Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

05/06/2019

Điểm báo Pháp - Hoang tàn ngành dầu mỏ Venezuela

RFI tiếng Việt

Hoang tàn ngành dầu mỏ Venezuela

Tình hình chính trị ở Venezuela không còn nóng như trước đây một tháng nhưng đất nước vẫn chìm trong khủng hoảng toàn diện.

vene1

Ảnh chụp một nhà máy lọc dầu ở Maracaibo, Venezuela, ngày 02/05/2018. AFP/Federico Parra

Báo Le Figaro (05/06/2019) đến với quốc gia Nam Mỹ, nơi có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới nhưng giờ rơi vào khánh kiệt, qua bài : "Tại Venezueala, chế độ theo Chavez đã phá tan hoang ngành công nghiệp dầu mỏ như thế nào".

Tác giả bài báo đưa độc giả về Punto Fijo, nơi từng được coi là thủ phủ công nghiệp dầu lửa của Venezuela, nay là thành phố ma. Ngay cửa ngõ vào thành phố, hàng chục tòa nhà thương mại và công nghiệp đa phần còn mới nhưng trống không. Ở trung tâm thành phố, đa số các cửa hàng đóng cửa, không có điện.

Le Figaro mô tả : "Nhìn từ xa, khu trung tâm lọc dầu Amuay giờ chỉ là bộ khung sắt đen xì mà đa phần các nhà máy ngừng hoạt động. Ban đêm, cảnh tượng càng hoang tàn, không một ngọn đèn trên các phố. Ngay cả trong bệnh viện, không một ánh sáng nào xuất hiệt trên các tầng nhà".

Nhà máy lọc dầu Amuay từng là một trong những trung tâm lớn nhất thế giới. Từ chục năm nay khu lọc dầu này không được bảo dưỡng.

Le Figaro nhắc lại, trong những năm 1990, Amuay là đầu mối giao thông nhộn nhịp hoạt động 24/24 giờ. Giờ đây, trung tâm này chỉ hoạt động 10% công suất. Phần lớn số xăng dầu ít ỏi ra khỏi trung tâm lọc dầu này chỉ để cung cấp cho buôn lậu.

Không chỉ ở Punto Fijo. Sang bên phía đông của hồ Maracaibo, cảnh tượng tan hoang của ngành dầu lửa còn rõ nét hơn. Hàng chục giếng dầu đều trong tình trạng ngừng hoạt động. Đâu đâu cũng là cảnh hoang tàn, đổ nát.

Một cựu quản lý của công ty hóa dầu kể lại : "Khi thấy các quản lý công ty không theo chỉ thị của mình, năm 2003, Hugo Chavez đã cho sa thải một lúc 20 nghìn nhân viên thay vào đó những người của mình. Ông ta sau đó còn dùng tiền lãi từ khai thác dầu phục vụ cho các "nhiệm vụ" trong chương trình xã hội dành cho các khu phố gặp khó khăn. Nguồn tiền được chính tập đoàn Nhà nước PDVSA cung cấp trực tiếp".

Theo nhà kinh tế học Gustavo Machado, thuộc Đại học Zulia, được Le Figaro trích dẫn : "Hugo Chavez đã biến tập đoàn dầu khí quốc gia PDVSA thành nguồn tài chính phục vụ chính sách công, huy động toàn bộ nguồn lợi dầu mỏ dành cho trợ cấp xã hội và như vậy đã làm mất đi năng lực đầu tư. Hoạt động khai thác dầu luôn cần đầu tư liên tục, một công ty không đầu tư sẽ chết".

Sản xuất dầu lửa từ 3,5 triệu thùng mỗi ngày trong năm 2000 giời chỉ còn từ 500.000 đến 700.000 thùng. Công suất lọc dầu cũng giảm xuống còn 1/10. Vì thế dẫn đến đất nước giờ đây không những không đủ dầu xuất khẩu mà còn không đủ để đáp ứng như cầu trong nước để chạy xe cho đến phát điện.

Tóm lại chế độ Chavez bao năm có con gà đẻ trứng vàng nuôi dưỡng chế độ, nhưng lại không biết chăm sóc con gà mà chỉ chú trọng thu trứng. Dẫn đến ngày hôm nay cũng là một hệ quả tất yếu.

30 năm sau Thiên An Môn : Giới trẻ Trung Quốc đã nghĩ khác

Kỷ niệm 30 năm vụ đàn áp Thiên An Môn đã được các báo Pháp đề cập đến rất nhiều trong vài ngày qua. Nhật báo Le Figaro hôm nay khép lại sự kiện này bằng một bài viết dưới góc độ khác : Sự chuyển biến trong suy nghĩ của giới trẻ Trung Quốc 30 năm sau Thiên An Môn.

Với hàng tựa : "Tại Trung Quốc, thanh niên dỗi nước Mỹ", Le Figaro ghi nhận nếu như cách đây 30 năm, phong trào đấu tranh đòi tự do dân chủ của sinh viên Trung Quốc lấy cảm hứng từ nước Mỹ. Tuy nhiên, theo bầu không khí đã thay đổi sau nhiều năm Trung Quốc mở cửa phát triển kinh tế thành công. Nhà nghiên cứu Trung Quốc, Jean-Pierre Cabestan, thuộc Đại học Hồng Kông, được Le Figaro trích dẫn, nhận định : "Thanh niên Trung Quốc đã bớt bị mô hình Mỹ mê hoặc từ nhiều năm nay, có thể là từ chục năm nay". Khác với các sinh viên của năm 1989, thế hệ mới không có gì đặc thù về mặt lý tưởng. Họ chỉ mê làm giàu và phần lớn tránh xa chính trị.

Tờ báo trích dẫn ý kiến của một thanh niên Trung Quốc tên là Andy, 30 tuổi, quản lý trong một công ty video trên mạng tại Bắc Kinh nói : "Lâu nay tôi vẫn ngưỡng mộ mô hình Mỹ, nhưng bây giờ thì không". Thanh niên này lý giải "Trung Quốc đang trở thành một đất nước hoàn thiện, của cải vật chất được tạo ra ở đây ngày càng nhiều và chúng tôi hiện đang dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực… vì thế đất nước phải theo con đường riêng của mình".

Tuy nhiên, Le Figaro nhắc lại, Mỹ vẫn là điểm du học được giới trẻ Trung Quốc lựa chọn. Hiện có khoảng 360 nghìn sinh viên Trung Quốc theo học tại Hoa Kỳ. Một nữ sinh du học tại Mỹ, về nghỉ hè tại Bắc Kinh, nói với Le Figaro rằng nền dân chủ của Chú Sam với cô không phải là tấm gương. Cô cho biết suy nghĩ của mình : "Người ta không thể tranh luận về một số vấn đề. Nhưng dân số Trung Quốc đông quá, đến mức mỗi người nói điều mình muốn thì chỉ dẫn đến hỗn loạn".

Le Figaro nhận xét, thực tế thì người Trung Quốc thường có mối quan hệ không rõ ràng với thế giới bên ngoài, như phân tích của chuyên gia Cabestan : "Dù giới trẻ có phản xạ dân tộc chủ nghĩa mỗi khi Trung Quốc bị chỉ trích hay gặp thách thức, thì tinh thần dân tộc đó cũng không tác động nhiều đến đời sống thường nhật của họ. Họ vẫn bị ảnh hưởng của cách sống và văn hóa bình dân ở Mỹ hay Phương Tây".

Hãy xem những căng thẳng Trung-Mỹ liệu có khiến giới trẻ Trung Quốc thu mình hơn nữa về trong nước, Le Figaro đặt câu hỏi.

Pháp : Chưa thật giàu, cũng không phải là nghèo

Chuyển qua nhật báo Libération với một chủ đề đang rất được quan tâm ở Pháp : Sự phân hóa giàu nghèo. Trang nhất của Libération chạy tựa lớn : "Bất bình đẳng ở Pháp : Ai là người giàu ?".

Trong một báo cáo công bố hôm thứ Ba (04/06) của Cơ quan Quan sát xã hội (Observatoire), cho thấy tình trạng bất bình đẳng giàu - nghèo tại Pháp rất lớn, mặc dù số người giàu ở Pháp chỉ là số rất nhỏ.

Libération dẫn ra các số liệu : Năm 2017, ông chủ của tập đoàn Dassault Système, Bernard Charlès thu nhập một năm 24,6 triệu euro. Ông Carlos Ghosn, nguyên lãnh đạo hãng xe Renault-Nissan, 13 triệu… Những con số thu nhập trên nếu đem ra so sánh sẽ tương đương từ 600 đến 1.400 năm lương tối thiểu. Một công chức được trả lương 5.000 euro/tháng sẽ phải làm việc 410 năm để có được khoản thu nhập một năm của ông chủ tập đoàn Dassault như nêu trên.

Điều mà cơ quan Quan sát nhận định đó là các yếu tố như tài năng, đầu tư chất xám cá nhân hay mức độ trách nhiệm, hay cạnh tranh quốc tế đều không thể biện minh cho những khoản thu nhập khổng lồ như đã nêu.

Đó là các tỷ phú, các ông chủ lớn. Còn mặt bằng chung ở Pháp, đạt mức thu nhập nào được coi là giầu ?

Sử dụng các chỉ số thu nhập, tài sản, cách sinh hoạt và giáo dục, bản báo cáo ước tính có 10% dân Pháp thuộc diện giàu. Với Cơ quan Quan sát, "có thể coi là giầu khi có thu nhập gấp đôi mức trung gian. Tức là 7.995 euro cho một cặp vợ chồng có 2 con, 7.185 euro cho cặp vợ chồng một con, 6.072 euro cho cặp vợ chồng không con và 3.125 euro cho một người độc thân".

Tuy nhiên, nhìn tổng quát, báo cáo nói trên nhận thấy Pháp vẫn là một trong những nước có ít người nghèo : chỉ có 13% dân số sống dưới ngưỡng nghèo, trong khi con số này ở Tây Ban Nha là 22,3%, 20% ở Ý, 16,5% ở Đức, 15,9% ở Anh.

Báo cáo cũng chỉ rõ, bất bình đẳng thu nhập kéo theo các bất bình đẳng khác trong xã hội, từ cách sống, giáo dục, cách tiếp cận thông tin…

Vẫn là chủ đề giàu nghèo, nhưng trên phạm vi các quốc gia. Tờ báo kinh tế Les Echos ghi nhận : "Số nước nghèo trên thế giới đã giảm một nửa trong 20 năm". Tờ báo dẫn nguồn từ một báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho biết : từ số 60 hồi đầu thập niên 2000, giờ chỉ còn 34 quốc gia nghèo. Ngưỡng thu nhập theo đầu người gọi là nghèo theo tiêu chí của bản báo cáo là dưới 755 đô la hồi thập niên 2000 và nay là 995 đô la.

Về tăng trưởng kinh tế, báo cáo của Ngân hàng Thế giới cũng dự báo mức tăng trưởng của kinh tế toàn cầu năm nay là 2,6% và 2020 là 2,7%. Các nước giầu sẽ có xu hướng tăng trưởng giảm xuống, chẳng hạn như Mỹ sẽ chỉ tăng trưởng 2,5% năm nay và sang năm tới sẽ giảm xuống còn 1,7%. Mức tăng trưởng khu vực đồng euro sẽ ở khoảng 1,4% trong năm 2020 -2021.

Pháp tăng trưởng chậm nhưng vẫn hấp dẫn nước ngoài

Trên lĩnh vực kinh tế, Le Monde loan báo một tin vui cho nước Pháp. Trong thế giới toàn cầu hóa sâu rộng như hiện nay, Pháp vẫn trụ vững hơn các nước láng giềng về sức hấp dẫn đầu tư.

Trong năm 2018, Pháp thu hút 1027 dự án đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, cao hơn cả Đức và đó cũng là con số mà Pháp chưa từng đạt được từ năm 2009 về lĩnh vực đầu tư. Những lĩnh vực có sức hấp dẫn đầu tư mạnh nhất của Pháp là nông nghiệp và chế biến nông phẩm, hóa học, xây dựng và trang thiết bị giao thông, dịch vụ xí nghiệp, kỹ thuật số.

Anh Vũ

Quay lại trang chủ
Read 586 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)