Mỹ cấm các hãng Trung Quốc ‘làm siêu máy tính’ (BBC, 22/06/2019)
Hoa Kỳ đưa thêm 5 công ty công nghệ Trung Quốc vào danh sách cấm, chỉ vài ngày trước cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Máy nhanh nhất của Trung Quốc, Sunway TaihuLight
Hôm 21/6, Bộ Thương mại Mỹ cho hay 5 đơn vị bị cấm có chuyên môn phát triển siêu máy tính.
Bộ này nói các đơn vị này gây quan ngại an ninh vì các máy tính sử dụng cho quốc phòng, hoặc có hợp tác với quân đội Trung Quốc.
Các công ty bị cấm gồm Higon, là một đối tác của công ty Mỹ AMD.
Ngoài ra là Sugon, được biết tới như chủ sở hữu của Higon.
Chengdu Haiguang Integrated Circuit và Chengdu Haiguang Microelectronics Technology cũng bị cấm, vì Higon bị Mỹ xem là có cổ phần tại đây.
THATIC, là liên doanh Trung Quốc với AMD, cũng bị đưa vào danh sách cấm.
Tổng thống Donald Trump sẽ gặp ông Tập Cận Bình bên lề một hội nghị G20 ở Nhật cuối tháng Sáu.
Những năm gần đây, Mỹ và Trung Quốc thay nhau dẫn đầu trong sản xuất máy tính nhanh nhất thế giới.
Sugon có 63 máy tính trong danh sách 500 siêu máy tính thế giới.
Lệnh cấm mới của Mỹ đồng nghĩa việc các hãng Mỹ không được bán công nghệ cho các hãng Trung Quốc mà phải xin phép chính phủ trước.
Tháng trước, Mỹ đã đưa Huawei vào danh sách này.
Tổng thống Donald Trump đã áp thuế 25% lên hàng nhập khẩu Trung Quốc trị giá 250 tỉ đôla.
Đàm phán tháng trước đã đổ vỡ.
Bên cạnh đó, trong cử chỉ hòa hoãn, phó tổng thống Mỹ Mike Pence đã hoãn một diễn văn lẽ ra sẽ đọc thứ Hai tuần sau, mà trong đó ông chỉ trích Trung Quốc.
**************
Mỹ cấm các thực thể Trung Quốc mua linh kiện Mỹ cho siêu máy tính (VOA, 22/06/2019)
Bộ Thương mại Mỹ ngày thứ Sáu cho biết họ đang đưa một số công ty Trung Quốc và một viện thuộc sở hữu của chính phủ nghiên cứu chế tạo siêu máy tính với các ứng dụng quân sự vào "danh sách thực thể" đề ra nguy cơ an ninh quốc gia, cấm họ mua các bộ phận và linh kiện của Mỹ mà không có sự chấp thuận của chính phủ.
Sau Huawei, danh sách đen của Mỹ tiếp tục gọi tên 5 tổ chức của Trung Quốc
Thông báo đưa các công ty này vào danh sách đen thương mại là nỗ lực mới nhất của chính quyền Trump nhằm hạn chế khả năng của các công ty Trung Quốc tiếp cận công nghệ của Mỹ trong bối cảnh chiến tranh thương mại đang diễn tiến.
Bộ cho biết họ đã bổ sung Sugon, Viện Công nghệ Điện toán Vô Tích Giang Nam, Higon, Mạch Tích hợp Hải Quang Thành Đô và Công nghệ Vi điện tử Hải Quang Thành Đô - cùng với nhiều bí danh của năm thực thể này - vào danh sách vì lo ngại về các ứng dụng quân sự của những siêu máy tính mà họ đang phát triển.
Viện Công nghệ Điện toán Vô Tích Giang Nam thuộc sở hữu của Viện Nghiên cứu Thứ 56 của Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, Bộ Thương mại cho biết. Bộ nói thêm "sứ mệnh chính của viện là hỗ trợ hiện đại hóa quân đội Trung Quốc".
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận, theo Reuters.
Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc, một đài nhà nước, nói trong một bài xã luận hôm thứ Bảy rằng đây là một trong một loạt các hành động gần đây của Mỹ vi phạm đồng thuận của Tổng thống Donald Trump và người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình tại Argentina vào tháng 12 năm ngoái.
"Cho dù việc này nhắm mục tiêu trấn áp công nghệ Trung Quốc hay sự phát triển kinh tế lâu dài hay gây áp lực lên Trung Quốc trong các cuộc đàm phán thương mại, Hoa Kỳ sẽ không đạt được mục tiêu của mình", bài xã luận nói.
Năm 2015, Bộ Thương mại đưa Đại học Công nghệ Quốc phòng (NUDT) của Trung Quốc vào danh sách đen "vì sử dụng CPU đa lõi, bo mạch và bộ (đồng) xử lí có nguồn gốc từ Mỹ để vận hành các siêu máy tính được cho là hỗ trợ các hoạt động mô phỏng nổ hạt nhân và mô phỏng quân sự".
Bộ Thương mại ngày thứ Sáu nói rằng kể từ năm 2015, NUDT đã mua sắm các mặt hàng dưới cái tên Hunan Guofang Kei University sử dụng thêm bốn địa chỉ riêng biệt chưa có trong danh sách thực thể. Bộ nói ngày thứ Sáu họ thêm tên của Hunan Guofang và bốn địa chỉ này vào danh sách đen.
Các công ty này "có nguy cơ đáng kể là đang tham gia hoặc sẽ tham gia vào các hoạt động mâu thuẫn với an ninh quốc gia và lợi ích chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ", Bộ Thương mại nói.
Vào tháng 5, chính quyền Trump đã đưa công ty Huawei Technologies Co Ltd của Trung Quốc vào danh sách thực thể và 68 chi nhánh tại hơn hai chục quốc gia. Tổng thống Donald Trump đã nói rằng Mỹ có thể giải quyết các khiếu nại về Huawei như một phần của thỏa thuận thương mại.
Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tăng thuế quan trong cuộc chiến vì điều mà các quan chức Mỹ nói là các tập tục thương mại không công bằng của Trung Quốc.