Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

17/09/2019

Khủng hoảng Vùng Vịnh : Donald Trump để lộ sự kém bản lĩnh

RFI tiếng Việt

Trong hồ sơ Iran, Trump vẫn tiền hậu bất nhất (RFI, 17/09/2019)

Hiện giờ trách nhiệm của Iran trong vụ tấn công vào các cơ sở dầu hỏa của Saudi Arabia vẫn còn là vấn đề đang được bàn luận. Cuối tuần qua, ngoại trưởng Mike Pompeo đã chỉ đích danh Iran, và Tehran đã bác bỏ ngay những lời lẽ mà họ xem là "điên rồ".

crisis1

Tổng thống Mỹ, Donald Trump ngày 24/06/2019 ký sắc lệnh ban hành các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Iran. Reuters/Carlos Barria

Về phần tổng thống Donald Trump, hôm Chủ Nhật, ông tuyên bố trên mạng Twitter là Hoa Kỳ "sẵn sàng trả đũa". Nhưng hôm qua, khi trao đổi với các phóng viên trong Phòng Bầu Dục, Nhà Trắng, ông Trump lại nói lửng lơ : "Tôi không muốn can dự vào các cuộc xung đột mới, nhưng đôi khi cần phải làm thế".

Thận trọng hơn ngoại trưởng Pompeo, tổng thống Trump dường như muốn có thêm thời gian để quyết định. Ông nói : "Chúng tôi có rất nhiều phương án, nhưng hiện giờ tôi chưa tính đến. Chúng tôi muốn biết chắc chắn ai là thủ phạm".

Rõ ràng là chủ nhân Nhà Trắng đã bắn đi những tín hiệu trái ngược nhau về vấn đề Iran, khiến người ta phải đặt nghi vấn về chiến lược của ông trên hồ sơ này.

Trước đó, ông Donald Trump cũng đã có thái độ tiền hậu bất nhất về khả năng gặp gỡ tổng thống Iran Hassan Rohani tại New York vào tuần tới, bên lề Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc. Trong suốt tuần trước, chính tổng thống Trump đã khiến người ta nghĩ là ông sẵn sàng gặp đồng nhiệm Iran, thậm chí còn để cho hiểu là việc bãi bỏ một phần các biện pháp trừng phạt Tehran không còn là điều cấm kỵ nữa.

Nhưng Chủ Nhật vừa qua, trên mạng Twitter, tổng thống Mỹ thay đổi thái độ hoàn toàn, khi viết : "Các nguồn tin Fake News (tin giả) nói là tôi sẵn sàng gặp lãnh đạo Iran không điều kiện tiên quyết. Điều đó không đúng (như mọi khi)".

Nhưng chính bộ trưởng Tài Chính Steven Mnuchin, cách đây vài hôm còn khẳng định : "Tổng thống đã nói rất rõ, ông ấy sẵn sàng cho một cuộc gặp gỡ không cần điều kiện tiên quyết".

Cho nên, Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Richard Haass, được hãng tin AFP trích dẫn hôm qua, đánh giá : "Chúng ta không chỉ tỏ ra mơ hồ về chiến tranh ở Trung Đông liên quan đến các vụ tấn công vào cơ sở dầu hỏa của Saudi Arabia, mà còn mơ hồ về chính sách ngoại giao liên quan đến Hoa Kỳ". Ông Richard Haass lấy làm tiếc : "Tổng thống cáo buộc Iran mà không đưa ra bằng chứng, phủ nhận tin cho rằng ông sẵn sàng cho các cuộc thảo luận vô điều kiện với Iran và vẫn không có những mục tiêu rõ ràng về Iran".

Câu hỏi được đặt ra bây giờ là : sau nhiều tháng căng thẳng giữa Washington và Tehran, ông Donald Trump có sẽ ra tay hành động hay không, do có nguy cơ là cuộc đấu võ mồm sẽ biến thành leo thang quân sự ?

Hay là ngược lại : sau khi có những tuyên bố mang tính đe dọa, tổng thống Trump cuối cùng sẽ chọn con đường ngoại giao, nay nhân vật diều hâu, hiếu chiến như John Bolton không còn trong ê kíp của ông nữa ?

Đối với ông Ben Rhodes, nguyên là cố vấn thân cận của cựu tổng thống Barack Obama, những gì xảy ra trong 48 tiếng đồng hồ qua cho thấy là chiến lược của tổng thống Trump về Iran đã thất bại. Chiến lược đó là rút khỏi hiệp định hạt nhân 2015, để cho Saudi Arabia toàn quyền hành động trong cuộc chiến tại Yemen, tăng cường trừng phạt và liên tiếp đe dọa Tehran.

Trên mạng Twitter, ông Ben Rhodes nhấn mạnh : "Chính sách thảm hại của Trump đã đặt chúng ta bên bờ một cuộc chiến tranh còn rộng lớn hơn". Ông cảnh báo rằng một cuộc can thiệp quân sự của Mỹ "sẽ có những hậu quả không lường trước được".

Tóm lại, một lần nữa, ông Donald Trump lại rơi vào thế khó xử : một mặt phải chứng tỏ mình là một tổng thống kiên quyết, nhưng mặt khác, phải làm theo đúng lời hứa khi tranh cử, đó là chấm dứt sự can thiệp của Mỹ vào Trung Đông, mà ông cho là quá tốn kém.

Thanh Phương

*******************

An ninh, điểm yếu của vương quốc dầu hỏa Saudi Arabia (RFI, 17/09/2019)

Giá dầu trên thế giới đột ngột tăng 14 % trong phiên giao dịch ngày 16/09/2019. Hai ngày trước đó, hai cơ sở sản xuất dầu của Saudi Arabia bị tấn công, 5% lượng sản xuất dầu của toàn cầu bốc hơi. Riyadh thông báo phải tạm thời cắt giảm 50% lượng cung cấp.

crisis2

Nhà máy lọc dầu Abqaiq, miền đông Saudi Arabia bốc cháy sau loạt tấn công hôm 14/09/2019 Reuters

Căng thẳng trong vùng Vịnh không chỉ tập trung ở eo biển Ormuz mà đã lan tới tận vương quốc dầu hỏa của nhà vua Salman. Thế giới liệu có đứng trước nguy cơ khủng hoảng dầu lửa ? Lo ngại không chỉ thu gọn ở việc lượng dầu cung cấp cho thế giới tạm thời bị giảm sụt. Nghi vấn lớn nhất nằm ở chỗ các cơ sở dầu khí của nhà cung cấp số 1 cho hành tinh có được bảo đảm an toàn hay không ?

14/09/2019 là một ngày đen tối với ngành dầu hỏa. Báo tài chính Mỹ Wall Street Journal nói đến một "trận động đất lớn – the Big One". Thiệt hại còn lớn hơn cả so với hồi năm 1991, khi chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất khai mào, khi lực lượng của Saddam Hussein phóng hỏa, đốt 600 giếng dầu của Kuwait. Chiến dịch đốt phá giếng dầu lần đó gây ô nhiễm cho môi trường, nhưng đã không thực sự đẩy giá dầu trên các thị trường quốc tế lên cao.

Hơn một chục năm sau, vào những năm 2000, tổ chức khủng bố Al Qaeda tung hoành và đã nhắm vào các cơ sở dầu khí của Saudi Arabia, nhưng với sự trợ giúp của tình báo Mỹ, Riyadh đã phá vỡ được nhiều âm mưu của Al Qaeda đặc biệt là vụ gài thuốc nổ tại cảng Abqaiq, nhà máy lọc dầu lớn nhất, hiện đại nhất của tập đoàn dầu khí quốc gia Aramco. Nhờ vậy Abqaiq được an toàn cho đến cách nay ba hôm.

Trả lời trên đài RFI Pháp ngữ giám đốc điều hành tạp chí dầu hỏa Pétrostratégies của Pháp, ông Pierre Terzian trước hết phân tích về tác động đối với ngành công nghệ dầu khí Saudi Arabia sau loạt tấn công hôm 14/09/2019 nhắm vào nhà máy lọc dầu của Aramco ở Abqaiq và mỏ dầu tại Khurais :

"Saudi Arabia có khả năng sản xuất 10 triệu thùng dầu một ngày. Sau đợt tấn công lần này mức cung cấp rơi xuống còn từ 5 cho đến 7 triệu thùng một ngày. Điều đó có nghĩa là xuất khẩu dầu hỏa của Saudi Arabia sẽ sụt giảm.

Vấn đề đặt ra là không ai biết Riyadh cần bao nhiêu thời gian để sửa chữa và cho hai nhà máy ở Khusai và Abqaiq hoạt động trở lại. Hiện tại chính quyền còn đang điều tra. Tuy nhiên chúng ta biết rằng Riyadh có một khoản dự trữ chiến lược tương đương với 200 triệu thùng dầu và mỗi ngày để dành được 2 triệu thùng.

Điều đó có nghĩa là vương quốc này có thể cầm cự được trong vòng 33 ngày. Tức là Saudi Arabia có thể vẫn giữ mức xuất khẩu nếu sử dụng đến khối lượng dầu dự trữ này. Thế nhưng giải pháp này khá nguy hiểm về mặt chiến lược. Bởi vì khối dầu dự trữ đó là một chiếc phao an toàn. Không thể nào sử dụng cạn kiệt khối lượng 200 triệu thùng dầu đó".

Saudi Arabia mắt xích không thể thiếu

Hiện tại Saudi Arabia là nguồn sản xuất dầu số hai trên thế giới, sau Hoa Kỳ. Vậy câu hỏi đặt ra là liệu Mỹ và các nhà sản xuất khác có thể lấp vào chỗ trống 5 % mà Saudi Arabia tạm không cung ứng được hay không ? Câu trả lời không đơn giản.

Đành rằng Hoa Kỳ nhờ vào dầu đá phiến dư thừa vàng đen nhưng theo các chuyên gia trong ngành, khả năng sản xuất của Mỹ đã đạt tới mức tối đa là hơn 12 triệu thùng một ngày. Mức tối đa đó đã đạt được vào tháng 4/2019. Từ đó tới nay, chỉ số này ổn định ở mức 12 triệu thùng mà không thể tăng thêm lên được.

Điểm thứ nhì là để xuất khẩu nhiều hơn nữa, Washington sẽ phải vượt qua một loạt các hàng rào về luật pháp và điều đó đòi hỏi thời gian, bởi dầu hỏa là một vấn đề "an ninh quốc gia".

Nhìn đến những van dầu khác của thế giới : không thể trông chờ gì ở Venezuela. Algeri do thiếu đầu tư từ nhiều thập niên qua, không thể mơ chiếm thêm thị phần. Dầu hỏa của Iran đang bị Mỹ cấm vận. Còn lại có Nga, nguồn bảo đảm đến ba phần tư nhu cầu tiêu thụ cho toàn Liên Hiệp Châu Âu, thì gần đây điện Kremlin nêu lên khả năng mức cung cấp dầu thô của các tập đoàn nhà nước Nga có nguy cơ bắt đầu giảm từ năm 2021. Khả năng sản xuất và cung cấp của các quốc gia Trung Á thì có hạn.

Thêm một thực tế khác là chất lượng dầu của Saudi Arabia vẫn là số 1 trên thế giới. Một nhà môi giới trên thị trường chứng khoán New York nhận xét, dầu hỏa của Mỹ hay của Nga không thể đọ được với dầu của Saudi Arabia, bởi đây là nơi duy nhất dầu bơm từ giếng ra gần như có thể sử dụng được ngay mà không cần phải qua quá nhiều khâu tinh lọc.

Cuối cùng, trên thế giới cũng chỉ có một mình Riyadh là có khả năng phản ứng nhanh, điều chỉnh giá cả vàng đen trên thế giới theo thời cuộc và chính điểm này khiến Saudi Arabia trở thành đối tác chiến lược "không thể thiếu" trong mắt Washington.

Chính vì là mắt xích không thể thiếu trong chuỗi cung ứng cho nên vụ các cơ sở của Saudi Arabia bị tấn công làm rung chuyển thị trường của thế giới : ảnh hưởng đến túi tiền của những người phải đổ xăng ở Pháp, cỗ máy sản xuất của Trung Quốc, Nhật Bản ... Chẳng vậy mà chính phủ Hàn Quốc đã vội vã thông báo sẵn sàng cho sử dụng đến kho dầu dự trữ chiến lược để bảo đảm cho cỗ máy công nghiệp vẫn hoạt động tốt.

Chuyên gia Pierre Terzian giải thích vì sao giới trong ngành xem đợt tấn công cuối tuần qua là cột mốc quan trọng trên bàn cơ năng lượng của thế giới :

"Phải ngược thời gian, trở lại với thời kỳ chiến tranh Iran-Iraq chúng ta mới thấy được mức độ nghiêm trọng của loạt tấn công lần này. Bởi vì đây là lần đầu tiên các cơ sở của Saudi Arabia bị tấn công ở quy mô lớn. Hơn nữa hai nhà máy bị nhắm tới là Khurais và Abqaiq. Đó là hai mắt xích rất quan trọng trong dây chuyền sản xuất và lọc dầu của Saudi Arabia. Cả hai cùng bị tê liệt.

Hơn thế nữa Khurais và Abqaid nằm trên trục đông-tây trên lãnh thổ Saudi Arabia. Rõ ràng là chiến tranh tại Yemen vượt ra ngoài biên giới quốc gia nhỏ bé này. Saudi Arabia đang trở thành một mặt trận mới trong cuộc xung đột đó. Ban đầu drone của phe nổi dậy Houthi ở Yemen bắn trúng một vài sân bay nhỏ của Saudi Arabia cách không xa biên giới Yemen. Nhưng lần này, khoảng một chục chiếc drone tấn công gần như cùng một lúc hai nhà máy hóa dầu của Saudi Arabia nằm cách xa biên giới Yemen khoảng một ngàn cây số. Rõ ràng sức công phá của phe nổi dậy Houthi đã tăng lên đáng kể. Đã tới lúc Saudi Arabia phải tự hỏi về vai trò của mình trong xung đột ở Yemen.

Ngoài ra, khi Hoa kỳ rút khỏi hiệp định hạt nhân với Iran, mọi người chờ đợi là khủng hoảng sẽ bùng lên ở eo biển Ormuz nhưng chẳng ngờ điểm nóng lại xuất phát ngay trên lãnh thổ Saudi Arabia và những người giật dây vụ này đã nhắm vào những điểm huyết mạch đối với Riyadh. Thành thử chúng ta đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Ngay cả hai nước lớn như Mỹ và Saudi Arabia cũng bị bất ngờ".

Mức độ an toàn, nhược điểm của ông khổng lồ Aramco

Nói cách khác, thứ nhất điều khiến cộng đồng quốc tế lo ngại liên quan trực tiếp đến khả năng của Riyadh bảo đảm an ninh cho các cơ sở dầu khí. Đặc biệt là chính bộ trưởng Năng Lượng Saudi Arabia cho biết, thiệt hại tại mỏ dầu ở Khurais và nhà máy Abqaiq còn ảnh hưởng luôn cả đến khả năng sản xuất một số loại khí đốt và sẽ phải mất nhiều tuần lễ mọi việc mới trở lại bình thường. Giới chuyên gia thẩm định rằng "sẽ phải mất nhiều tháng" nhà máy Abqaiq mới hoạt động lại bình thường.

Điểm thứ nhì gây lo ngại là bất luận ai đứng đằng sau hai vụ tấn công vừa qua, nhưng đây là lần đầu tiên những kẻ ra tay đánh thẳng vào hai trung tâm huyết mạch của tập đoàn dầu khí quốc gia Aramco. Abqaiq là nhà máy lọc dầu lớn nhất của Saudi Arabia, một nền công nghệ bảo đảm đến 80 % thu nhập cho vương quốc dầu hỏa này. Abqaiq nằm cách trụ sở của Aramco được đặt tại thành phố Dharan 60 cây số. Còn Khurais là một trong những mỏ dầu lớn nhất tập đoàn Aramco đang khai thác.

Ngoài các nhà máy lọc dầu, các giếng dầu đang được khai thác, còn phải kể đến những hệ thống đường ống dẫn dầu, đến ít nhất là 5 kho dữ trữ có sức chứa hàng chục triệu thùng dầu được chôn trong lòng đất. Saudi Arabia đã chi ra hàng tỷ đô la để mua những trang thiết bị tối tân nhất nhằm bảo đảm an ninh cho các cơ sở hạ tầng của ngành dầu khí. Dù vậy chỉ cần hơn một chục chiếc drone cũng đủ để ông khổng lồ dầu hỏa này phải giảm 50 % lượng xuất khẩu.

Vả lại đây là lần thứ 3 trong chưa đầy 5 tháng nhà máy dầu khí của Aramco bị tấn công. Ngày 17/08, mỏ Shaybah ở miền đồng Saudi Arabia bị phóng hỏa. Trước đó vào tháng 5/2019 lực lượng nổi dậy ở Yemen tự nhận là tác giả vụ phóng drone phá hoại vào đường ống dẫn khí đốt gần thủ đô Riyadh. Phe nổi dậy Houthi tại Yemen nói rõ hành động này nhằm trả thù Riyadh dẫn đầu liên quân Ả Rập can thiệp vào Yemen từ năm 2015.

Có điều các vụ tấn công thường xuyên xảy ra hơn, và vũ khí được sử dụng ngày càng tinh vi hơn, hiện đại hơn. Chính điểm này khiến Riyadh lo ngại vào lúc mà vương quốc Saudi Arabia đang chuẩn bị tư hữu hóa tập đoàn dầu khí quốc gia cho phép hoàng gia thu về từ một tỷ rưỡi đến hai tỷ đô la.

Sau cùng, điều nguy hiểm ở đây là các vụ tấn công nhắm vào lãnh thổ Saudi Arabia khiến tất cả các nhà sản xuất dầu trên thế giới đều lo ngại về mức độ an toàn cho các cơ sở dầu hỏa.

Còn về địa chính trị, đợt phá hoại Khurais và Abqaiq vừa qua mà phe nổi dậy Houthi ở Yemen được Iran hậu thuẫn tự nhận là tác giả càng làm dấy lên hiềm khích vốn có từ muôn đời giữa Riyadh với Tehran. Sau loạt các tầu dầu bị tấn công trên eo biển Ormuz, các quốc gia phải nhập dầu của Trung Đông, lại thêm mất ăn mất ngủ.

Thanh Hà

********************

Mỹ chuẩn bị trả đũa vụ tấn công cơ sở dầu của Saudi Arabia (RFI, 17/09/2019)

Hoa Kỳ đang chuẩn bị trả đũa các vụ tấn công cơ sở dầu hỏa của Saudi Arabia, mà Iran bị cáo buộc là thủ phạm. Sau khi tuyên bố hôm Chủ Nhật "sẵn sàng trả đũa", hôm qua, 16/09/2019, tổng thống Donald Trump đã họp ê kíp của ông để bàn về tình hình hiện nay và mọi người đang chờ xem tổng thống Mỹ có ra lệnh oanh kích vào Iran hay không. Tuy nhiên, ông Trump lại có thái độ không dứt khoát.

crisis3

Tổng thống Mỹ Donald Trump nói chuyện với báo chí, Nhà Trắng, Washington. Ảnh ngày 16/09/2019. Reuters/Sarah Silbiger

Từ Washington, thông tín viên Anne Corpet gởi về bài tường trình :

"Hôm Chủ Nhật, tổng thống tuyên bố trên mạng Twitter là ông sẵn sàng trả đũa vụ tấn công vào các cơ sở dầu hỏa của Saudi Arabia, sau khi ngoại trưởng Pompeo khẳng định chính Iran là thủ phạm. Nhưng hôm qua, thứ Hai ông Donald Trump lại có giọng điệu bớt đe dọa hơn. Ông nói : Tôi không muốn gây chiến với bất cứ ai, tôi không phải là một người muốn chiến tranh. Tổng thống Mỹ nói thêm : Rất có thể Iran là thủ phạm vụ tấn công này, nhưng hiện còn quá sớm để khẳng định điều đó.

Chủ nhân Nhà Trắng còn bảo đảm là hiện Hoa Kỳ chưa dự trù một chiến dịch quân sự nào, nhưng ông nhắc lại quân đội Mỹ là quân đội được trang bị tốt nhất thế giới, có những phi cơ hiện đại nhất, những tên lửa đáng gờm nhất, tức là nếu cần, có thể làm cho đối phương bị tổn thất nặng nề.

Ông Donald Trump tiếp tục khi thì tỏ ra cứng rắn, lúc thì có thái độ hòa dịu, nhưng về cơ bản, ông vẫn chống lại việc Hoa Kỳ tham gia vào một cuộc xung đột mới. Cách đây ba tháng, tổng thống Trump vào giờ chót đã từ bỏ việc tung lực lượng đánh Tehran sau vụ bắn rơi một máy bay không người lái của Mỹ".

Trong khi đó, hôm nay, trên trang web chính thức của ông, lãnh đạo tối cao của Iran, giáo chủ Ali Khamenei đã loại trừ khả năng thương lượng với Hoa Kỳ. Sau đó, trên mạng Twitter, giáo chủ Khamenei nói thêm là nếu Washington trở lại với hiệp định hạt nhân năm 2015, mà họ đã rút khỏi vào năm ngoái, Mỹ có thể tham gia vào các cuộc thảo luận với Iran và các nước khác đã ký hiệp định này.

Thanh Phương

******************

Cơ sở dầu hỏa của Saudi Arabia bị tấn công : Liên minh Riyadh và Washington bị thách thức (RFI, 16/09/2019)

Ngày 14/09/2019, hai nhà máy sản xuất dầu của tập đoàn dầu khí quốc gia Saudi Arabia bị tấn công bằng máy bay không người lái (drone) làm sản lượng dầu của nước này giảm đến một nửa. Phe nổi dậy Houthi tại Yemen thừa nhận trách nhiệm, nhưng Iran bị cáo buộc đứng sau giật dây. Tại sao vụ tấn công cơ sở dầu hỏa lại xẩy ra vào lúc này ?

crisis4

Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, hoàng tử Abdulaziz bin Salman, tại Hội nghị năng lượng thế giới, Abu Dhabi, Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, ngày 9/09/2019 Reuters/Satish Kumar

Hệ quả trước mắt của vụ tấn công là sản lượng dầu hỏa của Saudi Arabia, quốc gia xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới bị sụt giảm mạnh, giá dầu thô trên thị trường thế giới tăng thêm 12%. Tổng thống Donald Trump thông báo mở kho dự trữ của Mỹ để đáp ứng nhu cầu thị trường thế giới. Theo giới quan sát, vụ tấn công cơ sở dầu hỏa của Saudi Arabia mà Iran bị cáo buộc là thủ phạm chính, nhắm ba mục tiêu : kinh tế, quân sự và liên minh giữa Riyadh và Washington.

Trên bình diện kinh tế. Vụ tấn công có mục đích đánh thẳng vào "hầu bao" của Riyadh. Dầu hỏa chiếm đến 80-90% nguồn thu của nước này. Tuy nhiên trong những năm gần đây, Riyadh cũng bắt đầu gặp khó khăn về kinh tế, cán cân ngân sách bắt đầu bị thâm thủng. Từ một nước luôn trong tình trạng bội thu, Saudi Arabia đã bắt đầu đi vay nợ.

Hoàng thái tử Mohamed Bin Salman, khi đề ra chương trình cải cách kinh tế "Tầm nhìn 2030" trong đó có việc để giảm bớt nợ vay, đa dạng hóa các nguồn thu và Riyadh đã có kế hoạch đưa tập đoàn dầu hỏa quốc gia Aramco lên sàn chứng khoán vào năm 2020-2021. Thế nhưng việc hai nhà máy bị tấn công bằng drone làm lộ rõ những yếu kém về an ninh của những cơ sở sản xuất dầu của Saudi Arabia bất chấp hàng tỷ đô la đầu tư vào các hệ thống phòng không tinh vi. Như vậy, tiến trình cổ phần hóa tập đoàn Aramco có nguy cơ bị trì hoãn do các nhà đầu tư bắt đầu cảm thấy bất an.

Thứ hai, khi đánh vào "túi tiền" của Saudi Arabia, phải chăng Iran và các đồng minh của nước này là phe nổi dậy Houthi và lực lượng Shia thân Iran tại Iraq còn muốn làm suy yếu năng lực quân sự của Riyadh. Tại lò lửa Trung Đông này, Iran và Saudi Arabia là hai kẻ thù không đội trời chung và luôn cạnh tranh nhau về mặt ý thức hệ. Cuộc nội chiến tại Yemen là một minh chứng hiển nhiên.

Cuối cùng, vụ tấn công này còn nhằm "thử lửa" mối quan hệ đồng minh Mỹ - Saudi Arabia. Một mặt, giới phân tích cho rằng Tehera muốn gửi một thông điệp đến Washington, theo đó "Hoa Kỳ sẽ chẳng bao giờ được yên trong khu vực chừng nào người Mỹ vẫn áp đặt trừng phạt kinh tế nhắm vào Iran" như nhận định của tờ Middle East Eye.

Mặt khác, liệu Hoa Kỳ có sẽ thật sự dùng đến giải pháp quân sự chống Iran như tuyên bố của tổng thống Mỹ ? Theo ông Donald Trump, chỉ cần Saudi Arabia xác nhận Iran chính là thủ phạm thì Hoa Kỳ "sẵn sàng đáp trả".

Chỉ có điều thế giới không nên quên rằng, cội nguồn liên minh giữa Mỹ và Saudi Arabia dựa trên nguyên tắc "dầu hỏa đổi lấy bảo đảm an ninh". Hiệp ước Quincy năm 1945 cho phép Hoa Kỳ được độc quyền tiếp cận nguồn dầu hỏa đổi lấy việc bảo đảm quân sự cho vương quốc Ả Rập này. Nhưng hiệp ước này cũng có những lúc thăng trầm, và nhất là trong vụ tấn công khủng bố 11/09/2001, Saudi Arabia bị nghi ngờ là hậu thuẫn tài chính cho phe khủng bố cực đoan. Hơn nữa, với việc phát triển khai thác dầu đá phiến, Hoa Kỳ gần như không còn phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu.

Trung Đông sẽ càng trở nên bất định hơn bao giờ hết trước một Donald Trump khó đoán khó lường. Một điều mà giới chuyên gia cùng đồng ý là sau vụ hai nhà máy sản xuất dầu bị tấn công, Saudi Arabia chẳng khác gì vừa bị "đột quỵ" !

Minh Anh

*********************

Cơ sở dầu hỏa Saudi Arabia bị tấn công, Mỹ tuyên bố sẵn sàng đáp trả (RFI, 16/09/2019)

Giải pháp quân sự đối với Iran tại vùng Vịnh một lần nữa được tổng thống Mỹ đề cập đến. Donald Trump ngày 15/09/2019 tuyên bố sẵn sàng đáp trả các vụ tấn công nhắm vào cơ sở chế biến dầu lửa của đồng minh Saudi Arabia.

crisis5

Cơ sở dầu lửa tại Aramco, phía đông thành phố Abqaiq, Saudi Arabia bị tấn công ngày 14/09/2019 Reuters/STRINGER

Từ New York, thông tín viên Louna Anaki cho biết thêm :

Hoa Kỳ sẵn sàng đáp trả. Chúng tôi chờ Saudi Arabia cho biết họ coi ai là thủ phạm. Trên Twitter, ông Donald Trump một lần nữa khẳng định rằng các vụ tấn công nhắm vào Saudi Arabia sẽ không thể không bị trả đũa.

Tổng thống Mỹ khẳng định rằng không còn chút nghi ngờ gì về danh tính của thủ phạm. Thứ Bảy, 14/09/2019, chính quyền Mỹ đã nhanh chóng cáo buộc Iran đứng sau hai vụ tấn công nhắm vào các cơ sở chế biến dầu hỏa ở phía đông Saudi Arabia. Chính quyền Tehran đã bác bỏ những cáo buộc này.

Dù gì đi chăng nữa, các vụ tấn công này đã làm chao đảo thị trường dầu thô thế giới. Giá một thùng dầu đã tăng thêm ít nhất là 12%. Về điểm này, ông Donald Trump cũng đã quyết định cần phải ra tay. Để đối phó với những khó khăn cung ứng dầu hiện nay, ông đã cho phép sử dụng nguồn dự trữ khẩn cấp của Mỹ.

Các nguồn dự trữ này lên đến 645 triệu thùng dầu thô, lưu giữ trong các hầm ngầm, được kiểm soát chặt chẽ tại các vùng duyên hải Louisiana và Texas. Đây là kho dự trữ dầu hỏa lớn nhất thế giới. Hoa Kỳ chỉ ba lần dùng đến nguồn dự trữ này kể từ khi lập kho lưu giữ năm 1970. Nếu lần này lại dùng đến, thì phải mất ít nhất hai tuần, nguồn dự trữ này mới cung ứng được cho thị trường thế giới.

Minh Anh

*********************

Mỹ đổ lỗi cho Iran trong vụ tấn công nhà máy dầu Saudi Arabia (RFI, 15/09/2019)

Sau vụ tấn công bằng drone hôm 14/09/2019 gây hỏa hoạn tại hai nhà máy sản xuất dầu hỏa của tập đoàn dầu khí quốc giả Saudi Arabia, Riyadh thông báo tạm thời giảm 50 % khả năng sản xuất của Aramco. Phe nổi dậy tại Yemen nhận là tác giả vụ tấn công nói trên nhưng Hoa Kỳ quy trách nhiệm cho Iran trong vụ này.

6666666666666666

Nhà máy lọc dầu Aramco của Saudi Arabia. Reuters

Thông tín viên đài RFI Loubna Anaki từ New York giải thích :

Đã đến lúc Mỹ nghiên cứu khả năng tấn công cơ sở dầu hỏa của Iran. Thượng nghị sĩ đảng Cộng Hoàn Lindsey Graham tuyến bố như trên và ông cho rằng đây là phương tiện duy nhất, "để Tehran chấm dứt các hành vi khiêu khích".

Trước đó ngoại trưởng Mike Pompep trực tiếp tố cáo Iran đứng đằng sau các vụ tấn công nhắm vào nhà máy dầu tại miền đông Saudi Arabia. Trên Twitter ông Pompeo coi đây là một vụ tấn công chưa từng thấy nhắm vào các nguồn cung cấp năng lượng của thế giới.

Phe nổi dậy Houthi tại Yemen nhận là tác giả, thế nhưng Mike Pompeo cho rằng, "không có bằng chứng nào cho thấy mọi việc xuất phát từ Yemen". Ngoại trưởng Hoa Kỳ kêu gọi cộng đồng quốc tế lên án hành vi gây hấn của Iran và nói thêm là Washington sẽ đưa ra những "biện pháp cần thiết buộc Tehran phải lãnh hậu quả cho những hành động của mình".

Nhà Trắng có cùng quan điểm. Tổng thống Donald Trump điện đàm với thái tử Mohamad Ben Salman và dường như nguyên thủ Mỹ cam kết sẵn sàng hỗ trợ Riyadh.

Vụ tấn công vừa qua lại làm dấy lên căng thẳng giữa Mỹ và Iran. Đây không phải là lần đầu tiên khả năng can thiệp quân sự được đề cập tới. Mùa hè vừa qua, Tehran bắn hạ một chiếc drone của Mỹ thâm nhập không phận của Iran. Khi đó Donald Trump đã quyết định mở chiến dịch oanh kích trả đũa Iran, nhưng rồi ông hủy chiến dịch đó vào phút chót.

Thanh Hà

Quay lại trang chủ
Read 461 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)