Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Nắng nóng kỷ lục khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn, thu nhập giảm

RFA, 09/05/2023

Cuối tuần vừa qua, cả Việt Nam vừa trải qua một đợt nắng nóng kỷ lục trong vòng hai thập niên qua khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

nong1

Ảnh minh họa thời tiết nóng nực - A FP

Ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và nhiều nơi khác, nền nhiệt phổ biến ở mức 36-39 độ C. Truyền thông Nhà nước đưa tin nhiệt độ cao nhất được xác lập tại huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) là 44,1 độ C vào ngày 06/5.

Nắng nóng kéo dài hai ngày, và tới chủ nhật (07/5), nhiều tỉnh thành ở phía Nam xuất hiện mưa làm không khí dịu lại. Ở Hà Nội và một số nơi của Bắc Bộ, mưa và không khí lạnh đã tràn về.

"Nóng nhất trong vòng hai mươi năm qua"

Ông Đỗ Thế Đăng, một kỹ sư làm việc ở một công ty liên quan đến hàng không ở Hà Nội cho biết thời tiết nóng một cách bất thường trong hai ngày cuối tuần. Ông chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do (RFA) vào sáng ngày 09/5 :

"Thời tiết kinh khủng luôn. Đi làm mà người ướt sũng ra. Nhiệt độ do được ở sân bay là 40 độ C trong khi anh em nói nhiệt độ trên đường băng là 65 độ".

Ông cho biết trong ngày thứ bảy vừa qua, dân kinh doanh ở phố đi bộ thuộc trung tâm thủ đô Hà Nội thất thu nặng nề vì đường phố không một bóng người do nắng nóng.

Ông nói trong văn phòng của công ty ông điều hòa hoạt động hết công suất nhưng không lại được với thời tiết, và nhiều thiết bị báo cháy kêu lên vì nóng.

Nhà quan sát Đinh Kim Phúc từ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đợt nóng này kéo dài trong hai ngày khiến cả thành phố hừng hực, nhiệt độ trong phòng khách nhà ông lên tới 34 độ C.

"Tôi cho rằng đợt nóng này là nóng nhất trong vòng hai mươi năm qua", ông nói với RFA vào sáng thứ ba, và dự đoán tình trạng này sẽ lặp lại nhiều hơn vào hè này và nhiều năm tới.

"Vấn đề thời tiết này không chỉ tác động đến đời sống bình thường của con người mà nó tác động đến tâm sinh lý của mỗi người tùy theo hoàn cảnh sống của mỗi người. Vấn đề suy thoái kinh tế, vấn đề thất nghiệp, những vấn đề của chính trị xã hội cộng với thời tiết nóng bức thì dễ dẫn con người ta đến phát điên và có những hành động khó kiểm soát", ông Phúc nói.

Ông cho biết bản thân ông bị nhiễm bệnh viêm da cơ địa mãn tính nên cảm thấy rất khó chịu khi trời nóng, đặc biệt như đợt nóng vừa qua.

Thời tiết nóng ảnh hưởng nặng nề tới cuộc sống của những người lao động ở trên đường phố. Một người đàn ông chạy xe ôm công nghệ Grab ở Thành phố Hồ Chí Minh trong nhiều năm nay cho RFA biết vì nắng gắt nên ở thời điểm giữa trưa và đầu giờ chiều hai ngày cuối tuần qua ông phải tạm dừng lao động để tránh nóng, và do vậy thu nhập của ông giảm khoảng 20%, từ 500.000 đồng/ngày trong những ngày bình thường xuống còn 400.000 đồng. 

Bà Lê Thị Bình, một chủ cửa hàng bán thức ăn và dịch vụ ăn uống ở Phú Quốc cho biết thời tiết tuần nay mưa nóng thất thường, nắng nóng trong khi mưa ngắn. Do thời tiết bất lợi nên việc kinh doanh của gia đình cũng bị suy giảm khoảng 30%, bà chia sẻ với RFA vào ngày 09/5.

Không chỉ riêng Việt Nam

Phó Giáo sư Tiến sĩ Anh Tuấn, cựu Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ), cho RFA biết đợt nắng nóng vừa qua xảy ra không chỉ riêng ở Việt Nam mà cả vùng Châu Á đang bị ảnh hưởng nặng nề.

"Chúng ta có thể xem những dự báo thời tiết ở trên thế giới cho thấy từ Ấn Độ đi qua cả vùng Đông Nam Á đều bị nắng nóng hết. Tuy nhiên ở một số vùng nắng nóng nó đặc biệt nóng và vượt qua kỷ lục nắng nóng đợt trước", ông nói với RFA từ Italy, nơi ông đang có chuyến công tác dài ngày.

Ông giải thích về đợt nắng nóng vừa qua :

"Nguyên nhân theo tôi được hiểu đang có dấu hiệu là hiện tượng El Nino quay trở lại khu vực của biển Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương và đồng thời nó kết hợp với những sự bất thường và sóng nhiệt nó gia tăng ở trong khu vực làm cho nắng nóng gia tăng gay gắt.

Đặc biệt là những vùng nằm sâu trong lục địa ghi nhận nắng nóng kỷ lục". 

Theo ông, mùa hè này sẽ rất gay gắt, đặc biệt ở các vùng đô thị của Việt Nam. Bên cạnh hiện tượng biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan gia tăng, hoạt động của con người cũng làm cho cuộc sống của người dân ngột ngạt hơn.

"Ở vùng đô thị như Sài Gòn, Hà Nội hay là các vùng khác là do hoạt động của con người, mật độ giao thông hiện nay càng ngày càng gia tăng lên phát triển đô thị quá nhiều nên diện tích cây xanh hay là mặt hồ bị thu hẹp lại, đồng thời các công sở sử dụng năng lượng nhiều hơn. Tất cả hơi nóng thổi ra ngoài không gian bên ngoài nên làm cho nhiệt độ trở lên gay gắt và khó chịu hơn".

Ông dự báo : "Trong các năm tới, khô hạn sẽ gia tăng lên, và điều này ảnh hưởng rất nhiều tới cuộc sống ở vùng đô thị và sản xuất ở vùng nông nghiệp. Đặc biệt ở các vùng ven biển nước mặn sẽ xâm nhập sâu hơn vào trong nội địa. Tôi dự báo năm nay hoặc trong hai năm tới hiện tượng này sẽ lặp lại".

Theo ông, rất khó để người dân có thể đối phó với thời tiết bất thường như đợt nóng vừa qua. Tuy nhiên, con người có thể giảm thiểu tác động bằng cách tăng diện tích cây xanh và mặt hồ nước, thậm chí làm các vòi phun nước.

Bên cạnh đó, giảm phương tiện cá nhân và phát triển phương tiện giao thông công cộng cũng mang lại lợi ích.

Theo ông Đinh Kim Phúc, Việt Nam phải giảm sự lệ thuộc vào nhiệt điện than và tăng cường phát triển năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời. Bên cạnh việc xả thải gây ô nhiễm môi trường dẫn đến hàng chục ngàn người chết vì bệnh ung thư mỗi năm thì nhiệt điện than cũng làm cho không khí nóng lên và gây ra biến đổi khí hậu.

"Tôi không cho rằng đây (thời tiết cực đoạn- PV) là lỗi tại thiên nhiên mà đây là bàn tay của con người phá rừng và sử dụng nhiêu liệu hóa thạch quá nhiều khiến bầu khí quyển thay đổi một cách căn bản.

Tôi tha thiết Chính phủ Việt Nam xem lại kế hoạch phát triển nguồn điện của mình, nhất là trong vấn đề sử dụng điện than, vì đây không phải là vấn đề của riêng ai, cuộc sống của cả lãnh đạo và người bình dân đều bị đe dọa".

************************

Sau 4 năm, kỷ lục nắng nóng ở Việt Nam bị phá vỡ vào đúng ngày lập hạ

An An, Lao Động online, 07/05/2023

Vào ngày 6/5, xã Hồi Xuân ở Thanh Hoá ghi nhận nhiệt độ lên tới 44,1 độ C, phá vỡ kỷ lục nhiệt độ cao nhất từ trước đến nay ở nước ta.

nong2

Mức nhiệt 44,1 độ C vào ngày 6/5 ở Thanh Hóa đã phá vỡ kỷ lục nhiệt độ ở Việt Nam. Ảnh : Vũ Linh.

Hôm qua 6/5 - ngày lập hạ của năm 2023, phía Tây Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên đã xảy ra nắng nóng đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 38 - 41 độ C, có nơi trên 42 độ C như : Lạc Sơn (Hòa Bình) 43,4 độ C, Hòa Bình 42,5 độ C, Quỳ Châu (Nghệ An) 43,2 độ C, Tương Dương (Nghệ An) 43,5 độ C, Tây Hiếu (Nghệ An) 43,3 độ, Con Cuông (Nghệ An) 42,6 độ C, Hương Khê (Hà Tĩnh) 42,2 độ C…

Đặc biệt, cũng trong ngày lập hạ xã Hồi Xuân ở Thanh Hoá ghi nhận nhiệt độ lên tới 44,1 độ C phá vỡ mức nhiệt độ kỷ lục trước đó là 43,4 độ C xuất hiện ở Hương Khê (Hà Tĩnh) vào ngày 20/4/2019.

Trước đó, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cũng đưa ra nhận định, trong đợt nắng nóng này, Tây Bắc Bộ và vùng núi các tỉnh từ Thanh Hoá đến Thừa Thiên Huế, nhiều điểm nhiệt độ khả năng cao trên 40-41 độ C, một số điểm có thể vượt giá trị lịch sử cùng kì tháng 5.

Trong ngày 6/5 phía Đông Bắc Bộ có nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 37 - 39 độ C, có nơi trên 40 độ C như : Bắc Mê (Hà Giang) 41,4 độ, Bảo Lạc (Cao Bằng 41,4 độ, Hoài Đức (Hà Nội) 40,2 độ, Nho Quan (Ninh Bình) 42,0 độ,…

Tây Nguyên và Nam Bộ có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35 - 37 độ C, có nơi trên 37 độ C.

Ngày 7/5, dự báo khu vực phía Tây Bắc Bộ xảy ra nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 36 - 38 độ C, có nơi trên 39 độ C ; khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên xảy ra nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 36 - 39 độ C, có nơi trên 40 độ C; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 30 - 45%.

Khu vực đồng bằng Bắc Bộ có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35 - 36 độ C ; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 45 - 60%.

Khu vực Nam Bộ có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35 - 37 độ C ; độ ẩm tương đối thấp nhất 40 - 60%. Từ ngày 8/5 nắng nóng diện rộng có khả năng chấm dứt.

An An

Published in Việt Nam

Nắng nóng kỷ lục : Cây xanh trong đô thị và tiết kiệm nguồn nước

Báo chí Pháp ra hôm nay 26/07/2019 dĩ nhiên không thể bỏ qua ngày nắng nóng kỷ lục mà Pháp và Châu Âu vừa phải trải qua vào hôm qua, rõ nhất là Le Monde, Libération La Croix đã dành tựa lớn trang nhất cho chủ đề thời tiết này.

nang1

Nắng nóng kỷ lục, nhiệt độ ngoài trời lên tới gần 41°C, dân Paris đổ ra đài phun nước ở quảng trường Trocadéro, trước tháp Eiffel làm mát, ngày 25/07/2019. Reuters/Pascal Rossignol

Trang nhất Le Monde chạy tựa "Trái Đất đang sống một thời kỳ nóng nhất của mình từ 2000 năm nay", nêu bật một công trình nghiên cứu của các nhà cổ sinh vật học, xác nhận tính chất thuần nhất chưa từng thấy của hiện tượng nóng lên toàn cầu hiện nay.

Trái Đất nóng lên : Nhanh hơn, mạnh hơn và đều khắp

Bản báo cáo công bố ngày 24/07/2019 trên tạp chí Nature Nature Geoscience, đã được bà Valérie Masson-Delmotte, nhà cổ sinh vật học và điều phối viên của chương về khí hậu trong quá khứ, trong bản báo cáo mới nhất của Nhóm chuyên gia liên chính phủ về biến đổi GIEC (hay IPCC), đánh giá là "một công trình hoàn chỉnh nhất từ trước đến nay".

Theo ghi nhận của Le Monde, trong lãnh vực khí hậu, nghiên cứu quá khứ để hiểu hiện tại có thể là điều rất quan trọng. Nhờ một phân tích cực kỳ có hệ thống, nhóm nghiên cứu quốc tế tác giả công trình vừa công bố đã phác họa lại được 2000 năm biến đổi nhiệt độ trên quy mô hành tinh.

Các nhà nghiên cứu đã thấy rằng hiện tượng Trái Đất nóng lên hiện nay là điều chưa từng thấy không chỉ về cường độ và tốc độ, mà còn do tính chất phổ quát của nó. Quả đúng là cũng có một số giai đoạn nóng lên hay lạnh đi trong khoảng thời gian từ năm 1 cho đến cuộc thời kỳ tiền công nghiệp, nhưng chưa bao giờ hiện tượng nóng lên lại ảnh hưởng đồng thời đến tất cả các khu vực trên hành tinh.

Trời nóng, đô thị cần bám vào cây xanh

Libération cũng dành hồ sơ chính cho cơn nắng nóng kỷ lục đổ ập xuống Pháp và Châu Âu, nhưng lại chơi trò tương phản trên trang nhất, chủ yếu dùng màu xanh lá cây và chạy tựa "Đô thị đang bám vào cây xanh".

Tờ báo giải thích : Do việc phải đối phó với những cơn nắng nóng càng lúc càng nhiều đến từ việc Trái Đất bị hâm nóng, nhiều thành phố lớn đã quan tâm đến việc trồng những "khu rừng đô thị" để làm giảm bớt sức nóng. Một trong những ưu điểm của giải pháp trồng thêm cây xanh là giúp giảm bớt việc dùng máy lạnh, rất có hại cho khí quyển.

Phát triển cây xanh trong thành phố : Nhất bản vạn lợi !

Trong bài xã luận, Libération thừa nhận một cách hóm hỉnh rằng "Tất nhiên không ai cho rằng sự hiện diện của cây xanh trong các thành phố, của các khu vườn trên mái của các tòa nhà là giải pháp tối thượng, hoặc là biện pháp tốt để chống biến đổi khí hậu ngay từ gốc".

Tuy nhiên, theo tờ báo Pháp, trong cuộc đấu tranh chống biến đổi khí hậu, vai trò của các cấp địa phương cũng quan trọng, và đã đến lúc "các đại biểu dân cử địa phương đặt một ít đất, cành, lá, tóm lại là chất xanh, ở trung tâm các thành phố của chúng ta".

Đối với Libération, vấn đề không chỉ là bảo vệ môi trường, mà còn có lợi ích kinh tế thiết thực.

Khi xây dựng một không gian công cộng mới cho thành phố, dùng bê tông, gạch ngói luôn luôn đắt hơn việc trồng cây. Hãng tư vấn Astérès chẳng hạn đã ước tính rằng việc tăng 10% không gian xanh tại các thành phố sẽ giúp giảm được 94 triệu euro chi phí y tế nhờ giảm được các trường hợp hen suyễn và tăng huyết áp.

Theo Libération, đánh giá của Ngân hàng Canada TD, dựa trên số lượng cây có ở thành phố Toronto còn rõ ràng hơn nữa. Khi đầu tư 1 đô la vào một trong những công việc liên quan đến cây cối trong thành phố (mua, trồng, bảo trì), thì món tiền thu về được ước tính là từ 1,35 đến 3,50 đô la. Đối với Libération, hiệu quả kinh tế đúng là rất tốt, nhất là khi ngân hàng TD, trong quá trình tính toán, đã không tính đến các khoản tiết kiệm được trong phần chi tiêu y tế.

Người Pháp cần thích ứng với tình trạng khan hiếm nước

Trời nóng dĩ nhiên là khát nước. Đợt nắng nóng ập xuống nước Pháp như đã thúc đẩy nhật báo công giáo La Croix dành hồ sơ chính và trang nhất cho vấn đề được nêu thành tựa lớn : "Liệu chúng ta đã sẵn sàng để sống với ít nước hơn hay chưa ?"

Đối với La Croix, vấn đề đang đặt ra cho nước Pháp là phải nghĩ cách tiết kiệm và chia sẻ nước tốt hơn, đồng thời bảo tồn những vùng đất ngập nước. Một cuộc hội thảo về vấn đề nước vào đầu tháng Bảy đã đặt ra mục tiêu giảm 10% lượng nước lấy từ các nguồn tự nhiên trong vòng 5 năm và 25% trong 15 năm tới đây.

Để đạt được các mục tiêu này, tất cả các tác nhân đều phải xem xét lại mối quan hệ của mình với nước. Một ví dụ điển hình. Tại Pháp, chỉ riêng ngành nông nghiệp đã sử dụng một nửa lượng nước tiêu dùng.

Theo giải thích của La Croix, câu hỏi đặt ra là làm sao để thích ứng với tình hình một nước Pháp ngày càng khô cằn ? Do tình trạng Trái Đất bị hâm nóng, Cục Nghiên cứu địa chất và khoáng sản Pháp BRGM dự đoán nguồn cung cấp nước ngầm sẽ giảm từ 10 đến 25% vào thời điểm năm 2045-2065 tại Pháp. Đồng thời, nhiệt độ nóng thêm sẽ làm tăng nhu cầu nước uống và nước tưới.

Vấn đề sử dụng nước tốt hơn do đó sẽ trở thành trung tâm. Tất cả các tác nhân, từ công dân đến nhà công nghiệp, thông qua giới nhà nông, tất cả sẽ bị buộc phải suy nghĩ lại về cách làm việc và sinh hoạt của mình, sao cho tiết kiệm được nguồn tài nguyên đang khan hiếm đi này và tìm sự cân bằng bền vững trong cách tiêu thụ nước.

Thế Vận Hội Paris 2024 có thoát được lời nguyền lạm chi ?

Trái với ba đồng nghiệp Le Monde, Libération La Croix đã chú tâm đến vấn đề môi trường khí hậu, nhật báo Le Figaro đã dành trang nhất cho một sự kiện còn lâu mới xẩy ra : Thế Vận Hội mùa hè 2024 sẽ diễn ra tại Paris.

Ngay trang nhất, Le Figaro chạy tựa "Olympic 2024 : Một thách thức kinh tế đối với Pháp". Đối với tờ báo, đây là một sự kiện chưa từng thấy, với một ngân sách 7 tỷ euros, nhưng có thể mang lại 11 tỷ euros về lợi ích kinh tế.

Theo Le Figaro, Thế Vận Hội là một sự kiện toàn cầu, với những con số khủng khiếp : 100.000 giờ phát sóng trên TV, 4 tỷ người xem, hơn 13 triệu vé được bán ra, hơn 3 tỷ euro đầu tư... Đây có thể là cơ may phát triển cho nước Pháp với 11 tỷ euro lợi ích kinh tế thu hoạch được và 150.000 công ăn việc làm được tạo ra.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho báo Le Figaro, Tony Estanguet, vận động viên chèo thuyền đã giành được ba huy chương Olympic, người hiện là chủ tịch Ban tổ chức Thế Vận Hội Paris 2024, đã điểm lại những tiến triển của dự án thế vận, một công trình đặt nặng vấn đề thân thiện với môi trường, nhưng cũng rất tiết kiệm trong vấn đề kinh tế với cam kết không vượt quá ngân sách dự trù.

Trong bài xã luận, Le Figaro đã nêu bật lời cảnh báo về nguy cơ chi phí tổ chức Thế vận hội Paris tăng vọt.

Theo tờ báo Pháp, từ nhiều thập kỷ nay, việc chi phí tăng vọt là một lời nguyền luôn đè nặng trên các thành phố đăng cai thế vận hội, mà không nơi nào thoát được, dù đó là Rio de Janeiro ở Brazil, Luân Đôn ở Anh Quốc, cho đến Athens ở Hy Lạp.

Với một ngân sách xấp xỉ 7 tỷ, ít hơn sáu lần so với sự điên rồ của Thế Vận Hội mùa đông tại Sochi (Nga), Paris hứa hẹn tổ chức sự kiện với mức giá thật chặt chẽ. Để biện minh cho sự đạm bạc này, thành phố Paris bảo vệ một dự án dựa trên 95% cơ sở hạ tầng hiện có hoặc sẽ chỉ được xây dựng tạm thời.

Chủ tịch Ban tổ chức Thế Vận là Tony Estanguet đã cam kết rằng các tài khoản sẽ được cân bằng, khi bị lạm chi. Đối với Le Figaro, nếu thực sự xẩy ra, thì đó sẽ là một phép màu, và lúc đó, có lẽ Nhà nước Pháp phải nghĩ đến việc bổ nhiệm ông làm bộ trưởng Bộ Kinh tế.

Lý do, theo Le Figaro, rất đơn giản : Từ Élysée tức phủ tổng thống, cho đến Bercy, tức bộ Kinh tế, cho đến nay chưa ai giữ được lời hứa về không tăng chi phí !

Lo ngại dâng lên về tăng trưởng Châu Âu

Cũng chú ý đến kinh tế, nhưng nhìn rộng ra toàn Châu Âu, nhật báo kinh tế Les Echos vào hôm nay đã dành tựa lớn cho vấn đề tăng trưởng cho rằng "Nỗi lo ngại đang tăng cao" về tăng trưởng của Châu Âu.

Đối với tờ báo, trước nguy cơ triển vọng tăng trưởng xấu đi trong khu vực sử dụng đồng euro, Ngân hàng Trung ương Châu Âu đã sẵn sàng hành động. Định chế này đang chuẩn bị cho hạ thấp lãi suất và một kế hoạch mới nhằm mua lại tài sản.

Trọng Nghĩa

Published in Quốc tế