Chính quyền Donald Trump chứng tỏ quyết tâm tiêu diệt Daesh
Vụ khủng bố tại Luân Đôn vẫn vang vọng trên trang nhất các báo Pháp ra ngày 24/03/2017, bên cạnh thời sự Pháp với các tình tiết mới trong cuộc vận động tranh cử tổng thống Pháp. Trong bối cảnh đó, các vấn đề quốc tế chỉ xuất hiện ở các trang trong, và đáng chú ý nhất có lẽ là bài phân tích trên báo Le Monde về quyết tâm mới của chính quyền Mỹ thời Donald Trump trong việc dùng sức mạnh quân sự tiêu diệt tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tại Syria và Iraq.
Trực thăng quân đội Hoa Kỳ bay trên bầu trời Mossoul, Iraq, ngày 22/02/2017. AHMAD AL-RUBAYE / AFP
Trong bài "Washington đang gia tăng chiến dịch chống Daesh", báo Le Monde nhắc lại câu nói của ngoại trưởng Mỹ là việc loại trừ lãnh đạo tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo Abu Bakr al-Baghdadi chỉ là "một vấn đề thời gian" mà thôi.
Tác giả bài báo ghi nhận là chính quyền Trump, thay vì tiết lộ một kế hoạch tổng quát để diệt trừ tổ chức thánh chiến Daesh, đã quyết định gia tăng áp lực quân sự chung quanh thành trì Raqqa của họ ở miền bắc Syria. Sau thông báo ngày 10/03, gởi 400 lính thủy quân lục chiến yểm trợ pháo binh hầu tấn công thành phố, thì có thêm một bước quyết định vào ngày 22/03 với một chiến dịch trực thăng vận hỗ trợ cho cuộc tấn công của Lực Lượng Dân Chủ Syria (FDS), đánh vào đập Tabka cách Raqqa khoảng 50 cây số về phía tây.
Theo phát ngôn viên của Liên Minh Quốc Tế chống Daesh thì "đây là lần đầu tiên" Mỹ dùng trực thăng chuyên chở chiến binh đồng minh bọc ra đằng sau phòng tuyến Daesh ở Syria. Gần 500 lính của FDS được đưa bằng trực thăng đến bờ hồ Assad nằm trong tay quân thánh chiến. Thành trì của Daesh như thế bị đe dọa ở phía tây, trong lúc đã bị cô lập ở hai phía bắc và nam. Ngoài đập thủy điện cung cấp điện cho cả vùng, Tabka còn là một tuyến phòng thủ quan trọng của quân thánh chiến.
Ngoài ra các phi vụ oanh kích của Liên Minh còn đột nhiên gia tăng trong những tuần qua. Trong tháng Hai đã có đến 560 phi vụ so với không đầy 500 trong tháng Giêng, và 300 trong tháng 12/2016. Dĩ nhiên là oanh kích tăng thì số thường dân bị vạ lây cũng tăng.
Trong bối cảnh chiến sự như trên, Le Monde trở lại cuộc họp tại Washington thứ Ba 21/03 của 68 thành viên trong Liên Minh mà ông Obama huy động năm 2014, và lần đầu tiên tiếp xúc với chính quyền mới ở Mỹ.
Ngoại trưởng Mỹ : Loại trừ thủ lãnh Daesh chỉ là vấn đề thời gian
Điều tờ Le Monde ghi nhận trước tiên là phát biểu của ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson khẳng định lại quyết tâm của ông Trump "tiêu diệt" Daesh. Ông còn đánh giá việc loại trừ lãnh đạo Daesh al-Baghdadi chỉ là một "vấn đề thời gian" mà thôi.
Ngoại trưởng Mỹ còn nhấn mạnh là Liên minh mà Mỹ lãnh đạo không có mục tiêu "xây dựng nhà nước" - Nation building - hay tái thiết, mà muốn xây dựng những vùng an toàn với lệnh ngưng bắn, để những người di tản có thể trở về sinh sống.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Le Monde, ông Tillerson đã không giải tỏa tất cả những thắc mắc về ý đồ của chính quyền mới ở Washington.
Sau cuộc họp, ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault đã tỏ ý hài lòng về quyết định của Mỹ "nhanh chóng" tấn công Raqqa, nhưng thắc mắc là Mỹ chưa thấy nói đến sẽ tung ra lực lượng nào trong chiến dịch.
Đến nay, Mỹ luôn dựa trên Lực Lượng Dân Chủ Syria (FDS), trong đó phần lớn là dân quân Kurdistan, và điều này làm cho Thổ Nhĩ Kỳ rất bực dọc. Ngoại trưởng Pháp cũng hy vọng thiết lập một "chính quyền" dựa trên phe đối lập ôn hòa sau cuộc tấn công vào Raqqa, nhưng trên vấn đề này thì phía Mỹ chưa có câu trả lời, mà chỉ nói là "cần thêm thời gian".
Le Monde lo ngại là chính quyền của ông Trump trong thực tế không có kế hoạch gì rõ ràng. Tờ báo nhắc lại là trong cuộc vận động tranh cử, ông Trump đã khoe là có một "kế hoạch bí mật" để tiêu diệt Daesh, và đối thủ Hillary Clinton đã phản bác : "Bí mật là ông không có kế hoạch gì cả".
Và sau khi vào Nhà Trắng hôm 20/01, tổng thống Trump đã ra lệnh cho bộ trưởng quốc phòng Mattis đưa ra đề nghị trong vòng một tháng. Nhưng một tháng khác đã trôi qua từ khi ông Mattis đưa lên báo cáo lên tổng thống, mà người ta vẫn chưa biết gì về nội dung báo cáo này.
Khủng bố ở Luân Đôn và tính chất phớt tỉnh ăng-lê của dân Anh
Trở lại với hồ sơ khủng bố tại Luân Đôn trên trang nhất các báo, mỗi tờ khai thác một khía cạnh, nhưng hầu như tất cả đều khen ngợi thái độ bình tĩnh của người Anh, nổi tiếng với tính chất thường được gọi nôm na là "phớt tỉnh ăng-lê", dĩ nhiên là hiểu theo ý tốt.
Tựa đầu tiên trên trang nhất Le Monde ghi nhận : "Trái tim của Luân Đôn là đích nhắm một vụ khủng bố" và nhắc lại việc cảnh sát Anh cho rằng vụ này có liên quan đến khủng bố Hồi Giáo cực đoan.
Trong bài xã luận, Le Monde nêu bật : "Thảm kịch này khẳng định hai sự thật. Đầu tiên hết là không có một hệ thống an ninh nào hoàn toàn không kẽ hở. (...) Điểm thứ hai là các phần tử thánh chiến, cho dù không có hậu cứ để từ đó tài trợ và tung ra các cuộc tấn công, sẽ tồn tại bên chúng ta thêm một thời gian nữa".
Về tâm trạng của người Anh sau một vụ khủng bố nhằm gieo rắc kinh hoàng, Le Monde không che giấu lòng thán phục khi ghi nhận : "Nền dân chủ lâu đời nhất trên thế giới sẽ không để bị hù dọa. Với cổng rộng mở, Hạ Viện Anh và hôm nay, thứ Năm, vẫn tiếp tục công việc của mình, bình lặng như dòng nước của sông Thames (chảy qua thủ đô nước Anh)".
Le Figaro cũng dành tựa lớn trang nhất cho vụ khủng bố ở Luân Đôn, nhưng mở rộng tầm nhìn ra toàn Châu Âu : "Khủng bố Hồi Giáo cực đoan : Châu Âu trong tình trạng báo động".Trong bài xã luận, nhà báo tên tuổi Arnaud de La Grange đã liên tưởng đến những vụ khủng bố ở Pháp và Châu Âu :
"Trong một thời gian dài, khi nói về nguy cơ khủng bố ở Châu Âu, người ta thường đối lập Pháp với những nước khác vì nước Pháp gần như là đã mặc nhiên phải trả giá cho việc tham chiến chống lại Hồi Giáo cực đoan ở vùng Bắc Phi và Trung Đông. Ngày nay, Pháp không còn đơn độc, nhưng không nên lấy thế làm mừng, mà nên xem đó là một sự khuyến khích các nước cùng sát cánh bên nhau trên tuyến đầu (trong mặt trận chống khủng bố)".
Trong bài "Kẻ sát nhân ở Luân Đôn là "một chiến binh của Daesh"", tức là tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, Le Figaro cũng nêu bật : "Sau cú sốc, người Anh muốn cho thế giới một bài học về tính phớt tỉnh ăng-lê đầy huyền thoại của họ, tóm tắt trong khẩu hiệu đưa ra vào năm 1940 khi Luân Đôn bị mưa bom của Hitler "Keep calm and carry on" (Cứ giữ bình tĩnh và tiếp tục hoạt động)".
Le Figaro không khỏi tấm tắc trước lời nhắn nhủ trên biển báo điện tử của hệ thống tàu điện Luân Đôn sau khi khủng bố xẩy ra : "Chúng tôi nhắc nhở tất cả những kẻ khủng bố rằng đây là Luân Đôn, và cho dù các người có làm gì chúng tôi chăng nữa, thì chúng tôi vẫn sẽ uống trà và tiếp tục vui vẻ. Cảm ơn !".
Pháp : Ứng viên Macron muốn khôi phục đầu tầu Pháp-Đức
Chủ đề quan trọng thứ hai được các báo chú ý trên trang nhất là các diễn biến mới nhất trong cuộc vận động tranh cử tổng thống Pháp, đặc biệt liên quan ứng viên Emmanuel Macron.
Báo Libération đã đăng trên gần trọn trang nhất một tấm ảnh bán thân của nhân vật Macron, bên cạnh hàng tựa lớn như trích lời ứng viên : "Châu Âu, nước Đức và chúng ta".
Ngay tiểu tựa bên dưới, tờ báo giải thích là trong một bài phỏng vấn độc quyền cho Libération, ứng viên của phong trào En marche đã cho biết chi tiết về chiến lược Châu Âu của mình. Theo Libération, đó là "bám sát Berlin để thúc đẩy trở lại đầu tầu Pháp-Đức từng kéo Châu Âu về phía trước".
Trong bài xã luận, nhật báo thiên tả này dĩ nhiên là hết sức ủng hộ chủ trương của ông Macron : "Trong chiến dịch vận động tranh cử lần này cũng như những lần trước đây, đa số các ứng cử viên đều hung hăng múa kiếm gỗ - (người Việt gọi nôm na là "chém gió") : Rồi đồng bào sẽ thấy, Đức sẽ phải nép mình nếu tôi được bầu lên ! Để rồi khi họ đắc cử, mọi thái độ kiên quyết đều phải xẹp xuống để có thể đi vào khuôn khổ của một kiến trúc dựa trên văn hóa thỏa hiệp. Ông Macron đã quay lưng lại hẳn với chiến lược đó - thay vì ép buộc - một tham vọng vô ích - cần phải trấn an và quyến rũ nước Đức".
Pháp : Macron được hậu thuẫn của bộ trưởng Quốc Phòng Le Drian
Các báo cũng chú ý đến sự kiện ông Macron vừa được một nhân vật nặng ký trong chính quyền Pháp đương nhiệm hậu thuẫn. Đó là bộ trưởng Quốc Phòng Jean-Yves Le Drian, một chính khách có uy tín cả đối với cánh tả lẫn cánh hữu.
Đối với Le Monde, ông Le Drian là bộ trưởng thứ ba trong chính quyền François Hollande tuyên bố ủng hộ ông Macron, nhưng lại là một hậu thuẫn rất quý giá vì lẽ ứng viên của phong trào Tiến Bước ! thường bị đánh giá là yếu kém hơn trong lãnh vực quốc phòng so với các lãnh vực khác.
Le Figaro cũng cùng một nhận xét với Le Monde, nhưng lại nhận thấy rằng đó là một vố đau cho ứng cử viên chính thức của đảng Xã Hội Benoit Hamon. Tờ báo này cho rằng các vụ quay sang ủng hộ ông Macron là những liều "thuốc độc" càng lúc càng đe dọa cuộc vận động tranh cử của ứng viên đảng Xã Hội.
Trong bài xã luận, nhật báo thiên hữu này ghi nhận : "Việc ông Jean-Yves Le Drian quay sang ủng hộ ông Emmanuel Macron đã hoàn tất tiến trình biến ứng cử viên của phong trào Tiến Bước thành đại diện của cánh tả cầm quyền, xu hướng trung dung và biết điều hành việc công. Sự kiện này đã nhốt chặt thêm ửng cử viên Hamon (đảng Xã Hội) vào thế đối mặt với ông Mélenchon thuộc xu hướng muốn dẹp bỏ hết, nhưng lại rất có tài hùng biện".
Bulgaria : Ảnh hưởng nặng nề của Nga trên đời sống chính trị
Dưới tựa đề "Một tầng lớp chính trị và kinh tế mang dấu ấn của Gấu Nga", báo Le Figaro nhìn sang Bulgaria, trích lời cựu đại sứ tại Nga, Ilian Vassilev, khẳng định : "Tân chính quyền ở Sofia sẽ ngấm ngầm hoặc công khai thiên về phía Nga, và bớt xích lại Châu Âu và phương Tây".
Đây không phải chỉ là ý kiến nhà cựu ngoại giao Bulgaria, và nhiều chuyên gia khác tại đây cũng cùng quan điểm, mô tả trọng lượng to lớn của Nga ở đất nước họ, không chỉ về kinh tế mà cả trên mặt văn hóa và chính trị.
Theo ông Ilian Vassilev, Moskva đã gây sức ép một cách trắng trợn trên chính giới Bulgaria. Leonid Reshetnikov, một cựu quan chức tình báo, đã nhiều lần đến Sofia trước cuộc bầu cử tổng thống tháng 11/2016 : ông đến ngay vào đầu năm, yêu cầu tổng thống mãn nhiệm không mấy ưa thích Nga không ra tái ứng cử, và sau đó vào tháng 8, để áp đặt một lãnh đạo mới cho đảng Xã Hội Bulgaria, vạch đường đi nước bước để tìm ứng viên tổng thống thích hợp ra tranh cử.
Theo Le Figaro các nhà báo độc lập, giới nghiên cứu, các nhà quan sát đều xác nhận kịch bản trên. Kết quả cuối cùng là tổng thống mãn nhiệm Rossen Plevneliev, vốn xem Nga là một quốc gia hung hăng, đã không được đảng của ông, Gerb, đề cử ra tranh cử, mà chọn một phụ nữ không có sức thuyết phục. Trong lúc đó chủ tịch đảng Xã Hội Bulgaria (BSP) cũng là một phụ nữ, bà Korneliya, luôn khẳng định chống lại việc Châu Âu trừng phạt Nga.
Còn người được bầu làm tổng thống, Roumen Radev thì cho là Crimea trên thực tế là vùng của Nga, cho nên cũng phản đối trừng phạt của Châu Âu sau khi Nga sát nhập Crimea.
Trọng Nghĩa