Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

10/09/2019

Sau Pháp, Úc, đến luợt hải quân Anh bị Trung Quốc hăm dọa

Tổng hợp

Trung Quốc dọa Anh chớ 'có hành động thù nghịch' ở Biển Đông (BBC, 10/09/2019)

Trung Quốc cảnh báo Anh chớ thách thức các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với các vùng có tranh chấp trên Biển Đông.

anh1

Đại sứ Lưu Hiểu Minh phát biểu tại London rằng Anh Quốc "chớ nên làm công việc bẩn thỉu này cho kẻ khác" trước tin hàng không mẫu hạm Anh có thể chở phi cơ Mỹ tới vùng biển có tranh chấp ở Biển Đông

Lời cảnh báo được nêu ra giữa lúc truyền thông Anh đưa tin về việc Hải quân Anh có thể sẽ cử tân hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth chở theo phi cơ Mỹ tới vùng Quần đảo Trường Sa có tranh chấp.

Tờ Telegraph nói rằng dự kiến các chiến đấu cơ tàng hình F-35 của Thủy quân lục Chiến Hoa Kỳ sẽ có mặt trên chiếc hàng không mẫu hạm Anh trong lần triển khai hoạt động đầu tiên của chiếc tàu 65 ngàn tấn này tới khu vực, theo kế hoạch sẽ thực hiện vào năm 2021.

Đại sứ Trung Quốc tại London, ông Lưu Hiểu Minh được báo chí Anh dẫn lời, nói Anh "chớ nên làm công việc bẩn thỉu này cho kẻ khác".

Tại một sự kiện được tổ chức ở London hồi tuần trước, tùy viên quân sự Trung Quốc tại Anh, Thiếu tướng Tô Quang Huy (Su Guanghui) tuyên bố : "Nếu như Mỹ và Anh cùng nhau thách thức hoặc vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, thì đó sẽ là hành động thù nghịch".

anh2

Hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth là tàu lớn nhất và mạnh nhất từng được đóng cho Hải quân Hoàng gia Anh, có khả năng chở được 40 phi cơ

Cũng cùng tại sự kiện này, ông đại sứ Trung Quốc bác bỏ lập luận của Hải quân Hoàng gia Anh về việc duy trì luật pháp quốc tế trong vấn đề tự do đi lại trên biển.

"Biển Nam Trung Hoa (cách Trung Quốc gọi Biển Đông) rất rộng lớn, rộng ba triệu cây số vuông, chúng tôi không phản đối việc mọi người đi lại ở đó, nhưng chớ có vào vùng biển thuộc phạm vi 12 hải lý của Trung Quốc", ông nói.

Quan điểm của London là "Anh Quốc duy trì lợi ích trong khu vực và cam kết duy trì an ninh khu vực", phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Anh nói.

"Sự hiện diện của các lực lượng hải quân quốc tế tại Biển Đông là bình thường, và Hải quân Hoàng gia Anh không phải là ngoại lệ".

Việc gửi tàu chiến Anh, HMS Albion tới Quần đảo Hoàng Sa hồi năm ngoái đã gây ra những rạn nứt ngoại giao.

Chiến hạm 22 ngàn tấn của Anh hồi cuối tháng 8/2018 đã đi qua các đảo có tranh chấp khi trên đường từ Nhật Bản tới Việt Nam.

Bắc Kinh giận dữ gọi đó là hành động "khiêu khích".

Trung Quốc nói nếu Anh tiếp tục cho tàu chiến tới khu vực thì điều này sẽ bị coi là vi phạm lãnh thổ của Trung Quốc, và sẽ bị coi là hành động thù nghịch.

Từ đầu tháng Bảy đến nay, Biển Đông đã là tâm điểm đối đầu gay gắt giữa Việt Nam và Trung Quốc sau sự kiện Bắc Kinh cho tàu Hải Dương Địa Chất 8 vào vùng thềm lục địa ngoài khơi Vũng Tàu.

Nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Úc, đã lên tiếng phản đối hành động của Bắc Kinh.

Trung Quốc đáp trả với việc liên tiếp cáo buộc Việt Nam vi phạm chủ quyền của Trung Quốc, lên án Mỹ "kích động ác ý", và tuyên bố "giữ quan điểm bất di bất dịch" về chủ quyền của mình đối với Biển Đông.

****************

Trung Quốc dọa dùng võ lực đối với tàu sân bay Anh Quốc tại Biển Đông (RFI, 10/09/2019)

Trung Quốc càng lúc càng lộ rõ tham vọng thâu tóm Biển Đông, với một loạt hành động quân sự hóa khu vực, công khai xâm phạm vùng biển của Việt Nam, Philippines và Malaysia. Bên cạnh đó, Bắc Kinh không ngần ngại cảnh cáo những nước nào có ý đinh can thiệp vào Biển Đông để bảo vệ quyền tự do hàng hải. Anh Quốc hôm 09/09/2019 đã lại bị Trung Quốc "dằn mặt" với lời lẽ thô bạo hơn, vì đã có một kế hoạch đưa tàu sân bay qua Biển Đông.

anh3

Đại sứ Trung Quốc tại Anh Quốc Lưu Hiểu Minh họp báo tại Luân Đôn ngày 15/08/2019. Reuters/Simon Dawson

Theo báo chí Anh Quốc, trong một cuộc tiếp xúc với báo chí tại Luân Đôn, đại sứ Trung Quốc tại Anh Lưu Hiểu Minh, bên cạnh hồ sơ nóng là Hồng Kông, đã lại nhắc đến vấn đề Biển Đông để cảnh cáo chính quyền Anh là không nên xâm phạm vùng biển của Trung Quốc.

Theo ông Lưu Hiểu Minh, được nhật báo The Guardian trích dẫn, "Biển Đông là một vùng rộng lớn, rộng đến 3 triệu km2, (Trung Quốc) không phản đối bất kỳ ai di chuyển qua đấy, nhưng đừng đi vào lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc. Nếu không làm thế thì sẽ không có vấn đề gì cả".

Trong lúc đại sứ Trung Quốc có lời lẽ ngoại giao, thì cũng trong cuộc họp báo, tùy viên quân sự của sứ quán, tướng Tô Nghiễm Huy (Su Guanghui) có lời lẽ thô bạo hơn và đe dọa Hải quân Anh Quốc về ý định cho tàu sân bay qua tuần tra ở Biển Đông.

Theo nhân vật này, dù đó là chiếc Queen Elizabeth, tàu sân bay Anh Quốc, hay bất cứ chiến hạm nào khác của nước Anh, tất cả đều có thể gặp phải phản ứng võ trang của Trung Quốc nếu đi vào những vùng biển đang tranh chấp ở Biển Đông.

Tùy viên quân sự Trung Quốc cho biết là Bắc Kinh không muốn thấy tái diễn sự kiện tháng 11 năm ngoái, khi chiến hạm Anh HMS Albion đã đi sát vùng quần đảo Hoàng Sa, bị Bắc Kinh tố cáo là xâm phạm lãnh hải Trung Quốc, điều đã bị Luân Đôn bác bỏ.

Đối với tướng Tô Nghiễm Huy, "nếu Anh và Mỹ bắt tay nhau để thách thức hay xâm phạm chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, điều đó sẽ bị coi là hành vi thù nghịch", và sẽ bị đáp trả bằng quân sự.

Tháng hai vừa qua, bộ trưởng quốc phòng Anh lúc đó là Gavin Williamson, đã gợi ý về việc triển khai tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đến khu vực Biển Đông trong năm 2021.

Tuyên bố của ông Williamson đã khiến Bắc Kinh giận dữ, hủy bỏ một cuộc gặp được dự trù với bộ trưởng tài chính Philip Hammond, buộc thủ tướng Anh lúc bấy giờ là bà Theresa May phải giữ khoảng cách với tuyên bố của ông Williamson, và cho biết là việc triển khai là do thủ tướng quyết định.

Câu hỏi đặt ra là phải chăng phản ứng yếu ớt kể trên Luân Đôn đã khiến Bắc Kinh tiếp tục gây sức ép trên vấn đề Biển Đông, nhất là khi Anh Quốc cần thắt chặt quan hệ kinh tế với Trung Quốc sau khi rời Liên Hiệp Châu Âu.

Dẫu sao thì lời đe dọa của Trung Quốc được đưa ra sau hai sự kiện được cho là đã khiến Bắc Kinh không hài lòng.

Hôm 29/08 vừa qua, Anh Quốc, Pháp và Đức đã cùng ra tuyên bố chung bày tỏ quan ngại về tình hình căng thẳng ở Biển Đông sau vụ Trung Quốc cho tàu xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Bên cạnh đó, trong tuần qua, nhân vòng công du Châu Âu, tân bộ trưởng quốc phòng Mỹ Mark Esper đã kêu gọi các đồng minh giúp chống lại điều bị cho là các "cố gắng của Bắc Kinh nhằm phá vỡ trật tự quốc tế" để tìm thế "thống trị". Washington và Luân Đôn cũng đang thảo luận việc triển khai chiến đấu cơ Mỹ F-35 trên tàu sân bay Anh.

Theo The Guardian, một phát ngôn viên chính phủ Anh đã phản ứng trước các phát biểu của các quan chức Trung Quốc, nhấn mạnh rằng việc Hải quân quốc tế có mặt ở Biển Đông là điều bình thường và Anh không phải ngoại lệ. Luân Đôn có lợi ích lâu dài tại khu vực và sẽ tiếp tục duy trì an ninh khu vực, với "cam kết thực hiện quyền tự do hàng hải và tự do hàng không theo luật pháp quốc tế".

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ
Read 362 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)