Mỹ : Bãi bỏ Obamacare, thất bại của TT Trump (RFI, 25/03/2017)
Ngày 24/03/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump đã bị thất bại nặng nề trong việc yêu cầu Hạ Viện thông qua dự luật nhằm thay thế luật bảo hiểm y tế của người tiền nhiệm được gọi là Obamacare. Ông Trump đã phải rút lại dự luật sau khi được thông báo là văn bản này không hội đủ đa số phiếu ủng hộ để được thông qua.
Tổng thống Trump phát biểu tại Nhà Trắng ngày 24/03/20147 sau khi rút lại dự luật bảo hiểm y tế Obamacare. Reuters
Theo thông tín viên Anne-Marie Capomaccio, tổng thống Donald Trump đã ý thức được là điều hành một đất nước khác nhiều với công việc của một ông chủ công ty.
"Đây là một thất bại ê chề của Donald Trump. Đảng Cộng Hòa ghi nhận không thể hội đủ đa số phiếu trong hàng ngũ của đảng này để khai tử và thay thế Obamacare. Trong khi đó, đây là một điểm nổi bật trong chương trình vận động tranh cử".
Phát biểu sau thất bại, tổng thống Trump dùng đòn hù dọa qua tuyên bố "khi mà tình hình vượt ra ngoài tầm kiểm soát, bên phía đảng Dân Chủ sẽ bắt buộc phải thương lượng với tôi". Có thể lời đe dọa đó phần nào là có thực. Thế nhưng tất cả các nhà quan sát đều đưa ra một nhận định chung : đảng Cộng Hòa không đủ sức lãnh đạo đất nước.
Donald Trump đắc cử nhờ chiêu bài chống giới quyền chức, nhưng ông không hội đủ đa số ở Quốc Hội. Một số nhỏ thuộc cánh cực hữu đang áp đặt luật chơi. Khi tổng thống Trump nêu khả năng đàm phán với bên đảng Dân Chủ, đâu đó, ông đã phải nhìn nhận không thể thực hiện những gì đã hứa trong thời gian vận động tranh cử.
Về phía đảng Dân Chủ, phe này đang rất phấn khởi khi nhắc lại là "đảng Cộng Hòa đã mất 7 năm để chuẩn bị cho việc thay thế luật bảo hiểm y tế Obamacare, Donald Trump chứng minh ông ấy không là một nhà thương lượng giỏi giang như ông ta vẫn vỗ ngực tư xưng".
Cựu tổng thống Obama từng giải thích rằng có khác biệt giữa "chiến dịch vận động tranh cử và thực tế khi bước chân vào Nhà Trắng. Tổng thống Trump vừa trải qua kinh nghiệm cay đắng về điều này".
Rút lại dự luật để tránh việc bị công khai bác bỏ
Như thông tín viên RFI đã nói ở trên, đây là một thất bại được cho là rất nặng nề cho tổng thống Donald Trump vì lẽ việc bãi bỏ luật Obamacare là một trong những chiêu bài tranh cử chủ yếu của ông. Từ khi chính thức nhậm chức cách nay 9 tuần lễ, ông đã cố gắng thúc đẩy một dự luật thay thế mà nội dung chính là xóa bỏ luật của người tiền nhiệm Barack Obama.
Khi thấy dự luật của mình gặp trở ngại ở Hạ Viện, vào hôm qua 24/03, ông Trump đã gia tăng sức ép trên các dân biểu, đặc biệt trong đảng Cộng Hòa, ra tối hậu thư dọa rằng sẽ giữ nguyên đạo luật Obamacare nếu Hạ viện Mỹ không bỏ phiếu bãi bỏ đạo luật này và phê chuẩn dự luật thay thế.
Tuy nhiên, sau nhiều tiếng đồng hồ đàm phán hậu trường ở Hạ Viện đã không mang lại kết quả, và chủ tịch Hạ Viện Paul Ryan, một người tích cực thúc đẩy việc bãi bỏ luật Obamacare, đã đành phải công nhận rằng dự luật của chính quyền Trump sẽ không thể nào được thông qua nếu được đưa ra bỏ phiếu.
Ông Ryan đã thông báo sự vụ cho tổng thống Trump, và dự luật bãi bỏ Obamcare đã lập tức được thu hồi để tránh bị công khai bác bỏ một cách ê chề tại Hạ Viện.
RFI tiếng Việt
*******************
Nỗ lực bãi bỏ Obamacare thất bại tại Hạ Viện (VOA, 24/03/2017)
Chủ Tịch Hạ Viện Hoa Kỳ, Paul Ryan, rút dự luật nhằm thay thế Obamacare ra khỏi chương trình nghị sự Quốc Hội vào chiều Thứ Sáu, 24 tháng Ba.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, tại một cuộc họp ở Tòa Bạch Ốc, ngày 22/3/2017.
Điều này nghĩa là, Obamacare vẫn tồn tại, sau rất nhiều nỗ lực của tổng thống Donald Trump nhằm đưa ra luật mới để thay thế.
Sau một ngày vận động ráo riết tại Quốc Hội, dân biểu Ryan đã phải thừa nhận với tổng thống Trump, rằng ông không đủ số phiếu để thông qua luật mới. Và trong khi trình bày số phiếu thuận và chống cho dự luật này, ông Ryan thẳng thắn gợi ý cho tổng thống Trump, là hãy rút lại dự luật, không đưa ra bỏ phiếu.
Quyết định cuối cùng vẫn thuộc về tổng thống, theo tin CNN, ông Trump quyết định vào lúc 3 giờ chiều, trong khi giới lãnh đạo Quốc Hội đang tề tựu tại văn phòng Chủ Tịch Hạ Viện Paul Ryan.
Quyết định này chấm dứt cuộc chạy marathon kéo dài từ thời ông Trump còn đang vận động tranh cử, rồi tái cam kết khi đã đắc cử, cho đến đỉnh điểm vào phút chót, khi ông đưa ra tối hậu thư cho các dân biểu Cộng Hòa : hoặc là thông qua dự luật trong ngày Thứ Sáu 24/3, hoặc là duy trì Obamacare.
Dân biểu Chris Collins, một đồng minh của ông Trump, là người đưa ra tối hậu thư đó vào chiếu tối hôm qua, phát biểu : "Thông điệp là… phải thông qua dự luật vào ngày mai, nếu không thì Obamacare sẽ được duy trì".
Nhiều ngày thương thuyết ráo riết đã không dẫn đến một thoả thuận trong bối cảnh có sự chống đối của thành phần ôn hòa, và thành phần bảo thủ trong chính Đảng Cộng hòa, trong khi dự luật nhằm bãi bỏ Obamacare của ông Trump rõ rệt không thu hút được đủ số phiếu ủng hộ để có thể được thông qua nhanh chóng.
Hãng tin Reuters tường thuật rằng các thị trường tài chánh, trước đó trở nên sôi động nhờ kế hoạch của Tổng thống Trump giảm thuế và tăng chi tiêu để xây cơ sở hạ tầng, đang được theo sát. Thị trường chứng khoán Hoa Kỳ giảm hôm thứ Năm khi giới lãnh đạo Đảng Cộng hoà hoãn cuộc biểu quyết, giá cổ phiếu trên các thị trường chứng khoán Châu Âu cũng thấp vào lúc mở đầu ngày giao dịch.
Các dân biểu Đảng Dân chủ đồng loạt chống đối dự luật do ông Trump đề xuất, và dự luật dường như cũng không thành công trong việc vận động sự ủng hộ cần thiết bên trong Đảng Cộng hòa, bất chấp những thay đổi giờ chót để xoa dịu thành phần chống đối.
Đạo luật Chăm sóc Sức khoẻ Hoa Kỳ là nỗ lực làm luật đầu tiên của ông Trump kể từ khi trở thành tổng thống Mỹ vào ngày 20 tháng Giêng.
Bãi bỏ đạo luật mang dấu ấn của Tổng Thống Obama là một cam kết chủ yếu của ông Trump trong chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống của ông. Cuộc biểu quyết bãi bỏ Obamacare được ấn định vào ngày thứ Năm, đúng kỷ niệm 7 năm ngày ban hành đạo luật này. Việc Đảng Cộng hoà không thực hiện được ý định của mình trong ngày này là một thất bại có thể làm ‘mất mặt’ và gây bối rối cho Tổng thống Trump và Đảng Cộng hòa.
********************
Trump đổ lỗi thất bại dự luật cho phe Dân chủ (BBC, 25/03/2017)
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã đổ lỗi cho đảng Dân chủ vì thất bại trong dự luật y tế của ông.
Tổng thống Trump quyết định rút lại Dự luật về Y tế trình ra Quốc hội Mỹ sau khi nhận thấy không hội đủ số phiếu ủng hộ cần thiết kể cả của Đảng Cộng hòa.
Lưỡng viện Mỹ do đảng Cộng hòa của ông Trump kiểm soát, nhưng dự luật này đã bị rút lại hôm thứ Sáu vì không thể có được số phiếu được yêu cầu.
Phát ngôn với tờ Washington Post, ông Trump nói : "Chúng ta không thể có được một phiếu bầu của đảng Dân chủ, và chúng tôi hơi mắc cỡ một chút... vì vậy chúng tôi đã rút lại".
Việc rút lại dự luật vào phút cuối cùng được xem là một cú sốc lớn đối với Tổng thống Mỹ.
Huỷ bỏ và thay thế chương trình chăm sóc sức khoẻ được biết đến như Obamacare là một trong những cam kết bầu cử chính của ông.
Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan nói rằng ông và ông Trump đồng ý rút lại cuộc bỏ phiếu, sau khi rõ ràng nó sẽ không có được số phiếu tối thiểu cần thiết là 215 của Đảng Cộng hòa.
Đảng Cộng hòa chiếm đa số trong Hạ viện và Thượng viện.
Tuy nhiên, nhiều tin tức cho hay giữa 28 và 35 đảng viên Cộng hòa đã phản đối dự thảo Đạo luật Chăm sóc Sức khoẻ Hoa Kỳ của Tổng thống Trump (AHCA).
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan chấp nhận thất bại và nói 'Đây là một ngày đáng thất vọng với chúng tôi.'
Một số người được cho là không hài lòng khi dự luật cắt giảm bảo hiểm y tế quá nghiêm trọng, trong khi những người khác cảm thấy những thay đổi đã không đi đủ xa.
Dự luật cũng tỏ ra không phổ biến với công chúng - trong một cuộc thăm dò gần đây, chỉ 17% tán thành thông qua.
'Sẽ phải chung sống'
Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) ước tính AHCA sẽ giảm bớt thâm hụt khoảng 336 tỷ đô la trong giai đoạn 2017 và 2026.
Tuy nhiên, số người Mỹ không có bảo hiểm sức khoẻ sẽ đứng ở mức 52 triệu vào cùng thời điểm - thêm 24 triệu người so với Obamacare.
Phát biểu sau khi rút lại dự luật, ông Trump liên tục tuyên bố Obamacare sẽ "nổ tung".
Tuy nhiên, ông kiềm chế không chỉ trích ông Ryan, người có vị thế chủ tịch Hạ viện liên quan việc vận động ủng hộ các dự luật gây tranh cãi.
Tổng thống Trump nói rằng các đảng viên Cộng hòa nay sẽ tập trung vào cải cách thuế.
"Chúng ta phải để Obamacare đi theo con đường của nó trong một thời gian ngắn", ông nói với các phóng viên tại Văn phòng Bầu dục, và thêm rằng nếu các đảng viên Dân chủ đã "văn minh và đoàn kết", hai bên có thể đưa ra "một dự luật chăm sóc sức khoẻ tuyệt vời".
Ông nói : "Chúng tôi đã học được về sự trung thành, chúng tôi đã học được rất nhiều về quá trình bỏ phiếu".
Lãnh đạo cánh Dân chủ thiểu số trong Hạ viện, bà Nancy Pelosi (áo xanh là cây) mô tả sự rút lui dự luật của ông Trump là "một thắng lợi cho người Mỹ".
Trước đó, ông Ryan nói với các phóng viên : "Chúng ta sẽ chung sống với Obamacare trong tương lai gần.
Ông nói ông không thích điều này, và rằng "Đây là một ngày đáng thất vọng đối với chúng tôi".
Trong khi đó, lãnh đạo cánh Dân chủ thiểu số trong Hạ viện, bà Nancy Pelosi mô tả sự rút lui dự luật là "một thắng lợi cho người Mỹ".
**********************
Dự luật Y tế : Cựu tổng thống Obama cảnh báo hậu quả xấu cho dân Mỹ (RFI, 24/03/2017)
Hệ thống bảo hiểm Y tế Obamacare. Ảnh minh họa. RHONA WISE / AFP
Ngày 23/03/2017, vài giờ trước khi Hạ Viện Mỹ biểu quyết dự luật Y tế nhưng đình hoãn vào phút chót, cựu tổng thống Mỹ Barack Obama lên tiếng cảnh báo các dân biểu coi chừng hậu quả tai hại cho người dân.
Cựu tổng thống Obama nhìn nhận cần phải cải cách đạo luật Y tế và bảo hiểm sức khỏe được gọi là Obamacare để "giảm chi phí, tăng hiệu năng". Tuy nhiên, ông khuyến cáo là mọi thay đổi trong hệ thống y tế phải cải thiện đời sống của người dân chứ không phải làm xấu hơn.
Vài giờ sau khi cựu tổng thống Mỹ, người đề xuất hệ thống bảo hiểm y tế ban hành cách nay 7 năm, lên tiếng, phe đa số Cộng Hòa đã quyết định dời cuộc biểu quyết qua ngày hôm sau. Theo báo chí Mỹ, phe Cộng Hòa e ngại không hội đủ đa số quá bán để thông qua vì có đến 30 dân biểu lưỡng lự hoặc dứt khoát chống lại.
Một lần nữa, tổng thống Donald Trump bị một vố đau.
Từ Washington, thông tín viên Anne-Marie Capomaccio giải thích :
"Chắc chắn là Donald Trump đã không lường trước những khó khăn khi làm việc với phe Cộng Hòa, đảng chiếm đa số ghế tại Quốc Hội nhưng lại có sự chia rẽ sâu sắc giữa những thành viên bảo thủ và những thành viên ôn hòa.
Không thể thay đổi luật về sức khỏe là ví dụ minh họa đầu tiên. Phe cực hữu không lùi bước trước bất cứ lời mơn trớn vuốt ve hay sự đe dọa nào. Mark Meadows, người đứng đầu nhóm các dân biểu cực hữu tự xưng là "nhóm tự do" thừa nhận thất bại của văn bản : "Vào thời điểm này, chúng tôi chưa có đủ số người đồng ý bỏ phiếu, nhưng chúng tôi đang đạt được nhiều tiến triển".
Còn tổng thống Donalad Trump thì vô cùng thất vọng. Ông giận dữ nói : "Tất cả những điều đó chỉ là chính trị". Về điểm này, Donald Trump có lý. Phe cực hữu đã hứa với cử tri là sẽ đình chỉ luật về sức khỏe và giảm thuế… Ngược lại, phe ôn hòa thì lại thề với cử tri là chế độ bảo hiểm y tế sẽ tốt hơn và rẻ hơn.
Đây là "một phương trình vô nghiệm" đối với một Quốc Hội mà "chưa gì đã nghĩ tới" cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ dự kiến sẽ diễn ra vào năm sau và cũng là "bài toán không lời giải đáp" cho một vị tổng thống không được đảng của ông ủng hộ".
Tú Anh
*********************
Hủy Obamacare, Donald Trump đánh cược "được ăn cả ngã về không" (RFI, 24/03/2017)
Người dân tuần hành đòi "Giữ bảo hiểm y tế Obamacare", tại Los Angeles, California, Hoa Kỳ, ngày 23/03/2017 - REUTERS/Lucy Nicholson
Trước thái độ thách thức của một bộ phận dân biểu Cộng Hòa, tổng thống Mỹ Donald Trump thổi còi chấm dứt cuộc thương lượng nội bộ thay thế luật bảo hiểm y tế của cựu tổng thống Barack Obama. Chủ nhân Nhà Trắng yêu cầu biểu quyết dự luật mới được xem là "lời hứa then chốt" vào thứ Sáu 24/03/2017 bất chấp kết quả ra sao.
Thông điệp của tổng thống Donald Trump, như một tối hậu thư, do bộ trưởng Tài Chính Mick Mulvaney chuyển đến Hạ Viện vào chiều thứ Năm 23/03 /2017.
Lẽ ra, dự luật thay thế luật bảo hiểm y tế Obamacare phải được Hạ Viện, do đảng Cộng Hoà kiểm soát, biểu quyết trong ngày . Tuy nhiên, do nội bộ bất đồng, thủ lĩnh của các phe trong đảng Cộng Hoà tạm thời hoãn lại.
Lãnh thêm một vố đau do chính "phe ta" gây ra, chủ nhân Nhà Trắng mất hết kiên nhẫn. Rất chính trị, ông cảnh báo các dân biểu Cộng Hoà coi chừng "lãnh hậu quả" nhân bầu cử bán phần trong hai năm tới. Trước áp lực của Nhà Trắng, chủ tịch Hạ viện Paul Ryan, cùng quan điểm với lãnh đạo hành pháp, tuyên bố "ngày hôm sau" biểu quyết dự luật như đã hứa với cử tri.
Tuy nhiên, dù là lời hứa hay lời đe dọa, thay thế một đạo luật bảo hiểm y tế ban hành từ 7 năm nay và được hàng chục triệu dân ủng hộ xem ra rất phức tạp. Theo thăm dò ý kiến của đại học Quinnipiac (bang Connecticut) chỉ có 17% dân Mỹ ủng hộ cải cách của đảng Cộng Hòa, 56% chống đối.
Đảng Dân Chủ chống lại là chuyện dễ hiểu. Nhưng ngay trong nội bộ Cộng Hoà cũng có hai phe chống đối.
Đối với phe ôn hòa, gần lập trường với các dân biểu Dân Chủ đồng viện, thì hủy bỏ luật Obamacare là một biện pháp không thể chấp nhận được vì hai hệ quả : một là làm chi phí về y tế, bệnh tật sẽ tăng cao và thứ hai là làm cho hàng chục triệu dân Mỹ (từ 24 đến 26 triệu) không được thụ đắc dịch vụ xã hội này. Giới chuyên gia đã nhiều lần cảnh báo.
-Phe cực bảo thủ trong đảng thì chống dự luật thay thế của Donald Trump. Họ cho rằng dự luật mới "không dứt khóat đưa nhà nước ra khỏi lãnh vực y tế lẽ ra là của tư nhân". Quy tụ trong nhóm mang tên "Freedom Caucus", phe cực bảo thủ đòi phải hủy bỏ toàn diện Obamacare.
Trong khi phe thứ ba, đa số, muốn duy trì một số điều khoản trong Obamacare để giúp cho người lao động cũng được bảo hiểm tối thiểu trong trường hợp không được chủ nhân đóng góp.
Theo phân tích của AFP, vấn đề lưỡng nan của đảng Cộng Hoà và của ông Donald Trump là hễ được lòng phe này thì mất phiếu phe kia. Để được thông qua, dự luật của Trump phải hội đủ 215 phiếu thuận trên tổng số 429 dân biểu toàn Hạ Viện. Chiều thứ Sáu, Nhà Trắng sẽ biết trong số 237 dân biểu Cộng Hòa, bao nhiêu người sẽ ủng hộ ông Donald Trump và bao nhiêu người tiếp tục thách thức.
Thật ra, cho dù Hạ Viện có thông qua dự luật bảo hiểm y tế thì văn kiện này sẽ bị Thượng Viện sửa đổi sâu rộng như đã cảnh báo.Tuy nhiên Donald Trump có thể "tự hào" là đã vượt qua được chướng ngại đầu tiên. Vì đối với chủ nhân Nhà Trắng, đây là trận đấu chính trị. Phá được Obamacare là điều kiện tiên quyết để tiến hành cải tổ thuế khóa, dự kiến thực hiện ngay trong năm 2017. Từ khi nhậm chức, thành quả của ông đạt được chẳng là bao thậm chí bị tư pháp cản trở như sắc lệnh hạn chế nhập cư.
Cựu tổng thống Obama lên tiếng nhắc nhở phe Cộng Hoà : Cải cách y tế thì phải tốt đẹp hơn chứ không phải tệ hại hơn cho người lao động.
Nguy cơ "được ăn cả ngã về không" ám ảnh Donald Trump. Theo nhận định của dân biểu Cộng Hoà Christ Collins (phải chăng đã nghe lời cảnh tỉnh) : Nếu thất bại thì chúng ta qua chuyện khác. Không đụng đến Obamacare nữa.
Tú Anh