Dầu hỏa và nước : Hai nhu cầu, hai mối nguy của nhân loại
Các quốc đảo ở Thái Bình Dương sắp biến mất, Trung Đông trước nguy cơ chiến tranh không tránh khỏi là hai chủ đề của các tạp chí trong tuần nhân chiến dịch Ngày Thế Giới Vì Khí Hậu 20/09 và trong bối cảnh khủng hoảng tại vùng Vịnh lâm vào bế tắc.
Tuvalu, phía tây nam quần đảo Kiribati, Thái Bình Dương, bị đe dọa ngập nước. AFP PHOTO/Torsten BLACKWOOD
Tuần báo Courrier international tổng hợp hai vấn đề nghiêm trọng đang đe dọa nhân loại trong số báo 1507. Trang bìa giới thiệu bức thư của một chuyên gia về rủi ro của Liên Hiệp Quốc gửi người dân tương lai quần đảo Maldives và các quần đảo Thái Bình Dương "sắp chìm trong nước biển" hoặc không thể sinh sống được nữa. Bức tâm thư dài, tỉ mỉ kèm theo bản đồ dự báo thảm nạn không tránh được và những hệ quả địa chính trị đầy bất trắc.
Thảm nạn không tránh được
Chuyên gia Robert Templer, cũng là dân hải đảo, đảo Ireland, bắt đầu như một lời trần tình : Tôi không biết gửi bức thư này về địa chỉ nào vì nếu được may mắn, có lẽ các bạn đang tị nạn ở New Zealand, trong một chung cư chật chội hay trên một hòn đảo nổi nhân tạo. Còn trái lại, kém may mắn hơn, bạn có thể đang ở trong một trại tị nạn ẩm ướt ở miền nam Ấn Độ. Điều gần như chắc chắn là tôi sẽ không thể gặp bạn ở Thượng Hải, New York, Bombay, Singapore, thành phố Hồ Chí Minh, bởi vì những thành phố này cũng sẽ bị nước biển phủ ngập một vài thập niên sau Maldives.
Các bạn sẽ nhớ về quê cũ, nhớ hải đảo thiên đường, biển xanh, bãi cát trắng, từng đàn cá đủ màu bơi lượn. Lúc đó, các rạn san hô không còn nữa vì độ axit (cường toan) trong nước.
Maldives không tránh được số phận này vì nhiệt độ trên trái đất tiếp tục gia tăng. Chỉ trong năm 2017, hai tỷ tấn băng đá ở Nam Cực tan thành nước. Trong khi trên lục địa, chỉ đương cử trường hợp Trung Quốc, trong vòng 10 năm, 28.000 con sông bị khô cạn. Hệ quả đầu tiên là canh tác giảm năng suất, còn các đảo quốc như Maldives trong Ấn Độ Dương, hay Salomon, Fidji, Kiribati, Marshall, Tonga… ở nam Thái Bình Dương, thậm chí quần đảo Trường Sa ở Biển Đông, cũng sẽ biến mất trước tiên trong một tương lai gần ngay trong thế kỷ 21 này. Lúc đó, nhiệt độ trái đất lúc ban ngày đã lên đến 50°C.
Hệ quả địa chính trị sẽ vô cùng phức tạp
Công ước biển của Liên Hiệp Quốc 1982 quy định biên giới trên biển dựa vào lãnh thổ và thềm lục địa. Khi đảo bị ngập mất thì lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế cũng mất theo. Rồi quyền đánh cá, quyền khai thác tài nguyên sẽ ra sao ?
Giải pháp chống biến đổi khí hậu không thiếu, nhưng vì thiếu quyết tâm chính trị của các cường quốc nên các quốc đảo bó tay : Nếu nỗ lực ngăn chặn địa cầu tăng nhiệt dưới 2°C vào cuối thể kỷ được bắt đầu vào năm 2019, thì phải làm giảm 10% lượng khí thải CO2 mỗi năm và cần 3000 tỷ euro để thực hiện. Số tiền khổng lồ nhưng vẫn còn rất thấp. So với con số 5000 tỷ đôla chi phí hàng năm để hỗ trợ cho ngành dầu hỏa và năng lượng hóa thạch nói chung thì chẳng là bao.
Vấn đề là giới lãnh đạo quốc tế hiện nay thiếu quyết tâm chính trị. Chúng ta bắt đầu bớt ăn thịt nhưng nỗ lực này tan thành khói nếu Ấn Độ vẫn sử dụng than đá và nếu Đảng cộng sản Trung Quốc vẫn chạy theo tỉ lệ tăng trưởng để tồn tại thì những hành động của cá nhân chẳng có trọng lượng gì đối với Bộ chính trị đảng.
Tác giả kết thúc bức tâm thư với hình ảnh một gia đình giàu có tại Saudi Arabia : Biệt thự có hồ bơi, một đứa trẻ giúp mẹ nó tưới bông dưới hàng cây cọ. Nó dùng nước tưới bông nhiều hơn là nước tưới tiêu hoa màu vùng khô hạn. Cũng là điều chắc chắn, là những đứa bé này là thế hệ trẻ con cuối cùng biết lối sống này.
Dầu hỏa, nguy cơ gây chiến tranh trước mắt
Courrier International giới thiệu các quan điểm của The Wall Street Journal và một số báo Ả Rập : vì sao khó tránh được chiến tranh Iran-Saudi Arabia.
Trong bài "Rủi ro xung đột", nhật báo bảo thủ của Mỹ cho rằng tổng thống Donald Trump đang trả giá vì những tín hiệu "thiện chí" của ông gửi đến Iran trước khi xảy ra vụ Saudi Arabia bị oanh kích.
Iran tìm cách "trắc nghiệm, thăm dò" chủ nhân Nhà Trắng coi "áp lực tối đa" thật sự đến đâu ? Trước hết là bắn hạ một máy bay gián điệp không người lái. Donald Trump từ chối trả đũa bất chấp đề nghị của các viên chức thân cận. Ông còn vội vã muốn nói chuyện với tổng thống Iran Hassan Rohani. Chính ngoại trưởng Pompeo đề xuất một cuộc gặp gỡ không chính thức bên lề Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Donald Trump còn có ý ủng hộ phương án của tổng thống Pháp, đóng góp 15 tỷ đô la vào một quỹ tín dụng để các giáo sĩ Iran tỏ ra biết điều hơn.
Wall Street Journal cho rằng tuy mất một phần nguồn lợi do lệnh trừng phạt dầu hỏa nhưng Iran có cách thu về cả trăm triệu đôla từ những sản phẩm chế biến từ dầu hỏa. Do vậy, thượng nghị sĩ Lindsey Graham có lý khi ủng hộ ý kiến tấn công thẳng vào các cơ sở sản xuất và phải cho chế độ Hồi giáo biết rằng Hoa Kỳ có phương án này.
Nhật báo bảo thủ thông cảm vì sao Washington không muốn tận tình giúp Ryadh để ngăn chặn vũ khí mà Iran cung cấp cho phe Houthi mở mặt trận ở Yemen vì Donald Trump không muốn lao vào chiến tranh Yemen. Nhưng nếu Houthi chiến thắng thì một chế độ mới theo mô hình Hezbollah Lebanon, cánh tay nối dài của Iran, thì quyền lợi của Mỹ có bị đe dọa không ?
Wall Street Journal kêu gọi tổng thống Donald Trump phải xin lỗi cố vấn an ninh quốc gia John Bolton bị ông cách chức mới đây. John Bolton đã khuyến cáo, và khuyến cáo đúng, là coi chừng Iran lợi dụng thái độ nhu nhược của chủ nhân Nhà Trắng. Từ bỏ thái độ cứng rắn chỉ làm cho Tehran phiêu lưu quân sự.
Báo chí Ả Rập cũng lo không tránh được chiến tranh
Nhìn từ Trung Đông, báo chí Ả Rập chia sẻ quan điểm lo âu không tránh được chiến tranh. Ryadh bị đánh trúng tim nên không thể thụ động. Nhật báo Okaz gọi vụ tấn công 14/09 là 11/09 : không phải Israel mà từ nay, Iran mới là kẻ thù của khối Ả Rập. Asharq Al Awsat kêu gọi phải phản công bởi vì chính điệp viên Iran chứ không phải Houthi hay Hezbollah nào đứng sau các vụ khủng bố. Tại sao Châu Âu đặt vấn đề phải thích nghi với đe dọa của Iran phong tỏa vịnh Ba Tư. Mộng mơ như tổng thống Pháp, tránh né bổn phận đối đầu, thì chỉ làm cho Iran tin rằng có thể muốn làm gì thì làm.
Tuy nhiên, cho dù báo chí Saudi Arabia chủ trương chiến tranh, những đồng nghiệp khác trong khu vực nghĩ rằng Ryadh không đủ điều kiện. Al Quds Al Arabi lập luận : Ai cũng biết chính sách của Donald Trump tìm hợp đồng hơn là muốn chiến tranh. Nói cách khác các đồng minh "giả hiệu" của Ryadh, từ Washington, Abu Dhabi cho đến Châu Âu, sẽ để cho Saudi Arabia một mình gánh vác và lãnh hậu quả nếu thất bại.
Khác với lập luận trên, The Guardian từ Luân Đôn, tin là cho dù Saudi Arabia không đủ phương tiện kỹ thuật, cho dù Washington không mấy mặn mà, nhưng thái tử Mohammed bin Salman, vì lý do chính trị đòi hỏi, không thể thụ động ngồi yên. Trong trường hợp đó, Iran sẽ phản ứng mạnh hơn. Cả hai sẽ rơi vào vòng lẩn quẩn : Không ai muốn đánh nhau thật nhưng không ai biết làm sao tránh được chiến tranh.
Bóng chiến tranh đã đến gần, tuần báo Anh The Economist cũng kết luận tương tự.
Tình hình kinh tế thế giới cũng khá bi quan
L’Express của Pháp giải thích đâu là chốt chận khó tháo gỡ. Nước Đức vì lý do lịch sử, bị nạn lạm phát ám ảnh, nên không chấp nhận nới lỏng kiểm soát ngân sách. Về địa chiến lược, chính sách "hướng Nga" của tổng thống Pháp có mục tiêu gì ?
Di dân nhập cư, bản sắc dân tộc, giáo dục, nữ quyền là bốn hồ sơ lớn của tuần báo thiên tả L’Obs, bên cạnh một bài về một ông cố vấn của thủ tướng Anh Boris Johnson mà trong đảng Bảo thủ và ở Châu Âu ai cũng không dám kết thân vì bản tính bá đạo, có mưu lược mà thiếu đức độ.
Dominic Cummings là người như thế nào ? Thiên tài hay ác quỷ ? Binh pháp Tôn Tử được vị quân sư này tóm ý như sau : "Khuynh đảo đối thủ bằng một loạt động thái đánh lạc hướng, ngụy kế, thấu cáy, cà-rốt rồi cây gậy… không cho kịp suy nghĩ để cuối cùng chính đối thủ bị mặc cảm là kẻ cuồng tín khiêu khích". Không rõ cố vấn hiện nay của thủ tướng Anh lợi hại đến mức độ nào. Có điều khẩu hiệu dối trá của Boris Johnson, tô đậm trên xe bus "mỗi tuần Anh Quốc phải nộp cho Bruxelles 350 triệu bảng Anh" đã đánh lừa không ít cử tri Anh ủng hộ Brexit.
David Cameron, lúc còn làm thủ tướng Anh, đã gọi Dominic Cummings là "quân sư tâm thần chuyên nghiệp". Còn Giuliano da Empoli, cố vấn của cựu thủ tướng Ý Matto Renzi gắn cho đồng sự cố vấn Anh là "kỹ sư khuynh đảo".
Vì sao tổng thống Pháp chìa bàn tay thân thiện với Vladimir Putin
Tuần báo L’Express cũng với bốn hồ sơ : Brexit, thương chiến, Iran và câu hỏi liệu có tránh được tình trạng suy thoái kinh tế hay không ?
Trong bối cảnh tương lai đầy thử thách, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đánh cược vào chính sách mà L’Express gọi là "chiến dịch nước Nga" mượn ý từ cuộc chinh đông của Napoléon.
Vì sao tổng thống Pháp chìa bàn tay thân thiện với Vladimir Putin cho dù có nhiều bất đồng ? Mục tiêu của chiến lược này, theo L’Express không đơn thuần là do nhu cầu cải thiện quan hệ song phương bị căng thẳng cao độ sau vụ Nga chiếm Crimea của Ukraine năm 2014, Pháp hủy hợp đồng bán hai chiến hạm đa năng, cùng với Châu Âu và Mỹ ban hành hàng loạt biện pháp trừng phạt kinh tế và giới lãnh đạo Nga.
Chiến lược mới của Paris là do tình hình hỗn loạn của thế giới đòi hỏi. Vì Putin ước mơ làm lãnh tụ một phần trái đất do các chế độ phi dân chủ nắm quyền cho nên nói chuyện với Moskva, cầu nối với các chế độ đó, sẽ có trọng lượng hơn. Ưu tư số một của Paris hiện nay là ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Iran. Đổi lại, vai trò của Pháp sẽ giúp cho Putin cụ thể hóa chiến thắng quân sự tại Syria thành giải pháp chính trị.
Cải thiện quan hệ với Putin ngay từ bây giờ còn có một điểm lợi nữa. Theo giới thân cận ở Điện Elysée, với cá tính của Donald Trump, nếu tái đắc cử vào năm 2020 thì rất có thể chủ nhân Nhà Trắng có thể bất thình lình "tạo đột phá ngoại giao" với Moskva mà không cần báo trước với các đồng minh.
Tại Moskva, Putin cũng có lợi khi bình thường hóa quan hệ với Paris. Theo Michel Duclos, cựu đại sứ, chuyên gia địa chiến lược Pháp, có hai Putin chứ không phải một. Một Putin trước 2001, với não trạng hậu Xô-viết, tin rằng Hoa Kỳ là siêu cường không thể sánh được. Lúc đó, Trung Quốc còn yếu. Từ sau 2014, sau khi sáp nhập được Crimea, Putin thứ hai quay sang Bắc Kinh, ký kết thỏa thuận hợp tác dầu khí và quân sự. Tuy nhiên, cũng theo chuyên gia Michel Duclos, Putin sẽ không bỏ trục Moskva-Bắc Kinh, nhưng ông cũng có nhu cầu "cải thiện hình ảnh cá nhân" hiện bị các nền dân chủ tự do tẩy chay.
Thật ra, sáng kiến của Emmanuel Macron không phải là mới. Châu Âu "từ Đại Tây Dương đến tận dãy núi Ural" là công thức của tổng thống De Gaulle. Mikhail Gorbachev cũng lấy lại với đề xuất "Châu Âu chung một mái nhà". Tổng thống Macron chỉ thêm vào một viên gạch để xây dựng một công trình chưa được chính thức khởi công.
Mexico ngăn chặn giới thiết kế thời trang "đánh cắp di sản văn hóa"
Để kết thúc mục điểm tuần báo hôm nay, xin mời thính giả, độc giả mở trang văn hóa của báo Mexico Gatopardo. Theo dõi thời trang, ai cũng biết cứ độ 20 năm thì trở lại "mốt" cũ. Những nhà vẽ kiểu còn một bí quyết khác là "mượn" ý từ y phục cổ truyền của các sắc dân thiểu số. Từ nay, Mexico không muốn để "di sản văn hóa bị khai thác miễn phí".
Bằng cách nào ? Một nữ thượng nghị sĩ Mexico tung phát pháo : các nhà thiết kế nói là họ vinh danh các nền văn hóa thổ dân nhưng họ được tiền còn thổ dân chẳng được gì. Susana Harp nói là làm. Bà đã đưa ra dự án luật bảo vệ "di sản dân tộc". Dự luật này nhắm vào các hiệu lớn như Louis Vuitton, Dior, H&M, Zara… bị tố cáo "đạo kiểu".
Carla Fernandez, một nhà thiết kế Mexico hy vọng dự luật này không những bảo vệ văn hóa ở Mexico mà còn tác động đến khắp thế giới : Tại sao các hiệu lớn này không hợp tác với các cộng động sắc dân và trả thù lao cho nghệ nhân trong khi các nhãn hiệu nhỏ hơn có thể làm được ?
Tú Anh