sức với Liên Xô thời chiến tranh lạnh. Tấn công vào Hoa Vi là "đánh vào tử huyệt" của Trung Quốc.
Nhưng theo Financial Times, đòn tấn công này có thể gây ra hệ quả bất lợi, thúc đẩy Bắc Kinh khắc phục nhược điểm phụ thuộc nước ngoài bằng cách xây dựng một hệ thống cung cầu độc lập. Trong thập niên 1950, sau khi Moskva rút các cố vấn quân sự Nga về nước, Trung Quốc của Mao tự chế bom nguyên tử đầu tiên.
Nhưng cũng theo báo tài chính Anh, trước khi trách Donald Trump, Tập Cận Bình phải tự trách mình. Chính Trung Quốc đã gây chiến trước khi cấm nhiều công ty và trang mạng internet quốc tế nhất là Twitter, Facebook và các dịch vụ của Google như Gmail và YouTube hoạt động tại Hoa lục. Trong hai năm qua, số công ty Châu Âu bị buộc phải chuyển giao công nghệ cho đối tác Trung Quốc để được giấy phép hoạt động đã tăng gắp đôi. Tuy các sở tình báo phương Tây không đồng ý nhau về quy mô hiểm họa của Hoa Vi nhưng tất cả đều nhìn nhận Trung Quốc là nơi phát xuất tin tặc xâm nhập các trang web an ninh quốc phòng và các công ty kỹ nghệ chiến lược của phương Tây.
Nếu Trung Quốc muốn gây được niềm tin thì phải dứt khoát chấm dứt chính sách ngăn cấm thị trường và sử dụng tin tặc. Về phần Mỹ và Châu Âu, thay vì ngăn cản Trung Quốc phát triển, nên khuyến khích Bắc Kinh gia nhập một hệ thống thương mại có luật lệ rõ ràng và bản thân phương Tây cũng phải tỏ ra gương mẫu. Hoa Kỳ có quyền tự vệ nhưng đừng vì thế mà dựng lên hàng rào bảo hộ gây bất ổn định.
Kim Jong-un chọn vũ trang thay vì phát triển kinh tế
Trang quốc tế của L’Express tuần này dành cho Bắc Triều Tiên. Đặc phái viên Clément Daniel cho biết vì sao Kim Jong-un chọn con đường vũ trang thay vì phát triển kinh tế, trong nỗi thất vọng của người dân Nam Hàn.
Điểm cốt lõi trong bài tóa phi hạt nhân hóa là làm sao "hai bên Mỹ-Triều" có thể tin nhau. Như trình bày của Yoo Chang-geun, phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư vào Bắc Hàn với nhà báo Pháp, ông rất lạc quan và hy vọng khi thấy tổng thống Moon Jae-in và chủ tịch Kim Jong-un gặp nhau lần đầu vào tháng 04/2018. Sau đó có hai cuộc gặp Mỹ-Triều ở Singapore và Việt Nam.
Nhưng chuyện gì xảy ra tại Hà Nội ? Kim Jong-un sẵn sàng phá hủy toàn bộ trung tâm hạt nhân Yongbyon để đánh đổi lại, mở cửa khu công nghệ Kaesong và ngành du lịch Bắc Triều Tiên. Kim rất kỳ vọng vào sự trợ giúp của Moon. Nhưng tại Hà Nội, chủ tịch Bắc Hàn bị một gáo nước lạnh. Câu trả lời của Donald Trump là "chưa đủ", do bị áp lực của Hạ Viện Mỹ.
Nhà phân tích Cheong Seong-chang cũng ngạc nhiên vì không ngờ Kim Jong-un không thủ một lá bài nào khác. Giới phân tích Nam Hàn cho rằng "phá hủy căn cứ Yongbyon" là một nhượng bộ quá nhỏ vì chỉ chiếm có một phần tư số căn cứ hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Phía Hoa Kỳ muốn Bình Nhưỡng phải cung cấp danh sách toàn bộ khả năng hạt nhân. Không bao giờ Bắc Triều Tiên chấp nhận yêu sách này và hơn thế nữa Bình Nhưỡng sợ Washington đòi hỏi thêm và cuối cùng sẽ tấn công như đã đánh Iraq.
Thất bại, Kim Jong-un cách chức tướng Kim Yong-chol. Chiến lược gia số một của Bắc Triều Tiên không dự trù được phản ứng của tổng thống Mỹ, cũng không chuẩn bị cho lãnh đạo Bắc Triều Tiên phương án B. Thời gian không còn thuận lợi cho Kim Jong-un. Cuộc gặp với Putin không giúp cho Bắc Triều Tiên nhẹ bớt áp lực trừng phạt quốc tế. Mỹ còn gia tăng sức ép, tịch thu một tàu Bắc Triều Tiên chở than đá xuất khẩu và mua máy móc.
Tại Hoa Kỳ, mùa bầu cử đã đến, Donald Trump sẽ rất bận rộn từ nay đến 2020. Trong tình thế này, hai bên cố duy trì quan hệ "tin cậy". Cho dù vẫn lên án Mỹ-Hàn tập trận nhưng Kim không đụng tới tổng thống Donald Trump. Về phần chủ nhân Nhà Trắng, sau hai loạt thử tên lửa của Bắc Triều Tiên, Donald Trump không quan trọng hóa vấn đề, gọi đây là loại hỏa tiễn tầm ngắn. Đặc phái viên L’Express so sánh : Nếu là Iran, liệu thông điệp của ông Trump có nhẹ nhàng như thế hay không ?
Theo chuyên gia Hàn Quốc, trích dẫn bên trên, chỉ có Nam Hàn là có thể giúp Mỹ và Bắc Triều Tiên "thông hiểu" nhau. Tháng 06/2019, sẽ có cuộc hội kiến Trump-Moon tại Seoul. Nhưng liệu Kim Jong-un có thực tâm đối thoại hay không ? Kim Jong-il trước đây chỉ có một mục tiêu duy nhất : Củng cố quyền lực bằng mọi giá, nới lỏng kinh tế dù một chút thôi sẽ là suy yếu chế độ. Kim Jong-un giờ đây đứng trước ngã ba đường : Chọn quả bom để đất nước nghèo đói hay bỏ quả bom để phát triển đất nước ?
Trong văn phòng ở Keasong, doanh nhân Hàn Quốc Yoo Chang-geun bi quan : Kim dường như chọn giải pháp thứ nhất.
Tại sao Cuba hứng thêm cấm vận từ Mỹ ?
Trung Quốc và Bắc Triều Tiên bị Washington trừng phạt còn có thể hiểu được. Còn Cuba, quốc đảo nghèo tả tơi vì chế độ độc tài hơn nửa thế kỷ, Donald Trump cấm vận thêm để làm gì ? Courrier International giới thiệu quan điểm của một nhật báo Colombia.
El Espectador lý giải : Chính sách hòa giải của Barack Obama đã qua rồi. Một lần nữa, Cuba bị đặt trong tầm nhắm của Washington bởi mối quan hệ mật thiết với Venezuela của Maduro, bị xem là mối đe dọa an ninh nước Mỹ. Cô lập điểm tựa ý thức hệ và trung tâm quyết định chiến lược của chế độ Maduro, tức chế độ La Havana, Washington nghĩ rằng có thể nhanh chóng làm thay đổi chính trị ở Venezuela.
Chưa rõ Mỹ sẽ áp dụng đạo luật Hems-Burton - khoản 3 - như thế nào nhưng có nhiều khả năng các công ty Châu Âu làm ăn với Cuba bị vạ lây và La Havana sẽ gặp khó khăn tìm nguồn ngoại tệ để nhập khẩu.
Tú Anh