Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

12/07/2019

Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng thủ Nga, bất chấp phản đối của Mỹ

BBC tiếng Việt

Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận được các phần đầu tiên của hệ thống phòng thủ tên lửa Nga, S-400, bất chấp sự phản đối từ phía Hoa Kỳ.

tho1

Minh họa hoạt động của hệ thống tên lửa S-400m

Lô hàng đã tới căn cứ quân sự tại thủ đô Ankara hôm thứ Sáu, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ nói.

Bước đi này sẽ khiến cho Hoa Kỳ giận dữ. Washington đã cảnh báo rằng Thổ Nhĩ Kỳ không thể có cả hệ thống phòng thủ đối không S-400 lẫn các chiến đấu cơ F-35 của Mỹ.

Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ là các đồng minh của Nato, nhưng Ankara cũng đang thiết lập những mối liên hệ gần gũi hơn với Nga.

Tranh luận về vấn đề gì ?

Thổ Nhĩ Kỳ đã ký mua 100 chiếc chiến đấu cơ F-35 và đã đầu tư mạnh vào chương trình F-35. Các công ty Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất 937 thiết bị khác nhau dùng trong loại máy bay này.

Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ cũng theo đuổi chính sách quốc phòng ngày càng độc lập, giữa lúc quan hệ với Mỹ và Châu Âu có những căng thẳng.

Nước này đã mua của Nga hệ thống phòng không S-400 tân tiến với hợp đồng 2,5 tỷ đô la, và đã gửi người của quân đội tới Nga dự huấn luyện.

Các quan chức bộ quốc phòng Mỹ nói rằng S-400 không tương thích với hệ thống phòng không của Nato trong khu vực.

Các viên chức nói họ không muốn các chiến đấu cơ F-35 bay gần các hệ thống S-400, bởi họ sợ rằng các kỹ thuật viên của Nga có thể tiếp cận được tới các nhược điểm của F-35.

Hoa Kỳ cảnh báo rằng họ có thể loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình F-35 nếu như Ankara triển khai thỏa thuận S-400, và cảnh báo rằng Mỹ có thể áp các lệnh trừng phạt kinh tế.

Thổ Nhĩ Kỳ lập luận rằng hai hệ thống này sẽ được nằm ở các vị trí khác nhau, và rằng Mỹ quá chậm trong việc chào mời Ankara một lá chắn phòng thủ tên lửa thay thế.

Tổng thống Recep Tayyip Erdogan nói rằng sau cuộc gặp với Tổng thống Donald Trump, ông tin rằng Mỹ sẽ không áp lệnh trừng phạt.

Phân tích của Jonathan Marcus, phóng viên BBC chuyên về quốc phòng

tho2

Việc này dường như sẽ dẫn tới sự rạn nứt nghiêm trọng giữa Washington và một trong các đồng minh then chốt trong Nato của mình.

Chuyện một thành viên trong khối đi mua kiểu thiết bị này từ Nga là điều hầu như chưa từng xảy ra.

Mỹ đã ngưng việc giao máy bay cho Ankara và dừng việc đào tạo phi công Thổ Nhĩ Kỳ.

Các kế hoạch cũng đang diễn ra nhằm loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình này. Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất phụ tùng, thiết bị cho F-35, và đang chuẩn bị trở thành một trung tâm bảo dưỡng máy bay này trong vùng.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan có vẻ như tin rằng bất kể Ngũ Giác Đài nói gì thì bản thân ông Donald Trump cũng sẽ ít có thái độ thù nghịch hơn đối với việc Thổ mua tên lửa của Nga.

Thổ Nhĩ Kỳ quan trọng như thế nào ?

Thổ Nhĩ Kỳ là nước có quân đội lớn thứ nhì trong Nato, một liên minh quân sự gồm 29 thành viên.

Nước này là một trong các đồng minh then chốt của Mỹ, và nằm ở vị trí chiến lược, có chung đường biên giới với Syria, Iraq và Iran.

Nước này cũng đóng một vai trò quan trọng trong cuộc xung đột Syria, cung cấp vũ khí và ủng hộ quân sự cho một số nhóm phiến quân.

Tuy nhiên, quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với một số thành viên Nato và EU đã xấu đi. Các nước này cáo buộc ông Erdogan là áp dụng chính sách ngày càng độc tài sau vụ đảo chính bất thành hồi 2016.

Hệ thống S-400 làm việc thế nào ?

tho3

1. Hệ thống theo dõi radar tầm xa (long-range surveillance radar) phát hiện các đối tượng và gửi thông tin tới xe chỉ huy (command vehicle). Xe này sẽ phân tích, đánh giá mục tiêu rơi vào tầm quét

2. Mục tiêu được xác định và xe chỉ huy ra lệnh phóng tên lửa

3. Dữ liệu phóng tên lửa được gửi tới xe chở bệ phóng (launch vehicle) thích hợp nhất, và xe này sẽ phóng đi tên lửa đất đối không

4. Hệ thống radar phối hợp (engagement radar) sẽ dẫn đường để tên lửa nhắm trúng mục tiêu

Quay lại trang chủ
Read 541 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)