Sự kiện Vịnh Bắc Bộ 1964 có giống căng thẳng quanh Iran hôm nay ? (BBC, 21/06/2019)
Căng thẳng Vịnh Oman giữa Hoa Kỳ và Iran hôm nay gợi lại sự kiện Vịnh Bắc Bộ 1964 đưa Hoa Kỳ tham chiến ở Việt Nam, theo một số báo quốc tế.
Phi cơ trên tàu USS Constellation chuẩn bị cất cánh trong tháng 8/1964, trong các hoạt động liên quan đến vụ Vịnh Bắc Bộ
Tin hôm 21/06/2019 giờ Châu Âu cho hay Tổng thống Donald Trump đã chuẩn thuận một cuộc oanh kích Iran nhưng chỉ "rút lại vào phút chót".
Ông Trump trước đó đã nhắn trên Twitter rằng "Iran phạm sai lầm nghiêm trọng" sau khi có tin thiết bị bay (drone) US Global Hawk của Mỹ bị bắn rơi trên Eo biển Hormuz.
Iran nói chiếc drone bay vào không phận của họ, còn Hoa Kỳ cho rằng nó bay ở không phận quốc tế.
Nhưng từ những tuần qua, với căng thẳng Washington - Tehran lên cao, không ít bình luận đã nhắc lại vụ Vịnh Bắc Bộ (Gulf of Tonkin incident).
Theo Callum Hoare viết hôm 14/06 trên một báo Anh, Hoa Kỳ đã "nhanh chóng bắt lỗi Iran" trong vụ hai chiếc tàu dầu, một Nhật Bản, một của Na Uy "bị phục kích trong Vịnh Oman".
Ngoại trưởng Mike Pompeo nói ngay rằng "Iran tấn công khi không bị ai khiêu khích", và Hoa Kỳ sau đó công bố một đoạn video rất mờ, cho là Iran "lấy ra từ thân chiếc tàu chở dầu một trái thủy lôi".
Từ ngữ của ông Pompeo, theo Callum Hoare, lặp lại lời lãnh đạo Mỹ vào tháng 8/1964, đổ cho Bắc Việt Nam "gây hấn khi không bị ai khiêu khích" ở "vùng biển quốc tế".
Sự kiện này đưa chính quyền Johnson dấn sâu vào Cuộc chiến Việt Nam.
Nhưng sau này, chính Hoa Kỳ thừa nhận vụ tấn công của Hải quân Bắc Việt vào tàu USS Maddox "chỉ là lỗi tín hiệu trên radar".
"Sau khi Tổng thống Lyndon Johnson trao đổi ngắn với một nhúm các lãnh đạo Quốc hội, ông đã dùng quyền tổng thống để ra lệnh ngay lập tức có cuộc tấn công trả đũa, phá hỏng một doanh trại của quân Bắc Việt, và bắn chìm một số thuyền tuần tra của Bắc Việt, theo James Warren viết trên một báo Mỹ.
Tổng thống Lyndon Johnson ký Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ cho phép Hoa Kỳ tăng quân vào Nam Việt Nam
Quốc hội Mỹ sau đó đã thông qua 'Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ' ủy quyền cho tổng thống "dùng mọi biện pháp cần thiết để trả đũa và gìn giữ hòa bình ở Đông Nam Á".
Cây bút James Warren hỏi :
"Lyndon Johnson đã lừa Quốc hội và nhân dân Mỹ về vụ Vịnh Bắc Bộ năm 1964 để tăng cường can thiệp vào Việt Nam, nay đây có phải là 'bài tủ mới' của Trump ?"
Bóng ma trên Vịnh Bắc Bộ
Còn được gọi là sự cố tàu USS Maddox, vụ việc thực ra có hai phần riêng lẻ, hai cuộc đối đầu giữa Bắc Việt và Hoa Kỳ ở Vịnh Bắc Bộ.
Ngày 2/08/1964, tàu USS Maddox của Hải quân Mỹ đang thực hiện công tác do thám trong hoạt động DESOTO thì bị ba thuyền vũ trang của Bắc Việt rượt đuổi, theo phía Mỹ.
Phía Bắc Việt đã tấn công bằng thủy lôi và súng máy. Hải quân Hoa Kỳ đáp trả bằng hỏa lực mạnh, phá hỏng ba thuyền và giết bốn quân nhân của Bắc Việt.
Sau đó, cơ quan an ninh quốc gia Hoa Kỳ nói có một sự kiện nữa, xảy ra ngày 4/08/1964.
Nhưng sau đó, bằng chứng cho thấy đó chỉ là các hình sai trên radar, được gọi là "những bóng ma trên Vịnh Bắc Bộ" mà không phải tàu chở thủy lôi của Bắc Việt.
Sau này, chính cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara thừa nhận là vụ tấn công 02/08/1964 xảy ra mà không có ai bắn trả, và vụ ngày 03/08 thì hoàn toàn không tồn tại.
Nhưng theo BBC News, vụ việc đã khiến Hoa Kỳ tăng quân tại Nam Việt Nam nhanh chóng, vào năm 1965 đã có 200.000 lính tác chiến của Hoa Kỳ, và sang năm 1966 thì lên tới 400.000, rồi nửa triệu vào 1967.
****************
Tổng thống Trump rút lại lệnh tấn công Iran, 10 phút trước giờ hành động (VOA, 21/06/2019)
Các quan chức Iran hôm 21/6 tiết lộ với Reuters rằng Tehran đã nhận được tin nhắn từ Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, cảnh báo về một cuộc tấn công vào Iran sắp xảy ra, nhưng ông nói thêm rằng ông chống chiến tranh và muốn đàm phán về một loạt vấn đề.
Ảnh máy bay không người lái RQ-4 Global Hawk của Mỹ (US Air Force/Bobbi Zapka/Handout/Files via Reuters) - Ảnh minh họa
Tin tức về thông điệp này được gửi qua Oman qua đêm, được tung ra ngay sau khi báo New York Times cho biết ông Trump đã phê chuẩn cuộc tấn công quân sự chống lại Iran hôm thứ Sáu về vụ máy bay trinh sát không người lái của Mỹ bị bắn hạ, tuy nhiên lệnh tấn công đã được rút lại vào phút cuối.
Một giới chức Tehran nói với Reuters với điều kiện được giấu tên rằng trong tin nhắn, ông Trump nói ông chống lại bất kỳ cuộc chiến nào với Iran và muốn nói chuyện với Tehran về một loạt vấn đề.
Vẫn theo giới chức Iran, ông Trump cho phía Iran một thời gian ngắn để phản hồi, nhưng Iran lập tức trả lời rằng tất cả đều tùy thuộc vào lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei để quyết định vấn đề này.
Reuters dẫn lời một quan chức Iran thứ hai nói :
"Chúng tôi khẳng định rõ rằng lãnh đạo của chúng tôi chống đối bất kỳ cuộc đàm phán nào, nhưng thông điệp của ông Trump sẽ được chuyển đến ông (Khamenei) để làm quyết định. Chúng tôi cũng nói với quan chức Oman rằng bất kỳ cuộc tấn công nào chống lại Iran đều có hậu quả khu vực và quốc tế".
Một tàu dầu bốc cháy trên biển Oman, ngày 13/6/2019.
Sau nhiều tuần lễ căng thẳng gia tăng và một loạt cuộc tấn công vào các tàu chở dầu ở Vùng Vịnh, Iran hôm thứ Năm cho biết đã bắn hạ một máy bay trinh sát không người lái của quân đội Hoa Kỳ bằng một tên lửa đất đối không.
Sau khi máy bay không người lái bị bắn hạ, Tổng thống Trump đã ra dấu hiệu cho thấy ông không muốn leo thang tranh chấp với Iran về các hoạt động tên lửa đạn đạo và hạt nhân của nước này và việc Iran hỗ trợ các nhóm đại diện can dự vào các cuộc xung đột ở Trung Đông.
Ông Trump nói máy bay không người lái Mỹ có thể đã bị bắn hạ bởi một kẻ nào đó đã có hành động "không kiềm chế và xuẩn ngốc", nhưng ông Trump nói thêm : "Nước Mỹ sẽ không chấp nhận hành động đó".
Sự cố này đã càng làm tăng những lo sợ trên toàn cầu về một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp giữa hai nước thù nghịch lâu năm, đồng thời đẩy giá dầu lên 1 đô la/ thùng tới 65,50 đô la hôm thứ Sáu, do lo ngại về sự gián đoạn trong việc xuất khẩu dầu thô từ vùng Vịnh.
Hôm 21/6, Tổng thống Trump viết trên Twitter, cho biết ông đã ra lệnh cho tấn công 3 địa điểm khác nhau ở Iran, máy bay và tàu chiến Mỹ đã ở trong tư thế sẵn sàng, nhưng lệnh tấn công được rút lại 10 phút trước giờ hành động.
Theo một tin mới hơn, Reuters dẫn lời một chỉ huy Vệ binh Cách mạng Iran cho biết hôm thứ Sáu là Iran đã tự chế, không bắn hạ một máy bay Mỹ chở 35 người, đi kèm với máy bay không người lái bị bắn rớt ở vùng Vịnh.
Amirali Hajizadeh, Tư lệnh lực lượng hàng không vũ trụ thuộc Vệ binh Cách mạng Iran, được hãng thông tấn TASnim dẫn lời nói :
"Ngoài máy bay không người lái của Mỹ trong khu vực còn có một máy bay P-8 của Mỹ trên đó có 35 người. Chiếc máy bay này cũng bay vào không phận của chúng tôi và chúng tôi có thể bắn hạ nó, nhưng chúng tôi đã không làm vậy".
*******************
Vụ Iran bắn hạ máy bay Mỹ : Trump nói Iran có thể bắn nhầm (VOA, 21/06/2019)
Tổng thống Mỹ Donald Trump hạ giảm tầm quan trọng của việc Iran bắn rơi máy bay không người lái của Mỹ hôm 20/6 khi nói rằng ông nghi là máy bay bị bắn nhầm và rằng giả sử máy bay có người lái thì ông sẽ có phản ứng khác.
Tổng thống Donald Trump lắng nghe một câu hỏi của báo chí trong cuộc hội kiến Thủ tướng Canada Justin Trudeau trong Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng, ngày 20 tháng 6, 2019.
Trong khi những phát biểu này dường như cho thấy ông Trump không muốn leo thang vụ việc mới nhất trong một loạt các sự việc với Iran, Tổng thống Mỹ cảnh cáo rằng : "Nước Mỹ sẽ không chấp nhận chuyện này".
Tehran nói máy bay Global Hawk không vũ trang bị bắn khi đang thực hiện nhiệm vụ do thám bên trên lãnh thổ của họ nhưng Washington nói máy bay bị bắn hạ trong không phận quốc tế.
"Tôi nghĩ có lẽ Iran đã lầm - tôi nghĩ một vị tướng hoặc ai đó đã lầm khi bắn hạ máy bay", ông Trump nói với các phóng viên tại Nhà Trắng.
"Không có người trong máy bay. Nếu có thì sẽ là chuyện khác, có thể tôi sẽ phản ứng khác đi", nếu máy bay có người điều khiển, ông Trump nói khi ông tiếp Thủ tướng Canada Justin Trudeau tại Phòng Bầu dục.
Mỹ, gọi sự kiện này là một "vụ tấn công không khiêu khích" trong không phận quốc tế, đang theo đuổi chiến dịch cô lập Iran để ngăn chặn các chương trình phi đạn đạn đạo và hạt nhân cũng như hạn chế vai trò của nước này trong các cuộc chiến khu vực.
Đây là vụ việc mới nhất trong một loạt các vụ việc leo thang căng thẳng trong Vùng Vịnh (một huyết mạch hệ trọng cho nguồn cung dầu toàn cầu) kể từ giữa tháng 5 kể cả các vụ tấn công phát nổ nhắm vào sáu tàu chở dầu trong khi Tehran và Washington trên bờ vực đối đầu.
Không rõ Mỹ sẽ phản hồi thế nào trước hành động của Iran. Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi, nhân vật hàng đầu của Đảng Dân chủ tại Quốc hội, cho biết Washington không muốn chiến tranh với Iran.
"Khó mà tin được là chuyện này là cố ý, nếu quý vị muốn biết sự thật. Tôi nghĩ có thể là ai đó đầu óc không bình thường hay ngớ ngẩn hôm đó", ông Trump nói, nhắc đến vụ bắn hạ máy bay.
Chính quyền Trump đã triệu tập các nhà lãnh đạo hàng đầu trong Quốc hội đến Nhà Trắng để báo cáo về Iran, Reuters dẫn một nguồn biết về cuộc họp này cho hay.
Iran phủ nhận sự dính líu trong các vụ tấn công tàu chở dầu, nhưng lo ngại toàn cầu về một cuộc xung đột bùng phát ở Trung Đông gây gián đoạn xuất khẩu dầu đã khiến giá dầu thô tăng vọt.
Căng thẳng với Iran bùng lên khi ông Trump vào năm ngoái rút Mỹ ra khỏi hiệp ước hạt nhân 2015 với Iran và tình hình trở nên tồi tệ hơn khi Washington áp đặt các chế tài mới nhằm bóp nghẹt hoạt động buôn bán dầu thiết yếu của Tehran. Iran trả đũa vào đầu tuần này bằng lời đe dọa sẽ vi phạm các giới hạn đối với các hoạt động hạt nhân mà thỏa thuận này áp đặt.