Nắng nóng kỷ lục : Cây xanh trong đô thị và tiết kiệm nguồn nước
Báo chí Pháp ra hôm nay 26/07/2019 dĩ nhiên không thể bỏ qua ngày nắng nóng kỷ lục mà Pháp và Châu Âu vừa phải trải qua vào hôm qua, rõ nhất là Le Monde, Libération và La Croix đã dành tựa lớn trang nhất cho chủ đề thời tiết này.
Nắng nóng kỷ lục, nhiệt độ ngoài trời lên tới gần 41°C, dân Paris đổ ra đài phun nước ở quảng trường Trocadéro, trước tháp Eiffel làm mát, ngày 25/07/2019. Reuters/Pascal Rossignol
Trang nhất Le Monde chạy tựa "Trái Đất đang sống một thời kỳ nóng nhất của mình từ 2000 năm nay", nêu bật một công trình nghiên cứu của các nhà cổ sinh vật học, xác nhận tính chất thuần nhất chưa từng thấy của hiện tượng nóng lên toàn cầu hiện nay.
Trái Đất nóng lên : Nhanh hơn, mạnh hơn và đều khắp
Bản báo cáo công bố ngày 24/07/2019 trên tạp chí Nature và Nature Geoscience, đã được bà Valérie Masson-Delmotte, nhà cổ sinh vật học và điều phối viên của chương về khí hậu trong quá khứ, trong bản báo cáo mới nhất của Nhóm chuyên gia liên chính phủ về biến đổi GIEC (hay IPCC), đánh giá là "một công trình hoàn chỉnh nhất từ trước đến nay".
Theo ghi nhận của Le Monde, trong lãnh vực khí hậu, nghiên cứu quá khứ để hiểu hiện tại có thể là điều rất quan trọng. Nhờ một phân tích cực kỳ có hệ thống, nhóm nghiên cứu quốc tế tác giả công trình vừa công bố đã phác họa lại được 2000 năm biến đổi nhiệt độ trên quy mô hành tinh.
Các nhà nghiên cứu đã thấy rằng hiện tượng Trái Đất nóng lên hiện nay là điều chưa từng thấy không chỉ về cường độ và tốc độ, mà còn do tính chất phổ quát của nó. Quả đúng là cũng có một số giai đoạn nóng lên hay lạnh đi trong khoảng thời gian từ năm 1 cho đến cuộc thời kỳ tiền công nghiệp, nhưng chưa bao giờ hiện tượng nóng lên lại ảnh hưởng đồng thời đến tất cả các khu vực trên hành tinh.
Trời nóng, đô thị cần bám vào cây xanh
Libération cũng dành hồ sơ chính cho cơn nắng nóng kỷ lục đổ ập xuống Pháp và Châu Âu, nhưng lại chơi trò tương phản trên trang nhất, chủ yếu dùng màu xanh lá cây và chạy tựa "Đô thị đang bám vào cây xanh".
Tờ báo giải thích : Do việc phải đối phó với những cơn nắng nóng càng lúc càng nhiều đến từ việc Trái Đất bị hâm nóng, nhiều thành phố lớn đã quan tâm đến việc trồng những "khu rừng đô thị" để làm giảm bớt sức nóng. Một trong những ưu điểm của giải pháp trồng thêm cây xanh là giúp giảm bớt việc dùng máy lạnh, rất có hại cho khí quyển.
Phát triển cây xanh trong thành phố : Nhất bản vạn lợi !
Trong bài xã luận, Libération thừa nhận một cách hóm hỉnh rằng "Tất nhiên không ai cho rằng sự hiện diện của cây xanh trong các thành phố, của các khu vườn trên mái của các tòa nhà là giải pháp tối thượng, hoặc là biện pháp tốt để chống biến đổi khí hậu ngay từ gốc".
Tuy nhiên, theo tờ báo Pháp, trong cuộc đấu tranh chống biến đổi khí hậu, vai trò của các cấp địa phương cũng quan trọng, và đã đến lúc "các đại biểu dân cử địa phương đặt một ít đất, cành, lá, tóm lại là chất xanh, ở trung tâm các thành phố của chúng ta".
Đối với Libération, vấn đề không chỉ là bảo vệ môi trường, mà còn có lợi ích kinh tế thiết thực.
Khi xây dựng một không gian công cộng mới cho thành phố, dùng bê tông, gạch ngói luôn luôn đắt hơn việc trồng cây. Hãng tư vấn Astérès chẳng hạn đã ước tính rằng việc tăng 10% không gian xanh tại các thành phố sẽ giúp giảm được 94 triệu euro chi phí y tế nhờ giảm được các trường hợp hen suyễn và tăng huyết áp.
Theo Libération, đánh giá của Ngân hàng Canada TD, dựa trên số lượng cây có ở thành phố Toronto còn rõ ràng hơn nữa. Khi đầu tư 1 đô la vào một trong những công việc liên quan đến cây cối trong thành phố (mua, trồng, bảo trì), thì món tiền thu về được ước tính là từ 1,35 đến 3,50 đô la. Đối với Libération, hiệu quả kinh tế đúng là rất tốt, nhất là khi ngân hàng TD, trong quá trình tính toán, đã không tính đến các khoản tiết kiệm được trong phần chi tiêu y tế.
Người Pháp cần thích ứng với tình trạng khan hiếm nước
Trời nóng dĩ nhiên là khát nước. Đợt nắng nóng ập xuống nước Pháp như đã thúc đẩy nhật báo công giáo La Croix dành hồ sơ chính và trang nhất cho vấn đề được nêu thành tựa lớn : "Liệu chúng ta đã sẵn sàng để sống với ít nước hơn hay chưa ?"
Đối với La Croix, vấn đề đang đặt ra cho nước Pháp là phải nghĩ cách tiết kiệm và chia sẻ nước tốt hơn, đồng thời bảo tồn những vùng đất ngập nước. Một cuộc hội thảo về vấn đề nước vào đầu tháng Bảy đã đặt ra mục tiêu giảm 10% lượng nước lấy từ các nguồn tự nhiên trong vòng 5 năm và 25% trong 15 năm tới đây.
Để đạt được các mục tiêu này, tất cả các tác nhân đều phải xem xét lại mối quan hệ của mình với nước. Một ví dụ điển hình. Tại Pháp, chỉ riêng ngành nông nghiệp đã sử dụng một nửa lượng nước tiêu dùng.
Theo giải thích của La Croix, câu hỏi đặt ra là làm sao để thích ứng với tình hình một nước Pháp ngày càng khô cằn ? Do tình trạng Trái Đất bị hâm nóng, Cục Nghiên cứu địa chất và khoáng sản Pháp BRGM dự đoán nguồn cung cấp nước ngầm sẽ giảm từ 10 đến 25% vào thời điểm năm 2045-2065 tại Pháp. Đồng thời, nhiệt độ nóng thêm sẽ làm tăng nhu cầu nước uống và nước tưới.
Vấn đề sử dụng nước tốt hơn do đó sẽ trở thành trung tâm. Tất cả các tác nhân, từ công dân đến nhà công nghiệp, thông qua giới nhà nông, tất cả sẽ bị buộc phải suy nghĩ lại về cách làm việc và sinh hoạt của mình, sao cho tiết kiệm được nguồn tài nguyên đang khan hiếm đi này và tìm sự cân bằng bền vững trong cách tiêu thụ nước.
Thế Vận Hội Paris 2024 có thoát được lời nguyền lạm chi ?
Trái với ba đồng nghiệp Le Monde, Libération và La Croix đã chú tâm đến vấn đề môi trường khí hậu, nhật báo Le Figaro đã dành trang nhất cho một sự kiện còn lâu mới xẩy ra : Thế Vận Hội mùa hè 2024 sẽ diễn ra tại Paris.
Ngay trang nhất, Le Figaro chạy tựa "Olympic 2024 : Một thách thức kinh tế đối với Pháp". Đối với tờ báo, đây là một sự kiện chưa từng thấy, với một ngân sách 7 tỷ euros, nhưng có thể mang lại 11 tỷ euros về lợi ích kinh tế.
Theo Le Figaro, Thế Vận Hội là một sự kiện toàn cầu, với những con số khủng khiếp : 100.000 giờ phát sóng trên TV, 4 tỷ người xem, hơn 13 triệu vé được bán ra, hơn 3 tỷ euro đầu tư... Đây có thể là cơ may phát triển cho nước Pháp với 11 tỷ euro lợi ích kinh tế thu hoạch được và 150.000 công ăn việc làm được tạo ra.
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho báo Le Figaro, Tony Estanguet, vận động viên chèo thuyền đã giành được ba huy chương Olympic, người hiện là chủ tịch Ban tổ chức Thế Vận Hội Paris 2024, đã điểm lại những tiến triển của dự án thế vận, một công trình đặt nặng vấn đề thân thiện với môi trường, nhưng cũng rất tiết kiệm trong vấn đề kinh tế với cam kết không vượt quá ngân sách dự trù.
Trong bài xã luận, Le Figaro đã nêu bật lời cảnh báo về nguy cơ chi phí tổ chức Thế vận hội Paris tăng vọt.
Theo tờ báo Pháp, từ nhiều thập kỷ nay, việc chi phí tăng vọt là một lời nguyền luôn đè nặng trên các thành phố đăng cai thế vận hội, mà không nơi nào thoát được, dù đó là Rio de Janeiro ở Brazil, Luân Đôn ở Anh Quốc, cho đến Athens ở Hy Lạp.
Với một ngân sách xấp xỉ 7 tỷ, ít hơn sáu lần so với sự điên rồ của Thế Vận Hội mùa đông tại Sochi (Nga), Paris hứa hẹn tổ chức sự kiện với mức giá thật chặt chẽ. Để biện minh cho sự đạm bạc này, thành phố Paris bảo vệ một dự án dựa trên 95% cơ sở hạ tầng hiện có hoặc sẽ chỉ được xây dựng tạm thời.
Chủ tịch Ban tổ chức Thế Vận là Tony Estanguet đã cam kết rằng các tài khoản sẽ được cân bằng, khi bị lạm chi. Đối với Le Figaro, nếu thực sự xẩy ra, thì đó sẽ là một phép màu, và lúc đó, có lẽ Nhà nước Pháp phải nghĩ đến việc bổ nhiệm ông làm bộ trưởng Bộ Kinh tế.
Lý do, theo Le Figaro, rất đơn giản : Từ Élysée tức phủ tổng thống, cho đến Bercy, tức bộ Kinh tế, cho đến nay chưa ai giữ được lời hứa về không tăng chi phí !
Lo ngại dâng lên về tăng trưởng Châu Âu
Cũng chú ý đến kinh tế, nhưng nhìn rộng ra toàn Châu Âu, nhật báo kinh tế Les Echos vào hôm nay đã dành tựa lớn cho vấn đề tăng trưởng cho rằng "Nỗi lo ngại đang tăng cao" về tăng trưởng của Châu Âu.
Đối với tờ báo, trước nguy cơ triển vọng tăng trưởng xấu đi trong khu vực sử dụng đồng euro, Ngân hàng Trung ương Châu Âu đã sẵn sàng hành động. Định chế này đang chuẩn bị cho hạ thấp lãi suất và một kế hoạch mới nhằm mua lại tài sản.
Trọng Nghĩa