Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

25/09/2019

Thương mại và an ninh, Donald Trump đang nhắm Châu Âu, Trung Quốc và Iran

Tổng hợp

Thương chiến : Ngoài Mỹ, Trung Quốc sắp đụng với Châu Âu (RFI, 25/09/2019)

Trung Quốc đang lâm vào chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ. Giờ đây, Bắc Kinh sắp đương đầu với một mặt trận kinh tế thứ hai với Châu Âu. Một báo cáo của Phòng Thương Mại Châu Âu, định chế nhiều thế lực, cho phép giới phân tích suy đoán Bruxelles không còn ngây thơ đối với chế độ Tập Cận Bình.

trump01

Sản phẩm thép cán, một trong những mặt hàng tranh chấp thương mại chủ yếu giữa Bắc Kinh và phương Tây. Ảnh chụp 11/2003 kho hàng xuất khẩu của Shanghai Krupp Stainless Co.Ltd. Reuters/Claro Cortes IV/File Photo

Sự sống còn của Châu Âu phụ thuộc vào việc bảo hộ thị trường chung chống hàng Trung Quốc, trừ phi Bắc Kinh cải cách cơ cấu kinh tế, chấp nhận cạnh tranh tự do không có sự trợ giúp can thiệp của Nhà nước.Trên đây là đề xuất của Phòng Thương Mại Châu Âu vừa được công bố hôm 23/09/2019.

Trong nghiên cứu chi tiết này, các nhóm áp lực hành lang của giới doanh nghiệp Châu Âu kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu phải có hành động chung, trực tiếp, để hạn chế sức mạnh của các đại tập đoàn Nhà nước Trung Quốc.

Tập Cận Bình : tác nhân gây căng thẳng với Mỹ

Ông Joerg Wuttke, chủ tịch Phòng Thương Mại Châu Âu tại Bắc Kinh không nói vòng vo rằng thay vì hạn chế các tập đoàn Nhà nước ở một quy mô hợp lý, chọn lọc lãnh vực nào cần được duy trì, lãnh vực nào cần phải tư hữu hóa thì Bắc Kinh lại theo đuổi mục tiêu " mạnh hơn, hiệu quả hơn, lớn hơn ". Chính chủ tịch kiêm lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình, trong đại hội đảng lần thứ 19 vào năm 2017 đã chỉ đạo cho các xí nghiệp Nhà nước " phải mạnh nhất, giỏi nhất và to nhất ".

Với mệnh lệnh này, các tập đoàn Trung Quốc tha hồ " ngốn " các nguồn tài trợ, tóm thu các hợp đồng béo bở nhất, " nuốt gọn " các công ty tư nhân và ngăn chận doanh nhân nước ngoài đầu tư vào Hoa lục.

Châu Âu với chiến lược tự vệ và cảnh tỉnh Bắc Kinh

Bản báo cáo còn chỉ đích danh chủ tịch Trung Quốc chà đạp các chuẩn mực thế giới về quản lý kinh tế. Chính sách ưu tiên cho lãnh vực kinh tế quốc doanh là nguồn cội gây căng thẳng ngày càng nhiều với Hoa Kỳ.

Để đối phó với chế độ không tuân thủ luật chơi công bằng, bản nghiên cứu đưa ra sách lược hành động gồm ba bước.

Nếu Bắc Kinh tiếp tục giả điếc, không cải cách doanh nghiệp Nhà nước, không giữ thái độ trung lập về cạnh tranh cũng như mở cửa thị trường thì Châu Âu áp dụng các biện pháp trả đũa tương xứng để bảo vệ thị trường chung, chống Trung Quốc cạnh tranh.

Song song với phương án này, Bruxelles phải thi hành một chính sách gọi là " an toàn nội tại " bảo vệ an nguy cho doanh nghiệp Châu Âu theo nghĩa vừa gia tăng theo dõi, giám sát đầu tư của Trung Quốc ở nước ngoài, vừa tìm kiếm nhận dạng những nguy cơ đe dọa doanh nghiệp Châu Âu. Mục đích là đặt Trung Quốc vào thế trận phải nhanh chóng cải cách, tuân thủ luật chơi công bằng của thế giới.

Trong cuộc chiến này, Châu Âu không thể hành động đơn độc mà phải phối hợp với các đồng minh có cùng mối ưu tư là Trung Quốc. Bản nghiên cứu đưa thêm giải pháp thứ ba là "chống tình trạng đánh cắp sở hữu trí tuệ, phát minh, sáng chế. Cụ thể là hợp tác chặt chẽ với Mỹ và Nhật theo dõi đầu tư Trung Quốc tại Châu Âu, buộc phải minh bạch, công khai".

Chỉ trích Tập Cận Bình, nhưng bản báo cáo khen ngợi những người chủ trương mở cửa trong các thập niên trước đã giúp cho Trung Quốc từ một nước nghèo được thịnh vượng, nay đủ sức " thực sự trở thành một nền kinh tế thị trường, nếu biết thi hành những nguyên tắc tiến bộ, hoàn chỉnh hơn ".

Chiến lược ba bước của Phòng Thương Mại Châu Âu tại Trung Quốc, theo nhà phân tích Gordon Watts (trên báo mạng Asia Times) tuy mới là đề xuất nhưng có giá trị của một lời khuyến cáo đối với những người lãnh đạo và quyết định chính sách ở Bắc Kinh.

Từ khi gây căng thẳng với Mỹ, tỷ lệ tăng trưởng GDP của Trung Quốc rơi xuống mức thấp kỷ lục từ 30 năm nay : 6,2% trong quý hai 2019. Từ một năm nay, mọi chỉ số kinh tế đều giảm.

Tác giả bản báo cáo kết luận : Trung Quốc có nguy cơ rơi vào khủng hoảng, đã đến lúc Châu Âu phải hành động.

Tú Anh

*******************

Tại Liên Hiệp Quốc, tổng thống Mỹ tấn công Trung Quốc và Iran (RFI, 25/09/2019)

Hôm 24/09/2019, tổng thống Mỹ Donald Trump đã phát biểu trước các lãnh đạo thế giới, nhân Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 74 tại New York.

trump02

Tổng thống Mỹ Donald Trump đăng đàn phiên họp thường niên thứ 74 Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, tại New York ngày 24/09/2019. Reuters/Lucas Jackson

Giọng điệu của tổng thống Mỹ bớt gay gắt hơn những lần trước. Tuy nhiên, ông tiếp tục đả kích tiến trình toàn cầu hóa và không đả động gì đến vấn đề khí hậu. Tổng thống Hoa Kỳ cũng không tiếc lời chỉ trích 2 quốc gia đang đối đầu với Mỹ hiện nay, Trung Quốc và nhất là Iran.

Tấn công Trung Quốc

Ông Donald Trump đã liệt kê tất cả những cung cách làm ăn của Bắc Kinh bị ông cho là sai trái, từ việc áp dụng những rào cản thị trường, trợ cấp cho các doanh nghiệp Nhà nước, thao túng tiền tệ, bán phá giá, cưỡng ép chuyển giao công nghệ cũng như đánh cắp tài sản trí tuệ và bí mật thương mại trên quy mô lớn.

Đối với ông Trump, Tổ Chức Thương Mại Thế Giới đã hoàn toàn sai lầm khi cho rằng việc kết nạp Trung Quốc cách nay 20 năm sẽ thúc đẩy nước này tự do hóa nền kinh tế, tăng cường bảo vệ sở hữu tư nhân và tôn trọng Nhà nước pháp quyền. Trên cơ sở đó, tổng thống Mỹ đã yêu cầu Tổ Chức Thương Mại Thế Giới là phải sửa đổi quy định để chấm dứt việc coi Trung Quốc là một quốc gia đang phát triển như Bắc Kinh vẫn tự nhận.

Đề cập đến vấn đề Hồng Kông, nguyên thủ Mỹ cho rằng Trung Quốc phải tôn trọng các thỏa thuận đã ký với Anh Quốc, cam kết duy trì tự do, hệ thống pháp lý và đời sống dân chủ của lãnh thổ này. Ông cho biết là Mỹ sẽ theo dõi sát các động thái của Bắc Kinh trên vấn đề Hồng Kông.

Đả kích Iran

Ngoài Trung Quốc, Tổng thống Mỹ cũng đã dành những lời lẽ gay gắt nhất cho Iran. Thông tín viên RFI tại New York, Carrie Nooten, tường thuật :

Cho dù không bắt đầu bằng hồ sơ này, nhưng ông Donald Trump đã tập trung lâu nhất vào vấn đề Iran trong phát biểu hôm qua tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc. Tổng thống Mỹ kêu gọi các đồng nhiệm hợp sức lại chống chế độ Tehran, thúc giục Iran đi vào nề nếp. Ông cũng cảnh báo : Cho đến khi nào mà Iran còn tiếp tục có thái độ đe dọa, thì trừng phạt sẽ không được dỡ bỏ, mà còn được tăng cường. Tất cả các nước phải hành động. Không chính quyền nào được trợ giúp một Iran khát máu.

Điều đáng ngạc nhiên là một tổng thống Mỹ đang vận động tranh cử đã lộ diện trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc. Ông Trump đã tổng kết 3 năm tổng thống của ông, nêu các thành tựu về công việc làm, vũ khí, và cũng như đánh vào tim đen các cử tri tầng lớp trung lưu Mỹ : Nếu muốn có tự do thì hãy hãnh diện về đất nước của mình. Nếu muốn dân chủ thì hãy nắm lấy chủ quyền, muốn hòa bình thì hãy yêu thương đất nước mình. Tương lai không thuộc về những người muốn toàn cầu hóa, tương lai thuộc về những người yêu nước.

Giọng điệu này chắc chắn sẽ làm vui lòng nhiều đồng nhiệm chống chủ nghĩa đa phương ngày càng đông ở hội trường Liên Hiệp Quốc.

Mai Vân

Quay lại trang chủ
Read 530 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)