Trước khi ra đòn trừng phạt, Trump "đấu dịu" đề nghị đàm phán với Iran (RFI, 24/06/2019)
Một ngày trước khi thông báo các biện pháp mới trừng phạt Iran, tổng thống Mỹ Donald Trump, ngày 23/06/2019, khẳng định không muốn đối đầu vũ trang và một lần nữa đề nghị đàm phán vô điều kiện với Tehran.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trả lời báo giới trong vườn của Nhà Trắng, Washington, ngày 22/06/2019. Reuters/Carlos Barria
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình NBC, nguyên thủ Mỹ nhấn mạnh, ông "không muốn có chiến tranh". Ông cũng tin rằng Iran không muốn đối đầu quân sự với Washington khi bắn hạ chiếc máy bay không người lái dọ thám của Mỹ.
Tổng thống Mỹ nói : "Tôi nghĩ rằng Iran muốn thương lượng. Và tôi tin rằng họ muốn có được một thỏa thuận. Và thỏa thuận của tôi liên quan đến hạt nhân. Quý vị hãy chờ xem, họ sẽ chẳng có vũ khí hạt nhân đâu. Tôi không tin rằng Iran ưa thích tình trạng hiện nay mà họ đang phải đối mặt. Kinh tế đất nước hoàn toàn kiệt quệ".
Ngoại trưởng Mỹ, Mike Pompeo đã đến Saudi Arabia hôm 24/06 để tham vấn các đồng minh trong khu vực về tình hình căng thẳng với Iran. Trước khi đáp chuyến bay đến Trung Đông, phát biểu trước báo giới, lãnh đạo ngoại gia Mỹ nhắc lại đề xuất đàm phán của Washington : "Chúng tôi sẵn sàng đàm phán không có điều kiện tiên quyết. Họ biết rõ gặp chúng tôi ở đâu".
Nguy cơ xảy ra đối đầu trực diện giữa hai nước ngày càng lớn sau vụ Iran bắn hạ một chiếc drone dọ thám của Mỹ hôm thứ Năm 20/06 mà Tehran cho là đã xâm phạm không phận nước này. Hoa Kỳ hôm thứ Bảy 21/06 khẳng định đã mở một chiến dịch tấn công tin học nhắm vào các vị trí quân sự của Iran.
Bộ Viễn Thông Iran trên mạng xã hội Twitter ngày 24/06 khẳng định : "Hoa Kỳ đã hoài công vô ích tiến hành tấn công tin học nhắm vào các vị trí quân sự của Iran".
Minh Anh
******************
Gia tăng sức ép Iran, Tổng thống Trump có nguy cơ gây xung đột quân sự ngoài ý muốn (RFI, 24/06/2019)
Mỹ hay Iran, bên nào sẽ châm ngòi cho chảo lửa vùng Trung Đông ? Câu hỏi được đặt ra vào lúc Hoa Kỳ liên tục gia tăng sức ép buộc Iran ngồi đàm phán lại thỏa thuận hạt nhân. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, tổng thống Mỹ đang thực hiện một chiến lược nguy hiểm có nguy cơ dẫn đến đối đầu quân sự mà cả hai bên đều không mong muốn.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng, Washington, ngày 23/06/2019. Reuters/Mike Theiler
Ngày 23/06/2019, tổng thống Mỹ cho biết không muốn có chiến tranh và muốn đàm phán với Iran trước khi áp đặt một số biện pháp trừng phạt nhắm vào Iran kể từ thứ Hai 24/06. Trước đó vài ngày, nguyên thủ Mỹ khẳng định vào giờ phút chót đã ra lệnh tạm hoãn oanh kích các vị trí quân sự của Iran.
Ông Robert Malley, cựu cố vấn cho đời tổng thống Barack Obama về Trung Đông trên đài RFI, nhận định rằng những tuyên bố trái ngược của Donald Trump "lúc cương, lúc nhu" cho thấy rõ tâm trạng đầy mâu thuẫn trong con người vị tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ.
Nỗi ám ảnh làm sao tái đắc cử vào năm 2020 đã khiến tổng thống Mỹ như bị phân đôi trước hai xu hướng : Một mặt, ông luôn hoài nghi về các khả năng can thiệp quân sự của Mỹ : Một trong những chủ đề chính trong cuộc vận động tranh cử tổng thống của ông năm 2016 là phản đối các chiến dịch quân sự, đặc biệt là tại Trung Đông.
Mặt khác, nguyên thủ Mỹ lại có nhu cầu đưa ra hình ảnh một vị lãnh đạo "mạnh mẽ", sẵn sàng đàm phán để có được một thỏa thuận tốt hơn so với người tiền nhiệm, nghĩa là sẵn sàng cứng rắn hơn với Iran, bóp nghẹt nền kinh tế Iran và muốn rằng nước này phải chấp nhận tất cả các đề nghị của ông.
Thế nhưng, kiểu chính sách này của Donald Trump dường như đang đi ngược lại những ý định của ông là không muốn có chiến tranh. Bởi vì chiến lược gia tăng áp lực nhắm vào Iran có nguy cơ dẫn đến đối đầu quân sự.
Một quan điểm cũng được bà Armelle Charrier, chuyên gia địa chính trị đồng chia sẻ trên kênh truyền hình France 24. Không như Venezuela và Bắc Triều Tiên, trong cuộc đọ sức với Iran "còn có những thách thức lớn mang tầm cỡ khu vực và có liên quan đến dầu hỏa. Iran là một cường quốc trong khu vực và có một quân đội tinh nhuệ, không biết sợ và quen với chiến trường".
Mỹ sẽ làm gì nếu như Iran sẽ vi phạm thỏa thuận hạt nhân ? Phải chăng tổng thống Mỹ đang đi quá đà ? Vẫn theo ông Robert Malley, điều này có thể giải thích phần nào phản ứng của Iran trong những ngày qua.
Theo ông, sự việc cho thấy Tehran đã hết kiên nhẫn và nhận thấy rằng cần phải hành động. Thời hạn một năm qua đã đủ, nền kinh tế nước này hầu như kiệt quệ. Do đó, giới lãnh đạo Iran cho rằng phải hành động, hoặc Donald Trump phải thay đổi đường lối chính sách tức là đàm phán trong thế "ngang vai phải lứa" hoặc phải đối đầu quân sự - một điều không bên nào muốn.
Căng thẳng Mỹ - Iran hiện giờ chẳng khác gì một cuộc đọ súng giữa hai đối thủ, lườm mắt gờm nhau mà không ai dám "bóp cò" trước. Ông Ali Vaez, chuyên gia thuộc International Crisis Group ICG trên France 24 cảnh báo : "Chỉ cần một phán đoán sai lầm có thể dẫn đến một cuộc xung đột do tầm mức của những xung khắc hiện nay cũng như là do thiếu vắng những kênh liên lạc giữa hai nước. Và đây sẽ là một miền đất mầu mỡ cho những tính toán sai lầm".
Minh Anh
*********************
Mỹ-Iran : Tổng thống Trump đủ tỉnh táo thoát "bẫy" chiến tranh ? (RFI, 24/06/2019)
Mỹ và Iran liên tục khẩu chiến gay gắt, để tránh bị mất mặt, từ hôm 20/06/2019 khi Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran bắn hạ một máy bay do thám không người lái RQ-4 Global Hawk của Mỹ. Chiến sự tưởng như sắp nổ ra tại chảo lửa Trung Đông khi tổng thống Donald Trump ra lệnh tấn công ba mục tiêu tại Iran vào tối 20/06, rồi bất ngờ rút lệnh chỉ vài phút trước khi bắt đầu chiến dịch.
Ảnh minh họa máy bay không người lái RQ-4 Global Hawk của Không Quân Mỹ tương tự với chiếc bị quân đội Iran bắn hạ ngày 20/06/2019. Reuters/U.S. Air Force/Bobbi Zapka
Lý do được chủ nhân Nhà Trắng giải thích trên mạng Twitter rằng ông không muốn "150 người sẽ bị thiệt mạng" vì cuộc tấn công trả đũa "bất cân xứng với vụ bắn hạ máy bay không người lái". Chủ Nhật 23/06, phát biểu trước báo giới trong vườn của Nhà Trắng, tổng thống Trump lại mang triển vọng phát triển kinh tế ra hứa với người dân Iran rằng "họ sẽ có một đất nước giầu có, họ sẽ rất hạnh phúc và tôi sẽ là người bạn tốt nhất của họ" với điều kiện Tehran từ bỏ tham vọng vũ khí nguyên tử.
Mỹ-Iran nắn gân nhau qua lời nói
Vừa mới mang củ cà rốt ra nhử, tổng thống Trump mang luôn cả gậy ra dọa khi tuyên bố áp dụng ngay từ thứ Hai 24/06 một số biện pháp trừng phạt "quan trọng" đối với Iran, song song với cuộc chiến tranh mạng dường như đã được tiến hành để trả đũa hai tầu dầu mới bị tấn công ở biển Oman. Chưa viện đến giải pháp quân sự, nhưng tổng thống Mỹ cho biết không loại trừ khả năng này.
Là người luôn ủng hộ biện pháp đáp trả quân sự, John Bolton, cố vấn "diều hâu" về an ninh của tổng thống Mỹ, cảnh báo : "Cả Iran hay bất kỳ nhân tố thù nghịch nào khác đừng nên nhầm lẫn giữa thận trọng, kiềm chế của Mỹ và yếu đuối. Lực lượng quân sự của chúng tôi (Mỹ) sẵn sàng hành động".
Tuy nhiên, Iran cũng không khoanh tay để Mỹ "dọa". Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif vạch thêm tội của quân đội Mỹ từng thâm nhập vào không phận của Iran vào cuối tháng 05/2019 mà hậu quả là một máy bay không người lái MQ9 của Mỹ bị quân đội Iran bắn hạ. Kamal Kharazi, một quan chức ngoại giao cấp cao Iran, đánh giá vụ máy bay Mỹ thâm nhập không phận Iran lần thứ hai là một "bằng chứng" mới cho thấy "băng đảng Bolton suýt kéo được (Trump) vào chiếc bẫy chiến tranh" chống Iran, đồng thời nhận định "sự thận trọng đã tránh được điều này, nhưng "Khủng bố kinh tế" gây thêm căng thẳng".
Tướng Abolfazl Shekarchi, phát ngôn viên của bộ tham mưu hỗn hợp các lực lượng vũ trang Iran, từng cảnh báo hôm 22/06 rằng "Bắn một viên đạn về phía Iran là sẽ châm lửa đốt lợi ích của Mỹ và các đồng minh" ở Trung Đông.
Iran sẽ tổ chức bầu cử lập pháp trong 8 tháng nữa, giới chính trị gia siêu bảo thủ xoa tay hy vọng kéo tổng thống Trump vào cuộc chiến mà ông không hề muốn. Vincent Eiffing, chuyên gia về Iran thuộc đại học Công giáo Louvain (Bỉ), nhận định với Le Figaro (22/06/2019) : Giả sử nếu xảy ra, các cuộc tấn công của Mỹ sẽ càng khiến người dân Iran tăng cường tinh thần dân tộc và chắc chắn, phe bảo thủ sẽ không từ bỏ cơ hội để khai thác tình huống này. Vì vậy, Iran sẽ tiếp tục khẩu chiến để tránh bị mất mặt, đồng thời vẫn kiềm chế gây thêm khiêu khích.
Có thể chính những hậu quả nặng nề nếu tấn công Iran đã khiến tổng thống Mỹ hạ hỏa, trong đó có một số hậu quả tức thì, theo liệt kê của nhà nghiên cứu Vincent Eiffing : "Iran rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và tái khởi động chương trình nguyên tử, Lực lượng Vệ binh Cách mạng được tăng thêm ảnh hưởng trong quá trình đưa ra quyết định, khả năng Iran tăng cường hoạt động tên lửa đạn đạo ở Trung Đông - điều mà các nước phương Tây tìm cách kiềm chế - và tấn công trả đũa thông qua các lực lượng chi nhánh của Iran ở Trung Đông nhắm vào Hoa Kỳ hoặc những lợi ích của nước này".
Tehran đánh tiếng rằng sẽ tiếp tục phá rối Hoa Kỳ thông qua các lực lượng đồng minh chủ chốt. Lực lượng Hezbollah Liban - có hơn 100.000 tên lửa sẵn sàng chĩa vào Israel, lực lượng vũ trang Hồi giáo hệ phái Shia ở Iraq, từ một tuần nay, gần như hàng ngày vẫn nã rocket vào các căn cứ quân sự nơi có lính Mỹ đồn trú, và lực lượng nổi dậy Houthi ở Yemen tăng cường bắn vào lãnh thổ Saudi Arabia.
Theo nhà nghiên cứu Clément Therme, thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Bahrain, chính quyền Tehran biết lợi dụng tình thế tổng thống Trump, vừa thông báo ra tranh cử nhiệm kỳ thứ hai, "bị kẹt giữa một bên là cử tri phản chiến và bên kia là đội ngũ cố vấn diều hâu ủng hộ tấn công Iran". Nhưng để được bầu lại làm tổng thống Mỹ, trong vài tháng tới, chủ nhân Nhà Trắng sẽ cần đến cử tri nhiều hơn.
Theo nhận định của bà Geranmayeh với Le Figaro, "nếu không có nỗ lực từ một bên thứ ba, hoặc từ phía Washington, thế giới sẽ chứng kiến những hậu quả leo thang mới trong vài tháng tới". Laurence Nardon, phụ trách chương trình Bắc Mỹ thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI) có chung nhận định, khi trả lời báo Le Parisien (21/06) : "Nếu cuối cùng Mỹ khai chiến, điều này có lẽ sẽ rất nguy hiểm vì Iran không phải là Afghanistan". Tương tự, theo ông Pascal Boniface, chủ tịch Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược (IRIS), giả sử xảy ra thêm một vài sự cố khác, "mọi chuyện đều có thể, ngoại từ việc can thiệp ồ ạt vào Iran vì điều này sẽ là sự điên rồ của quân đội Mỹ".
Tại sao Tehran lại ám ảnh Donald Trump ?
Trong số những đối thủ không đội trời chung của tổng thống thứ 45 của Mỹ, từ Hillary Clinton đến truyền thông… Iran luôn là mục tiêu tấn công ưu tiên của Donald Trump. Ngay từ khi tranh cử tổng thống, nhà tỉ phú địa ốc New York từng gọi nước Cộng Hòa Hồi Giáo Iran là "chế độ cuồng tín", "Nhà nước lưu manh"… Iran có đủ tiêu chuẩn để trở thành đối thủ hoàn hảo của tổng thống Trump, theo giải thích với báo Le Parisien của Dominique Moïsi, cố vấn tại Viện Montaigne.
Thứ nhất, Iran bị coi là kẻ thù từ 40 năm của Mỹ, sau khi xảy ra khủng hoảng con tin dưới thời giáo chủ Khomeyni. Tiếp theo, "Iran còn là kẻ thù chính của Israel và Saudi Arabia, hai đồng minh của Mỹ ở Trung Đông vì tổng thống Trump muốn chuyển giao quyền lực vùng Trung Đông để dần rút khỏi khu vực này nhằm toàn tâm toàn lực vào mục tiêu chính : Đối đầu chiến lược với Trung Quốc".
Vì vậy, tố cáo thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 chỉ là cái cớ để tổng thống Trump xóa bỏ thành quả của người tiền nhiệm Obama, đồng thời tấn công đối thủ mà ông ghét cay ghét đắng. Tuy nhiên, theo nhà sử học Nicole Bacharan, Donald Trump lại là "người bốc đồng và đơn giản. Ông không bao giờ dự đoán được những quyết định bất ngờ của mình và lèo lái giữa những mâu thuẫn". Hậu quả là tổng thống Mỹ bị rơi vào cuộc leo thang căng thẳng có thể sẽ kéo đến một cuộc chiến tranh mà ông không hề muốn.
Chiến lược về Iran của Trump : Càng khó hiểu càng tốt
Vậy chiến lược về Iran của tổng thống Trump là gì ? Theo Jean-Eric Branaa, chuyên gia về Hoa Kỳ tại đại học Panthéon-Assas (Paris), đó là "làm cho chiến lược đó không thể hiểu nổi. Khi tổng thống Mỹ nói sẽ trừng phạt Iran, người ta không biết liệu ông ra lệnh phá một căn cứ địa pháo hay… một con thuyền". Tuy nhiên, "chính tính cách khó lường này lại làm nên sức mạnh của ông".
Có cùng quan điểm trên, Dominique Moïsi, cố vấn Viện Montaigne, còn "sững sờ" về chiến lược ngoại giao của tổng thống Mỹ mà ông đánh giá là "mưu mẹo và thậm chí là xuất sắc theo cách riêng của ông Trump… Dù sao, ông ấy là người điều khiển cuộc chơi, và đôi khi nhận được kết quả như chiến lược cứng rắn về thương mại với Trung Quốc".
Nói to, đe dọa rồi đàm phán quả quyết từng là cách làm của nhà tỉ phú địa ốc, nổi tiếng cứng rắn trong kinh doanh. Theo nhà nghiên cứu Dominique Moïsi, phương pháp này lại được áp dụng để thể hiện với cử tri Mỹ rằng "ông là người tài giỏi khi gây được sức ép tối đa với Tehran, sau đó ông sẽ nới lỏng sức ép để thể hiện rằng ông là người có trách nhiệm".
Tuy nhiên, giảng viên Jean-Eric Branaa, đại học Panthéon-Assas lại cho rằng áp dụng chiến lược "vừa đấm vừa xoa", tổng thống Mỹ phải đối mặt với nhiều rủi ro, trong đó "Chỉ cần phía Mỹ có một người chết, Trump sẽ không được bầu lại" làm tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2021-2024.
(Tổng hợp từ Le Figaro, Libération và Le Parisien)
*****************
Anh kêu gọi Iran ngừng các cuộc tấn công ở Vịnh Oman (BBC, 24/06/2019)
Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh Andrew Murrison cảnh báo rằng Iran "cần ngưng" các cuộc tấn công trên vịnh Oman.
Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh Andrew Murrison gặp ngài Kamal Kharazi ở Tehran hôm 23/6
Chuyến thăm tới Tehran của ông diễn ra sau khi Mỹ cáo buộc Iran tấn công tàu chở dầu vào đầu tháng này, điều mà Iran phủ nhận.
Ông Murrison nói rằng Vương quốc Anh tin rằng Iran "gần như chắc chắn chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công" và nói rõ mối quan ngại của Anh đối với các hoạt động trong khu vực.
Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt cho biết tình hình "vô cùng nghiêm trọng" và ông đã trao đổi với các quan chức Iran "thường xuyên".
"Chuyến thăm này đã tạo cơ hội quan trọng cho sự tham gia cởi mở, thẳng thắn và xây dựng với chính phủ Iran", ông Murrison nói, sau cuộc hội đàm với chính phủ Iran vào cuối tuần này.
"Ở Tehran tôi đã rõ về những lo ngại từ lâu của Vương quốc Anh đối với các hoạt động của Iran trong khu vực".
Cuộc khủng hoảng bắt đầu khi tàu chở dầu bị tấn công ở eo biển Hormuz
"Và tôi hiểu rõ rằng Vương quốc Anh sẽ tiếp tục đóng vai trò đầy đủ của mình cùng với các đối tác quốc tế để tìm kiếm các giải pháp ngoại giao nhằm giảm căng thẳng hiện nay".
Chuyến thăm của ông Murrison đã diễn ra khi căng thẳng tiếp tục leo thang giữa Mỹ và Iran.
Sáng thứ Năm (20/6), Hoa Kỳ đã suýt không kích Iran sau khi nước này bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ.
Chính phủ Mỹ và Iran tranh luận liệu máy bay không người lái có ở trong không phận quốc tế vào thời điểm đó.
Quân đội Hoa Kỳ xác nhận máy bay không người lái bị rơi hôm thứ Năm là RQ-4A Global Hawk của Hải quân Hoa Kỳ
Việc bắn rơi máy bay không người lái diễn ra sau những cáo buộc của phía Mỹ rằng Iran tấn công hai tàu chở dầu ngoài eo biển Hormuz, thuộc Vịnh Oman.
Iran phủ nhận cáo buộc này.
Chuyến thăm của ông Murrison cũng nhằm nêu mối lo ngại quốc tế về việc Iran đe dọa ngừng tuân thủ thỏa thuận hạt nhân Iran sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận vào năm 2018.
Nhưng theo hãng tin Reuters, Thứ trưởng Ngoại giao Iran, Abbas Araqchi, khẳng định nước này sẽ kiên quyết với quyết định thu hẹp một số cam kết của mình theo thỏa thuận năm 2015.
"Các bên tham gia ký kết thỏa thuận từ Châu Âu thiếu ý chí cứu vãn thỏa thuận", ông nói sau cuộc gặp với ông Murrison.
"Quyết định giảm cam kết của chúng tôi đối với thỏa thuận là một quyết định quốc gia và nó không thể đảo ngược chừng nào yêu cầu của chúng tôi không được đáp ứng".
Nazanin Zaghari-Ratcliffe, một phụ nữ gốc Iran mang quốc tịch Anh, bị một tòa án ở Iran kết án tù năm năm vào năm 2016 vì tội gián điệp mà cô phủ nhận.
Trong chuyến thăm của mình, ông Murrison cũng đã thúc đẩy việc thả Nazanin Zaghari-Ratcliffe, một phụ nữ gốc Iran mang quốc tịch Anh.
Cô bị một tòa án ở Iran kết án tù năm năm vào năm 2016 vì tội gián điệp mà cô phủ nhận.
Cô và chồng đã tuyệt thực để phản đối việc giam giữ cô.