Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

19/08/2019

Điểm báo Pháp - Putin, người xuất khẩu nỗi sợ

RFI tiếng Việt

Putin, người xuất khẩu nỗi sợ

Phong trào dân chủ Hồng Kông chứng tỏ không hề yếu đi với 1,7 triệu người xuống đường hôm qua 18/08/2019, những vấn đề đặt ra xung quanh cuộc gặp giữa tổng thống Pháp và Nga tại Brégançon, đó là hai chủ đề chính của các báo Pháp hôm nay.

putin1

Tổng thống Vladimir Putin dự cuộc biểu dương lực lượng của hải quân Nga tại Saint Petersburg ngày 28/07/2019. Sputnik/Aleksey Nikolskyi/Kremlin via  Reuters

Le Figarochạy tựa "Macron muốn hòa giải Putin với Châu Âu". Libération đăng ảnh hai tổng thống Pháp và Nga tươi cười bắt tay nhau trên trang bìa, với tít lớn "Song đấu hay song đôi ?". Xã luận của La Croix mang tựa đề "Cuộc hẹn ở Brégançon", và ở trang trong nhận xét "Pháp và Nga tăng cường đối thoại". Le Monde nhận định "Giữa Macron và Putin, khởi đầu sưởi ấm mối quan hệ".

Ông chủ điện Kremlin tận dụng những điểm yếu của Châu Âu

Trước cuộc gặp, một điểm bất đồng đã được tháo gỡ : tư pháp Nga trả tự do cho doanh nhân Pháp Philippe Delpal, bị bắt từ tháng Hai với cáo buộc gian lận, nay chỉ bị quản thúc tại gia. Việc Moskva bắt giữ người đồng sáng lập quỹ đầu tư Baring Vostok uy tín của Mỹ, ông Michael Calvey, và giám đốc tài chính là ông Delpal, đã gây chấn động lớn trong giới kinh doanh phương Tây tại Nga, vì hình sự hóa tranh chấp.

Trong bài "Ông chủ điện Kremlin lợi dụng những yếu kém của Châu Âu", Le Figaro đặt câu hỏi, Sa hoàng Putin - người mà theo nhà chính trị học Serguei Medvedev, đã coi "nỗi sợ" là mặt hàng xuất khẩu đứng trên cả dầu khí - thực ra muốn gì ?

Liệu có nên nhắm mắt làm ngơ trước việc Nga gặm nhấm dần biên giới của Gruzia ở Nam Ossetia, sáp nhập Crimea, cuộc chiến vùng Donbass, bắn rơi chiếc máy bay của Malaysian Airline trên không phận Ukraine, can thiệp vào các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và ở Châu Âu ? Chưa kể đến vụ đầu độc cha con cựu điệp viên Serguei Skripal ở ngay trên đất Anh.

Chủ nghĩa dân tộc cộng với dân túy thay cho cộng sản

Cũng như trong thời Liên Xô cũ, Vladimir Putin cũng dựa vào một chủ nghĩa, nhưng ở đây là dân tộc và dân túy nhuốm màu bảo hộ, thay cho cộng sản.

Thăng bằng quyền lực đang thay đổi khi Châu Âu đang yếu đi với cuộc khủng hoảng bản sắc, Hồi giáo nhập cư. Kremlin tha hồ lũng đoạn bằng chiến dịch bóp méo thông tin, và Putin lại có quan hệ tốt với bộ trưởng Nội Vụ Ý Matteo Salvini, cựu thủ tướng Áo Sebastian Kurz, thủ tướng Victor Orban của Hungary. Tổng thống Pháp thì chưa hết đau đầu với phong trào Áo Vàng. Trong bối cảnh đó, Nga đang ở thế tiến công.

Theo nhà phân tích William Courtney của Rand Corporation, lời kêu gọi đối thoại của những người chủ trương thực dụng có thể không hiệu quả. Tốt nhất nên sử dụng phương pháp của tổng thống Mỹ Reagan, ngay từ đầu nhiệm kỳ đã gia tăng sức mạnh, phản công trên mặt trận thông tin, và chỉ bắt đầu đối thoại thực sự khi ông Gorbatchev lên nắm quyền.

Một nhà quan sát Nga cho rằng Châu Âu cần đến Moskva, nhưng cần tăng cường nội lực và giải quyểt những vấn đề căn bản nếu muốn có được sức nặng đối với Nga. Chuyên gia này nhắc nhở rằng phía sau một Putin có vẻ mạnh mẽ trên trường quốc tế, là một đất nước hỗn độn, tham nhũng lan tràn và phi đạo đức.

Mùa hè đen đủi của Vladimir Putin

Thông tín viên Le Figaro ở Moskva mô tả rõ hơn khía cạnh này trong bài "Mùa hè xui xẻo của Vladimir Putin".

Mùa hè năm nay bắt đầu với trận lụt ở Nam Siberia làm 25 người chết. Chính quyền bị tố cáo không cảnh báo cho người dân, cũng không tổ chức cứu hộ kịp thời. Ở phía bắc và phía đông, một loạt vụ hỏa hoạn khổng lồ đã làm tiêu tùng 15 triệu hecta rừng, khói đen từ Siberia bay đến tận Ural, ảnh hưởng đến lá phổi của hàng triệu người Nga. Chính quyền cũng phản ứng rất chậm chạp, mãi đến cuối tháng Bảy ông Putin mới cho gởi quân đội đến chữa lửa.

Quân đội Nga cũng gây nhiều ưu tư cho tổng thống. Hôm 1/7, một tàu ngầm nguyên tử chuyên hoạt động dưới đáy sâu biển cả đã bị hỏa hoạn, làm 14 sĩ quan thiệt mạng. Đầu tháng Tám, vụ nổ một kho đạn lớn đã làm 16.000 người ở Nam Siberia phải sơ tán.

Tai nạn nguyên tử được che giấu như Tchernobyl ?

Ở bên kia đầu đất nước, vùng Arkhanguelsk, một vụ nổ bí ẩn khác hôm 8/8 làm 7 người chết, trong đó có 5 chuyên gia nguyên tử, và bằng ấy người bị thương.

Tai nạn này gây nhiễm xạ trong vùng, được cho rằng đây là một vụ thử thất bại về một loại vũ khí mới mang đầu đạn hạt nhân. Các nhân viên y tế không được quân đội báo cho biết, khi chữa trị cho những người bị thương, cũng đã bị nhiễm phóng xạ.

Theo các thăm dò mới nhất, chỉ có 24% người Nga cho rằng ông Putin có thể giải quyết được những vấn đề của đất nước, và 38% không muốn ông tại vị sau 2024, năm cuối của nhiệm kỳ.

Chính trong bối cảnh u ám này, xuất hiện tin tức xấu nhất trong mùa hè cho Vladimir Putin. Một bộ phận người dân thủ đô, mà cách sống gần với phương Tây, không còn chấp nhận bị áp đặt người đại diện cho mình.

Khi ủy ban bầu cử gạt bỏ tất cả những ứng cử viên không cùng phe trong cuộc bầu cử Nghị viện Moskva, đám đông đã xuống đường. Chính quyền đáp trả bằng bạo lực, bắt bớ, nhưng chỉ làm phong trào phản kháng gia tăng mạnh mẽ. Tổng thống Putin giữ im lặng để cho chính quyền Moskva đối phó, ông chỉ xuất hiện ở rất xa : trên biển Baltic, Siberia hay Crimea, chờ đợi cho đến khi phong trào lắng lại.

Võ sĩ judo hay người khách không được chào đón

Trong bài xã luận mang tựa đề "Ngoại giao judo", Le Figaro nhận xét, với một thủ tướng Đức mà uy tín đang đi xuống, một nước Anh đang bận rộn với Brexit, Macron có vị thế của một nguyên thủ Châu Âu nhiều ảnh hưởng nhất trên trường quốc tế.

Tổng thống Pháp muốn thuyết phục ông Putin hòa hoãn hơn với Ukraine, hợp tác để ra khỏi ngõ cụt với Iran, gây áp lực lên Damascus. Về phía tổng thống Nga, với mục tiêu mở rộng ảnh hưởng của Moskva, thì không có gì để mất. Tập trung vào ván cờ này, Macron cần phải cảnh giác trước cựu sĩ quan KGB : võ sĩ judo Putin là bậc thầy trong nghệ thuật chờ đợi đối thủ mất thăng bằng, để quật ngã xuống tapis.

Tờ báo thiên tả Libération có vẻ khe khắt hơn với tựa bài xã luận "Kẻ thù". Người chủ nhà không thể mời một vị khách mà những người khác không ưa đến một bàn tiệc danh dự, nên phải tiếp vài ngày trước đó trong phòng khách.

Emmanuel Macron đón Vladimir Putin tại lâu đài Brégançon vài ngày trước hội nghị G7 ở Biarritz, thượng đỉnh mà ông khách cồng kềnh đã bị đuổi ra do xâm chiếm Crimea. Tại Ukraine, Putin tiếp tục nguyên tắc "cái gì của tôi là của tôi, cái gì của anh chúng ta chia đôi". Libération đặt câu hỏi, ngồi vào bàn cùng nhau chăng ? OK, nhưng với điều kiện đừng có "chui xuống gầm".

Hồng Kông : Biển người thách thức Bắc Kinh

Nhìn sang Châu Á, "Tại Hồng Kông, một biển người thách thức Bắc Kinh", Les Echos nhận xét. Tương tự đối với Le Figaro "Tại Hồng Kông, phong trào chống Bắc Kinh không hề giảm đi khí thế". Libération chơi chữ "Tại Hồng Kông, một biển người chống lại sóng gió và quân đội".

Tiếng giày đinh vang dội ở bên kia biên giới, nhưng ở bên này, người Hồng Kông vẫn ngẩng cao đầu đòi hỏi những quyền dân chủ của họ. Mặc cho cơn mưa tầm tã trút xuống, 1,7 triệu người già trẻ lớn bé đã xuống đường, bất chấp lời đe dọa can thiệp quân sự của Bắc Kinh. Sinh viên, công nhân viên, người về hưu, bác sĩ… cùng hô vang "Tự do cho Hồng Kông !"

Le Figaro hỏi chuyện Jack, một sinh viên 19 tuổi đi biểu tình cùng với cha mẹ và em gái. Anh đặc biệt bất bình trước bạo lực cảnh sát, nhất là vụ một cô gái bị đạn cao su làm mất một mắt. Còn Joseph, cha của anh, một thầy giáo 53 tuổi, cho rằng Bắc Kinh sẽ không dám đàn áp vì "tất cả các nhà đầu tư ngoại quốc sẽ xách va-li ra đi". Ông nháy mắt : "Nhưng nếu quân đội Trung Quốc tiến vào, chúng tôi sẽ ở yên trong nhà, đợi chừng nào họ ra đi thì lại tái xuất hiện".

Thông tín viên của Libération cho biết lần đầu tiên cảnh sát sẵn sàng sử dụng đến xe vòi rồng phun nước có màu để nhanh chóng nhận dạng hàng loạt người biểu tình. Cờ Hồng Kông và áo thun đen chống lại cờ đỏ Trung Quốc và áo trắng, chưa bao giờ xã hội Hồng Kông lại chia rẽ như thế. Bắc Kinh cáo buộc người biểu tình là "khủng bố", tung ra những đạo quân dư luận viên để "gieo tiếng xấu" cho phong trào phản kháng.

Vụ "xã hội đen" hôm 21/7 dùng gậy sắt đánh người biểu tình tàn nhẫn mà cảnh sát không can thiệp đã đổ dầu vào lửa. Tuần này, lời thú nhận của cảnh sát là một số nhân viên đã trà trộn giả làm người biểu tình được người dân coi là sự phản bội, họ tức giận khi biết công an Trung Quốc âm thầm triển khai tại đặc khu.

Hồi kết của một thời kỳ vàng son ?

Về khía cạnh kinh tế, Les Echos băn khoăn trước "Ngành tài chính ở Hồng Kông đang trong tình trạng báo động", còn Le Monde lo ngại cho "Hồi kết của một thời kỳ vàng son về kinh tế".  

Sau khi phong tỏa sân bay, phong trào phản kháng lại kêu gọi đồng loạt rút tiền mặt, đổi sang đô la Mỹ. Các ngân hàng đã chuẩn bị việc này nên tác động chỉ hạn chế. Nhưng các ngân hàng tư nhân lớn lo sợ tín dụng giảm, các khách hàng giàu có ở Hoa lục bỏ đi nơi khác. Nhiều công ty Trung Quốc dự định lên sàn chứng khoán Hồng Kông, nay ngắm nghía thị trường New York.

Về địa ốc, CK Asset, một trong những tập đoàn lớn nhất Hồng Kông đã phải hoãn lại kế hoạch mở bán khoảng 100 căn hộ sang trọng, trị giá 14 triệu euro mỗi căn. Đồng nhân dân tệ sụt giá khiến đồng đô la Hồng Kông, vốn gắn với đô la Mỹ, tăng lên, ảnh hưởng đến du lịch : trong số 65 triệu du khách đến thăm Hồng Kông năm 2018, có đến 51 triệu là từ Hoa lục.

Trước mắt thì chưa có gì là bi kịch. GDP tính trên đầu người của Hồng Kông rất cao (48.000 đô la), vượt xa Trung Quốc (9.600 đô la) và hơn cả Anh (42.000 đô la). Hơn nữa, ngân sách vẫn đang rủng rỉnh : trên 120 tỉ euro, còn nợ công hầu như bằng 0. Nhưng nếu 1.500 tập đoàn đa quốc gia quyết định đặt trụ sở tại đây là vì Hồng Kông là cửa ngõ vào thị trường Trung Quốc mà không phải chịu những độc đoán ở Hoa lục. Tuy nhiên nguyên tắc "Một đất nước, hai chế độ" lẽ ra còn hiệu lực đến năm 2047, lại đang tan thành từng mảnh vụn.

Thụy My

Quay lại trang chủ
Read 491 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)