Ngoại trưởng Mỹ : Hoa Kỳ muốn ‘cân bằng sân chơi’ với Trung Quốc (VOA, 04/06/2019)
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo hôm 3/6 nói rằng Hoa Kỳ đang tìm cách "cân bằng sân chơi" với Trung Quốc sau nhiều thập niên diễn ra thương mại không công bằng.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cảnh báo châu Âu về thiết bị Trung Quốc. Ảnh minh họa
Theo Reuters, ông Pompeo đã đưa ra phát biểu trên sau khi gặp người đồng cấp Hà Lan, Ngoại trưởng Stef Blok, bên lề một hội nghị của doanh nhân hai nước tại Hà Lan.
Hai nhà ngoại giao cũng thảo luận về các mối đe dọa an ninh liên quan đến mạng viễn thông 5G mới.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump muốn đảm bảo rằng các công ty Trung Quốc và Hoa Kỳ đang kinh doanh dựa trên các điều khoản bình đẳng, Reuters dẫn lời ông Pompeo nói.
"Chúng tôi rất quan tâm đến việc các công ty phương Tây, các công ty Mỹ và các nước khác khi vào thị trường Trung Quốc không được đối xử như cách các công ty Trung Quốc được đối xử khi họ vào các thị trường phương Tây", ông Pompeo nói thêm.
"Đó không phải là thương mại mở khi một công ty có thể đến đây và đầu tư vào Hà Lan và khi một công ty Hà Lan muốn đầu tư vào đất nước họ, họ lại phải gửi thông tin của của mình cho Đảng Cộng sản Trung Quốc", ông nói.
Hoa Kỳ, nước đã đưa Huawei vào danh sách đen, không khuyến khích các đồng minh Châu Âu sử dụng công nghệ của công ty Trung Quốc, viện dẫn những quan ngại về một "cửa hậu" có thể cho phép nhà nước Trung Quốc thực hiện công việc gián điệp.
"Chúng tôi đã nói rất rõ : Yêu cầu của chúng tôi là các đồng minh, đối tác và bạn bè của chúng tôi không làm bất cứ điều gì có thể gây nguy hiểm cho lợi ích an ninh chung của chúng ta hoặc hạn chế khả năng chia sẻ thông tin nhạy cảm của chúng ta".
Ngoại trưởng Blok nói rằng trong khi Hà Lan muốn ủng hộ các chính sách với các đồng minh của họ, thì mỗi quốc gia phải tự đưa ra quyết định an ninh riêng của mình.
"Một nhóm chuyên gia đang xem xét cân nhắc về an toàn xung quanh việc đấu thầu 5G", ông cho biết. "Những thay đổi trong quá trình đấu thầu 5G có thể được công bố sớm nhất là mùa hè này", ngoại trưởng Hà Lan nói thêm.
********************
Ngoại trưởng Hunt : Anh ‘lắng nghe’ Hoa Kỳ về vụ Huawei (VOA, 04/06/2019)
Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt hôm 3/6 nói rằng Anh xem xét cẩn thận những gì Hoa Kỳ nói về các rủi ro khi sử dụng thiết bị của Huawei cho mạng 5G và không muốn phụ thuộc quá nhiều vào một nước thứ ba về một số công nghệ nhất định.
Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt (trái) bắt tay với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại London ngày 8/5/2019.
"Chúng tôi chú ý cẩn thận mọi thứ mà Hoa Kỳ nói về những vấn đề này", Reuters dẫn lại lời Ngoại trưởng Hunt nói với đài BBC. "Chúng tôi chắc chắn sẽ lắng nghe cẩn thận những gì họ nói".
Chính quyền của Tổng thống Trump, nơi đã ra lệnh trừng phạt công ty Huawei và cố ngăn chặn công ty này mua hàng hóa của Mỹ, khuyên các đồng minh không sử dụng công nghệ và thiết bị mạng 5G của Huawei vì lo ngại nó sẽ cho phép Trung Quốc theo dõi dữ liệu và thông tin liên lạc nhạy cảm.
"Chúng tôi chưa đưa ra quyết định cuối cùng, nhưng chúng tôi cũng đã nói rõ rằng chúng tôi đang xem xét cả về vấn đề kỹ thuật, tức cách thức đảm bảo không có cửa hậu để một nước thứ ba có thể sử dụng mạng 5G để theo dõi chúng tôi, cũng như các vấn đề đảm bảo chiến lược để không phụ thuộc quá nhiều vào một nước thứ ba về một công nghệ vô cùng quan trọng", ông Hunt nói.
*******************
Huawei bán công ty cáp dưới biển để tránh cáo buộc gián điệp (BBC, 04/06/2019)
Tập đoàn Huawei Technologies dự định bán mảng kinh doanh cáp viễn thông dưới biển trong nỗ lực lẩn tránh cáo buộc của Hoa Kỳ rằng hãng này đem lại rủi ro bảo mật thông tin.
Tháng 9/2018, Huawei gây sốc với việc hoàn tất tuyến cáp xuyên Đại Tây Dương dài 6.000 km nối Brazil với Cameroon
Theo Nikkei Asia Review, công ty Hengtong Optic-Electric, đặt trụ sở tại tỉnh Giang Tô của Trung Quốc, nêu trong hồ sơ niêm yết ở Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải hôm 3/6 rằng họ dự kiến mua công ty con của Huawei.
Huawei bắt đầu kinh doanh mảng này vào năm 2008 thông qua một liên doanh với Global Marine Systems đặt trụ sở tại Anh.
Liên doanh Huawei Marine Networks đã lắp đặt hơn 50.000 km cáp trong khoảng 90 dự án, chủ yếu ở Châu Á và Châu Phi. Doanh thu của công ty này đạt khoảng 240 triệu đô la năm 2017.
Hengtong Optic-Electric có kế hoạch mua toàn bộ 51% cổ phần của Huawei trong liên doanh nhưng không cho biết thêm chi tiết về thời điểm hoặc mức giá của thương vụ này.
Washington liệt Huawei vào danh sách đen, cáo buộc thiết bị viễn thông do hãng này sản xuất có cửa sau cho phép chính phủ Trung Quốc truy cập dữ liệu của người dùng.
Huawei Marine đã giành thị phần của ba doanh nghiệp dẫn đầu ngành công nghiệp cáp dưới biển - SubCom (đóng tại Mỹ), NEC (của Nhật) và Alcatel Submarine Networks (công ty con của Nokia, Phần Lan), một phân tích cho thấy.
Tháng 9/2018, Huawei gây sốc với việc hoàn tất tuyến cáp xuyên Đại Tây Dương dài 6.000 km nối Brazil với Cameroon. Dù liên doanh thuộc sở hữu của Trung Quốc còn thua kém các doanh nghiệp trong ngành về kinh nghiệm và đường truyền tầm xa, dự án này chứng tỏ họ đang lớn mạnh.
Huawei Marine hiện đang lắp đặt cáp nối Pakistan và Kenya cũng như Djibouti và Pháp, đặt mục tiêu hoàn thành hai dự án này vào mùa Xuân.