Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

11/07/2019

Điểm báo Pháp - Nga : Chính quyền cản trở đối lập tranh cử

RFI tiếng Việt

Bầu cử địa phương Nga : Chính quyền cản trở đối lập tranh cử

Về thời sự Châu Âu, tờ Le Monde đề cập đến việc chính quyền Nga dùng mọi cách để ngăn cản các ứng viên đối lập tranh cử trong các cuộc bầu cử địa phương vào tháng 9 tới đây.

doilapnga1

Nhà đối lập Nga Ilya Yashin trong một cuộc biểu tình phản đối các vi phạm trong bầu cử địa phương, Moskva, ngày 10/07/2019 - Reuters/Maxim Shemetov

Theo Le Monde, cho tới nay là vấn đề thứ yếu, việc thu thập chữ ký của cử tri nay bỗng trở thành khó khăn lớn nhất đối với phe đối lập với tổng thống Vladimir Putin. Lý do là vì luật mới quy định, để có thể ra tranh cử trong cuộc bầu cử địa phương ngày 08/09, các ứng viên độc lập phải có sự ủng hộ của 3% số cử tri có ghi danh tại đơn vị bầu cử của mình (luật cũ chỉ yêu cầu 0,5%). Số chữ ký phải được thu thập trong vòng một tháng, ngay giữa mùa hè. Theo Le Monde, trong số 45 đơn vị bầu cử của thủ đô Moskva, khoảng một chục ứng cử viên đối lập đã không thể vượt qua trở ngại này.

Nhưng giai đoạn các ủy ban bầu cử thẩm định chữ ký cũng gay go không kém việc thu thập chữ ký, vì chính quyền sẽ tìm đủ mọi cớ để loại các ứng cử viên dù đã có đủ chữ ký.

Le Monde nêu trường hợp của nữ luật gia trẻ Lioubov Sobal, ứng viên đối lập tranh cử vào nghị viện thành phố Moskva. Cô là một trong những nhân vật thân cận với lãnh đạo đối lập Alexei Navalny, và là người đã từng điều tra về nhiều vụ tham nhũng của các quan chức cao cấp, cho nên cô có uy tín rất cao. Nhưng chồng cô thì bị đầu độc suýt chết vào năm 2016. Còn bây giờ, nhiều tình nguyện viên làm việc cho Sobol đã bị hành hung, bị ném phân vào người, bị cảnh sát hạch hỏi, chỉ vì họ thu thập chữ ký cho nữ ứng viên độc lập.

Trong khi đó, theo Le Monde, đảng cầm quyền Nước Nga Thống Nhất lại không đưa ra một ứng cử viên chính thức nào, nhưng có nhiều ứng cử viên gọi là "độc lập" và lại được tòa thị chính Moskva ủng hộ. Tờ báo trích lời một học giả cho biết là đây là lần đầu tiên đảng cầm quyền không có ứng cử viên. Các cuộc bầu cử đã trở thành một mối nguy, một thời điểm rất khó khăn đối với chính quyền, vì họ đang gặp sự phản kháng chính trị ở Moskva và Saint-Petersburg, đối phó với sự bất mãn về xã hội và kinh tế ở các vùng.

Thay vì cố cải thiện hình ảnh của mình, chính quyền dường như lại muốn ngặn chận mọi mưu toan của phe đối lập nhằm phá vỡ độc quyền lãnh đạo của họ.

Mỹ bảo vệ Đài Loan chống Trung Quốc

Trong phần trang quốc tế hôm nay, nhật báo công giáo La Croix bình luận về việc Hoa Kỳ vừa xác nhận hợp đồng bán vũ khí trị giá tổng cộng 2,2 tỷ đôla cho Đài Loan, bất chấp sự giận dữ của Bắc Kinh, vốn vẫn nhất quyết thu hồi đảo này, bằng vũ lực nếu cần.

Theo La Croix, khi xác nhận hợp đồng nói trên, Washington rõ ràng muốn tỏ cho Trung Quốc thấy là Hoa Kỳ vẫn đoàn kết với Trung Hoa Dân Quốc (tên chính thức của Đài Loan), trước những hành động hù dọa của Bắc Kinh. Những xe tăng và dàn tên lửa địa đối không mua của Mỹ sẽ giúp nâng cao khả năng phòng thủ của Đài Loan, cụ thể là phá hủy các xe thiết giáp và phi cơ Trung Quốc trong trường hợp Bắc Kinh xua quân sang đánh chiếm đảo này.

Theo nhật báo công giáo, mối đe dọa xâm lăng từ Trung Quốc là thật sự có : ngày 02/01 năm nay, chủ tịch Tập Cận Bình đã nhắc lại quyết tâm của ông sẽ thống nhất Đài Loan với Hoa lục, bằng mọi phương tiện có thể được và không loại trừ khả năng dùng vũ lực. Lãnh đạo họ Tập đã đề nghị cho Đài Loan hưởng quy chế "một quốc gia, hai chế độ" giống như Hồng Kông. Nhưng nhìn cách thức mà quy chế này được thực hiện (hay đúng hơn là không được thực hiện) ở Hồng Kông, đề nghị của chủ tịch Trung Quốc khó mà thu hút được dân Đài Loan, trong bối cảnh họ sắp bầu tổng thống mới vào đầu năm tới.

Hoa Kỳ : Chấn động từ vụ Epstein

Tờ Libération hôm nay dành trọn hai trang cho vụ bắt giữ nhà tỷ phú Mỹ Jeffrey Epstein tại bang New Jersey cuối tuần qua vì tội khai thác tình dục vị thành niên, khơi lại vụ án đã được mở ra từ cuối thập niên 2000.

Libération nhắc lại nhà tỷ phú 66 tuổi này bị cáo buộc, ít ra là trong khoảng thời gian từ 2002 đến 2005, đã dụ dỗ nhiều thiếu nữ, có em chỉ mới 12 tuổi, đến nhà ông ở New York và Florida, ban đầu là để làm massage cho ông, nhưng Epstein đã lạm dụng tình dục, thậm chí cưỡng hiếp, rồi trả tiền cho các em này. Theo ngành tư pháp, Epstein còn trả thêm tiền cho một số nạn nhân để những em này "tuyển mộ" những em khác. Nhà tỷ phú này đã tạo cả một mạng lưới nạn nhân vị thanh niên, với sự đồng lõa của một số nhân viên và cộng sự viên. Với những cáo buộc đó, Epstein có thể lãnh án tù lên tới 45 năm, coi như là án chung thân.

Theo Libération, ngoài tầm mức về số nạn nhân, vụ này còn khiến chính quyền Trump rất bối rối, bởi vì bộ trưởng Lao Động hiện nay Alexander Acosta, nguyên là công tố viên liên bang Florida, cách đây 11 năm đã đề nghị một thỏa hiệp tư pháp có lợi cho Epstein. Cụ thể là khi bị đem ra xử vào năm 2007 về tội mua dâm vị thành niên, nhà tỷ phú đã đồng ý nhận tội, đổi lấy án tù rất nhẹ là 13 tháng, ở tù nhưng được phép tiếp tục làm việc, và mỗi ngày, 6 ngày trong tuần, được ra ngoài 12 tiếng đồng hồ.

Ngay từ thứ Hai, phe đối lập tại Mỹ đã yêu cầu bộ trưởng Lao Động phải từ chức và nếu ông này không chịu từ chức thì tổng thống Trump phải cách chức. Bản thân tổng thống Trump cũng bị mang tiếng lây, vì hai người quen nhau từ lâu. Vào năm 2002, ông nhà tỷ phú New York đã từng phát biểu với báo chí : "Tôi quen biết Jeff (Jeffrey Epstein) từ 15 năm nay. Chơi với tay này vui lắm. Ông ta cũng thích gái đẹp như tôi và nhiều em còn rất trẻ". Từ cuối tuần qua, tổng thống Mỹ đã đổi giọng. Hôm thứ Ba vừa qua, ông nói : "Tôi biết ông ta cũng như mọi người ở Palm Beach thôi. Từ 15 năm qua, chúng tôi không nói chuyện với nhau. Điều mà tôi có thể nói với quý vị, đó là tôi không phải là người hâm mộ ông ấy".

Áp lực di dân đối với nước Pháp

Tờ Le Figaro hôm nay dành hồ sơ lớn cho áp lực di dân vẫn đè nặng lên nước Pháp và chính phủ đang tìm một giải pháp cho vấn đề này.

Theo tờ nhật báo này, chỉ tính từ tháng 01/2019, đã có gần 10 000 đơn xin tị nạn do những di dân người Albani và Gruzia nộp tại Pháp, thế mà những người xin tị nạn này đến từ những quốc gia được xem là "an toàn". Nói rõ hơn, đó là những di dân kinh tế, trừ một số ngoại lệ hiếm hoi, không thể được hưởng sự bảo vệ của quốc tế chiếu theo hiệp định Genève.

Thực tế là dân Gruzia và Albani vẫn được hưởng chế độ miễn visa vào Liên Hiệp Châu Âu, nên nhiều người lấy cớ đi du lịch sang Pháp, rồi ở lại quá thời hạn cho phép. Họ chỉ cần nộp đơn xin tị nạn với hy vọng được ở lại Pháp càng lâu càng tốt, trong thời gian chờ xét đơn, để được hưởng những trợ cấp rất hào phóng. Trong một báo cáo, hai dân biểu Jean-Noel Barrot và Alexdandre Holroyd cho biết là tính đến tháng 12/2018 lần đầu tiên số hộ gia đình được hưởng trợ cấp xin tị nạn đã lên tới 100 000. Mỗi cặp vợ chồng xin tị nạn được cấp khoảng 300 euro/tháng và nếu không được cấp nhà ở thì được nhận thêm 220 euro/ tháng.

Cho nên, chỉ riêng tiền trợ cấp tị nạn đã lên tới gần nữa tỷ euro/năm, còn tổng ngân sách dành cho tị nạn nói chung lên tới 2 tỷ/năm, theo thẩm định của Thẩm Kế Viện về tình hình của năm 2014, năm mà nước Pháp chỉ tiếp nhận 65 000 người xin tị nạn trong một năm. Hiện nay, Pháp tiếp nhận đến 120 000 người xin tị nạn mỗi năm.

Lệnh phong tỏa Lampedusa bị phá vỡ

Cũng về di dân, tờ Libération đưa độc giả đến bờ biển Lampedusa, nơi mà thuyền trưởng người Đức Carole Rackete hôm 29/06 đã phá vỡ lệnh phong tỏa của Ý khi lái chiếc tàu Sea-Watch 3 cập bến cảng của đảo này, để đưa lên bờ 41 thuyền nhân bị kẹt trên tàu từ hơn 2 tuần.

Tiếp đến, hôm Chủ Nhật vừa qua, một chiếc tàu khác mang trên Alex đã cập cảng Lampedusa, với 59 thuyền nhân mà họ vớt được trên biển. Thật ra thì nhiệm vụ của tàu buồm này, thuộc tổ chức phi chính phủ Mediterranea, chỉ là báo cho nhà chức trách Ý biết vị trí của những tàu vượt biên mà họ phát hiện trên biển. Nhưng hôm 04/07, thủy thủ đoàn Alex gặp một ca nô bơm hơi đang bị đắm, nên họ buộc phải vớt 59 thuyền nhân lên tàu và vì thấy lệnh phong tỏa Lampedusa đã bị thuyền trưởng Rackete phá vỡ trước đó, cho nên họ đã mạnh dạn lái tàu Alex cập bến cảng đảo này, cho dù phải bị phạt 65 000 euro.

Theo Libération, ngoài yêu cầu khẩn cấp cứu mạng thuyền nhân trên Địa Trung Hải, khi hành động như trên, mục tiêu của tổ chức phi chính phủ Mediterranea là chứng tỏ cho bộ trưởng nội vụ Ý Matteo Salvini thấy rằng ông không thể đóng cửa các cảng với các tàu chở thuyền nhân. Đáp lại, bộ trưởng Ý đang chuẩn bị ra một nghị định mới quy định số tiền phạt lên tới 1 triệu euro và bắt giam các thuyền trưởng không tuân lệnh phong tỏa Lampedusa. Nhà chức trách Ý còn dự trù huy động các chiến hạm hải quân để chặn các tàu của những tổ chức nhân đạo.

Các đảo : Những phòng thí nghiệm năng lượng sạch

Nhật báo kinh tế Les Echos hôm nay đặc biệt quan tâm đến các đảo của Pháp và của một số nước Châu Âu khác đang trở thành những nơi thử nghiệm các năng lượng sạch.

Vì là những nơi lúc nào cũng có gió hay có nắng, hoặc là muốn phát triển du lịch xanh hoặc muốn độc lập về năng lượng, các đảo mà cho tới nay vẫn sống nhờ vào các máy phát điện chạy bằng dầu cặn nay hứa sẽ đạt đến mục tiêu 100% năng lượng tái tạo. Chẳng hạn như các đảo Sein và Molène ở ngoài khơi vùng Finistère của Pháp, dự từ sẽ sản xuất 50% điện từ năng lượng xanh từ đây đến 2023 và 100% từ đây đến 2030. Còn tại Tây Ban Nha, quần đảo Baleares đã khởi động một kế hoạch tự túc về năng lượng. Việc chuyển đổi năng lượng càng cần thiết vì giá năng lượng tại các đảo ở Châu Âu đắt hơn nhiều so với các vùng lục địa.

Trang nhất các báo

Trên trang nhất hôm nay, tờ Le Figaro ghi nhận : "Chính phủ Pháp bất lực trước làn sóng di dân". Tờ báo cho biết là trong khi áp lực di dân đang có xu hướng giảm đi khắp nơi tại Châu Âu, áp lực này vẫn còn mạnh tại Pháp, nơi mà số người nhập cư trái phép đè ngày càng nặng lên toàn bộ guồng máy hành chính.

Nhật báo kinh tế Les Echos thì chú trọng đến việc cải tổ chế độ bảo hiểm thất nghiệp tại Pháp, với biện pháp bị chỉ trích nhiều nhất đó là kéo dài thời gian làm việc tối thiểu để được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Tờ Libération thì nêu bật tầm quan trọng của dự luật do chính phủ Pháp đề nghị nhằm hạn chế rác thải và lãng phí thực phẩm, để người tiêu dùng hiểu rõ hơn tác động môi trường của những mặt hàng mà họ mua, để các nhà sản xuất có trách nhiệm hơn đối với môi trường…

Tờ La Croix cũng quan tâm đến môi trường qua hàng tựa : "Những đòi hỏi nào đối với thực phẩm hữu cơ - bio ?". Theo tờ báo này, các nhà sản xuất và những người tiêu dùng phải chọn lựa giữa nhiều yếu tố khác nhau về sản phẩm bio (hữu cơ) : sản xuất theo lối công nghiệp hay thủ công, sản xuất ở địa phương hay nhập từ nước ngoài, tác động đến môi trường….

Nhật báo Le Monde thì đưa tựa lớn trên trang nhất về việc chính phủ Pháp quyết định là từ đây đến ngày 01/01/2021, cơ quan bảo hiểm y tế sẽ không còn hoàn trả tiền mua các loại thuốc vi lượng đồng căn (homéophathie). Quyết định này dựa trên ý kiến của các nhà khoa học rằng không có gì chứng minh hiệu quả của những loại thuốc đó.

Thanh Phương

Quay lại trang chủ
Read 493 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)