Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

23/09/2019

Điểm báo Pháp - Khí hậu, tâm điểm của thế giới

RFI tiếng Việt

Khí hậu, tâm điểm của thế giới

Liên Hiệp Quốc gióng tiếng chuông báo động"cần khẩn cấp hành động" cứu hành tinh. Các số báo của Libération trong tuần này đều dành rất nhiều hồ sơ vì một hành tinh "Xanh".

climat1

Khu băng đá Pasterze, lớn nhất ở Áo, nhìn từ núi Hohe Tauern, tỉnh Carinthia, ngày 14/08/2011. Reuters/Lisi Niesner

Một tuần lễ "quyết định" đối với môi trường, La Croix đề xuất ba biện pháp để giữ nhiệt độ của Trái Đất không tăng quá ngưỡng 2°C. Ba giải pháp đó khá đơn giản : dùng ít năng lượng hơn, thay đổi thói quen về ăn uống và tính lại về các phương tiện giao thông của hơn 7 tỷ con người trên hành tinh.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Gueterres kêu gọi quốc tế hãy "bắt tay hành động" và ông đã mất một năm để chuẩn bị cho hội nghị khai mạc hôm nay ở New York. Libération lo ngại thành công sẽ không bao nhiêu. Bởi lãnh đạo các nước gây ô nhiễm nhất, như Trung Quốc hay Ấn Độ và nhất là Hoa Kỳ đều vắng mặt. Ngay cả Nhật hay Canada vốn đã cam kết rất nhiều về quyết tâm phát triển năng lượng sạch cũng không tham dự hội nghị về môi trường mở ra chiều nay tại trụ sở Liên Hiệp Quốc.

Pháp không có chiếc đũa thần

Về phần nước Pháp, tờ báo thiên tả Libération nhắc lại : năm ngoái Chương trình vì Môi trường của Liên Hiệp Quốc đã tặng cho nguyên thủ Pháp danh hiệu "nhà vô địch của Trái Đất", vinh danh những nỗ lực của Paris trong công cuộc chống biến đổi khí hậu. Lần này, trong buổi làm việc đầu tiên tại New York sáng nay, tổng thống Emmanuel Macron sẽ chủ trì một cuộc họp nhằm huy động vốn trồng lại rừng Amazon thường được mệnh danh là lá phổi của hành tinh. Cũng tại New York, nguyên thủ Pháp sẽ "khẳng định lại những mục tiêu đầy tham vọng của Pháp về môi trường"... Có điều Libération dự báo, ngoài những tuyên bố chung chung, tổng thống Macron sẽ không đưa ra thêm những cam kết cụ thể nào. "Pháp phô trương các mục tiêu về môi trường nhưng lại không làm gương cho những quốc gia khác".

Công nghệ cao và khí hậu

Bức ảnh người máy robot tay cầm một hai chiếc lá xanh tươi minh họa cho hồ sơ trên Le Figaro mang tựa đề "Công nghệ cao trong thế tiến thoái lưỡng nan trước những thách thức về môi trường". Công nghệ tin học vừa tiêu thụ nhiều tài nguyên thiên nhiên, vừa là giải pháp cho phép tiết kiệm năng lượng. Thí dụ cụ thể là mỗi lần dùng Google tìm kiếm thông tin, chúng ta thải ra 0,2 gr CO2. Khối lượng đó không nhiều so người dùng xe hơi để di chuyển. Hiềm nỗi mỗi tháng, trung bình trên thế giới có tới 13 tỷ lượt truy cập vào Google, lượng khí carbon thải ra như vậy tương đương với mức tiêu thụ điện của 4.300 hộ gia đình Mỹ trong một tháng. Đó là chưa kể ở đầu bên kia máy điện toán của chúng ta, Google phải tích trữ không biết bao nhiêu dữ liệu để cung cấp cho người sử dụng. Việc tích trữ dữ liệu đó cũng rất tốn năng lượng. Nhưng bù lại, cũng nhờ có các phương tiện tìm kiếm như Google hay những ứng dụng mà chúng ta tiết kiệm được không biết bao nhiêu điện, xăng... Thí dụ như tại Pháp, người ta thường dùng ứng dụng của Blablacar để đi quá giang xe, chia sẻ tiền xăng với tài xế... nhờ vậy, tiết kiệm được đến 1,6 triệu tấn CO2 thải ra một năm

Ngòi thuốc nổ Iran

Bên cạnh rất nhiều bài vở nói về khí hậu, Iran cũng chiếm nhiều trang báo không kém. Le Monde ngay trang hai khẳng định "căng thẳng Iran là trọng tâm khóa họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc". Le Figaro nhấn mạnh đến những nỗ lực của tổng thống Pháp Emmanuel Macron hạ nhiệt tình hình, nhưng "hy vọng Tehran và Washington nối lại đối thoại ngày càng thêm xa vời", nhất là sau loạt tấn công nhắm vào các cơ sở dầu hỏa của Saudi Arabia.

Báo La Croix mời hai chuyên gia trả lời câu hỏi "Chiến lược của Iran có dẫn tới chiến tranh hay không ?". Clément Therme, thuộc Trung tâm Nghiên cứu về Quan hệ Quốc tế CERI nhận định : về mặt chiến lược, căng thẳng hiện nay bắt nguồn từ việc Mỹ rút khỏi hiệp định hạt nhân Iran, trừng phạt kinh tế nước này, và qua đó Washington chấp nhận rủi ro đối đầu với Tehran về mặt quân sự. Trên phương diện kinh tế, Iran không thể đọ lại với Hoa Kỳ nên tìm cách phá bĩnh, đủ để cho Mỹ hiểu rằng, chủ trương "gây áp lực tối đa" của Nhà Trắng lôi kéo nhiều quốc gia dầu hỏa khác ở Trung Đông vào vòng lao đao. Đứng đầu trong số đó là Saudi Arabia, đồng minh của Mỹ.

Thierry Coville, thuộc Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược của Pháp lạc quan hơn một chút, khi cho rằng Tehran phô trương sức mạnh để thị uy nhưng biết dừng lại đúng mức. Mục tiêu sau cùng của Iran là được xóa bỏ cấm vận. Kể cả giáo chủ Khamenei cũng để ngỏ khả năng trở lại với thỏa thuận đã được ký kết hồi tháng 7/2015 nếu quốc tế ngừng trừng phạt kinh tế Iran. Trong khi đó ở Washington, tổng thống Trump liên tục hô hào "tăng cường các biện pháp trừng phạt", nhưng Nhà Trắng có thể làm được gì hơn nữa ? Chiến thuật "gây sức ép tối đa" của ông Trump vô hiệu. Đến một lúc nào đó, Mỹ chỉ có hai lựa chọn : hoặc là lao vào một cuộc chiến, hoặc phải nhìn nhận thất bại trong chính sách về Iran và thất bại đó buộc Washington phải thay đổi.

Thierry Coville kết luận : đã đến lúc phải ngừng xem Iran là một mối đe dọa thường trực và phải đàm phán. Ở đây không có bên "thiện", bên "ác" mà chỉ có những người tôn trọng đối phương. Xét cho cùng thì Mỹ cũng đã bắt đầu đàm phán với phe Hồi giáo cực đoan Taliban ở Afghanistan !

Pháp : còn nước còn tát

Trong tiến trình đàm phán Mỹ-Iran sắp tới, tất cả các tờ báo Pháp đều cho rằng Paris là một nhịp cầu quan trọng. "Macron nỗ lực làm hạ nhiệt tình hình", tựa một bài báo trên Le Figaro. Sáng kiến của Pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi để tổng thống Mỹ và Iran gặp nhau bên lề khóa họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lần này đang bị nhận chìm sau loạt tấn công 14/09/2019 nhắm vào các cơ sở dầu khí của Saudi Arabia. Nếu như tổng thống Trump vẫn có thể thay đổi ý kiến vào phút chót để có thể tiếp xúc với đồng nhiệm Iran, thì ngược lại phía ông Hassan Rohani không được tự do bằng. Chỉ cần bắt tay với nguyên thủ Mỹ cũng phải có sự chuẩn bị từ trước. Paris ý thức được tất cả những khó khăn này.

Tại New York trong hai ngày hôm nay và ngày mai, nguyên thủ Pháp sẽ gặp riêng tổng thống Mỹ và Iran, đồng thời thuyết phục cộng đồng quốc tế, đứng đầu là Nga, Trung Quốc, Ấn Độ hay Nhật Bản ủng hộ Paris lôi kéo Tehran và Washington trở lại kế hoạch giải trừ hạt nhân Iran. Có điều như báo Le Figaro ghi nhận, Tehran không vội vàng thu về thành tích như tại các nền dân chủ phương Tây.

Chính sách ngoại giao của Donald Trump : nói nhiều, thành quả chẳng bao nhiêu

Vài giờ trước khi khóa họp lần thứ 74 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khai mạc, đồng minh, đối tác và cả các đối thủ của Washington đều hồi hộp. Đó là nội dung bài viết của nhà báo Adrien Jaulmes trên Le Figaro.

Từ khi Donald Trump bước vào Nhà Trắng, các nhà cố vấn, các định chế mà từ trước đến nay có trách nhiệm hoạch định chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ đều bị "vô hiệu hóa". Donald Trump không nghe bất kỳ một ai và có thói quen phản ứng theo cảm tính. Hội đồng an ninh quốc gia dưới thời tổng thống Trump bị gạt ra bên lề. Thí dụ điển hình nhất là cuối năm ngoái, khi Nhà Trắng thông báo rút quân khỏi Syria, cả bộ quốc phòng lẫn ngoại giao đều bị bất ngờ.

Có điều như ghi nhận của Robert Malley, người từng phục vụ dưới chính quyền Clinton và Obama, mâu thuẫn của Donald Trump nằm ở chỗ ông muốn đưa ra hình ảnh một nhà lãnh đạo quyết đoán, thế nhưng về cơ bản Trump không chủ trương dùng sức mạnh quân sự cho dù là "những tuyên bố và hành động của ông có thể dẫn tới chiến tranh". Đáng buồn hơn, theo cựu cố vấn của tổng thống Barack Obama là về ngoại giao, chính quyền Trump hô hào rất nhiều, nhưng về thực chất thành công trong chính sách đối ngoại của Mỹ trong ba năm qua lại "chẳng bao nhiêu".

Năm 2016 Donald Trump mạnh mẽ chỉ trích chính quyền Obama can thiệp quân sự tại Afghanistan, Syria... Nhưng ba năm sau, lính Mỹ vẫn hiện diện tại Afghanistan, tiến trình đàm phán với quân Taliban thất bại. Với Iran, tổng thống Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định Vienna, làm dấy lên căng thẳng trong vùng Vịnh, nhưng Nhà Trắng không đạt được một thỏa thuận "tốt hơn" với Tehran như Donald Trump từng hứa hẹn.

Nhìn đến hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên, Donald Trump- Kim Jong-un sau ba lần bắt tay nhau, Bình Nhưỡng vẫn chưa đình chỉ chương trình nguyên tử. Tại Venezuela, Washington yểm trợ phe đối lập, nhưng bất chấp áp lực dồn dập của Hoa Kỳ, chế độ Maduro vẫn tồn tại.

Tác giả bài báo không đề cập đến tương quan lực lượng giữa Mỹ và Trung Quốc hay với Nga mà chỉ lưu ý độc giả rằng, ông Trump cho dù hay tuyên bố hùng hồn với các nước trong tầm ngắm của mình, nhưng lại là một người rất "thận trọng". Thành tích lớn nhất về ngoại giao của ông có lẽ là đã tránh mở thêm những mặt trận quân sự mới, tránh mạo hiểm trên phương diện này.

Thanh Hà

Quay lại trang chủ
Read 505 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)