Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

24/03/2017

Quốc tế : yêu cầu Venezuela tổ chức bầu cử, còn ai tin lời Trump

RFI tiếng Việt

Các nước Châu Mỹ đòi Venezuela thả tù chính trị và tổ chức bầu cử (RFI, 24/03/2017)

Mười bốn nước thuộc Tổ chức các Quốc gia Châu Mỹ (OEA) hôm 23/03/2017 kêu gọi Venezuela trả tự do cho các tù nhân chính trị và định ra lịch trình bầu cử. Việc OEA đưa ra thông cáo chung này cho thấy khả năng Venezuela có thể bị trục xuất ra khỏi tổ chức.

quocte1

Một quân nhân giữ trật tự dòng người chờ mua lương thực tại Caracas, Venezuela, ngày 19/07/2016. REUTERS/Carlos Garcia Rawlins

Bản thông cáo khuyến khích Venezuela "tái lập dân chủ", nối lại đối thoại nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế đang diễn ra tại đất nước giàu tài nguyên dầu lửa. Mười bốn nước OEA cũng kêu gọi Caracas tôn trọng tam quyền phân lập, Nhà nước pháp quyền và cụ thể hóa lịch trình bầu cử. Thông cáo cổ vũ Venezuela công nhận tính hợp pháp của Quốc Hội, hiện đang do đối lập nắm đa số.

Caracas đã bắt giam khoảng một trăm nhà đối lập, cáo buộc họ là xúi giục bạo động, âm mưu đảo chánh tổng thống Nicolas Maduro.

Cuộc bầu cử tổng thống Venezuela dự kiến được tổ chức vào tháng 12/2018. Còn cuộc bầu cử các thống đốc và thị trưởng lẽ ra vào tháng 12 năm ngoái đã bị hoãn lại đến năm 2017 và thời điểm cụ thể vẫn chưa được ấn định.

Tuần trước, tổng thư ký OEA Luis Almagro đã công bố một báo cáo 75 trang, đánh giá Venezuela là chế độ độc tài, nêu ra khả năng loại nước này ra khỏi tổ chức nếu không nhanh chóng tổ chức tổng tuyển cử. Đáp lại, ông Maduro tố cáo ông Almagro muốn xúc tiến "can thiệp quốc tế" chống lại Venezuela.

Trong quá khứ, OEA từng trục xuất Cuba và Honduras vì thiếu dân chủ. Mười bốn nước ký vào thông cáo trên đây gồm Argentina, Brazil, Canada, Chile, Colombia, Costa Rica, Hoa Kỳ, Guatemala, Honduras, Mexico, Panama, Paraguay, Peru và Uruguay.

Thụy My

******************

Tin hay không tin vào những phát biểu của tổng thống Mỹ Donald Trump (RFI, 23/03/2017)

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu như một ngày nào đó, không một người dân nào tại Mỹ cũng như trên thế giới không còn tin vào những gì ông Trump nói ? Giới chính khách Mỹ cả phe Cộng Hòa lẫn phe Dân Chủ lo ngại về tính khả tín trong các phát biểu của Trump, với tư cách là nguyên thủ siêu cường số một thế giới, do có dồn dập các phát biểu ngông ngênh, những cáo buộc vô căn cứ được đưa ra chỉ trong vòng có hai tháng cầm quyền.

quocte2

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trước Ủy Ban Quốc Hội Quốc Gia đảng Cộng Hòa, Washington ngày 21/3/2017. REUTERS/Carlos Barria

Một số chuyện gây cười, nhưng nhiều việc khác lại khiến người ta "chẳng biết nói thế nào nữa". Ví dụ, chuyện ông Trump nổi cáu về việc công bố con số ước tính lượng người ủng hộ đến dự buổi tuyên thệ nhậm chức của ông ít hơn rất nhiều so với của ông Obama cách nay 8 năm. Hay như chuyện ông cứ khăng khăng cho rằng hàng triệu người đến bỏ phiếu bất hợp pháp trong ngày bầu cử 08/11/2016, mà không có gì để xác minh.

Nhưng có lẽ tràng tweet tung ra lúc sáng sớm thứ Bảy 4/3 từ vị tổng thống 70 tuổi sôi sùng sục đó, cáo buộc người tiền nhiệm cho nghe lén ông mới đánh dấu một bước ngoặt. Tình thế đặc biệt trở nên khó xử hơn khi trong tuần này lãnh đạo FBI, ông James Comey, trong một buổi điều trần tại Quốc Hội đã buộc miệng ngắn gọn cho rằng "bộ Tư Pháp không đủ chứng cớ để khẳng định những dòng tweet đó".

Giá trị lời nói của tổng thống Mỹ suy giảm đến mức nhiều nghị sĩ không khỏi lo ngại cho những hệ quả có thể có trong "thế giới thực tại". Ông Adam Schiff, trưởng nhóm nghị sĩ đảng Dân Chủ tại Ủy Ban Tình Báo thuộc Hạ Viện, không khỏi băn khoăn trên kênh truyền hình Mỹ ABC :

"Nếu trong vòng 6 tháng, tổng thống khẳng định Iran gian lận về hồ sơ hạt nhân rồi xác nhận ông bịa đặt ra chuyện này, đây sẽ là một vấn đề thật sự. Giả như ông ấy có nói thật, thì sẽ còn tệ hại hơn vì câu hỏi đặt ra sẽ là : ‘Liệu người dân Mỹ có tin ông nữa hay không ? Liệu rằng thế giới có nghe ông ấy nữa hay không ?’".

Một nỗi lo cũng được các nghị sĩ Cộng Hòa cùng chia sẻ, cho rằng làm tổn hại đến hình ảnh đảng Cộng Hòa. "Nếu như tổng thống có các thông tin tình báo thật sự và nói rằng một vụ tấn công khủng bố thật có thể xảy ra, người dân có nguy cơ nghĩ rằng chuyện này cũng giống như những dòng tweet của ông về Obama".

Báo chí Mỹ những ngày qua, dù có ủng hộ Trump hay không, cũng không kiệm lời chỉ trích. Rupert Murdoch, nổi tiếng bảo thủ, chủ nhân Fox News và tờ New York Post, cho là việc "ông Trump nói trái sự thật làm xói mòn niềm tin của công luận tại Hoa Kỳ cũng như là trên thế giới". Hay như tờ Wall Street Journal nói đến "cái giá chính trị phải trả" cho việc thiếu "tôn trọng sự thật" của vị tổng thống tỷ phú, khi so sánh việc "tổng thống cứ bám chặt lấy khẳng định của mình như là một kẻ say rượu cứ ôm chặt lấy chiếc bình không".

Đứng đầu đế chế bất động sản, từng là người dẫn chương trình truyền hình thực tế hay điều khiển chiến dịch vận động tranh cử, những lời lẽ của Donald Trump luôn gây bất ngờ và đôi khi gây sốc. Kể từ khi ông lên nhậm chức vào ngày 20/01/2017, dù đó là những dòng tweet vội vã lúc sáng sớm hay bài phát biểu trước Nghị viện, mỗi một từ của ông đều được xoi xét.

Dù biết hay không, nhưng Donald Trump, người đầu tiên từ đời tổng thống Dwight Eisenhower (1953-1961) bước chân vào Nhà Trắng mà chưa từng nắm giữ một nhiệm kỳ bầu cử nào, dường như cương quyết không thay đổi phong cách.

Minh Anh

Quay lại trang chủ
Read 732 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)